Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena (Cathedral, Torre Civica and Piazza Grande, Modena)
Địa điểm: Tỉnh Modena, vùng Emilia-Romagna, Italia (N44 38 46.464 E10 55 32.448)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 1,2 ha; Diện tích vùng đệm 1,1ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1997 hạng mục i, ii, iii, iv)
Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh.
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia).
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome.
Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa.
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu).
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý.
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á.
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung Cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung Cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480), với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.
Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ. Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền Nhà nước của Giáo hội).
Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.
Tại miền đông nước Ý, tồn tại Đế quốc Byzantine hay Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire/ Eastern Roman Empire, tồn tại năm 330/395–1453), là sự tiếp nối của Đế chế La Mã trong thời kỳ Hậu Cổ đại và Trung cổ, khi thủ đô của nó là Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong khi phần phía tây của Đế chế La Mã đã trải qua quá trình Latinh hóa, thì phần phía đông của Đế chế (Byzantine) vẫn duy trì ở mức độ lớn nền văn hóa Hy Lạp. Sự sụp đổ của Đế chế Byzantine vào tay người Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299 – 1922) đôi khi được dùng để đánh dấu sự kết thúc của thời Trung cổ và sự khởi đầu của thời kỳ Hiện đại.
Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật.
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra các nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng.
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu.
Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.
Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.

