Thông tin chung:
Công trình: Quảng trường Meidan Emam (Naqsh-e Jahan Square)
Địa điểm: Isfahan, Iran (N32 39 26.82 E51 40 40)
Thiết kế kiến trúc: Shaykh Bahai (Baha 'ad-Din al-`Amili)
Quy mô:
Năm thực hiện: Từ cuối thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 17
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục i, v, vi)
Iran (còn gọi là Ba Tư) là một quốc gia ở Tây Á, phía Tây Bắc giáp Armenia và Azerbaijan; phía Bắc giáp biển Caspi; Đông Bắc giáp Turkmenistan; phía Đông giáp Afghanistan và Pakistan; phía Nam giáp vịnh Ba Tư và vịnh Ô-man; phía Tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Iran nằm tại trung tâm khu vực Âu Á và gần eo biển Hormuz, có một tầm quan trọng về địa chính trị.
Iran có diện tích khoảng 1.648.195 km2, là quốc gia lớn thứ 2 tại Trung Đông và lớn thứ 17 trên thế giới. Với 82 triệu dân (2018), Iran là quốc gia đông dân thứ 18 trên thế giới. Thủ đô là thành phố Tehran.
Iran là một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại.
Nền văn minh Iran bắt đầu với sự hình thành các vương quốc Elamite (Elamite kingdoms) trong thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (TCN). Người Iran là một trong những tộc người đầu tiên sử dụng toán học, hình học và thiên văn học trong kiến trúc. Kiến trúc Iran gắn liền với các hình tượng vũ trụ, với triết lý: nhờ đó con người được giao tiếp và tham gia quyền lực với thiên đàng. Triết lý này không chỉ mang lại sự thống nhất và liên tục cho kiến trúc Ba Tư, mà còn trở thành một nguồn động lực quý giá cho nghệ thuật kiến trúc.
Vào thế kỷ thứ 7 TCN các bộ tộc Media Iran đã cùng nhau thành lập vương Quốc Median (Median Empire). Vương quốc đạt đến đỉnh cao về quy mô lãnh thổ vào thế kỷ thứ 6 TCN dưới thời vương triều Achaemenid (Achaemenid Empire), được thành lập bởi Cyrus Đại đế (Cyrus the Great, cai trị năm 559 – 530 TCN), trở thành Đế quốc Ba Tư. Đây là Đế chế liên kết được nhiều dân tộc có nguồn gốc và tín ngưỡng khác nhau; hình thành được mô hình chính quyền tập trung, quan liêu (chuyển từ cách thực hiện tự phát, thiếu kế hoạch, định hướng giá trị truyền thống sang cách làm việc có hệ thống, tổ chức theo quy tắc, luật lệ, định hướng mục đích và duy lý); xây dựng được hệ thống đường bộ, bưu chính, sử dụng ngôn ngữ chính thức trên toàn bộ lãnh thổ, phát triển các dịch vụ dân sự và một đội quân chuyên nghiệp. Sự thành công của Đế chế Achaemenid đã truyền cảm hứng cho các vương triều Iran sau này.
Đế chế Achaemenid sụp đổ dưới sự thống trị của Alexander Đại đế (Alexander the Great, cai trị năm 336 - 323 TCN) vào thế kỷ thứ 4 TCN và bị chia thành nhiều vương quốc thuộc văn minh Hy Lạp, còn gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic period).
Vào thế kỷ thứ 3 TCN, người Iran nổi dậy lập Đế chế Parthia (Parthian Empire) và Đế chế Sasanian (Sasanian Empire). Sau đó Iran dần trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới vào 4 thế kỷ tiếp theo.
Người Hồi giáo Ả Rập đã chinh phục Đế chế Sasanian vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, cùng với đó là việc Hồi giáo hóa Iran, dẫn đến sự suy tàn của tôn giáo thống trị Zoroastrian (Zoroastrianism).
