Thông tin chung:
Công trình: Các công trình hai bờ sông Seine, Paris (Paris, Banks of the Seine)
Địa điểm: Paris, Pháp (N48 51 30 E2 17 39)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích 367ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1991; hạng mục i, ii, iv)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715), còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ Nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ Tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ Tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie.vào năm 1958. Nền Đệ Ngũ cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của tổng thống Charles de Gaulle (nhiệm kỳ năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 4 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45). .
Bản đồ nước Pháp và vị trí thủ đô Paris
Thủ đô Paris nằm ở phía Bắc nước Pháp và cũng là trung tâm hành chính của vùng Île-de-France, có diện tích khoảng 105km2, dân số khoảng 2,14 triệu người (năm 2019).
Trước thế kỷ 10, Paris nằm ở điểm giao của các tuyến thương mại đường bộ, đường sông và là thủ phủ của một vùng nông nghiệp giàu có; Vào thế kỷ 10, Paris đã là một trong những thành phố chính của Pháp với các cung điện hoàng gia, tu viện và nhà thờ; Từ thế kỷ 12, trở thành một trong những trung tâm của châu Âu về giáo dục và nghệ thuật; Thế kỷ 14, Paris là thành phố quan trọng bậc nhất của Cơ Đốc giáo. Từ thế kỷ 17, Paris nổi tiếng với tên gọi Kinh đô ánh sáng, là một trong những trung tâm tài chính, ngoại giao, thương mại, thời trang, khoa học và nghệ thuật lớn của châu Âu; Trong thế kỷ 18, đây là nơi diễn ra Cách mạng Pháp (năm 1789 - 1799) cùng nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của Pháp và châu Âu. Đến thế kỷ 19 và 20, Paris trở thành một trong những địa điểm văn hóa và du lịch hàng đầu thế giới, là nơi đặt trụ sở chính của các tổ chức quốc tế như OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế với 36 thành viên là quốc gia phát triển nhất thế giới); UNESCO...
Vào thế kỷ 21, Paris tiếp tục là một trong những điểm nút của các dòng chảy kinh tế và văn hóa lớn nhất thế giới và được coi như một trong bốn "thành phố toàn cầu" cùng với New York, Luân Đôn và Tokyo.
Paris là một thành phố sông, được xây dựng dọc theo hai bên bờ sông Seine với tâm là đảo Île de la Cité, tại khúc quanh giữa ngã ba sông Marne và sông Oise.
Sông Seine là một con sông dài 777 km, bắt nguồn từ Source-Seine (nằm cách 30 km về phía Tây Bắc thành phố Dijon, thủ phủ của tỉnh Côte-d'Or, vùng Bourgogne-Franche-Comté) chảy qua Paris đổ vào eo biển Manche (English Channel) tại Le Havre. Trong nhiều thế kỷ, sông Seine đã trở thành một tuyến đường thủy thương mại quan trọng trong lưu vực Paris, đặc biệt là giữa Paris và Le Havre.
Sông Seine đoạn chạy qua Paris có hình là một đường cong dài hơn 13 km, cắt thành phố thành hai phần: Bờ trái (rive gauche) và Bờ phải (rive droite). Sông có độ sâu từ 3,40 m - 5,70 m, chiều rộng 30m đến 200 m. Dòng sông được bắc qua bởi 37 cây cầu, trong đó có 4 cầu đi bộ. Dọc theo gần 2 km bờ sông Seine ở Paris là lối đi hai tầng.
Kể từ những khu định cư đầu tiên của các bộ lạc thời tiền sử, sông Seine luôn đóng cả vai trò không gian phòng thủ và kinh tế. Các công trình chính của thành phố được hình thành trên các khu đất tạo ra bằng cách làm khô đầm lầy và đắp đất tại các vùng trũng, cùng với đó là việc xây dựng bến cảng, đường dọc sông và các cây cầu nối hai bờ sông.
Nhiều quảng trường và đại lộ lớn tại phía Tây thành phố được xây dựng dưới thời Haussmann (27/3/1809 – 11/1/1891; tỉnh trưởng tỉnh Seine - tỉnh cũ bao gồm cả thành phố Paris từ năm 1853 – 1870, người chỉ huy cải tạo lại Paris dưới thời Đệ nhị Đế chế Pháp) đã biến Paris từ một thành phố Trung cổ thành một thành phố hiện đại, truyền cảm hứng cho việc xây dựng các thành phố lớn của Pháp, châu Âu và châu Mỹ. Các đường phố xây dựng trong giai đoạn này còn được gọi chung là đường phố theo phong cách Haussmann.
