Thông tin chung:
Công trình: Quần thể Maritime Greenwich
Địa điểm: Luân Đôn, Anh (N51 28 52,2 W0 0 13,6)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 109,5 ha; diện tích vùng đệm 174,85 ha
Năm hình thành: Thế kỷ 17
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1997; hạng mục i, ii, iv, vi)
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland) thường được gọi là Vương quốc Anh (United Kingdom) nằm ở ngoài khơi bờ biển phía tây bắc lục địa châu Âu.
Vương quốc Anh bao gồm đảo Anh, phần đông bắc của đảo Ireland.
Vương quốc Anh bao gồm bốn quốc gia: Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland; thủ đô lần lượt là London, Edinburgh, Cardiff và Belfast.
Bắc Ireland có chung biên giới trên bộ với Ireland. Ngoài biên giới trên bộ, Vương quốc Anh được bao quanh bởi Đại Tây Dương, gồm biển Bắc ở phía đông, eo biển Manche ở phía nam, biển Celtic ở phía tây nam.
Vương quốc Anh có diện tích 242.500 km2; dân số 67 triệu người (năm 2020); thủ đô và thành phố lớn nhất của cả vương quốc là London. Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len còn có một số lãnh thổ hải ngoại và các lãnh thổ còn đang tranh chấp.
Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len có một lịch sử phát triển lâu đời, từ khoảng 30000 năm trước đây; là quốc gia công nghiệp hóa đầu tiên trên thế giới; cường quốc đứng đầu thế giới trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Ngày nay, Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland vẫn là một đại cường quốc với các ảnh hưởng đáng kể về kinh tế, văn hóa, quân sự, khoa học và chính trị trên quy mô toàn cầu.
Bản đồ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len; vị trí thành phố Luân Đôn
Quang cảnh Greenwich, tranh của họa sĩ Canaletto (người Ý, năm 1679- 1768), vẽ năm 1753; National Maritime Museum, Greenwich
Tại Greenwich, một quận ngoại ô của Thành phố Luân Đôn, có một quần thể di tích nổi tiếng mang tên Maritime Greenwich, biểu tượng cho nỗ lực khoa học và nghệ thuật của Anh trong thế kỷ 17 và 18.
Quần thể Maritime Greenwich có bố cục theo hướng tây bắc – đông nam, hướng về sông Thames (River Thames), đảo Dogs (Isle of Dogs) tại phía đông nam Thành phố Luân Đôn. Hai bên Quần thể là thị trấn Greenwich, tạo bối cảnh và có các tuyến giao thông đường bộ tiếp cận Quần thể, ngoài tuyến đường thủy trên sông Thames.
Maritime Greenwich bao gồm các di tích chính:
Ngôi nhà của Nữ hoàng (Queen's House), được xây dựng vào thế kỷ 17, là một phần của Cung điện Hoàng gia ở Greenwich. Công trình được thiết kế bởi Inigo Jones (kiến trúc sư người Anh, năm 1573- 1852; là người đầu tiên lan truyền kiến trúc cổ điển của Rome và thời kỳ Phục hưng Ý tới Anh). Công trình là tòa nhà Palladian (Palladian architecture) đầu tiên ở Anh. Kiến trúc Palladian là một phong cách kiến trúc châu Âu bắt nguồn từ tác phẩm của kiến trúc sư người Venice Andrea Palladio (năm 1508–1580). Kiến trúc Palladian đã phát triển từ các khái niệm về tính đối xứng, phối cảnh và các nguyên tắc của kiến trúc cổ điển bắt nguồn từ truyền thống Hy Lạp và La Mã cổ đại. Vào thế kỷ 17 và 18, kiểu kiến trúc này đã phát triển thành phong cách được gọi là Chủ nghĩa Palladian. Ngôi nhà của Nữ hoàng là nguồn cảm hứng trực tiếp cho những ngôi nhà và biệt thự cổ điển trên khắp Vương quốc Anh trong hai thế kỷ.
Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia (Royal Naval College) là cụm công trình kiến trúc trung tâm của Quần thể Maritime Greenwich. Ban đầu, đây là các tòa nhà thuộc Bệnh viện Hoàng gia dành cho thủy thủ tại Greenwich (Greenwich Hospital), được thành lập vào năm 1675.
Bệnh viện Hoàng gia được xây dựng theo thiết kế của Christopher Wren (kiến trúc sư người Anh, năm 1611 – 1672; là một trong những kiến trúc sư được đánh giá cao nhất trong lịnh sử nước Anh; theo phong cách Baroque). Công trình là một trong những nhóm tòa nhà Baroque nổi bật nhất ở Anh.
Công viên Greenwich (Greenwich Park) là kiệt tác về thiết kế cảnh quan đối xứng trên địa hình đồi núi của André Le Nôtre (kiến trúc sư cảnh quan người Pháp, năm 1613- 1700; người đã thiết kế các khu vườn của Cung điện Versailles, Pháp; tác phẩm của ông đại diện cho đỉnh cao của phong cách vườn trang trọng của Pháp / jardin à la française).
Đài Thiên văn Hoàng gia (Royal Observatory, Greenwich) nằm trong Công viên Hoàng gia Greenwich gắn với vai trò đặc biệt là của hai nhà khoa học người Anh Robert Hooke (năm 1635- 1703, là người chế tạo kính thiên văn Gregorian đầu tiên vào năm 1673) và John Flamsteed (năm 1646 – 1719, nhà thiên văn học đầu tiên của Hoàng gia Anh, là một trong những người sáng lập Đài thiên văn Hoàng gia Greenwich). Đài Thiên văn Hoàng gia là nơi diễn ra các hoạt động đo lường chính xác chuyển động của trái đất và cũng góp phần vào sự phát triển định vị toàn cầu. Đài Thiên văn Greenwich hiện là đường cơ sở cho hệ thống múi giờ của thế giới và đo kinh độ trên toàn cầu.
Quần thể Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1997) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Các tòa nhà công cộng và tư nhân cũng như Công viên Hoàng gia ở Greenwich tạo thành một quần thể đặc biệt, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Quần thể Maritime Greenwich là đại diện cho kiến trúc Châu Âu ở một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển, được minh họa bằng công trình của các kiến trúc sư vĩ đại như Inigo Jones và Christopher Wren. Đây là những người được truyền cảm hứng từ sự phát triển kiến trúc trên toàn lục địa Châu Âu. Tiếp đó, mỗi người lại định hình sự phát triển kiến trúc cho các thế hệ tiếp theo. Thiết kế cảnh quan tại Công viên Greenwich còn là minh chứng cho sự tương tác giữa con người và thiên nhiên trong suốt hai thế kỷ.
Tiêu chí (iv): Cung điện Hoàng gia, Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia và Công viên Hoàng gia thể hiện quyền lực, sự bảo trợ và ảnh hưởng của chính thể phong kiến tập quyền trong thế kỷ 17 và 18, qua việc quy hoạch, tính hợp văn hóa và thiên nhiên thành một tổng thể hài hòa.
Tiêu chí (vi): Greenwich gắn liền với những thành tựu kiến trúc và nghệ thuật nổi bật cũng như nỗ lực khoa học có chất lượng cao nhất thông qua sự phát triển của ngành hàng hải và thiên văn học tại Đài thiên văn Hoàng gia, dẫn đến việc thành lập Kinh tuyến Greenwich và Giờ chuẩn Greenwich như điểm mốc chuẩn cho toàn thế giới.
Phạm vi Khu vực Di sản Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh
Tổng mặt bằng Khu vực Di sản Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh
Sơ đồ vị trí các công trình chính tại Khu vực Di sản Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh
Quần thể Di sản có nhiều cổng ra vào, trong đó có hai cổng đường bộ chính tại tại phía đông (East Gate) và tại phía tây (West Gate); Hai cổng vào từ phía sông (Lewin Gate và Water Gate).
