Thông tin chung:
Công trình: Đình Tây Đằng
Địa điểm: huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, Việt Nam (21,2°B 105,42°Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2013)
Đình Tây Đằng là một đình làng ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội.
Đình là tên gọi công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp, tổ chức lễ hội của người dân.
Đình Tây Đằng thờ Thành hoàng làng là ba vị Tản Viên Sơn Thánh: Sơn Tinh, Cao Sơn và Quý Minh. Đây cũng là các vị thần được thờ ở rất nhiều nơi tại khu vực núi Ba Vì.
Sơn Tinh: là một trong bốn vị thánh bất tử của tín ngưỡng dân gian người Việt, gọi là Tứ bất tử (Sơn tinh là vị thần núi Tản Viên Ba Vì, núi tổ của các núi ở Việt Nam, tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên; Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng, tượng trưng cho tinh thần chống ngoại xâm; Chử Đồng Tử hay Chử Đạo Tổ, tượng trưng cho lòng hiếu nghĩa, hôn nhân và sự giàu có; Công chúa Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Liễu Hạnh, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần, đức hạnh, trí tuệ).
Cao Sơn Đại vương và Quý Minh Đại vương cùng với Sơn Tinh đều có công giúp vua Hùng giữ nước và dựng nước. Các ngài ngự trên các ngọn núi tại dãy Ba Vì. Sơn Tinh ở giữa, bên trái là Cao Sơn, bên phải là Quý Minh.
Không rõ đình Tây Đằng được xây dựng vào năm nào. Trên một đầu cột của đình có ghi hàng chữ Quý Mùi niên tạo, nhưng lại không ghi niên hiệu. Các hoa văn mang phong cách thời nhà Mạc (1527- 1638), song một số hình rồng lại mong phong cách thời Trần (1225 – 1400).
Sau thế kỷ 16, đình đã được tu sửa, dấu vết hiện còn lưu lại như trên các đầu bẩy, kẻ góc, các mộng.
Thế kỷ 19, tòa Đại đình được dựng thêm một hàng cột đỡ đầu bẩy bằng gỗ lim.
Năm 1860, dựng thêm 2 tòa Tả mạc và Hữu mạc; tiếp sau đó mới dựng Nghi môn.
Năm 1948, sàn đình bị dỡ, nay chỉ còn dấu vết mộng của dầm sàn gỗ và lan can bao quanh trên nhiều thân cột. Năm 1979, đình được tu bổ, tôn tạo: Thay một số chân tảng đá ong bằng các chân tảng đá xanh (dưới vuông, trên tròn); Thay nền đất nện bằng gạch Bát Tràng; Xử lý, thay thế, vá sửa các bộ phận kết cấu gỗ mít của công trình bằng gỗ lim…
Năm 2002- 2004, tiếp tục tu bổ, tôn tạo một số hạng mục công trình.
Phối cảnh đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Mặt trước đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Kiến trúc đình Tây Đằng
Đình Tây Đằng nằm trên một khu đất đẹp, cao ráo giữa trung tâm của làng Tây Đằng, bố cục theo hướng Tây Nam, hướng về núi Ba Vì (Tản Viên), cách núi khoảng 10 km.
Đình gồm: Cổng đình, Hồ bán nguyệt, Nghi môn, Sân đình, Tả mạc và Hữu mạc, Đại đình và một số hạng mục công trình khác.
Cổng đình
Cổng đình được xây khá đơn giản, với hai trụ gắn liền tường bao. Trụ có tiết diện hình vuông với đầu cột bổ trụ ô lồng đèn, không có hoa văn trang trí. Hạng mục này không mang nhiều giá trị nghệ thuật, chủ yếu gắn với chức năng cửa ra vào và bảo vệ khuôn viên, kiến trúc của đình.
Hồ bán nguyệt
Hồ bán nguyệt nằm phía trước đình, trong hồ thả sen. Ven hồ có hai đường dẫn vào Nghi môn và Sân đình.
Nghi môn
Nghi môn được xây dựng theo dạng tứ trụ.
