Thông tin chung:
Công trình: Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, tại Lahore (Fort and Shalamar Gardens in Lahore)
Địa điểm: Lahore, bang Punjab, Pakistan (N31 35 25 E74 18 35)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm thực hiện: Thế kỷ 16 - 17
Giá trị: Di sản thế giới (1981; hạng mục i; ii; iii)
Pakistan là một quốc gia Hồi giáo tại Nam Á, nơi nối liền Trung Ắ và Tây Á, là quốc gia đông dân thứ 6 trên thế giới với hơn 200 triệu dân, diện tích khoảng 881.913km2, thủ đô là thành phố Islamabad, ngôn ngữ chính là tiếng Urdu. Pakistan có đường bờ biển dài 1.046km, dọc theo Biển Ả Rập và Vịnh Oman ở phía Nam và giáp Ấn Độ ở phía Đông, Afghanistan ở phía Tây, Iran ở phía Tây Nam, và Trung Quốc ở phía Đông Bắc.
Vùng đất Pakistan ngày nay từng là trung tâm của nền Văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation, sông chính của Pakistan). Đây là nơi hội tụ các nền văn hóa cổ đại, sau đó trở thành vương quốc của các tôn giáo và các nền văn hóa khác nhau, bao gồm cả người theo Hồi giáo (Islam), Ấn Độ giáo (Hinduism), Kito giáo (Christianity), Phật giáo (Buddhism) và các tôn giáo khác.
Khu vực này đã được cai trị bởi nhiều đế chế và triều đại, bao gồm Đế chế Achaemenid của Ba Tư (Persian Achaemenid Empire, cai trị năm 550 – 330 TCN), Alexander Đại đế (Alexander III of Macedon/Alexander the Great, năm 336 - 323 TCN), Đế quốc Seleucid (Seleucid Empire, năm 312 – 63 TCN), Đế quốc Maurya Ấn Độ (Indian Maurya Empire, năm 322 TCN - 185 sau Công nguyên), Vương quốc Ấn-Hy Lạp (Indo-Greek Kingdom, tồn tại năm 180 TCN – 10 sau Công nguyên), Đế chế Kushan (Kushan Empire, tồn tại năm 30 – 375), Đế chế Gupta (Gupta Empire, năm 320 – 550), Vương triều Umayyad (Arab Umayyad Caliphate, năm 661–750), Vương quốc Delhi (Delhi Sultanate, năm 1206–1526), Đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire, năm 1206–1368), Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1875), Đế chế Durrani Afghanistan (Afghan Durrani Empire, năm 1747–1826), Đế chế Sikh (một phần; Sikh Empire, năm 1799–1849) và gần đây nhất, Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh (British Indian Empire, năm 1858–1947). Năm 1947, Pakistan dành độc lập (bao gồm Pakistan và Bangladesh ngày nay). Năm 1956, liên minh phân thành Tây Pakistan và Đông Pakistan. Năm 1971, Đông Pakistan tách khỏi liên minh để trở thành Bangladesh.
Ngày nay, Pakistan là một liên bang, bao gồm 4 bang: Punjab, Khyber Pakhtunkhwa (North-West Frontier), Sindh, Balochistan và 3 vùng lãnh thổ: Thủ đô Islamabad, Gilgit Muff Baltistan và Azad Kashmir.
Bản đồ Pakistan, vị trí bang Punjab và thành phố Lahore
Suốt theo chiều dài lịch sử, kiến trúc Pakistan trải qua 4 thời kỳ: Kiến trúc tiền Hồi giáo (Pre-Islamic); Kiến trúc Hồi giáo (Islamic); Kiến trúc thuộc địa (Colonial); Kiến trúc hậu thuộc địa (Post- Colonial).
Với sự khởi đầu của Nền văn minh lưu vực sông Ấn vào giữa thiên niên kỷ thứ 3 TCN, một nền văn hóa đô thị tiên tiến được phát triển lần đầu tiên trong khu vực với các tòa nhà lớn, mà một số còn tồn tại cho đến ngày nay. Sự trỗi dậy của Phật giáo và ảnh hưởng của nền văn minh Hy Lạp (liên quan đến cuộc chinh phạt tiểu lục địa Ấn Độ của Alexander Đại đế) đã dẫn đến sự phát triển Phong cách Phật giáo Greco (Greco-Buddhist style) bắt đầu từ thế kỷ 1 sau Công nguyên. Đỉnh cao của thời đại này là phong cách Gandhara (Gandhara style).
Sự xuất hiện của Hồi giáo ở Pakistan báo hiệu sự kết thúc của kiến trúc Phật giáo và sự chuyển tiếp sang kiến trúc Hồi giáo.Trong thời đại Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1875), là một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử Nam Á, các yếu tố thiết kế của kiến trúc Hồi giáo Ba Tư (Persian-Islamic architecture) đã được hợp nhất và tạo ra các hình thức nghệ thuật Hindustani (Hindustani art).
Trong thời kỳ thuộc địa Anh, các tòa nhà quan trọng được xây dựng với phong cách hỗn hợp châu Âu và Ấn Độ - Hồi giáo.
