|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Hùng, Phú Thọ, Việt Nam |
26/01/2020 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Hùng (Hung Temple, Phu Tho Province, Vietnam)
Địa điểm: Thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ (21,3672941°B 105,3238621°Đ)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành:
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, năm 2009)
Có nhiều truyền thuyết lịch sử và văn hóa mang tính bản địa về Hùng Vương, song đều đi đến một chân lý thống nhất: Văn Lang thời Hùng vương là vương quốc khởi đầu của quốc gia Việt Nam.
Theo truyền thuyết, Cha Lạc Long Quân và Mẹ Âu Cơ là thủy tổ sinh ra dân tộc Việt.
Lạc Long Quân là rồng, một vị thần biển; có thuyết cho rằng Lạc Long Quân là con của Kinh Dương Vương (vua nước Xích Quỷ, tồn tại năm 2919 TCN – 2792 TCN).
Âu Cơ là một tiên nữ, một vị thần núi; có thuyết cho rằng Âu Cơ là con của Đế Lai (vua thứ 6 của triều đại Thần Nông, tồn tại năm 3220 TCN- 3080 TCN).
Thời ấy, thánh thần còn ở chung để dẫn dắt loài người. Là con cháu của thánh thần, Lạc Long Quân (nòi Rồng, Lạc Việt) và Âu Cơ (giống Tiên, Âu Việt) có phúc lành sinh trăm con trai, nở ra từ “Bọc trăm trứng”. Khi các con trưởng thành, 50 người con theo Cha Lạc Long Quân xuống biển, 50 người con theo Mẹ Âu Cơ lên núi.
Mẹ Âu Cơ đưa người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang, đóng đô tại Bạch Hạc (Hạc trắng), Phú Thọ. Đó là vào thế kỷ thứ 7 TCN. Vương triều Văn Lang thu phục 15 bộ tộc Việt cổ, mở mang bờ cõi, chủ yếu tập trung tại khu vực trung du, hạ du sông Hồng, sông Mã với số dân khoảng 40- 50 vạn người.
Hùng Vương phân định việc cai trị (xuất hiện chính thể tập quyền của con người, giảm dần vai trò của thần linh), cha truyền con nối, ruộng của vua gọi là ruộng Lạc, dân làm ruộng gọi là Lạc dân, quan văn gọi là Lạc Hầu, tướng võ gọi là Lạc Tướng; con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị Nương...;
Vương triều Văn Lang được sử sách ghi chép là quốc gia có phong tục thuần hậu, mộc mạc, chưa có chữ nghĩa, sử dụng số và chữ thông qua việc dùng nút thắt, như một dạng ký hiệu, được tạo trên các sợi dây vải.
Vương triều Văn Lang truyền được 18 đời, đến năm 258 TCN, tồn tại khoảng 1 ngàn năm. Tiếp theo đó là vương triều Âu Lạc của Thục Phán An Dương Vương.
Ngày 28/3/1947, trước khi lên chiến khu kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên thăm đền Hùng. Tại đây Bác viếng mộ vua Hùng, thắp hương tại Hậu cung đền Thượng. Ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản Thủ đô, Bác lại tới đền Hùng.
Người dân cho rằng, trước khi lên chiến khu, Bác Hồ đã cầu khấn Thần linh, Tiền nhân và các vua Hùng phù hộ cho đánh thắng giặc. Và khi công thành, Người dẫn quân, tướng về đây lễ tạ.
Đền Hùng là tên gọi khái quát quần thể đền, chùa thờ phụng các vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh (núi cao 175m), thuộc Kinh đô Bạch Hạc (Phong Châu) của quốc gia Văn Lang, nay là địa phận xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Theo cuốn Ngọc phả Hùng Vương (Hùng đồ thập bát diệp thánh vương Ngọc phả cổ truyện, biên soạn vào năm 1472, trong đó có ghi đầy đủ các sự kiện về 18 đời vua Hùng và danh tính của 100 người con từ bọc trứng do Mẹ Âu Cơ sinh ra), các vua Hùng đã cho xây dựng điện Kính Thiên tại núi Nghĩa Lĩnh.
