Thông tin chung:
Công trình: Quần thể Persepolis
Địa điểm: Thành phố Shiraz, tỉnh Fars, Iran (N29 56 3.984 E52 53 25.008)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 12,5 ha
Năm thực hiện: Khoảng 550-330 TCN
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục i, iii, vi)
Iran (còn gọi là Ba Tư) là một quốc gia ở Tây Á, phía Tây Bắc giáp Armenia và Azerbaijan; phía Bắc giáp biển Caspi; Đông Bắc giáp Turkmenistan; phía Đông giáp Afghanistan và Pakistan; phía Nam giáp vịnh Ba Tư và vịnh Ô-man; phía Tây giáp Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq.
Iran nằm tại trung tâm khu vực Âu Á và gần eo biển Hormuz, có một tầm quan trọng về địa chính trị.
Iran có diện tích khoảng 1.648.195 km2, là quốc gia lớn thứ 2 tại Trung Đông và lớn thứ 17 trên thế giới. Với 82 triệu dân (2018), Iran là quốc gia đông dân thứ 18 trên thế giới. Thủ đô là thành phố Tehran.
Iran là một trong những nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại.
Nền văn minh Iran bắt đầu với sự hình thành các vương quốc Elamite (Elamite kingdoms) trong thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên (TCN). Người Iran là một trong những tộc người đầu tiên sử dụng toán học, hình học và thiên văn học trong kiến trúc. Kiến trúc Iran gắn liền với các hình tượng vũ trụ, với triết lý: nhờ đó con người được giao tiếp và tham gia quyền lực với thiên đàng. Triết lý này không chỉ mang lại sự thống nhất và liên tục cho kiến trúc Ba Tư, mà còn trở thành một nguồn động lực quý giá cho nghệ thuật kiến trúc.
Vào thế kỷ thứ 7 TCN các bộ tộc Media Iran đã cùng nhau thành lập vương Quốc Median (Median Empire). Vương quốc đạt đến đỉnh cao về quy mô lãnh thổ vào thế kỷ thứ 6 TCN dưới thời Vương triều Achaemenid (Achaemenid Empire, khoảng 550-330 TCN), được thành lập bởi Cyrus Đại đế (Cyrus the Great, cai trị năm 559 – 530 TCN), trở thành Đế quốc Ba Tư. Đây là Đế chế liên kết được nhiều dân tộc có nguồn gốc và tín ngưỡng khác nhau; hình thành được mô hình chính quyền tập trung, quan liêu (chuyển từ cách thực hiện tự phát, thiếu kế hoạch, định hướng giá trị truyền thống sang cách làm việc có hệ thống, tổ chức theo quy tắc, luật lệ, định hướng mục đích và duy lý); xây dựng được hệ thống đường bộ, bưu chính, sử dụng ngôn ngữ chính thức trên toàn bộ lãnh thổ, phát triển các dịch vụ dân sự và một đội quân chuyên nghiệp. Sự thành công của Đế chế Achaemenid đã truyền cảm hứng cho các vương triều Iran sau này.
Sơ đồ phạm vi của Vương triều Achaemenid gắn với nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamia)
Đế chế Achaemenid sụp đổ dưới sự thống trị của Alexander Đại đế (Alexander the Great, cai trị năm 336 - 323 TCN) vào thế kỷ thứ 4 TCN và bị chia thành nhiều vương quốc thuộc văn minh Hy Lạp, như vương quốc Seleucid (Seleucid Empire), còn gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic period).
Đế chế Seleucid trở thành một trung tâm lớn của văn hóa Hy Lạp - nó duy trì sự ưu việt của phong tục Hy Lạp, nơi tinh hoa chính trị Hy Lạp thống trị, chủ yếu ở các khu vực đô thị. Dân số Hy Lạp của các thành phố hình thành nên giới tinh hoa và được củng cố bởi sự nhập cư từ Hy Lạp.
Vào thế kỷ thứ 3 TCN, người Iran nổi dậy lập Đế chế Parthia (Parthian Empire) và Đế chế Sasanian (Sasanian Empire). Sau đó Iran dần trở thành một trong những cường quốc hàng đầu thế giới vào 4 thế kỷ tiếp theo.
