Thông tin chung:
Công trình: Chùa Keo Hành Thiện (Keo Pagoda in Xuan Truong, Nam Dinh province, Vietnam)
Địa điểm: Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, VIệt Nam (20°20′32″B 106°19′18″Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 2 công trình: Chùa Keo Trong và chùa Keo Ngoài
Thời gian hình thành: Thế kỷ 17,18
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật (năm 2016)
Tương truyền, chùa Keo (Nghiêm Quang tự/Thần Quang tự) do Thiền sư Dương Không Lộ (năm 1016 – 1094) xây dựng. Thiền sư quê tại hương Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định), xuất thân làm nghề chài lưới, năm 29 tuổi đi tu. Thiền sư đã từng đã từng sang Tây Trúc tu luyện đạo Phật. Năm 1061, dưới thời vua Lý Thánh Tông (hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì từ năm 1054 – 1072), Thiền sư về nước và xây dựng chùa Nghiêm Quang ở ven sông Hồng, tại quê hương ông. Sau đó, Thiền sư chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái Thiền Việt Nam. Nhờ có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông, ông được phong làm quốc sư triều Lý. Năm 1167, vua Lý Anh Tông (hoàng đế thứ 6 triều Lý, trị vì năm 1138- 1175) xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tưởng nhớ đến Thiền sư Dương Không Lộ.
Vì Giao Thủy có tên Nôm là Keo, nên ngôi chùa còn được gọi là chùa Keo. Mô tả quang cảnh chùa Thần Quang thời Lý ở hương Giao Thủy, văn bia còn ghi lại: “Nơi thờ Phật nước Nam đâu đâu cũng có, nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở vùng Dũng Nhuệ, làng Giao Thủy (tên nôm là làng Keo) là nơi danh thắng bậc nhất từ Bắc tới Nam...”
Sau gần 500 năm tồn tại, năm 1611, nước sông Hồng lên to, làm ngập làng Giao Thủy. Một bộ phận dân cư dời đi nơi khác, lập thành làng Hành Thiện, xây dựng nên ngôi chùa Keo mới, thường gọi là chùa Keo Dưới (Keo Hạ) hay chùa Keo Hành Thiện (nay ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định). Một bộ phận dân cư dời sang tả ngạn sông Hồng, lập làng Dũng Nhuệ trên đất Thái Bình và cũng dựng lên một ngôi chùa, gọi là chùa Keo Trên (Keo Thượng), chùa Keo Vũ Thư, Thái Bình.
Làng Hành Thiện nằm gần ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ. Đây là một ngôi làng nổi tiếng với tên gọi là “Làng Cá Chép” vì có hình dáng như cá chép (Lý Ngư) và có truyền thống văn hóa được nhiều người biết đến. Đây cũng cũng như là quê hương của nhiều nhân vật được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam. Năm 1823, vua Minh Mạng (hoàng đế thứ 2 triều Nguyễn, trị vì từ 1820 – 1841) cho đổi tên làng xưa Hành Cung thành Hành Thiện với ý nghĩa "Nơi chỉ làm những điều lành, điều thiện" và ban cho làng 4 chữ "Mỹ tục khả phong".
Làng Hành Thiện là quê hương của Trường Chinh (Đăng Xuận Khu, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, lần 1 vào năm 1941 – 1956, lần 2 vào năm 1986).
Tại làng địa linh nhân kiệt Hành Thiện có 2 chùa mang tên chùa Keo Hành Thiện: Chùa Keo trong (Thần Quang tự, trong hình vẽ tại vị trí C2) và chùa Keo ngoài (Đĩnh Lan tự, trong hình vẽ tại vị trí C1).
Sơ đồ làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định với tên gọi là “Làng Cá Chép”
Vị trí chùa Keo Trong ( chùa Thần Quang) - ký hiệu C2 và chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan) - ký hiệu C1 tại làng Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định
Chùa Keo Trong
Chùa Keo Trong hay chùa Thần Quang được xây dựng hoàn chỉnh và có dáng dấp như ngày nay vào năm 1612.
