Thông tin chung:
Công trình: Quần thể đền chùa hang Ellora (Ellora Caves)
Địa điểm: Làng Verul, phân khu Khulatabad Taluk, quận Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ (N20 1 35.004 E75 10 45.012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Quần thể bao gồm 34 hang
Năm hình thành: 600- 1000 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1983; hạng mục i ; iii ; vi)
Ấn Độ (India) là một quốc gia tại Nam Á, có diện tích 3.287.263 km2 (đứng thứ 7 trên thế giới); dân số khoảng 1324 triệu người (năm 2016).
Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương tại phía Nam, biển Ả Rập phía Tây Nam, vịnh Bengal phía Đông Nam, giáp Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal, Bhutan ở phía Đông Bắc; Myanmar và Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.
Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation) thời Cổ đại, có các tuyến đường buôn bán mang tính lịch sử cùng với những đế quốc rộng lớn, giàu có về thương mại và văn hóa.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN), tại đây đã xuất hiện các đô thị lớn với số dân hàng vạn người, được quy hoạch với hệ thông thoát nước, cấp nước phức tạp, nhà gạch nung, các kỹ thuật mới trong hoạt động thủ công mỹ nghệ và luyện kim…
Sự phân tầng xã hội, dựa trên đẳng cấp, xuất hiện trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Sự tập quyền chính trị sớm nhất diễn ra dưới thời đế chế Maurya (Maurya Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 322 - 187 TCN); đế chế Shunga (Shunga Empire, tồn tại trong giai đoạn 187- 78 TCN) và đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 319 đến 550).
Trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ 13 sau Công nguyên tại Tiểu lục địa Ấn Độ tồn tại nhiều vương quốc (Middle kingdoms of India). Các vương quốc này có ảnh hưởng to lớn đến nền văn hóa của khu vực xung quanh, lan truyền đến tận Đông Nam Á.
Đây cũng là nơi bắt nguồn của 4 tôn giáo nội sinh lớn:
Hindu giáo (Hinduism/ Ấn Độ giáo) là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, xuất phát từ khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh), là sự hợp nhất hay tổng hợp các nền văn minh truyền thống Ấn Độ khác nhau và không có người sáng lập; hình thành từ năm 500 TCN đến 300 sau Công nguyên, sau khi kết thúc thời kỳ Vệ Đà (Vedic period, năm 1500 – 500 TCN), phát triển mạnh trong thời Trung cổ, cùng với sự suy tàn Phật giáo ở Ấn Độ. Hindu giáo bao gồm các nhóm tôn giáo khác biệt nhau về triết lý, song được liên kết bởi các khái niệm chung, các nghi thức, vũ trụ học, tài nguyên văn bản Hindu (luận về thần học, triết lý, thần thoại, kinh Vệ Đà, Yoga, nghi lễ, cách thức xây dựng đền thờ) và tập tục hành hương đến các địa điểm linh thiêng. Bốn giáo phái lớn nhất của Hindu giáo là Vaishnavism, Shaivism, Shaktism và Smartism.
Phật giáo (Buddhism) do Đức Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama/ Tất đạt đa Cồ đàm, năm 624 TCN – 534 TCN) sáng lập. Sau này phân hóa thành nhiều nhánh: Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông, Thượng tọa, Tiểu thừa); Phật giáo Đại thừa (Bắc tông, Đại chúng); Phật giáo Chân ngôn (Tây Tạng, Mật tông, Kim cương thừa).
Jaina giáo (Jainism/Kỳ Na giáo) do Đức Jina Mahavira (năm 599 TCN – 527 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ với triết lý và phương thức thực hành dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn;
Sikh giáo (Sikhism) do Đức Guru Nanak (15/4/1469- 22/9/1539) sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, giữa Pakistan và Ấn Độ.
Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện các tôn giáo ngoại nhập như: Do Thái giáo (Judaism), Bái Hỏa giáo (là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại), Cơ Đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islamic). Các tôn giáo này được truyền đến Ấn Độ vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, bổ sung vào văn hóa đa dạng của khu vực.
Vào thời Trung cổ, phần lớn miền Bắc Ấn Độ thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (Delhi Sultanate), kéo dài trong khoảng 320 năm (năm 1206- 1526); Miền Nam Ấn Độ phân thành nhiều vương quốc nhỏ, ví dụ như: Vương quốc Vijayanagara (Vijayanagara Empire): nằm trên Cao nguyên Deccan (Deccan Plateau), tồn tại năm 1336 - 1646; Vương quốc Đông Ganga (Eastern Ganga dynasty): nằm tại khu vực ven biển phía Đông, giữa sông Mahanadi và sông Godavari, tồn tại vào thế kỷ 11- đầu thế kỷ 15.
