Thông tin chung:
Công trình: Khu khảo cổ Agrigento (Archaeological Area of Agrigento)
Địa điểm: Tỉnh Agrigento, vùng Sicily, Italia (N37 17 23 E13 35 36)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 934 ha; diện tích vùng đệm 1.869 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1997 hạng mục i, ii, iii, iv)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.
Bản đồ Italia và vị trí của tỉnh Agrigento, vùng Sicily, Italia
Agrigento (Akragas) là một thành phố trên bờ biển phía nam của Sicily, Ý và là thủ phủ của tỉnh Agrigento. Thành phố có diện tích khoảng 245,32 km2, trên độ cao 230 so với mực nước biển; dân số khoảng 60 ngàn người (năm 2016).
Agrigento là một trong những thành phố hàng đầu tại vùng Magna Graecia trong thời kỳ hoàng kim của Hy Lạp cổ đại. Magna Graecia là tên do người La Mã đặt cho các khu vực ven biển miền Nam nước Ý thuộc các vùng Calabria, Apulia, Basilicata, Campania
và Sicily ngày nay của Ý.
Những vùng này có đông đảo người định cư Hy Lạp sinh sống. Họ đến đây vào thế kỷ thứ 8 TCN, mang theo nền văn minh Hy Lạp. Nền văn minh này đã để lại dấu ấn lâu dài ở Ý và có ảnh hưởng đến một số dân tộc bản địa. Những dân tộc này sau khi bị Hy Lạp hóa đã tiếp nhận văn hóa Hy Lạp làm của riêng mình.
Những người thực dân Hy Lạp ở Magna Graecia đã xây dựng nên một nền văn minh ở trình độ cao, có những đặc điểm riêng biệt, do khoảng cách với quê hương Hy Lạp và ảnh hưởng của các dân tộc bản địa ở miền nam nước Ý.
Chính quyền ở dạng thị quốc hay thành bang (poleis) do tầng lớp quý tộc quản lý.
Thị quốc này là nơi tranh chấp giữa người La Mã và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) từ những năm 262 TCN.
Vào năm 205 TCN, Thị quốc Magna Graecia bị người La Mã chiếm và sáp nhập vào Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN). Thành phố đổi tên thành Agrigentum, mặc dù nó vẫn là một cộng đồng chủ yếu nói tiếng Hy Lạp trong nhiều thế kỷ sau đó. Địa điểm này trở nên thịnh vượng và cư dân của nó nhận được đầy đủ quyền công dân La Mã.
Agrigento cổ đại bao phủ một khu vực rộng lớn. Phần lớn trong số đó vẫn chưa được khai quật cho đến ngày nay, được gọi là "Thung lũng của những ngôi đền" (Valle dei Templi). Thuật ngữ "thung lũng" là một cách gọi thể hiện sự tập trung của các ngôi đền Hy Lạp. Địa điểm này nằm trên một sườn núi bên ngoài thị trấn Agrigento, giữa ngã ba sông Hypsas và Akragas.
Khu khảo cổ Agrigento (Archaeological Area of Agrigento), Thung lũng các ngôi đền (Valle dei Templi) bao phủ lãnh thổ rộng lớn của thị quốc (polis) cổ, từ vách đá Atenea (Rupe Atenea) đến tường thành ban đầu của thành phố cổ, cũng như ngọn đồi linh thiêng trên nơi có những ngôi đền Doric, cho đến nghĩa địa ngoại thành.
Các ngôi đền được xây dựng, về thời gian và phong cách thuộc về thời kỳ Archaic
Doric (Archaic Doric period). Archaic là thời kỳ Hy Lạp cổ đại (Archaic Greece) kéo dài từ năm 800 TCN đến năm 480 TCN.
Doric hay thức Doric (Doric order) là một trong ba thức của kiến trúc Hy Lạp cổ đại
và La Mã sau này, cùng với Ionic và Corinthian. Doric được nhận biết dễ dàng nhờ khối tròn đơn giản ở đầu cột. Thức cột có nguồn gốc từ vùng Doric, phía tây Hy Lạp. Kiến trúc sư cổ đại và nhà sử học kiến trúc Vitruvius (người La Mã, năm 80/70- 15 TCN) liên kết Doric với tỷ lệ nam tính (Ionic đại diện cho nữ tính).
Được thành lập như một thuộc địa của Hy Lạp vào thế kỷ thứ 6 TCN, Agrigento trở thành một trong những thành phố hàng đầu ở khu vực Địa Trung Hải.
Uy quyền và niềm tự hào của nó được thể hiện qua tàn tích của những ngôi đền Doric tráng lệ thống trị thị trấn cổ. Phần lớn trong số đó vẫn còn nguyên vẹn dưới những cánh đồng và vườn cây ăn trái ngày nay. Các khu vực khai quật đã tiết lộ thị trấn cuối thời kỳ Hy Lạp hóa và La Mã, cũng như các tập tục chôn cất của cư dân Cơ đốc giáo đầu tiên ở đó.