Người Hồi giáo Ả Rập đã chinh phục Đế chế Sasanian vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, cùng với đó là việc Hồi giáo hóa Iran, dẫn đến sự suy tàn của tôn giáo thống trị Zoroastrian (Zoroastrianism/Mazdayasna), là một trong những tôn giáo liên tục lâu đời nhất trên thế giới, được thành lập bởi nhà lãnh đạo tinh thần nói tiếng Iran Zoroaster, còn được gọi là Zarathushtra, sống trong khoảng 1500 - 1000 TCN. Đây là quốc giáo của nhà nước Ba Tư trước Hồi giáo trong giai đoạn năm 600 TCN đến năm 650 sau Công nguyên.
Trong hai thế kỷ tiếp theo, một loạt triều đại Hồi giáo bản địa (Iran Intermezzo) xuất hiện: Tahirids (năm 821 - 873); Sajids (năm 889 - 929); Saffarids (năm 861 - 1003); Samanids (năm 875/819 - 999); Ziyarids (năm 930 -1090); Buyids (năm 934 - 1062); Sallarids (năm 942- 979). Tiếp đó, người Thổ Nhĩ Kỳ thuộc vương triều Seljuq (Seljuq dynasty, tồn tại từ thế kỷ 10 – 12) và người Mông Cổ Ilkhanate (tồn tại từ thế kỷ 13 – 14) đã chinh phục Ba Tư.
Sự trỗi dậy của vương triều Safavids (Safavid dynasty) trong thế kỷ 15 đã dẫn đến việc tái lập quốc gia Iran và chuyển đổi sang Hồi giáo dòng Shia (Shia Islam). Đây là ngoặt trong lịch sử Iran và Hồi giáo.
Thế kỷ 18, dưới thời vua Nader Shah Afshar (cầm quyền 1736- 1747), Iran là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất khu vực.
Đến thế kỷ 19, sau một loạt xung đột với Đế quốc Nga, Iran đã chịu những tổn thất lãnh thổ đáng kể.
Triều đại Pahlavi (Pahlavi dynasty, tồn tại từ năm 1925 – 1979) là vương triều cuối cùng của Đế chế Iran. Tiếp đó, là giai đoạn của quốc gia Iran thời hiện đại.
Trong lịch sử phát triển, Iran là một quốc gia và một xã hội đa nguyên, bao gồm nhiều nhóm sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo, lớn nhất là Ba Tư, Azeris, Kurds, Mazandaranis và Lurs.
Ngày nay, Iran được chia thành năm khu vực với ba mươi mốt tỉnh. Các tỉnh chia thành quận/huyện, phường/xã.
Tỉnh Fars (Fars Province) là một trong của ba mươi mốt tỉnh của Iran, nằm tại phía Tây Nam Iran, có diện tích 122.400 km2, dân số 4,6 triệu người (2011). Trung tâm hành chính của tỉnh là thành phố Shiraz, hiện có dân số khoảng 1,9 triệu người (2016), là một trong những thành phố lâu đời nhất từ thời Ba Tư cổ đại.
Fars là thủ đô của các vương triều Achaemenid và Sasanian tại Iran.
Bản đồ Iran và vị trí thành phố Shiraz, tỉnh Fars
Các tàn tích nổi bật của cố đô Pasargadae (có nghĩa là thành phố của người Ba Tư) và Persepolis, tại thành phố Shiraz, là minh chứng lịch sử cổ xưa của khu vực. Do tầm quan trọng lịch sử của khu vực này, đất nước Iran còn được người phương Tây gọi là Ba Tư.
Quần thể Persepolis thuộc cố đô Pasargadae, là trung tâm nghi lễ của Đế chế Achaemenid (khoảng 550-330 TCN), nằm 60 km về phía Đông Bắc của thành phố Shiraz thuộc tỉnh Fars, Iran.
Quần thể Persepolis, là một trong những địa điểm khảo cổ vĩ đại nhất thế giới, nằm dưới chân núi Kuh-e Rahmat (Núi của lòng thương xót) ở phía Tây Nam Iran, gần con sông nhỏ Pulvar, chảy vào sông Kur.