Vào thế kỷ 16, Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1857) hình thành, chinh phục các vương quốc nhỏ, mở rộng lãnh thổ ra gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Afghanistan với số dân vào giai đoạn cực thịnh lên đến 150 triệu người.
Tiểu lục địa Ấn Độ dần bị Anh thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ 18, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh từ giữa thế kỷ 19.
Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947, sau cuộc đấu tranh giành độc lập do Mahatma Gandhi (2/10/1869 – 30/1/1948) lãnh đạo.
Ngày nay Ấn Độ là một liên bang, bao gồm 29 bang và 7 vùng lãnh thổ thuộc liên bang. Dưới bang là các đơn vị hành chính: quận (huyện, khu); phân khu và làng xã.
Maharashtra là một bang nằm ở miền Tây Ấn Độ, giáp biển Ả Rập (Arabian See), thủ phủ là thành phố cảng biển Mumbai, trước đây còn gọi là Bombay.
Aurangabad là một thành phố du lịch thuộc quận Aurangabad, bang Maharashtra, được bao quanh bởi nhiều Di sản thế giới, trong đó có Quần thể chùa hang Ajanta (Ajanta Caves, Di sản thế giới) và Đền chùa hang Ellora (Ellora Caves).
Bản đồ Ấn Độ và vị trí bang Maharashtra tại phía tây Ấn Độ
Quần thể đền chùa hang Ellora nằm cách 29km về phía Tây Bắc thành phố Aurangabad, bang Maharashtra; cách khoảng 100 km về phía Tây Quần thể chùa hang Ajanta; cách 300 km về phía Đông Bắc thành phố cảng Mumbai.
Ellora là một vùng đất tương đối bằng phẳng của dãy núi Sahyadri, còn gọi là Western Ghats. Đây là nơi hoạt động của núi lửa vào thời cổ đại, phun trào tạo ra nhiều lớp đá bazan, hình thành cao nguyên Deccan.
Vị trí xây dựng Quần thể đền chùa hang Ellora liên quan đến tuyến đường thương mại Nam Á cổ đại, nối trung tâm tiểu lục địa Ấn Độ tới thành phố cảng Mumbai ra biển Ả Rập. Đây không chỉ là địa điểm của điện thờ, thiền viện và nơi dừng chân cho khách hành hương với mục đích lan truyền và phổ biến tôn giáo, mà còn trở thành một trung tâm phục vụ cho mục đích thương mại (nơi cầu nguyện may mắn cho việc buôn bán) quan trọng tại khu vực cao nguyên Deccan, phía Nam Ấn Độ.
Quần thể đền chùa Ellora được tạc vào trong các vách đá bazan và là một trong những quần thể kiến trúc hang động nhân tạo bằng đá lớn nhất thế giới với các tác phẩm tượng, điêu khắc, tranh nghệ thuật Phật giáo, Hindu giáo, Jaina giáo, có từ thời năm 600- 1000 sau Công nguyên.
Hơn 100 hang động đã được khai quật tại ngọn đồi mang tên Charanandri (Charanandri Hills), 34 trong số đó mở cửa cho công chúng vào thăm quan, gồm: 12 hang động Phật giáo (Hang ký hiệu 1 đến 12); 17 hang động Hindu giáo (Hang 13- 29 ) và 5 hang động Jaina giáo (Hang 30 - 34). Mỗi nhóm hang đại diện cho các vị thần, thánh và thần thoại đang thịnh hành trong thiên niên kỷ thứ 1 sau Công nguyên và cũng là điện thờ, thiền viện của mỗi tôn giáo tương ứng.
Các hang này được xây dựng gần nhau và minh họa sự hòa hợp tôn giáo tồn tại vào thời Ấn Độ cổ đại.
Tất cả các di tích của Quần thể hang Ellora được xây dựng trong thời kỳ Tiểu lục địa Ấn Độ có nhiều vương quốc (Middle kingdoms of India). Về thời gian xây dựng, có ý kiến cho rằng: Các đền chùa hang Phật giáo và Hindu giáo được xây dựng dưới thời vương triều Kalachuri (Kalachuri dynasty, cai trị ở phía Tây trung tâm tiểu lục địa Ấn Độ giữa thế kỷ thứ 6- 7) và vương triều Rashtrakuta (Rashtrakuta dynasty, cai trị phần lớn Tiểu lục địa Ấn Độ giữa thế kỷ thứ 6 – 10); Các đền hang Jaina giáo được xây dựng dưới thời vương triều Yadava (Yadava/ Seuna dynasty, cai trị phần đất phía Tây tiểu lục địa Ấn Độ giữa thế kỷ 9 – đầu thế kỷ 14).
