Tuần 14 - Ngày 06/11/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Cung điện Hoàng gia Caserta, Cầu máng Vanvitelli và Quần thể San Leucio, Ý
08/10/2023
 

Thông tin chung:
Công trình: Cung điện Hoàng gia thế kỷ 18 tại Caserta với Công viên, Cầu máng Vanvitelli và Quần thể San Leucio (18th-Century Royal Palace at Caserta with the Park, the Aqueduct of Vanvitelli, and the San Leucio Complex)
Địa điểm: Các tỉnh Caserta và Benevento, vùng Campania, Italia (N41 4 23,988 E14 19 35,004)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 87,37 ha; Diện tích vùng đệm 110,76 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1997 hạng mục i, ii, iii, iv) 

Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh. 
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia). 
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome. 

Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa. 
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý. 
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á. 
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế  nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.

Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).

Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến ​​cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.  

Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật. 
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng. 
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu. 

Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.  

Ý ngày nay được phân thành 20 vùng và 107 tỉnh, thành phố.  


Bản đồ Italia và vị trí tỉnh Caserta và Benevento
, vùng Campania, Italia 

Caserta là thủ phủ của tỉnh Caserta ở vùng Campania của Ý, là một đô thị và thành phố nông nghiệp, thương mại và công nghiệp quan trọng, nằm cách Naples (thủ phủ của vùng Campania và là thành phố lớn thứ ba của Ý, sau Rome và Milan) 36 km về phía bắc. Caserta có diện tích 54,07 km2, nằm tại cao độ 68m so với mực nước biển, dân số khoảng 76,3 ngàn người (năm 2016). Thành phố này được biết đến nhiều nhất với Cung điện Hoàng gia triều đại Bourbon vào thế kỷ 18. 

Cung điện Hoàng gia tại Caserta là một khu phức hợp, được Luigi Vanvitelli (người Ý, năm 1700 – 1773, kiến trúc sư nổi bật nhất của Ý thế kỷ 18) lên kế hoạch vào nửa sau thế kỷ 18, theo mong muốn của vua Charles triều đại Bourbon (Charles of Bourbon) để cạnh tranh với Versailles (Paris, Pháp) và Madrid (Tây Ban Nha).  


Kiến trúc sư Luigi Vanvitelli trong bức chân dung của Giacinto Diano (1765)
 

Khu phức hợp bao gồm một cung điện xa hoa với công viên, khu vườn và khu rừng, cũng như cầu dẫn nước Carolino (Aqueduct Carolino) và cụm công nghiệp tơ lụa San Leucio. Cung điện Hoàng gia là trung tâm của toàn bộ tổ hợp kiến ​​trúc và nằm trên trục trung tâm kết nối và thống nhất toàn bộ quần thể. 
Cổng và đài phun nước trong Công viên với khung cảnh tuyệt đẹp của thác nước, được cấp từ tuyến kênh dẫn nước Carolino, cũng nằm dọc theo trục trung tâm này.
Với bốn sân trong và ba sảnh, Cung điện Hoàng gia là một ví dụ tuyệt vời về cấu trúc hoành tráng, được xây dựng để trở thành cung điện tráng lệ cho gia đình hoàng gia và triều đình, đồng thời là một trung tâm hành chính lấy cảm hứng từ mô hình Tu viện hoàng gia San Lorenzo de El Escorial ở Tây Ban Nha.
Công viên là khu vườn châu Âu mới nhất được khởi nguồn từ những sáng tạo của Cung điện Versailles và các mô hình biệt thự thế kỷ 16 ở Rome và Tuscany, Ý. 
Vườn Anh là một trong những khu vườn đẹp như tranh vẽ lớn nhất, lâu đời nhất và quan trọng nhất được tạo ra ở Châu Âu.
Phần chính của điền trang San Leucio là Cung điện Belvedere, được vua Ferdinando IV của gia tộc Bourbon chuyển đổi thành một nhà máy tơ lụa để tạo ra một cộng đồng đô thị lý tưởng cho công nhân, những người được đảm bảo về nhà ở, trường học, chăm sóc y tế và tất cả các dịch vụ. Tổ hợp khổng lồ của những tòa nhà bao quanh sân trong đã trở thành biểu tượng của một xã hội kiểu mẫu dựa trên giá trị của công việc và sự bình đẳng.
Kênh dẫn nước Carolino (Aqueduct Carolino) với Cầu máng Vanvitelli hùng vĩ vượt qua thung lũng (“Ponti della Valle”) là một công trình kỹ thuật tuyệt đẹp, cung cấp nguồn nước, không chỉ phục vụ cung điện, các khu vườn thuộc kinh đô tương lai của vương quốc, mà còn cho cả các xưởng luyện sắt thép và cơ sở sản xuất công nghiệp nằm dọc theo tuyến kênh. 

Cung điện Hoàng gia thế kỷ 18 tại Caserta với Công viên, Cầu máng Vanvitelli và Khu phức hợp San Leucio, tại các tỉnh Caserta và Benevento, vùng Campania, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1997) với tiêu chí:

Tiêu chí (i): Quần thể Caserta từ thế kỷ 18 là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người dựa trên tinh thần của Thời kỳ Khai sáng, nơi có thể xây dựng những tòa nhà có giá trị kiến ​​trúc to lớn, được bố trí hợp lý trong cảnh quan thiên nhiên, theo một quy hoạch phát triển có tầm nhìn và quy mô rộng. 