Giai đoạnsau, kiến trúc Pakistan là sự tiếp nối 3 thời kỳ kiến trúc trên, tiếp thu và phát triển các hình thức kiến trúc mới, tạo thành Kiến trúc hậu thuộc địa và Kiến trúc hiện đại.
Nền văn minh Mughal (năm 1526 – 1875) là sự hợp nhất từ các nền văn minh Hồi giáo, Ba Tư, Ấn Độ và Mông Cổ, đã thống trị Tiểu lục địa Ấn Độ trong nhiều thế kỷ và ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của Tiểu lục địa giai đoạn tiếp theo.
Thành phố Lahore, là nơi cư trú thường xuyên của những người cai trị Đế quốc Mughal. Đây là nơi có nhiều tòa nhà quan trọng của đế chế. Nổi bật trong đó là: Nhà thờ Hồi giáo Badshahi (Badshahi Mosque), nhà thờ Hồi giáo Wazir Khan (Wazir Khan Mosque), nhà thờ Hồi giáo Shah Jahan tại Thatta (Shahjahan Mosque in Thatta), pháo đài thành phố Lahore (Fortress of Lahore) với cổng Alamgiri (Alamgiri Gate) và vườn Shalimar ở Lahore (Shalimar Gardens in Lahore).
Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar nằm tại thành phố Lahore, cách nhau 7 km. Pháo đài Lahore, đặc trưng bởi các cấu trúc hoành tráng và Vườn Shalimar, đặc trưng bởi những khu vườn nước rộng lớn, là những ví dụ nổi bật về nghệ thuật Mughal vào thời đỉnh cao trong thế kỷ 16 và 17.
Pháo đài Lahore, nằm ở góc phía Tây Bắc của thành phố Lahore, trải rộng trên diện tích khoảng hơn 20ha, tồn tại trong nhiều thiên niên kỷ. Cấu trúc của pháo đài hiện tại được cho là hình thành trong thế kỷ 11, bị phá hủy và xây dựng lại nhiều lần bởi những người Mughal đầu tiên trong suốt thế kỷ 13 đến thế kỷ 15, được xây dựng lại vào thế kỷ 17, khi Đế quốc Mughal đang ở đỉnh cao của sự huy hoàng và sang trọng. 21 di tích tồn tại trong phạm vi ranh giới của pháo đài như một minh chứng nổi bật về các hình thức kiến trúc Mughal, dười thời Akbar (Hoàng đế thứ 3 vương triều Mughal, trị vì năm 1556- 1605), Jahangir (Hoàng đế thứ 4 vương triều Mughal, trị vì năm 1605 – 1627) và Shah Jahan (Hoàng đế thứ 5 vương triều Mughal, trị vì năm 1627-1658).
Vườn Shalimar có diện tích rộng khoảng 16ha, được hoàng đế Shah Jahan xây dựng vào năm 1641-1642, là một khu vườn Mughal, với những ảnh hưởng của vườn Ba Tư và là minh chứng khẳng định nghệ thuật Mughal. Khu vườn Mughal được đặc trưng bởi các bức tường đá sa thạch đỏ bao quanh, bố cục thành 3 bậc thềm và được phân chia bởi các đường nước.
Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, tại Lahore, bang Punjab, Pakistan được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1981) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): 21 di tích được bảo tồn trong ranh giới của Pháo đài Lahore là tác phẩm xuất sắc, đạt đến đỉnh cao nghệ thuật và thẩm mỹ của kiến trúc Mughal, trong giai đoạn từ triều đại của Akbar (1542-1605) qua triều đại của Shah Jahan (1627 -1658). Tương tự là Vườn Shalimar, được Shah Jahan xây dựng vào năm 1641- 1642, là đỉnh cao của thiết kế vườn Mughal. Cả hai phức hợp là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Nghệ thuật tạo hình, quy hoạch và thiết kế cảnh quan Mughal tại Pháo đài và Vườn Shalimar tại thành phố Lahore đã tiếp thu thành tựu đổi mới trong Đế chế Mughal, các quốc gia bên ngoài và có ảnh hưởng lớn trong thế kỷ tiếp theo đối với phát triển nghệ thuật và thẩm mỹ trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ.
Tiêu chí (iii): Thiết kế của Pháo đài Lahore và đặc điểm của Vườn Shalimar là một bằng chứng độc đáo và đặc biệt cho nền văn minh Mughal, đã đạt đỉnh cao về thành tựu nghệ thuật và thẩm mỹ trong thế kỷ 16 và 17.
Vườn Shalimar tại thành phố Lahore
Di sản Vườn Shalimar (Shalamar Gardens) được cho là khởi nguồn từ Vườn Địa Đàng Ba Tư. Vườn Ba Tư tồn tại trong giai đoạn vương triều Achaemenid, Iran (Achaemenid Empire hay Đế quốc Ba Tư, khoảng năm 550-330 TCN), là một vườn kín có tường bao quanh; mặt bằng vườn dựa trên góc vuông và tỷ lệ hình học, thường sử dụng đường nước chia vườn thành bốn phần, được gọi là Chahar Bagh (Four Gardens), là biểu tượng cho sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa trời và đất.