Tài trợ cho việc xây dựng được cung cấp bởi hoàng gia, thương nhân và những người giàu có trong khu vực.
Hang động Ellora là các hang mô phỏng đền, chùa, thiền viện được tạc vào trong đá, bao gồm cả từ tầng hầm bên dưới đến tháp bên trên; các chuỗi không gian từ hiên, bái đường đến chính điện và không gian phụ xung quanh. Tất cả được tạc hay cắt vào trong đá theo nguyên tắc từ trên xuống.
Trong 34 hang động Ellora có nhiều chạm khắc và tranh vẽ trên đá.
Nhiều hang động trong Quần thể đền chùa hang Ellora rất nổi tiếng.
Hang 16 hay Đền Kailasanatha là công trình được tạc vào đá nguyên khối lớn nhất thế giới; có hình tượng như cỗ xe dành riêng cho thần Shiva (Đấng tối cao, Thần hủy diệt, là một trong ba vị thần tối cao của Hindu giáo – Trimurti, cùng với thần Brahma - Thần Sáng tạo và thần Vishnu - Thần Bảo trợ). Đền Kailasanatha còn được cho là bách khoa toàn thư về kiến trúc hang động Ấn Độ do tổng hợp thành công các truyền thống lâu đời về chạm khắc hang động tại miền Tây và Nam Ấn Độ với sự tham gia của thợ thủ công các vùng khác nhau tại Ấn Độ, được đánh giá như là một phong cách mang tầm quốc gia.
Các hang động Quần thể hang Ellora còn có nhiều bản chữ khắc (được mang tên Chữ khắc Ellora) của các vị vua, nhà tu hành và các nhà tài trợ.
Quần thể đền chùa hang Ellora bị bỏ hoang trong một thiên niên kỷ, được phát hiện vào năm 1819 (do các sĩ quan người Anh tìm thấy trong một cuộc săn hổ).
Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1983) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ được xây dựng không gián đoạn từ năm 600 đến 1000 sau Công nguyên, bao gồm 34 điện thờ và thiền viện. Các công trình được tạc toàn bộ vào một vách đá bazan kéo dài hơn 2 km, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực kiến trúc, công nghệ xây dựng, nghệ thuật Phật giáo, Hindu giáo và Jaina giáo, có ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật Ấn Độ giai đoạn tiếp sau.
Tiêu chí (iii): Quần thể đền chùa hang Ellora Ajanta, gồm các điện thờ và thiền viện Phật giáo, Hindu giáo và Jaina giáo, được tạc vào đá là một bằng chứng về nền văn minh của Ấn Độ cổ đại. Đây không chỉ là một sáng tạo độc đáo về nghệ thuật và công nghệ, mà còn minh họa cho tinh thần văn hóa khoan dung đặc trưng của Ấn Độ cổ đại.
Tiêu chí (vi): Quần thể đền chùa hang Ellora trưng bày các tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ thể hiện các sự kiện, nhân vật, tín ngưỡng và nghệ thuật gắn với 3 tôn giáo Phật giáo, Hindu giáo và Jaina giáo.
Vị trí của các hang tại Di sản Quần thể đền chùa hang Ellora
Di tích Phật giáo (Hang ký hiệu 1- 12) chiếm phần phía Nam của Quần thể. Di tích Hindu giáo (Hang 13-29) nằm tại phần giữa của Quần thể. Di tích Jaina giáo (Hang 30-34) tách thành một cụm nằm tại phía Bắc của Quần thể. Dưới đây là các tóm tắt một số hang nổi bật.
Di tích Phật giáo (Phần 1)
Hang động 1-12 là những chùa hang Phật giáo. Hang số 10 là điện thờ (Chaitya), các hang còn lại là thiền viện (Vihara). Những hang động Phật giáo được xây dựng trong khoảng năm 630-700 hoặc năm 600- 730.
Hang động Phật giáo được xây dựng sớm nhất là Hang ký hiệu 6, sau đó 5, 2, 3, 5 , 4, 7, 8, 10 và 9. Các Hang ký hiệu 11 và 12 được xây dựng sau cùng.
Điện thờ là nơi thờ Phật, thường có mặt bằng hình chữ nhật hẹp, mặt cắt kiểu trần vòm cao (Chaitya Hall) và một đầu là bảo tháp. Cấu trúc hang điện thờ thường có hàng hiên, bái đường, chính điện với bảo tháp hoặc phòng thờ. Trên bề mặt hang, cột đỡ trần đều được trang trí các phù điêu.
