Thông tin chung:
Công trình: Di sản Bagan
Địa điểm: Bagan, Mandalay, Myanmar (N21 8 56 E94 53 4)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 5005,49ha; Vùng đệm 18.146,83 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2019; hạng mục iii; iv ; vi)
Myanmar (Miến Điện, Burma) là một quốc gia ở Đông Nam Á, giáp Ấn Độ và Bangladesh ở phía Tây, Thái Lan và Lào ở phía Đông và Trung Quốc ở phía Bắc và Đông Bắc.
Myanmar có diện tích khoảng 676,578 km2, dân số khoảng 53, 582 triệu người (năm 2017). Thủ đô là thành phố Naypyidaw (Nay Pyi Taw), thành phố lớn nhất là Yangon (Rangoon). Myanmar được chia thành 7 bang và 7 vùng hành chính. Các bang thực chất là các vùng sinh sống của một số sắc tộc đặc biệt. Các vùng hành chính được chia nhỏ tiếp thành các thành phố, khu vực và làng. Thành phố lớn được chia thành các quận.
Nền văn minh ban đầu tại Myanmar gồm các thị quốc Pyu (Pyu city-states, mỗi thành phố là mỗi quốc gia. Các thị quốc Pyu cũng được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới năm 2014) nói tiếng Tạng- Miến (Tibeto-Burman-speaking) tại khu vực Thượng Miến Điện (Upper Burma) và các vương quốc Mon (Mon kingdoms) tại Hạ Miến Điện (Lower Burma).
Đến thế kỷ thứ 9, người Bamar, là một nhóm dân tộc Trung – Tây Tạng (Sino-Tibetan ethnic group) và quốc gia có nguồn gốc Myanmar (Burma), tiến đến thung lũng Thượng Irrawaddy (Upper Irrawaddy Valley), lập vương quốc Pagan (Pagan Kingdom) trong thập niên 1050. Từ đây, ngôn ngữ-văn hóa Burma cùng Phật giáo Nam Tông (Theravada Buddhism) dần dần chiếm ưu thế tại Myanmar.
Vương quốc Pagan sụp đổ trước các cuộc xâm chiếm của quân Mông Cổ. Sau đó xuất hiện một số quốc gia nhỏ, thường xuyên tranh đoạt lẫn nhau.
Đến thế kỷ 16, Myanmar tái thống nhất dưới triều đại Taungoo (Taungoo dynasty, tồn tại năm 1510–1752, là một trong những triều đại vĩ đại nhất trong lịch sử Myanma. Taungoo là gọi theo tên kinh đô đầu tiên của triều đại này, hiện là thành phố Taungoo, vùng Bago), sau đó từng trở thành một trong những quốc gia lớn nhất trong lịch sử Đông Nam Á.
Đến đầu thế kỷ 19, Myanmar thuộc triều Konbaung (Konbaung dynasty), là triều đại cuối cùng cai trị Myanmar từ năm 1752 đến năm 1885, đế chế lớn thứ hai trong lịch sử Myanmar, kế tiếp triều đại Taungoo và đặt nền móng cho nhà nước Myanmar hiện đại.
Người Anh chiếm được Myanmar sau ba cuộc chiến tranh Anh - Myanmar (Anglo-Burmese Wars) và chấm dứt chế độ quân chủ Myanmar vào năm 1885. Myanmar trở thành thuộc địa của Anh. Năm 1948, Myanmar đã giành lại được độc lập.
Bản đồ Myanmar và vị trí thành phố Bagan tại vùng Mandalay
Bagan là một thành phố cổ thuộc vùng Mandalay, nằm trên một khúc quanh của sông Irrawaddy (Ayeyarwady) tại đồng bằng trung tâm Myanmar. Irrawaddy là con sông lớn nhất và đường thủy thương mại quan trọng nhất Myanmar. Thành phố nằm hoàn toàn bên bờ phải của sông.
Theo truyền thuyết, Bagan được thành lập vào thế kỷ 2 sau Công nguyên và được định hình vào thế kỷ thứ 9. Nhiều tài liệu khác lại cho rằng Bagan được thành lập vào thế kỷ thứ 9 sau Công nguyên, là một trong Thị quốc Pyu. Vua Anawratha (1044-1077) là người cai trị đầu tiên của vương quốc. Ông thành lập một trung tâm duy nhất để cai trị vương quốc, chinh phục toàn bộ vùng khô hạn ở giữa đất nước bằng cách phát triển các hệ thống tưới tiêu để trồng lúa. Tại đây gạo không chỉ là lương thực chính mà còn là tiền tệ của vương quốc.
Bagan thời bấy giờ là một thành phố thịnh vượng, không chỉ lớn về quy mô diện tích, mà còn là một trung tâm quốc tế về nghiên cứu tôn giáo và thế tục, ví như ngữ pháp tiếng Pali, triết học tâm lý, chiêm tinh học, giả kim thuật, y học và pháp lý. Thành phố thu hút được các nhà sư, sinh viên từ tận Ấn Độ, Sri Lanka và Đế quốc Khmer (Khmer Empire) đến học tập, nghiên cứu.
Văn hóa của Bagan thời bấy giờ bị chi phối bởi tôn giáo, là sự tiếp nối của các xu hướng tôn giáo trong thời kỳ Thị quốc Pyu, nơi Phật giáo Nguyên thủy (Theravada Buddhism, Phật giáo Nam tông) cùng tồn tại với Phật giáo Đại thừa (Mahayana Buddhism), Phật giáo Mật tông (Tantric Buddhism), các trường phái Hindu (Saivite và Vaishana) cũng như truyền thống tôn giáo bản địa.
Trong suốt 250 năm, những người cai trị Bagan và những người giàu có đã xây dựng hơn 10.000 di tích tôn giáo (khoảng 1000 bảo tháp, 10.000 ngôi chùa và 3000 tu viện) trong một khu vực rộng 104 km2 ở vùng đồng bằng Bagan. Vào giai đoạn đỉnh cao của triều đại, giữa thế kỷ 11 và 13, có tới 4446 chùa, tu viện Phật giáo được xây dựng tại đồng bằng Bagan. Trong số đó, 2217 chùa, tu viện vẫn còn tồn tại đến ngày nay, thể hiện thành tựu vượt trội của thợ thủ công Myanmar.
Về quy hoạch, đô thị cổ Bagan không giống như các thị quốc Pyu với hệ thống tường thành bao ngoài vương quốc, mà chỉ có tường thành bao quanh cung điện hoàng gia với khoảng 2000 tòa nhà và một vài công trình tôn giáo. Theo thời gian, đoạn tường phía Tây của cố đô đã bị dòng sông cuốn trôi.
Về kiến trúc, các di tích còn tồn tại bao gồm chùa, thiền viện, hội trường và thư viện.
Chùa Bagan có hai dạng chính: Chùa có cấu trúc đặc, kín và chùa có cấu trúc rỗng, mở.