Bằng chứng khảo cổ học cho thấy, phần còn lại sớm nhất của Quần thể Persepolis có từ năm 515 TCN và chọn lựa địa điểm này chính là Cyrus Đại đế, người khởi lập vương quốc. Quần thể Persepolis rộng lớn của cố đô được xây dựng bắt đầu vào khoảng năm 518 TCN bởi vị vua kế nhiệm là Darius I (Darius the Great, trị vì trong giai đoạn 522 - 486 TCN).
Một số lượng lớn các kiến trúc sư, kỹ sư và nghệ nhân lành nghề từ khắp Ba Tư và lân cận được huy động đến để xây dựng Quần thể.
Quần thể Persepolis được sử dụng cho các buổi tiếp tân và lễ hội của vương triều Ba Tư, đặc biệt cho lễ hội năm mới, vào mùa Xuân. Thời điểm mà giới quý tộc Iran và các tầng lớp khác của đế chế đến tặng quà cho nhà vua.
Việc xây dựng Trung tâm nghi lễ Persepolis được vua Darius I tiến hành song song với việc xây dựng Cung điện Susa (Palace of Darius in Susa). Người ta cho rằng, Quần thể Persepolis, không chỉ là trung tâm nghi lễ, mà còn là nơi đặt các lăng mộ của các vị vua Đế chế Achaemenid.
Sau khi xâm chiếm vương triều Achaemenid Ba Tư vào năm 330 TCN, Alexander Đại đế đã phái lực lượng chính của quân đội của mình đến Persepolis. Persepolis bị đốt và cướp phá.
Vào năm 316 TCN, Persepolis vẫn còn là trung tâm của Ba Tư với tư cách là một tỉnh của Đế chế Macedonia (The great Macedonian Empire) và dần suy tàn.
Quần thể Persepolis hiện chỉ còn tàn tích của các tòa nhà khổng lồ trên sân thượng rộng 125.000 m2, cắt vào trong núi Rahmat tại phía Đông và mở ra 3 phía còn lại. Sân thượng được kè bao bởi các bức tường dày, có chiều cao khác nhau phù hợp với độ dốc của nền đất. Để tạo ra mặt phẳng của sân, các hố trũng được lấp đầy bằng đất và đá.
Quần thể được khai quật khoa học đầu tiên vào năm 1930 và nhiều điều về di tích này dần được sáng tỏ.
Lấy cảm hứng từ các thành tựu của nền văn minh Lưỡng Hà (Mesopotamian, vùng xung quanh hai con sông Euphrates và sông Tigris), trên sân thượng rộng lớn này, các vị vua của Vương triều Achaemenid (Achaemenid Empire/Ba Tư) đã dựng nên một quần thể nguy nga về mặt kiến trúc với những công trình tiêu biểu: Pháo đài quân sự, ngân khố, hội trường nghi lễ và cung điện hoàng gia. Các di tích còn lại đến ngày nay của Persepolis thể hiện phong cách kiến trúc Vương triều Achaemenid.
Hình vẽ phối cảnh phục dựng Quần thể Persepolis
Tàn tích Quần thể Persepolis nằm trên sân thượng, một phần khoét vào núi
Phối cảnh tổng thể tàn tích Quần thể Persepolis
Kiến trúc phong cách Achaemenid hay kiến trúc Ba Tư cổ đại có một thức cột đặc biệt, gọi là cột Ba Tư hoặc cột Persepolitan, được cho là bắt nguồn từ các cột gỗ trang trí trước đó. Cột chính có thể cao tới 20m, gồm chân cột, thân cột tròn với rãnh cột và đầu cột có trang trí 2 động vật, phần lớn là bò đực, sư tử. Vị trí giữa của hai động vật đầu cột là điểm đặt dầm mái. Các cột này được bố trí bên trong hội trường của các cung điện, ví dụ như trong “Hội trường của hàng trăm cột” (Palace of 100 columns).
Sơ đồ mặt bằng, mặt trước và mặt bên của cột Persepolis điển hình
Chi tiết đầu cột Persepolis điển hình
Vật liệu xây dựng Persepolis chủ yếu bằng đá, kết hợp với các kết cấu gỗ.
Sau khi san lấp sân thượng, các đường hầm thoát nước thải được được xây dựng. Tại chân núi phía Đông, một bể nước sinh hoạt trên cao dược đào vào nền đất núi.