Agrigento có một vị trí đặc biệt trong số các địa điểm cổ điển trong lịch sử thế giới cổ đại vì cách bảo tồn địa điểm ban đầu, điển hình cho các khu định cư thuộc địa Hy Lạp, cũng như tàn tích đáng kể của một nhóm tòa nhà từ thời kỳ đầu, không bị các cấu trúc sau này che phủ hoặc bị biến đổi để phù hợp với thị hiếu và tín ngưỡng sau này.
Sơ đồ mặt bằng các ngôi đền Hy Lạp
Sơ đồ thức cột Doric tại ngôi đền Hy Lạp - La Mã
Một bức tranh vẽ đô thị cổ Agrigento, vùng Sicily, Italia vào năm 406 TCN
Hình vẽ miêu tả “Thung lũng của những ngôi đền” nằm bên trên một sườn núi, Agrigento, Italia
Khu khảo cổ Agrigento, vùng Sicily, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1997) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Dãy đền Doric vĩ đại là một trong những di tích nổi bật nhất của nghệ thuật và văn hóa Hy Lạp, là một trong những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Khu vực khảo cổ Agrigento thể hiện sự giao lưu quan trọng về giá trị nhân văn của nhân loại; là một trong những thành phố hàng đầu ở khu vực Địa Trung Hải với bằng chứng nổi bật về ảnh hưởng của kiến trúc Hy Lạp.
Tiêu chí (iii): Là một trong những thành phố vĩ đại nhất của khu vực Địa Trung Hải cổ đại, Agrigento được coi là minh chứng đặc biệt của nền văn minh Hy Lạp, trong tình trạng được bảo tồn đặc biệt.
Tiêu chí (iv): Các ngôi đền trong khu vực tiêu biểu cho kiến trúc Hy Lạp và là một trong những đại diện đặc biệt nhất của kiến trúc Doric trên thế giới.
Sơ đồ phạm vi Di sản Khu khảo cổ Agrigento, vùng Sicily, Italia
Sơ đồ tổng mặt bằng Di sản Khu khảo cổ Agrigento, vùng Sicily, Italia
Sơ đồ Công viên khảo cổ và cảnh quan Thung lũng các ngôi đền tại Agrigento, Italia
Ghi chú: I–IX Cổng thành; 1) Đền thờ Hephaestus; 2) Kolymbéthra; 3) Thánh địa của các vị thần Chthonic với Đền thờ Dioscuri và Đền L; 4) Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian; 5) Lăng mộ của Theron và Nghĩa địa Hy Lạp-La Mã; 6) Đền thờ Asclepius; 7) Đền Hercules; 8) Đền Concordia và Nghĩa địa Kitô giáo thời kỳ đầu; 9) Đền thờ Hera; 10) Vương cung thánh đường; 11) Khu bảo tồn đá Demeter; 12) Đền thờ Demeter; 13) Khu Hy Lạp-La Mã; 14) Bảo tàng Khảo cổ và San Nicola; 15) Ekklesiasterion và Nhà thờ của Phalaris; 16) Bouleuterion; 17) Đền Athena; 18 Đền Zeus
Thung lũng các ngôi đền
Các ngôi đền Hy Lạp của vùng Magna Graecia, tập trung tại Thung lũng các ngôi đền (Valle dei Templi), một phần của Đô thị cổ Agrigentum (Akragas Hy Lạp cổ đại và Agrigento hiện đại).
Đây là Công viên khảo cổ và cảnh quan với diện tích 1300 ha, là công viên khảo cổ lớn nhất ở châu Âu và khu vực Địa Trung Hải.
Thung lũng có 7 ngôi đền Hy Lạp hoành tráng theo phong cách Doric, được xây dựng trong thế kỷ thứ 6 - 5 TCN. Hiện đã được khai quật và khôi phục một phần, chúng tạo thành một số tòa nhà Hy Lạp cổ đại lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất bên ngoài Hy Lạp.
Đền Hephaestus
Đền Hephaestus (Temple of Hephaestus, hình vẽ ký hiệu 1) hay Đền thờ Vulcan (Temple of Vulcan) nằm tại phía tây Khu vực Di sản.
Hephaestus là vị thần Hy Lạp của các nghệ nhân, thợ rèn, thợ mộc, thợ thủ công, lửa, luyện kim, gia công kim loại, điêu khắc và núi lửa. Theo thần thoại La Mã cổ đại, tương đương với Thần Hephaestus là Thần lửa Vulcan, vị thần của núi lửa, sa mạc, gia công kim loại và lò rèn La Mã cổ đại.
Đền có niên đại vào khoảng năm 430 TCN, được cho là một trong những công trình kiến trúc hoành tráng nhất trong Thung lũng các ngôi đền; Tuy nhiên, hiện công trình là một trong những địa điểm bị tàn phá nhiều nhất.