Thiền viện không chỉ là nơi ở của cư sĩ, mà còn là kho lưu trữ ngũ cốc, nước và thực phẩm cho du khách. Cấu trúc hang thiền viện thường có mặt bằng hình vuông, bố cục đối xứng, gồm một không trung tâm (sảnh chính) và bao quanh là các hốc hay hang nhỏ, là nơi có các giường được chạm khắc vào trong đá. Hang thiền viện cũng có phòng thờ, nơi đặt tượng Phật, Bồ tát và các vị thánh. Trên bề mặt hang, cột đỡ trần đều trang trí các phù điêu.
Hang ký hiệu 5, 10, 11 và 12 là những hang động Phật giáo quan trọng về mặt kiến trúc. Sự phân biệt phong cách kiến trúc của hang không chỉ từ bố cục mặt bằng, điêu khắc mà còn vào cách thức trang trí cột.
Hang ký hiệu 1
Hang 1 (Cave 1) là hang thiền viện (Vihara), nằm tại vị trí đầu tiên, phía Nam của Quần thể. Hang có cấu trúc gồm:
Hiên sâu vào trong vách đá với cột đỡ mái hiên (hiện chỉ còn lại tàn tích, đang được phục dựng lại) ;
Sảnh chính có mặt bằng hình vuông; 8 phòng ở của cư sĩ bố trí tại mặt phía Bắc và Đông của sảnh với kích thước rộng 12,5m và sâu 12,8m ; 1 phòng không hoàn chỉnh nằm phía ngoài hang.
Hang 1 là di tích Phật giáo đơn giản, tại đây không có cột .
Hang 1: Mặt bằng hang
Hang 1: Mặt trước
Hang 1: Bên trong sảnh chính với các cửa vào phòng ở của cư sĩ.
Hang ký hiệu 2
Hang 2 (Cave 2) có mặt bằng điển hình của hang thiền viện (Vihara), gồm:
Hiên chiều rộng hẹp không có cột.
Sảnh chính có mặt bằng hình vuông, bao quanh bởi hàng 12 cột. Cột theo chiều cao được phân thành 4 đoạn: Đoạn phía dưới hay bệ cột có tiết diện hình vuông với các trang trí tại phần diềm phía trên; Đoạn giữa hay thân cột có tiết diện hình bát giác hoặc hình tròn với các trang trí phù điêu; Đoạn trên hay đầu cột có hình khối cầu bẹt với các gờ trang trí. Đoạn trên cùng là phần mũ cột hay tấm đỉnh cột để đỡ trần dạng hình chữ T đơn giản, không có trang trí.
Tại đây không có các phòng ở riêng cho các tu sĩ mà ở chung trong 2 dãy hành lang hai bên. Phía sau sảnh có 3 phòng, một phòng thờ chính với tượng Phật ngồi và 2 phòng thờ nhỏ hai bên. Các bức tường xung quanh sảnh chính được trang trí phù điêu tượng Phật và tông đồ theo sự tích Phật giáo.
Có lẽ hang được cải tạo từ thiền viện thành điện thờ.
Hang 2: Mặt bằng
Hang 2: Mặt trước
Hang 2: Sảnh chính
Hang 2: Phòng thờ chính
Hang ký hiệu 3
Hang 3 (Cave 3) có mặt bằng điển hình của hang thiền viện (Vihara), gồm:
Hiên của hang chỉ còn tàn tích, mái đã bị hư hại hoàn toàn.
Không gian trung tâm hay sảnh chính có mặt bằng hình vuông, kích thước 13,7m x13,7m, cao 3,35m, bao quanh bởi 12 cột. Cột theo chiều cao được phân thành 4 đoạn: Bệ cột có tiết diện hình vuông thu hẹp dần lại theo chiều cao; Thân cột rất ngắn, có tiết diện hình hình tròn với các trang trí gờ theo chiều dọc; Đầu cột là khối cầu bẹt với các gờ trang trí như tai cột tại 4 góc; Tấm đỉnh cột đỡ trần là một khối có tiết diện chữ nhật với các điêu khắc trang trí.
Bao quanh không gian trung tâm là một hành lang gắn với 11 phòng ở cho cư sĩ và một phòng thờ tại chính giữa.
Các bức tường dọc hành lang bao quanh sảnh chính được trang trí bởi phù điêu tượng Phật và tông đồ theo các sự tích Phật giáo.
