Thông tin chung:
Công trình: Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Địa điểm: thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Thời gian hình thành: Thế kỷ 13, 14
Giá trị: Di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2012)
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thuộc địa bàn thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, gồm quần thể các di tích lịch sử liên quan đến chiến công lẫy lừng của quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng giặc Mông Nguyên ở thế kỷ 13 và cuộc kháng chiến 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh ở thế kỷ 15. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của 2 trong số 14 vị Anh hùng dân tộc Việt Nam là Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, cùng nhiều danh nhân văn hoá như Pháp Loa, Huyền Quang, Trần Nguyên Đán… Điểm nhấn của Khu di tích này là đền thờ Trần Hưng Đạo, chùa Côn Sơn, đền thờ Nguyễn Trãi, đền thờ Trần Nguyên Đán.
Đền Kiếp Bạc - Đền thờ Trần Hưng Đạo
Kiếp Bạc là tên ghép của hai làng Vạn Yên (làng Kiếp) và Dược Sơn (làng Bạc). Nơi đây là thung lũng trù phú, xung quanh có dãy núi Rồng bao bọc, nằm gần Lục Đầu Giang, là nơi tụ hội của 6 con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Nhiều người cho rằng đây là vùng đất lành của thiên hạ.
Vào thế kỷ 13, Kiếp Bạc là nơi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (năm 1228 – 1300, nhà chính trị, quân sự, tôn thất hoàng gia thời Trần) lập căn cứ, tích trữ lương thực, huấn luyện quân sĩ trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông.
Sang thế kỷ 14, đền thờ ông được xây dựng tại đây và là nơi tổ chức lễ hội hàng năm (20/8 âm lịch, ngày mất của Trần Hưng Ðạo) để dâng hương tưởng niệm vị Anh hùng của dân tộc Việt Nam, được dân gian tôn sùng là Đức Thánh Trần.
Ðền Kiếp Bạc nằm trên một khu đất ở trung tâm thung lũng Kiếp Bạc, bao gồm: Nghi môn, Sân trong với hai tòa Tả Hữu mạc, nhà Bạc, Tam bảo và các công trình phụ trợ.
Ảnh đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương vào thập niên 1920
Phối cảnh tổng thể đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương; nhìn từ phía sau
Phối cảnh tổng thể đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Nghi môn đền đồ sộ, như một cổng thành. Trên trán cổng mặt ngoài có bốn chữ "Hưng thiên vô cực", dưới có 5 chữ "Trần Hưng Đạo Vương từ". Nghi môn có 3 cổng vòm. Cổng vòm chính giữa cao và rộng. Trên bề mặt cổng đắp vữa trang trí các hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phượng), tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai), âm dương, trời đất, tự nhiên, con người nơi vùng đất lành.
Qua Nghi môn đến một sân rộng, hai bên sân là hai tòa Tả mạc, Hữu mạc gắn với hành lang hai bên đền, là nơi du khách chuẩn bị nghi lễ.
Bên phải sân có một giếng gọi là Giếng Ngọc, được cho là bắt nguồn từ mạch nước ngầm trên núi Rồng phía sau đền.
Nhà Bạc nằm trên trục chính (trục Thần đạo), giữa Nghi môn và Tam bảo, là bình phong cho điện thờ.
Tòa Tam bảo bố cục theo kiểu” tiền nhất, hậu đinh” (tòa Tiền đường thẳng, tòa Hậu đường như chữ T).
Tòa Tiền đường gồm 5 gian, 2 chái, 4 mái, là nơi thờ Phạm Ngũ Lão. Tại đây còn trưng bày 2 đoạn xương ống chân voi, tương truyền là voi chiến của Trần Hưng Đạo. Voi bị sa lầy tại cánh đồng, mặc dù quân sĩ dốc sức nhưng vẫn không kéo lên được. Trần Hưng Đạo đành phải bỏ voi lại để tiếp tục tiến quân. Khi thắng trận trở về thì voi đã chìm sâu xuống bùn lầy. Xương voi được mang về thờ trong đền.