Đền Hephaestus là một ngôi đền Doric kiểu Peripterotic (Peripteral), dài 43m, rộng 20,85m đặt trên một bệ nền có 4 bậc. Công trình có 6 cột ở cạnh ngắn và 13 cột ở cạnh dài, tổng cộng 34 cột.
Tàn tích Đền chỉ còn lại phần bệ và một phần của 2 cột Doric.
Tàn tích Đền Hephaestus, Agrigento, Italia
Đền Castor và Pollux
Đền Castor và Pollux (Temple of Castor and Pollux) hay Đền Dioscuri (Temple of the Dioscuri, hình vẽ ký hiệu 3), nằm tại phía nam của Khu vực Di sản và cùng với Đền L (Temple L) thuộc Thánh địa của các vị thần Chthonic (Sanctuary of the chthonic gods); nằm gần Cổng thành cổ V, kề liền phía bắc là Vườn Kolymbetra.
Castor và Pollux là anh em song sinh cùng cha khác mẹ trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, được gọi chung là Dioscuri; là vị thần bảo trợ của thủy thủ và nghề cưỡi ngựa.
Đền Castor và Pollux là một ngôi đền Doric kiểu Peripterotic (Peripteral), dài 31m, rộng 13,39m; có 6 cột ở cạnh ngắn và 13 cột ở cạnh dài, tổng cộng 34 cột.
Mặc dù tàn tích chỉ còn 4 cột, nhưng hiện tại Đền là một trong những biểu tượng của Đô thị cổ Agrigento, cùng với Đền Concordia.
Đền Dioscuri đã bị người Carthage đốt cháy vào năm 406 TCN.
Phần còn lại của Đền là hình dạng được phục dựng từ năm 1836- 1852.
Thánh địa của các vị thần Chthonic là nơi còn sót lại nhiều tòa nhà khác nhau dành riêng cho việc thờ cúng các vị thần. Ngoài Đền Dioscuri, tại đây còn có Đền thờ thần Zeus và những ngôi đền nhỏ thờ các vị thần Chthonic (liên quan đến đất, đối lập với các vị thần Olympic, liên quan đến trên mặt đất, bầu trời).
Tổng mặt bằng Thánh địa của các vị thần Chthonic với Đền thờ Dioscuri và Đền L; phía trên ảnh là Vườn Kolymbetra, Agrigento, Italia
Tàn tích Đền thờ Dioscuri, Agrigento, Italia
Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian
Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian (Temple of Olympian Zeus, hình vẽ ký hiệu 4) nằm kề liền phía tây của Đền thờ Heracles.
Trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Thần Zeus là thần bầu trời và sấm sét, người cai trị với tư cách là vua của các vị thần trên đỉnh Olympus.
Trong thần thoại của người La Mã, Thần Zeus tương đương với Thần Jupiter.
Đền được xây dựng vào năm 480 TCN để kỷ niệm chiến thắng của Thị quốc trước Đế chế Carthage.
Đây là ngôi đền Doric lớn nhất từng được xây dựng tại đảo Sicily. Ngôi đền chưa bao giờ được hoàn thành và bị bỏ hoang sau cuộc xâm lược của người Carthage vào năm 406 TCN. Ngôi đền bị đổ do động đất và vào thế kỷ 18 đã bị khai thác để cung cấp vật liệu xây dựng cho thị trấn hiện đại Agrigento và Porto Empedocle gần đó.
Ngày nay, Đền chỉ còn tồn tại như một bệ đá rộng, chất đầy những cột trụ và khối đá đổ nát.
Đền nằm theo hướng đông – tây. Có hai cửa ra vào nhỏ tại mặt phía tây.
Đó là một ngôi đền theo phong cách Doric, nhưng khác với thiết kế tiêu chuẩn đã được thiết lập cho các ngôi đền Doric vào thời điểm này. Ngôi đền có hình dáng gần giống với kiểu Psoidoperipteral, song khác biệt cơ bản là các cột đều được nối với nhau bằng các bức tường.
Đền có chiều dài 112,70m, rộng 56,30, cao 20m, đặt trên một bệ nền gồm 5 bậc (crepidoma; bậc cao nhất là stylobate, là bệ cho các cột; bậc thấp nhất là stereobates), cách mặt đất khoảng 4,5m.
Công trình được bao quanh bởi các hàng cột. Có 7 cột tại cạnh ngắn và 14 cột tại cạnh dài, tổng cộng 38 cột. Bên trong có 2 hàng cột, mỗi hàng 12 cột, chia nhà thành 3 nhịp. Các hàng cột đều được nối với nhau bởi các bức tường nằm giữa cột, cho phép nửa cột, dạng tròn, nhô ra phía ngoài.