Bản đồ Italia và vị trí tỉnh Modena, vùng Emilia-Romagna, Italia
Modena là một đô thị thuộc tỉnh Modena, vùng Emilia -Romagna, phía bắc nước Ý, nằm trên độ cao 34m so với mực nước biển. Thành phố có diện tích khoảng 183,23 km2, dân số khoảng 185 ngàn người (năm 2015).
Modena là một đô thị có trụ sở của một tổng giám mục; nơi đặt các nhà máy sản xuất xe thể thao thượng lưu nổi tiếng của Ý như Ferrari, De Tomaso, Lamborghini, Pagani và Maserati; nơi có Đại học Modena, được thành lập năm 1175 và được mở rộng vào năm 1686, tập trung vào kinh tế, y học và luật và là trường đại học lâu đời thứ hai ở Ý.
Modena là nơi có Di sản Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường Grande.
Nhà thờ tráng lệ từ thế kỷ 12 của Modena (Modena Cathedral) và Tháp chuông (Torre Civica) cao vút đóng vai trò là ví dụ điển hình về nghệ thuật La Mã thời kỳ đầu với chất lượng kiến trúc và điêu khắc đặc biệt. Ngoài Nhà thờ và Tòa tháp dân sự ngoạn mục, còn được gọi là “Ghirlandina”, quần thể này còn có Quảng trường lớn (Piazza Grande) được bao quanh bởi Tòa thị chính (Municipal Palace), Tòa nhà Tổng giám mục và một phần của các tòa nhà kinh điển cũng như Nhà nguyện (Parsonages) ở phía bắc.
Toàn bộ Di sản có diện tích tương đối nhỏ, khoảng 1,2 ha được bao quanh bởi vùng đệm rộng 1,1 ha.
Nhà thờ được cho là thiết kế bởi Lanfranco (kiến trúc sư người Ý, hoạt động tại Modena từ khoảng năm 1099 – 1110), khởi công vào năm 1099, thay thế một vương cung thánh đường Thiên chúa giáo thời kỳ đầu và là nơi lưu giữ hài cốt của Thánh Geminiano, vị thánh bảo trợ của Modena (thế kỷ thứ 4). Tòa nhà được bao phủ bằng đá, liên tưởng tới vẻ đẹp lộng lẫy của những ngôi đền La Mã cổ đại. Các tác phẩm điêu khắc phong phú của Wiligelmo (nhà điêu khắc người Ý, hoạt động trong khoảng năm 1099 – 1120, tiên phong trong việc tạo ra các tác phẩm điêu khắc kiến trúc khổ lớn), được tìm thấy trên cả các bức tường bên ngoài và các đầu cột bên trong.
Tháp chuông hay Tháp Ghirlandina, được khởi công vào đầu thế kỷ 12, có kiểu dáng và chất liệu tương tự như Nhà thờ. Ban đầu là một cấu trúc 5 tầng, sau đó công trình được hoàn thành vào năm 1319, bổ sung phần đỉnh tháp hình bát giác và trang trí.
Quảng trường chính (Piazza Grande), nằm dọc theo tuyến phố Via Emilia lịch sử ở trung tâm thị trấn thời Trung cổ, được thành lập vào nửa sau thế kỷ 12.
Nhà thờ và Tháp Ghirlandina xuất hiện như một khu phức hợp nhất quán về tiêu chí vật liệu và cấu trúc. Việc xây dựng 2 tòa nhà đã khiến thị trấn Modena sôi động trong hơn hai thế kỷ, từ năm 1099 đến 1319.
Việc xây dựng lại Nhà thờ Modena vào năm 1099 là một cột mốc quan trọng trong lịch sử thời Trung cổ vì nhiều lý do, trong đó có hai lý do quan trọng nhất:
Thứ nhất, tòa nhà là một ví dụ đặc trưng và được ghi lại về việc tái sử dụng các di tích cổ, vốn là thông lệ vào thời Trung cổ trước khi các mỏ đá được mở cửa trở lại vào thế kỷ 12 và đặc biệt là thế kỷ 13.
Thứ hai, vào đầu thế kỷ 11 và 12, đây là một trong những tòa nhà đầu tiên và chắc chắn là tòa nhà quan trọng nhất, nơi sự hợp tác giữa một kiến trúc sư (Lanfranco) và một nhà điêu khắc (Wiligelmo) đã được ghi lại bằng những dòng chữ rõ ràng tại tòa nhà.
Công trình cũng đánh dấu sự chuyển đổi từ quan niệm nhấn mạnh đến chất lượng của các tòa nhà như một sản phẩm hào phóng của người sáng lập, sang một khái niệm hiện đại hơn, trong đó vai trò của người sáng tạo được công nhận.
Tại đây, thành quả của các nghệ nhân người Campionesi (là những nhóm nghệ nhân ẩn danh, tập hợp thành các bang hội, đến từ vùng đất Campione d'Italia; hoạt động chủ yếu tại Lombardy, Emilia, Veneto và Trentino, từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 14) giữa cuối của thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13 được ghi lại, cung cấp nhiều thông tin về cách quản lý công trình tại một công trường xây dựng thời Trung cổ.
Nghệ thuật của Nhà thờ và Tòa tháp đã phát triển đáng kể dưới ảnh hưởng của các nghệ nhân Campionesi, gắn với sự tiến bộ và ảnh hưởng của Trường phái La Mã thời hậu Wiligelmo Emilian (đặc biệt là các thánh đường ở Ferrara và Piacenza, Ý), cũng như những đổi mới của Benedetto Antelami (kiến trúc sư và nhà điêu khắc người Ý, năm 1150- 1230). Tại đây cũng cho thấy những điều thú vị về sự gần gũi với những tác phẩm điêu khắc đương đại tại Provence, Pháp, đặc biệt là mặt tiền của Tu viện Saint Gilles (tỉnh Gard, Pháp) và đô thị cổ Arles (tỉnh Bouches-du-Rhône, Pháp).
Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, Emilia-Romagna, Italia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1997) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Sự sáng tạo chung của kiến trúc sư Lanfranco và nhà điêu khắc Wiligelmo là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Trong đó mối quan hệ biện chứng mới giữa kiến trúc và điêu khắc đã được tạo ra trong nghệ thuật La Mã (Romanesque art).
Tiêu chí (ii): Giữa thế kỷ 12 và 13, Khu phức hợp hoành tráng này đại diện cho một trong những cơ sở hình thành chính cho một ngôn ngữ tượng hình mới, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong cách La Mã ở thung lũng Po (Po Valley, miền bắc nước Ý với diện tích 46.000 km2, dân số chiếm 1/3 tổng dân số Ý).
Những đổi mới to lớn của nhà điêu khắc Wiligelmo đã có ảnh hưởng sâu rộng đến các tác phẩm điêu khắc cuối thời Trung cổ của Ý. Ở cấp độ châu Âu, tác phẩm điêu khắc của Nhà thờ Modena đại diện cho một tầm nhìn đặc sắc để hiểu biết về bối cảnh văn hóa đi kèm với sự hồi sinh của tác phẩm điêu khắc đá hoành tráng. Chỉ có rất ít khu phức hợp hoành tráng khác, như tại Toulouse và Moissac, Pháp, mới có thể khẳng định tầm quan trọng tương tự như vậy.
Tiêu chí (iii): Khu phức hợp Modena là một bằng chứng đặc biệt cho truyền thống văn hóa thế kỷ 12 trong xã hội đô thị miền bắc nước Ý, nơi tổ chức chính quyền, đặc điểm tôn giáo, tín ngưỡng và chuẩn mực giá trị đều được phản ánh trong lịch sử của các tòa nhà.
Tiêu chí (iv): Quần thể hoành tráng bao gồm Nhà thờ, Tòa tháp và Quảng trường là một trong những ví dụ điển hình nhất về quần thể kiến trúc, nơi các giá trị tôn giáo và dân sự được kết hợp trong một thị trấn Thiên chúa giáo thời Trung cổ; nơi phát triển đô thị gắn liền với giá trị của đời sống công dân, đặc biệt là trong những mối quan hệ giữa kinh tế, tôn giáo và đời sống chính trị - xã hội.