Khu vực lịch sử dọc theo sông Seine (Historical district along the Seine) của thành phố Paris hiện tại, phát triển từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, thể hiện sự tiến hóa của mối quan hệ hữu cơ giữa dòng sông và thành phố, gắn liền với: Quy hoạch đô thị và bố trí các công trình kiến trúc dọc theo hai bên bờ sông Seine; Kết nối nối hai bên bờ sông qua hệ thống cầu và đảo Ile de la Cité, đảo Ile St Louis; Hình thành tuyến đường theo hướng Bắc – Nam qua sông; Xây dựng các bến cảng và phân luồng vận tải trên sông…
Dần dần, các công trình xây dựng ven sông làm hành lang cây xanh ven sông bị thu hẹp lại. Song sông Seine vẫn giữ vai trò quan trọng là trung tâm của hoạt động đô thị, trước hết là các hoạt động liên quan đến nước (vận tải) và công trình công cộng, nhà ở tập trung dọc theo bờ sông.
Phối cảnh chim bay thành phố Paris vào năm 1615 (được tạo bởi thợ khắc người Thụy Sĩ Matthäus Merian)
Cầu Pont Neuf được xây dựng bằng đá đầu tiên trên sông Seine, Paris, Pháp vào năm 1607
Cầu Alexandre III (Pont Alexandre III) là một trong những cây cầu đẹp nhất Paris, xây dựng năm 1900, là quà tặng của Hoàng đế Nga Alexandre III cho nước Pháp nhân dịp Triển lãm quốc tế năm đó.
Thị trưởng Haussmann, người chỉ huy cải tạo lại Paris, biến Paris từ một thành phố Trung cổ thành một thành phố hiện đại,
Tại đây có rất nhiều quần thể kiến trúc nổi tiếng:
- Khu vực đảo mang tên Ile Saint Louis, khu vực đầu cầu Quai Malaquais và Quai Voltaire đã trở thành ví dụ điển hình của quy hoạch đô thị và thiết kế kiến trúc tại Paris vào thế kỷ 17, 18.
- Cụm các di tích chính của Paris được xây dựng dọc theo dòng sông và mở ra sông: Nhà thờ Đức Bà Paris (Cathedral of Notre Dame de Paris) là kiến trúc tiêu biểu của thời Trung cổ; Cây cầu bằng đá đầu tiên mang tên Pont Neuf minh họa tinh thần Phục hưng của Pháp; Các công trình mẫu mực của chủ nghĩa cổ điển Pháp như Điện Louvre (Louvre Palace), Điện Invalides (Les Invalides), Trường Quân sự (Ecole Militaire)…
- Cụm các công trình được bảo tồn của Triển lãm toàn cầu diễn ra ở Paris trong thế kỷ 19 và 20, đặc biệt là Tháp Eiffel, một biểu tượng của Paris và của kiến trúc bằng sắt thép được công nhận trên toàn cầu...
Từ Bảo tàng Louvre đến Tháp Eiffel, từ Quảng trường Concorde đến Cung điện lớn và Cung điện nhỏ (Grand và Petit Palais) thể hiện các mốc lịch sử phát triển của Paris; Nhà thờ Đức Bà Paris là kiệt tác kiến trúc; Còn hình mẫu các quảng trường và đại lộ rộng lớn dưới thời thị trưởng Haussmann đã ảnh hưởng to lớn đến việc quy hoạch của nhiều đô thị trên toàn thế giới vào cuối thế kỷ 19 và 20.
Tất cả đều có thể nhìn thấy dọc theo hai bờ sông Seine.
Sơ đồ vị trí một số công trình nổi tiếng dọc hai bờ sông Seine
Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp được UNESCO tôn vinh là Di sản (năm 1991) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Bờ sông Seine là nơi gắn liền với một loại các tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực kiến trúc và đô thị. Các công trình này được thực hiện từ thời Trung cổ đến thế kỷ 20, bao gồm Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre, Viện nghiên cứu Pháp (Institut de France), Điện Invalides, Quảng trường Concorde, Trường Quân sự (Ecole Militaire), Kho bạc Monnaie (Mint), Cung điện lớn (Grand Palais) trên đại lộ Champs Elysées, Tháp Eiffel và Tòa nhà Palais de Chaillot.