Trong hai thế kỷ tiếp theo, một loạt triều đại Hồi giáo bản địa (Iran Intermezzo) xuất hiện: Tahirids (năm 821 - 873); Sajids (năm 889 - 929); Saffarids (năm 861 - 1003); Samanids (năm 875/819 - 999); Ziyarids (năm 930 -1090); Buyids (năm 934 - 1062); Sallarids (năm 942- 979). Tiếp đó, người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc vương triều Seljuq (Seljuq dynasty, tồn tại từ thế kỷ 10 – 12) và người Mông Cổ Ilkhanate (tồn tại từ thế kỷ 13 – 14) đã chinh phục Ba Tư.
Sự trỗi dậy của vương triều Safavids (Safavid dynasty) trong thế kỷ 15 đã dẫn đến việc tái lập quốc gia Iran và chuyển đổi sang Hồi giáo dòng Shia (Shia Islam). Đây là ngoặt trong lịch sử Iran và Hồi giáo.
Thế kỷ 18, dưới thời vua Nader Shah Afshar (cầm quyền 1736- 1747), Iran là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực.
Đến thế kỷ 19, sau một loạt xung đột với Đế quốc Nga, Iran đã chịu những tổn thất lãnh thổ đáng kể.
Triều đại Pahlavi (Pahlavi dynasty, tồn tại từ năm 1925 – 1979) là vương triều cuối cùng của Đế chế Iran. Tiếp đó, là giai đoạn của quốc gia Iran thời hiện đại.
Trong lịch sử phát triển, Iran là một quốc gia và một xã hội đa nguyên, bao gồm nhiều nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, lớn nhất là Ba Tư, Azeris , Kurds , Mazandaranis và Lurs.
Ngày nay, Iran được chia thành năm khu vực với ba mươi mốt tỉnh. Các tỉnh chia thành quận/huyện, phường/xã.
Bản đồ Iran và vị trí cố đô Isfahan
Isfahan (Esfahan) là thành phố thủ phủ của tỉnh Isfahan, nằm cách 406km về phía Nam thủ đô Tehran.
Isfahan có dân số xấp xỉ 1,96 triệu người (năm 2016), là thành phố lớn thứ ba ở Iran sau Tehran và Mashhad. Thành phố phát triển mạnh mẽ từ năm 1050 đến 1722, đặc biệt vào thế kỷ 16 và 17 dưới triều đại Safavid, khi trở thành thủ đô của Ba Tư.
Năm 1598, Safavid shah Abbas I, vị vua thứ 5 của triều đại Safavid (cai trị từ năm 1588 – 1629) quyết định chuyển thủ đô của Đế chế từ thành phố Qazvin, nằm tại phía Tây Bắc Iran, phía Nam của biển Caspi, đến thành phố Isfahan. Đây là thành phố nằm ở giao lộ của hai tuyến vận chuyển hàng hóa chính Bắc – Nam và Đông – Tây qua trung tâm Iran. Tuyến Đông Tây chính là Con đường tơ lụa (Silk Route) trên đất liền nổi tiếng, là trung tâm của sự tương tác tôn giáo, triết lý, khoa học, công nghệ và văn hóa giữa các vùng nơi nó đi qua trong nhiều thế kỷ, nối Đông Á với Đông Phi, Tây Á và Nam Âu; là tuyến lưu chuyển hàng hóa từ các quốc gia văn minh trên thế giới thời bấy giờ, trải dài từ Bồ Đào Nha ở phương Tây, đến Trung Quốc ở phía Đông.
Trước khi Shah Abbas lên nắm quyền, Ba Tư có cơ cấu quyền lực phi tập trung với nhiều dạng thể chế khác nhau tại các địa phương.
Shah Abbas muốn phá bỏ thể chế này, tập trung quyền lực thông qua việc khởi xướng một chương trình vĩ đại nhất trong lịch sử Ba Tư. Đó là việc quy hoạch lại thành phố Isfahan.
Dưới thời Shah Abbas, Isfahan trở thành một thành phố quốc tế. Cư dân gồm người Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Armenia, Ấn Độ, Trung Quốc và châu Âu. Vua đã đưa khoảng 300 nghệ nhân Trung Quốc đến làm việc trong các xưởng hoàng gia và để dạy nghệ thuật chế tác sứ. Người châu Âu đã ở đó với tư cách là thương nhân, nhà truyền giáo, nghệ sĩ và thợ thủ công.