Chùa có cấu trúc đặc nổi bật là bảo tháp (stupa) có cấu trúc đặc, kín và là một cấu trúc đồ sộ, điển hình có một phòng (chaitya) chôn xá lợi (hạt nhỏ có dạng viên tròn hình thành sau khi thi thể được hỏa táng hoặc thân cốt sau khi chết của các vị cao tăng Phật giáo) bên trong. Các chùa tháp hay bảo tháp Bagan được phát triển từ các chùa tại Thị quốc Pyu trước đó và bắt nguồn từ kiến trúc miền Đông Nam Ấn Độ, ban đầu có mái hình bán cầu, sau dần trở thành hình chuông hay hình lọng. Các bảo tháp Bagan trở thành nguyên mẫu cho thiết kế đền, chùa Myanmar sau này về cả biểu tượng, hình thức thiết kế, kỹ thuật xây dựng và thậm chí cả vật liệu.
Chùa có cấu trúc rỗng (gu-style hollow temple) hay nội thất mở, được sử dụng để thiền định, thờ cúng và các nghi lễ Phật giáo khác.
Các ngôi chùa thường có hai kiểu: i) Một mặt trước với một lối vào chính, thường vào từ hướng Đông với một tiền sảnh nhỏ. Kết nối các không gian thông qua hệ thống hành lang. Chính điện hay điện thờ là nơi đặt linh vật tựa vào bức tường phía Tây. Nội thất được chiếu sáng bởi cửa sổ tại bức tường phía Bắc và Nam; ii) Bốn mặt với bốn lối vào. Chùa có điện thờ là một khối trung tâm hình vuông với 4 mặt đặt 4 linh vật, thể hiện 4 sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật (Sinh, Giác ngộ, Bài giảng đầu tiên, Cái chết). Với 4 khối tiền sảnh nhô ra, tạo cho mặt bằng của các ngôi chùa này có hình chữ thập. Một số chùa có khối điện thờ trung tâm hình ngũ giác, bổ sung vị Phật thứ 5 – Phật Tương lai. Chùa này có 5 tiền sảnh. Phong cách này được cho là một sáng tạo kiến trúc độc đáo của Bagan.
Sự phân biệt chùa tháp và chùa không phải lúc nào cũng rõ ràng. Có công trình là sự kết hợp cả sự đặc, kín của bảo tháp và rỗng, mở của điện thờ. Ví dụ như, chùa có điện thờ tại tầng dưới, bảo tháp tại tầng trên.
Thiền viện (Vihara) là nơi chuyên tu tập của tăng, ni, có thể là một phòng, một tòa nhà trong những ngôi chùa lớn hay cả một quần thể rộng lớn. Nhà truyền giáo, thư viện là các công trình cũng được tìm thấy trong số các di tích tại Bagan.
Công trình kiến trúc tại Pagan rất khác nhau về quy mô, từ ngôi chùa nhỏ đến các ngôi chùa khổng lồ. Để tạo quy mô cho công trình, nhiều tòa nhà được xây dựng trên bệ dật cấp tạo thành các bậc thềm. Các bậc thềm đặt trên mặt đất và đặt cả trên mái nhà, là bệ đỡ cho tầng hai hoặc bảo tháp. Xung quanh công trình chính được hỗ trợ bởi các cấu trúc nhỏ hơn đặt xung quanh. Hầu hết các ngôi chùa lớn cao 2 tầng. Chỉ có một vài ngôi chùa được xây dựng với chiều cao 3 hoặc 4 tầng.
Về vật liệu và kỹ thuật xây dựng, các cấu trúc tại Bagan đều được xây dựng bằng gạch trát vữa, chỉ có số ít tòa nhà được xây dựng bằng đá hoặc ốp đá. Đặc biệt, có một số ngôi chùa được phủ vàng bên ngoài. Các viên gạch xây chùa có kích thước trung bình 36 x 18 x 6 cm. Gạch được sản xuất tại khu vực xung quanh và đưa đến đây bằng thuyền. Vữa xây dựng được làm từ đất sét. Người ta còn cho rằng vữa có thể làm bằng chất kết dính hữu cơ. Thời kỳ này đã sử dụng các kỹ thuật xây dựng hầm và vòm với các viên đá hình nêm (voussoirs).
Về bản thảo và sách, tại đây còn lưu giữ trong các thiền viện bản thảo, sách về tôn giáo được viết bằng tiếng Pali hoặc tiếng Phạn (ngôn ngữ của Phật giáo, Hindu giáo, Jaina giáo), trên lá cây, vải, giấy, sơn mài và vàng lá.
Về điêu khắc, tại đây lưu giữ nhiều bức tượng bằng gỗ, đá và kim loại mô tả Đức Phật với nhiều tư thế như đứng, đi, nằm gắn liền với các sự kiện chính trong cuộc đời Đức Phật. Hình ảnh Đức Phật chủ yếu được miêu tả mang tính biểu tượng, không thể hiện chi tiết chính xác. Ngoài ra, tại đây cũng xuất hiện các điêu khắc hình tượng hoa sen.
Về phù điêu, tại đây lưu giữ rất nhiều các bức phù điêu bằng gốm, gạch tráng men. Trong đó điển hình là các bức phù điêu có in hình ảnh về sự tích Đức Phật (Jataka). Các tấm phù điêu này được tạo ra bằng các khuôn đúc bằng đồng hoặc đất sét.
Về tranh vẽ, nội thất các ngôi chùa tại Bagan có rất nhiều tranh vẽ trên tường, trần nhà. Các tranh được thực hiện bằng cách: Đầu tiên phủ lên bề mặt một lớp vữa bùn mịn, làm khô. Sau đó sử dụng màu bằng các chất màu tự nhiên vẽ lên trên. Các họa tiết lặp lại được vẽ theo khuôn giấy nến. Nội dung của các bức tranh phần lớn miêu tả sự tích của Đức Phật với hình tượng như cây bồ đề, Đức Phật với các kiếp tu hành, biểu tượng Phật giáo. Bên dưới các ô tranh là chữ tóm tắt nội dung các cảnh. Ngoài các tranh vẽ trên tường, tại đây còn lưu giữ được các bức tranh vẽ trên vải với phong cách hội họa như các bức tranh vẽ trên tường.
Các di tích tôn giáo tại đây là minh chứng cho đỉnh cao của nền văn minh Bagan (thế kỷ 11- 13), khi Bagan là kinh đô của vương quốc Pagan (Pagan Kingdom). Các quần thể kiến trúc tôn giáo hoành tráng tại Bagan phản ánh sức mạnh tôn giáo của một đế chế Phật giáo Nguyên thủy. Trong thời kỳ này, Phật giáo trở thành một thế lực kiểm soát chính trị với nhà vua là người đại diện. Nền văn minh Bagan đã giành quyền kiểm soát giao thông đường sông, mở rộng ảnh hưởng trên một khu vực rộng lớn. Các truyền thống làm công đức trong xã hội đã dẫn đến gia tăng việc xây dựng chùa, đền thờ, đặc biệt vào đầu thế kỷ 13.