Quần thể chia thành hai phần: Phần phía bắc sát sông Thames và phần phía nam là Công viên Greenwich (Greenwich Park).
Phần phía bắc của Khu vực Di sản
Phần phía bắc của Khu vực Di sản được bố trí đối xứng xung quanh một trục trung tâm, được ví như Cung điện Versailles (Palace of Versailles, Pháp) về sự lộng lẫy. Tuy nhiên, không giống như Versailles, Quần thể Maritime Greenwich đã phát triển qua nhiều thế kỷ, gồm những công trình riêng lẻ với tầm quan trọng lớn được kết hợp lại với nhau để tạo thành một tổng thể hài hòa.
Phối cảnh tổng thể Phần phía bắc Khu vực Di sản Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh
Phần phía bắc của Khu vực Di sản gồm các công trình chính:
Bảo tàng Hàng hải Quốc gia
Bảo tàng Hàng hải Quốc gia (National Maritime Museum) tại Greenwich, London, là một phần của Bảo tàng Hoàng gia Greenwich (Royal Museums Greenwich).
Bảo tàng được thành lập theo Đạo luật Bảo tàng Hàng hải Quốc gia năm 1934, trong phạm vi 81ha của Công viên Hoàng gia Greenwich, trong các tòa nhà trước đây thuộc sở hữu của Trường Y Hoàng gia (Royal Hospital School; Trường đã chuyển tới địa điểm khác).
Kể từ thời xa xưa, Greenwich đã gắn liền với biển và hàng hải, sau này lại có vai trò là một trung tâm nghiên cứu thiên văn, quê hương của Giờ chuẩn Greenwich và Kinh tuyến gốc từ năm 1884.
Bảo tàng lưu giữ những tài sản quan trọng nhất trên thế giới về lịch sử trên biển của nước Anh, bao gồm hơn hai triệu hiện vật về nghệ thuật hàng hải (của Anh và Hà Lan thế kỷ 17); bản đồ, bản thảo với hồ sơ về mô hình thiết kế chế tạo tàu, các dụng cụ khoa học và điều hướng cũng như các dụng cụ đo thời gian và thiên văn học.
Bảo tàng còn lưu giữ các bức tranh liên quan đến Phó đô đốc Horatio Nelson (người Anh, năm 1758- 1805, được coi là một trong những đô đốc hải quân vĩ đại nhất trong lịch sử) và Thuyền trưởng James Cook (người Anh, năm 1758- 1779; để lại một di sản kiến thức khoa học và địa lý có ảnh hưởng sâu rộng; nhiều đài tưởng niệm trên thế giới vinh danh ông).
Bảo tàng là một phần phía tây của Trường Y Hoàng gia xưa. Mặt bằng công trình có các cánh nhà tạo thành hình chữ E với hai sân trong. Sân trong hiện đã được bao che bằng mái kính, tạo thành không gian trưng bày.
Công trình cao 2 tầng và một tầng bệ.
Sơ đồ mặt bằng tầng 1 Trường Y Hoàng gia xưa, Greenwich, London, Anh; Khối bên phải ảnh là Bảo tàng Hàng hải Quốc gia; Khối trung tâm là Ngôi nhà của Nữ hoàng
Phối cảnh tổng thể Bảo tàng Hàng hải Quốc gia (bên trái ảnh) và Ngôi nhà của Nữ hoàng (chính giữa ảnh), Greenwich, London, Anh
Mặt đứng phía bắc Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Mặt đứng khối nhà chính, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Sân trong với mái kính, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Một số không gian trưng bày bên trong Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Chân dung thuyền trưởng James Cook của Nathaniel Dance (họa sĩ người Anh, năm 1735- 1811) tại Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Ngôi nhà của Nữ hoàng
Ngôi nhà của Nữ hoàng (Queen's House) là nơi ở của Hoàng gia, được thiết kế bởi Inigo Jones (kiến trúc sư người Anh, năm 1573- 1652) và được xây dựng từ năm 1616 đến năm 1635
Sau một thời gian ngắn sử dụng làm nơi ở cho Hoàng gia, Ngôi nhà của Nữ hoàng được cải tạo thành Bệnh viện Hoàng gia dành cho thủy thủ (Greenwich Hospital, London) và hiện là một phần Bảo tàng Hàng hải Quốc gia (National Maritime Museum).