Sơ đồ phạm vi Di sản Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, vùng Emilia-Romagna, Italia

Phối cảnh tổng thể Di sản Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, Italia
Quần thể Di sản Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, Italia gồm các công trình chính sau:
Nhà thờ Modena
Nhà thờ Modena (Modena Cathedral / Modena Cattedrale/ Duomo di Modena; hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại trung tâm của Quần thể; là một nhà thờ Công giáo La Mã dành riêng cho Lễ Đức Mẹ Lên Trời (Assumption of Mary) và Thánh Geminianus (Saint Geminianus). Trước đây, công trình là trụ sở của Giáo phận, sau này là Tổng giáo phận Modena. Từ năm 1986, Công trình là trụ sở tổng giám mục của Tổng giáo phận Modena-Nonantola.
Nhà thờ được xây dựng vào năm 1099, hoàn thành năm 1399 và thánh hiến vào năm 1184.
Công trình là một tòa nhà theo phong cách La Mã.
Kể từ thế kỷ thứ 5, hai nhà thờ đã tồn tại trên địa điểm của nhà thờ hiện nay. Việc phát hiện ra nơi chôn cất Thánh Geminianus, vị thánh bảo trợ của Modena, đã dẫn đến việc phá hủy hai nhà thờ cũ và xây dựng nhà thờ này vào năm 1099.
Thiết kế ban đầu và chỉ đạo được thực hiện bởi Lanfranco (kiến trúc sư người Ý, hoạt động tại Modena từ khoảng năm 1099 – 1110).
Hài cốt của Thánh Geminianus vẫn được lưu giữ trong hầm mộ của Nhà thờ.
Những năm sau này, Nhà thờ được tôn tạo bởi các kiến trúc sư khác nhau, tạo cho mặt tiền hiện tại của Nhà thờ thể hiện những phong cách khác nhau.
Cửa sổ Hoa hồng được thêm vào thế kỷ 13. Hai con sư tử đỡ các cột của lối vào chính có niên đại từ thời La Mã.
Mặt tiền có những bức phù điêu đáng chú ý của nhà điêu khắc Wiligelmo. Chúng bao gồm chân dung của các nhà tiên tri, tộc trưởng, các câu chuyện trong Kinh thánh và là một kiệt tác điêu khắc theo phong cách La Mã.
Việc xây dựng Nhà thờ Modena là một ví dụ về việc người dân Modena thể hiện khát vọng tự trị và tự do, hạn chế sự tập quyền của hoàng gia và thần quyền của giáo hội thời bấy giờ.
Nhà thờ Modena là minh chứng hiếm có và được bảo tồn cực kỳ tốt cho phong cách La Mã nói chung, cả bên ngoài lẫn bên trong.
Các nghệ nhân xây dựng và điêu khắc bậc thầy người Campionesi đã cố gắng đưa một số yếu tố Gothic trang trọng vào công trình. Nhưng điều này vẫn hài hòa với phong cách La Mã trước đó.
Nhóm nghệ nhân này có vai trò nổi bật trong việc hoàn thiện Nhà thờ và Tháp chuông (hoàn thành vào năm 1319 với đỉnh tháp hình đèn lồng hình bát giác). Họ cũng chịu trách nhiệm về phần lớn việc trang trí bên trong, mở hai cửa bên của mặt tiền, xây dựng Cửa sổ hoa hồng (Rosone) kiểu Gothic lớn ở trung tâm mặt tiền và trang trí những tượng trên đỉnh mái mặt tiền…
Điều nổi bật dễ thấy của nhóm nghệ nhân Campionesi là tạo lập hệ thống cột với phần trên có đầu cột kiểu Corinthian, song phần bệ lại là khối điêu khắc hình người, thú; và các bức phù điêu như những trang sách thể hiện sự tích trong kinh thánh trên bề mặt tường, lan can.
Nhà thờ Modena có bố cục chếch theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây, ra phía Quảng trường Duomo (Piazza Duomo).
Mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ Modena
Công trình có mặt bằng hình chữ nhật, 66,9m x 24,7m, gồm 5 bước gian, có 3 nhịp, nhịp giữa (Navata centrale) rộng và cao; nhịp hai bên (Navate laterali) hẹp và thấp. Phần đỉnh công trình cao 29,6m.
Từ phía cổng chính vào có các không gian:
Tiền phòng (Ante- Room): Không có tiền phòng.
Gian Hội trường (Atrium): Được phân định bởi các khối trụ tường và cột lớn tạo thành 3 nhịp nhà. Gian Hội trường được bao phủ bởi các vòm với trang trí bích họa. Tuy mặt bằng công trình hình chữ nhật, nhưng phần nhô cao của phần nhịp biên và mái vẫn tạo thành hình chữ thập (Crucero), tương tự như Gian ngang (Transept). Dọc theo tường biên Gian Hội trường có cầu thang lên tầng trên của Gian ngang và Ban thờ.
Gian Hậu đường (Apse): Nằm phía sau Gian Hội trường, cao 2 tầng với một ban công nhô ra phía trước (Pontile). Tầng trên là nơi giảng đạo của linh mục và vị trí đặt Ban thờ với 3 gian nhà nguyện có mặt bằng hình bán tròn. Gian giữa rộng là Ban thời chính (Abside maggiore), hai bên hẹp là Ban thờ phụ (Absidiole laterali). Tầng dưới là nơi đặt lăng mộ (Cripta) với hệ thống các hàng cột đỡ vòm sàn tầng trên.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Modena, Ý