Ngoài các tàn tích công trình, tại đây còn phát hiện một số ngôi mộ đã hoàn thành (ví dụ như mộ của vua Artaxerxes II và vua Artaxerxes III). Một số mộ còn đang dang dở tại lân cận.
Mộ vua Artaxerxes II (trị vì giai đoạn 404- 358 TCN), Persepolis
Tại đây cũng đã xác định được hơn 30.000 chữ khắc. Các bản chữ khắc nhỏ, đa dạng về kích thước nhưng là những tài liệu có giá trị nhất của thời kỳ Achaemenid.
Nhiều hiện vật có nguồn gốc xuất sứ từ Quần thể Persepolis như phù điêu, tượng phân tán trong các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân trên khắp thế giới, như Anh, Mỹ và hiện đang được mua mang trở lại Persepolis.
Năm 2007, tại thị trấn Sivand, tỉnh Fars đập Sivand (Sivand Dam) đã được xây dựng, tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến Di sản Quần thể Persepolis và Pasargadae.
Quần thể Persepolis, Shiraz, Iran được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1979) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Quần thể Persepolis, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, nằm trên một tầng sân thượng, với hai cầu thang tiếp cận, các bức tường được trang trí bằng các đường diềm điêu khắc ở nhiều cấp độ khác nhau, cổng vào các ngôi đền mang phong cách Assyria (Assyrianesque propylaea; Assyria là một vương quốc của người Akkad, tồn tại từ cuối thế kỷ 25 đến năm 608 TCN, vương quốc tiền nhiệm của vương triều Achaemenid), những con bò đực có cánh khổng lồ và các phần còn lại của công trình kiến trúc cung điện hoành tráng. Việc làm cho nhẹ bớt các tấm lợp và sử dụng các thanh dầm gỗ cho phép kiến trúc sư Achaemenid bố trí trong các khu vực sảnh một số lượng tối thiểu các cột thanh mảnh đáng kinh ngạc (đường kính 1,60m có chiều cao khoảng 20m). Cột chính đồ sộ có chân cột, thân cột tròn với rãnh cột và đầu cột có trang trí 2 động vật, phần lớn là bò đực. Vị trí giữa của hai động vật đầu cột cũng là điểm đặt dầm mái.
Tiêu chí (iii) : Persepolis là quần thể kiến trúc hùng vĩ với cầu thang hoành tráng, cung điện đặt ngai vàng (Apadana), cung điện tiếp đón và các tòa nhà phụ, được xếp vào những địa điểm khảo cổ độc đáo nhất thế giới về một nền văn minh cổ xưa, mà không có địa điểm nào có chất lượng tương đương.
Tiêu chí (vi) : Như vị vua sáng lập Darius I mong muốn, Quần thể Persepolis thể hiện hình ảnh của chế độ quân chủ Achaemenid và của vua ở mọi nơi. Chỗ này, vua chinh phục một con quái vật; chỗ kia, vua ngự trên ngai vàng trong khi kẻ thù đang gục ngã; chỗ khác, là điêu khắc của những đoàn quân gồm các chiến binh, vệ sĩ, chức sắc và những người mang triều cống diễu hành bất tận.
Sơ đồ Quần thể Persepolis với các hạng mục công trình chính
Ghi chú: A. Khu vực Cầu thang lớn; B. Khu vực trụ; C. Khu vực Cung điện lớn của Xerxes; D. Cung điện của Darius; E. Cung điện của Xerxes; F. Khu vực trụ thứ hai; G. Cung điện với 100 cột; H. Cung điện nhỏ.
Quần thể Persepolis có nhiều hạng mục công trình, nổi bật gồm:
Cầu thang lớn
Cầu thang lớn (Great Staircase – hình vẽ ký hiệu Khu vực A) nằm tại phía Tây của Quần thể, được gọi là cầu thang kép, vì gồm 2 cầu thang đối xứng và cạnh nhau. Mỗi cầu thang có chiều rộng 6,9m, mỗi bậc rộng 31cm, cao 10cm. Điểm kết của cầu thang là một sân nhỏ đối diện với cổng mang tên Cổng của các quốc gia (Gate of All Nations). Cầu thang xây dựng bằng đá, có lan can và tường chắn được điêu khắc các hình tượng tuyệt đẹp.