Tòa Hậu đường gồm hai khối là Chính điện và Hậu cung.
Chính điện, gồm 7 gian, tường hồi chắn mái xây cao, mái 2 tầng. Đây là nơi thờ Hưng Đạo Vương.
Hậu cung đặt vuông góc với Chính điện, gồm 7 gian, tường hồi chắn mái xây cao như Chính điện. Đây là nơi thờ phu nhân của Hưng Đạo Vương là công chúa Thiên Thành và hai con gái được gọi là Nhị vị Vương cô. Trong đền hiện còn 7 pho tượng bằng đồng: tượng Trần Hưng Đạo, phu nhân, hai con gái, con rể là Phạm Ngũ Lão, Nam Tào, Bắc Đẩu và 4 bài vị thờ các con trai của ông cùng 2 gia tướng là Yết Kiêu và Dã Tượng.
Gần đền là Viên Lăng, là một quả núi nhỏ cây cối mọc um tùm, một số người cho rằng đây là nơi an táng Trần Hưng Đạo.
Nghi môn đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Mặt sau Nghi môn và giếng Ngọc, đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Nhà Bạc tại sân trong đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Tòa Tiền đường, đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Đoạn xương ống chân voi tại tòa Tiền đường, đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Ban thờ Trần Hưng Đạo tại Chính điện, đền Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương
Chùa Côn Sơn
Chùa Côn Sơn tên chữ là "Thiên Tư Phúc tự", nghĩa là chùa được trời ban cho phước lành.
Chùa nằm dưới chân núi Côn Sơn. Tương truyền đây là nơi đã từng diễn ra trận hoả công hun giặc, dẹp loạn 12 sứ quân của Đinh Bộ Lĩnh (hoàng đế sáng lập triều đại nhà Đinh, trị vì năm 968- 979) ở thế kỷ 10. Nên ngoài tên gọi Côn Sơn, núi còn có tên là Kỳ Lân hay núi Hun. Chùa Thiên Tư Phúc được dân gian gọi theo tên núi là chùa Côn Sơn hay còn gọi là Chùa Hun.
Năm 1304, nhà sư Pháp Loa (năm 1284- 1330, là Tổ sư thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm, môn đệ của Trúc Lâm đại sĩ Trần Nhân Tông, vị hoàng đế thứ 3 triều Trần, trị vì 1278-1293) cho xây dựng một ngôi chùa nhỏ gọi là Kỳ Lân.
Năm 1329, chùa được mở rộng thành Côn Sơn Thiên Tư Phúc tự, giao cho Huyền Quang (năm 1254-1334, là Tổ sư thứ 3 của Thiền phái Trúc Lâm) chủ trì. Trong thời gian này, Huyền Quang cho lập đài Cửu phẩm liên hoa, biên tập kinh sách, thuyết pháp phát triển đạo phái. Chùa được xây dựng rất nguy nga đồ sộ, trở thành một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm cùng với chùa Yên Tử và chùa Quỳnh Lâm, Quảng Ninh.
Năm 1334, Thiền sư Huyền Quang viên tịch tại Côn Sơn, vua Trần Minh Tông (vị hoàng đế thứ 5 triều Trần, trị vì năm 1314- 1329) đã cho xây tháp Tổ sau chùa.
Vào đời nhà Lê, chùa được trùng tu và tiếp tục mở rộng. Khi đó, chùa có đến 83 gian, bao gồm các công trình như: Tam quan, Tam bảo, Tả Hữu vu, Lầu chuông, Gác trống, nhà Tổ. Trong chùa có đến 385 pho tượng.
Tương truyền ở ban thờ đầu hồi phía Đông nhà Tổ có 2 pho tượng nhỏ ngồi xếp bằng, một đàn ông, một đàn bà hướng về bàn thờ Phật, được cho là tượng Nguyễn Trãi (1380 - 1442, khai quốc công thần triều Hậu Lê, nhà chính trị, văn hóa lỗi lạc và năm 1980 được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới) và Nguyễn Thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trãi, mất năm 1442).