Hang 3: Mặt bằng
Hang 3: Mặt trước
Hang 3: Nội thất sảnh chính và phòng thờ
Hang 3: Phù điêu trang trí tường hai bên sảnh chính
Hang ký hiệu 4
Hang 4 (Cave 4) hang thiền viện (Vihara), gồm:
Sảnh chính, rộng 10,6m, sâu 12,2m, nhưng hiện chỉ còn một nửa, có thể do hiện tượng sụt lở và chưa được hoàn thành.
Sau sảnh chính là một tiền phòng với 2 cột và 3 phòng. Cột của Hang 4 tương tự như cột của Hang 3, khác biệt là tấm đỉnh cột chỉ là một khối hình hình hộp to bằng phần cột dưới.
Phòng chính giữa trục sảnh là phòng thờ. Bên trong phòng thờ có tượng Phật ngồi dưới gốc cây, hai bên là các vị Bồ tát.
Hang 4: Mặt bằng hang
Hang 4: Tàn tích mặt trước
Hang 4: Nội thất phong thờ
Hang ký hiệu 5 – Chùa hang Mahawara
Hang 5 (Cave 5/ Mahawara Cave ) là hang thiền viện (Vihara) quy mô lớn. Phía trên là thác nước đổ xuống khi mưa lớn. Hang gồm :
Sân phía trước hang, hiện đã bị sạt lở chỉ còn một góc.
Sảnh chính có mặt bằng hình chữ nhật kéo dài như một hội trường với kích thước 35,7m x 17,7m. Bên trong có một cặp ghế hoặc bàn thấp đặt song song ở giữa, được cho là nơi ăn hoặc hội họp của cư sĩ. Xung quanh sảnh chính có 24 cột. Hình dáng cột đa dạng. Cột phía ngoài cùng có hình dạng như cột của Hang 3 với đầu cột có 4 tai cột tại các góc. Cột phía trong sảnh có hình dạng như cột của Hang 2 với đầu cột như một khối cầu bẹt.
Hai bên sảnh chính là 22 phòng ở cho cư sĩ và sảnh phụ. Phía trong cùng là một phòng thờ với một bức tượng Phật bên trong.
Hang 5: Mặt bằng
Hang 5: Mặt trước, phía dưới thác nước
Hang 5: Sảnh chính có mặt bằng hình chữ nhật với hai dãy ghế đá
Hang ký hiệu 6
Hang 6 (Cave 6) là hang thiền viện (Vihara) có mặt bằng bố cục như ghép lại của thiền viện và điện thờ. Điện thờ nằm tại trung tâm và hai thiền viện nằm tại hai bên.
Điện thờ gồm: Phần hiên và sảnh hiện đã hư hại hoàn toàn; Bái đường được giới hạn bởi 2 hàng cột của 2 thiền viện hai bên. Trong cùng là điện thờ với tiền sảnh có 2 cột và phòng thờ có tượng Phật, Bồ tát, các nữ thần.
Thiền viện hai bên điện thờ có cấu trúc tương tự như nhau, song hang bên phải đã bị hư hại hoàn toàn phần phía trước. Về cơ bản thiền viện gồm : Hàng hiên với 4 cột đỡ mái hiên; Sảnh chính với mặt bằng hình vuông, rộng 8,5m và sâu 7,6m. Thiền viện bên trái có 6 phòng ở; Thiền viện bên phải có 4 phòng ở.
Cột trong hang có hai loại :
Cột tại điện thờ (có hình dạng tương tự như cột trong Hang 3) theo chiều cao được phân thành 4 đoạn: Bệ cột có tiết diện hình vuông, góc trên cùng có trang trí ; Thân cột rất ngắn, có tiết diện hình hình tròn với các trang trí gờ theo chiều dọc và ngang; Đầu cột có hình khối cầu với các gờ trang trí như tai cột tại 4 góc; Tấm đỉnh cột là một khối tiết diện chữ nhật với các điêu khắc trang trí.
Cột tại sảnh thiền viện có kích thước nhỏ hơn so với cột tại điện thờ, theo chiều cao được phân thành 4 đoạn: Bệ cột có tiết diện hình vuông; Thân cột có tiết diện hình hình tròn với các trang trí gờ theo chiều dọc và ngang; Đầu cột có hình khối cầu bẹt với các gờ trang trí ; Tấm đỉnh cột là dầm tiết diện chữ nhật chạy nối 4 đầu cột.
Bên trong các bức tường có rất nhiều tác phẩm điêu khắc.