Tiêu chí (ii): Cung điện Hoàng gia Caserta thế kỷ 18 với Công viên, Kênh dẫn nước Carolino và Khu phức hợp San Leucio đều là bằng chứng quan trọng về sự giao lưu các giá trị con người, nhờ vào quy mô rộng lớn của dự án ban đầu cho một thế giới mới đầy tham vọng. Thị trấn, bao gồm các tòa nhà hùng vĩ, khu vườn, đường phố và cảnh quan thiên nhiên xung quanh được thực hiện theo một khái niệm quy hoạch sáng tạo. Cấu trúc cảnh quan mới này được hiện thực hóa thông qua các công trình kỹ thuật có giá trị lịch sử đặc biệt, như Kênh dẫn nước Carolino, được tạo ra để kết nối và thống nhất toàn bộ khu phức hợp. 

Tiêu chí (iii): Quần thể hoành tráng Caserta là một bằng chứng độc đáo về quy hoạch đô thị, được triều đại Bourbon thực hiện theo nguyên tắc Vitruvian (Vitruvian principles; kiến trúc sư và kỹ sư người La Mã, năm 80-70TCN – 15 TCN, tác giả của De architectureura, tập sách lý thuyết kiến ​​trúc đầu tiên thời Phục hưng) về các công trình với 3 thuộc tính: Tiện ích hay thích dụng (utilitas/ functionality); Bền vững (solidity/ firmitas); Vẻ đẹp (beauty/ venustas), phù hợp với văn hóa Tân cổ điển đang thịnh hành lúc bấy giờ. 

Tiêu chí (iv): Giá trị nổi bật của tổ hợp công nghiệp sản xuất tơ lụa Belvedere xuất phát từ những nguyên tắc lý tưởng ban đầu (của Thời kỳ Khai sáng) làm nền tảng cho quan niệm và cách quản lý của nó. 


Sơ đồ phạm vi Di sản Cung điện Hoàng gia thế kỷ 18 tại Caserta với Công viên, Cầu dẫn nước và Khu phức hợp San Leucio
, Campania, Italia 


Bản đồ Caserta và khu vực xung quanh – Cầu dẫn nước Carolino từ nguồn Fizzo đến Cung điện Hoàng gia Caserta và các nhà máy tơ lụa San Leucio, ở F. Patturelli, Caserta và San Leucio, Naples 1826
 

Cung điện Hoàng gia, Công viên, Vườn Anh, Rừng St. Silvestro

Cung điện Hoàng gia, Công viên, Vườn Anh, Rừng St. Silvestro (The Royal Palace, the Park, the English Garden, St. Silvestro Forest; hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía nam Khu vực Di sản. 


Sơ đồ tổng mặt bằng Cung điện Hoàng gia, Công viên tại
 Caserta, Ý, bao gồm: Cung điện Hoàng gia Caserta (Reggia di Caserta); Công viên Hoàng gia (Royal Park) hay Vườn Ý (Giardino all'Italiana); Vườn Anh (Giardino all'Inglese) 


Phối cảnh tổng thể Cung điện Hoàng gia, Công viên tại
Caserta, Ý; theo trục trung tâm, từ phía nam lên bắc với hai cánh vòng cung phía nam chưa hoàn thành 

Cung điện Hoàng gia
Cung điện Hoàng gia Caserta (Royal Palace of Caserta / Reggia di Caserta) được xây dựng bởi triều đại Nhà Bourbon-Two Sicilies (House of Bourbon-Two Sicilies), một nhánh hậu duệ của triều đại Bourbons Tây Ban Nha, làm nơi ở chính của họ với tư cách là các vị vua của Naples (Kingdom of Naples, tồn tại năm 1282–1806 và 1815–1816).
Một trong những mục tiêu chính của nhà vua là có một Cung điện hoàng gia mới tráng lệ và là trung tâm hành chính cho vương quốc, ở một địa điểm có thể bảo vệ khỏi sự tấn công từ biển và cách xa thành phố Naples đông đúc và khó kiếm soát khi xảy ra các biến động xã hội. 
Cung điện bắt đầu xây dựng vào năm 1751 bởi vua Charles VII của Naples (King of Naples) và Charles III của Tây Ban Nha (Charles III of Spain, trị vì năm 1759 – 1788), người đã làm việc chặt chẽ với kiến ​​trúc sư của ông là Luigi Vanvitelli.
Ý tưởng khởi nguồn về chính trị và xã hội cho Cung điện Hoàng gia Caserta của kiến trúc sư Vanvitelli là Cung điện Versailles (Palace of Versailles), Paris, Pháp. Mặc dù có sự khác biệt đáng kể về tính đa dạng và cách bố trí, nhưng Cung điện đã giải quyết được các vấn đề tương tự trong việc cung cấp cho nhà vua, triều đình và chính phủ một tòa nhà đồ sộ với cấu trúc xã hội như của một thành phố nhỏ. 
Đây là nơi ở không chỉ của triều đình và nhà vua mà còn của tất cả giới tinh hoa văn hóa và chính trị chính của vương quốc Naples và Sicily, gồm trường đại học, bảo tàng, thư viện, văn phòng nội các, bộ chỉ huy quân sự cấp cao. Doanh trại quân đội được đặt trong cung điện để bảo vệ nhà vua và quần thần.
Lực lượng lao động tại Cung điện là dân cư tại làng Caserta Vecchia, cách đó 10km. 