Sơ đồ mặt cắt Nhà thờ Modena, Ý

Sơ đồ cấu trúc xây dựng Nhà thờ Modena, Ý
Mặt tiền của Nhà thờ Modena
Mặt tiền của Nhà thờ Modena phản ánh cách bố trí không gian bên trong với 3 nhịp, nhịp giữa cao, nhịp hai bên thấp và khối nhô ra của Gian ngang. Bao quanh chu vi mặt tiền Nhà thờ là một hành lang hay logia tại độ cao của tầng 2 gian bên (matroneo) với tường bao có trang trí bởi chuỗi liên tục các vòm nhỏ (Arcata cieca/ Vòm mù, chủ yếu trang trí không lấy ánh sáng) tạo sự tương phản sáng tối (chiaroscuro), nhằm đạt được cảm giác về khối lượng để mô hình hóa vật thể và không gian 3 chiều của tòa nhà.
Mặt ngoài của nhà thờ được bao phủ hoàn toàn bằng đá.
Mặt tiền phía tây: Hướng ra Quảng trường Nhà thờ (Piazza Duomo), được phân định bởi các khối trụ tường lớn theo 3 nhịp nhà. Nhịp bên được chia thành hai phần, giới hạn bởi các trụ tường, phía trên là vòm tròn. Nhịp giữa chia thành 3 phần. Hai bên là trụ tường với vòm tròn; chính giữa có một ban công, phía trên là mái dốc. Mỗi gian đều có cửa ra vào. Gian giữa có cửa ra vào lớn với mái hiên nhô ra, được nhấn mạnh bởi 2 trụ cột hai bên với đế cột là tượng sư tử. Trên cửa có một hàng logia với các cột nhỏ trang trí.
Phía trên nhịp giữa là Cửa sổ hoa hồng (Rosone) kiểu Gothic. Hai bên của nhịp giữa là hai tháp nhỏ, có mặt bằng hình bát giác, xung quanh trang trí hàng cột, mái nhọn. Hai tháp này bố trí lặp lại tại mặt tiền phía đông.
Bốn tháp nhỏ cùng với Tháp chuông Civica (phía bắc gian Hợp xướng) tạo nên diện mạo chính của Nhà thờ.
Bề mặt tường có nhiều bức phù điêu trang trí miêu tả sự tích Kinh thánh, những con sư tử, những nhà tiên tri.
Mặt tiền phía tây có nhiều phù điêu, trong đó có 4 tấm phù điêu (Stories of Genesis) được coi là một kiệt tác của nghệ thuật La Mã, được thực hiện bởi nhà điêu khắc Wiligelmo vào khoảng năm 1099. Những bức phù điêu này là những tấm đá cẩm thạch, được chia thành 12 phần, cao 1m, rộng 2,8m, mô tả các câu chuyện về Sáng thế.

Phối cảnh tổng thể phía tây Nhà thờ Modena, Ý

Mặt tiền phía tây Nhà thờ Modena, Ý

Bức phù điêu Adam và Eva, tại mặt tiền phía tây Nhà thờ Modena, Ý

Bức phù điêu về Cain và Lamech, Noah tại mặt tiền phía tây, Nhà thờ Modena, Ý
Mặt tiền phía nam: Hướng ra Quảng trường lớn (Piazza Grande), thể hiện rõ 5 bước gian, được phân biệt bởi tường chắn trên mái và hai khối nhà của nhịp giữa cao và nhịp bên thấp. Tại nhịp giữa, các bức tường phân vị thành 2 phần được nhấn mạnh bởi 2 cửa sổ. Tại nhịp bên, các bức tường được phân vị thành 3 ô vòm với trụ tường phía dưới và trang trí logia tại phía trên với 3 cột nhỏ. Tại Gian ngang nhô lên một khối nhà, cao gần bằng Gian giữa với mái dạng đầu hồi, được phân vị thành 5 phần với mảng tường dạng vòm và các ô cửa sổ.
Mặt tiền có 2 cửa ra vào:
Cửa vào chính mang tên Cửa Hoàng gia (Porta Regia), được xây dựng vào năm 1209 – 1231 bởi nghệ nhân Campionese, bằng đá cẩm thạch màu hồng khác với đá trắng của toàn bộ mặt ngoài.
Cửa này như một mái hiên cao 2 tầng, nhô ra khỏi tường gắn với bậc lên xuống. Tầng dưới là một cổng vòm lớn được đỡ bởi 4 cột Corinthian. Hai cột phía ngoài có bệ cột là hai con sư tử, tương tự như cửa chính tại mặt tiền phía tây. Hai cột phía phía trong được trang trí đặc biệt như một bó 4 cột nhỏ, thân xoắn vào nhau. Tầng trên của Cửa Hoàng gia như một logia được chia thành 3 gian với 8 cột nhỏ có đầu cột được trang trí bằng các hình tượng trưng.
Cửa nhỏ có tên Cửa Hoàng tử (Porta dei Principi), được xây dựng vào năm 1106- 1110; là cửa dành cho người rửa tội đi vào Nhà thờ. Cửa có hình dáng tương tự như cửa chính tại mặt tiền phía tây với mái hiên 2 tầng và có hàng cột chống với đế cột là tượng sư tử. Dầm phía trên cửa (Architrave) được trang trí bằng một bức phù điêu mô tả các giai đoạn cuộc đời của Thánh Geminianus.

