|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Đền Lý Bát Đế , Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam |
08/12/2019 |
Thông tin chung:
Công trình: Đền Lý Bát Đế (Ly Bat De Temple, Bac Ninh Province, Vietnam)
Địa điểm: Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam (21.107098 'N, 105.960114' E)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích 31.250m2
Thời gian hình thành: năm 1030, được xây dựng lại vào năm 1989
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý, Di tích lịch sử năm 2014)
Tại Việt Nam, đền thờ là công trình kiến trúc được xây dựng để thờ cúng một vị thần trong tôn giáo, tín ngưỡng bản địa. Nhiều đền thờ được lập lên để tôn vinh một anh hùng có công với đất nước hay một cá nhân có công đức với địa phương theo truyền thuyết dân gian hoặc theo các sự kiện có thực trong lịch sử.
Đền thờ là nơi lưu giữ Thần đạo Việt Nam.
Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô hoặc Cổ Pháp điện, là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng thờ tám vị vua đầu tiên của nhà Lý, nằm tại phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Xa xưa Đền thuộc địa phận hương Cổ Pháp, châu Cổ Pháp, nền gọi là đền Cổ Pháp. Cổ Pháp được liệt vào làng “Tam cổ”: "Thứ nhất Cổ Bi, thứ nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp". Đất Cổ Pháp là nơi thắng địa bậc nhất Kinh Bắc, vượng khí, linh thiêng. Làng Cổ Pháp được cho là nơi phát tích của triều đình nhà Lý, kéo dài hơn 200 năm.
Đền thờ tám vị vua nhà Lý, đó là:
Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ (Hoàng đế sáng lập triều Lý, trị vì năm 1009-1028);
Lý Thái Tông (Hoàng đế thứ 2 triều Lý, trị vì năm 1028-1054);
Lý Thánh Tông (Hoàng đế thứ 3 triều Lý, trị vì năm 1054-1072);
Lý Nhân Tông (Hoàng đế thứ 4 triều Lý, trị vì năm 1072-1128);
Lý Thần Tông (Hoàng đế thứ 5 triều Lý, trị vì năm 1128-1138);
Lý Anh Tông (Hoàng đế thứ 6 triều Lý, trị vì năm 1138-1175);
Lý Cao Tông (Hoàng đế thứ 7 triều Lý, trị vì năm 1175-1210) và
Lý Huệ Tông (Hoàng đế thứ 8 triều Lý, trị vì năm 1210-1224).
Đền Lý Bát Đế được khởi công xây dựng vào năm 1030 bởi Lý Thái Tông. Sau sự sụp đổ của triều Lý, ngôi đền vẫn được sử dụng như một ngôi đền Thần đạo Việt. Đền được mở rộng qua nhiều thế kỷ, đạt đến tổng số 21 tòa nhà. Lần mở rộng lớn cuối cùng diễn ra vào năm 1602 dưới triều đại của hoàng đế Lê Kính Tông (vị vua thứ 16 của nhà Hậu Lê, trị vì từ năm 1599 -1618).
Năm 1952, đền bị quân Pháp phá hủy hoàn toàn. Đến năm 1989, đền đã được khởi công xây dựng lại, theo đúng hình dáng và kiến trúc từ các dấu tích còn lại và tài liệu lưu trữ.
Đền Lý Bát Đế rộng 31.250m2, với trên 20 hạng mục công trình, chia thành 2 khu vực: Nội đền và Ngoại đền. Tất cả đều được xây dựng công phu, đắp vẽ chạm khắc tinh xảo.
Sơ đồ Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Phối cảnh tổng thể Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Khu Nội đền
Khu Nội đền nằm trên một khu đất có kích thước khoảng 180m x 90m (16200m2), hướng về phía Tây, có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc".
Cổng vào Nội đền gọi là Ngũ Long Môn, vì hai cánh cổng có trạm khắc hình năm con rồng.
Qua một sân rộng đến Phương đình (nhà vuông) 3 gian, 8 mái, là một tòa sảnh trước Chính điện, không có tường bao quanh.
Trung tâm của Nội đền là tòa Chính điện, nằm ngay phía sau Phương đình. Chính điện gồm: Tiền tế, Thiêu hương và Cổ Pháp điện (tạo thành hình chữ công hay chữ H).
Tòa Tiền tế 7 gian, 2 mái. Tại đây có ban thờ vua Lý Thái Tổ. Phía bên trái điện thờ có đặt tấm bảng ghi lại "Chiếu dời đô" của vua Lý Thái Tổ được coi là bức chiếu bằng gốm lớn nhất Việt Nam với chiều cao 3,5m, rộng hơn 8m, được ghép lại từ 214 chữ Hán làm bằng gốm Bát Tràng. Phía bên phải điện thờ có treo tấm bảng ghi bài thơ nổi tiếng "Nam quốc sơn hà Nam đế cư...".
Tòa Thiêu hương như một khối hành lang nối tòa Tiên tế và Cổ Pháp điện, rộng 3 gian, 8 mái.