Kiến trúc sư Vanvitelli qua đời năm 1773. Việc xây dựng được tiếp tục bởi con trai ông là kiến trúc sư Carlo Vanvitelli (1739–1821) và sau đó là những kiến ​​​​trúc sư khác.
Dự án ban đầu của kiến trúc sư Luigi Vanvitelli, bao gồm hai cánh nhà vòng cung phía trước tương tự như hàng cột của Giovanni Lorenzo Bernini (kiến trúc sư người Ý, năm 1598- 1680) tại Quảng trường Thánh Peter (St. Peter's Square, tại Vatican). Song việc xây dựng hai vòng cung này chưa bao giờ kết thúc. 
Dự án được hoàn thành một phần bởi con trai và người kế vị của vua Charles VII là Ferdinand IV của Naples (Kingdom of Naples, trị vì năm 1759 – 1816), hay Ferdinand I của Hai Sicilia (Kingdom of the Two Sicilies, trị vì năm 1816 – 1825).
Từ năm 1923 đến năm 1943, Cung điện là trụ sở của Học viện Không quân Ý (Accademia Aeronautica). 
Một đại lộ chạy dài 20 km giữa Cung điện và thành phố Naples đã được lên kế hoạch, nhưng chưa bao giờ được thực hiện.  

Cung điện Hoàng gia Caserta là một quần thể công trình theo phong cách kiến trúc Hậu Baroque và Tân cổ điển sớm (Late Baroque and early Neoclassical).
Đây là cung điện lớn nhất được xây dựng ở châu Âu trong thế kỷ 18 với thể tích hơn 2 triệu m3, diện tích 47.000 m2 và diện tích sàn là 138.000m2.  
Cung điện có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 247 × 184m, cao 36m, bố cục theo hướng chính là bắc nam, gồm các tòa nhà bố trí bao quanh 4 sân trong. Các công trình cao 2 tầng (mỗi tầng có hai hàng cửa sổ) và 1 tầng áp mái.
Cung điện có hình thức bên ngoài và nội thất cân đối, gợi lên vẻ trang trọng, song cũng đơn điệu độc nhất vào thời đó. 
Tiền sảnh hình bát giác rộng rãi dường như được lấy cảm hứng từ Vương cung thánh đường Santa Maria della Salute (Basilica di Santa Maria della Salute) ở Venice, Ý, trong khi nhà nguyện thường được so sánh với Nhà nguyện Hoàng gia ở Cung điện Versailles, Paris, Pháp. 
Cung điện có 1.200 phòng, trong đó có 20 căn hộ; 1.742 cửa sổ; 34 bậc thang; 1.026 lò sưởi; một thư viện lớn; và một nhà hát được mô phỏng theo Nhà hát Hoàng gia San Carlo (Teatro San Carlo) tại Naples, Ý.
Cung điện Hoàng gia Caserta có hơn 40 phòng hoành tráng được trang trí hoàn toàn bằng những bức bích họa (trong khi trong khi Cung điện Versailles chỉ có 22 phòng hoành tráng). 


Sơ đồ tổng mặt bằng Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý


Phối cảnh Tổng mặt bằng Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý




Sơ đồ mặt bằng, 
mặt cắt Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý; Bản vẽ năm 1756, thực hiện bởi kiến trúc sư Luigi Vanvitelli 


Mặt tiền phía nam Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý


Mặt tiền phía bắc
Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý; nhìn từ Đài phun nước Venus và Adonis


Một trong bốn Sân trong tại 
Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý


Nội thất cầu thang chính,
Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý


Phòng Ngai vàng, Cung điện Hoàng gia Caserta, Ý
  

Công viên Hoàng gia hay Vườn Ý  
Công viên Hoàng gia (Royal Park) hay Vườn Ý (Giardino all'Italiana) nằm ngay phía bắc của Cung điện Hoàng gia Caserta, được lấy cảm hứng từ công viên tại Cung điện Versailles (Paris, Pháp) 
Khu vườn Ý là một phong cách vườn có nguồn gốc cuối thời Phục hưng. Khi nói tới “Khu vườn trang trọng” (Giardino formale) thường chỉ khu vườn kiểu Ý hoặc khu vườn kiểu Pháp.
Khu vườn kiểu Ý có đặc trưng bởi sự phân chia không gian hình học thông qua các hàng cây và hàng rào cây. Trong vườn trồng những loại cây có thể cắt tỉa tạo thành các tác phẩm điêu khắc. Mặt nước cũng có bố cục hình học kết hợp với các yếu tố kiến trúc như đài phun nước, tượng.
Công viên Hoàng gia hay Vườn Ý nằm cả hai bên của trục trung tâm dài 1894m, từ Đài phun nước Margherita (Fontana Margherita) tại phía nam tới Đài phun nước Diana và Actaeon (Diana and Actaeon Fountain) ở phía bắc.
Vườn Ý có các đài phun nước và thác nước. Mỗi đài phun nước là trung tâm của một lưu vực với các trang trí kiến ​​trúc. Nước cho các đài phun nước và thác nước được cấp từ hệ thống thủy lực được thiết kế bởi kiến trúc sư Luigi Vanvitelli, theo một tuyến kênh tại trục trung tâm. Các đài phun nước này được xây dựng sánh ngang với những đài phun nước ở Cung điện Peterhoff (Peterhof Palace) tại St. Petersburg, Nga.
Một số hạng mục chính trong Công viên kiểu Ý gồm: 

Khu vườn Castelluccia: Được xây dựng vào năm năm 1769, là một phức hợp gồm cây xanh, mặt nước và kiến trúc. Nổi bật là một tháp hình bát giác, đặt trên một hồ nước hình bát giác. Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Luigi Vanvitelli.
Khu vườn 
Castelluccia hình thành như một nơi tập luyện quân sự của vua Ferdinand IV của Naples (Kingdom of Naples, trị vì năm 1759 – 1816), được chuyển thể thành một nơi vui chơi vào năm 1818 với hình thức Tân cổ điển như hiện tại. Việc bổ sung thêm tòa nhà nhỏ kiểu Trung Quốc sau đó là minh chứng cho niềm đam mê của thế kỷ 19 với vùng Viễn Đông. 