Vườn Shalimar giống như một khu vườn Địa đàng Ba Tư nhằm tạo ra một điều không tưởng trên trái đất, trong đó con người cùng tồn tại hài hòa với tất cả các yếu tố của thiên nhiên.
Lahore thường được mô tả là "thành phố của những khu vườn". Song rất ít khu vườn lịch sử còn tồn tại cho đến ngày nay. Di sản Vườn Shalimar là một ngoại lệ.
Sơ đồ vị trí Di sản Vườn Shalimar, Lahore, Pakistan
Sơ đồ tổng mặt bằng Di sản Vườn Shalimar, Lahore, Pakistan
Vườn Shalimar có mặt bằng hình chữ nhật, 250m x 660m (khoảng 16,5ha), theo trục Bắc - Nam. Sự rộng lớn và hùng vĩ của khu vườn đã mang đến sức sống cho di sản thời Mughal về kiến trúc cảnh quan mà không một nơi nào tại Lahore có được.
Trước Shalamar, các hoàng đế Mughal không xa lạ gì với việc xây dựng vườn. Song địa điểm xây dựng Shalamar cuốn hút các vị hoàng đế. Về mặt địa lý, đây là một thung lũng dài khoảng 150km với khung cảnh tuyệt đẹp của dãy Himalayas. Khí hậu của thung lũng được điều tiết bởi dãy núi Pir Panjal, như một vùng đệm chống lại khí hậu gió mùa ở phía Nam. Nước từ tuyết tan trên các ngọn núi xung quanh đổ xuống thung lũng và chảy ra sông Jhelum. Ở giữa cảnh quan xanh tươi này, Akbar (1556- 1605) đã thành lập một số khu vườn. Di sản vườn Shalimar được chọn địa điểm vào năm 1620 bởi Jahangir (năm 1605 -1627), được chính thức xây dựng vào năm 1641 dưới triều đại của Shah Jahan (1628 -1658) và hoàn thành vào năm 1642. Vườn là nơi gia đình hoàng gia nghỉ ngơi và tiếp khách.
Vườn Shalamar sau khi thành lập đã đóng vai trò như động lực cho việc phát triển của khu vực, thúc đẩy việc xây dựng đường và các khu định cư.
Trong thời kỳ Đế chế Sikh (Sikh Empire, năm 1799–1849), phần lớn đá cẩm thạch của khu vườn đã bị cướp phá để xây dựng công trình khác và bị đem bán.
Vườn có tường bao kín xung quanh. Lối vào vườn qua 4 cổng chính tại 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc.
Cổng Bắc (North gate – ký hiệu A), phía trong, Di sản Vườn Shalimar, Lahore, Pakistan
Cổng Tây (West Gate – ký hiệu B) và tường bao, Di sản Vườn Shalimar, Lahore, Pakistan
Cổng Đông (East/Delhi Gate – Ký hiệu C) và tường bao, Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Cổng phía Nam (Aramgah – South Entrance – ký hiệu M), Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Vườn được chia thành 3 bậc sân, mỗi bậc cách nhau 4- 5m.
Từ sân thấp nhất phía Bắc đến sân cao nhất phía Nam, được đặt tên là: Mang lại sự sống (Bestower of Life); Mang lại lòng tốt (Bestower of Goodness), và Mang lại niềm vui (Bestower of Pleasure). Bậc sân thứ nhất và thứ ba đều có dạng hình vuông. Bậc sân thứ hai, sân giữa, là một hình chữ nhật hẹp. Việc bố trí vườn theo 3 bậc thềm với sự thay đổi độ cao cho phép các đài phun nước có đủ áp lực để tạo các vòi phun nước tuyệt đẹp. Trong vườn có một số công trình bằng đá cẩm thạch tráng lệ, là nơi dừng chân để chiêm ngưỡng cảnh quan và tổ chức hoạt động của hoàng gia.
Bậc sân cao nhất tại phía Nam dành cho hậu cung của hoàng đế.
Bậc sân giữa là vườn của hoàng đế.
Bậc sân thấp nhất tại phía Bắc dành cho quý tộc và đôi khi cho công chúng.
Cả hai bậc sân hình vuông được các đường nước chia thành 4 hình vuông nhỏ (tương tự như vườn Chahar Bagh Ba Tư). Trung tâm của bậc sân giữa là một hồ lớn.
Trong vườn có một số công trình kiến trúc như: nhà nghỉ chân, nhà tắm hoàng gia, hội trường….