Đế chế Pagan sụp đổ năm 1287 do các cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Bagan không còn là thủ đô vào năm 1297 khi vương quốc Myinsaing (Myinsaing Kingdom) trở thành cường quốc mới ở Thượng Myanmar (Upper Burma). Bagan dần thu hẹp lại thành một đô thị nhỏ. Mặc dù vậy, Bagan tiếp tục vai trò là một trung tâm tôn giáo quan trọng của quốc gia Myanmar.
Nhiều di tích tại Bagan bị hư hại trong trận động đất năm 1975 và sau đó được sửa chữa lại.
Đồng bằng Bagan, Myanmar nhìn từ phía sông Irrawaddy.
Bagan, Myanmar được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2019) với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Bagan là một bằng chứng đặc biệt và liên tục về một truyền thống văn hóa Phật giáo, đạt đến đỉnh cao của nền văn minh Bagan trong thế kỷ 11, 13 khi là thủ đô của một đế chế khu vực (vương quốc Pagan).
Tiêu chí (iv): Bagan là một ví dụ nổi bật, chứa một tập hợp phi thường về kiến trúc tượng đài Phật giáo, minh họa sức mạnh tôn sùng tôn giáo của một trong những đế chế Phật giáo lớn đầu tiên tại châu Á.
Tiêu chí (vi): Bagan là một ví dụ đặc sắc về tín ngưỡng và truyền thống Phật giáo sống động, thể hiện thông qua số lượng đáng kể các bảo tháp, chùa và thiền viện còn sót lại, được tiếp tục hỗ trợ bởi các hoạt động và truyền thống tôn giáo. Mặc dù bằng chứng về thực hành công đức là phổ biến ở nhiều địa điểm Phật giáo, nhưng những thành quả với quy mô và sự đa dạng làm cho Bagan trở nên đặc biệt.
Các khu vực Di sản
Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar bao gồm 7 khu vực (Compnent 1- 7), 6 khu vực bên này sông và 1 khu vực bên kia sông. Di sản lưu giữ 3.595 di tích, bao gồm bảo tháp, chùa và các cấu trúc khác để thực hành tâm linh Phật giáo.
Khu vực 1 (Compnent 1) có diện tích 4151,52ha, thuộc thành cổ Bagan (Old Bagan) nằm sát đoạn cong của sông Irrawaddy.
Khu vực 2 (Compnent 2) có diện tích 212,27ha, nằm tại phía Bắc Di sản, cạnh sông Irrawaddy, phía Đông của vùng Nyaung U.
Khu vực 3 (Compnent 3) có diện tích 13,61ha, nằm tại phía Đông Nam Di sản.
Khu vực 4 (Compnent 4) có diện tích 450,05ha, nằm tại phía Đông Nam Di sản, phía Tây của Khu vực 3.
Khu vực 5 (Compnent 5) có diện tích 25,21ha, nằm giữa Khu vực 1 và Khu vực 4.
Khu vực 6 (Compnent 6) có diện tích 2,1ha, nằm giữa Khu vực 1.
Khu vực 7 (Compnent 7) có diện tích 141,73ha, nằm bên kia sông Irrawaddy.
Sơ đồ các Khu vực tại Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
Sơ đồ vị trí 20 di tích tiêu biểu tại vùng 1 thuộc Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
Một số công trình tiêu biểu
Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar có rất nhiều công trình, dưới đây giới thiệu một số công trình tiêu biểu tại Khu vực 1.
Chùa tháp Shwezigan
Chùa tháp Shwezigan (Shwezigan Pagoda, trong hình vẽ ký hiệu 1, thuộc Khu vực 1), nằm tại phía Đông Bắc thành cổ Bagan, cạnh sông Ayeyarwady, được xây dựng vào năm 1059, dưới triều vua Anawrahta (sáng lập triều đại Pagan, trị vì trong giai đoạn năm 1044 - 1077) và được hoàn thành vào năm 1102 dưới triều vua Kyansittha (trị vì năm 1084 – 1113). Vua Kyansittha là một trong những vị vua Myanma vĩ đại nhất, tiếp nối vua Anawrahta tiến hành các cải cách xã hội, kinh tế và văn hóa. Myanma dưới sự cai trị của ông đã trở thành một cường quốc.
Chùa tháp Shwezigan nằm trong một quần thể với rất nhiều thiền viện, bảo tháp lớn, nhỏ bao quanh.
Chùa tháp Shwezigan thuộc loại chùa với cấu trúc đặc, kín của bảo tháp.
Chùa có mặt bằng hình vuông. Phần bệ dật cấp tạo thành 3 bậc thềm. Bốn phía có 4 tháp cổng và bậc thang lên sân thượng. Trên đỉnh sân thượng là các bệ dật cấp hình tròn, bên trên là một bảo tháp lớn có dạng hình chuông hay như một chiếc lọng. Bảo tháp được cho là nơi lưu giữ xá lỵ xương và răng của Phật Gautama (Thích Ca Mâu Ni). Đây cũng chính là đặc điểm kiến trúc nguyên mẫu cho chùa tháp tại Myanmar: Tháp cổng – Bậc thềm – Bảo tháp.
Tại 4 tháp cổng có 4 bức tượng Phật đứng bằng đồng, chiều cao từ 3,7 đến 4,0m: Kakusandha (tên của Đức Phật thứ 25 trong số 29 vị Phật) tại mặt tháp hướng về phía Bắc; Kassapa (tên của Đức Phật thứ 27) hướng về phía Nam; Konagamana (tên của Đức Phật thứ 26) hướng về phía Đông; Gautama (Thích Ca Mâu Ni – tên của Đức Phật đứng thứ 28) hướng về phía Tây. Cả 4 vị Phật được gọi là Phật thời hiện tại, mang ý nghĩa về sự toàn năng trong không gian và thời gian của Đức Phật.
Bên dưới bức tượng Phật Kassapa có một cặp dấu chân được chạm khắc tinh xảo trên đá sa thạch.
Ngoài ra, tại đây còn có một cột đá khắc chữ tiếng Mon về vua Kyansittha; có tới 550 bức phù điêu gạch tráng men trên sân thượng miêu tả sự tích Đức Phật (Jataka).
Công trình được xây dựng bằng gạch đất nung và đá sa thạch.
Ở lối vào chùa có những bức tượng khổng lồ con thú hình sư tử (leoglyphs).
Ngôi chùa được cải tạo nhiều lần sau các hư hại bởi động đất và các thiên tai khác.
Sau trận động đất năm 1975, công trình được tân trang lại với việc bao phủ hơn 30.000 tấm đồng. Mái vòm được mạ vàng. Song các bậc thềm phía dưới của bảo tháp vẫn còn lưu lại dạng ban đầu.