Phối cảnh Tháp bát giác, v
ườn Castelluccia tại Vườn Ý, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý

Hồ lớn Peschiera (Peschiera Grande): Được xây dựng bởi Francesco Collecini (kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị người Ý, năm 1723- 1804), bắt đầu từ năm 1762, dựa trên thiết kế của kiến trúc sư Luigi Vanvitelli. 
Hồ có mặt bằng hình chữ nhật 270m x 105m với dạng nửa đường tròn ở hai đầu; sâu 3,5m, là nơi nuôi cá. Đây cũng là nơi vị vua vua Ferdinand IV của Naples tập trận mô phỏng theo các trận hải chiến. Cạnh đó là khu nhà Liparoti cung cấp chỗ ở cho các thủy thủ, người chịu trách nhiệm bảo trì các tàu thuyền trong khu vực.
Trung tâm của hồ là một đảo hình tròn, được cho là nơi bố trí một công trình, song chưa bao giờ được xây dựng. 


Phối cảnh Đảo tròn giữa Hồ lớn Peschiera tại Vườn Ý, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý.
 

Vườn Anh
Khu vườn thực vật hay Thảo cẩm viên (Botanical garden), được gọi là "Khu vườn kiểu Anh" (English Garden / English landscape garden / English landscape park / Giardino all'Inglese), nằm tại đầu phía bắc tại Trục trung tâm với kênh nước và đài phun nước.
Khu vườn kiểu này xuất hiện ở Anh vào đầu thế kỷ 18 và lan rộng khắp Châu Âu, thay thế cho những kiểu vườn trang trọng, đối xứng kiểu Pháp (French formal garden) nổi lên vào thế kỷ 17, là phong cách làm vườn chính của Châu Âu. 
Khu vườn Anh thể hiện một cái nhìn lý tưởng về thiên nhiên, thường bao gồm: hồ nước; bãi cỏ trải dài dưới những lùm cây; tàn tích của các ngôi đền Gothic cổ điển; những cây cầu và kiến ​​trúc khác. Tất cả được thiết kế để tái tạo một bức tranh cảnh quan đồng quê bình dị. 
Khu vườn Anh được thiết kế vào những năm 1780 bởi Carlo Vanvitelli (kiến trúc sư, kỹ sư người Ý, năm 1739 – 1821, con trai của kiến trúc sư Luigi Vanvitelli) và John Graefer (nhà thực vật học, người chăm sóc vườn ươm, nhà thiết kế thực vật Đức, năm 1746- 1802). Đây là một ví dụ đầu tiên tại Ý theo phong cách vườn cảnh của Lancelot Brown (người làm vườn và kiến ​​trúc sư cảnh quan người Anh, năm 1716 – 1783, được vinh danh là Người làm vườn vĩ đại nhất nước Anh). 


Sơ đồ mặt bằng Khu vườn thực vật kiểu Anh, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý
 ; (phía nam phía trên ảnh)

Một số hạng mục chính trong Khu vườn kiểu Anh gồm:   

Đền tròn (Tempietto circolare): Nằm trong một khu rừng sồi, lấy cảm hứng từ ngôi đền tròn Vesta (Tempio di Vesta) ở Tivoli, Rome, Ý. Năm 1790, vua Ferdinand IV đã yêu cầu kiến trúc sư Carlo Vanvitelli tích hợp Tòa nhà Tân cổ điển này vào dự án Khu vườn kiểu Anh, nhằm bổ sung thêm đặc trưng của Khu vườn kiểu Ý. Một mê cung hàng rào cây hình hộp đã được tạo ra xung quanh hàng cột của ngôi đền, hiện đã không còn 


Đền tròn 
tại Vườn Anh, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý. 

Vườn Laghetto: Là một khu vườn được bao phủ bởi thảm thực vật tươi tốt với một hồ nước mang tên “Hồ Vườn Anh” (Lago del Giardino Inglese). Trên hồ phủ đầy hoa súng và có hai hòn đảo nhỏ.
Trên đảo lớn có một tàn tích ngôi đền mang tên "Tempiotto", là một tòa nhà lấy cảm hứng cổ xưa với tàn tích hàng hiên được dựng có chủ ý với hàng cột Corinth. Tòa nhà được xây dựng vào năm 1793- 1798.
Trên đảo nhỏ có một gian nhà nhỏ mang tên “Casa dei Cigni” (Thiên nga) với mái vòm hình cầu. Tòa nhà được xây dựng vào khoảng năm 1840. 


Tàn tích Tempiotto, vườn Laghetto 
tại Vườn Anh, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý.

Ao nước Venere (Bagno di Venere): Được nối với Hồ Vườn Anh. Tại đây có một tượng thần Vệ nữ (Aphrodite, nữ thần của tình yêu, sắc đẹp và lãng mạn trong thần thoại Hy Lạp hay Venus trong thần thoại La Mã) bằng đá cẩm thạch, lấy cảm hứng từ mô hình cổ điển nổi tiếng về “Aphrodite đang cúi mình” (Afrodite accovacciata). Tượng được thực hiện bởi Tommaso Solari (nhà điêu khắc người Ý, mất năm 1779) vào năm 1762, được đặt ở đây vào khoảng năm 1840.
Môi trường mát mẻ và ẩm ướt của Bagno di Venere là thế giới của loại cây thực vật hiếm như dương xỉ, cũng như nhiều loại cá và tôm càng xanh. 