|
|
Vườn tại bậc sân cao nhất, nhìn về phía Bắc, tòa nhà Aiwan (ký hiệu F), Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Kênh nước với các vòi phun; Nhìn về phía Tây là tòa nhà Khawabgah (ký hiệu J), nơi nghỉ của Hoàng hậu; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Tòa nhà Aiwan (ký hiệu F), giới hạn sân giữa với sân thượng; Nhìn về phía Nam; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Tòa nhà Aiwan nhìn từ bậc sân giữa; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Phối cảnh bậc sân giữa; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Tòa nhà Sawan Bhadon (ký hiệu D) với hai khối nhà (hình vẽ ký hiệu D, giới hạn sân dưới và sân giữa; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Nhà nghỉ chân với các cột đá sa thạch màu đỏ (Red sandstone pavilion – hình vẽ ký hiệu E) tại khu vực sân giữa; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Nhìn từ sân giữa về phía sân thấp tại phía Bắc; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Tòa nhà Ranjit Singh Pavilion (ký hiệu G), làm bằng đá cẩm thạch, xây dựng vào đầu 1800 bởi
Maharaja Ranjit Singh (Hoàng đế Sikh, cai trị năm 1801- 1839); Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Nhà tắm Hamman (Bath House – ký hiệu H) với tòa tháp ở phía trên; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Lối vào vườn hậu cung từ vườn chính (Daulat Khan –i-khas/Hall of Private Audience – ký hiệu K); Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Vườn hậu cung Nagar Khana (Nagar Khana annex- ký hiệu L) với tòa nhà nghỉ trong vườn hậu cung; Di sản Vườn Shalimar, Lahore
Vườn Shalimar chứa các công trình nước phức tạp nhất của bất kỳ Vườn Mughal nào, gồm 410 đài phun nước: Bậc sân trên có 105 đài phun nước; Bậc sân giữa có 152 đài phun nước; Bậc sân dưới có 153 đài phun nước. Ngoài ra, vườn có 5 thác nước, xây bằng đá cẩm thạch.
Nước cho vòi phun trong vườn được cấp qua một tuyến kênh ngầm (Qanat) dài 160km từ núi Rajpur, dưới chân dãy Himalayas.
Ngày nay, Vườn Shalimar là một trong những khu Vườn Địa Đàng được bảo tồn tốt nhất trong thế giới Hồi giáo.
Pháo đài Lahore
Di sản Pháo đài Lahore (Fort in Lahore) trải rộng trên một diện tích hơn 20 ha, trải qua 4 giai đoạn: Đế quốc Mughal (1519-1767); Liên minh Sikh (Sikh Misls, 1767-1799); Đế chế Sikh (1799-1849); Thuộc địa Anh (1849-1947).
Pháo đài được chia thành hai phần: Phần thứ nhất là khu hành chính tại phía Nam, được kết nối tốt với các lối vào chính, và bao gồm các khu vườn và Hội trường đặc biệt Diwan-e-Khas dành cho Hoàng đế gặp gỡ khách hàng ngày.
Phần thứ hai, một khu nội cung chia thành các tòa lâu đài tại phía Bắc và có thể vào qua cổng tại phía Tây gắn với bậc thang có thể cho voi đi. Phần này cũng bao gồm cung điện Sheesh Mahal với các phòng ngủ rộng rãi và những khu vườn nhỏ; Các bức tường bên ngoài được trang trí bằng gạch Ba Tư màu xanh; Cổng Alamgiri đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Badshahi…
Công trình chứa 21 di tích quan trọng, một trong số đó có niên đại thời Akbar (1556 - 1605). Pháo đài được xây dựng vào thế kỷ 17, khi Đế quốc Mughal đang ở đỉnh cao của sự huy hoàng và sang trọng.
Vị trí Di sản Pháo đài Lahore bên trong khu vực thành phố cổ Lahore, Pakistan
Tổng mặt bằng Di sản pháo đài Lahore, Pakistan
Tổng mặt bằng pháo đài Lahore năm 1911
Di sản pháo đài Lahore, Pakistan; nhìn từ phía Bắc
Di sản pháo đài Lahore, Pakistan; tại quảng trường phía Tây
Hồ sơ đầu tiên về một cấu trúc kiên cố tại đây liên quan đến một pháo đài xây dựng bằng gạch bùn ở thế kỷ 11. Pháo đài bị phá hủy vào năm 1241 bởi quân Mông Cổ, sau đó được xây dựng lại và bị phá hủy nhiều lần.
Nền tảng của Pháo đài Lahore hiện đại được xây dựng từ năm 1566 dưới thời trị vì của Akbar Đại đế (1556 - 1605), có vai trò như một tiền đồn để bảo vệ biên giới phía Tây Bắc của Đế chế. Trong thời gian này nhiều cung điện, vườn hoa được xây dựng với phong cách kiến trúc đồng bộ có cả họa tiết Hồi giáo và Ấn Độ giáo. Nhiều cấu trúc thời kỳ Akbari đã được sửa đổi hoặc thay thế bởi những người cai trị vương triều Mughal tiếp theo.
Vào thời kỳ Jahangir (1605- 1627), Pháo đài đã được xây dựng bổ sung lâu đài Kala Burj (Kala Burj pavilion) với các vòm trần mái có thiên thần bay lượn lấy cảm hứng châu Âu. Ngoài ra trong thời kỳ này cũng đã xuất hiện các biểu tượng Kitô giáo với bức tranh về Đức mẹ Madonna và Chúa Jesus. Jahangir cho xây dựng một bức tranh tường khổng lồ dài 440m cao 15m trang trí tinh xảo với một mảng ốp gạch tráng men, khảm sứ và các bức bích họa.