Tiêu chí (ii) : Các tòa nhà dọc theo sông Seine, như Nhà thờ Đức Bà và Nhà thờ Sainte Chapelle thể hiện sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, là nguồn gốc của sự truyền bá kiến trúc Gothic, còn quy hoạch Quảng trường Concorde và kiến trúc của Điện Invalides có ảnh hưởng lớn đến phát triển đô thị của các thủ đô châu Âu. Mô hình quy hoạch đô thị vào thời của thị trưởng Haussmann, tại phần phía Tây của thành phố, đã truyền cảm hứng cho việc xây dựng các thành phố lớn của châu Mỹ, đặc biệt là ở Mỹ Latinh. Cuối cùng, Tháp Eiffel và Cung điện lớn và Cung điện nhỏ (Grand và Petit Palais), Cầu Alexandre III và Tòa nhà Palais de Chaillot, bằng chứng sống động của các triển lãm toàn cầu, có tầm quan trọng về công nghệ, nghệ thuật tạo hình, thiết kế cảnh quan tại thế kỷ 19 và 20.
Tiêu chí (iv) : Hợp nhất bởi phong cảnh sông nước hùng vĩ, các di tích, kiến trúc của các tòa nhà đại diện dọc theo bờ sông Seine ở Paris tạo thành các bức tranh thể hiện sự hoàn hảo, là một vị dụ nổi bật minh họa phong cách, nghệ thuật trang trí và phương pháp xây dựng được sử dụng trong gần tám thế kỷ.
Phạm vi Di sản Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
Hình vẽ: Vị trí 18 hạng mục công trình chính thuộc Di sản Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp: Trong hình vẽ ký hiệu 1 - Tháp Eiffel; 2- Công viên Champ de Mars; 3- Trường Quân sự; 4-Vườn Trocadero; 5- Bảo tàng Tokyo; 6 - Điện Invalides; 7 - Cung điện lớn và Cung điện nhỏ; 8- Quảng trường Concorde; 9 - Nhà thờ Madeleine; 10- Vườn Tuileries; 11- Bảo tàng Louvre; 12- Cung điện Bourbon; 13- Bảo tàng Orsay; 14- Trường Nghệ thuật Quốc gia; 15-Viện Nghiên cứu Pháp; 16- Đảo mang tên Ile de la Cite; 17- Đảo mang tên Ile Saint Louis; 18 - Tòa Thị chính Paris.
18 hạng mục công trình chính trong khu vực Di sản gồm:
Tháp Eiffel
Tháp Eiffel (Eiffel Tower, hình vẽ ký hiệu 1) là một công trình kiến trúc bằng thép nằm trong công viên Champ de Mars, cạnh bờ phía Nam sông Seine.
Tháp được đặt theo tên của Gustave Eiffel (kỹ sư xây dựng người Pháp, 15/12/1832 – 27/12/1923, giám đốc công ty thiết kế và xây dựng tòa tháp). Ông và các đồng nghiệp của mình như Stephen Sauvestre (kiến trúc sư người Pháp, 26/12/1847 – 18/6/1919), Maurice Koechlin (kỹ sư kết cấu người Pháp – Thụy Sĩ, 8/3 1856 – 14/1/1946) và Emile Nouguier (kỹ sư kết cấu và kiến trúc sư người Pháp, 17/2/1840 – 23/11/1897) xây dựng công trình cho Triển lãm thế giới năm 1889 và cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.
Năm 1884, Gustave Eiffel, Émile Nouguier và Maurice Koechlin đã đăng ký bằng sáng chế xây dựng tháp với độ cao hơn 300m. Sau đó, Gustave Eiffel đã mua bản quyền từ hai người kia với chi phí là một phần trăm tổng thu nhập của tòa tháp nếu nó được xây dựng.
Tháp Eiffel được xây dựng từ năm 1887 đến năm 1889, là công trình cao nhất thế giới (so với nền xung quanh, tháp cao 300m, nếu kể cả cột ăng ten trên đỉnh cao 325m) và giữ vững vị trí này trong suốt hơn 40 năm sau đó.