Sơ đồ vị trí các công trình chính trong Quần thể Đền Hùng, Phú Thọ
Phối cảnh tổng thể đền Hạ và chùa Thiên Quang, đền Trung và đền Thượng, Quần thể Đền Hùng, Phú Thọ;
Các di tích, công trình chính trong Quần thể đền Hùng gồm:
Cổng đền
Cổng đền được xây dựng vào năm 1917, theo kiểu vòm cuốn, cao 8,5m, hai tầng 8 mái, lợp giả ngói ống. Tầng dưới có 1 cửa vòm cuốn lớn, tầng trên có 3 cửa vòm cuốn nhỏ; đỉnh mái trang trí rồng; đỉnh hai trụ cổng hai bên là tượng con nghê. Giữa cột trụ và cổng đắp nổi phù điêu hai võ sỹ, một người cầm giáo, một người cầm rìu chiến, mặc áo giáp, ngực trang trí hổ phù. Trên cổng có đề bức đại tự: “Cao sơn cảnh hành” (lên núi cao nhìn xa rộng). Còn có người dịch là “Cao sơn cảnh hạnh” (Đức lớn như núi cao). Mặt sau cổng đắp hai con hổ là linh vật canh giữ cổng đền.
Cổng đền Hùng, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Hạ
Từ Cổng đền leo 225 bậc lên đến đền Hạ và chùa Thiên Quang.
Đền Hạ được xây dựng lại trên nền nhà cũ vào thế kỷ 17- 18, nơi thờ Mẹ Âu Cơ và 18 đời vua Hùng.
Tương truyền đây là nơi Mẹ Âu Cơ sinh hạ bọc trăm trứng, sau nở thành 100 người con. Nguồn gốc “đồng bào” (cùng bọc) được bắt nguồn từ đây. Dấu tích giếng “Mắt Rồng” là nơi Mẹ Âu Cơ ấp trứng nay vẫn còn ở phía sau đền.
Đền quay theo hướng Đông Nam, có kiến trúc kiểu chữ “nhị” gồm hai toà Tiền bái và Hậu cung song song nhau, mỗi toà 3 gian, cách nhau 1,5m.
Ngay chân đền Hạ là nhà Bia với kiến trúc có mặt bằng hình 6 cạnh, 6 mái, được lợp bằng gạch bìa bên trong, bên ngoài láng xi măng, trên đỉnh mái có đắp hình nậm rượu; 6 cột bằng gạch xây tròn, dưới chân có lan can. Trong nhà Bia đặt bia đá, nội dung ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm đền Hùng ngày 19/9/1954: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tòa Tiền bái, đền Hạ, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Nhà bia đền Hạ, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ; bên trong có khắc lời Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chùa Thiên Quang
Chùa Thiên Quang (Thiên Quang Thiền Tự) nằm bên phải đền Hạ. Truyền thuyết cho rằng, sau khi Mẹ Âu Cơ sinh được bọc trứng trăm con đã có làn mây sáng chiếu xuống nơi này. Người dân sau đó lập chùa, đặt tên là Thiên Quang Thiền Tự.
Chùa được dựng lại vào thời Lê Trung Hưng, quay theo hướng Đông Nam như đền Hạ.
Chùa xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”, gồm Tam quan, Tam tòa, Tả vu và Hữu vu và nhà Tổ phía sau.
Tam quan gồm 3 gian, 2 mái. Gian giữa là tháp chuông nhô lên với 8 mái. Bên trong treo quả chuông cổ đúc vào khoảng thế kỷ 17, nặng gần 1 tấn.
Tam tòa hình chữ “công” hay chữ H, gồm tòa Tiền đường 5 gian; Thiêu hương 2 gian; Chính điện 3 gian.
Trước sân chùa có 2 tháp hình trụ 4 tầng. Trên nóc đắp hình hoa sen. Lòng tháp xây rỗng, cửa vòm nhỏ. Trong tháp có bát nhang và tấm bia đá khắc tên các vị hoà thượng đã tu hành và viên tịch tại chùa.
Đặc biệt, sân trước chùa có cây vạn tuế ba cành, trên 700 năm tuổi.
Lối lên chùa Thiên Quang và đền Hạ, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Tam quan và gác Chuông chùa Thiên Quang, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Sân trước Chính điện chùa Thiên Quang, bên trái chùa (bên phải ảnh) là đền Hạ, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Tiền đường Chính điện chùa Thiên Quang với cây vạn tuế 700 tuổi, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Bên trong ban thờ Phật, Chính điện chùa Thiên Quang, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Trung
Từ đền Hạ leo thêm 168 bậc nữa là tới Ðền Trung ở lưng chừng núi. Đền có tên chữ là "Hùng Vương Tổ Miếu", Theo truyền thuyết, đây là nơi Vua Hùng thường cùng các Lạc hầu, Lạc tướng du ngoạn Nghĩa Lĩnh ngắm cảnh và họp bàn việc nước.