Vào thời kỳ Shah Jahan (1628 -1658), hội trường Diwan-i-Aam theo phong cách Ba Tư Chehel Sotoun (một tòa lâu đài trong vườn Ba Tư, ở Isfahan, Iran) với không gian với 40 cột mảnh được xây dựng. Trong giai đoạn này, bên trong Pháo đài hình thành các tòa nhà Shah Burj; Shish Mahal và Naulakha; Nhà thờ Hồi giáo Moti Masjid.
Vào thời kỳ Aurangzeb (Hoàng đế thứ 6 vương triều Mughal, trị vì giai đoạn 1658 -1707, vị hoàng đế Mugal vĩ đại, cai trị hiệu quả cuối cùng của Đế quốc), cổng Alamgiri (Alamgiri Gate), biểu tượng của Pháo đài được xây dựng với tháp hình bán nguyệt và hội trường mái vòm (biểu tượng xuất hiện trên tiền Pakistan).
Sau sự sụp đổ của Đế quốc Mughal, Pháo đài Lahore được sử dụng làm nơi ở của Hoàng đế Ranjit Singh (cai trị năm 1801- 1839), người sáng lập Đế chế Sikh (Sikh Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 1799- 1849).
Pháo đài bị thực dân Anh xâm chiếm vào năm 1849. Vào thời kỳ hiện đại, Pháo đài được bảo tồn và nghiên cứu khám phá.
Pháo đài cao khoảng 4 tầng so với xung quanh, gồm tầng bệ, tầng 1. Mái tầng 1 là sân và vườn của các công trình bên trong pháo đài. Các công trình bên trong cao 1- 2 tầng.
Các di tích nổi bật tại Lâu đài Lahore gồm các công trình chính sau:
Bức tường tranh
Bức tường tranh (Paint Wall –ký hiệu 1) nằm tại phía Tây của Pháo đài, dài 440m bao quanh góc tường phía Tây Bắc của Pháo đài, cao 15m (tương đương 2 tầng, gồm phần bệ và tầng 1 của Pháo đài) với diện tích khoảng 6600m2. Các bức tranh không liên tục mà đặt trong 116 ô tường được giới hạn bởi các gờ tường và xen kẽ với các cửa sổ có dạng vòm nhọn.
Tranh được thực hiện dưới thời Hoàng đế Jahangir (cai trị năm 1605- 1627), được coi là thành tựu nghệ thuật vĩ đại nhất của Pháo đài.
Khi Hoàng đế Jahangir mất, con ông, Hoàng đế Shah Jahan (năm 1628 -1658) hoàn thành tranh vào năm 1632. Bức tường tranh được trang trí tinh xảo với một mảng ốp gạch tráng men, khảm sứ và các bức bích họa. Những cảnh hiện thị trên các bức tranh tường minh họa cho đời sống của giới quyền lực vường triều Mughal, bao gồm cả các môn thể thao (như polo) và trò tiêu khiển của họ như xem đấu voi. Các bức tranh ghép không tạo thành cầu chuyện mạch lạc mà theo từng cảnh khác nhau.
Bức tường tranh bị quên lãng và hư hỏng nặng nề, hiện đang được bảo tồn.
Bức tường cao tương đương 2 tầng với các ô trang trí; Di sản Pháo đài Lahore
Chi tiết trang trí ô tường và chi tiết trang trí ô cửa; Di sản Pháo đài Lahore
Cung điện Shah Burj
Cung điện Shah Burj (Shah Burj Quadrangle – ký hiệu 2) nằm tại góc Tây Bắc của Pháo đài Lahore, được xây dựng bởi Hoàng đế Shah Jahan (1628 -1658) vào năm 1632. Đây từng là nơi ở của hoàng hậu khi đến thăm Lahore.
Sân của cung điện là mái tầng 1. Tầng 1 rộng lớn là nơi ở mùa Hè của Hoàng hậu.
Các công trình trong cung điện có bố cục bao quanh sân trong.
Phần phía Bắc của sân là nhà tòa nhà có mặt bằng một nửa hình bát giác mang tên Musamman Burj và tòa nhà mang tên Shish Mahal.
Tòa nhà Shish Mahal hay Tòa nhà Gương (Palace of Mirrors) được sử dụng cho gia đình hoàng gia và trợ lý thân thiết. Công trình được xây dựng bằng đá cẩm thạch trắng. Mặt tiền công trình gồm 5 vòm mái với hàng cột đôi. Không gian chính của hội trường cao 2 tầng. Trang trí bên trong hội trường ban đầu là các bức bích họa sau đó được thay thế bằng khảm đá trang trí (pietra dura) và mảnh gương, kính màu.
Tại hàng hiên phía Tây có một toà nhà mang tên Naulakha (Naulakha Pavilion) với một mái vòm. Công trình được khảm bằng bằng đá cẩm thạch trắng. Từ đây có một tầm nhìn toàn cảnh về thành phố cổ Lahore. Hình dáng của ngôi nhà là nguồn cảm hứng cho rất nhiều công trình kiến trúc của Pakistan sau này.
Phía Đông và Nam của sân là hàng hiên cao 1- 2 tầng.