Phối cảnh tổng thể quần thể Chùa tháp Shwezigan,Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
Mặt bằng Chùa tháp Shwezigan,Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa tháp Shwezigan,Di sản Bagan
Trang trí xung quan phần bệ tại tháp cổng Chùa tháp Shwezigan,Di sản Bagan
Tượng Phật tại tháp cổng của Chùa tháp Shwezigan,Di sản Bagan
Chùa Gubyauknge (Wetkyi- in)
Chùa Gubyauknge (Gubyauknge Temple - Wetkyi- in, trong hình vẽ ký hiệu 2, thuộc Khu vực 1), nằm tại phía Đông Bắc thành cổ Bagan. Chùa nằm kề liền kênh đào Wetkyi-in được xây dựng vào thế kỷ 12, dưới triều vua Kyansitthar (trị vì từ năm 1084 đến năm 1113).
Chùa thuộc loại có cấu trúc rỗng (gu-style hollow temple) hay nội thất mở, được sử dụng để thiền định, thờ cúng và các nghi lễ Phật giáo khác.
Chùa Gubyauknge có mặt bằng hình vuông, hướng về phía Đông với một tiền sảnh hay bái đường rộng và nhô ra nhiều hơn tại cửa vào phía Đông. Bên trong chùa có một tuyến hành lang bao quanh chính điện. Giữa chính điện là linh vật – tượng Phật ngồi hướng về phía Đông. Phía Tây sau chính điện có một hốc tường, bên trong đặt tượng Phật. Tường xây bằng gạch trát vữa. Trên đỉnh chính điện là một ngọn tháp nhỏ.
Mặt bằng Chùa Gubyauknge, Di sản Bagan
Phối cảnh mặt trước Chùa Gubyauknge, Di sản Bagan
Chính điện Chùa Gubyauknge, Di sản Bagan
Chùa Htilominlo
Chùa Htilo Minlo (Htilominlo Temple, trong hình vẽ ký hiệu 3, thuộc Khu vực 1), nằm tại phía Đông Bắc thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1218 dưới triều vua Htilominlo (còn gọi là Nah, trị vì trong giai đoạn 1211- 1235)
Công trình được biết đến là ngôi chùa theo phong cách Myanmar cuối cùng được xây dựng ở Bagan.
Chùa cao 2 tầng với chiều cao 46m, được xây bằng gạch đỏ, trát bằng vữa trắng.
Tầng 1 có mặt bằng hình vuông với 4 lối vào. Sảnh vào phía Đông lớn hơn so với các hướng khác. Bên trong chính điện là một tuyến hành lang chạy bao quanh khối trung tâm 4 mặt. Mỗi mặt bố trí một tượng Phật. Hành lang hình vòm với 22 hốc, bên trong đặt các pho tượng Phật nhỏ. Mái tầng 1 dật cấp tạo thành 3 bậc thềm. Mỗi góc của mỗi bậc thềm đều được định vị bằng một tháp nhỏ. Dọc theo các bậc thềm là các bức phù điêu bằng gạch sa thạch tráng men màu xanh lá cây và màu vàng, miêu tả các sự tích về Đức Phật.
Tầng 2 thu nhỏ hơn so với tầng 1. Từ tầng 1 lên tầng 2 thông qua cầu thang xoắn ốc nằm trong tường. Bên trong tầng trên cũng có khối trung tâm 4 mặt với bức tượng thờ tại mỗi mặt.
Mái của khối tầng 2 cũng dật cấp tạo thành 3 bậc thềm. Mỗi bậc thềm đều được định vị bằng các tháp nhỏ tại các góc và chính giữa bậc thềm. Bậc thềm mái tầng 2 đỡ một bảo tháp lớn.
Ngôi chùa còn lưu giữ nhiều bức tranh tường, chạm khắc về sự tích Phật giáo tuyệt đẹp.
Mặt bằng Chùa Htilo Minl, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa Htilo Minl, Di sản Bagan
Tượng Phật và các tranh vẽ trên tường trong Chùa Htilo Minl, Di sản Bagan
Vữa trang trí và các mảng đất nung còn còn sót lại tại góc Chùa Htilo Minl, Di sản Bagan
Thiền viện Upali Thein
Thiền viện Upali Thein (Upali Ordination Hall, trong hình vẽ ký hiệu 4, thuộc Khu vực 1), nằm tại phía Đông Bắc thành cổ Bagan. Công trình được xây dựng dưới triều vua Anawrahta (trị vì năm 1044- 1077) do 4 nhà sư xây dựng và cúng tiến, chủ trì bởi sư Upali Thera.
Đây là một thiền viện Phật giáo, nơi đào tạo và phong chức cho các tu sĩ.
Tòa nhà hình chữ nhật, ban đầu làm bằng gỗ theo kiến trúc gỗ truyền thống Myanmar, sau đó được cải tạo lại bằng gạch. Trên mái, giữa nhà có một tháp nhỏ.
Công trình được biết đến với những bức bích họa nổi tiếng bên trong, được thực hiện dưới triều đại Konbaung (từ năm 1752 – 1885), bắt đầu từ năm 1794 và hoàn thành môt năm sau đó. Các bức tranh tường chia thành 3 phần. Phần cao nhất (đỉnh vòm), mô tả 28 vị Phật ngồi thiền định. Phần giữa mô tả các câu chuyện sự tích Đức Phật (Jataka) và phần thấp nhất (tường) mô tả sự phục hồi của một tu sĩ Phật giáo đã vi phạm giáo lý (Vinaya).
Phối cảnh mô hình Thiền viện Upali Thein, Di sản Bagan
Phối cảnh Thiền viện Upali Thein, Di sản Bagan
Nội thất Thiền viện Upali Thein, Di sản Bagan
Một bức bích họa bên trong Thiền viện Upali Thein, Di sản Bagan
Chùa tháp Ananda
Chùa tháp Ananda (Ananda Temple – hình vẽ ký hiệu 5, thuộc Khu vực 1) nằm tại phía Đông thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1105, dưới thời vua Kyansittha (trị vì năm 1084-1113), là một trong những vị vua Myanmar vĩ đại nhất của vương triều Pagan. Tên của ngôi chùa mang ý nghĩa “Trí tuệ vô tận” theo tiếng Phạn, và là cái tên rất phổ biến trong Phật giáo và Hindu giáo.
Ngôi chùa là một kỳ quan kiến trúc trong sự hợp nhất kiến trúc bản địa (Mon architectural style) và phong cách kiến trúc Ấn Độ. Chùa là công trình lớn nhất và hùng vĩ nhất được xây dựng tại thũng lũng Pagan.
Mặt bằng của chùa có dạng chữ thập, mỗi cạnh dài 87m. Khối chính điện có mặt bằng hình vuông, mỗi chiều rộng 53m. 4 mặt của khối chính điện nhô ra một khối sảnh 17m, tạo thành 4 khối bái đường gắn với 4 lối vào chính của chùa.