Cảnh quan khu vực xung quanh chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tấm bia 6 mặt "Côn Sơn Tư Phúc tự bi" tại chùa Côn Sơn, Hải Dương, ngày 15/02/1965
Chùa Côn Sơn ngày nay có kiến trúc gồm: Tam quan ngoại, Tam quan nội, Tam bảo, Cửu Phẩm Liên Hoa, nhà Tổ, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ.
Tam quan ngoại mới xây dựng nằm đối diện với hồ nước hình bán nguyệt.
Sau Tam quan ngoại là sân ngoài. Trục giữa sân là một tuyến đường lát gạch, chạy dài dưới hàng thông trăm năm xen lẫn những tán vải thiều, là một khu vườn rất rộng, dẫn đến Tam quan nội.
Tam quan nội mới được xây dựng, 3 gian, 2 chái, 2 tầng 8 mái. Hai bên có hai cổng phụ.
Sau Tam quan nội là sân trong của chùa. Trong sân có các hàng cây cổ thụ và 4 tòa lưu giữ các tấm bia cổ. Hai bên sân là hai dãy hành lang đặt trên bệ đá cao 3 bậc, là nơi chuẩn bị đồ lễ của du khách.
Tòa Tam bảo của chùa có bố cục theo kiểu chữ "công" hay chữ H, gồm tòa Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện.
Tòa Tiền đường đặt trên một bệ bằng đá, cao 7 bậc. Công trình gồm 5 gian, 2 chái, 4 mái.
Trong Thượng điện là nơi thờ Phật. Bên trong còn lưu giữ tượng Hộ pháp từ thời Lê cao tới 3m.
Sân sau của Tam bảo nằm trên bệ cao 5 bậc so với sân trong. Hai bên sân cũng có tòa Tả vu và Hữu vu, nơi đặt tượng Thập bát La Hán, được đúc bằng đồng nguyên khối vào năm 2014.
Chính giữa sân sau Tam bảo, trên khu đất tàn tích của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa được xây dựng vào năm 1330, một tòa Cửu Phẩm Liên Hoa mới được phục dựng vào năm 2017. Công trình có kết cấu 3 tầng, 12 mái, bên trong đặt tháp Cửu phẩm Liên Hoa hình bát giác 9 tầng cao 10,3 m với những chi tiết chạm trổ, điêu khắc tinh xảo.
Phía sau tòa Cửu Phẩm Liên Hoa là nhà Tổ, nơi thờ các vị có công tu nghiệp đối với chùa: Điều ngư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, Thiền sư Pháp Loa và Thiền sư Huyền Quang.
Phối cảnh tổng thể chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Tam quan ngoại, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Tam quan nội, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Sân trong chùa Côn Sơn với các nhà bia. Bên phải là tấm bia "Thanh Hư Động"
Bia 6 mặt "Côn Sơn Thiên tư Phúc Tự" trong sân chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Tòa Bái đường, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Bên trong tòa Tam bảo chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hài Dương
Mặt sau của Thượng điện, tòa Tam bảo chùa Côn Sơn; cạnh đó tàn tích móng của công trình xưa
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Phía sau chùa Côn Sơn, gồm nhà Tổ và khu phụ trợ; phần nhô cao nhất là mái của tòa Cửu Phẩm Liên Hoa
Hai dãy Tả vu, Hữu vu đặt tượng Thập bát La Hán, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Phía sau chùa Côn Sơn là khu mộ tháp, trong đó có Đăng Minh Bảo tháp. Tháp được dựng bằng đá xanh, cao 3 tầng, bên trong đặt xá lợi và tượng Thiền sư Huyền Quang.
Dưới chân Đăng Minh Bảo tháp là giếng Ngọc, được cho là mắt của con Kỳ Lân mà ngọn núi mang tên.
Phía trên đỉnh núi Côn Sơn có Bàn cờ Tiên và am Bạch Vân.