Kiến trúc sư trưởng thực hiện nhiệm vụ quy hoạch đô thị to lớn này là Shaykh Bahai (Baha 'ad-Din al-`Amili, 18/2/1547 – 1/9/1621, sinh Lebanon và sống tại Iran).
Ông là học giả Hồi giáo Shia (Shia Islam), nhà triết học, toán học, thiên văn học, kiến trúc sư và nhà thơ. Về phương diện kiến trúc, ông đã quy hoạch nhiều thành phố và thiết kế nhiều công trình, từ quảng trường, nhà thờ Hồi giáo, đến kênh đào dẫn nước, phòng tắm công cộng...
Shaykh Bahai tập trung vào hai chương trình chính trong kế hoạch tổng thể của vua Abbas: i) Đại lộ Chahar Bagh (Chahrbagh-e Abbasi/Charbagh Avenue), kết nối các phần phía Bắc và phía Nam của thành phố, dài khoảng 6km. Hai bên bố trí các công trình cho các tổ chức nổi tiếng của quốc gia và là nơi cư trú của tất cả các chức sắc nước ngoài; ii) Quảng trường Meidan Emam (Naqsh-e Jahan), còn gọi là Quảng trường Hoàng gia (Royal Square), là trung tâm quyền lực chính trị và xã hội, kinh tế, văn hóa và tôn giáo của vương triều Safavid.
Tranh vẽ Đại lô Đại lộ Chahar Bagh, Isfahan, năm 1705
Tổng công trình sư Shaykh Bahai, xây dựng cố đô Isfahan.
Với quy mô rộng lớn của quảng trường, vua Abbas hy vọng kết nối được 4 thành phần chính của quyền lực: Quyền lực của các giáo sĩ (được đại diện bởi Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia Masjed-e Shah); Quyền lực của các thương nhân (được đại diện bởi Chợ chính Bazaar); Quyền lực của chính quyền, đại diện bởi Cung điện Hoàng gia Ali Qapu); Quyền lực của cộng đồng xã hội (được đại diện bởi chính không gian quảng trường cho các hoạt động cộng đồng).
Quảng trường Meidan Emam được xây dựng vào năm 1598 – 1629, dài 560m, rộng 160m, diện tích gần 8,96ha (Quảng trường chính thể Ba Đình Hà Nội dài 320m, rộng 100m).
Sau khi xây dựng, Quảng trường Meidan Emam đã trở thành một trong những quảng trường thành phố lớn nhất thế giới và là một ví dụ nổi bật về kiến trúc Iran và Hồi giáo.
Quảng trường được bao quanh bởi 4 tòa nhà tráng lệ: Phía Đông là Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah (Shaikh Lotfollah Mosque); Phía Tây là Cung điện Ali Qapu (Ali Qapu Palace); Phía Bắc là chợ chính Bazaar (Grand Bazaar) với các dãy cột (portico) và cổng Qeysarie (Qeysarie Gate); Phía Nam là Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia (Royal Mosque/ Masjed-e Shah) nổi tiếng.
Bản đồ cố đô Esfahan và vị trí Quảng trường Emam (Iman Sq)
Quảng trường Meidan Emam, Esfahan, Iran được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1979) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Meidan Emam tạo thành một quần thể đô thị đồng nhất, được xây dựng trong một khoảng thời gian ngắn theo một quy hoạch độc đáo, mạch lạc và hài hòa, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Quảng trường hướng theo hướng Bắc – Nam. Các công trình xung quanh quảng trường cuốn hút về thẩm mỹ.
Trước hết là Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia. Công trình kết nối với phía Nam của quảng trường bằng một cổng (iwan) rộng lớn và sâu với các góc cạnh và trên đỉnh là một nửa mái vòm, được bao phủ bằng gạch khảm mờ. Cổng được nhấn mạnh bởi hai tháp hai bên, dẫn đến một sân trong. Xung quanh sân trong là Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia Esfahan, được định vị theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, hướng về Thánh địa Mecca. Nhà thờ là ví dụ nổi tiếng nhất về kiến trúc đầy màu sắc, đạt đến đỉnh cao dưới triều đại Safavid.