Hang 6: Mặt bằng hang
Hang 6: Mặt trước, nhìn vào sảnh chính và điện thờ
Hang 6: Mặt trước tiền sảnh thiền viện bên trái
Hang 6: Hiên giữa hai hang và tiền sảnh điện thờ
Hang ký hiệu 7
Hang 7 (Cave 7) là hang thiền viện (Vihara) nằm phía dưới Hang 8.
Hang có mặt bằng đơn giản, không có hiên, chỉ có 3 cửa ra vào (cửa bên phải đã bị sạt lở).
Sảnh chính của hang hình vuông với 4 cột đỡ trần. Xung quanh sảnh chính có 12 phòng, là nơi ở của cư sĩ, trong đó chỉ có 3 phòng là được xây dựng hoàn chỉnh với mặt bằng hình vuông, còn lại là những hốc nhỏ. Trong hang không có phòng thờ, chỉ có một số ít phù điêu nữ thần.
Cột trong hang tương tự như cột của Hang 3, song phần bệ cột đơn giản với tiết diện hình vuông, không có trang trí.
Hang 7: Mặt bằng hang
Hang 7: Mặt trước
Hang 7: Sảnh chính với các cửa vào phòng ở.
Hang ký hiệu 8
Hang 8 (Cave 8) là hang thiền viện (Vihara) nằm phía dưới của Hang 9.
Hang bị bao quanh bởi các vách đá nên không có mặt trước.
Phía trước hang có hai phòng, trong đó một phòng có mái hiên với 2 cột đỡ trần.
Bên trong hang có bố cục như là sự kết hợp giữa thiền viện và điện thờ.
Phần phía trước là thiền viện với sảnh chính mặt bằng hình vuông có 4 cột đỡ trần.
Phần phía sau là điện thờ với trung tâm là bảo tháp có hành lang đi vòng xung quanh. Hai bên của thiền viện và điện thờ là 7 phòng ở cho cư sĩ, trong đó một phòng có mặt bằng hình tròn.
Cột trong hang tương tự như cột của Hang 3, song phần bệ cột đơn giản với tiết diện hình vuông và một số cột được bổ sung thêm phần gờ dật cấp tại chân cột.
Hang 8: Mặt bằng hang
Hang 8: Phòng thờ phía trước hang với phù điêu tượng Phật
Hang 8: Nội thất sảnh thiền viện, phía trong là không gian điện thờ với bảo tháp đặt tại trung tâm
Hang ký hiệu 9
Hang 9 (Cave 9) là hang thiền viện (Vihara) nằm phía trên của Hang 7 và 8. Đây là hang thiền viện quy mô nhỏ, gồm : Sảnh chính gắn với hiên có 2 cột ; Một phòng ở tập trung cho cư sĩ ; Trong cùng là 3 hốc thờ.
Điểm đặc biệt của hang chủ yếu là mặt tiền được trang trí công phu với 6 tượng Phật ngồi bên trong các vòm cong chữ S (Gavaksha), tượng Phật đứng và các hoa văn. Cột của mặt tiền có hình dáng như cột của Hang 3, 6 được trang trí phù điêu trên cả phần thân cột tiết diện bát giác.
Hang 9: Mặt bằng
Hang 9: Mặt trước với các trang trí tượng Phật và hoa văn
Hang 9: Trang trí tượng Phật bên trong 3 hốc thờ.
Hang ký hiệu 10 – Chùa hang Vishvakarma
Hang 10 (Cave 10/ Vishvakarma Cave) là một trong những hang nổi bật nhất trong nhóm Di tích Phật giáo. Hang là một điện thờ (Chaitya) lớn kết hợp với thiền viện (Vihara), được xây dựng vào khoảng năm 650. Hang mang tên của vị thần Vishvakarman, là biểu tượng của vũ trụ, điểm khởi đầu của tất thảy mọi thứ, trước cả thời gian.
Hang cao 2 tầng. Tầng 1 là điện thờ, tầng 2 là thiền viện.
Tầng 1 gồm:
Hàng hiên trước hang cắt sâu vào trong vách đá, tạo thành hình chữ U. Phía trước hiên có một phòng với 3 cột nhỏ. Bên trong hiên có 12 cột lớn. Từ hàng hiên có các phòng nhỏ bao quanh, trong đó có có hai phòng thờ với tiền sảnh nhỏ.
Bên trong hiên là điện thờ có mặt bằng chữ nhật dài 25,9m, rộng 13,1m, cao 10,3m. Trần nhà dạng vòm (Apsidal). Mặt dưới mái vòm đá được cắt tạo thành các khung hay sườn giả gỗ làm nổi bật chiều cao của vòm hang. Vì vậy hang này còn được gọi là "Hang thợ mộc". Phía dưới hay chân của vòm mái trang trí nữ thần rắn Naga và các nhân vật như vũ công và nhạc sĩ.