Trong 400 năm tiếp theo, chùa nhiều lần được tu bổ lớn như vào các năm 1671, 1704, 1896 và sau này được tôn tạo nhiều lần. Được khởi công xây dựng trước, kiến trúc chùa Keo Hành Thiện Nam Định (chùa Keo Dưới) có ảnh hưởng rất lớn đến chùa Keo Vũ Thư Thái Bình (chùa Keo Thượng). Ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, chùa Thần Quang còn lưu giữ, bảo tồn những di vật cổ có giá trị của thế kỷ 17 thời Hậu Lê. Đó là những án thư, sập thờ, tượng pháp nhiều chuông, khánh, văn bia cổ, hoành phi câu đối và sách chữ Hán nói về chùa Keo.
Chùa Keo Hành Thiện không có sư trụ trì. Ngay từ khi xây dựng chùa, đã có một quy định: Cứ 5 hộ dân trong làng lập thành một nhóm thay phiên nhau trông nom, làm lễ và hướng dẫn du khách tham quan. Có nhiều lý giải rất khác nhau về điều này. Song có thể đây lại là ý định của tiền nhân rằng: Thời bấy giờ, Phật giáo và Thần đạo Việt hòa làm một; Ngôi chùa thờ Phật và ngôi đền thờ Thánh bản địa hòa làm một. Chùa Keo Hành Thiện thiên về một ngôi đền thờ Thiền sư Dương Không Lộ hơn là một ngôi chùa thờ Đức Phật.
Chùa nằm ở giữa làng, trục chính gần theo hướng Bắc – Nam. Phía trước chùa có hồ Bán nguyệt.
Mặt bằng chùa theo kiểu "Nội công ngoại quốc" và “Tiền Phật, hậu Thánh”, gồm các hạng mục công trình chính: Tam quan ngoại; Tam quan nội kết hợp Gác chuông; Khu thờ Phật; Khu thờ Thánh; Nhà thờ Tổ; Hành lang Tả vu và Hữu vu và các công trình phụ trợ khác.
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt dọc chùa Keo Trong ( chùa Thần Quang), Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định
Phối cảnh tổng thể chùa Keo Trong ( chùa Thần Quang), Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định
Tam quan ngoại
Tam quan ngoại xây kiểu tường hồi bít đốc, dài 7,60m, rộng 6,90m, cao 5,60m, gồm 3 gian: gian giữa rộng 3,30m, hai gian bên rộng 2,15m. Bộ khung chịu lực của tam quan được kết cấu với 4 bộ vì kiểu 3 hàng chân cột; kết cấu vì gỗ được liên kết bởi các trụ, xà, con rường, bẩy hiên, phía trên là hệ thống hoành, rui gỗ, mái lợp ngói di nhỏ. Theo phong cách xây dựng và đặc biệt là dòng chữ Hán khắc trên cấu kiện mái, Tam quan được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20.
Tam quan ngoại và hồ Bán nguyệt phía trước chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Tam quan nội kiêm Gác chuông
Tam quan nội kiêm Gác chuông được xây sát đường đi, gần hồ nước, mặt bằng hình chữ nhật, dài 12m, rộng 6,55m, gồm 3 gian 2 chái, 2 tầng, 2 lớp mái với 8 mái theo kiểu chồng diêm. Kết cấu khung gồm 6 bộ vì kiểu 4 hàng chân với 8 cột cái, đường kính 54cm và 16 cột quân, đường kính 35cm. Trên các cấu kiện gỗ trang trí các bức chạm khắc với các chủ đề rồng, hoa sen…, mang đậm phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê, thế kỷ 17.
Gác chuông chùa Keo Hành Thiện tuy không có quy mô lớn như Gác chuông chùa Keo Thái Bình, song là một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc Tam quan và Gác chuông, mang đậm yếu tố thuần Việt. Đây có thể coi là một trong những Tam quan - Gác chuông sớm, đẹp nhất ở Việt Nam.
Mặt trước Tam quan nội kết hợp Gác chuông, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Mặt sau Tam quan nội kết hợp Gác chuông, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Phối cảnh Tam quan nội kết hợp Gác chuông, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Bên trong Tháp chuông với chuông và chiêng đồng, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Khu thờ Phật
Khu thờ Phật cách Tam quan nội một khoảng sân gạch. Khu thờ Phật hay Tam tòa gồm 3 tòa nối với nhau tạo thành hình chữ “Công’ hay chữ H: tòa Bái đường, tòa Thiêu hương và tòa Chính điện.