Cung điện Ali Qapu (phía Tây quảng trường) tạo thành lối vào hoành tráng cho khu vực cung điện nguy nga và khu vườn hoàng gia phía sau. Nội thất bên trong cung điện, được trang trí hoàn toàn bằng tranh và phần lớn mở ra bên ngoài, rất nổi tiếng. Cổng của cung điện tại phía quảng trường mang tính biểu tượng (cao 48 mét), được bao quanh bởi nhiều tầng nhà với một sân thượng có mái che được đỡ bằng 18 cột mảnh bằng gỗ.
Tất cả các yếu tố kiến trúc của Quảng trường Meidan Imam, bao gồm cả nhà thờ, cung điện, được trang trí bằng gạch tráng men và các bức tranh, trong đó trang trí hoa là chủ đạo - cây hoa, bình hoa, bó hoa…kết hợp hài hòa với các tác phẩm tượng hình theo phong cách của Riza-i Abbasi (năm 1565- 1635), người đứng đầu trường phái hội họa tại Esfahan dưới triều đại của Shah Abbas và được tôn vinh cả trong và ngoài Ba Tư.
Tiêu chí (v) : Quảng trường Hoàng gia Esfahan là một khu chức năng đô thị đặc sắc tại Iran, nơi các thành phố thường được bố trí dày đặc mà không có không gian mở, ngoại trừ sân trong của các trạm dừng chân (caravanserais) cho du khách. Đây là một ví dụ về một dạng kiến trúc đô thị dễ bị tổn thương (dưới tác động của những biến động không thể đảo ngược được).
Tiêu chí (vi) : Meidan Imam là trái tim của vương triều Safavid. Quảng trường rộng lớn tích hợp được hầu hết các hoạt động sự kiện, truyền thống sinh hoạt, tín ngưỡng quốc gia, là nơi đi dạo, tập hợp quân đội, chơi polo, lễ kỷ niệm và cho cả các cuộc hành quyết công khai; Cổng vào nhà thờ, Cổng chợ Qeyssariyeh với ban công rộng chứa được ban nhạc cho các buổi hòa nhạc công cộng; Cổng của Cung điện Ali Qapu, kết nối với hoàng cung, nơi nhà vua tiếp các đại sứ.
Nói tóm lại, quảng trường hoàng gia Esfahan là tượng đài tiêu biểu của đời sống văn hóa, xã hội Ba Tư trong triều đại Safavid (năm 1501-1722; năm 1729-1736).
Quảng trường Meidan Emam (Naqsh-e Jahan Square)
Quảng trường Meidan Emam được mô tả trên mặt trái của tờ tiền giấy 20.000 rial của Iran.
Mặt bằng rộng lớn của quảng trường hình chữ nhật, trải dài theo hướng Bắc – Nam, được sử dụng cho hoạt động cộng đồng xã hội: Lễ kỷ niệm, đi dạo, nơi tổ chức diễu binh và chơi polo (khởi đầu từ Ba Tư, vào thế kỷ thứ 6 TCN, là môn thể thao cưỡi ngựa chơi bóng gỗ).
Đây là nơi vua và mọi người có thể gặp nhau, nơi tập trung các giai tầng xã hội, kể cả các thương nhân nước ngoài đến đây theo Con đường Tơ Lụa.
Trung tâm của quảng trường là một bể chứa nước lớn, xung quanh là thảm cỏ, sân và các tuyến đường.
Xung quanh quảng trường là dãy cửa hàng (chợ) đồ thủ công mỹ nghệ Ba Tư, cao hai tầng cùng với kiến trúc đầy ấn tượng.
Quảng trường có nhiều lối ra vào, trong đó có 4 cổng ra vào chính gắn với 4 công trình nổi bật, được xây dựng từ triều đại Safavid (cai trị từ năm 1588 – 1629).
Quảng trường Naqsh-e Jahan: Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotf Allah (trên), Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia (phải), Cung điện Ali Qapu (dưới) và Cổng Qeysarie gắn với Chợ chính Bazaar (trái)
Phối cảnh Quảng trường Naqsh-e Jahan (nhìn về hướng Nam với Nhà thờ Hồi giáo Imam
Các công trình bao quanh Quảng trường
Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah
Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah (Royal Mosque/ Masjed-e Shah) nằm tại phía Nam của Quảng trường. Nhà thờ được xây dựng dành cho công chúng. Công trình được bố cục nghiêng đi một góc để hướng về Thánh địa Mecca.