Bên trong khối chính điện là hai lớp hành lang bao quanh một khối đặc hình lập phương. Mỗi mặt của khối đặc có một khe hẹp với mặt bằng hình vuông và kiểu trần vòm cao (Chaitya Hall) tạo thành điện thờ (Worship Halls).
Bên trong 4 điện thờ là 4 tượng Phật khổng lồ đứng tại bốn mặt, mỗi tượng cao 9,5 mét với bệ cao 2,4m. Các vị Phật được trang trí bằng vàng lá, đại diện cho trạng thái niết bàn. Mỗi vị được đặt tên cụ thể: Kakusandha (tên của Đức Phật đứng thứ 25 trong số 29 vị Phật) hướng về phía Bắc; Konagamana (tên của Đức Phật đứng thứ 26) hướng về phía Đông; Kassapa (tên của một vị Phật, đứng thứ 27) hướng về phía Nam; Gautama (Thích Ca Mâu Ni – tên của Đức Phật đứng thứ 28 hướng về phía Tây. Tương tự như chùa tháp Shwezigan, 4 vị Phật trong chùa được gọi là Phật thời hiện tại, mang ý nghĩa về sự toàn năng trong không gian và thời gian của Đức Phật.
2 lớp hành lang chính bao quanh khối điện thờ được hình thành bởi các trụ cột lớn đỡ mái chùa.
Khối sảnh hay khối bái đường cũng có lớp hành lang bao quanh không gian bái đường. Bái đường có chiều cao 10,5m.
Khối chính điện cao hơn so với khối bái đường với chiều cao đến 51m.
Mái của khối chính điện dật cấp tạo thành bậc thềm. Phía trên là một bảo tháp lớn, hình dạng như một chiếc lọng (ô dạng chóp) được gọi là Hti, là tên của vật trang trí được tìm thấy ở hầu hết các chùa ở Myanmar, là một biểu tượng tốt lành trong Phật giáo và Ấn Độ giáo. Tại Myanmar xưa, Hti còn là một biểu tượng của quyền lực trong xã hội. Lọng màu trắng được dành cho vua và hoàng hậu; Lọng vàng dành cho các quan chức cao cấp và hoàng gia; Lọng đổ cho quan chức cấp thấp. Ngoài ra, trên mái chính điện, bái đường còn được trang trí bởi các bảo tháp nhỏ.
Chùa được xây dựng bằng gạch, được ốp bằng gạch đất nung tráng men.
Bên ngoài và bên trong chùa có hàng trăm bức phù điêu được chạm khắc từ đá núi lửa (sa thạch), gạch đất nung tráng men miêu tả cuộc sống của Đức Phật (Jataka), hoa sen...
Các bức tường bao bên ngoài chùa có chiều cao 12m, được trang trí bằng các bức tường lan can kiên cố.
Bên trong chùa Ananda còn có một thiền viện mang tên Ananda Oakkyaung (Ananda Oakkyaung Monastery), được xây dựng vào năm 113, là nơi sinh sống của các nhà sư trong chùa. Công trình được xây dựng bằng gạch đỏ.
Nhân dịp kỷ niệm 900 năm xây dựng được tổ chức vào năm 1990, các ngọn tháp của ngôi chùa đã được mạ vàng. Đây là một ngôi chùa rất được tôn kính tại Bagan.
Mặt bằng và mặt cắt Chùa tháp Ananda, Di sản Bagan
Hình vẽ mặt đứng Chùa tháp Ananda, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa tháp Ananda, Di sản Bagan
Tượng 4 vị Phật bên trong chính điện Chùa tháp Ananda, Di sản Bagan
Trang trí gạch tráng men tại Chùa tháp Ananda, Di sản Bagan
Thiền viện Ananda Oakkyaung bên trong quần thể Chùa Ananda, Di sản Bagan
Chùa tháp Thatbyinnyu
Chùa tháp Thatbyinnyu (Thatbyinnyu Temple – ký hiệu 6, thuộc Khu vực 1) nằm bên trong thành cổ Bagan, tiếp giáp với chùa tháp Ananda, được xây dựng vào thế kỷ 12 dưới thời vua Alaungsithu (trị vì trong giai đoạn 1113 – 1167).
Chùa tháp Thatbyinnyu cao 61 mét, cao nhất ở Bagan; mặt bằng hình chữ thập, nhưng không đối xứng.
Ngôi chùa tháp có 2 tầng. Tầng 1 như là phần bệ với các hốc đặt tượng. Mái của tầng 1 dật cấp với 3 bậc thềm. Phía trên 3 bậc thềm mái tầng 1 là chính điện tầng 2. Bên trong chính điện là điện thờ với tượng Phật ngồi.
Mái của tầng 2 cũng là mái dật cấp tạo thành 3 bậc thềm. Phía trên là một bảo tháp nhỏ.
Mặt cắt ngang và dọc Chùa tháp Thatbyinnyu, Di sản Bagan
Hình vẽ măt đứng phía Tây Chùa tháp Thatbyinnyu, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa tháp Thatbyinnyu, Di sản Bagan
Chùa Shwegugyi
Chùa Shwegugyi (Shwegugyi Temple – hình vẽ ký hiệu 7, thuộc Khu vực 1), nằm bên trong thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1140, dưới thời vua Alaungsithu (trị vì trong giai đoạn năm 1112 – 1167). Chùa được xây dựng trên một nền gạch cao 3m với các cửa sổ hình vòm, hoàn thành trong 7 tháng.
Shwegugyi có nghĩa là "Hang Vàng" ở Myanmar. Chùa nằm ở phía trước cung điện hoàng gia, vì vậy còn được gọi là "Nandaw Oo Paya" có nghĩa là "Ngôi chùa trước cung điện".
Chính điện có mặt bằng hình vuông gắn với một khối sảnh hay bái đường tại phía Bắc.
Trung tâm của chính điện là một cấu trúc hôp – điện thờ. 3 mặt có 3 tượng Phật nhỏ. Mặt thứ 4 hướng về sảnh là một hốc lớn, nơi đặt tượng Phật chính. Xung quanh điện thờ là hành lang với tường bao phía ngoài có các ô cửa sổ hẹp.
Mái của chính điện dật cấp với 3 bậc thềm. Trên cùng là các bậc thềm thu nhỏ lại, làm bệ cho bảo tháp đặt phía trên.