Cầu thang lớn, Persepolis
Cổng quốc gia
Cổng quốc gia (Propylon/ Gate of All Nations – Khu B) còn gọi là Cổng Xerxes nằm tại phía Tây của Quần thể, cạnh Cầu thang lớn. Đây là một tòa kiến trúc có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 25m.
Cầu thang lớn và Cổng quốc gia được xây dựng bởi vua Xerxes I (trị vì năm 486-465 TCN).
Tòa cổng có 3 cửa ra vào tại hướng Đông, Tây và Nam. Trung tâm của cổng là 4 cột đỡ mái. Cửa ra vào khối cổng được làm bằng gỗ, ốp các tấm kim loại trang trí công phu.
Tại cửa phía Tây và Đông, mỗi cửa có một đôi Lamassu ( là một vị thần bảo vệ, có hình tượng đầu người, thân mình bò đực hoặc sư tử và có cánh), phản ánh sức mạnh của đế chế.
Tên của vua Xerxes I được viết bằng ba ngôn ngữ và được khắc trên các lối vào, thông báo cho mọi người rằng ông đã ra lệnh xây dựng cổng.
Mặt phía trước Cổng quốc gia, Persepolis
Tàn tích Cổng quốc gia, Persepolis
Tàn tích hình tượng đầu người, thân mình bò đực và có cánh, Persepolis
Cung điện lớn Xerxes
Cung điện lớn Xerxes (Great Palace of Xerxes – Khu C) nằm tại phía Tây của Quần thể, còn có tên là Cung điện Apadana. Vua Darius I bắt đầu xây dựng cung điện vào năm 518 TCN và con trai ông, vua Xerxes I, đã hoàn thành 30 năm sau đó. Cung điện sử dụng cho các buổi nghi lễ lớn. Bên trong có một ngai vàng cho nhà vua và diện tích cho 1 vạn người làm lễ.
Cung điện đặt trên một bệ cao.
Hội trường chính Cung điện có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 60m, cấu trúc theo kiểu Hypostyle (kết cấu mái nhà được đỡ bởi các cột thay vì tường, trụ) với 72 cột. Mỗi cột cao khoảng 20m.
Phần đỉnh của các cột được làm từ các tác phẩm điêu khắc động vật như sư tử hai đầu, đại bàng, người và bò (biểu tượng của sự sinh sản và phong phú ở Iran cổ đại). Các cột được nối với nhau với sự trợ giúp của dầm gỗ sồi và gỗ tuyết tùng, được mang đến từ Lebanon.
Cung điện được bao quanh bởi sảnh hiên hình chữ nhật. Mỗi sảnh có 12 cột bố trí thành hai hàng. Các bức tường được làm phẳng bởi một lớp bùn và vữa dày 5 cm, bên ngoài được được phủ bằng vữa màu xanh lá cây.
Lối vào chính cung điện là các cầu thang tại phía Bắc. Cầu thang được trang trí bởi các bức phù điêu vua Darius I ngồi tại trung tâm, xung quanh là sứ thần của 23 tiểu quốc gia. Các sự thần được miêu tả rất chi tiết, cung cấp những kiến thức về trang phục của các dân tộc Ba Tư khác nhau trong thế kỷ 5 TCN, với các dòng chữ bằng tiếng Ba Tư cổ và Elamite.
Cung điện bị phá hủy vào năm 331 TCN bởi quân đội của Alexander Đại đế. Đá từ các cột được lấy đi làm vật liệu xây dựng cho các khu định cư gần đó. Đến đầu thế kỷ 20, chỉ còn 13 cột đứng vững.
Tại móng của Cung điện đã tìm thấy các tấm bia bằng vàng và bạc khắc chữ Ba Tư cổ ca ngợi vua Darius và đế chế của ông.
Đây cũng là nơi lưu giữ một kho báu tiền xu thời vương triều Achaemenid, có niên đại vào năm 515 TCN.
Cung điện Apadana có một ảnh hưởng to lớn đến kiến trúc của các nhà thờ Hồi giáo tại Iraq những năm sau này.
Cầu thang lên Cung điện Apadana, Persepolis
Hình vẽ miêu tả cấu trúc xây dựng Cung điện Apadana, Persepolis
Phù điêu mô tả người Armenia mang rượu vang nổi tiếng của họ cho nhà vua, Cung điện Apadana, Persepolis.