Tòa Cổ Pháp điện 7 gian, 2 mái. Tại đây đặt ngai thờ, bài vị và tượng của 8 vị vua nhà Lý. Gian giữa là nơi thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông. 3 gian bên phải lần lượt thờ Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông và Lý Cao Tông. 3 gian bên trái lần lượt thờ Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, và Lý Huệ Tông.
Cổng Ngũ Long Môn, lối vào khu Nội đền, đối diện với hồ Bán nguyệt, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Trang trí chạm khắc rồng trên cánh cổng Ngũ Long Môn, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Sân trước trong khu Nội đền, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Tòa Phương đình, sảnh trước tòa Tiền tế, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Phía trước tòa Tiền tế, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Nội thất tòa Tiền tế, nơi thờ Lý Thái Tổ, nơi thờ Lý Thái Tổ, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Nội thất tòa Thiêu hương, nối tòa Tiền tế phía trước và Chính điện phía sau, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Mặt bên tòa Thiêu hương, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Nội thất tòa Chính điện, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Gian giữa Chính điện thờ Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông; Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
3 gian bên phải Chính điện thờ Lý Thánh Tông, Lý Thần Tông và Lý Cao Tông, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
3 gian bên trái chính điện thờ Lý Nhân Tông, Lý Anh Tông, và Lý Huệ Tông, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Trong khu Nội đền còn có nhà Tả vu, Hữu vu hai bên tòa Chính điện, là nơi phục vụ tế lễ, để kiệu thờ, ngựa thờ. Đặc biệt, phía Đông khu Nội đền có nhà bia, nơi đặt "Cổ Pháp Điện Tạo Bi" (bia đền Cổ Pháp). Tấm bia đá này cao 1,9m, rộng 1,03m, dày 0,17m, được khắc dựng năm 1605, do tiến sĩ Phùng Khắc Khoan soạn văn bia, ghi lại sự kiện nhà Lê xây dựng lại đền và ghi công đức của các vị vua triều Lý.
Nhà bia, nơi đặt "Cổ Pháp Điện Tạo Bi", Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Khu Ngoại đền
Khu Ngoại đền gồm một số công trình:
Thủy đình trên hồ Bán Nguyệt. Đây là điểm kết thúc trục trung tâm của ngôi đền, là nơi để các chức sắc ngày xưa ngồi xem biểu diễn rối nước. Hồ này thông với ao Cả trên, ao Cả dưới và sông Tiêu Tương xưa. Thủy đình nằm tại phía Bắc hồ, rộng 5 gian có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong. Thủy đình đền Lý Bát Đế từng được Ngân hàng Đông Dương thời Pháp thuộc chọn là hình ảnh in trên giấy bạc "năm đồng vàng" và là hình in trên đồng tiền xu 1000 đồng hiện nay.
Nhà Văn ba gian chồng diêm rộng 100m2 nằm bên phải khu Nội đền, là nơi thờ Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành, những quan văn đã có công lớn giúp nhà Lý.
Nhà Võ có kiến trúc tương tự nhà Văn, ở bên trái khu Nội đền, là nơi thờ Lê Phụng Hiểu, Lý Thường Kiệt, Đào Cam Mộc, những quan võ đã có công lớn giúp nhà Lý.
Ngoài ra, ở khu vực Ngoại đền còn có nhà chủ tế, nhà kho, nhà khách và đền vua Bà thờ Lý Chiêu Hoàng, còn gọi là đền Rồng...
Hồ Bán Nguyệt và Thủy đình, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Cổng vào khu Nhà Văn, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Điện thờ tại khu Nhà Văn, Đền Lý Bát Đế, Bắc Ninh
Đền Lý Bát Đế, Từ Sơn, Bắc Ninh thể hiện sự ghi công của cộng đồng xã hội đối với tám vị vua đầu tiên của nhà Lý tại quê hương. Đây là một quần thể kiến trúc Thần Đạo nổi tiếng tại Việt Nam.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_L%C3%BD_B%C3%A1t_%C4%90%E1%BA%BF
https://www.orientalarchitecture.com/sid/1376/vietnam/bac-ninh-province/ly-bat-de-temple
https://ashui.com/mag/index.php/tuongtac/phanbien/55-phanbien/1314-phong-trao-lam-moi-di-tich-va-kinh-nghiem-phuc-che-efeo.html?tmpl=component&print=1&page=
- Xem video giới thiệu công trình tại đây.
- Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
- Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|
Cập nhật ( 15/01/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Đình làng Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam
- Nhà 87 Mã Mây, Khu phố cổ Hà Nội, Việt Nam
- Pháo đài Lahore và Vườn Shalimar, thành phố Lahore, Pakistan
- Vườn Ba Tư, Iran
- Quần thể Persepolis, Shiraz, Iran
- Quảng trường Meidan Emam, Isfahan, Iran
- Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
- Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, Indonesia
- Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào
- Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright, Mỹ
- Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P3
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P2
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P1
- Chùa hang Ajanta tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ
|