Bao quanh chính điện là một hàng 30 cột cao 4,3m, trong đó có 28 cột tiết diện hình bát giác và 2 cột hình vuông.
Cuối chính điện là một bảo tháp đường kính 4,8m và cao 8,2m.
Phía trước bảo tháp là một bức điêu khắc tạo thành vòm cao 5,2m. Bên trong vòm là tượng Phật ngồi trong tư thế thuyết giáo, cao khoảng 3,4m, hai bên có hai vị hộ pháp. Sau lưng tượng Phật là chạm khắc cây Bồ đề.
Tầng 2 nằm chồng lên phần hàng hiên hình chữ U của tầng 1, gồm :
Hành lang hình chữ U như tầng 1 và 6 phòng ở cho cư sĩ.
Chính giữa là 1 phòng thờ và 2 hốc thờ hai bên.
Hang 10 có nhiều chạm khắc trang trí, từ mặt hiên bên ngoài đến nội thất bên trong với các họa tiết Hindu giáo như nữ thần Apsara và các nhà tu sĩ đang thiền định.
Bề mặt tầng 2 Hang 10 có các cửa sổ dạng vòm (gavaksha/chandrashala), là loại vòm được tạo bởi 2 hay nhiều đường cong tạo thành hình chữ S hoặc nhiều đỉnh nhọn (ogee gothic).
Hang 10 về cơ bản có hai loại cột :
Cột trong điện thờ: là cột có hình dạng đơn giản, theo chiều cao chỉ bao gồm 2 đoạn: Thân cột hình bát giác hoặc hình vuông và mũ cột (không có phần bệ cột cột và tấm đỉnh đỉnh cột).
Cột tại hàng hiên: có hình thức tương tự như cột tại Hang 3, được phân thạnh 4 đoạn: Bệ cột có tiết diện hình vuông; Thân cột rất ngắn, có tiết diện hình hình tròn với các trang trí gờ theo chiều dọc và ngang; Đầu cột là khối cầu bẹt với các gờ trang trí như tai cột tại 4 góc; Tấm đỉnh cột đỡ trần là một khối có tiết diện chữ nhật.
Hang 10: Mặt bằng tầng 1
Hang 10: Mặt bằng tầng 2
Hang 10: Mặt trước
Hang 10: Cột hàng hiên
Hang 10: Nhìn từ hành lang tầng hai xuống sân
Hang 10: Chính điện mái vòm với bức tượng Phật ngồi trước bảo tháp
Hang ký hiệu 11 – Chùa hang Do Tal
Hang 11 (Cave 11/ Do Tal Cave) là hang thiền viện (Vihara) cao 3 tầng.
Tầng 1 gồm : Một sân rộng phía trước hang. Góc phía trước sân có 2 phòng ; Một hàng hiên dài 31,1m, rộng 2,7m với 8 cột và cầu thang lên tầng 2 ; Phía sau hiên có 2 phòng, trong đó có một phòng thờ.
Tầng 2 gồm : Hàng hiên chồng lên hàng hiên tầng 1 cũng với 8 cột. Phía sau hiên là 4 phòng nhỏ và một phòng chính với sảnh phụ có 2 cột và bệ thờ.
Tầng 3 gồm : Hàng hiên tương tự như tầng 2 và 1 với 8 hàng cột ; Phía sau hiên là một không gian chạm khắc sâu vào phía trong tạo thành 3 lớp không gian: Tiền sảnh với 4 hàng cột ; Đại sảnh với hàng 8 cột đặt chính giữa ; Sảnh phụ với 2 cột và phòng thờ phía trong cùng. Ngoài ra, tại tầng 3 cũng có một vài phòng và hang nhỏ.
Các cột trong Hang 11 dường như chưa được xây dựng xong, mới phân vị các đoạn cột song chưa chạm khắc.
Hang được cho là một thiền viện Đại thừa với các thần tượng, biểu tượng vũ trụ (mandala) được khắc vào tường và nhiều thần tượng liên quan đến Phật giáo Kim cương thừa.
Đây là hang động Phật giáo (cùng với Hang 12) được xây dựng cuối cùng tại Quần thể Ellora.
Hình ảnh của nữ thần Durga (vị thần bất khả chiến bại, thần Mẫu trong đạo Hindu) và Ganesha (vị thần tài trí, hạnh phúc và thành công với đầu voi mình người) được khắc trên tường của đại sảnh cho thấy hang động này sau đó đã được chuyển đổi thành đền thờ Hindu giáo.