Ao nước Venere với tượng thần Vệ nữ, tại 
Vườn AnhCông viên Hoàng gia Caserta, Ý. 

Đài phun nước
Các đài phun nước chính trong Công viên Hoàng gia từ phía nam lên phía bắc gồm: 

Đài phun nước Margherita (Fontana Margherita): Trước năm 1871, được gọi là Canestro. Đài phun nước nằm trong một vườn hoa có mặt bằng hình tròn, là điểm giao của 4 trục trung tâm. Xung quanh đài phun nước là bồn hoa với 10 bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng, tượng trưng cho thần Apollo (thần ánh sáng, chân lý và nghệ thuật trong Thần thoại Hy Lạp) và 9 vị thần thơ ca (Muses), thể hiện sự tôn vinh nghệ thuật. 
Phía trước đài phun nước, tương ứng với Trục trung tâm của Công viên Hoàng gia, có một khối đá Bellona 12 mặt cao khoảng 1m, trên bề mặt thể hiện đồng hồ mặt trời.
Xung quanh đài phun nước là vườn hoa với các loại hoa nở trong các mùa của năm. 


Phối cảnh Đài phun nước Margherita,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý.


Tượng các nữ thần thơ ca tại Đài phun nước Margherita,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý.


Đồng hồ mặt trời trên một trụ đá tại Đài phun nước Margherita,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý. 

Đài phun nước Cá heo (Fontana dei delfini/ Fountain of the Dolphins): Nằm tiếp sau, phía bắc Đài phun nước Margherita. Đài phun nước là một tuyến kênh nước dài 470m, rộng 27m. Phía cuối kênh (tại phía bắc) là tượng ba con quái vật biển khổng lồ phun ra những tia nước mạnh mẽ. Phía sau tượng là một cái hang.
Công trình được thực hiện từ năm 1773- 1780. 


Đài phun nước Cá heo,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý. 

Đài phun nước Aeolus (Fountain of Aeolus/ Fontana di Eolo): Nằm tiếp sau Đài phun nước Cá heo, được xây dựng bởi kiến ​​trúc sư Carlo Vanvitelli, dựa trên thiết kế của cha ông, kiến trúc sư Luigi Vanvitelli.
Đài phun nước Aeolus có tổng cộng 54 bức tượng, thể hiện truyền thuyết về thần Hy Lạp Aeolus.
Công việc bắt đầu vào năm 1779 và chỉ có 29 bức tượng được đặt. 


Đài phun nước Aeolus,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý 

Đài phun nước Cerere (Fontana di Cerere/ Fountain of Ceres): Đây là đài phun nước thứ 4 từ phía nam lên bắc.
Công trình tôn vinh Cerere, nữ thần mùa màng và sinh sản, theo tôn giáo La Mã (tương đương với nữ thần Demeter, theo tôn giáo Hy Lạp). Đài phun nước được bao quanh bởi nữ thần biển cả Nereid, hiện thân của hai con sông với huy chương có hình Trinacria, biểu tượng của vương triều Sicily.
Đài phun nước được xây dựng từ năm 1783 đến 1784.  


Đài phun nước Cerere,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý 

Đài phun nước Venus và Adonis (Fontana di Venere a Adone/ Fountain of Venus and Adonis): Đây là đài phun nước thứ 5 từ phía nam lên bắc. Các lan can của hồ ám chỉ hoạt động săn bắn, được trang trí bằng đầu lợn rừng, sói, cừu đực và gấu.
Công trình được hoàn thành vào khoảng năm 1770 - 1780, bao gồm tượng các nữ thần, thiên thần và chó. Trong đó có tượng nữ thần Venus ôm Adonis trẻ tuổi, cầu xin Adonis đừng vào rừng. 
 


Đài phun nước Venus và Adonis,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý 

Đài phun nước Diana và Actaeon (Fontana di Diana e Atteone/ Diana and Actaeon Fountain) nằm tại đầu phía nam của Trục trung tâm (đầu phía bắc là Đài phun nước Margherita).
Đài phun nước nằm trong một hồ nước tròn mang tên “Phòng tắm của Diana” (Diana's Bath). Bên trong Đài phun nước có hai nhóm tượng của các nhà điêu khắc người Ý như Paolo Persico (năm 1729 – 1796); Angelo Maria Brunelli (năm 1740 – 1806) và Tommaso Solari (năm 1820 – 1889): Nhóm tượng mô tả huyền thoại về nữ thần săn bắn Diana (theo tôn giáo La Mã) hay Artemis (theo tôn giáo Hy Lạp); Nhóm tượng mô tả thợ săn trẻ Actaeon bị biến thành con nai và lũ chó săn truy lùng. 
Chính giữa hai nhóm tượng là thác nước Briano (Cascata Grande). Tại đây còn có một tòa tháp đánh dấu điểm cuối của Kênh dẫn nước Caroline.


Đài phun nước Diana và Actaeon, Công viên Hoàng gia Caserta, Ý (bên phải ảnh là Nhóm tượng Diana; bên trái ảnh là Nhóm tượng Actaeon).
 

Rừng St. Silvestro
Rừng St. Silvestro (St. Silvestro Forest): Là một phần của khu vực Di sản, trải rộng khoảng 76 ha phía sau Công viên Hoàng gia, trên các ngọn đồi của núi Maiuolo và núi Briano, nơi thác nước đổ xuống các đài phun nước của Khu phức hợp.
Khu rừng được sử được sử dụng để làm nông nghiệp và săn bắn. 
Năm 1922, quyền sở hữu rừng được chuyển từ tài sản Hoàng gia sang tài sản Nhà nước.  