Công trình được xây dựng vào năm 1611, hoàn thành năm 1629, là một cấu trúc xây dựng khổng lồ, được thực hiện bởi những người thợ thủ công giỏi nhất trong nước.
Nhà thờ Hồi giáo Shah gắn với tầm nhìn vĩ đại của tổng công trình sư Shaykh Bahai, là một tổ hợp, gồm một nhà thờ, biểu tượng của đức tin với mái vòm lớn nhất thành phố, hai bên là hai trường tôn giáo, biểu tượng của tri thức. Vương triều Safavids mong muốn qua đó thể hiện được quyền lực và văn minh của thời đại họ.
Công trình do kiến trúc sư Ali Akbar Isfahani (người Iran, sinh năm 1577) thiết kế.
Tổ hợp công trình có mặt bằng hình chữ nhật dài 100m, rộng 130m, gồm 2 khối nhà học (Madrasa) và khối cầu nguyện (Prayer Hall), bao quanh 3 mặt sân trong. Giữa sân trong chính là một hồ nước.
Mỗi khối nhà có một cổng vòm ra vào (iwan): cổng phía Tây, phía Đông và phía Nam (cổng lớn nhất). Các cổng này được cho là biểu tượng của cửa ngõ vào thế giới tâm linh.
Hai khối nhà học là nơi dạy kiến thức và giáo lý liên quan đến tôn giáo: Ngôn ngữ, chữ viết, triết học, thần học, toán học, đạo đức và chính trị Hồi giáo…bố trí tại phía Đông và Tây của sân trong. Khối nhà học có mặt bằng hình chữ nhật với một sân trong hẹp dài được bao quanh bởi hành lang. Mái của công trình là hệ thống vòm với chiều cao vòm lớn nhất là 38m.
Khối cầu nguyện nằm tại mặt Nam của sân trong với một mái vòm lớn bên trên cao 53m, là mái vòm cao nhất trong thành phố. Hai bên cổng ra vào phòng cầu nguyện được nhấn mạnh bởi hai tháp (Minarets) với chiều cao 48m.
Mái vòm trong Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia Masjed-e Shah được cho là kế thừa các mái vòm được xây dựng trong các kiến trúc Hồi giáo trước đó. Tòa nhà có mái vòm lâu đời nhất tại tại Isfahan là Nhà thờ Hồi giáo Zavareh (Jameh Mosque of Zavareh), được xây dựng vào năm 1135- 1136.
Nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia Masjed-e Shah có một cổng (entrance portal) tại phía Bắc thông với quảng trường Meidan Emam. Cổng có hốc hay vòm hình bán nguyệt (Mihrab) cao 27m. Vòm được trang trí bằng gạch gốm màu ngọc lam và có hình dạng như thạch nhũ, xếp chồng lên nhau, còn được gọi là vòm Muqarnas (vòm tổ ong), mang ý nghĩa về thiết lập một ngưỡng giữa hai thế giới; sự chuyển tiếp giữa tường và trần nhà… Vòm Muqarnas được coi là hình thức nguyên mẫu của kiến trúc Hồi giáo.
Hai bên cổng vòm này cũng được nhấn mạnh bởi hai tháp cao 42m, trên đỉnh là ban công bằng gỗ chạm trổ công phu với vòm đỡ dạng Muqarnas xung quanh tháp.
Cổng vào cũng như các bức tường của nhà thờ Hồi giáo Hoàng gia được ốp bằng gạch khảm với 7 màu: xanh Ba Tư đậm (dark Persian blue); xanh nhạt Thổ Nhĩ Kỳ (light Turkish blue), xanh lục, trắng, đen, vàng và ngọc trai (bisquit). Trong đó, tông màu xanh đóng vai trò chủ đạo. Các bức tường bên trong cổng ra vào có các dải trang trí bằng các văn bản tôn giáo, được viết theo thư pháp Hồi giáo (Thuluth) màu trắng trên nền màu xanh sẫm, tạo khung hình cho không gian cổng vòm.