Tháp Eiffel, ngoài chức năng làm biểu tượng cho Triển lãm thế giới năm 1889 tại Paris, quảng bá công nghệ xây dựng của Pháp, còn được sử dụng cho mục đích du lịch và khoa học. Ngày nay, tháp là một trạm phát sóng truyền thanh và truyền hình cho vùng đô thị Paris.
Ban đầu, công trình gây ra những tranh cãi về vẻ thẩm mỹ, công năng. Tuy vậy, Tháp Eiffel vẫn giành được thành công nhanh chóng, trở thành địa điểm thu hút du khách bậc nhất tại Paris, trở thành biểu tượng của "Kinh đô ánh sáng" và là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng toàn cầu.
Kỹ sư Gustave Eiffel
Sơ đồ thể hiện kích thước chính Tháp Eiffel
Tháp Eiffel, thuộc Di sản Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
Tầng mặt đất
Bốn chân trụ của tháp tạo thành một hình vuông lớn, mỗi cạnh dài 125 mét.
Mỗi chân trụ của tháp là một bệ bê tông mặt bằng hình vuông mỗi cạnh 25m, cao 4m. Kết cấu thép của thân tháp được neo vào chân trụ bê tông bằng các bu lông đường kính 10 cm và dài 7,5 m.
Ban đầu, tại đây có các nhà hàng kiểu Pháp, Nga, Bỉ (Flemish) và quán bar kiểu Anh. Sau này nhà hàng kiểu Bỉ được đổi thành phòng biểu diễn với 250 chỗ ngồi.
Cầu thang máy đặt ở các chân phía Đông và Tây. Còn cầu thang bộ nằm ở chân tháp phía Đông, gồm 1.665 bậc lên tới đỉnh nhưng chỉ mở cho công chúng lên tới tầng ba. Ở chân tháp phía Nam còn có một cầu thang máy dành riêng cho nhân viên và khách của nhà hàng Le Jules Verne trên tầng hai.
4 chân tháp nghiêng vào trong và được liên kết bởi một hệ dàn hình vòng cung. Dàn vòng cung này đặt tại độ cao 39m so với mặt đất với đường kính 74m. Vòng cung được trang trí cầu kỳ, không chỉ giúp chân tháp vững chắc mà còn chức năng trang trí. Vòm do kiến trúc sư Sauvestre thiết kế (ông cũng là người thiết kế gian hàng kính tại tầng hai, vòm nhỏ - cupola trên đỉnh tháp và chọn màu sắc của tháp).
Tầng hai
Đặt tại độ cao 57m so với mặt đất, có mặt bằng hình vuông với diện tích 4.200 m2, chứa được khoảng 3.000 du khách. Một hành lang rộng 2,6m chạy bao quanh tầng hai, cho phép du khách ngắm nhìn toàn cảnh Paris. Mặt phía ngoài hành lang ghi tên 72 nhà khoa học hàng đầu của thế giới trong hai thế kỷ 18 và 19. Tầng hai có nhà hàng ẩm thực mang tên Le 58 Tour Eiffel.
Tầng ba
Đặt tại độ cao 115m so với mặt đất, có mặt bằng hình vuông với diện tích 1.650m2, chứa được khoảng 1.600 du khách. Đây là địa điểm lý tưởng nhất để ngắm nhìn Paris. Dưới sàn có những ô kính cho phép du khách ngắm nhìn xuống mặt đất. Tại đây có nhà hàng ẩm thực Le Jules Verne nổi tiếng.
Tầng bốn
Đặt tại độ cao 275m so với mặt đất, có mặt bằng hình vuông với diện tích 350 m2, chứa được khoảng 350 du khách. Tại đây có phòng mang tên Gustave Eiffel, là nơi dành cho việc thực hiện các quan sát khí tượng, các thí nghiệm về hoạt động của sức cản không khí khi các vật thể rơi xuống…Ngày nay, đây là phòng lưu niệm trưng bày các bức tượng sáp thể hiện cảnh Gustave Eiffel đón tiếp nhà phát minh sáng chế người Mỹ Thomas Edison, khi đến thăm tháp vào năm 1889.
Đỉnh tháp
Đặt một cột thu phát sóng được lắp vào năm 1957, hoàn thành năm 1959, phủ sóng analog cho một vùng khoảng 10 triệu gia đình. Năm 2005, thiết bị được nâng cấp thành đài phát truyền hình kỹ thuật số mặt đất đầu tiên của Pháp.