Đây cũng là nơi vua Hùng thứ 6 nhường ngôi cho Lang Liêu - người con hiếu thảo làm ra bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho đất), bánh dày (hình tròn tượng trưng cho trời) để dâng lên vua cha trong ngày đầu Xuân, gắn liền với việc định hình triết lý Đức trị thịnh hành thời bấy giờ.
Đền quay về hướng Nam, chính điện gồm 2 tòa Tiền đường và Hậu đường đặt song song với nhau. Mỗi tòa có 3 gian dài 7,2m, rộng 3,7m.
Giữa khoảng sân đền, có 9 miếng đá hình tròn, mặt dẹt, xếp tròn thành bộ bàn đá, tượng trưng cho địa điểm vua Hùng và các Lạc hầu, Lạc tướng ngồi họp bàn.
Tòa Tiền đường, đền Trung, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ với bộ bàn ghế đá phía trước
Nội thất tòa Tiền đường phía trước Hậu đường, đền Trung, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Thượng
Từ đền Trung đi tiếp 102 bậc đá đến đền Thượng, nằm trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với tên chữ là "Kính Thiên lĩnh điện" (Ðiện thờ Trời trên núi Nghĩa Lĩnh).
Theo truyền thuyết, đây là nơi Vua Hùng tiến hành các nghi lễ tế trời đất, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân khang, vật thịnh.
Đây còn là nơi vua Hùng thứ 6 lập đàn cầu trời ban cho người tài ra giúp nước đánh giặc Ân. Sau khi Thánh Gióng đánh tan giặc và bay về trời, vua Hùng cho lập đền thờ vọng trên đỉnh núi.
Đến thế kỷ 15, đền Thượng được xây dựng quy mô, vào thời Nguyễn được đại trùng tu.
Đền hiện tại quay hướng Nam gồm: Tam quan, Chính điện và các công trình phụ trợ.
Tam quan đền có 4 trụ biểu, giữa hai trụ biểu là bức tường tạo thành vòm cổng. Hai bên vòm cổng chính có đắp 2 tượng Lạc tướng. Trên vòm cổng chính giữa có dòng đại tự: "Nam Việt triều tổ" (Tổ tiên của Việt Nam).
Chính điện của đền có kiến trúc kiểu chữ “vương”, gồm 3 tòa song song với nhau: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường. Bên trong chính điện có đặt bài vị 18 đời vua Hùng và 3 vị thần núi: Đột Ngột Cao Sơn (núi Nghĩa Lĩnh), Áp Sơn (núi Trọc), Viễn Sơn (núi Vặn).
Bên phía tay trái Đền có một cột đá thề, tương truyền do Thục Phán An Dương Vương dựng lên khi được Vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, minh chứng cho lời thề trông nom và giữ gìn cơ nghiệp họ Hùng.
Phối cảnh đền Thượng, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Tam quan đền Thượng với bốn chữ "Nam Việt triệu tổ", phía trong cổng là bức hoành ghi "Thiên địa chi linh"
Tòa Tiền đường, Chính điện đền Thượng, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Cột đá thề bên trái đền Thượng, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Lăng Hùng Vương
Tương truyền là mộ của Vua Hùng thứ 6. Lăng mộ nằm ở phía Đông đền Thượng, mặt quay theo hướng Đông Nam. Xưa đây là một mộ đất, thời Tự Đức năm 1870 đã cho xây lăng; thời Khải Định, năm 1922, lăng được trùng tu lại.
Lăng hình vuông, cột liền tường, có đao cong 8 góc, tạo thành 2 tầng mái. Tầng dưới 4 góc đắp 4 con rồng tư thế bò, tầng trên đắp rồng uốn ngược; đỉnh lăng đắp hình “quả ngọc” theo tích “cửu long tranh châu”. Mái đắp ngói ống. Mộ trong lăng xây hình hộp chữ nhật dài 1,3m, rộng 1,8m, cao 1,0m. Mộ có mái mui luyện. Phía trong lăng có bia đá ghi: “Biểu chính” (Lăng chính). Phía trên ba mặt lăng đều có đề: “Hùng Vương lăng”.
Lăng Hùng Vương, quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Giếng
Từ đền Thượng đi về hướng Đông, qua Lăng Hùng Vương xuống đền Giếng.
Trong Hậu cung của đền có một giếng cổ, nên đền có tên đền Giếng.
Đền thờ 2 công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa là con gái vua Hùng thứ 18.
Tương truyền đây là nơi 2 công chúa thường soi gương, vấn tóc khi theo cha đi kinh lý qua vùng này. Hai bà có công dạy dân trồng lúa nước và trị thủy nên được nhân dân lập đền thờ.
Đền được xây dựng vào thế kỷ 18, gồm: Tam quan, Chính điện kiểu chữ “công” hay chữ H, gồm tòa Tiền bái, Phương đình (nối Tiền bái với Hậu cung), Hậu cung và các công trình phụ trợ.
Tam quan đền Giếng có kiểu dáng gần giống cổng đền Thượng nhưng nhỏ và thấp hơn.
Tam quan đền Giếng, Quần thể Đền Hùng, Phú Thọ
Tòa Tiền bái, Chính điện đền Giếng, Quần thể Đền Hùng, Phú Thọ
Hậu cung đền Giếng với giếng cổ nằm ngay trước ban thờ, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Quốc mẫu Âu Cơ
Đền Quốc mẫu Âu Cơ nằm bên phải đền Thượng. Đây là một ngôi đền mới được xây dựng vào năm 2001-2004 trên núi Ốc Sơn (núi Vặn). Đền có Tam quan, Điện thờ, Tả vũ, Hữu vu, nhà Bia và các công trình phụ trợ. Điện thờ theo kiểu chữ “đinh” hay chữ T, gồm Tiền bái và Hậu cung. Trong đền có tượng thờ Mẹ Âu Cơ, hai bên là tượng Lạc hầu, Lạc tướng.
Chính điện, đền Quốc mẫu Âu Cơ, Quần thể Đền Hùng, Phú Thọ
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân
Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân nằm tại núi Sim của Khu di tích lịch sử Đền Hùng, cách núi Nghĩa Lĩnh khoảng 1 km về phía Đông Nam.
Đền được khởi công xây dựng vào năm 2007 - 2009, trên diện tích khoảng 13ha với nhiều hạng mục công trình: Tam quan, Sân hành lễ, Phương đình, Tả vu, Hữu vu và Điện thờ. Trong Hậu cung của Điện thờ đặt tượng thờ Quốc tổ Lạc Long Quân bằng đồng nặng 1,5 tấn, cao 1,98m, hai bên là tượng Lạc hầu và Lạc tướng.
Chính điện đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Bảo tàng Hùng Vương
Công trình được khởi công xây dựng vào năm 1996- 2003, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm của thời đại Văn Lang được phát hiện trong địa phận tỉnh Phú Thọ, đặc biệt là các di vật phát hiện quanh khu vực đền Hùng;
Năm 1990, trống đồng mang tên Trống Hy Cương đã được tìm thấy ở xã Hy Cương, dưới chân núi Nghĩa Lĩnh.
Trống đồng đền Hùng khá nguyên vẹn, có đường kính mặt 93cm và chiều cao 70cm, là trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn nhất trong tổng số trống Đông Sơn đã biết ở Việt Nam và Đông Nam Á. Trống có hoa văn trang trí phong phú và cách điệu hóa cao, trong đó có các loại hoa văn chính như hình ngôi sao mười hai cánh đường kính đến 20cm, tám con chim lạc dài 15cm bay theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, hình người hóa trang cách điệu chỉ có mắt và lông công, thuyền… Trống hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Hùng Vương.
Bảo tàng Hùng Vương, Quần thể đền Hùng, Phú Thọ
Đền Hùng, Phú Thọ là địa điểm ghi dấu các sự kiện và con người khởi đầu lịch sử dân tộc Việt Nam.
Lễ hội đền Hùng còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương diễn ra vào 10 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội Quốc gia, thể hiện lòng biết ơn công lao dựng nước của các vua Hùng, cũng như khơi dậy sự kết nối sức mạnh của tiền nhân với thế hệ hiện tại.
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể có tính tiêu biểu của nhân loại.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1
%BA%B7c_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_h%C3%B9ng_d%C3%A2n_t%E1%BB%99c_
Vi%E1%BB%87t_Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B9ng_V%C6%B0%C6%A1ng
- Xem video giới thiệu tại đây.
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 03/02/2020 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Tháp Bình Sơn, chùa Vĩnh Khánh, Sông Lô, Vĩnh Phúc, Việt Nam
- Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Hải Dương, Việt Nam
- Đình Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội, Việt Nam
- Đền Trần, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Keo Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, Việt Nam
- Chùa Cầu, Phố cổ Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
- Đền Lý Bát Đế , Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Đình làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Nhà 87 Mã Mây, Khu phố cổ Hà Nội, Việt Nam
- Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, thành phố Lahore, Pakistan
- Vườn Ba Tư, Iran
- Quần thể Persepolis, Shiraz, Iran
- Quảng trường Meidan Emam, Isfahan, Iran
- Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
- Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, Indonesia
|