Công trình là một trong những tòa nhà quan trọng nhất trong lịch sử kiến trúc Anh, do mang phong cách Cổ điển đầu tiên ở Anh, sử dụng những ý tưởng có trong kiến trúc của Palladio (Palladian architecture), một phong cách kiến trúc châu Âu bắt nguồn từ Andrea Palladio (kiến trúc sư người Ý, năm 1508–1580) và La Mã cổ đại. Song công trình cũng có những thay đổi mang tính cách mạng: Thay vì xây gạch màu đỏ giống như các cung điện thời bấy giờ, công trình có màu trắng và nổi tiếng với tỷ lệ trang nhã.
Công trình nằm tại trục trung tâm của Quần thể Di sản, có mặt bằng hình vuông, cao 2 tầng. Hai bên là hai hành lang cầu, nối với khối Bảo tàng Hàng hải Quốc gia.
Ngôi nhà của Nữ hoàng có các không gian nổi bật như:
Cầu thang hoa Tulip (Tulip Stairs), một cầu thang bằng sắt rèn phức tạp, đứng độc lập;
Đại sảnh (Great Hall), một khối lập phương hoàn hảo.
Phối cảnh mặt tiền phía bắc Ngôi nhà của Nữ hoàng, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh mặt tiền phía nam Ngôi nhà của Nữ hoàng, Greenwich, London, Anh
Sơ đồ mặt bằng Ngôi nhà của Nữ hoàng, Greenwich, London, Anh
Hành lang cầu nối với Bảo tàng Hàng hải Quốc gia, Greenwich, London, Anh
Cầu thang hoa Tulip, Ngôi nhà của Nữ hoàng, Greenwich, London, Anh
Nội thất Đại sảnh, Ngôi nhà của Nữ hoàng, Greenwich, London, Anh
Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia
Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia (Royal Naval College) là cụm công trình kiến trúc trung tâm của Quần thể Maritime Greenwich.
Các tòa nhà ban đầu được xây dựng cho Bệnh viện Hoàng gia dành cho thủy thủ tại Greenwich
(Greenwich Hospital). Công trình được Christopher Wren (kiến trúc sư người Anh, năm 1611- 1672) thiết kế. Bệnh viện đóng cửa vào năm 1869. Từ năm 1873 đến năm 1998, công trình trở thành Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich.
Cụm công trình có bố cục đối xứng theo trục trung tâm, nối từ Ngôi nhà của Nữ hoàng (Queen's House) ra cổng Water Gate cạnh sông Thames, gồm 4 khối nhà:
Tòa nhà mang tên Queen Anne Court nằm tại phía đông bắc; Tòa nhà King Charles nằm tại phía tây bắc. Hai khối nhà này có gồm các cánh nhà cao 2- 3 tầng bao quanh một sân trong.
Tòa nhà Queen Marty nằm tại phía đông nam với các cánh nhà tạo thành hình chữ U bao quanh một sân trong (Queen Mary Court) và nối với nhau bằng một hành lang (Colonnade). Tòa nhà Kinh William nằm tại phía tây nam, có bố cục tương tự như Tòa Queen Marty với các cánh nhà tạo thành hình chữ U bao quanh một sân trong (Kinh William Court) và nối với nhau bằng một hành lang.