Rừng St. Silvestro,
Công viên Hoàng gia Caserta, Ý 

St Leucio và Nhà săn bắn Hoàng gia trên núi Sommacco và Marmorella

St Leucio và Nhà săn bắn Hoàng gia trên núi Sommacco và Marmorella (St Leucio and the Royal Hunting Lodges of mounts Sommacco and Marmorella; hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía bắc Khu vực Di sản; cách Cung điện Hoàng gia Caserta khoảng 3,5km về phía tây bắc, tại cao độ 145m so với mực nước biển.
Vào năm 1750, vua Charles VII của Naples (King of Naples) và Charles III của Tây Ban Nha (Charles III of Spain, trị vì năm 1759 – 1788) đã chọn địa điểm này để xây dựng Cung điện Belvedere (Palace of the Belvedere/ Palazzo del Belvedere). Ban đầu đây là địa điểm săn bắn của gia đình hoàng gia Acquaviva.
Ngày đầu thành lập, khu nghỉ dưỡng mang tên St Leucio, do xây dựng trên tàn tích của Nhà thờ Saint Leucio, là nơi vui chơi và săn bắn của hoàng gia. Từ đây có một kênh dẫn nước đến các thác nước của Cung điện Hoàng gia Caserta
Con trai của vua Charles, Ferdinand I (Kingdom of the Two Sicilies, trị vì năm 1816 – 1825) đã xây dựng một nhà nghỉ săn bắn cho riêng mình trên địa điểm này. Ông là một thợ săn rất khéo léo, không thích những thú vui và sự xa hoa của cuộc sống cung đình. 
Chính tại đây Charles và vị vua trẻ Ferdinand I đã xây dựng một nhà máy tơ lụa (sợi, dệt).
Việc một phần Cung điện hoàng gia được chuyển đổi thành nơi sản xuất tơ lụa với các tòa nhà công nghiệp là khá độc đáo ở châu Âu cuối thế kỷ 18. 
Từ năm 1783 đến năm 1788, hai nhà máy sản xuất tơ lụa đã được xây dựng trong khu vực Cung điện Belvedere. Xưởng tơ lụa chạy bằng năng lượng thủy lực từ hệ thống dẫn nước của Cung điện.
Thập kỷ 1919-1929 đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của ngành tơ lụa ở Caserta, với 87 nhà máy, trong đó có 3 nhà máy kéo sợi, 55 nhà máy dệt thủ công, 5 nhà máy nhuộm  và 4 nhà máy cơ khí.
Tại lân cận khu vực Cung điện, theo thời gian đã xuất hiện thêm nhiều nhà máy mới, ví dụ như: Năm 1789, nhà máy tơ lụa San Leucio; Năm 1790, nhà máy kéo sợi Cypress và nhà máy sản xuất vải lanh, bông và cây gai dầu Aldifreda… 
Kiến trúc sư Francesco Collecini (nhà quy hoạch đô thị người Ý, năm 1723- 1804) đã thiết kế những tòa nhà công nghiệp tại khu vực Cung điện Belvedere. Các nhà xưởng với những khung dệt ồn ào được đặt cạnh các căn hộ hoàng gia và phòng khách trở thành nhà nguyện cho công nhân.
Các khu dân cư mới được xây dựng để làm nơi ở cho công nhân. Một cộng đồng lớn thợ sợi dệt đã phát triển thành thị trấn công nghiệp.
Ngoài lao động địa phương, tại đây đã thu hút được nhiều nghệ nhân người Pháp trong lĩnh vực dệt may.
Tại San Leucio, những công nghệ sợi, dệt tiên tiến nhất được biết đến ở Châu Âu vào thời điểm đó đã được sử dụng để tạo ra thành phẩm. 
Vua Charles đã nghĩ đến việc đào tạo thanh niên địa phương bằng cách gửi họ đến Pháp để học công nghệ và kỹ thuật sản xuất sợi, dệt, sau đó làm việc trong các nhà máy của hoàng gia. 
Vào năm 1789, nơi này được coi là “Đô thị Hoàng gia của công nhân sợi dệt” (Real Colonia dei Setaioli). 
Nhà vua đã lên kế hoạch mở rộng nó thành một thành phố mới thực sự, được gọi là Ferdinandopoli, nhưng dự án đã bị dừng lại do cuộc xâm lược của Pháp vào năm 1799. 

Dựa trên một đạo luật cụ thể năm 1789, thiết chế cho Cộng đồng đô thị sợi dệt San Leucio (Statuto di San Leucio) đã được thiết lập với các đặc quyền về hệ thống an sinh xã hội. Thiết chế này (gồm 5 chương và 22 điều), phản ánh khát vọng thời bấy giờ trong việc đề xuất các lý tưởng về bình đẳng kinh tế và xã hội, đồng thời chú trọng đến vai trò của phụ nữ trong việc thiết lập bình đẳng với nam giới.
Một số nội dung chính của Thiết chế, được coi là một thử nghiệm xã hội của Thời đại khai sáng:  
Nhà ở được giao cho mỗi công nhân và gia đình của họ. Những ngôi nhà ở này được thiết kế tuân theo các quy tắc quy hoạch đô thị của thời đó, để đảm bảo tồn tại lâu dài theo thời gian (trên thực tế, chúng vẫn có người ở cho đến ngày nay), được trang bị đầy đủ nước sinh hoạt và nhà vệ sinh. 
Giáo dục miễn phí được cung cấp cho các thành viên trong gia đình.
Thành lập trường học bắt buộc đầu tiên ở Ý dành cho phụ nữ và nam giới, bao gồm các môn chuyên môn và quy trình làm việc.
Giờ làm việc trong nhà máy là 11 giờ, trong khi ở phần còn lại của châu Âu là 14 giờ.
Phụ nữ nhận được của hồi môn từ nhà vua nếu kết hôn với một thành viên của Cộng đồng đô thị.
Một quỹ từ thiện chung được thành lập bởi sự đóng góp từ một phần thu nhập của tất cả mọi người trong Cộng đồng.  
Không có sự phân biệt giữa các cá nhân, cho dù họ làm công việc gì.
Nam giới và phụ nữ được hưởng sự bình đẳng hoàn toàn trong một hệ thống chỉ dựa trên chế độ nhân tài. 
Quyền sở hữu tư nhân bị bãi bỏ.
Việc chăm sóc người già và người đau yếu được đảm bảo.
Giá trị của tình huynh đệ được đề cao với quan điểm: Tất cả đàn ông vốn dĩ đều tốt, nhưng họ bị xã hội và sự cạnh tranh hàng ngày làm tha hóa. 