Hình ảnh chân Tháp Eiffel, Paris, Pháp
Mặt phía ngoài tầng 2 Tháp Eiffel ghi tên 72 nhà khoa học hàng đầu của thế giới trong hai thế kỷ 18 và 19
Xây dựng
Có tới 1.700 bản vẽ chung và 3.629 bản vẽ chi tiết của 18.038 phần khác nhau được thực hiện. Mức độ chính xác tại vị trí các lỗ đinh tán liên kết các cấu kiện thép chỉ được phép sai số trong phạm vi 0,1mm. Cấu kiện thép được sản xuất tại một nhà máy ở ngoại ô, lắp ráp lại với nhau thành các khối nhỏ (khoảng dưới 3 tấn), sau đó được vận chuyển bằng xe ngựa đến công trường.
Tổng cộng, 18.038 mảnh đã được nối với nhau bằng 1.050.810 đinh tán.
Tháp nặng 7.300 tấn. Nếu kể cả trọng lượng thang máy, cửa hàng, angten…tổng trọng lượng của tháp khoảng 10.100 tấn.
Tháp được thi công xây dựng theo kiểu lắp hẫng (cantilever). Riêng phần chân tháp được thực hiện thông qua hệ thống giàn giáo gỗ đặt xung quanh tháp. Có khoảng 300 lao động trên công trường xây dựng. Việc chế tạo hệ thống thang máy (động cơ thủy lực) phục vụ cho việc lên các tầng của tháp cũng là một trong tiến bộ về công nghệ thang máy thời bấy giờ. Đặc biệt là hệ thống thang máy nghiêng lên tầng 3 và 4.
Một trang tài liệu bản vẽ thi công xây dựng Tháp Eiffel, Paris, Pháp
Hình ảnh thi công Tháp Eiffel, Paris, Pháp vào ngày 15/5/1888: Bắt đầu thi công ở tầng 2; Dưới chần tháp là hệ thống dàn giáo gỗ
Hình ảnh lắp đặt thang máy tại Tháp Eiffel, Paris, Pháp
Sau khi triển lãm, Eiffel đã tận dụng căn hộ của mình trên đỉnh tháp để thực hiện các quan sát khí tượng, đồng thời sử dụng tòa tháp để thực hiện các thí nghiệm về hoạt động của sức cản không khí trên các vật thể rơi tự do. Tháp không bị tháo dỡ (theo như thỏa thuận ban đầu, chỉ tồn tại trong 20 năm, đến năm 1909) và được xây dựng bổ sung, ví dụ như: Bố trí lại thang máy về vị trí và thay thế bằng công nghệ hiện đại hơn; Lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng...Khoảng 7 năm tháp được sơn lại một lần để ngăn rỉ sét. Màu sơn sáng hơn ở phía trên, tối dần về phía dưới để bổ sung cho bầu trời Paris. Ban đầu tháp có màu nâu đỏ; năm 1968 thành màu đồng được gọi là "Eiffel Tower Brown".
Tháp Eiffel là nguồn cảm hứng cho việc tạo ra các bản sao tòa tháp khắp nơi trên thế giới. Hơn 250 triệu người đã đến thăm kể từ khi tháp được hoàn thành vào năm 1889.
Công viên Champ de Mars
Công viên Champ de Mars (hình vẽ ký hiệu 2), nằm cạnh sông Seine, có chiều dài 780m, từ tuyến đường Quai Branly, chân Tháp Eiffel ở phía Tây Bắc tới quảng trường Place Joffre, phía trước Trường Quân sự École (École Militaire) tại phía Đông Nam. Công viên có chiều rộng 220m, giữa đại lộ Avenue de la Bourdonnais ở Đông Bắc và Avenue de Suffren ở Tây Nam.
Tên của công viên được đặt theo tên Campus Martius, một khu vực công cộng ở Roma, nước Ý. Champ de Mars có nghĩa Cánh đồng của thần Mars, vị thần chiến tranh. Cái tên này cũng liên quan đến đây là nơi diễu hành của quân đội Pháp.