Do Đền có kích thước lớn, nên đòi hỏi phải áp dụng một số giải pháp kỹ thuật tiên tiến thời bấy giờ. Trong đó có việc sử dụng Telamon, tượng nam giới, làm cột chống gia cố cho công trình. Những bức tượng khổng lồ này được đặt giữa các cột cao khoảng 7,5m. Tượng khỏa thân, xen kẽ giữa tượng có râu và tượng không có râu. Tư thế tượng với cánh tay và cổ cong, tạo hình tượng như đang đỡ kết cấu mái nặng nề của Đền.
Theo các nhà sử học, Đền thờ thần Zeus được trang trí lộng lẫy ở cả hai mặt.
Ban thờ của Đền thờ nằm tại phía đông, là bàn thờ lớn nhất trong toàn bộ thế giới Hy Lạp. Đây là nơi tổ chức các lễ hội hiến tế cho các vị thần Olympia, thường được thực hiện vào ban ngày. Động vật được sử dụng cho hiến tế chủ yếu là cừu và bò.
Tổng mặt bằng tàn tích Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, phía dưới, bên phải ảnh, là tàn tích Đền thờ Heracles, Agrigento, Italia
Tàn tích Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Sơ đồ mặt bằng Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Hình vẽ mặt tiền phía tây Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Sơ đồ một đoạn mặt tiền Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Mô hình Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Tàn tích Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Tàn tích của một bức tượng Telamon, Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympian, Agrigento, Italia
Đền Asclepius
Đền Asclepius (Temple of Asclepius, hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía nam Khu vực Di sản, cách xa bức tường của Thị trấn cổ.
Asclepius là một anh hùng và vị thần y học trong tôn giáo và thần thoại Hy Lạp cổ đại. Từ thế kỷ 5 TCN việc sùng bái Asclepius trở nên rất phổ biến và những người hành hương đổ xô đến những ngôi đền thờ ông để xin chữa khỏi bệnh.
Việc chữa bệnh tuân theo một quy trình: Đầu tiên, người xin chữa bệnh tham gia nghi lễ thanh tẩy; Tiếp đó là dâng lễ vật hoặc vật hiến tế cho Thần; Người xin chữa bệnh qua đêm ở nơi linh thiêng nhất của thánh đường với hy vọng có một giấc mơ; Giấc mơ đó sẽ được báo cho một linh mục; Từ đây, vị linh mục sẽ chỉ định liệu pháp chữa bệnh thích hợp.
Để vinh danh Thần Asclepius, một loại rắn không độc đặc biệt (Aesculapian, loại rắn nước, sau này trở thành biểu tượng của y học phương Tây) được sử dụng. Những con rắn này trườn tự do trên sàn nơi người bệnh ngủ. Trong giấc mơ, người bệnh có thể thấy các con rắn này tham gia chữa bệnh bằng cách liếm các vết thương.
Tòa nhà, theo phong cách Doric, có mặt bằng hình chữ nhật. Trong khu vực Đền Asclepius, các cuộc khai quật đã phát hiện ra dấu vết của nhiều loại công trình khác nhau. Bao gồm phần còn lại của một bàn thờ hiến tế, một tòa nhà nhỏ với tiền sảnh và nơi gửi lễ vật vàng mã của những người hành hương. Trong khu vực xung quanh ngôi Đền, người ta đã tìm thấy dấu tích của hai mái cổng có cột, một đài phun nước và một số tòa nhà nơi du khách chờ các bước tiếp sau nghi lễ thanh tẩy.
Tàn tích Đền Asclepius, Agrigento, Italia
Đền thờ Heracles
Đền thờ Heracles (Temple of Heracles/ Temple of Hercules, hình vẽ ký hiệu 7), nằm tại phía nam Khu vực Di sản, cạnh Cổng thành cổ IV, là một trong những cổng quan trọng nhất của thành phố vì dẫn ra biển.
Heracles là vị thần giữ cổng Đỉnh Olympus, thần của sức mạnh, anh hùng, thể thao, vận động viên, y tế, nông nghiệp, khả năng sinh sản, thương mại, nhà tiên tri, bảo vệ sự thiêng liêng của nhân loại.
Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất trong số các ngôi đền Akragantine của Hy Lạp, có niên đại vào những năm cuối của thế kỷ thứ 6 TCN.
Đền nằm theo hướng đông – tây. Ban thờ nằm tại mặt phía đông.
Đền thờ Heracles là một ngôi đền Doric kiểu Peripterotic (Peripteral) với tỷ lệ thon dài bất thường, dài 67m và rộng 25,34m; có 6 cột ở cạnh ngắn và 15 cột ở cạnh dài, tổng cộng có 38 cột.
Công trình được đặt trên bệ nền gồm 4 bậc.
Nội thất của Đền thờ bao gồm một phòng (naos) dài, được bao bọc bởi một hàng hiên phía trước (pronaos) và một hàng hiên phía sau (opisthodomos).