Thành phố lý tưởng Ferdinandopoli, được kiến trúc sư Francesco Collecini thiết kế, có mặt bằng hình tròn với một hệ thống đường xuyên tâm, một quảng trường trung tâm, nơi bố trí trụ sở hoàng gia, nhà thờ và nhà hát.
Theo mô hình này, Cung điện Belvedere được mở rộng theo kiểu nhân đôi. 


Sơ đồ mặt bằng Đô thị lý tưởng Ferdinandopoli, San Leucio, Ý
 

Sau cuộc xâm lược của Pháp (vào năm 1799), việc hiện thực hóa toàn bộ mô hình Ferdinandopoli bị dừng lại, song các cung điện, nhà xưởng đã xây dựng vẫn tiếp tục hoạt động và mở rộng.
Dự án không tưởng của vua Ferdinand kết thúc bằng sự thống nhất của nước Ý (năm 1861), khi toàn bộ khu vực đều được quốc hữu hóa.
Di sản của vua Ferdinand vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay trong các công ty dệt may địa phương, hoạt động trên quy mô quốc tế cho các khách hàng nước ngoài đặc biệt như: Cung điện Buckingham (Buckingham Palace, Luân Đôn, Anh; nơi ở của Hoàng gia và dinh thủ tướng); Nhà Trắng (White House, Washington, DC, Hoa Kỳ; dinh tổng thống); Cung điện Quirinal (Quirinal Palace, Rome, Ý; dinh tổng thống) và Cung điện Chigi (Chigi Palace, Rome, Ý; dinh thủ tướng). 

Cung điện Belvedere
Cung điện Belvedere nằm tại phía bắc của Đô thị lý tưởng Ferdinandopoli, bố cục theo hướng bắc – nam, hướng về phía nam, dựa trên một sườn núi dốc tại phía bắc.  
Ban đầu Cung điện gồm hai tòa nhà giống hệt nhau. Tòa phía tây đã hoàn thành. Tòa phía đông mới xây dựng được một phần.
Mỗi tòa Cung điện là một tổ hợp cao 2 tầng (có 1 tầng hầm) gồm: Khối phía trước có quy mô lớn với 9 bước gian; Khối phía sau có mặt bằng hình chữ nhật với các cánh nhà bao quanh một sân trong rộng.
Một phần cánh phía bắc của tổ hợp nhà chìm vào sườn núi.
Bên trong các cánh nhà của Cung điện, bố trí nhà thờ, nơi ở của linh mục và giáo viên, bộ phận hành chính, trường học, phòng bảo vệ và nhà bếp hoàng gia. Các căn hộ hoàng gia bố trí tại tầng trên của các cánh nhà.
Kết nối hai tòa Cung điện là một cánh nhà dài, cao 2 tầng.
Giữa hai tòa Cung điện chính là trục tổ hợp chính của Đô thị Ferdinandopoli. Tại không gian này là một sân dốc. Xung quanh nhà là các khu vườn với các trang trí bằng đài phun nước kiểu Baroque.
Trong quá trình thực hiện, tại phía đông của Cung điện Belvedere đã bổ sung thêm một số công trình như xưởng sợi dệt và nhà ở công nhân. 


Mô hình khu vực Cung điện Belvedere, San Leucio, Ý



Phối cảnh tổng thể khu vực Cung điện Belvedere. Khối phía tây đã hoàn thành, Khối phía đông (bên phải ảnh) mới xây dựng được một phần


Phối cảnh tổng thể phần đã được xây dựng của Cung điện Belvedere ở San Leucio, Ý; chính giữa là Trục trung tâm của Đô thị
 lý tưởng Ferdinandopoli



Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt phần đã được xây dựng của Cung điện Belvedere ở San Leucio, Ý


Phối cảnh mặt tiền Cung điện Belvedere ở San Leucio, Ý


Nội thất Cung điện Belvedere ở San Leucio, Ý

Dấu tích của các trục đường hướng tâm tại Đô thị vẫn tồn tại. Trong đó có Cổng vòm Bourbon (Bourbon Arch).
Bên trong khu vực, nhà ở của công nhân vẫn còn sử dụng như thiết kế ban đầu.
Cung điện Belvedere hiện trở thành bảo tàng, nơi lưu giữ và trưng bày theo 3 chủ đề chính riêng biệt: Gia tộc Bourbons; Lịch sử của Quần thể kiến trúc (Ferdinandopoli) và Nhà máy sợi, dệt (Living Silk Museum).
Các nhà máy sợi, dệt trong khu vực được giữ lại như thành phần của Bảo tàng. Một số khung dệt và máy móc nguyên bản bên trong nhà xưởng được khôi phục và trưng bày. 