Vào thế kỷ 16, khu vực chỉ là cánh đồng rộng trồng nho và rau thuộc về hai tu viện Saint Germain des Prés và Sainte Geneviève. Bá trước Argenson Marc Pierre de Voyer de Paulmy (nhà quân sự Pháp, 16/8/1696 – 26/8/1764) nhân danh Nhà nước mua lại khu đất này để xây dựng Trường École militaire. Khu đất đã được san phẳng, đào hào nước và xây dựng hàng rào sắt bao quanh, trở thành một bãi tập quân sự cho khoảng 1 vạn người.
Công trình được xây dựng vào năm 1765, là một phần của École Militaire do Ange Jacques Gabriel (người Pháp, 23/10/1698 – 4/01/1782, kiến trúc sư trưởng của Vua Louis 15) thiết kế, là bước đầu tiên hướng tới công viên Champ de Mars ở dạng hiện tại.
Những năm sau này, Champ de Mars là địa điểm của Triển lãm Thế giới (Expositions Universelles) vào các năm 1867, 1878, 1889, 1900 và 1937.
Công viên Champ de Mars có trục trung tâm theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Đây là trục bố cục của cầu Pont d'Iéna qua sông Seina, Tháp Eiffel, và Trường École Militaire.
Đại lộ Avenue Joseph Bouvard cắt qua công viên với một vòng tròn xuyến lớn, chia Champ de Mars thành hai phần. Chạy dọc công viên Champ de Mars là một bãi cỏ dài, được phân chia bởi các nhiều tuyến đường nhỏ vuông góc nhau. Trong công viên đặt một số tác phẩm điêu khắc, trong đó có bức tượng bán thân của Gustave Eiffel; Bức tường vì hòa bình (Mur pour la Paix; công trình bao gồm một khung kim loại được trang trí bằng gỗ, thép không gỉ và kính, dài 16m, rộng 13m và cao 9m. Trên mặt kính lớn được trang trí chữ "hòa bình" bằng 44 ngôn ngữ khác nhau, trong đó có tiếng Việt).
Ngày nay, Champ de Mars là nơi diễn ra nhiều lễ hội lớn của Paris, ngày quốc khánh Pháp, cũng như một số ngày lễ khác. Đây là khoảng không gian rộng lớn cho công chúng chiêm ngưỡng pháo hoa được bắn từ Tháp Eiffel.
Sơ đồ mặt bằng Công viên Champ de Mars, thuộc Di sản Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
Phối cảnh Công viên Champ de Mars, nhìn từ Tháp Eiffel, Paris, Pháp
Bức tường vì hòa bình, tại Công viên Champ de Mars, Paris, Pháp
Trường Quân sự Ecole Militaire
Trường Quân sự Ecole Militaire (hình vẽ ký hiệu 3) nằm ở phía đông nam của Công viên Champ de Mars và cũng có trục tổ hợp chính trùng với trục tổ hợp của công viên, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam.
Trường được thành lập vào năm 1750 bởi vua Louis 15 với mục đích tạo ra một trường đại học hàn lâm cho các sĩ quan từ các gia đình quý tộc nghèo, xóa bỏ sự độc quyền của các học viện quân sự hoàng gia. Những thanh niên quý tộc sinh ra không có tài sản có thể học trong trường thông qua một kỳ thi quốc gia. Năm 1756, Ecole Militaire đã mở cửa cho 200 học viên đầu tiên.
Công trình được xây dựng bởi Ange Jacques Gabriel (kiến trúc sư trưởng của Vua Louis 15).
Ecole Militaire là nơi đào tạo nhiều sĩ quan cho Quân đội Pháp. Trong số sinh viên từng học ở đây có Napoléon Bonaparte. Ông vào học từ tháng 10/1784 và ra trường một năm sau đó.
Năm 1789, trong thời kỳ Cách mạng Pháp, École Militaire bị đóng cửa, bỏ hoang. Tiếp theo, nơi đây thành nhà kho rồi doanh trại quân đội.
Năm 1878, École Militaire mới được mở cửa trở lại và dành cho một trường quân sự cao cấp (École supérieure de guerre). Từ năm 1911, nơi đây dành cho một trung tâm nghiên cứu quân sự (Centre des hautes études militaires). Ngày nay, École Militaire là trụ sở của nhiều cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Pháp.
Ecole Militaire được thành lập theo triết lý của Vua Louis 15 rằng: Các sĩ quan trẻ phải được đào tạo để biết cách sử dụng vũ lực nhưng với mục tiêu nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài. Có nhiều bức trướng, tranh, tượng trang trí trong công trình thể hiện triết lý này.