Hai trụ lớn có đỉnh trụ đắp tứ phượng, đầu quay về 4 hướng, đuôi chụm lại. Phía dưới tứ phượng là phần mui luyện, với bốn mặt đắp trang trí hình hổ phù uy nghi. Tiếp đến là các ô lồng đèn, có trang trí đề tài tứ linh. Thân trụ soi gờ kẻ chỉ, bên trong đắp nổi các câu đối chữ Hán. Đế trụ thắt dạng cổ bồng.
Hai trụ nhỏ ở hai bên, có kết cấu tương tự như hai trụ lớn, song đỉnh trụ đắp hình nghê chầu.
Sân đình và tòa Tả mạc, Hữu mạc
Phía sau Nghi môn là khoảng sân rộng. Phần sân nằm trên trục tổ hợp chính (trục Thần đạo) được tôn cao hơn xung quanh một cấp nền, tạo thành kiểu sân rồng để phục vụ việc tế lễ. Sân được lát gạch Bát Tràng, có kích thước 30 x 30cm.
Tòa Tả mạc và Hữu mạc là hai công trình nằm hai phía sân đình, được khởi dựng vào năm 1860. Mỗi toà đều có 3 gian, 2 chái, kích thước 11,2 x 5,7m. Ba gian giữa có kích thước 2,8m, hai gian chái 1,4m.
Công trình có kết cấu chồng diêm, mái lợp ngói mũi hài, góc mái dạng đao cong, có trang trí hình rồng.
Lòng tòa Tả mạc, Hữu mạc để thoáng không bài trí các đồ thờ tự, làm nơi đặt đồ lễ.
Hồ Bán nguyệt, Nghi môn, Sân đình và Hữu mạc, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Đại đình
Đại đình có bố cục mặt bằng gồm 3 gian, 2 chái lớn, không có tường bao quanh.
Gian chái bên phải đình đặt ban thờ quan Hộ bộ (cơ quan hành chính thời kỳ Phong kiến, đứng đầu là Hộ bộ thượng thư). Phần còn lại trong đình được để trống, tạo không gian rộng rãi cho sinh hoạt văn hóa cộng đồng làng xã.
Hậu cung được đặt tại vị trí trung tâm ngay nửa sau, khoảng giữa hai cột cái và cột quân của gian giữa Đại đình. Hậu cung nằm trên một sàn lửng bằng gỗ, cách nền 1,9m. Toàn bộ không gian bên dưới gác lửng Hậu cung được để trống, không bài trí di vật.
Cửa Hậu cung được làm theo kiểu bức bàn, 6 cánh, có trang trí tứ linh.
Phía trước cửa Hậu cung là gian khám bưng kín, sơn son thếp vàng, mang phong cách nghệ thuật thế kỷ 17. Phần trên khám được trang trí hai lớp; lớp bên trong chạm hình rồng chầu hoa cúc; lớp bên ngoài chạm nổi hình rồng phun lửa.
Hai mặt bên Hậu cung được bưng kín bằng các đố lụa, có trang trí đề tài phượng chầu chữ thọ.
Bên trong Hậu cung là nơi trang trọng, thâm nghiêm, đặt 3 ngai thờ Thành hoàng, các vật thiêng, đồ thờ cúng. Hậu cung quanh năm đóng cửa, trừ những ngày lễ hội.
Hệ khung đỡ mái của đình là kết cấu trồng rường giá chiêng; có 8 hàng cột dọc nhà và 6 hàng cột ngang nhà, tổng cộng là 48 cây cột lớn nhỏ. Chu vi cột cái 0,75m, cột quân 0,5m, cột hiên 0,28m. Các cây cột này đỡ hệ thống mái lợp ngói có đầu đao cong trang trí hình rồng, phượng, lân, rùa bằng đất nung. Cột đều được làm kiểu thượng thu hạ thách, đứng trên chân tảng bằng đá xanh theo kiểu thức âm - dương, trên tròn dưới vuông. Hầu hết các cấu kiện đều được làm bằng gỗ mít. Trên các cấu kiện gỗ của tòa Đại đình đều có các đề tài trang trí rồng, lân, nghê, hoa lá, vân xoắn...