Bên trong khối cầu nguyện cũng có các mảng tường gắn với các vòm hốc tường, được cho là có khả năng phản xạ âm thanh, tạo điều kiện cho các vị lãnh đạo Hồi giào (Imam) thuyết trình. Bên trong hốc thờ chính (Mihrab), tại góc Tây Nam hướng về Thánh địa Mecca có một tủ gỗ lưu giữ các Thánh tích Hồi giáo.
Mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah/Nhà thờ Hoàng gia, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Hình vẽ phối cảnh Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Mặt trước Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, nhìn từ Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang tri vòm tại lối vào Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang tri tháp hai bên cổng vào Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang tri nội thất Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang tri vòm Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah
Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah (Shaikh Lotfollah Mosque) nằm tại phía Đông của Quảng trường Naqsh-e Jahan, đối diện với Cung điện Ali Qapu phía bên kia quảng trường. Đây là một trong những công trình đầu tiên được xây dựng tại Quảng trường, vào năm 1619. Năm 1920, công trình được cải tạo lại.
Công trình được xây dựng bởi KTS. Shaykh Bahai, là nhà thờ Hồi giáo tư nhân, dành cho cha vợ của vua Shah Abbas, ông Sheikh Lotfollah, một học giả và nhà truyền giáo nổi tiếng.
Khác với Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah dành cho công chúng, nhà thờ này không có tháp và nhỏ hơn.
Để tránh cho gia đình Hoàng gia, đặc biệt là phụ nữ phải đi bộ qua quảng trường, vua cho xây dựng một đường hầm kéo dài từ Cung điện Ali Qapu đến nhà thờ. Ngày nay lôi đi ngầm bên dưới quảng trường không còn được sử dụng.
Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah được coi là một trong những kiệt tác kiến trúc của vương triều Safavid.
Tổ hợp công trình có bố cục đơn giản, không có sân trong.
Công trình có mặt bằng điện thờ chính hình vuông, bố cục theo hướng Đông Bắc – Tây Nam với hốc thờ chính (Mihrab), tại góc Tây Nam hướng về Thánh địa Mecca. Tòa điện thờ chính có mái vòm chính cao 32m và các mái vòm phụ cao 22m.
Cổng vào công trình tương tự như Nhà thờ Hồi giáo Masjed-e Shah là một cổng vòm lõm (iwan). Bên trong vòm được trang trí bằng gạch khảm 7 màu với nhiều hoa văn (arabesque) và các dòng thư pháp Kinh Qur'an rất phức tạp, đẹp đẽ. Một số bức tranh khảm được đánh giá là tốt nhất thời bấy giờ và phải mất 20 năm để hoàn thành.
Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, nhìn từ Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang trí cổng vào Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang trí bên ngoài mái vòm Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang trí bên trong mái vòm Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Nội thất bên trong Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Trang trí hốc cầu nguyện, Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Cung điện Ali Qapu
Cung điện Ali Qapu (Ali Qapu Palace) nằm tại phía Tây của Quảng trường Naqsh-e Jahan, đối diện với Nhà thờ Hồi giáo Sheikh Lotfallah (Ali theo tiếng Ba Tư có nghĩa là vĩ đại; Qapu có nghĩa là cổng).
Cung điện Ali Qapu tạo thành lối vào hoành tráng và nguy nga cho khu vườn hoàng gia phía sau, nối với hoàng cung, nơi nhà vua tiếp các sứ thần.
Công trình có chiều cao 48m với 6 tầng và được xây dựng theo nhiều giai đoạn.
Giai đoạn đầu tiên: Tòa nhà ban đầu đóng vai trò là lối vào quảng trường, mặt bằng hình gần vuông, cao 2 tầng, với kích thước 20m x 19m và cao 13m.
Giai đoạn thứ hai : Xây dựng bổ sung thêm 3 tầng, tạo thành khối nhà cao 5 tầng.