Cổng vòm Bourbon Arch, San Leucio, Ý; một trong cổng nằm trên các trục không gian hướng tâm của Đô thị lý tưởng Ferdinandopoli


Di tích Nhà xưởng sợi dệt nằm cạnh 
Cung điện Belvedere ở San Leucio, Ý


Các chi tiết máy tạo sợi, dệt vải trưng bày trong Bảo tàng sợi, dệt, San Leucio, Ý 




Phối cảnh dãy nhà của công nhân nhà máy sợi, dệt ở San Leucio, Ý; vẫn còn tiếp tục sử dụng đên ngày nay

Kênh dẫn nước Carolino và Đồi Tifatini
Kênh dẫn nước Carolino và Đồi Tifatini (Carolino Aqueduct and Tifatini Hills; Hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía đông Khu vực Di sản. 

Kênh dẫn nước Caroline
Kênh dẫn nước Caroline dài 38 km cung cấp nước cho Cung điện Hoàng gia Caserta (Reggia di Caserta) và khu phức hợp San Leucio (Cung điện Belvedere).
Tuyến kênh là một phần trong kế hoạch xây dựng một cung điện hoàng gia mới với hệ thống cấp nước sinh hoạt kỳ vĩ của vua Charles với mong muốn khẳng định sự trở lại vĩ đại của Naples trong số các thành phố quan trọng nhất châu Âu.
Theo sự ủy quyền bởi vua Charles, hệ thống cấp nước cho Cung điện hoàng gia mới được thiết kế bởi kiến trúc sư Luigi Vanvitelli
Tuyến kênh dẫn nước Carolino cùng với Cung điện Hoàng gia Caserta đã tạo nên thành tựu lớn của Luigi Vanvitelli. Trước đó, phần lớn các chuyên gia đều phản đối kế hoạch này, cho rằng không thể vận chuyển nước trong một quãng đường rất dài trên địa hình phức tạp.
Việc xây dựng kênh bắt đầu vào năm 1753 và khai trương vào năm 1762. 
Tuyến kênh dài 39km, chủ yếu chạy dưới đất.
Điểm đầu phía đông của Tuyến kênh là các suối tại chân núi Taburno Camposauro và các suối tại Fizzo Contrada (độ cao 254m), thuộc khu vực Bucciano (một đô thị tại tỉnh Benevento, vùng Campania của Ý).
Điểm cuối phía tây của Tuyến kênh là chân núi Briano, để tiếp nước cho tuyến kênh trung tâm và các đài phun nước tại Công viên của Cung điện Hoàng gia Caserta (độ cao 203,5m).
Tuyến kênh dẫn nước Caroline được chú ý bởi Cầu máng Vanvitelli (mang tên kiến trúc sư Luigi Vanvitelli) hình vòm La Mã, dài 529m, cao 55,8m chạy ngang qua thung lũng Valle di Maddaloni, nối liền giữa Monte Longano (ở phía đông) và Monte Garzano (ở phía tây). 


Sơ đồ tuyến kênh dẫn nước Carolino, tại Caserta và Benevento, Ý (vẽ năm 1826)






Cầu máng 
Vanvitelli trên tuyến kênh dẫn nước Carolino, tại Caserta, Ý

Di sản Cung điện Hoàng gia thế kỷ 18 tại Caserta với Công viên, Cầu máng Vanvitelli và Khu phức hợp San Leucio, tại các tỉnh Caserta và Benevento, Italia được cho là vượt qua tất cả các cung điện hoàng gia châu Âu khác. Đây là nơi xây dựng những tòa nhà có giá trị kiến ​​trúc to lớn, được bố trí hợp lý trong cảnh quan thiên nhiên, theo một quy hoạch phát triển có tầm nhìn sáng tạo và được hiện thực hóa thông qua hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật đặc biệt (kênh nước) để kết nối và thống nhất toàn bộ Quần thể. Đây cũng là một trong những địa điểm của châu Âu hình thành mô hình đô thị lý tưởng gắn với quá trình công nghiệp hóa. 

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/549/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Caserta
https://en.wikipedia.org/wiki/English_landscape_garden
https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Palace_of_Caserta
https://en.wikipedia.org/wiki/San_Leucio
https://it.wikipedia.org/wiki/San_Leucio_(Caserta)
https://it.wikipedia.org/wiki/Belvedere_di_San_Leucio
https://it.wikipedia.org/wiki/Statuto_di_San_Leucio
https://it.wikipedia.org/wiki/Giardino_all%27italiana
https://reggiadicaserta.cultura.gov.it/scopri-il-complesso/bagno-di-venere/
http://www.mcmfazzini.it/san-leucio---universitagrave-e-museo.html
https://patrimoineindustriel-apic.org/nos-dossiers/utopies-industrielles-royaume-de-naples/la-manufacture-royale-de-soie-de-san-leucio/
https://en.wikipedia.org/wiki/Aqueduct_of_Vanvitelli
https://italian-traditions.com/carolino-aqueduct-hydraulic-engineering/
https://www.meisterdrucke.uk/fine-art-prints/Luigi-Vanvitelli/168795/Design-for-the-Royal-Palace-of-Caserta,-1756-.html
https://www.jammway.it/la-reggia-di-caserta-visita-al-palazzo-reale-piu-bello-del-mondo/

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ         

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi


Cập nhật ( 10/10/2023 )
 
Tin mới đưa:
“ Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ.”
 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com