Bên trong tàn tích Đền có thể nhìn thấy cầu thang bên trong gắn với bức tường phía trước.
Các cột phía trước hơi khác nhau về chiều rộng, thuôn nhọn ở hai đầu và phồng lên ở giữa.
Mỗi cột được tạo thành từ 4 đoạn tròn xếp chồng lên nhau.
Vào thế kỷ 20, Đền đã được khôi phục lại một phần, gồm một phần của 8 cột tại mặt tiền phía nam và 1 cột tại mặt tiền phía tây.
Sơ đồ mặt bằng Đền thờ Heracles, Agrigento, Italia
Đền thờ Heracles, Agrigento, Italia
Đền Concordia
Đền Concordia (Temple of Concordia, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía nam Khu vực Di sản, có tên bắt nguồn từ một dòng chữ Latinh được tìm thấy gần đó.
Đền được xây dựng tương tự như Đền nữ thần Hera Lacinia (Temple of Hera Lacinia) kề liền.
Do được bảo tồn tốt, nên Đền Concordia được xếp hạng trong số những ngôi đền đáng chú ý nhất của nền văn minh Hy Lạp còn tồn tại đến ngày nay.
Ngôi đền được xây dựng vào khoảng năm 440 –430 TCN, được sử dụng cho đến thế kỷ 4- 5.
Vào thế kỷ thứ 6, Đền bị chuyển đổi thành một vương cung thánh đường Thiên chúa giáo dành riêng cho Sứ đồ Peter và Paul. Vì vậy mà công trình không bị phá hủy trong thời kỳ đàn áp những người ngoại giáo cuối Đế chế La Mã, bắt đầu vào khoảng năm 306–337. Để chuyển sang Nhà thờ, khoảng trống giữa các cột được lấp đầy bằng tường và được tân trang theo kiểu nhà thờ Cơ đốc giáo. Khu vực xung quanh Đền Concordia được những người theo đạo Cơ đốc thời kỳ đầu tái sử dụng làm hầm mộ, với những ngôi mộ được đẽo từ các vách đá.
Vào năm 1785, Đền được trùng tu lại theo hình thức ban đầu.
Đền nằm theo hướng đông – tây. Ban thờ nằm tại mặt phía đông.
Đây là một ngôi đền Doric, theo kiểu Peripterotic (Peripteral; có hành lang cột bao quanh 4 phía của ban thờ), dài khoảng 39,42m × 16,92m, cao 8,93m; có 6 cột ở cạnh ngắn và 13 cột ở cạnh dài, tổng cộng 34 cột, mỗi cột cao 6,44m. Các cột hơi khác nhau về chiều rộng, thuôn nhọn ở hai đầu và phồng lên ở giữa.
Mỗi cột được tạo thành từ 4 đoạn tròn xếp chồng lên nhau, đặt trên bệ nền gồm 4 bậc.
Sơ đồ mặt bằng Đền Concordia, Agrigento, Italia
Phối cảnh tàn tích Đền Concordia, Agrigento, Italia
Đền Hera Lacinia
Đền Hera Lacinia (Temple of Hera Lacinia, hình vẽ ký hiệu 9) hay Juno Lacinia (Temple of Juno), còn gọi là Đền D nằm tại góc đông nam Khu vực Di sản, nằm cạnh Cổng thành cổ III.
Trong tôn giáo Hy Lạp cổ đại, Hera là nữ thần của hôn nhân, phụ nữ và gia đình, đồng thời là người bảo vệ phụ nữ trong quá trình sinh nở.
Tòa nhà nằm trên một ngọn núi cao, là một ngôi đền Doric kiểu Peripterotic (Peripteral), dài khoảng 38,15m, rộng 16,90m; có 6 cột ở cạnh ngắn và 13 cột ở cạnh dài, tổng cộng có 34 cột, mỗi cột cao 6,44m.
Các cột phía trước hơi khác nhau về chiều rộng, thuôn nhọn ở hai đầu và phồng lên ở giữa.
Mỗi cột được tạo thành từ 4 đoạn tròn xếp chồng lên nhau, đặt trên bệ nền gồm 4 bậc.
Công trình nằm theo hướng đông – tây. Ban thờ nằm tại mặt phía đông.
Nội thất của Đền thờ bao gồm một phòng (cella/naos), không có cột bên trong. Phòng được giới hạn bởi một bức tường nhô ra phía trước (anta) tạo thành các trụ tường (double antis type) với trang trí phía trên như đầu cột.
Hàng hiên phía trước (pronaos) và hàng hiên phía sau (opisthodomos) đều được trang trí bởi hàng 2 cột (distyle).
Tại đây có 2 cầu thang để kiểm tra mái nhà, được xây gắn vào bức tường ngăn cách hàng hiên (pronaos) và phòng thờ (naos).