Mặt bằng Chùa Shwegugyi, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa Shwegugyi, Di sản Bagan
Chi triết trang trí sảnh vào Chùa Shwegugyi, Di sản Bagan
Tượng Phật bên trong chính điện tại Chùa Shwegugyi, Di sản Bagan
Chùa tháp Mahabodi
Chùa tháp Mahabodi (Mahabodhi Temple – hình vẽ ký hiệu 8, thuộc Khu vực 1), nằm bên trong thành cổ Bagan, được xây dựng vào giữa thế kỷ 13 dưới thời vua Htilominlo (còn gọi là Nandaungmya, trị vì trong giai đoạn 1211 – 1235). Chùa được mô phỏng theo đền Mahabodhi, nằm ở Bihar, Ấn Độ (Mahabodhi Temple, Di sản thế giới năm 2002). Công trình cao 2 tầng. Tầng dưới là một khối hộp. Tầng trên là một tháp lớn với nhiều hốc chứa 450 hình tượng Đức Phật. Bảo tháp có mặt bằng hình vuông, thu nhỏ dần lên phía trên, khác với các tháp hình chuông thông thường tại Bagan.
Chùa bị hư hại sau trận động đất năm 1975 và sau đó được sửa chữa lại.
Mặt cắt Chùa tháp Mahabodi, Di sản Bagan
Mặt đứng Chùa tháp Mahabodi, Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa tháp Mahabodi , Di sản Bagan
Tượng Phật bên trong chính điện Chùa tháp Mahabodi , Di sản Bagan
Chùa tháp Bupaya
Chùa tháp Bupaya (Bupaya Pagoda, hình vẽ ký hiệu 9, thuộc Khu vực 1) nằm ngay cạnh sông Ayeyarwady, bên trong thành cổ Bagan.
Chùa tháp Bupaya được cho là xây dựng bởi vị vua thứ ba của Pagan, Pyusawhti (trị vì từ năm 168 đến 243). Có nhiều ý kiến cho rằng chùa được xây dựng vào thế kỷ 9, hoặc thậm chí là thế kỷ 11. Ngôi chùa ban đầu đã bị phá hủy hoàn toàn trong trận động đất năm 1975. Chùa được xây dựng lại với vật liệu xây dựng hiện đại.
Chùa tháp Bupaya, Di sản Bagan, nguyên thủy năm 1868, bị phá hủy trong trận động đất năm 1975
Chùa tháp Bupaya, Di sản Bagan hiện tại
Chùa Gawdawpalin
Chùa Gawdawpalin (Gawdawpalin Temple – ký hiệu 10) nằm bên bờ sông Ayeyarwady, bên trong thành cổ Bagan, được xây dựng dưới triều vua Narapatisithu (trị vì năm 1174 - 1211) và hoàn thành vào năm 1227 dưới triều vua Htilominlo (trị vì năm 1211 - 1235). Chùa Gawdawpalin thuộc loài chùa với cấu trúc rỗng, mở (style hollow temple), là một cấu trúc được sử dụng để thiền định, thờ cúng đức Phật và các nghi lễ Phật giáo khác.
Đền Gawdawpalin là ngôi đền cao thứ hai ở Bagan, có bố cục tương tự như đền Thatbyinnyu.
Ngôi đền bị hư hại nặng nề trong trận động đất năm 1975 và được xây dựng lại trong những năm tiếp theo.
Chùa Gawdawpalin, Bagan vào năm 1855.
Chùa Gawdawpalin, Di sản Bagan hiện tại.
Chùa Mingalar Kyaung
Chùa Mingalar Kyaung (Mingalar/ Mimalaung Kyaung Temple - hình vẽ ký hiệu 11, thuộc Khu vực 1) nằm bên trong thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1174, dưới triều vua Narapatisithu (trị vì năm 1174 đến 1211), được coi là vị vua quan trọng cuối cùng của vương quốc Pagan.
Ngôi chùa nằm trên một bệ nền cao 4m. Từ mặt đất lên mặt bệ là một cầu thang với các quái thú nửa sư tử, nửa rồng hai bên. Trên mặt bệ là một điện thờ nhỏ, chỉ có một cửa ra vào.
Mặt bằng Chùa Mingalar Kyaung, Di sản Bagan
Mặt đứng Chùa Mingalar Kyaung, Di sản Bagan
Lối lên Chùa Mingalar Kyaung, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa Mingalar Kyaung, Di sản Bagan
Chùa Pahtothamya
Chùa Pahtothamya (Pahtothamya Temple – hình vẽ ký hiệu 12, thuộc Khu vực 1), nằm tại phía Nam thành cổ Bagan, được xây dựng dưới triều vua Taungthugyi (Nyaung U Sawrahan, trị vì năm 956- 1001).
Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất tại Bagan.
Chùa cao 1 tầng, có mặt bằng hình vuông, rộng 30m, cao 6m
Tại phía Đông có một sảnh hay bái đường dài 17m. Linh vật bên trong chính điện là tượng Phật lớn đặt chính giữa và hai bên có hai tượng Phật nhỏ. Chiếu sáng cho nội thất chính điện là các cửa sổ nhỏ. Các bức tường bên trong chính điện được trang trí bằng các bức tranh tường, được đánh giá là sớm nhất tại Bagan.
Bên trên của tòa chính điện là một mái có hình dạng như một bảo tháp.
Xung quanh còn có 4 ngôi đền nhỏ bao quanh với các bức tượng Phật bên trong.
Bên trong chùa có nhiều bức tranh theo phong cách Môn, được đánh giá là những bức tranh tường sớm nhất còn sót lại ở Bagan.
Mặt bằng Chùa Pahtothamya, Di sản Bagan
Mặt bên Chùa Pahtothamya, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Chùa Pahtothamya, Di sản Bagan
Tượng Phật bên trong chính điện Chùa Pahtothamya, Di sản Bagan
Đền Nathlaung Kyaung
Đền Kyaung Nathlaung (Nathlaung Kyaung Temple, hình vẽ ký hiệu 13, nằm tại phía Nam thành cổ Bagan. Đền thể hiện truyền thống kết nối tôn giáo trong thời kỳ Thị quốc Pyu, nơi các trường phái Hindu giáo, Phật giáo và tôn giáo bản địa hòa nhập.
Đền Kyaung Nathlaung là một trong những ngôi đền cổ nhất ở Bagan, được xây dựng vào thế kỷ thứ 11, dưới thời vua Anawrahta (sáng lập Đế chế Pagan, được coi là cha đẻ của quốc gia Myanmar, trị vì trong giai đoạn năm 1044 – 1077). Ngôi đền ban đầu được xây dựng cho người Myanmar theo Ấn Độ giáo, bao gồm các thương nhân và Bà la môn phục vụ nhà vua. Bà la môn (Brahmins) là danh từ chỉ một đẳng cấp, một hạng người rất được tôn trọng tại Ấn Độ, gồm các tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo.
Đây là ngôi đền Hindu duy nhất còn lại ở Bagan dành riêng cho thần Vishnu (là một trong những vị thần chính của Ấn Độ giáo. Vishnu, Brahma và Shiva hợp thành bộ tam thần trong văn hóa Ấn Độ.