Tại góc phía trong cạnh trục trung tâm của hai Tòa nhà Queen Marty và Tòa nhà Kinh William được nhấn mạnh bởi hai tháp tròn nhô cao.
Nội thất bên trong có một số phòng đặc biệt hoành tráng, ví dụ như:
Phòng Painted (Painted Hall) đôi khi được gọi là “Nhà nguyện Sistine của Vương quốc Anh” (Sistine Chapel of the UK): Nằm tại góc tây bắc của Tòa nhà Kinh William gắn với tháp tròn. Nội thất rộng tới 4000m2, là một kiệt tác của nghệ thuật baroque Anh.
Nhà nguyện Thánh Phêrô và Thánh Phaolô (Chapel of St Peter and St Paul): Nằm tại góc tây nam của Tòa nhà Queen Marty gắn với tháp tròn. Đây là phần được xây dựng cuối cùng của Bệnh viện Hoàng gia và mãi đến năm 1751 mới được hoàn thành. Công trình bị hỏa hoạn phá hủy vào năm 1779 và được xây dựng lại theo phong cách tân cổ điển.
Sơ đồ tổng mặt bằng Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Sơ đồ mặt bằng Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh tổng thể phía bắc Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh tổng thể phía nam Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh tổng thể phía đông Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh tổng thể phía tây Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Mặt tiền phía bắc Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Nội thất Painted Hall, Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Nội thất Nhà nguyện Thánh Phêrô và Thánh Phaolô, Trường Cao đẳng Hải quân Hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Tàu buồm Cutty Sark
Tàu buồm (Clipper) mang tên Cutty Sark, nằm tại phía đông bắc Khu vực Di sản. Đây là một loại tàu buồm được thiết kế cho chuyên chở hàng hóa.
Cutty Sark được đặt hàng để buôn bán chè từ Trung Quốc đến Anh. Tàu được hạ thủy vào năm 1869, trong bối cảnh cảnh sử dụng công nghệ tàu hơi nước và việc mở Kênh Suez vào năm 1869, mang lại một tuyến đường ngắn hơn từ Anh đến Trung Quốc.
Tàu đã được bán cho một công ty của Bồ Đào Nha vào năm 1895 và đổi tên thành Ferreira. Sau đó, tàu được một thuyền trưởng mua lại để làm tàu huấn luyện và được chuyển đến Trường Cao đẳng Huấn luyện Hàng hải Thames, Greenhithe.
Đến năm 1954, tàu ngưng hoạt động được chuyển đến Greenwich và trở thành một phần của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia (National Maritime Museum).
Tàu buồm Cutty Sark được đặt bên trên một khối nhà triển lãm, có hình dạng như một ụ tàu.
Tàu có chiều dài 64,77m, độ sâu hầm hàng là 6,40m; Trọng tải tối đa khoảng 950 tấn; Tốc độ tối đa 32,4 km/giờ; Tốc độ trung bình 28km/h.
Tàu làm bằng khung sắt, bao gồm các khung dọc, dầm ngang và giằng chéo để liên kết các dầm gỗ. Thân tàu được bao phủ bởi kim loại. Tàu có hai cột buồm.
Phối cảnh tổng thể khu trưng bày Tàu buồm Cutty Sark, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Greenwich, London, Anh
Tàu buồm Cutty Sark, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Greenwich, London, Anh
Không gian trưng bày bên dưới Tàu buồm Cutty Sark, Bảo tàng Hàng hải Quốc gia Greenwich, London, Anh
Phần phía nam của Khu vực Di sản
Công viên Greenwich
Công viên Greenwich (Greenwich Park) nằm tại phía nam của Khu vực Di sản, được hình thành vào năm 1433, có diện tích 74,5 ha.
Năm 1662, Công viên Greenwich được cải tạo theo thiết kế của kiến trúc sư cảnh quan người Pháp André Le Nôtre (năm 1613- 1700) cho vua Charles II của Anh, Scotland và Ireland, trị vì năm 1660 – 1685).