Phối cảnh tổng thể phía nam Nhà thờ Modena, Ý

Phối cảnh mặt tiền phía nam với Cửa Hoàng tử (bên trái ảnh) và cửa Cửa Hoàng gia (bên phải ảnh), Nhà thờ Modena, Ý

Trang trí các hàng cột hai bên Cửa Hoàng gia, Nhà thờ Modena, Ý
Mặt tiền phía bắc: Hướng về phía khu vực Nhà nguyện Parsonages qua một con ngõ hẹp và bị che khuất của dãy nhà phía trước. Về hình khối chung, tương tự như Mặt tiền phía nam. Gần Tháp Civica (Ghirlandina) có một cổng nhỏ mang tên “Cổng Chợ cá” (Porta della Pescheria) với các bức phù điêu trang trí liên quan đến truyền thuyết về vị vua Arthur theo thần thoại Anh, cảnh lấy từ thần thoại Hy Lạp và truyện ngụ ngôn về các loại động vật từ thần thoại La Mã.
Cổng được tạo bởi những người theo trường phái Wiligelmo tạo ra từ năm 1110 – 1120.
Vào khoảng năm 1388 có hai bức tường ngang được thêm vào để củng cố tháp chuông, tạo thành hành lang kết nối với Nhà thờ. Lối đi này có kiến trúc theo phong cách La Mã.

Phối cảnh tổng thể phía bắc Nhà thờ Modena, Ý

Cổng Chợ cá tại mặt tiền phía bắc Nhà thờ Modena, Ý
Mặt tiền phía đông: Hướng ra Quảng trường lớn (Piazza Grande). Mặt tiền thể hiện rõ 3 khối nhà nguyện với mặt bằng bán cầu. Nhà nguyện tại nhịp giữa cao. Nhà nguyện hai bên thấp. Mặt đứng của 3 khối nhà nguyện được nhấn mạnh bởi 3 trụ tường và logia với hàng 3 cột trang trí nằm sát mái. Mặt tiền phía đông còn được nhấn mạnh bởi hai tháp nhỏ hai bên, tương tự như Mặt tiền phía tây.
Phía bắc của Mặt tiền phía đông là Tháp chuông Civica.

Phối cảnh tổng thể phía đông Nhà thờ Modena, Ý

Mặt tiền phía đông Nhà thờ Modena, Ý
Nội thất Nhà thờ Modena
Nội thất của Nhà thờ phản ánh cấu trúc xây dựng với 3 nhịp. Nhịp giữa rộng và cao; hai nhịp hai bên thấp và hẹp như hai lối đi. Hệ thống các trụ và 8 cột lớn đỡ các vòm chéo tạo thành 5 bước gian. Giữa các bước gian, tại ranh giới giữa nhịp giữa và nhịp biên có thêm 1 cột nhỏ trang trí.
Cửa sổ bên trong nhà lớn và cao mang lại ánh sáng cho nhà thờ.
Nội thất của Nhà thờ được xây dựng hoàn toàn bằng gạch, ngoại trừ một số chi tiết (như đầu cột) được làm bằng đá cẩm thạch.
Sàn nhà được lát đá cẩm thạch.
Gian Hội trường có một phòng nguyện có từ thế kỷ 13 với những cột nhỏ màu và trắng bao quanh, trong đó có một cột đá cẩm thạch xoắn ốc tuyệt đẹp.
Tầng trên của Gian Hậu đường là nơi giảng đạo của linh mục và vị trí đặt 3 Ban thờ (gắn với mặt bằng bán tròn). Ban thờ hoàn thành vào năm 1106, được ốp bằng 20 loại đá khác nhau. Bàn thờ chính có niên đại từ thế kỷ 13 được đỡ bởi 6 cặp cột và 1 cột xoắn ốc lớn, được cho là tượng trưng cho Chúa Kitô ở giữa các Tông đồ. Trên tường có bức tranh khảm, được thực hiện vào thế kỷ 19, lấy cảm hứng từ các chủ đề cổ điển của tranh khảm La Mã. Bục giảng bằng gỗ thế kỷ 17.
Tầng dưới của Gian Hậu đường là nơi đặt lăng mộ (Cripta) với hệ thống các hàng cột vòm đỡ sàn tầng trên. Các bức tường bên trong là nơi đặt lăng mộ của các vị tu sĩ và lưu giữ các bức phù điêu, tượng trang trí và các bức tranh tường.