Trung tâm của sân là một hồ bơi tròn được cung cấp nước được cung cấp bởi một thác nước (Abshar) tại bức tường phía Nam.
|
|
Bên trong sân Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Tòa nhà Shish Mahal hay Tòa nhà gương, Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Nội thất sảnh hiên tòa nhà Shish Mahal, Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Trang trí đầu cột và chân cột trong sảnh tòa nhà Shish Mahal, Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Trang trí nội thất Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Tòa nhà Naulakha, Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Thác nước (Abshar) tại bức tường phía Nam cấp nước cho hồ bơi; Cung điện Shah Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Tầng hầm Shish Mahal
Tầng hầm Shish Mahal (Shish Mahal Basement– ký hiệu 2a), còn gọi là Cung điện Cổ tích (Pari Mahal), nằm tại phía Tây của Pháo đài, bên dưới Cung điện Shah Jahan và Cung điện Shah Burj, được xây dựng vào thời Shah Jahan (1628 -1658).
Tầng hầm bao gồm các phòng liên kết với nhau với quy mô rộng lớn. Khu vực này có thể được sử dụng làm nơi cư trú mùa hè vì nằm trong tầng lát đá và làm mát bằng hệ thống thông gió hiệu quả. Hệ thống sàn được làm bằng 2 lớp, giữa là lớp nước được bơm từ sông Ravi.
Tầng hầm có lối vào chính từ Cầu thang Hathi Paer (hay Cầu thang voi). Các bức tường trong tầng hầm được trang trí các bức bích họa phức tạp và được lát bằng đá cẩm thạch. Ngoài ra có có 2 lối thoạt hiểm hẹp về phía Bắc, trong trường hợp Pháo đài bị tấn công.
Trong thời vương triều Mughal, vươn triều Sikh và thuộc địa Anh, công chúng không được phép vào. Ngày nay không gian này một phần được sử dụng cho các hoạt động công cộng như triển lãm.
|
|
Tầng hầm Shish Mahal; Di sản Pháo đài Lahore
Tháp Kala Burj
Tháp Kala Burj (Kala Burj Tower/Black Pavilion - ký hiệu 3), nằm tại phía Bắc của Pháo đài, được xây dựng vào năm 1617- 1631, được đánh giá là một trong những bổ sung quan trọng vào thời kỳ Jahangir cho Pháo đài Lahore. Tháp có mặt bằng hình bát giác, được sử dụng như một tháp ngắm cảnh mùa Hè. Trần bên trong công trình được trang trí các bức tranh thiên thần được cho là chịu ảnh hưởng từ châu Âu. Hình dạng của tháp hiện tại được cho là khác đáng kể so với tháp xây dựng ban đầu. Vào thời kỳ Đế chế Sikh (Sikh Empire, 1799- 1849), tháp được bổ sung thêm một tầng. Vào thời kỳ thực dân Anh, tháp có nhiều thay đổi, trong đó bao gồm cả việc bổ sung một quán rượu.
Tháp Kala Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Tháp Lal Burj
Tháp Lal Burj (Lal Burj Tower/Red Pavilion – ký hiệu 4), nằm tại phía Bắc của Pháo đài, được xây dựng vào năm 1617- 1631. Tháp có mặt bằng hình bát giác, được sử dụng như một tòa nhà mùa Hè với cửa sổ chính mở ra phía Bắc. Tháp Lal Burj và Tháp Kala Burj nằm đối diện nhau qua sân trong của Cung điện Khilawat Khana. Phần mái của tháp cũng như các bức bích họa bên trong tháp còn sót lại hầu hết là từ thời kỳ Đế chế Sikh.
Tháp Lal Burj; Di sản Pháo đài Lahore
Cung điện Khilawat Khana
Cung điện Khilawat Khana được xây dựng vào năm 1633, nằm tại phía Bắc của Pháo đài, là nơi ở của Hoàng đế Shah Jahan. Cung điện chia thành hai phần: Phần phía Nam là một khu vườn mang tên Paien Bagh (ký hiệu 5); Phần phía Bắc (ký hiệu 6) có các phòng riêng của Hoàng đế và hậu cung. Cung điện có bố cục đóng kín. Phía Tây Nam có một nhà thờ Hồi giáo, và một số phòng cho lính canh. Phía Nam Cung điện là dãy nhà tắm hoàng gia (Shahi Hammam).
Cung điện hiện hầu như chỉ còn tàn tích. Phía Bắc có một tòa nhà duy nhất còn sót lại, tương tự như tòa nhà Naulakha với một mái vòm tại Cung điện Shah Burj.
|
|
Tàn tích Cung điện Khilawat Khana; Di sản Pháo đài Lahore
Cung điện Shah Jahan
Cung điện Shah Jahan (Shah Jahan Quadrangle – ký hiệu 7) được xây dựng vào năm 1645. Các công trình của Cung điện bao quanh một vườn dạng Chahar Bagh (khu vườn được chia thành 4 phần) với một đài phun nước đặt tại trung tâm. Cung điện là một trong những di tích nổi tiếng nhất của Pháp đài.