Hàng cột phía bắc với kho lưu trữ và một phần của bức phù điêu được bảo tồn hoàn toàn, trong khi các hàng cột ở ba mặt còn lại chỉ còn sót lại một phần, với 4 cột bị mất và 9 cột bị hư hỏng nặng.
Một số tàn tích của phòng thờ vẫn còn, chủ yếu là nền móng của tường bên ngoài.
Đền bị đốt cháy vào năm 406 TCN bởi người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN).
Tòa nhà đã được khôi phục vào thế kỷ thứ 18, bằng phương pháp phục hồi lại từ những vật liệu ban đầu còn sót lại (anastylosis).
Phía đông của Đền nữ thần Hera Lacinia, nằm dưới chân núi, cạnh sông Akragas là một nhà thờ Cơ đốc giáo (Basilicula, hình vẽ ký hiệu 10), hiện chỉ còn tàn tích.
Sơ đồ mặt bằng Đền Hera Lacinia, Agrigento, Italia
Tàn tích Đền Hera Lacinia, Agrigento, Italia
Một số tàn tích khác
Cổng thành cổ
Cổng thành cổ (Town gates), bao gồm tàn tích 9 cổng (ký hiệu I – IX). Hai Cổng I và II tại mặt thành phía đông. Cổng III, IV và V tại mặt thành phía nam, những cổng quan trọng nhất của thành phố vì dẫn ra biển; Cổng VI và VII tại mặt thành phía tây; Cổng VIII và IX tại mặt thành phía bắc.
Vườn Kolymbetra
Vườn Kolymbetra (hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía tây nam Khu vực Di sản, nằm trong một khe núi chạy dài theo hướng đông – tây.
Hiện tại, Vườn Kolymbetra là một bảo tàng khảo cổ và nông nghiệp ngoài trời. Những con đường cổ xưa đã được tái tạo. Một số loại cây trồng xưa kia như cây cam, chanh, hạnh nhân…đã được trồng lại.
Một góc thung lũng Vườn Kolymbetra, Agrigento, Italia
Lăng mộ của Theron và Nghĩa địa Hy Lạp-La Mã
Lăng mộ của Theron và Nghĩa địa Hy Lạp-La Mã (Tomb of Theron and Hellenistic-roman nekropolis, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía nam Thành cổ, cạnh Cổng thành cổ IV, bên ngoài thành.
Lăng mộ Theron là một di tích tang lễ La Mã thời kỳ Hy Lạp hóa, có niên đại từ thế kỷ 1- 3 sau Công Nguyên, là một phần của Nghĩa địa La Mã Giambertoni.
Theron là thống đốc của thành phố Akragas từ năm 488 – 472 TCN, năm ông qua đời.
Ngôi mộ của Theron, như một ngôi đền nhỏ (naiskos), có mặt bằng hình vuông, bao gồm hai phần chồng lên nhau. Phần dưới là đế xây bằng những khối đá cẩm thạch hình vuông, viền bằng phào chỉ theo phong cách Hy Lạp. Phía trên là một khối dạng khung mô phỏng các cánh cửa Doric vuông, các cột góc cạnh kiểu Ionic-Attic. Đỉnh của ngôi mộ có lẽ là một ngọn tháp.
Một số nghiên cứu gần đây suy đoán rằng: Đây có thể là một tượng đài, được xây dựng để tưởng nhớ hơn 30.000 binh sĩ La Mã đã ngã xuống trong cuộc vây hãm Agrigento năm 262 TCN.
Tàn tích Lăng mộ Theron, Agrigento, Italia
Khu bảo tồn đá Demeter và Đền thờ Demeter
Khu bảo tồn đá Demeter (Rock sanctuary of Demeter, hình vẽ ký hiệu 11) và Đền thờ Demeter (Temple of Demeter, hình vẽ ký hiệu 12) nằm tại phía đông Khu vực Di sản.
Trong thần thoại Hy Lạp, nữ thần Demeter là một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus. Demeter là chị gái của Thần tối cao Zeus và là mẹ của Nữ thần Persephone. Demeter là nữ thần của nông nghiệp, thiên nhiên, mùa màng và sự sung túc.
Đền Demeter có niên đại từ năm 480 – 470 TCN, nằm trên một vách đá thuộc Khu bảo tồn đá Demeter.
Ngôi đền này theo kiểu Anta, tức là không có hàng cột bên ngoài. Nó có một tiền sảnh phía trước (pronaos) với 2 cột và một phòng thờ (cella/ naos) phía sau.
Đền vẫn bảo tồn được cấu trúc ban đầu là phần đế (kích thước 30 x 13 m), các bức tường bao che bên ngoài, bức tường phòng thờ (naos) và tiền sảnh (pronaos). Bên trong Đền thờ, các nhà khảo cổ đã tìm thấy tàn tích bức tượng bán thân của Thần Demeter.