Nội thất hướng về Ban thờ, Nhà thờ Modena, Ý

Nội thất hướng về lối vào chính phía tây, Nhà thờ Modena, Ý

Trang trí bục giảng kinh, Nhà thờ Modena, Ý

Trang trí lan can ban thờ và các cột với bệ đỡ là con thú của các nghệ nhân Campionesi, Nhà thờ Modena, Ý

Bên trong tầng trên của Gian Hậu đường, Nhà thờ Modena, Ý


Bên trong tầng dưới của Gian Hậu đường, Nhà thờ Modena, Ý
Tháp Civica
Tháp Civica (Torre Civica/ Ghirlandina Tower; hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía đông bắc của Nhà thờ Modena, là biểu tượng của thành phố Modena. Tháp cao 86,12m, có thể nhìn thấy từ mọi hướng bên ngoài thành phố.
Cấu trúc được xây dựng vào năm 1179 - 1184, có mặt bằng hình vuông, được gọi là Torre di San Geminiano. Tháp cao 5 tầng. Vào năm 1216, Tháp được bổ sung thêm tầng 6 với dáng tương tự như tầng 5.
Để cạnh tranh với các tòa tháp của Bologna, Ý (Two Towers, Bologna; tháp chính cao 97,2m), Tháp Civica được bổ sung thêm đỉnh tháp hình bát giác với lan can trang trí bằng đá cẩm thạch, được thiết kế bởi một trong những nghệ nhân người Campionesi.
Tháp được hoàn thành vào năm 1319, có thêm quả cầu vàng trên đỉnh.
Sau đó, vì sụt lún, khoảng năm 1388, hai bức tường ngang được thêm vào để củng cố tháp.
Đến tận năm 1588, Tháp mới được hoàn thành như ngày nay.
Tháp không chỉ sử dụng cho mục đích tôn giáo mà còn cho cả mục địch dân sự và phòng thủ. Vào thế kỷ 15, Tháp còn được sử dụng làm nơi cất giữ kho bạc và chiến lợi phẩm của thành phố Modena.
Tháp được khôi phục năm 2008 – 2011.
Bên trong phòng mang tên Stanza dei Torresani (Torresani Hall), tại tầng 5, có các cột với đầu cột trang trí tượng vua, vũ công, động vật và mảng chữ khắc của các nghệ nhân người Campionesi vào thế kỷ 12, 13.
Tại tầng trên cùng có 4 chiếc chuông, hai chiếc lớn, trọng lượng 2 tấn, được đúc vào năm 1639, hai chiếc nhỏ được đúc vào năm 1988. Từ đây có cầu thang xoắn ốc được xây dựng bằng gỗ vào thế kỷ 17 dẫn đến ban công và lên đỉnh Tháp Ghirlandina.

Phối cảnh Tháp chuông Ghirlandina, Nhà thờ Modena, Ý

Tường trụ giằng ngang Tháp chuông Ghirlandina, Nhà thờ Modena, Ý

Cầu thang bên trong Tháp chuông Ghirlandina, Nhà thờ Modena, Ý

Nội thất phòng Stanza dei Torresani, Tháp chuông Ghirlandina, Nhà thờ Modena, Ý
Quảng trường lớn
Quảng trường lớn (Piazza Grande; hình vẽ ký hiệu 7), được giới hạn bởi các công trình:
Phía tây bắc là Nhà thờ Mondena;
Phía bắc và đông là Tòa thị chính Municipal (Municipal Palace / Palazzo Municipale/ Palazzo Comunale; hình vẽ ký hiệu 4). Đây là một tòa nhà có từ thế kỷ 17, mặt bằng hình chữ L với những mái cổng kết hợp các tòa nhà thời Trung cổ cổ xưa của. Dinh thự vào thời Trung cổ có một số tòa tháp, một trong số đó được gọi là tòa tháp bị cắt cụt do một trận động đất. Phía trước của Tòa thị chính, có một hòn đá mang tên Preda Ringadora (trong phương ngữ Modena có nghĩa là "Đá lời nói"), một tảng đá cẩm thạch hình chữ nhật lớn dài hơn 3m. Trong thời Trung cổ, hòn đá Preda được sử dụng làm sân khấu cho các nhà hùng biện, nhưng cũng là nơi thực hiện các bản án tử hình và phơi bày xác chết. Đây cũng còn gọi là “Hòn đá ô nhục”, nơi con nợ vào ngày họp chợ phải đi quanh quảng trường với đầu cạo trọc, đội một chiếc mũ đặc biệt và phải hứa trả hết nợ bằng tài sản của mình. Việc này diễn ra 3 lần liên tiếp vào thứ bảy theo yêu cầu của chủ nợ.
Phía tây nam là Tòa tổng giám mục Archbishop (Archbishop Palace / Palazzo Arcivescovile; hình vẽ ký hiệu 5).
Phía nam là Tòa ngân hàng Ex Courthouse (Ex Plazzo di Giustizia; hình vẽ ký hiệu 6). Công trình cũng có hàng hiên, được xây dựng lại nhiều lần. Lần cuối vào thế kỷ 19 theo phong cách La mã và hiện đang cố gắng hồi sinh các họa tiết trang trí như Tòa thị chính và Tòa tổng giám mục theo phong cách hiện đại.
Tại góc đông bắc có một quảng trường nhỏ mang tên Torre (Piazza della Torre; hình vẽ ký hiệu 8).
Hình dạng của Quảng trường thay đổi khi các công trình bao quanh được xây dựng và sửa đổi qua nhiều thế kỷ.
Năm 1501 Modena bị một trận động đất. Tòa thị chính và Tòa Tổng Giám mục bị hư hại nặng.
Năm 1510, theo yêu cầu của Hội đồng thành phố, các cửa hàng bán thịt, lò mổ, phải rời khỏi Tòa thị chính.
Quảng trường luôn là trung tâm của mọi sự kiện chính trị xã hội trong thành phố. Đây cũng là nơi triển lãm, chợ mua bán các sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp địa phương. Khu vực chuồng nuôi gia súc để bán trong chợ đã được chuyển đến nơi khác.
Tại phía nam Quảng trường vẫn còn lưu lại những ngôi nhà thấp và khiêm tốn, trở thành một nhân chứng và một sân khấu cho cuộc sống của thành phố.

