Tuần 15 - Ngày 11/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên, Quảng Ninh, Việt Nam |
29/01/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên
Địa điểm: thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, năm 2017)
Đền Cửa Ông thuộc địa phận phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.
Đền Cặp Tiên nằm cách đền Cửa Ông khoảng 2 km, thuộc địa phận xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.
Đền Cửa Ông
Đền Cửa Ông thờ Hưng Nhượng Đại vương Trần Quốc Tảng (năm 1252 – 1313), là con thứ 3 của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (năm 1228 – 1300, nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia). Trần Quốc Tảng là một tướng lĩnh có nhiều công lao trong trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Đặc biệt, trong trận chiến Vân Đồn - Cửa Lục, ông đã cùng tướng Trần Khánh Dư chỉ huy, đánh tan đạo quân tiếp lương của tướng nhà Nguyên Trương Văn Hổ, mở ra cục diện mới, dẫn đến thắng lợi của quân, dân Đại Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3 vào năm 1288.
Có nhiều điển tích liên quan đến Trần Quốc Tảng, trong đó có câu chuyện về gia tộc vương triều họ Trần.
Yên Sinh vương Trần Liễu (1211 – 1251) vốn có hiềm khích sâu nặng với em ruột là Trần Thái Tông (vị hoàng đế đầu tiên nhà Trần, trị vì năm 1226- 1258). Trước khi chết, Trần Liễu dặn dò con là Trần Quốc Tuấn, cố chiếm lấy thiên hạ. Trần Quốc Tuấn ghi nhận, nhưng trong lòng không cho là phải. Một lần, ông đem chuyện ấy hỏi con là Trần Quốc Tảng. Tảng ấu trĩ, muốn cha thừa cơ mà làm chuyện đó. Trần Quốc Tuấn nổi giận, muốn giết Tảng. Sau nghĩ lại, ông bèn đày Tảng ra trấn giữ Cửa Ông (xưa kia gọi là Cửa Suốt) tại biên giới phía Bắc, cách xa kinh thành, đề phòng chuyện xấu. Song cũng chính điều này lại làm Tảng thay tâm đổi tính, đến khi có giặc xâm lăng, đã gắng sức chống giặc, lập công lớn cho vương triều.
Sau khi Trần Quốc Tảng mất (1313), dân truyền lại thấy ông thường hiển thánh tại khu Vườn Nhãn hay khu vực Cửa Suốt (Cửa Ông ngày nay). Đây là nơi Trần Quốc Tảng khi xưa đóng quân đồn trú bảo vệ tuyến biên giới và lãnh hải phía Đông Bắc Việt Nam. Dân địa phương đã lập biểu tâu lên vua Trần Anh Tông (hoàng đế thứ 5 triều Trần, trị vì năm 1293- 1314), được vua chấp thuận và chu cấp tiền bạc để lập đền tế lễ.
Đền được xây dựng trên địa điểm của một ngôi miếu xưa thờ Hoàng Cần, là người địa phương có nhiều công phá giặc cướp, được các triều vua phong là "Khâm sai Đông đạo Tiết chế".
Truyền rằng, người dân đến đền Cửa Ông cầu xin đều được ứng nghiệm. Đền trở nên linh thiêng khắp vùng Đông Bắc.
Lễ hội Đền Cửa Ông tổ chức ngày 2 tháng 1 âm lịch đến hết tháng 3 âm lịch.
Trong chiến tranh, đền Trung và đền Hạ đã bị bom Mỹ phá hủy.
Đền Cửa Ông đã trải qua lịch sử hơn 700 năm, với nhiều cuộc đại trùng tu. Lần gần nhất hoàn thành cuộc đại trùng tu là vào năm 2017. Đền Hạ và đền Trung đã được phục hồi.
Sơ đồ Quy hoạch tổng mặt bằng, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình chính đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh nhìn ra vịnh Bái Tử Long
Phối cảnh tổng thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Tượng Đức ông Trần Quốc Tảng mới xây dựng tại phía Bắc đền Cửa Ông, Cảm Phả Quảng Ninh
Quần thể đền Cửa Ông hướng về phía Đông, có diện tích khoảng 18,125ha. Phía trước đền là vịnh Bái Tử Long, phía sau là một thung lũng núi. Quần thể đền gồm: Tam quan, đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và các công trình khác.
Tam quan
Tam quan Quần thể đền mới xây dựng trong những năm gần đây, bao gồm 4 trụ biểu bằng đá xanh.
Hai trụ biểu tại giữa cao, đỉnh trụ trang trí tứ phượng; thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. Hai trụ biểu hai bên thấp, đỉnh trụ trang trí con nghê chầu, thân trụ phía trên trang trí các ô lồng đèn, phía dưới trang trí câu đối. Đế của cả 4 trụ biểu đều thắt dạng cổ bồng.