Khu bảo tồn đá Demeter và Đền thờ Demeter, Agrigento, Italia
Tàn tích Đền thờ Demeter, Agrigento, Italia
Khu phố Hy Lạp-La Mã
Khu phố Hy Lạp-La Mã (Hellenistic-roman quarter, hình vẽ ký hiệu 13) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, có diện tích khoảng 15 ngàn m2.
Khu phố có mạng lưới ô cờ theo kết cấu đô thị cổ xưa của thành phố Agrigento, gồm 4 đường phụ (cardines) theo hướng bắc – nam, rộng khoảng 5m, cách nhau 35m; giao vuông góc với 3 đường chính (decumani) theo hướng đông – tây rộng 7m. Dọc theo tuyến phố này có 27 ngôi nhà (domus) được ngăn cách, theo truyền thống Hy Lạp, bằng những con hẻm hẹp hoặc không gian rộng cho người đi bộ, tạo thành 3 ô phố (insulae) dài 295m, rộng 35m, được giới hạn bởi các trục đường theo hướng bắc – nam (cardines).
Những ngôi nhà có niên đại từ thế kỷ 2-1 TCN, nhưng đã có những thay đổi quan trọng về cấu trúc vào khoảng thế kỷ 2-3 sau Công nguyên.
Các ngôi nhà được khai quật vào những năm 1950 cho thấy có nhiều loại khác nhau: Một số nhà có các phòng được bố trí xung quanh một sân trong với vườn và đài phun nước, theo kiểu Hy Lạp; Một số nhà khác có giếng trời, được bao quanh bởi các phòng. Ngoài nhà ở, tại đây còn có quầy bán hàng, nhà kho và giếng nước.
Những ngôi nhà được làm bằng đá sa thạch. Nhiều tòa nhà thể hiện sự trang trí công phu với dấu vết của các bức tranh tường và khảm trên sàn.
Tại đây đã tồn tại hệ thống cấp nước với bể chứa, giếng nước, đường ống cấp, hệ thống tắm nước nóng và thoát nước thải.
Tổng mặt bằng Khu phố cổ Hy Lạp-La Mã, Agrigento, Italia
Tàn tích Khu phố cổ Hy Lạp-La Mã, Agrigento, Italia
Bảo tàng Khảo cổ Agrigento và Nhà thờ San Nicola
Bảo tàng Khảo cổ và Nhà thờ San Nicola (San Nicola and Archeological Museum, hình vẽ ký hiệu 14) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, tại Khu phố cổ Hy Lạp-La Mã.
Bảo tàng khảo cổ mang tên Pietro Griffo, một giám mục Công giáo La Mã (mất năm 1516).
Tòa nhà được xây dựng vào những năm 1960.
Công trình là sự pha trộn giữa di tích cũ là Nhà thờ San Nicola và kiến trúc mới.
Bảo tàng Khảo cổ trưng bày hơn 5688 hiện vật khảo cổ, tàn tích kiến trúc, điêu khắc, chữ khắc, lăng mộ…được sắp xếp theo thứ tự thời gian và địa hình, minh họa lịch sử của lãnh thổ Agrigentan từ thời tiền sử đến cuối thời kỳ Hy Lạp-La Mã.
Nhà thờ San Nicola (Chiesa di San Nicola at Agrigento) là một nhà thờ dòng Xito (Cisterian church), hiện là một phần của Bảo tàng Khảo cổ Agrigento.
Công trình được xây dựng vào thế kỷ 11 với hình thức kiến trúc đơn giản. Mặt tiền Nhà thờ được giới hạn bởi hai cột lớn bao quanh một cổng Gothic nhọn. Công trình có một gian giữa duy nhất, phía trên là một mái vòm hình chóp; Không gian bên trong, ở phía bên phải, có 4 nhà nguyện.
Tổng mặt bằng Bảo tàng Khảo cổ (chính giữa ảnh); Nhà thờ San Nicola (bên phải, phía dưới ảnh); Ekklesiasterion và Nhà thờ Phalaris (bên trái, phía dưới ảnh), Agrigento, Italia
Một góc Bảo tàng Khảo cổ, Agrigento, Italia
Nội thất Bảo tàng Khảo cổ, Agrigento, Italia
Mặt trước Nhà thờ San Nicola, Agrigento, Italia
Nội thất Nhà thờ San Nicola, Agrigento, Italia
Ekklesiasterion và Nhà thờ Phalaris
Ekklesiasterion và Nhà thờ Phalaris (Ekklesiasterion and Oratory of Phalaris, hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, tại Khu phố Hy Lạp-La Mã.
Ekklesiasterion là nơi diễn ra cuộc họp của Hội đồng công dân (Ekklesia), tại các thị quốc của Hy Lạp cổ đại. Công trình xây dựng từ cuối thế kỷ 4 đến thế kỷ 3 TCN.