Đình có bộ mái thấp, lớn, lợp ngói mũi hài nhiều lớp, với 4 mái xòe rộng, trùm ra ngoài vỉa nền và hai chái.
Phần mái có tỉ lệ bằng 2/3 chiều cao của ngôi đình.
Các đường bờ nóc, bờ dải được trang trí hoa chanh. Hai đầu bờ nóc là hai con lân cõng trên lưng một vân xoắn lớn.
Điểm đặc biệt trong kiến trúc đình Tây Đằng và các ngôi đình cùng niên đại thời Mạc (thế kỷ 16) là còn có thêm bộ phận con sơn đỡ dưới các dầm dọc. Đây cũng là kết cấu được chạm khắc tỉ mỉ với các đề tài rồng, cá chép hóa rồng. Đình Tây Đằng hiện còn bảo tồn được tương đối nguyên vẹn hệ thống con sơn với niên đại sớm nhất và hiếm thấy trong kiến trúc đình, chùa Việt Nam.
Bộ khung gỗ của ngôi đình thế kỷ 16 không chỉ có liên kết phía trên, mà còn có liên kết ở phía dưới, đó chính là hệ thống dầm đỡ sàn. Ngoài gian giữa, tất các các gian đều có sàn.
Năm 1948 sàn của đình bị dỡ. Ngày nay, dấu vết sàn vẫn được nhận biết qua những lỗ mộng của dầm đỡ sàn và lan can bao quanh còn lưu lại trên thân cột của đình.
Nền đình được bó vỉa bằng đá tảng, lát gạch Bát Tràng, cao hơn sân 60cm, tương ứng với bậc tam cấp.
Đại đình, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Mặt cắt ngang và mặt cắt dọc đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Một góc Đại đình, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Kết cấu Đại đình, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Phía trước Hậu cung, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Khám thờ trên gác lửng với 6 cánh bức bàn có trang trí tứ linh, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Giếng cổ bằng đá ong, đường kính 3m, sâu 8,5m bên trong đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Nghệ thuật điêu khắc, trang trí trên kiến trúc Đình Tây Đằng
Trong đình Tây hầu như không có mảng trống nào trên gỗ là không có chạm khắc trang trí.
Toàn bộ hơn 1.300 chi tiết chạm khắc gỗ trong đình Tây Đằng không hề trùng nhau và được bố trí hài hòa, không mang tính đối xứng.
Các mảng chạm khắc trang trí trên kết cấu gỗ của đình Tây Đằng tại đầu dư, cốn, xà nách, bẩy, đấu, ván nong, ván lá đề, con rường, vì nóc… được tạo tác qua kỹ thuật chạm lộng, chạm bong kênh, chạm nổi, chạm thủng, đã trở thành các tuyệt tác điêu khắc.
Ngoài ra, các đề tài trang trí nghệ thuật còn được thể hiện trên các di vật: Khám thờ, hương án, long ngai, chấp kích…, có niên đại thời Lê và thời Nguyễn.
Đình Tây Đằng như một bảo tàng về nghệ thuật chạm khắc gỗ dân gian vùng Đồng bằng Bắc bộ, như một câu chuyện sinh động kể về đời sống của cộng đồng dân cư, về tự nhiên và về đức tin của họ thời bấy giờ.
Các đề tài được tập trung vào ít nhất ba loại hình cơ bản: Linh vật; Hình tượng con người; Biểu tượng tự nhiên và cây cỏ được “vũ trụ” hóa.
Về Linh vật
Linh vật phổ biến nhất là rồng, tiếp sau là lân, phượng, voi, hươu, ngựa…
Rồng thường được chạm khắc ở những vị trí trang trọng nhất như: lá đề ở vì nóc, đầu dư, đầu kẻ góc và bẩy.Rồng được chạm lộng tại đầu con sơn, đầu đao. Nhìn chung, rồng ở Đình Tây Đằng có sắc thái riêng, biến hóa sinh động.