Đăng Minh Bảo tháp, chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Giếng Ngọc tại chùa Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Bạch Vân am trên đỉnh núi Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương
Hiện chùa Côn Sơn còn giữ lại được nhiều các di vật có giá trị, trong đó có hệ thống Văn bia với niên đại từ thế kỷ 13 đến 18. Đặc biệt là tấm bia Thanh Hư động. Ba chữ "Thanh Hư động" trên bia, là bút tích của vua Trần Duệ Tông (vị hoàng đế thứ 9 của nhà Trần, trì vì từ năm 1372- 1377), khi vua về thăm Côn Sơn năm 1373. Bia đặt trên lưng một con rùa. Hiện bia được để trong một nhà bia nằm bên phải từ cổng vào.
Bia cổ Thanh Hư Động với nhiều giá trị lịch sử đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (năm 2015).
Năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm chùa Côn Sơn và đến đọc tấm bia mang tên Côn Sơn Tư Phúc tự bi. Đây là một trong số 14 tấm bia cổ hiện còn ở chùa Côn Sơn, nằm tại nhà bia thứ hai bên trái chùa Côn Sơn từ cổng vào. Bia Côn Sơn Tư Phúc tự dựng năm 1607, là loại bia 6 mặt rất hiếm tại nước ta (niên đại sớm nhất là tấm bia 6 mặt Quốc sư Báo Ân tự bi ở chùa Báo Ân, Hải Dương, dựng năm 1585, tiếp đến là tấm bia 6 mặt tại chùa Côn Sơn). Bia cao 1,20m; rộng 0,32m, có 6 mặt hình lục lăng, mỗi mặt có 68 dòng, mỗi dòng có 15 đến 30 chữ. Diềm chân vòng quanh 6 mặt bia là hoa dây uốn sóng.
Mặt bia thứ nhất với trán bia đề chữ "Côn", cho biết chùa Côn Sơn Thiên Tư Phúc có từ thời trần, là nơi trụ trì của Tổ sư Huyền Quang; Mặt bia thứ hai với trán bia đề chữ "Sơn"; Mặt bia thứ ba với trán bia đề chữ "Tư"; Mặt bia thứ tư với trán bia đề chữ "Phúc"; Mặt bia thứ sáu với trán bia đề chữ "Bi". Các mặt bia này ghi tên sư, sãi, các bậc hiền nhân và một số tín chủ thập phương công đức trùng tu chùa. Mặt bia thứ năm với trán bia ghi chữ "Tự" có khắc bài minh dài 32 câu, mỗi câu 4 chữ, nội dung ca ngợi cảnh đẹp của Côn Sơn. Cả 6 mặt bia đều chạm rồng chầu mặt trời, uốn khúc trên nền mây cụm.
Đền thờ Nguyễn Trãi
Đền thờ Nguyễn Trãi được khởi công xây dựng năm 2000, trên khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần Thị Thái, thân mẫu của Nguyễn Trãi.
Ngôi đền chính tựa lưng vào Tổ Sơn, án ngữ hai bên là hai dãy núi Ngũ Nhạc và Kỳ Lân, phía xa là dãy núi An Lạc.
Bên phải đền là suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu đền.
Phía trước có hồ nước rộng.
Đền thờ được đặt trên các bậc thềm, cao dần nên phía sườn núi, gồm: Nghi môn ngoại, Nghi môn nội, Nhà bia, Tam bảo, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ khác.
Nghi môn ngoại gồm 4 cột tạo thành 1 lối vào và 2 mảng tường trang trí hai bên.
Sau Nghi môn ngoại là vườn, hồ hình quả trứng và một cây cầu bắc qua.
Nghi môn nội nằm trên một bậc thềm cao, là một tòa nhà 3 gian, mái 2 tầng với 8 mái. Hai bên Nghi môn là hai cổng nhỏ, xây gạch, mái 2 tầng với 8 mái như cổng chính. Phía sau Nghi môn nội là các bậc thềm sân nâng cao dần. Hai bên sân là tháp Bia và tòa Tả vu, Hữu vu.