Tòa Bái đường 5 gian, Thiêu hương 3 gian, Thượng điện 3 gian mái cong. Trên các cấu kiện gỗ trang trí các bức chạm khắc với các chủ đề rồng, phượng, mây, sóng nước, hoa… mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
Phối cảnh Khu thờ Phật, phía sau là Khu thờ Thánh, dọc hai bên là hành lang, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Tòa Bái đường Khu thờ Phật (hai cổng ngách mới xây thêm). Những cái lỗ trên các cối đá giữa sân là nơi cắm lọng cho ngày lễ hội.
Khu thờ Phật, phía sau là Khu thờ Thánh, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Khu thờ Phật, nhìn từ phía sau, tòa Thượng điện và sân trước Khu thờ Thánh, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Ban thờ Phật trong Thượng điện, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Khu thờ Thánh
Khu thờ Thánh cách tường hậu Thượng điện Khu thờ Phật một khoảng sân rộng hơn 10m. Đây là nơi thờ Thiền sư Không Lộ (Lý Quốc Sư), là sự kết hợp 2 tín ngưỡng: Phật giáo (ngoại nhập) và Thần đạo (nội sinh) phổ biến tại các ngôi chùa Việt Nam. Khu thờ Thánh cũng có mặt bằng hình chữ H, gồm 3 tòa: Bái đường 5 gian Thiêu hương và Điện thờ 3 gian.
Khu thờ Thánh có quy mô tương tự như Khu thờ Phật, chỉ khác là chiều rộng tòa Bái đường hẹp hơn với 3 dãy cột, còn Bái đường Khu thờ Phật là 4 dãy cột.
Cũng như Khu thờ Phật, tại đây có các mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, cột và kết cấu mái với đề tài phong phú như rồng, lân, phượng, hoa cúc….mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17.
Nhìn từ phía trong Khu thờ Thảnh ra phía cổng, chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Các công trình khác
Nhà Tổ nối vuông góc với hành lang, có mặt bằng hình chữ nhật, gồm 3 gian, dài 6,30m, rộng 6,10m.
Hành lang Ta vu và Hữu vu bố trí đối xứng hai bên Khu thờ Phật, Khu thờ Thánh. Mỗi dãy có 38 gian, dài khoảng 86m, rộng 3m nối liền từ Tam quan nội, dọc theo chiều sân, đến khu nhà Tổ, nhà phục vụ, tạo thành hệ thống hành lang bao quanh toàn bộ chùa.
Ngoài ra trong chùa còn có các công trình phụ trợ được xây dựng trong những năm gần đây: Phủ Mẫu, Nhà khách, Nhà để đồ tế lễ, Nhà bế.
Chạm khắc gỗ trang trí tại chùa Keo Trong (chùa Thần Quang), Hành Thiện, Nam Định
Chùa Keo Ngoài
Chùa Keo Ngoài hay chùa Đĩnh Lan được xây dựng muộn hơn so với chùa Keo Trong (chùa Thần Quang). Có nhiều văn bản về thời gian xây dựng chùa, trong đó có văn bản cho rằng chùa được xây dựng vào năm 1787.
Năm 1783 xây dựng bổ sung Gác chuông và đúc tượng Đức Thánh mẫu (Phật bà Quan Âm Nam Hải).
Năm 1856 chùa được trùng tu lại với quy mô lớn.
Những năm sau này chùa được bổ sung thêm hai dãy hành lang, xây nhà thờ Tổ và được trung tu tôn tạo lại nhiều lần.
Theo truyền thuyết, vào năm 1787, có một pho tượng gỗ trôi trên sông, dạt vào bờ. Người dân vớt lên, rước về thờ trong một ngôi đền nhỏ, mái lợp cỏ. Có vị trướng trước khi ra trận tới đây cầu xin, được linh ứng và thắng giặc trở về. Từ đó, dân làng dựng chùa (đền) thờ Thánh Mẫu. Do trên vai bức tượng có khắc hai chữ Đĩnh Lan nên dân làng đặt hiệu cho chùa là Đĩnh Lan tự.