Giai đoạn thứ ba : Xây dựng thêm tầng 6 là nơi vui chơi giải trí; Hình thành hội trường âm nhạc với không gian trung tâm được chiếu sáng từ trên mái. Bên trong tường của hội trường có các hốc tròn sâu, không chỉ có giá trị trang trí mà còn có vai trò về âm thanh; Mở rộng thêm bề rộng nhà, cao 2 tầng tại phía Đông tiếp giáp Quảng trường.
Giai đoạn thứ tư : Tại khối nhà cao 2 tầng tại phía Đông tiếp giáp Quảng trường xây dựng thêm lối đi vào chợ, dọc theo Quảng trường.
Giai đoạn thứ năm: Xây dựng mái che ban công tại sân thượng của khối nhà 2 tầng tại phía Đông tiếp giáp Quảng trường với hệ thống trụ đỡ gồm 18 cột gỗ cao 3 tầng. Trần nhà được trang trí bằng những bức tranh tuyệt đẹp với nhiều họa tiết hoa, động vật và chim, tạo thành khán đài để vua và cận thần xem trò chơi polo, diễn tập quân đội và đua ngựa trên quảng trường. Bổ sung cầu thang tại phía Nam (cầu thang Kingly).
Giai đoạn thứ sáu : Xây dựng một tháp nước tại phía Bắc của tòa nhà, cung cấp nước cho bồn chứa nước bằng đồng tại ban công. Trang trí lại phòng tiếp tân và hội trường âm nhạc...
Mặt bằng Cung điện Ali Qapu, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Phối cảnh Cung điện Ali Qapu, nhìn từ Quảng trường Naqsh-e Jahan
Nội thất phòng hòa nhạc, với chiếu sáng từ trên mái, Cung điện Ali Qapu, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Tranh vẽ bên trong Cung điện Ali Qapu, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Chợ chính Bazaar
Chợ chính Bazaar (Grand Bazaar/Qeysarriyeh Bazaar) ban đầu được xây dựng vào thế kỷ 11. Chợ hiện tại được xây dựng vào năm 1620 ở phía Bắc của Quảng trường Naqsh-e Jahan.
Chợ chính Bazaar là một trong những chợ lâu đời nhất và lớn nhất ở Trung Đông và là một trong chợ có mái dài nhất thế giới, dài đến 2km.
Chợ cao tương đương với 2 tầng nhà với mái vòm phủ bên trên. Các gian hàng bố trí dọc theo hai bên hành lang với vô vàn các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Xen kẽ khối chợ kéo dài là cổng, các tòa nhà tôn giáo, trường học, cung điện…
Chợ có nhiều cổng, song lối vào chính là cổng Qeysarie. Cổng rất rộng, có ban công cho ban nhạc chơi trong các buổi hòa nhạc công cộng.
Cổng vào Chợ chính Bazaar, nhìn từ Quảng trường Naqsh-e Jahan
Các gian hàng bên trong Chợ chính Bazaar, Quảng trường Naqsh-e Jahan
Di sản Quảng trường Meidan Emam (Naqsh-e Jahan Square), tại Isfahan, Iran với các công trình hoành tráng bao quanh, là một minh chứng ấn tượng cho cho đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa và đức tin ở Iran trong thời kỳ vương triều Safavid.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/115/
https://en.wikipedia.org/wiki/Iran
https://en.wikipedia.org/wiki/Isfahan
https://en.wikipedia.org/wiki/Bah%C4%81%CA%BE_al-d%C4%ABn_al-%CA%BF%C4%80mil%C4%AB
https://en.wikipedia.org/wiki/Chaharbagh,_Isfahan
https://en.wikipedia.org/wiki/Naqsh-e_Jahan_Square
https://en.wikipedia.org/wiki/Shah_Mosque_(Isfahan)
https://en.wikipedia.org/wiki/Sheikh_Lotfollah_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/%C4%80l%C4%AB_Q%C4%81p%C5%AB
https://en.wikipedia.org/wiki/Grand_Bazaar,_Isfahan
http://www.ne.jp/asahi/arc/ind/2_meisaku/53_lotfollah/lot_eng.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Muqarnas
https://en.wikipedia.org/wiki/Arabesque
https://en.wikipedia.org/wiki/Reza_Abbasi
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|