Lân được thể hiện chủ yếu ở đầu ngoài của bẩy, ở đầu ván chèn lên câu đầu… dưới dạng độc lân, gần gũi với loại thú bốn chân. Lân có mặt ngắn, cũng mang những chi tiết của rồng, nhưng tai ngang không có sừng.
Phượng được thể hiện ở tư thế chầu trong ván lá đề của vì nóc bên phải; múa xòe hai cánh.
Voi được thể hiện điểm xuyết tại ván bưng với hình tượng voi đi cày, voi chạy… Có mảng trang trí thể hiện hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi…
Ngoài ra, ở kiến trúc Đình Tây Đằng còn có hình tượng con hươu trong thế chạy, thế nằm nghỉ…
Đầu bảy được chạm khắc hình đầu rồng, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Hình tượng con người
Hình tượng con người được thể hiện sâu đậm và chiếm tỷ lệ lớn trong các mảng trang trí tại đình Tây Đằng.
Hình ảnh con người, có già và có trẻ, trên các vùng miền xuôi và ngược được thể hiện qua khuôn mặt, trang phục ví như tượng để đầu trần, tượng đội mũ, đội khăn, hai tay cầm đồ vật. Hình ảnh người chèo thuyền ngắm cảnh, chèo thuyền uống rượu, trò chơi chồng nụ chồng hoa, trai gái tình tự, làm xiếc, đấu hổ, gánh con và hội hè; Hình tượng săn bắt, hái lượm, chăn nuôi, thuần hóa động vật hoang dã (dẫn voi đi cày), hình binh sĩ cầm giáo mác, trai tráng luyện võ.
Hình tượng tiên nữ, nữ thần cưỡi rồng được chạm khắc phổ biến trên các vị trí trang trọng như trên các ván lá đề của bộ vì nóc, ván nong. Có tới 36 hình tiên nữ thổi sáo, thổi tiêu, gảy đàn đáy, đàn nguyệt, (hiện chỉ còn lại tượng 13 tiên nữ). Đặc biệt, tại đầu bẩy sau gian chái bên phải đình có hình ảnh tiên nữ nửa người cưỡi lên mình rồng, tay trái vuốt râu rồng, tay phải cầm một cây bút lông như đang viết trên đầu rồng.
Bức chạm chèo thuyền ngắm cảnh, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm chăn nuôi gia súc, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm cụ già, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm người nhảy múa, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm tiên nữ trên kết cấu mái, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm nữ thần trên kết cấu mái, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm tiên nữ cưỡi rồng, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Cây cỏ và biểu tượng tự nhiên
Cây cỏ, hoa lá và các biểu tượng tự nhiên được đặc tả trên các đấu kê, bẩy hay trên bộ vì… Đề tài hoa cúc và sen được miêu tả như thực.
Đề tài vân xoắn là biểu tượng tự nhiên rất phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc, tạo hình tại Đình Tây Đằng.
Bức chạm cây cỏ, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Bức chạm đề tài vân xoắn, đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội
Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội không chỉ là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của cư dân địa phương, nơi hội tụ cộng đồng làng xã, mà còn như là một cuốn sách lâu bền với các chạm khắc về sinh hoạt vật chất và tinh thần của người dân Việt đương thời; một công trình có giá trị tiêu biểu cho kiến trúc nghệ thuật đình làng Việt Nam.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%B7c
_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%C3%ACnh_T%C3%A2y_%C4%90%E1%BA%B1ng
http://dsvh.gov.vn/di-tich-kien-truc-nghe-thuat-dinh-tay-dang-huyen-ba-vi-thanh-pho-ha-noi-2979
https://sdl.azsolutions.vn/kham-pha-trai-nghiem/du-lich-di-san-di-tich/dinh-tay-dang.html
http://vietlandmarks.com/module/groups/action/view/id/846/album/45/show/
1416499305546e1069de335.jpg.id
(Xem vi deo giới thiệu đình Tây Đằng tai đây)
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|