Phù điêu mô tả sự thống nhất các dân tộc Medes và Ba Tư, Cung điện Apadana , Persepolis.
Kho báu Apadana
Kho báu Apadana (Apadana hoard) là kho báu tiền xu được phát hiện phía dưới các hộp đá chứa các tấm bia bằng vàng, trong cuộc khai quật vào năm 1933.
Các đồng xu bao gồm: Tám đồng tiền Croeseids, là một loại đồng tiền bằng vàng hoặc bạc, đúc tại Sardis, thủ đô của Vương quốc Lydia (tồn tại từ khoảng năm 1200 TCN – 546 TCN; vào năm 546 TCN tiểu vương quốc này trở thành một tỉnh của Đế quốc Ba Tư Achaemenid. Đây là những đồng tiền vàng thật đầu tiên với độ tinh khiết được tiêu chuẩn hóa và là hệ thống tiền tệ lưỡng kim (vàng, bạc) đầu tiên trên thế giới; Một đồng bạc Tetradrachm đến từ Abdera (là một đô thị của Hy Lạp cổ đại; Một đồng xu bạc Stater đến từ Aegina (là một đô thị của Hy Lạp cổ đại); Ba đồng tiền xu Sigloi đến từ đảo Sip.
Các tấm bia bằng vàng của vua Darius I tại Cung điện Apadana. Bia nằm trong hộp đá. Trong hộp còn có các tiền xu đặt bên dưới.
Đồng tiền vàng Croeseid, đúc vào thời vua Darius, thuộc 8 đồng tiền tìm thấy tại kho báu Apadana
Cung điện của Darius
Cung điện của Darius (Palace of Darius – Khu vực D) nằm tại phía Tây Nam Quần thể, phía Nam của Cung điện lớn của Xerxes. Cung điện có quy mô không lớn, được xây dựng bởi vua Darius I và hoàn thành vào năm 486 bởi con trai ông, vua Xerxes (trị vì từ năm 486 đến 465 TCN).
Gần cửa ra vào cung điện vẫn còn một số tảng đá có chữ khắc ca ngợi vua Darius. Tại đây có bức phù điêu với các họa tiết trở nên rất phổ biến trong nghệ thuật Achaemenid sau này: Nhà vua cùng với những người hầu và người tùy tùng. Một dạng trang trí khác là chiến binh hoàng gia giết chết một con sư tử, một con bò đực có cánh hoặc một con thú hoang khác…
Cung điện Darius, Persepolis; Nhìn từ phía Nam
Tàn tích cổng vào cung điện Darius, Persepolis
Cung điện của Xerxes
Cung điện của Xerxes (Palace of Xerxes – Khu vực E) hay Cung điện Apadana nằm tại phía Nam của Quần thể. Công trình có diện tích gấp đôi so với Cung điện Darius, được xây dựng vào năm 486- 465 TCN.
Cung điện nằm trên một bệ cao. Lên bệ là hai cầu thang, có trang trí tượng nhân sư, binh lính.
Gian chính của Cung điện có mặt bằng hình vuông. Bên trong có 36 cột chia thành 6 hàng, mỗi hàng 6 cột. Gian chính được bao quanh bởi 6 phòng nhỏ hơn. Tại phía Bắc có một hiên (portico) với hai hàng cột, mỗi hàng 6 cột.
Trên các bức tường có khắc dòng chữ, được gọi là XP (Chữ khắc hoàng gia Achaemenid, có dạng ký tứ hình nêm, là tiếng Ba Tư cổ từ thế kỷ 6 – 4 TCN).
Bậc lên Cung điện Xerxes, Persepolis
Điêu khắc hình tượng vua và hầu cận tại cửa Cung điện Xerxes, Persepolis
Phù điêu có diềm trang trí bông sen và khắc các dòng chữ có dạng ký tứ hình nêm tiếng Ba Tư cổ, Cung điện Xerxes, Persepolis
Cổng thứ hai
Cổng thứ hai (Second Propylon – Khu vực F) nằm tại trung tâm của quần thể. Cổng có bố cục như Cổng Xerxes, song có quy mô nhỏ hơn. Cổng hiện chưa hoàn thành.
