|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam |
17/12/2019 |
Thông tin chung:
Công trình: Chùa Cầu
Địa điểm: Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam (N15 52 60 E108 19 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Khoảng thế kỷ 17
Giá trị: Thuộc Di sản thế giới (1999; hạng mục ii, v)
Phố cổ Hội An (Hoi An Ancient Town)
Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm tại hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, Việt Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Trước khi đổ ra biển Đông, hạ lưu sông Thu Bồn chia thành nhiều nhánh. Nhánh tiếp xúc với phố cổ mang tên sông Hoài (hay sông Hội An).
Vùng đất này xưa kia đã có một lịch sử rất lâu đời. Tại đây đã từng tồn tại 2 nền văn hóa lớn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa. Các hiện vật khảo cổ đã minh chứng ngay từ đầu Công nguyên nơi đây đã bắt đầu có những giao dịch ngoại thương. Nhiều thư tịch cổ ghi nhận trong một thời gian khá dài, Chiêm cảng - Lâm Ấp Phố đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên sự phồn vinh của kinh thành Trà Kiệu và khu di tích đền tháp Mỹ Sơn. Vào năm 1471, quốc gia Chăm Pa suy tàn, vùng đất Hội An trở thành lãnh thổ của Đại Việt. Từ đó, nơi đây thương mại ngày càng phát triển, hình thành đô thị Hội An.
Hội An ra đời vào khoảng nửa cuối thế kỷ 16 dưới thời nhà Lê. Thế kỷ 17, trong khi vẫn giao tranh với chúa Trịnh ở miền Bắc, chúa Nguyễn ra sức phát triển kinh tế Đàng Trong, mở rộng giao thương buôn bán với nước ngoài và Hội An trở thành thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất khu vực Đông Nam Á thời kỳ đó.
Khoảng năm 1617, phố Nhật Bản (dành cho thương nhân người Nhật) ở Hội An được hình thành.
Khác với người Nhật, những người Hoa biết đến Hội An từ rất sớm, ngay từ thời vùng đất này còn thuộc về vương quốc Chăm Pa. Họ tới đây buôn bán muối, vàng, quế…cho các tỉnh miền Nam Trung Quốc và đồ gốm sứ cho các quốc gia khác tại châu Á.
Sau khi nhà Minh bị nhà Thanh thay thế, nhiều người Hoa di cư tới Trung Bộ Việt Nam và xây dựng nên nhiều cộng đồng Minh Hương Xã. Tại Hội An,người Hoa tới lưu trú ngày một nhiều, thế chân người Nhật nắm quyền buôn bán và dần trở thành cư dân đất Việt.
Thế kỷ 18, chúa Trịnh đánh chiếm Hội An, đã triệt phá những nhà cửa thuộc khu thương mại, chỉ để lại các công trình tín ngưỡng. Những thương nhân nguồn gốc Hoa đã di cư vào Sài Gòn – Chợ Lớn.
Thế kỷ 19, cửa sông Cửa Đại ngày càng bị thu hẹp và sông Cổ Cò cũng bị phù sa bồi lấp, khiến các thuyền lớn không còn ghé được cảng Hội An. Từ đó, Hội An dần mất đi vị thế cảng thị quốc tế quan trọng.
Năm 1888, khi Đà Nẵng trở thành nhượng địa của Pháp, người Hoa quay lại kinh doanh tại cả Hội An và Đà Nẵng. Nhưng do giao thông đường thủy ngày càng trở nên khó khăn, cùng với chính sách phát triển Đà Nẵng của người Pháp, hoạt động thương nghiệp ở Hội An dần bị đình trệ.
Đầu thế kỷ 20, Hội An vẫn là thị xã, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam và may mắn không bị tàn phá trong chiến tranh. Khi tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng được thành lập vào năm 1976, thành phố Đà Nẵng trở thành tỉnh lỵ, Hội An rơi vào một thời kỳ bị quên lãng, nhưng nhờ đó, lại may mắn tránh được sự biến dạng của quá trình đô thị hóa.