Ban đầu, ngôi đền có 10 tượng hóa thân (Avatar) của Vishnu, bao gồm cả Phật Gautama. Ngày nay, chỉ còn bảy tượng. Ngôi đền gạch bị cô lập và không được sửa chữa trong nhiều năm, bị hư hại do động đất.
Bao quanh khối điện thờ là hành lang.
Điện thờ có 3 mặt đặt tượng hóa thân (Avatar) của Vishnu. Mặt phía Đông gắn với lối vào chính là một hốc lớn tạo thành không gian đặt linh vật chính.
Mặt bằng Đền Kyaung Nathlaung, Di sản Bagan
Phối cảnh mặt trước Đền Kyaung Nathlaung, Di sản Bagan
Chính điện Đền Kyaung Nathlaung, Di sản Bagan
Một trong bảy bức tượng hóa thân của Thần Vishnu trong Đền Nathlaung Kyaung. Ban đầu có 10 thần tượng.
Chùa Gubyaukgyi (Myinkaba)
Chùa Gubyaukgyi (Gubyaukgyi Temple/Myinkaba – ký hiệu 14), nằm ở phía Nam thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm vào năm 1113 bởi Hoàng tử Yazakumar, ngay sau cái chết của cha ông, vua Kyansittha (trị vì giai đoạn 1084- 1123).
Chùa lưu giữ các mảng lớn các bức bích họa được bảo quản tốt, là những bức tranh gốc lâu đời nhất được tìm thấy ở Bagan. Tất cả các bức bích họa đều kèm theo chú thích viết bằng tiếng Mon cổ, cung cấp một trong những ví dụ sớm nhất về việc sử dụng ngôn ngữ ở Myanmar.
Phong cách của ngôi chùa bao gồm cả hai yếu tố Mon (Myanmar) và Ấn Độ.
Các tòa tháp của ngôi đền được xây dựng theo phong cách Shikhara của Ấn Độ, là một trong những phong cách kiến trúc đền thờ Hindu.
Chính điện có mặt bằng hình vuông gắn liền với bái đường tại phía Đông. Bên trong điện thờ là một tượng Phật.
Chùa có 11 cửa sổ cho phép rất ít ánh sáng vào bên trong. Các bức tường bên trong có các hốc đặt tượng Phật.
Chùa Gubyaukgyi có tới 547 bức tranh tường được bảo tồn tốt. Các bức tranh miêu tả lịch sử Phật giáo và các sự kiện của vương quốc.
Ngoài ra tại đây còn có các bức tranh thêu dệt may với các bức hoa trang trí.
Mặt bằng Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Mặt cắt Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Mặt bên Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Trang trí bằng vữa bên trong Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Bức tranh tường miêu tả sự tích Đức Phật (Jātaka), bên trong Chùa Gubyaukgyi, Di sản Bagan
Chùa Manuha
Chùa Manuha Paya (Manuha Temple – hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại phía Nam của thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1059, dưới thời vua Manuha. Vị vua cuối cùng của Vương quốc Thaton (Thaton Kingdom) trong khu vực Hạ Miến Điện (Lower Burma), tồn tại từ thế kỷ thứ 4 TCN đến thế kỷ 11 sau CN. Manuha cai trị Thaton từ năm 1030 cho đến năm 1057 khi ông bị vua Anawrahta của Vương quốc Pagan đánh bại.
Chùa là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bagan, có mặt bằng hình chữ nhật, cao hai tầng.
Bên trong công trình có hình ảnh vị Phật ngồi và một hình ảnh Đức Phật nhập Niết Bàn.
Mặt bằng Chùa Manuha Paya, Di sản Bagan, Mandalay, Myanmar
Mặt cắt Chùa Manuha Paya, Bagan
Mặt đứng Chùa Manuha Paya, Bagan
Phối cảnh Chùa Manuha Paya, Bagan
Nội thất Chùa Manuha Paya với tượng Đức Phật nhập Niết Bàn, Di sản Bagan
Đền Nanpaya
Đền Nanpaya (Nanpaya Temple – hình vẽ ký hiệu 16) là một ngôi đền Hindu nằm tại phía Nam thành cổ Bagan, tiếp giáp với đền Manuha. Đền được xây dựng dưới thời vua Manuha (Makuta), vị vua cuối cùng của Vương quốc Thaton (Thaton Kingdom, là một thị quốc Pyu tập trung vào thành phố Thaton) trong khu vực Hạ Miến Điện (Lower Burma), tồn tại từ thế kỷ thứ 4 TCN đến thế kỷ 11 sau CN. Manuha cai trị Thaton từ năm 1030 cho đến năm 1057 khi ông bị vua Anawrahta của Vương quốc Pagan đánh bại.
Công trình được xây dựng bằng vữa bùn, đá sa thạch và gạch (lõi gạch, bao bên ngoài bằng đá sa thạch được chạm khắc), và được sử dụng làm nơi ở của vua Manuha. Ngôi đền chứa các hình chạm khắc phức tạp về Brahma (vị thần sáng tạo trong Ấn Độ giáo) và các vị thần Hindu khác. Ngoài ra, vì vua Manuha xuất thân là một người của dân tộc Mon (sinh sống tại khu vực đồng bằng sông Irrawaddy và biên giới phía nam với Thái Lan. Dân tộc Môn là một trong dân tộc truyền bá Phật giáo nguyên thủy tại khu vực Đông Nam Á, có ảnh hưởng lớn đến văn hóa Myanmar), trong đền có nhiều hình vẽ và biểu tượng của dân tộc Môn, trong đó biểu tượng về chim nước ( hinthas/hamsa, ví như thiên nga).
Đền Nanpaya còn được coi là một trong những chùa có dạng như chùa hang (chùa tạc vào đá với các mái vòm đỡ trần, ánh sáng nội thất hạn chế) đầu tiên tại Bagan. Đền có mặt bằng hình vuông gắn với một sảnh hay bái đường có mặt bằng hình chữ nhật tại phía Đông. Bên trong đền là một hành lang bao quanh điện thờ. Điện thờ là là một cấu trúc gắn với 4 cột đỡ vòm mái. Cửa sổ hẹp hạn chế ánh sáng vào bên trong, tạo cho chùa giống như một hang động.
Mặt bằng Đền Nanpaya, Di sản Bagan
Phối cảnh tổng thể Đền Nanpaya, Di sản Bagan
Nội thất chính điện Đền Nanpaya, Di sản Bagan
Gạch gốm trang trí Đền Nanpaya, Di sản Bagan
Chùa tháp Dhammayangyi
Chùa tháp Dhammayangyi (Dhammayangyi Temple – hình vẽ ký hiệu 17), nằm tại phía Nam thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1167- 1170, dưới triều vua Narathu (trị vì trong gia đoạn năm 1167-1171). Đây là một trong số các ngôi chùa tháp lớn nhất ở Bagan. Chùa có cấu trúc xây dựng như chùa tháp Ananda, được xây dựng bằng gạch vô cùng tinh xảo.