Chùa nằm gần rìa phía Bắc của làng Hành Thiện (gần cuối “Đuôi cá”), trên khuôn viên có diện tích không lớn, khoảng 3600m2, quay mặt về hướng Đông Bắc.
Chùa cũng có bố cục gồm: Tam quan; Chùa chính; Gác chuông; Nhà thờ Tổ và các công trình phụ trợ khác. Công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật cao là Chùa chính và Gác chuông.
Tam quan chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan), Hành Thiện, Nam Định
Chùa chính
Chùa chính là nơi thờ đức Phật Như Lai và đức Thánh Mẫu. Khu chùa có mặt bằng kiểu chữ “Công “ hay chữ H, gồm; Bái đường, Thiêu hương, Thượng điện.
Tòa Bái đường 5 gian, dài 10,30m, rộng 3,80m. Bộ khung bằng gỗ lim kiểu 4 hàng chân cột, mỗi vì gồm 2 cột cái và 2 cột quân. Bao quanh công trình kiến trúc là hệ thống ván bưng, cửa bằng gỗ lim.
Tòa Thiêu Hương nối tiếp với tòa Tiền đường, 2 gian, dài 10m, rộng 3,90m. Đây là hạng mục kiến trúc được liên kết theo dạng ống muống để nối Tiền đường với Thượng điện. Bộ khung tòa Thiêu hương có 4 hàng chân cột với các bộ vì kiểu chồng rường. Thượng điện 1 gian 2 chái, dài 6m, rộng 4m, kiến trúc tương tự như tòa Tiền đường.
Tại đây có các mảng chạm khắc tinh xảo trên cửa, cột và kết cấu mái với đề tài phong phú như rồng, lân, nghê, mặt nguyệt …mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 18, cuối thời Hậu Lê.
Tòa Bái đường, chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan), Hành Thiện, Nam Định
Phối cảnh tòa Thượng điện, phía trước là Bái đường, bên trái là Gác chuông, chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan), Hành Thiện, Nam Định
Ban thờ Phật trong tòa Thượng điện, chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan), Hành Thiện, Nam Định
Gác chuông
Gác chuông nằm về phía sau tòa Thượng điện 1,60m, dựng trên nền đất cao hình chữ nhật với kích thước 6,7m x 5m, được làm bằng gỗ lim, kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Phần chịu lực chính của công trình đặt vào 2 cột cái có kích thước cao 3,90m, đường kính 30cm, xung quanh có 10 cột quân, đường kính 20cm.
Chuông đồng treo tầng trên cao 1,2m. Khánh đá treo tầng dưới hình cá chép, dài 167cm, cao 67cm, dày 16cm.
Gác chuông được xây dựng vào cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Trang trí tương tự như Gác chuông chùa Keo Trong (Thần Quang tự), song không tinh xảo bằng.
Gác chuông, chùa Keo Ngoài (chùa Đĩnh Lan), Hành Thiện, Nam Định
Ngoài giá trị tiêu biểu về kiến trúc và cảnh quan, chùa Keo Trong và chùa Keo Ngoài hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật mang giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, khoa học và thẩm mỹ của thế kỷ 17, 18 như: hệ thống tượng pháp, bia ký, sắc phong, nhang án, kiệu, chuông, khánh, hoành phi, câu đối…Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân gian và Thần đạo Việt Nam.
Trải qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Keo Hành Thiện (chùa Keo Trong - Thần Quang tự và chùa Keo Ngoài - Đĩnh Lan tự) tại Xuân Trường, Nam Định, cùng với chùa Keo Vũ Thư, Thái Bình trở thành một trong những ngôi chùa nổi tiếng Việt Nam. Chùa được đánh giá là một quần thể kiến trúc tôn giáo có giá trị đặc sắc của thế kỷ 17, 18 được công nhân là Di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật năm 2016.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Vi%E1%BB%87t_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_
%C4%91%E1%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_Keo_H%C3%A0nh_Thi%E1%BB%87n
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0nh_Thi%E1%BB%87n_(l%C3%A0ng)
http://dsvh.gov.vn/di-tich-kien-truc-nghe-thuat-chua-keo-hanh-thien-2997
http://www.hanhthien.net/news/view/95/Dinh-Lan-tu.html
https://sites.google.com/site/familydangvu/hanh-thien/cartes
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|