Ngày nay, thành phố Hội An (đô thị loại 3) có diện tích 60km2, dân số khoảng 152 ngàn người (năm 2018), dần phồn vinh trở lại nhờ những hoạt động du lịch.
Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (1999) với các tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Hội An là một minh chứng nổi bật về sự hợp nhất của các nền văn hóa theo thời gian tại một cảng thương mại quốc tế.
Tiêu chí (v): Hội An là một ví dụ đặc biệt được bảo quản tốt của một thương cảng truyền thống tại châu Á.
Sơ đồ phạm vi Di sản Phố cổ Hội An, Quảng Nam (màu tím) và vùng đệm (màu xanh)
Vị trí Chùa Cầu trong Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Vị trí chùa Cầu trong bản đồ Di sản Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Phố cổ Hội An là một ví dụ được bảo tồn đặc biệt của một thương cảng quy mô nhỏ, hoạt động từ thế kỷ 15 đến 19, giao thương rộng rãi với các quốc gia Đông Nam, Đông Á và với phần còn lại của thế giới. Mặc dù thương cảng Hội An suy giảm tầm quan trọng sau thế kỷ 19, song tại đây vẫn còn lưu giữ được mô hình đô thị cảng truyền thống gồm 1.107 tòa nhà khung gỗ với những bức tường gạch hoặc gỗ, bao gồm các công trình nhà ở, thương mại, bến tàu, chùa, đình, miếu, nhà thờ tộc, hội quán. Các ngôi nhà được sắp xếp cạnh nhau, tạo thành các dãy nhà hẹp, dọc theo các con đường hẹp dành cho người đi bộ.
Nổi bật trong phố cổ là một cây cầu gỗ có mái che, được xây dựng vào cuối thế kỷ 16, mang tên Chùa Cầu.
Chùa Cầu nhìn từ trên cao, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Chùa Cầu
Chiếc cầu cổ duy nhất còn lại ở Hội An ngày nay là Chùa Cầu (trong hình vẽ ký hiệu C). Cầu được các thương nhân người Nhật Bản góp tiền xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ 16 hoặc đầu thế kỷ 17, nên đôi khi người ta còn gọi là cầu Nhật Bản (Japanese Bridge).
Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu. Từ đó người địa phương gọi là Chùa Cầu.
Chùa Cầu là một công trình tôn giáo đặc biệt. Mang tiếng là chùa, song ở đây không có bàn thờ Phật hay Bồ Tát. Có lẽ phần xây thêm vào cầu là ngôi đền hơn là ngôi chùa. Trong đền thờ Bắc Đế Trấn Võ hay Huyền Thiên Đại đế gắn với việc trị thủy. Vì Hội An nằm ven sông Thu Bồn, thường xảy ra lũ lụt.
Tại đây chùa và đền là một. Điều này cũng phù hợp với tôn giáo của người Nhật thời bấy giờ là Phật giáo và Thần đạo (tôn giáo bản địa) là một. Mãi đến thời Thiên hoàng Minh Trị (trị vì từ năm 1867 – 1912) mới có sắc lệnh “Phật Đạo phân ly”, tách riêng ngôi đền Thần đạo và ngôi chùa Phật giáo.
Năm 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An, đặt tên cho cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa" với mong muốn nơi đây mãi là “Vùng đất lành” của quốc gia và thiên hạ.
Cầu dài khoảng 18m, bắc qua một lạch nước nhỏ chảy ra sống Thu Bồn, nối liền đường Trần Phú với đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Cầu được cho là xây dựng bởi những người thợ thủ công Nhật Bản và Việt Nam.
Trải qua nhiều lần trùng tu, hình dáng cây cầu đã bị thay đổi nhiều. Dáng vẻ ngày nay được hình thành trong những lần sửa chữa vào 1817, 1865, 1915, thể hiện rõ qua các trang trí bằng mảnh sứ tráng men hay đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn.