Tòa Tam bảo mặt bằng hình chữ “công” hay chữ H, gồm tòa Tiền đường, Thiêu hương và Hậu điện. Bên trong Hậu điện đặt bức tượng đồng Nguyễn Trãi cao 1,4m, nặng 600kg và tượng song thân phụ mẫu của ngài.
Hai bên Tam bảo là hai tòa Tả vu và Hữu vu.
Phía sau Tam bảo có cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan...mang đậm kiến trúc thời Hậu Lê.
Đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương; nhìn từ chân núi
Đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương; nhìn từ trên núi
Nghi môn ngoại đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương; nhìn từ phía trong ra
Cầu đá qua hồ và Nghi môn nội, đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương
Nghi môn nội và sân trong theo các bậc thềm của đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương
Tòa Tiền đường của Tam Bảo đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương
Tượng thờ Nguyễn Trãi trong đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương
Cầu Thấu Ngọc, miếu Giải oan phía sau đền thờ Nguyễn Trãi, Chí Linh, Hải Dương
Đền thờ Trần Nguyên Đán
Đền thờ Trần Nguyên Đán còn gọi là Thanh Hư linh từ, nằm ở gần thượng nguồn suối Côn Sơn.
Trần Nguyên Đán (năm 1325- 1390) là ông của Nguyễn Trãi. Ông làm quan tới chức Tư đồ, tước Chương Túc quốc thượng hầu trong nhiều đời vua nhà Trần. Năm 1385, Trần Nguyên Đán cùng vợ đưa cháu ngoại Nguyễn Trãi về sống tại Côn Sơn. Khi ông tạ thế, vua Trần sắc chỉ cho dân lập đền, tạc tượng thờ Trần Nguyên Đán tại Côn Sơn.
Trải qua năm tháng đền thờ xưa không còn.
Năm 2005, đền Thanh Hư được xây dựng lại trên nền nhà cũ của Trần Nguyên Đán. Đền có kiến trúc theo chữ "đinh" hay chữ T. Toà Tiền đường có mái 2 tầng, 8 mái. Tòa Hậu đường đặt tượng Quan Đại Tư Đồ Trân Nguyên Đán.
Nghi môn đền thờ Trần Nguyên Đán, Chí Linh, Hải Dương; nhìn từ trong ra
Đền thờ Trần Nguyên Đán, Chí Linh, Hải Dương
Vào các năm 1972, 1996, 2000, 2005, một số địa điểm tại Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc được khai quật và đã phát hiện được nhiều hiện vật quý, bao gồm: Mảnh ngõi mũi hài tráng men (thế kỷ 13-14), ngói đất nung, đồ trang trí đất nung, gốm, sành...thể hiện quy mô to lớn, tráng lệ của quần thể vào thời Trần.
Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương là địa điểm gắn với 2 vị Anh hùng dân tộc Việt Nam và một số danh nhân tiêu biểu, có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử của dân tộc và là quần thể có giá trị đại diện cho giai đoạn phát triển kiến trúc, nghệ thuật Việt Nam vào thế kỷ 13-14.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://vi.wikipedia.org/wiki/Di_t%C3%ADch_qu%E1%BB%91c_gia_%C4%91%E1%BA%B7c
_bi%E1%BB%87t
https://vi.wikipedia.org/wiki/Khu_di_t%C3%ADch_C%C3%B4n_S%C6%A1n_-_Ki%E1%BA%BFp_B%E1%BA%A1c
https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_C%C3%B4n_S%C6%A1n
https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90%E1%BB%81n_Ki%E1%BA%BFp_B%E1%BA%A1c
https://www.youtube.com/watch?v=Q4mDdpBaJIU
http://consonkiepbac.org.vn/t64/nhung-phat-hien-khao-co-hoc-tai-di-tich-con-son-kiep-bac
http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/255/0/1823/Tam_bia_Bac_Ho_doc_tai_chua_Con_Son
Xem các bài viết về chùa Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về đình, đền Việt Nam tại đây
Xem các bài viết về Di sản văn hóa thế giới tại đây
|