Phối cảnh Quảng trường lớn, nhìn từ Tháp Ghirlandina, Modena, Italia

Quảng trường lớn, bên trái ảnh là Tòa tổng giám mục; chính giữa là Nhà thờ; bên phải là Tòa thị chính, Modena, Italia

Nhà thờ tại phía bắc và Tòa thị chính tại phía đông Quảng trường lớn, Modena, Italia

Hòn đá Preda tại phía bắc Quảng trường lớn, Modena, Italia

Tòa ngân hàng Ex Courthouse tại phía nam Quảng trường lớn, Modena, Italia
Các hạng mục công trình khác
Nhà nguyện Parconages
Nhà nguyện Parsonages (Parsonages / Canoniche/ Musei del Duomo; hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía bắc của Nhà thờ Modena. Công trình là một tòa nhà cao 3 tầng có mặt tiền trang trí đơn giản. Hiện tại, đây trở thành Bảo tàng Nhà thờ (Musei del Duomo).
Lối vào của công trình tại ngõ hẹp phía nam, kề liền với hai bức tường giằng ngang của Tháp Civica.
Bảo tàng Nhà thờ Modena lưu giữ các tác phẩm có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20, bao gồm bàn thờ kim loại được chế tác theo phong cách La Mã vào năm 1106; văn bản từ đầu thế kỷ 12, 13; tác phẩm dệt may, trong đó có các tấm thảm dệt mô tả các câu chuyện về Kinh thánh.
Cùng với Bảo tàng Nhà thờ, còn có Bảo tàng Lapidary của Nhà thờ (Museo Lapidario del Duomo) được khánh thành vào cuối thế kỷ 19, với mục đích lưu giữ những phát hiện trong những đợt trùng tu Nhà thờ từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 và các tác phẩm nghệ thuật theo phong cách La Mã của các dân tộc sống trong khu vực thời Trung cổ.

Phối cảnh Nhà nhà nguyện Parsonages hay Bảo tàng Nhà thờ, Modena, Italia

Lối vào Bảo tàng Nhà thờ, Modena, Italia

Một bàn thờ di động lưu giữ tại Bảo tàng Nhà thờ, Modena, Italia

Một đầu cột được lưu giữ tại Bảo tàng Lapidary, Modena, Italia
Tòa thị chính Municipal
Tòa thị chính Municipal (Municipal Palace / Palazzo Municipale/ Palazzo Comunale; hình vẽ ký hiệu 4), nằm tại phía đông và bắc của Quảng trường chính, đối diện tại phía đông nam của Nhà thờ Mondena.
Tòa thị chính có từ thế kỷ 17. Mặt tiền chính có hàng hiên kéo dài với những cột đá cẩm thạch kết hợp các khối nhà phía trên có từ thời Trung cổ của thành phố và khu chợ.
Dinh thự có một số tòa tháp, sau bị cắt cụt do một trận động đất.
Tòa thị chính là kết quả của quá trình cải tạo nhiều lần các tòa nhà được xây dựng từ năm 1046. Tòa thị chính có một tòa tháp (Torre Mozza) đã bị sụp đổ vào năm 1671 sau một trận động đất.
Công trình có mặt bằng hình chữ L, được hoàn thành với hình dáng như ngày nay vào năm 1825.
Tại góc của tòa Thị chính, hướng ra Quảng trường có bức tượng mang tên La Bonissima (Cái tốt), được dựng vào năm 1268, như biểu tượng cho sự trung thực trong giao dịch thương mại. Có thuyết khác lại cho rằng, đây là bức tượng ghi nhận sự hào phóng của một nữ quý tộc đã giúp đỡ người nghèo trong những nạn đói.
Trong Tòa thị chính còn lưu giữ được các phòng với những bức tranh trang trí tuyệt đẹp trên tường, trên vòm mái vào thế kỷ 16- 18, như: Sala del Vecchio Consiglio, nơi tổ chức cuộc họp của Hội đồng thành phố vào đầu thế kỷ 17; Camerino dei Confirmati, như một hành lang nhỏ với những bức tượng bán thân của các nghệ sĩ đã trang trí cho dinh thự; Sala del Fuoco, bên trong có một lò sưởi lớn, trần nhà bằng gỗ và tường được trang trí bằng những bức tranh, phù điêu đẹp được thực hiện vào thế kỷ 1546…
Nhấn mạnh cho công trình là Tháp đồng hồ, được dựng lên vào năm 1508. Tháp phân thành 4 tầng. Bên trên có một tháp nhỏ hình bát giác, được dựng vào năm 1520. Tại tầng 2 của khối tháp, phía trên cửa ra vào có một hốc tường dạng vòm, bên trong đặt bức tượng Đức Mẹ vào năm 1805.

Phối cảnh tổng thể Tòa thị chính tại Modena, Italia

Bức tượng La Bonissima tại góc Tòa thị chính, Modena, Italia

Sơ đồ vị trí các phòng điển hình bên trong Tòa thị chính, Modena, Italia

Nội thất phòng Sala del Vecchio Consiglio tại Tòa thị chính, Modena, Italia

Nội thất phòng Camerino dei Confirmati tại Tòa thị chính, Modena, Italia

Nội thất phòng Sala del Fuoco tại Tòa thị chính, Modena, Italia
Tòa tổng giám mục Archbishop
Tòa tổng giám mục Archbishop (Archbishop Palace; hình vẽ ký hiệu 5), nằm tại phía nam của Nhà thờ Mondena. Công trình có đóng góp đáng kể vào hình thức kiến trúc của Quảng trường lớn. Tòa nhà được xây dựng từ thế kỷ 15, được xây dựng lại vào năm 1776, cao 3 tầng.
Ở bên phải lối vào chính có bức tượng bán thân của Nicolò Sandonnini, vị giám mục đã thúc đẩy việc xây dựng công trình. Bên cạnh cổng chính là phù hiệu của Giáo hoàng đương nhiệm và giám mục.
Nội thất của tòa nhà theo kiểu Baroque tuyệt đẹp.

Phối cảnh mặt tiền phía đông Tòa tổng giám mục Archbishop, Modena, Italia

Một góc phía nam Tòa tổng giám mục Archbishop, Modena, Italia
Quảng trường Torre
Quảng trường Torre (Piazza della Torre; hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía bắc của Nhà thờ Mondena.
Ở trung tâm của Quảng trường là bức tượng của nhà thơ vĩ đại người Modena Alessandro Tassoni (năm1565-1635) được Cavazza thực hiện vào năm 1860.
Tassoni được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của bài thơ sử thi mô phỏng anh hùng La secchia rapita (Chiếc xô bị đánh cắp/ The stolen bucket), xuất bản lần đầu vào năm 1622. Chính nhờ tác phẩm này mà ông được nhớ đến như là nhà thơ tiêu biểu của Modena.

Phối cảnh tổng thể Quảng trường Torre, Modena, Italia

Tượng nhà thơ Alessandro Tassoni tại Quảng trường Torre, Modena, Italia

Trang trí Chiếc xô bị đánh cắp theo câu chuyện của nhà thơ Alessandro Tassoni bên trong Tháp Ghirlandina, Modena, Italia
Di sản Nhà thờ, Tháp Civica và Quảng trường lớn tại Modena, vùng Emilia-Romagna, Italia là một khu phức hợp hoành tráng, đánh dấu: Sự hợp tác đầu tiên giữa kiến trúc sư và nhà điêu khắc; Chất lượng của tòa nhà không chỉ đến từ sự hào phóng của người sáng lập mà còn có cả vai trò của người sáng tạo; Hình thành một ngôn ngữ tạo hình mới có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của phong cách La Mã.
Di sản là một trong những bằng chứng đặc biệt cho truyền thống văn hóa thế kỷ 12 trong xã hội đô thị miền bắc nước Ý.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/827/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Modena
https://en.wikipedia.org/wiki/Modena_Cathedral
https://it.wikipedia.org/wiki/Duomo_di_Modena
https://commons.wikimedia.org/wiki/Duomo_%28Modena%29?uselang=es
https://it.wikipedia.org/wiki/Maestri_campionesi
https://en.wikipedia.org/wiki/Chiaroscuro
https://en.wikipedia.org/wiki/Wiligelmo
https://en.wikipedia.org/wiki/Torre_della_Ghirlandina
https://it.wikipedia.org/wiki/Ghirlandina
https://it.wikipedia.org/wiki/Piazza_Grande_(Modena)
https://it.wikipedia.org/wiki/Palazzo_Comunale_(Modena)
http://www.unesco.modena.it/it/organizza-la-tua-visita/palazzo-comunale
https://salestoriche.unesco.modena.it
https://it.wikipedia.org/wiki/Musei_del_Duomo_di_Modena
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|