Cầu có kiểu trúc khá độc đáo, dạng trên là nhà, dưới là cầu, một loại hình kiến trúc khá phổ biến ở những quốc gia châu Á nhiệt đới.
Phần móng cầu được làm bằng các vòm trụ đá. Mặt cầu vồng lên, được lát ván làm lối qua lại, hai bên có bệ gỗ nhỏ, trước kia là nơi bày hàng buôn bán. Mái cong mềm mại, lợp ngói âm dương của cầu được đỡ bởi một hệ thống kết cấu gỗ.
Ngôi đền thờ Bắc Đế Trấn Võ hay Huyền Thiên Đại đế nằm tại giữa cầu, ngăn cách với cầu bởi một lớp vách gỗ và bộ cửa "thượng song hạ bản", tạo không gian riêng biệt.
Mỗi đầu cầu, hai bên lối đi, đều có hai bức tượng thú, một bên tượng khỉ, bên kia tượng chó bằng gỗ mít trong tư thế ngôi chầu. Theo truyền thuyết, con thủy quái Mamazu có đầu nằm ở Nhật Bản, đuôi ở Ấn Độ Dương và thân thì ở Việt Nam, mỗi khi cựa mình sẽ gây ra động đất, thiên tai, lũ lụt. Vì vậy những người Nhật đã xây dựng cây cầu cùng tượng Thần Khỉ và Thần Chó để trấn yểm con quái vật. Một thuyết khác cho rằng những bức tượng khỉ và chó xuất hiện trên cầu vì công trình này được khởi dựng vào năm Thân, hoàn thành vào năm Tuất.
Chùa Cầu ngày nay đã trở thành biểu tượng của Phố cổ Hội An. Hình ảnh Chùa Cầu có trên mặt sau tờ bạc 20.000 nghìn đồng bằng polyme của Việt Nam.
Mặt bằng chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Phối cảnh mặt phía Nam chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Phối cảnh mặt phía Bắc chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
|
|
Lối vào phía Đông chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Trên cầu, tại chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Cửa vào điện thờ Bắc Đế Trấn Võ, chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Gian thờ Bắc Đế Trấn Võ, chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Gian thờ Chó tại phía Đông chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Gian thờ Khỉ tại phía Tây chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Lối vào phía phía Tây của chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Trang trí đĩa sứ là biểu hiện đặc trưng của kiến trúc thời Nguyễn trên mái chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam
Hình ảnh chùa Cầu, Phố cổ Hội An trên đồng tiền Việt Nam.
Chùa Cầu là một trong các Di sản thuộc Phố cổ Hội An, phản ánh sự đa dạng đời sống vật chất và tinh thần của dân cư bản địa, cũng như người nước ngoài. Sự đa dạng này được bảo tồn và tiếp tục truyền lại cho đến ngày nay, trở thành một trong những ví dụ tiêu biểu của một thương cảng truyền thống và một "Vùng đất lành" tại khu vực Đông Á.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/948
https://en.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%99i_An
https://www.orientalarchitecture.com/sid/657/vietnam/hoi-an/japanese-bridge
http://vietnamtourism.com/disan/index.php?catid=2
http://www.quangnamtourism.com.vn/vn/tiemnangdulich.asp
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_C%E1%BA%A7u
(Xem vi deo giới thiệu chùa Cầu tai đây)
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 18/12/2019 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Đền Lý Bát Đế , Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Nhà 87 Mã Mây, Khu phố cổ Hà Nội, Việt Nam
- Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, thành phố Lahore, Pakistan
- Vườn Ba Tư, Iran
- Quần thể Persepolis, Shiraz, Iran
- Quảng trường Meidan Emam, Isfahan, Iran
- Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
- Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, Indonesia
- Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào
- Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright, Mỹ
- Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P3
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P2
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P1
|