Sự xuất hiện của người La Mã ở Akragas đã làm đảo lộn việc sử dụng một số tòa nhà công cộng, đặc biệt là những tòa nhà dành riêng cho các hoạt động chính trị, vốn có sự khác biệt lớn giữa hai nền văn hóa.
Tại các thành phố (polis) Hy Lạp, mọi công dân có quyền bỏ phiếu cùng nhau thảo luận về các quyết định và sáng kiến liên quan đến thành phố của họ.
Tại các thành phố La Mã, các quyết định chính trị được giao cho một nhóm rất nhỏ công dân nổi tiếng, hình thành nên thượng viện (Bouleuterion). Hội đồng công dân không tồn tại nữa, mà thay vào đó là không gian tụ họp ngoài trời và không còn đóng vai trò trong đời sống chính trị của thành phố.
Ekklesiasterion tại Agrigento là một không gian hội họp ngoài trời (Comitium, thường đặt trước nhà họp của thượng viện La Mã), chứa 3000 người và có mặt bằng hình bán nguyệt.
Vào thế kỷ thứ 1 TCN, Nhà thờ Phalaris được xây dựng trên cấu trúc của Ekklesiasterion trước đây.
Nhà thờ Phalaris được xây dựng bằng đá, như một ngôi đền nhỏ với tiền sảnh có 4 cột kiểu Ionic, phía sau là hội trường. Ban thờ có bàn thờ hình bán nguyệt. Vào thời Trung cổ, tòa nhà được chuyển thành nhà nguyện dành riêng cho Đức trinh nữ Maria. Công trình có lối vào hình vòm và mái vòm chéo, cửa sổ hẹp (Monofora) với vòm cửa và được trang trí xung quanh bằng các cột hoặc trụ nhỏ.
Ngày nay Nhà thờ chỉ còn tàn tích tiền sảnh và hội trường.
Tàn tích không gian hội họp ngoài trời Ekklesiasterion và Nhà thờ Phalaris, Agrigento, Italia
Bouleuterion
Bouleuterion là nhà họp của Hội đồng lập pháp, thượng viện (Boule, hình vẽ ký hiệu 16) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, tại Khu phố Hy Lạp-La Mã.
Công trình được xây dựng vào thế kỷ 6 TCN. Tàn tích còn lại là những bức tường vững chắc trên một sân thượng lớn và phòng họp kích thước 21,50 x 12,50m có thể bố trí 6 hàng ghế. Cấu trúc này có mái che, được đỡ bởi 4 cột, được tô điểm bằng đá cẩm thạch và đồ khảm.
Tàn tích Bouleuterion, phía dưới ảnh là Bảo tàng Khảo cổ Agrigento, Italia
Đền Athena
Đền thờ thần Athena (Temple of Athena, hình vẽ ký hiệu 17) nằm tại phía bắc Khu vực Di sản.
Đền thờ thần Athena là một ngôi đền Doric. Vào năm 1200, trên tàn tích của Đền, Nhà thờ Santa Maria dei Greci (Santa Maria dei Greci, Agrigento) được dựng lên.
Sơ đồ mặt bằng của Nhà thờ Santa Maria dei Greci với phần còn lại của Đền Athene, Agrigento, Italia
Mặt trước và nội thất Nhà thờ Santa Maria dei Greci, Agrigento, Italia
Khu khảo cổ Agrigento, vùng Sicily, Italia trở thành một trong những thành phố hàng đầu ở Địa Trung Hải. Uy quyền và niềm tự hào của nó được thể hiện qua tàn tích của những ngôi đền Doric tráng lệ thống trị thị trấn cổ. Phần lớn trong số đó vẫn còn nguyên vẹn.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/831/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Agrigento
https://en.wikipedia.org/wiki/Archaic_Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Doric_order
https://en.wikipedia.org/wiki/Peripteros
https://en.wikipedia.org/wiki/Crepidoma
https://en.wikipedia.org/wiki/Anta_(architecture)
https://en.wikipedia.org/wiki/Portico#Pronaos
https://en.wikipedia.org/wiki/Anastylosis
https://en.wikipedia.org/wiki/Valle_dei_Templi
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Heracles,_Agrigento
https://en.wikipedia.org/wiki/Valle_dei_Templi#Temple_of_Concordia
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Concordia,_Agrigento
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Hera_Lacinia
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Olympian_Zeus,_Agrigento
https://en.wikipedia.org/wiki/Castor_and_Pollux
https://www.theworldofsicily.com/en/sights/sights-of-agrigento/tomb-of-theron/
https://en.wikipedia.org/wiki/Theron_of_Acragas
https://www.smarteducationunescosicilia.it/en/agrigento/the-hellenistic-roman-quarter/
https://it.wikipedia.org/wiki/Chiesa_di_San_Nicola_(Agrigento)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|