Hang 11 : Mặt bằng tầng 1
Hang 11 : Mặt bằng tầng 2
Hang 11 : Mặt bằng tầng 3
Hang 11 : Mặt trước
Hang 11 : Hành lang
Hang 11: Phòng chứa nước với tượng Phật trang trí bên trong, tại bên phải sân trong
Hang 11: Hàng lang tầng 1
Hang 11 : Hiên tầng 2 với cầu thang xuống tầng 1
Hang 11 : Đại sảnh tầng 3 với hàng cột
Hang 11 : Tranh trang trí tại tường và trần
Hang ký hiệu 12 – Chùa hang Tin Tal
Hang 12 (Cave 12/ Tin Tal Cave) là hang thiền viện (Vihara) cao 3 tầng.
Tầng 1 gồm: Sân phía trước, được các vách đá bao kín chỉ có một cửa ra vào. Trong sân có 1 phòng thờ lớn và 1 phòng nhỏ; Đại sảnh với 4 hàng cột, mỗi hàng 8 cột; Xung quanh đại sảnh có 12 phòng ở của cư sĩ; Chính giữa phía trong đại sảnh là một tiền sảnh nhỏ với 4 cột đỡ trần, trong cùng là phòng thờ.
Tâng 2 gồm: Hiên với 8 cột; Hai đầu của hiên là hai phòng nhỏ và cầu thang. Tiếp đó đến là một tiền sảnh với 4 cột và bức tường 2 bên chạm khắc các bức tượng Phật. Từ đây dẫn vào đại sảnh với 2 hàng cột, mỗi hàng có 8 cột. Bao quanh đại sảnh là 17 phòng ở cho cư sĩ. Trong cùng là một tiền sảnh nhỏ với 2 cột, dẫn vào phòng thờ.
Tầng 3 gồm : Đại sảnh rộng với 5 hàng, mỗi hàng có 8 cột. Một góc đại sảnh là cầu thang và môt phòng nhỏ. Trong cùng, tương tự như tầng 2, là một tiền sảnh nhỏ với 2 cột, dẫn vào phòng thờ. Các bức tường xung quanh đại sảnh được trang trí nhiều tượng Phật.
Tương tự như các cột trong Hang 11, cột trong Hang 12 dường như chưa được xây dựng xong, mới phân vị các đoạn cột song chưa chạm khắc.
Hang 12 : Mặt bằng tầng 1
Hang 12 : Mặt bằng tầng 2
Hang 12 : Mặt bằng tầng 3
Hang 12 : Mặt trước hang
Hang 12 : Phòng thờ trong sân
Hang 12 : Sảnh chính tầng 1
Hang 12 : Sảnh chính tầng 2, phía trước phòng thờ
Hang 12 : Sảnh chính tầng 3
Hang 12 : Sảnh chính tầng 3 phía trước phòng thờ
Hang 12 : Bức tường sảnh chính trang trí 7 vị Phật tại tầng 3
Di tích Hindu giáo (Phần 2)
Di tích Jain giáo (Phần 3)
Di sản Quần thể đền chùa hang Ellora cũng tương tự như các Di sản thế giới khác, hiện đang được số hóa, cung cấp thông tin trên web.
Giao diện màn hình trang WEB: The Ellora caves ( https://elloracaves.org/about.php)
Di sản Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ không chỉ là một sáng tạo độc đáo về nghệ thuật và công nghệ, mà còn minh họa cho tinh thần văn hóa khoan dung đặc trưng của Ấn Độ cổ đại. Quần thể đền chùa hang Ellora (cùng với Chùa hang Ajanta) là nơi được người Ấn Độ tôn kính và là điểm du lịch nổi tiếng nhất ở bang Maharashtra, Ấn Độ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/243
https://en.wikipedia.org/wiki/Ellora_Caves
https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism
https://en.wikipedia.org/wiki/Hinduism
https://en.wikipedia.org/wiki/Vaishnavism
https://en.wikipedia.org/wiki/Shaktism
https://en.wikipedia.org/wiki/Ramayana
https://en.wikipedia.org/wiki/Mahabharata
https://en.wikipedia.org/wiki/Jainism
https://en.wikipedia.org/wiki/Tirthankara
https://en.wikipedia.org/wiki/Rashtrakuta_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Kalachuri_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Seuna_(Yadava)_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Pallava_art_and_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Hindu_temple_architecture
https://en.wikipedia.org/wiki/Kailasa_temple,_Ellora
https://elloracaves.org/caves.php
https://www.sahapedia.org/the-architecture-of-ellora-caves
http://indiathatwas.com/ellora-cave-1/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|