Công viên Greenwich có phong cách theo kiểu Vườn trang trọng của Pháp (Jardin à la française; là một loại vườn với hồ nước và kiến trúc nhỏ cung cấp tiện nghi, về hình thức hướng tới sự hoàn hảo tinh tế, sự uy nghi như của sân khấu và đặc sắc về tầm nhìn).
Đây còn là nơi nuôi hươu để Hoàng gia săn bắn.
Công viên Greenwich có mặt bằng gần như hình chữ nhật, kích thước 1000m x 750m.
Công viên nằm trên một gò đồi, cao tại phía nam và thấp tại phía bắc, trải rộng ra phía bờ sông Thames
Công viên hiện có nhiều cổng ra vào.
Trục chính của Công viên trùng với trục chính của quần thể Di sản.
Bên trong, Công viên có bố cục kết hợp giữa kiểu hình học và tự nhiên. Tại đây có hai hồ nước nhỏ, tại phía bắc và nam.
Phối cảnh tổng thể phía nam Công viên Greenwich, London, Anh
Sơ đồ mặt bằng Công viên Greenwich, London, Anh
Vườn cây bố cục theo tự nhiên trong Công viên Greenwich, London, Anh
Hồ nhỏ trong Công viên Greenwich, London, Anh
Đài thiên văn Hoàng gia
Đài thiên văn Hoàng gia (Royal Observatory, Greenwich) nằm tại trung tâm của Công viên, trên đỉnh đồi.
Đài thiên văn Hoàng gia là nơi thành lập Kinh tuyến gốc Greenwich (Greenwich Meridian) và Giờ chuẩn Greenwich (Greenwich Mean Time) của cả thế giới.
Đài thiên văn Hoàng gia được vua Charles II (Charles II of England, trị vì năm 1660 – 1685) cho xây dựng vào năm 1675 – 1676. Công trình được xây dựng ban đầu là tòa nhà mang tên Flamsteed House, được xây dựng vào năm 1675. Tại sân phía trước của Tòa nhà Flamsteed House là đường đánh dấu mốc của Kinh tuyến gốc Greenwich.
Năm 1998, Đài thiên văn đóng cửa. Công trình trở thành một phần của Bảo tàng Hàng hải Quốc gia (National Maritime Museum) thuộc Bảo tàng Hoàng gia Greenwich (Royal Museums Greenwich).
Tổng mặt bằng Đài thiên văn hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Phối cảnh tổng thể Đài thiên văn hoàng gia, nhìn từ phía bắc, Greenwich, London, Anh
Đường Kinh tuyến Greenwich (giới hạn bởi các trụ thép) tại sân của Tòa nhà Flamsteed House, Đài thiên văn hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Đồng hồ Giờ chuẩn Greenwich tại cổng của Tòa nhà Flamsteed House, Đài thiên văn hoàng gia, Greenwich, London, Anh
Di sản Maritime Greenwich, Luân Đôn, Anh tạo thành một quần thể đặc biệt minh chứng cho nỗ lực sáng tạo của con người trong lĩnh vực hàng hải, thiên văn học và phát triển kiến trúc với chất lượng cao nhất, thể hiện trước hết khả năng quy hoạch, tích hợp văn hóa và thiên nhiên trong một tổng thể hài hòa.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/795/
https://en.wikipedia.org/wiki/United_Kingdom
https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Museums_Greenwich
https://en.wikipedia.org/wiki/National_Maritime_Museum
https://en.wikipedia.org/wiki/Queen%27s_House
https://en.wikipedia.org/wiki/Cutty_Sark
https://en.wikipedia.org/wiki/Old_Royal_Naval_College
https://en.wikipedia.org/wiki/Greenwich_Park
https://en.wikipedia.org/wiki/Royal_Observatory,_Greenwich
https://www.greenwichworldheritage.org/maritime-greenwich/ouv/architectural-ensemble
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|