Đền Dhammayangyi nổi tiếng với hình dạng kim tự tháp lớn. Mô hình kim tự tháp này hoàn toàn khác biệt với cấu trúc của các ngôi chùa, đền truyền thống của Myanmar.
Đền nằm trong khuôn viên hình vuông, có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh dài 78m. 4 phía nhô ra 4 khối sảnh hay bái đường. Khối điện thờ rộng 25m mỗi bên, xung quanh là hệ thống hành lang.
Theo một số tài liệu, mặc dù chưa hoàn thành, ngôi đền này đã tiêu tốn khoảng 6 triệu viên gạch, chưa kể hệ thống đá làm nền nhà.
Sơ đồ mặt bằng Chùa tháp Dhammayangyi , Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa tháp Dhammayangyi , Di sản Bagan
Nội thất Chùa tháp Dhammayangyi , Di sản Bagan
Tượng Phật trong chính điện, Chùa tháp Dhammayangyi , Di sản Bagan
Chùa Sulamani
Chùa Sulamani (Sulamani Temple – hình vẽ ký hiệu 18) nằm tại phía Đông thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1183 bởi vua Narapatisithu (trị vì giai đoạn năm 1174- 1211).
Chùa Sulamani có ảnh hưởng từ chùa Dhammayangyi, được khôi phục sau trận động đất năm 1975, sau đó được xây dựng lại vào năm 1994.
Quần thể chùa được bao quanh bởi một bức tường với một cổng vòm lớn, hai bên có hai bảo tháp tròn nhỏ. Ban đầu, chùa còn có một số các tòa nhà khác như một phòng truyền giáo, một thư viện lưu giữ các kinh Phật và các khu nhà ở.
Chùa Sulamani cao 2 tầng.
Tầng 1 có bố cục mặt bằng hình vuông. Sảnh vào hay bái đường cả bốn phía, song sảnh phía Đông là sảnh chính nhô ra khỏi chính điện nhiều hơn so với sảnh các phía khác. Hành lang xung quanh chính điện chứa những bức bích họa và tranh tường từ nhiều thời đại khác nhau, mô tả cuộc đời của Đức Phật cũng như các động vật thần thoại như rắn Naga và sinh vật biển Makara. Các hốc trong tường của các hành lang bao quanh điện thờ là các hình ảnh Đức Phật ngồi trên bệ. Mái tầng 1 dật cấp tạo thành 3 bậc thềm mái.
Tầng 2 có bố cục mặt bằng hình vuông song nhỏ hơn so với tầng 1. Mái tầng 2 dật cấp tạo thành 3 bậc thềm mái đỡ bảo tháp phía trên cùng. Cấu trúc bảo tháp chùa Sulamani có nguồn gốc từ Bắc Ấn Độ, không mạ vàng. Phía trên đỉnh tháp là một trang trí hình chiếc lọng.
Các góc của cả bậc thềm mái tầng 1 và 2 đều chứa các ngọn tháp nhỏ hơn.
Tường của các bậc thềm trang trí các tấm đất nung tráng men mô tả 547 các câu truyện sự tích về Đức Phật. (Jataka). Các bệ cửa trên cửa ra vào và cửa sổ được chạm khắc bằng vữa tinh xảo.
Phối cảnh Chùa Sulamani, Di sản Bagan
Mặt đứng chính Chùa Sulamani, Di sản Bagan
Trang trí bên trong Chùa Sulamani, Di sản Bagan
Chùa Pyathada
Chùa Pyathada (Pyathada Temple – hình vẽ ký hiệu 19) nằm tại phía Đông thành cổ Bagan, được xây dựng vào đầu thế kỷ 13, bởi vua Kya Swar ( trị vì năm 1235-1250).Chùa Pyathadar là kiểu chùa hang với các ô cửa sổ hẹp cho rất ít ánh sáng vào trong. Ánh sáng lờ mờ bên trong tạo cho chùa giống với một hang động tôn giáo.
Công trình cao 2 tầng. Tầng 1, bên trong chính điện là một khối đặc vuông, xung quanh là hành lang. Có 4 sảnh ra vào, trong đó sảnh phía Đông có quy mô lớn hơn. Tầng 2 có hình dáng tương tự tầng 1, song nhỏ hơn.
Chùa được coi là công trình vĩ đại cuối cùng của triều đại Bagan.
Mặt bằng Chùa Pyathada, Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa Pyathada, Di sản Bagan
Chùa tháp Shwesandaw
Chùa tháp Shwesandaw (Shwesandaw Pagoda, ký hiệu 20), nằm tại phía Nam thành cổ Bagan, được xây dựng vào năm 1057, dưới triều vua Anawrahta (trị vì trong giai đoạn năm 1044 – 1077). Chùa có 5 bậc thềm tạo thành 5 hành lang cho tín đồ đi hành lễ xung quanh bảo tháp. Bảo tháp hình chuông (hay lọng). Bên trong bảo tháp lưu giữ xá lị là những sợi tóc linh thiêng của Đức Phật Thích Ca. Dọc theo các bức tường của các bậc thềm là những viên gạch tráng men, bề mặt là các bức phù điêu miêu tả sự tích Đức Phật.
Mái vòm hình chuông của bảo tháp Shwesandaw được lấy làm hình mẫu cho các ngôi chùa tháp xây dựng những năm sau này.
Mặt bằng Chùa tháp Shwesandaw, Di sản Bagan
Phối cảnh Chùa tháp Shwesandaw, Di sản Bagan
Di sản Bagan, Mandalay là biểu tượng nổi bật về một nền văn hóa giàu truyền thống của đất nước Myanmar.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1588/
https://en.wikipedia.org/wiki/Myanmar
https://en.wikipedia.org/wiki/Sino-Tibetan_languages
https://en.wikipedia.org/wiki/Mon_people
https://en.wikipedia.org/wiki/Bagan
http://bagan.travelmyanmar.net
https://en.wikipedia.org/wiki/Shwezigon_Pagoda
http://bagan.travelmyanmar.net/gubyauknge-temple-wetkyiin.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Htilominlo_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Upali_Ordination_Hall
https://en.wikipedia.org/wiki/Ananda_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Thatbyinnyu_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Shwegugyi_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Mahabodhi_Temple,_Bagan
https://en.wikipedia.org/wiki/Bupaya_Pagoda
https://en.wikipedia.org/wiki/Gawdawpalin_Temple
http://bagan.travelmyanmar.net/mimalaungkyaung.htm
http://bagan.travelmyanmar.net/pahtothamya-temple.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Nathlaung_Kyaung_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Gubyaukgyi_Temple_(Myinkaba)
https://en.wikipedia.org/wiki/Manuha_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Nanpaya_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Dhammayangyi_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/Sulamani_Temple
http://bagan.travelmyanmar.net/pyathadar-temple.htm
https://en.wikipedia.org/wiki/Shwesandaw_Pagoda_(Bagan)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |