Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
Kinh tế biển, với vai trò là một trong những trụ cột của phát triển kinh tế toàn cầu, ngày càng được công nhận là yếu tố quan trọng cho sự thịnh vượng, an ninh và bền vững. Việc khai thác và bảo vệ tài nguyên biển đã trở thành vấn đề chiến lược đối với các quốc gia và cộng đồng quốc tế. Từ đó, các học thuyết về biển trên thế giới cũng được xây dựng dựa trên nhu cầu sử dụng biển trong các lĩnh vực như quân sự, kinh tế, chính trị và luật pháp quốc tế.
Các học thuyết nổi bật trên thế giới có thể kể đến như học thuyết "Sức mạnh biển" của Alfred Thayer Mahan, học thuyết "Biển tự do" (Mare Liberum) của Hugo Grotius, học thuyết "Biển đóng" (Mare Clausum) của John Selden, học thuyết "Quyền tài phán và chủ quyền biển" của UNCLOS… Các học thuyết về biển phản ánh cách các quốc gia và khu vực tiếp cận vấn đề kiểm soát, sử dụng, và bảo vệ biển cả. Từ việc tập trung vào sức mạnh quân sự (như của Mahan) đến các chính sách phát triển bền vững (biển xanh), mỗi học thuyết đều có ý nghĩa riêng và góp phần định hình chiến lược biển toàn cầu.
Cuốn sách "The Influence of Sea Power upon History, 1660–1783" (tạm dịch: "Sức mạnh biển đối với lịch sử, 1660–1783") của Alfred Thayer Mahan, xuất bản năm 1890, là một tác phẩm kinh điển về chiến lược quân sự và lịch sử hàng hải. Cuốn sách phân tích vai trò của sức mạnh biển trong việc định hình lịch sử thế giới, đặc biệt là trong các cuộc chiến tranh và sự phát triển của các quốc gia châu Âu. Cuốn sách nhấn mạnh rằng sức mạnh biển (sea power) không chỉ bao gồm lực lượng hải quân mà còn cả thương mại đường biển, cảng biển và khả năng kiểm soát các tuyến đường hàng hải. Một quốc gia sở hữu sức mạnh biển vượt trội sẽ có lợi thế chiến lược và kinh tế, từ đó có thể kiểm soát các xung đột quốc tế và đảm bảo sự thịnh vượng lâu dài.
Việt Nam nằm trên bờ biển Đông, có đường bờ biển dài, với hơn khoảng 3260km, trung bình khoảng 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển (cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới); Vùng lãnh hải của Việt Nam trải rộng hơn 1 triệu km2 với khoảng 3000 hòn đảo lớn nhỏ. Dọc theo bờ biển là 28 tỉnh, thành phố với trên 13 triệu dân có nhiều truyền thống sinh kế, văn hóa gắn bó với biển.
Biển Đông là một trong 6 biển lớn nhất thế giới, nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, và được chia sẻ giữa 9 quốc gia: Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Campuchia. Đây cũng là con đường chiến lược của giao thương quốc tế, với 5/10 tuyến đường hàng hải lớn nhất đi qua.
Tổng trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nền công nghiệp dầu khí. Dưới lòng đáy biển và dọc bờ biển Việt Nam có nhiều tài nguyên khoáng sản quý. Tại đây nguồn lợi hải sản được đánh giá vào loại phong phú với nhiều loại có giá trị kinh tế cao, tổng trữ lượng lớn. Dọc ven biển có trên 37 vạn ha mặt nước, 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ cho khả năng nuôi trồng thủy sản. Dọc bờ biển có trên 100 địa điểm xây dựng được hải cảng, kể cả cảng trung chuyển quốc tế. Ven biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển có cảnh quan đẹp, trong đó có 20 bãi biển đạt tiêu chuẩn quốc tế để phát triển du lịch biển, như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang...
Tuy nhiên, so sánh với thế giới, khai thác lợi thế từ biển của Việt Nam còn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, giá trị tổng sản phẩm hàng năm còn rất nhỏ. Tính trung bình trên 1 km2 biển, Việt Nam mới chỉ đạt bằng 1/20 của Trung Quốc; 1/94 của Nhật Bản; 1/7 của Hàn Quốc và 1/20 kinh tế biển của thế giới.
Trong điều kiện các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên đất liền đang ngày càng cạn kiệt, không gian kinh tế truyền thống trở nên chật chội và bó hẹp, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều xác định thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Muốn tồn tại và phát triển Việt Nam phải có ý chí và quyết tâm trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển.
Ngày 22/10/2018, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt ra các mục tiêu:
- Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; Quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ theo chuẩn mực quốc tế đạt mức thuộc nhóm nước trung bình cao trở lên trên thế giới. Hầu hết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến biển, đảo được thực hiện theo nguyên tắc quản lý tổng hợp phù hợp với hệ sinh thái biển.
- Về kinh tế biển: Các ngành kinh tế thuần biển đóng góp khoảng 10% GDP cả nước; kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65 - 70% GDP cả nước. Các ngành kinh tế biển phát triển bền vững theo các chuẩn mực quốc tế; kiểm soát khai thác tài nguyên biển trong khả năng phục hồi của hệ sinh thái biển.
- Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) của các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình của cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước.
- Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển: Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển, hình thành đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ biển có năng lực, trình độ cao.
- Đánh giá được tiềm năng, giá trị các tài nguyên biển quan trọng. Tối thiểu 50% diện tích vùng biển Việt Nam được điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển ở tỉ lệ bản đồ 1: 500.000 và điều tra tỉ lệ lớn ở một số vùng trọng điểm. Thiết lập bộ cơ sở dữ liệu số hoá về biển, đảo, bảo đảm tính tích hợp, chia sẻ và cập nhật.
- Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương. Ở các tỉnh, thành phố ven biển, 100% chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý đạt quy chuẩn môi trường; 100% khu kinh tế, khu công nghiệp và khu đô thị ven biển được quy hoạch, xây dựng theo hướng bền vững, sinh thái, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường.
- Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia; phục hồi diện tích rừng ngập mặn ven biển tối thiểu bằng mức năm 2000.
- Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, quan trắc, giám sát môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bao gồm cả thông qua việc ứng dụng công nghệ vũ trụ và trí tuệ nhân tạo, đạt trình độ ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực. Có biện pháp phòng, tránh, ngăn chặn, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển.
- 5 lĩnh vực được lựa chọn ưu tiên chiến lược là: (1) Khai thác, chế biến dầu, khí; (2) Kinh tế hàng hải; (3) Khai thác và chế biến hải sản; (4) Du lịch biển và kinh tế hải đảo; (5) Xây dựng các khu kinh tế, các khu công nghiệp tập trung và khu chế xuất ven biển gắn với phát triển các khu đô thị ven biển.
Ngày 21/6/2012, Quốc hội của Việt Nam đã thông qua Luật Biển Việt Nam - Luật số 18/2012/QH13, trong đó quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo.
Năm 2003, khu kinh tế ven biển đầu tiên – KKT ven biển Chu Lai, được hình thành.
KKT ven biển là khu vực có không gian kinh tế riêng biệt, với môi trường đầu tư và kinh doanh đặc biệt thuận lợi cho các nhà đầu tư, có ranh giới địa lý xác định, có quy mô diện tích lớn, bình quân mỗi KKT ven biển đến hơn 30 ngàn ha. KKT ven biển về cơ bản phân thành: Khu phi thuế quan gắn với cảng (cảng tự do, thương mại dịch vụ, khu chế xuất, kho ngoại quan, văn phòng đại diện...); Khu thuế quan là toàn bộ khu vực còn lại bao gồm các khu chức năng như: KCN của các ngành đóng tàu, hoá dầu, nuôi trồng chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần cảng; Khu du lịch và Khu dân cư đô thị...
Ngày 23/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1353/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các KKT ven biển của Việt Nam đến năm 2020” với nội dung cơ bản:
- Mục tiêu: hình thành các KKT động lực trong phạm vi lãnh thổ nhất định, trên cơ sở phát triển đa ngành, thúc đẩy phát triển chung và các vùng ven biển của Việt Nam; Làm cơ sở cho việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; Tạo tiền đề thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư nước ngoài.
- Nguyên tắc phát triển: Gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và của vùng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Lấy hiệu quả kinh tế – xã hội làm tiêu chuẩn cao nhất và bảo đảm phát triển bền vững; Sử dụng hiệu quả quỹ đất, mặt nước và không gian của KKT ven biển; Mỗi KKT ven biển phải hướng tới hình thành chức năng nòng cốt, chủ đạo và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng; Chú ý tới yêu cầu bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng. Các KKT ven biển được phát triển theo từng giai đoạn, được hỗ trợ tài chính bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước để xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và kết cấu hạ tầng xã hội.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có 20 KKT vùng biển và ven biển được thành lập, bao gồm:
06 KKT vùng biển và ven biển phía Bắc: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Quảng Yên (Quảng Ninh), Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng), KKT ven biển phía Nam Hải Phòng (TP. Hải Phòng), KKT ven biển Thái Bình (Thái Bình), KKT ven biển Ninh Cơ (Nam Định);
11 KKT vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa);
03 KKT vùng biển vàven biển Tây Nam Bộ: KKT đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Định An (Trà Vinh), KKT ven biển Năm Căn (Cà Mau).
Các vấn đề hiện đang tập trung giải quyết phát triển các KKT ven biển
KKT ven biển là mô hình kinh tế - xã hội mới. Việc phát triển các KKT ven biển (cũng như KKT cửa khẩu) đang trong giai đoạn thử nghiệm, điều chỉnh tiến tới định hình, đặt ra cho các nhà quản lý, khoa học và nhà đầu tư nhiều vấn đề cần quan tâm nghiên cứu, trước hết là:
- Đổi mới tư duy kinh tế (và văn hóa), từ lãnh đạo đến người dân để tạo sự đồng thuận, khát vọng và quyết tâm từ một quốc gia ven biển trở thành quốc gia biển và cường quốc biển, hòa nhập với thế giới; Coi phát triển kinh tế biển là một trong những khâu đột phá của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế;
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trên cơ sở xây dựng niềm tin, theo mô hình hợp tác đa phương phù hợp với luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, các bên đều bình đẳng cùng có lợi;
- Thúc đẩy phát triển các tổ chức và hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo về không gian ven biển, biển và hậu cần biển…tạo tiềm lực về khoa học – công nghệ, con người cho kinh tế biển; (Các lĩnh vực khoa học công nghệ hiện đang được triển khai: Điều tra cơ bản tài nguyên biển; Nghiên cứu công nghệ phục vụ bảo tồn, bảo vệ môi trường, công nghệ viễn thám, đóng tàu, khai thác nguồn năng lượng biển, quản lý tổng hợp ven biển và biển, luật pháp quốc tế về biển, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…);
- Tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp kinh tế biển có khả năng hiện diện trên biển và đại dương (dầu khí, hàng hải viễn dương, du lịch biển và kinh tế hải đảo, đánh bắt thuỷ sản…), đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và toàn cầu về kinh tế biển;
- Thúc đẩy nhanh và có trọng tâm việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, logistics; Gắn kết các khu công nghiệp, khu đô thị nằm sâu trong đất liền với các khu kinh tế biển...;
- Xây dựng chiến lược đối phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
WEB bmktc.com lần lượt đăng tải các dự án quy hoạch xây dựng các KKT ven biển, phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học – công nghệ, trước hết trong lĩnh vực xây dựng...Qua đó góp phần đưa Việt Nam trở thành một cường quốc biển.
Danh mục hệ thống các KKT ven biển tại Việt Nam đến năm 2020
Khu kinh tế vùng biển và ven biển phía bắc
1) Vân Đồn (Quảng Ninh);
- Quyết định số 1296/QĐ-TTG phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng KKT Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Quyết định số 232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050
- Quy hoạch chung KKT ven biển Vân Đồn, Quảng Ninh
- Quyết định số 2428/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế Vân Đồn
2) Quảng Yên (Quảng Ninh)
3) Đình Vũ - Cát Hải (TP. Hải Phòng);
4) KKT ven biển phía Nam Hải Phòng (TP. Hải Phòng)
5) Thái Bình (Thái Bình);
6) Ninh Cơ (Nam Định).
Khu kinh tế vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, Duyên hải Trung Bộ
7) Nghi Sơn (Thanh Hóa):
- Dự án QHC xây dựng KKT Nghi Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hoá; Quy mô 18612 ha;
- Quyết định 18/2015/QĐ-TTg về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của KKT Nghi Sơn, Thanh Hóa
- Quyết định số 1699/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt điều chỉnh, mở rộng Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050
8) Đông Nam Nghệ An (Nghệ An);
- Mở rộng KKT Đông Nam Nghệ An
9) Vũng Áng (Hà Tĩnh):
- Dự án QHC xây dựng KKT ven biển Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh; Quy mô 22781 ha
10) Hòn La (Quảng Bình);
11) Đông Nam (Quảng Trị)
- Quy hoạch chung xây dựng KKT Đông Nam Quảng Trị
12) Chân Mây – Lăng Cô (Thừa Thiên Huế):
- Dự án QHC KKT ven biển Chân Mây – Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế: Quy mô 10000 ha;
13) Chu Lai (Quảng Nam);
- Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT mở Chu Lai đến năm 2035
14) Dung Quất (Quảng Ngãi);
15) Nhơn Hội (Bình Định);
- Dự án QHC xây dựng KKT ven biển Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bình Định; Quy mô 12000 ha;
16) Nam Phú Yên (Phú Yên);
17) Vân Phong (Khánh Hòa);
- Dự án Điều chỉnh QHC xây dựng KKT Vân Phong, Khánh Hoà; Quy mô 150000 ha;
Khu kinh tế vùng biển Tây Nam Bộ
18) Phú Quốc- Nam An Thới (Kiên Giang);
19) Định An (Trà Vinh);
20) Năm Căn (Cà Mau).
--------------------------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 BCH TW Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
- Luật Biển Việt Nam được Quốc hội Việt Nam thông qua vào ngày 21/6/2012;
- Nghị quyết số 139/2024/QH15 được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 28/6/2024 về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Quyết định số 1353/QĐ-TTg ngày 23/9/2008 của Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển các KTT ven biển Việt Nam đến năm 2020;
- Xem thêm các bài viết về phát triển các KKT ven biển trên WEB bmktcn.com
- Học liệu mở: Quy hoạch xây dựng KKT ven biển (dành cho học viên cao học, ĐHXD Hà Nội) trên WEB bmktcn.com
WEB bmktc.com
|