Tam quan đền Cửa Ông,Cẩm Phả, Quảng Ninh
Đền Hạ
Đền Hạ nằm sát ven biển, là nơi thờ Mẫu. Đền mới được xây dựng lại vào thế kỷ 20. Đền gồm hai khối công trình chính là đền Mẫu và đền Trung Thiên Long Mẫu.
Đền Mẫu: xây theo kiệu chữ “nhị”, gồm 2 tòa đặt song song với nhau.
Phía trước đền là một Tam quan, như một bức tường có trang trí phía trước đền.
Tòa Tiền đường hay Bái đường nằm ngay sau Tam quan, gồm 3 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái. Trong ban thờ tại Bái đường, hàng cao nhất chính giữa thờ Ngọc Hoàng Thượng đế, bên phải thờ Nam Tào, bên trái thờ Bắc Đẩu; Ngũ vị Tôn quan và các quan khác.
Tòa Hậu đường hay Hậu cung 3 gian, gian giữa nhô cao tạo thành 2 tầng mái, 4 mái. Hậu cung thờ Tam tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải Phủ).
Đền Trung Thiên Long Mẫu nằm bên trái đền Mẫu, là một tòa nhà 3 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái. Ban thờ tại gian chính giữa, hàng trên cùng là tượng thờ Trung Thiên Long Mẫu, hàng thứ hai thờ Cô Cả Thượng Thiên, bên trái thờ Cô Bơ Thoải cung, bên phải thờ Cô Đôi Thượng ngàn. Ban thờ tại gian phải thờ Thánh Cậu. Ban thờ tại gian trái thờ Cô bé Cửa Suốt.
Tam quan đền Hạ, bên trái đền Hạ là đền Trung Thiên Long Mẫu, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Tiền đường đền Hạ, phía sau Tam quan, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Ban thờ bên trong Tiền đường đền Hạ, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Đền Trung
Đền Trung nằm tại bậc thềm sân giữa đền Hạ và đền Thượng.
Đền mới xây dựng lại vào năm 2016. Đền có mặt bằng hình chữ “đinh” hay chữ T. Tòa Tiền Tế 3 gian, 2 chái, 4 mái. Tòa Hậu đường 1 gian, 2 mái.
Đền Trung thờ Khâm sai Đông đạo Tiết chế Hoàng Cần, là vị thần được thờ tại miếu xưa, trước khi xuất hiện đền Cửa Ông.
Mặt trước tòa Tiền tế đền Trung, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Ban thờ bên trong tòa Tiền tế, đền Trung, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Đền Thượng
Đền Thượng tọa lạc trên một ngọn đồi cao khoảng 100 mét nhìn xuống vịnh Bái Tử Long ở phía Nam, 3 phía xung quanh có núi bao bọc.
Đền Thượng gồm Chính điện, đền Quan Chánh, đền Quan Châu, chùa, lăng Trần Quốc Tảng.
Chính điện đền Cửa Ông có kiến trúc kiểu chữ “công” hay chữ H, gồm:
Tiền đường 3 gian, 2 dĩ, tường hồi bít đốc, 2 mái. Hai bên là hai tòa Tả mạc và Hữu Mạc. Tiền đường là nơi thờ Nguyễn Chế Nghĩa, Lê Phụ Trần... Phía trước Tiền đường là một tòa Phương đình, cột trụ bê tông 2 tầng, 8 mái.
Thiêu Hương hay Tiền Bái 3 gian, 2 mái. Thiêu Hương là nơi thờ Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng và các tướng lĩnh thân cận (Trần Thì Kiến, Trần Khánh Dư, Phạm Ngộ, Hà Đặc…).
Hậu đường hay Hậu cung 3 gian, gian giữa nhô cao tạo thành 2 tầng mái, 4 mái. Hậu đường là nơi thờ Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cùng gia quyến (Phu nhân Trần Hưng Đạo, 2 công chúa con gái Trần Hưng Đạo) và các tướng lĩnh thân cậu (Dã Tượng, Yết Kiêu, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Khoái...).
Kiến trúc đền Thượng có vì kèo cột gỗ kiểu giá chiêng chồng rường, đơn giản, không chạm trổ.
Lăng Trần Quốc Tảng nằm tại phía sau Chính điện.
Đền Cửa Ông gắn liến với tín ngưỡng Tứ phủ công đồng hay Tứ phủ (liên quan mật thiết với tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam). Ngoài Chính điện, tại đây còn có đền Quan chánh, đền Quan châu và chùa.
Đền Quan chánh nằm bên trái Chính điện là nơi thờ Quan Đệ ngũ Tuần Chanh, Quan Đệ nhất Thượng Thiên, Quan Đệ nhị Giám sát Thượng Ngàn.
Đền Quan châu có quy mô nhỏ, nằm bên phải Chính điện.
Chùa nằm trước cửa đền Quan chánh, là nơi thờ Phật, Ngọc Hoàng và Tuệ Trung Thượng sỹ (1230 – 1291, tôn thất hoàng gia, nhà quân sự, tâm linh thời Trần; tước hiệu Hưng Ninh Vương, thiền sư Phật giáo Đại Thừa, đặt nền móng cho Thiền phái Trúc Lâm Đại Việt thế kỷ 13-14).
Hệ thống tượng thờ trong đền Cửa Ông phong phú và có giá trị nghệ thuật điêu khắc. Đây là ngôi đền duy nhất thờ đầy đủ gia thất Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Tại đây lưu giữ 34 pho tượng quý, có giá trị nghệ thuật cao được các nghệ nhân chạm trổ công phu.
Phối cảnh đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Cẩm Phả, Quảng Ninh
Bậc lên tòa Tiền đường đền Thượng; phía trước là Phương đình, Quần thể đền Cửa Ông
Ban thờ phía trước Thiêu Hương và Hậu đường, đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông
Trang trí tại mặt bên tòa Hậu đường, đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Lăng Đức Ông Trần Quốc Tảng phía sau đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Tháp Chuông bên trái đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Chùa nằm bên trái đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Ban thờ Phật bên trong chùa cạnh đền Thượng, Quần thể đền Cửa Ông, Quảng Ninh
Đền Cặp Tiên
Đền Cặp Tiên (còn gọi là đền Cô Bé Cửa Suốt), nằm trên đảo Cặp Tiên, thuộc Quần thể di tích đền Cửa Ông. Tương truyền, đây là nơi thờ công chúa con Trần Quốc Tảng.
Vào thời Nguyễn, một ông Quan chánh được triều đình cử về trông coi vùng này. Ông đã làm được nhiều việc có ích cho dân, ngoài ra còn là người đứng ra góp công, của và huy động người dân trùng tu, sửa sang đền. Để ghi nhớ ơn đức, sau khi ông qua đời, dân đã phối thờ ông tại đền và đền còn được gọi là đền Quan Chánh.
Ngôi đền lưng tựa núi, mặt theo hướng Đông, ra biển.
Đền gồm hạng mục công trình chính: Tam quan, Chính điện, nhà Phương đình, động Sơn Trang và công trình phụ trợ.
Đền chính kiến trúc hình chữ “đinh” hay chữ T, gồm Bái đường và Hậu cung. Bái đường 3 gian, 2 chái, mái 2 tầng, 8 mái.
Nhà Phương đình đặt phía trước Bái đường, 4 cột, mái 2 tầng, 8 mái.
Động Sơn Trang là nơi thờ Mẫu.
Trong khuôn viên đền có giếng Tiên, nằm ngay bên bờ biển, luôn đầy nước. Thuỷ triều lên ngập giếng, nhưng khi thủy triều xuống, nước giếng lại ngọt trở lại. Dân trong vùng và người đi biển đều quý giếng nước này.
Tam quan đền Cặp Tiên, Vân Đồn, Quảng Ninh
Tòa Bái đường và Phương đình, đền Cặp Tiên, Vân Đồn, Quảng Ninh
Bên trong động Sơn Trang, đền Cặp Tiên, Vân Đồn, Quảng Ninh
Đền Cửa Ông và đền Cặp Tiên, Quảng Ninh gắn với các truyền thuyết và danh nhân tiêu biểu thời Trần, có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc. Đền Cửa Ông là một trong những di tích nhà Trần nổi tiếng ở vùng Đông Bắc Việt Nam.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%
BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_C%E1%BB%ADa_%C3%94ng
https://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A7n_Qu%E1%BB%91c_T%E1%BA%A3ng
https://www.youtube.com/watch?v=BBxEM5a1CfE
http://campha.edu.vn/thtranquoctoan/B%E1%BA%A3n%20thuy%E1%BA%BFt%20
minh%20v%E1%BB%81%20%C4%90%E1%BB%81n%20C%E1%BB%
ADa%20%C3%94ng.pdf
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_C%E1%BA%B7p_Ti%C3%AAn
- Xem video giới thiệu công trình tại đây
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 31/01/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đền Hùng, Phú Thọ, Việt Nam
- Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Sông Lô, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương, Việt Nam
- Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Trần, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
- Đền Lý Bát Đế , Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Nhà 87 Mã Mây, Khu phố cổ Hà Nội, Việt Nam
- Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, thành phố Lahore, Pakistan
- Vườn Ba Tư, Iran
- Quần thể Persepolis, Shiraz, Iran
- Quảng trường Meidan Emam, Isfahan, Iran
- Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
|