Phía Bắc của vườn là công trình Diwan-i-Khas (Hội trường đặc biệt). Tại đây, Hoàng đế sẽ ngự triều, tham dự vấn đề nhà nước trong buổi lễ hàng ngày (Darshan). Công trình Diwan-i-Khas có mặt bằng hình vuông với hàng hiên tạo ra 5 vòm cột tại các mặt tiền.
Phía Nam của cung điện là công trình Khwabgah-i-Shahjahani (Phòng ngủ của Hoàng đế Shah Jahan). Nội thất trang trí bên trong của công trình đã bị cướp phá trong các cuộc giao tranh giành quyền lực.
|
|
Vườn Chahar Bagh trong Cung điện Shah Jahan, phía trước là Hội trường Diwan-i-Khas; Di sản Pháo đài Lahore
Hội trường Diwan-i-Khas, Cung điện Shah Jahan; Di sản Pháo đài Lahore
Nội thất Hội trường Diwan-i-Khas, Cung điện Shah Jahan; Di sản Pháo đài Lahore
Tòa nhà Khwabgah-i-Shahjahani, Cung điện Shah Jahan; Di sản Pháo đài Lahore
Cung điện Jahangir
Cung điện Jahangir (Jahangir Quadrangle – ký hiệu 8) nằm tại phía Đông Bắc của Pháo đài và là cung điện lớn nhất dọc theo tường thành phía Bắc. Cung điện được hoàn thành vào năm 1617 – 1618 dưới thời Jahangir (Hoàng đế thứ 4 vương triều Mughal, cai trị năm 1605- 1627).
Cung điện bao gồm các dãy nhà bao quanh một sân trong.
Đầu phía Bắc của Cung điện là công trình Barri Khwabgah, phòng ngủ của Hoàng đế Jahangir. Tòa nhà Seh Dahri nhỏ tại phía Đông được xây dựng bổ sung vào thời kỳ Đế chế Sikh (Sikh Empire, năm 1799- 1849).
Phần lớn các công trình hiện tại được xây dựng lại trong thời kỳ thuộc địa Anh.
|
|
Tàn tích Cung điện Jahangir; Di sản Pháo đài Lahore
Công trình Barri Khwabgah, Cung điện Jahangir; Di sản Pháo đài Lahore
Dãy nhà phía Đông của Cung điện Jahangir; Di sản Pháo đài Lahore
Trang trí hàng cột tại các góc tường phía Nam, Đông và Tây của Cung điện với trang trí hình con voi trên dầm con sơn, một đặc trưng tiêu biểu của kiến trúc thời kỳ Akbar với ảnh hưởng của họa tiết Ấn Độ giáo, Cung điện Jahangir; Di sản Pháo đài Lahore
Cầu thang Hathi Pae
Cầu thang Hathi Paer (Hathi Paer Stairs – ký hiệu 9), nằm tại phía Tây Bắc của Pháo đài, ngay phía Nam của Cung điện Shah Burj, Cầu thang được thiết kế với bậc rộng, chiều cao bậc thấp để cho phép voi của Hoàng gia có thể đi từ mặt đất lên mặt trên của Pháo đài. Cổng lối vào cầu thang trở thành một phần của Bức tường trang trí (Paint Wall).
Lối vào Cầu thang Hathi Paer; Di sản Pháo đài Lahore
Bậc lên tầng 1, Cầu thang Hathi Paer; Di sản Pháo đài Lahore
Bậc lên mái tầng 1- sân của các tòa lâu đài, Cầu thang Hathi Paer; Di sản Pháo đài Lahore
Khu vực chuồng ngựa
Khu vực chuồng ngựa (Stables – ký hiệu 10), nằm tại phía Tây của Pháo đài, được xây dựng trong thời kỳ chiếm đóng của Anh và không phải là một phần của thiết kế ban đầu của Pháo đài.
Mặt tiền của chuồng ngựa, xây chèn vào một cổng thời Mugal và cổng Iwan (kiến trúc Hồi giáo) trước đó.
Khu vực chuồng ngựa; Di sản Pháo đài Lahore
Cổng Alamgiri
Cổng Alamgiri (Alamgiri Gate – ký hiệu 11), nằm tại phía Tây của Pháo đài, được xây dựng vào năm 1674.
Công trình là bổ sung lớn duy nhất cho pháo đài được xây dựng bởi Aurangzeb (Hoàng đế thứ 6 vương triều Mughal, trị vì giai đoạn 1658 -1707).
Cổng có hai tháp pháo đài hình bán nguyệt, được thiết kế như cánh sen. Cổng mở ra vườn Hazuri (Hazuri Bagh) và đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Badshahi (Badshahi Masjid/ Badshahi Mosque). Cổng là một trong những di tích mang tính biểu tượng nhất của thành phố Lahore và từng là đặc trưng của tiền tệ Pakistan.
Cổng Alamgiri nhìn từ vườn Hazuri Bagh; Di sản Pháo đài Lahore
Nhà thờ Hồi giáo Moti Masjid
Nhà thờ Hồi giáo Moti (Moti Masjid/Pearl Mosque/Nhà thờ Ngọc Trai – ký hiệu 12) nằm tại khu vực trung tâm của Pháo đài, được xây dựng vào năm 1654. Nhà thờ có bố cục mặt bằng không theo hướng Bắc – Nam như các công trình khác mà quay đi một góc để Hốc thờ (Mihrab, có hình bán nguyệt, nằm trong tường) hướng trực tiếp đến Thánh địa Mecca như hầu hết các nhà thờ Hồi giáo khác.