Từ Cổng của Quốc gia (Gate of All Nations) qua cổng này đến Hội trường trăm cột (Palace of 100 columns). Cổng hiện chỉ còn tàn tích của một cặp bò đực còn đang xây dang dở tại phía Nam.
Tàn tích cặp bò đá tại Cổng thứ hai, Persepolis
Cung điện 100 cột
Cung điện 100 cột (Palace of 100 columns – Khu vực G) là tòa nhà lớn thứ hai sau Cung điện Apadana, nằm phía Đông của Quần thể, trong cùng giáp núi. Tòa nhà này còn được gọi là Hội trường ngai vàng (Throne Hall) hoặc Hội trường danh dự của Quân đội Hoàng gia (Imperial Army's Hall of Honor). Hội trường có mặt bằng hình vuông mỗi chiều dài 70m, được xây dựng dưới triều vua Xerxes I và được hoàn thành bởi con trai ông là vua Artaxerxes I vào cuối thế kỷ 5 TCN.
Cung điện có 8 ô cửa bằng đá, mỗi phía có 2 ô cửa. Cổng tại phía Nam và Bắc trang trí các bức phù điêu tả cảnh ngai vàng; Phía Đông và Tây là các bức phù điêu tả cảnh nhà vua trong trận chiến với quái vật. Có hai tượng bò bằng đá hai bên cổng phía Bắc.
Vào triều đại vua Xerxes I, Cung điện 100 cột được sử dụng chủ yếu để tiếp các chỉ huy quân sự và đại sứ của các quốc gia. Sau đó, Cung điện trở thành Bảo tàng hoàng gia.
Tàn tích Cung điện 100 cột, Persepolis; nhìn từ trên cao
Tàn tích Cung điện 100 cột, Persepolis; nhìn từ phía Nam
Sơ đồ bản vẽ phục dựng mặt cắt Cung điện 100 cột, Persepolis
Tượng bò tại cổng phía Bắc Cung điện 100 cột, Di sản Persepolis
Cung điện nhỏ
Cung điện nhỏ (Small Palace – Khu vực H), còn gọi là cung điện của vua Artaxerxes I (là vị vua thứ sáu của vương triều Achaemenid, cai trị từ năm 465-424 TCN). Cung điện nằm tại phía Đông Nam của Quần thể Persepolis, nằm bên trên một bệ cao. Cung điện bao gồm một phòng lớn với 4 hàng cột, mỗi hàng 4 cột. Phía Bắc là một hàng hiên với 2 hàng cột, mỗi hàng 4 cột.
Trong Cung điện có những trang trí hiện vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng, ví như một nhóm sừng tại rìa sân thượng.
Tàn tích Cung điện Artaxerxes, Persepolis
Trang trí hình tượng sừng tại Cung điện Artaxerxes, Persepolis
Nổi tiếng là viên ngọc của Vương triều Achaemenid trong các lĩnh vực quy hoạch đô thị, kiến trúc, công nghệ xây dựng và nghệ thuật, Di sản Persepolis, Shiraz, Iran là một trong số các địa điểm khảo cổ đại diện cho những nền văn minh cổ đại nhất của nhân loại.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/114/
https://en.wikipedia.org/wiki/Persepolis
https://en.wikipedia.org/wiki/Achaemenid_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Parthian_Empire
https://en.wikipedia.org/wiki/Mesopotamia
https://en.wikipedia.org/wiki/Shiraz
https://en.wikipedia.org/wiki/Pasargadae
https://en.wikipedia.org/wiki/Medes
https://en.wikipedia.org/wiki/Gate_of_All_Nations
https://en.wikipedia.org/wiki/Apadana
https://en.wikipedia.org/wiki/Apadana_hoard
https://en.wikipedia.org/wiki/Persian_column
https://www.livius.org/articles/place/persepolis/persepolis-photos/persepolis-palace-of-darius/
https://www.livius.org/articles/place/persepolis/persepolis-photos/persepolis-palace-of-xerxes/
https://www.livius.org/articles/place/persepolis/persepolis-photos/persepolis-unfinished-gate/
https://www.livius.org/articles/place/persepolis/persepolis-photos/persepolis-palace-of-artaxerxes/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|