Công trình chỉ tiếp cận duy nhất qua một cổng nhỏ tại phía Đông Bắc, qua một không gian sảnh (Antechamber) dài hẹp đến một sân trong nhỏ. Công trình nằm ranh giới phía Tây Bắc – Đông Nam của sân, nổi bật và rực rỡ bởi toàn bộ làm bằng đá cẩm thạch sáng, tinh khiết trái ngược hoàn toàn với thế giới xung quanh.
Nhà thờ có 3 mặt tường kín và một mặt thoáng về phía sân trong. Công trình gồm 5 gian với 3 dãy cột. (Công trình với mặt tiền 5 gian là một mô típ Mughal được ưa chuộng.
Cổng vào Nhà thờ Hồi giáo Moti ; Di sản Pháo đài Lahore
Mặt tiền Nhà thờ Hồi giáo Moti ; Di sản Pháo đài Lahore
Nội thất bằng đá cẩm thạch trắng và hốc thờ chính, Nhà thờ Hồi giáo Moti ; Di sản Pháo đài Lahore
Sân trong Nhà thờ Hồi giáo Moti ; Di sản Pháo đài Lahore
Tòa nhà Maktab Khana
Tòa nhà Maktab Khana (ký hiệu 13) nằm tại khu vực trung tâm Pháo đài, cạnh Nhà thờ Hồi giáo Moti. Đây là nơi làm việc của bộ phận thư ký trong Pháo đài. Công trình là một tổ hợp theo phong cách Ba Tư với các vòm nhọn có tường bao quanh 3 phía, một mặt mở (vòm Iwans), được xây dựng vào năm 1617- 1618. Có khả năng tòa nhà chỉ là một phần còn sót lại của một cung điện hoàng gia.
Mặt trước Công trình Maktab Khana; Di sản Pháo đài Lahore
Hội trường Diwan-i- Amm
Hội trường Diwan-i- Amm (Diwan-i Amm Hall/Public Audience Hall, ký hiệu 14) nằm tại phía Nam của Pháo đài, được xây dựng năm 1628, được xây dựng lại năm 1846. Tòa nhà chiếm vị trí nổi bật trong Pháo đài, nằm tại trung tâm mặt phía Bắc của một ngôi vườn rộng.
Hoàng đế Shah Jahan (1628 – 1658) đã xây dựng Hội trường Diwan-i Amm như một không gian cho các nhà quý tộc tụ họp và gặp gỡ Hoàng đế. các nhà quý tộc sẽ ở trong các lều bố trí trong vườn tổ hợp.
Công trình được xây dựng theo phòng cách Chehel Sotoun, một hội trường công cộng 1 mặt là tường và 3 mặt hở, với 40 cụm cột kiểu Ba Tư, bố trí thành 4 hàng, mỗi hàng 10 cụm cột. Cột ngoài là cột kép. Cột góc là cụm có 4 cột. Cột bên trong nhà là cột đơn.
Hội trường đã bị phá hủy bởi đại bác vào năm 1841. Người Anh đã xây dựng lại gian hàng vào năm 1846 khi chiến thắng người Sikh và nắm quyền kiểm soát thành phố Lahore.
Hội trường Diwan-i- Amm; Di sản Pháo đài Lahore
Không gian Hội trường Diwan-i- Amm; Di sản Pháo đài Lahore
Cổng Akbar
Cổng Akbar (Akbari Gate/ Maseeti Gate, ký hiệu 15), nằm tại phía Đông của Pháo đài. Cổng do Hoàng đế Akbar (1556 – 1605) xây dựng vào năm 1566.
Cổng Akbar nhìn từ bên ngoài Pháo đài; Di sản Pháo đài Lahore
Cổng Akbar nhìn từ bên trong Pháo đài; Di sản Pháo đài Lahore
Di sản Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, tại Lahore, bang Punjab là đại diện tiêu biểu của nghệ thuật và văn hóa vương triều Mughal và cũng là đỉnh cao về nghệ thuật tạo hình, quy hoạch và thiết kế cảnh quan trong thế kỷ 16, 17 tại Tiểu lục địa Ấn Độ, là niềm tự hào to lớn của người dân Pakistan.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/171/
https://en.wikipedia.org/wiki/Pakistan
https://en.wikipedia.org/wiki/Lahore_Fort
https://en.wikipedia.org/wiki/Mughal_gardens
https://en.wikipedia.org/wiki/Mughal_Empire
https://www.orientalarchitecture.com/sid/571/pakistan/lahore/lahore-fort
https://www.orientalarchitecture.com/sid/572/pakistan/lahore/shalamar-gardens
https://en.wikipedia.org/wiki/Shalimar_Gardens,_Lahore
https://en.wikipedia.org/wiki/Naulakha_Pavilion
https://en.wikipedia.org/wiki/Sheesh_Mahal_(Lahore_Fort)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|