Mặt bằng Trường Quân sự Ecole Militaire, Paris, Pháp
Trường Quân sự Ecole Militaire nhìn từ Công viên Champ de Mars, Paris, Pháp
Trường Quân sự Ecole Militaire, mặt đứng hướng tây bắc, Paris, Pháp
Tổ hợp công trình được thiết kế như một tòa lâu đài, có bố cục gần như đối xứng theo trục chính Tây Bắc – Đông Nam, bao gồm các cụm công trình bố trí bao quanh các sân trong, trong đó sân trong chính của tổ hợp mang tên Cour Morland. Các hạng mục công trình nổi bật tại Ecole Militaire gồm:
Lâu đài Le Château
Lâu đài Le Château nằm cạnh quảng trường mang tên Place Joffre, hướng về Công viên Champ de Mars. được lấy cảm hứng từ kiến trúc của Cung điện Louvre, cao hai tầng. Công trình khác biệt với các công trình xung quanh bởi quy mô lớn nhất và có mái vòm hình tứ giác. Bên trong công trình có một cầu thang chính, không gian trưng bày các bức tượng bán thân và tranh chân dung của các vị tướng lĩnh, sĩ quan vĩ đại, một phòng khách, một nhà nguyện mang tên Saint Louis và thư viện.
Nhà nguyện Saint-Louis được xây dựng để vinh danh vinh danh Saint Louis, vị thánh bảo trợ của quân đội. Trong một thời gian dài, nhà nguyện không được sử dụng. Năm 1952, công trình được phục dựng trở lại. Nhà nguyện có mái vòm thấp, tường được trang trí bởi cột kiểu Corinthian, các bức phù điêu, tranh vẽ…tạo cho nội thất vẻ đẹp đơn giản và thanh lịch.
Thư viện bao gồm các phòng đọc với đồ gỗ và trần nhà được chạm khắc, tranh vẽ và lò sưởi bằng đá cẩm thạch…
Phía trong của Lâu đài là một sân trong mang tên Cour d’honneur. Sân được giới hạn bởi hai hành lang có mái che được đõ bởi một hệ thống cột tròn đôi, thức cột kiểu Doric với những đường rãnh trên cột chỉ chiếm 2/3 phía trên thân cột và có đế cột.
Nhà tròn Gabriel
Nhà tròn Gabriel (La rotonde Gabriel) nằm tại phía đông nam của Lâu đài, có chức năng ban đầu là nhà nguyện cho học viên. Công trình mang tên kiến trúc sư Gabriel, người thiết kế trường. Đây là một tòa nhà hình bát giác với mái vòm phẳng, được phục hồi vào năm 1945.
Sân trong Cour d’honneur với hệ thống hành lang bao quanh, Lâu đài Le Château, Trường Quân sự Ecole Militaire, Paris, Pháp
Nội thất Nhà nguyện St Louis tại Trường Quân sự Ecole Militaire, Paris, Pháp
Một phần của Thư viện tại Trường Quân sự Ecole Militaire, Paris, Pháp
Nội thất nhà tròn Gabriel, tại Trường Quân sự Ecole Militaire, Paris, Pháp
Vườn Trocadero
Vườn Trocadero (Jardins du Trocadéro/Gardens of the Trocadero; hình vẽ ký hiệu 4) là một không gian mở có diện tích 93.930 m2, nằm đối diện với Tháp Eiffel qua sông Seine. Vườn cũng có trục tổ hợp theo hướng Tây Bắc – Đông Nam như Công viên Champ de Mars. Trước đây là khu vườn của Cung điện Trocadero (Palais du Trocadero), được Jean-Charles Adolphe Alphand (kỹ sư người Pháp, 1817- 1891) xây dựng cho Triển lãm thế giới năm 1878. Sau đó vườn được Roger Henri (kiến trúc sư người Pháp, 18/4/1882 – 13/4/1955) thiết kế cho Triển lãm quốc tế Nghệ thuật và Công nghệ hiện đại (Exposition Internationale des Arts et Techniques dans la Vie Moderne) vào năm 1937.
Cung điện Trocadéro (Palais du Trocadéro) tại đây bị phá bỏ và được thay thế bởi Cung điện Chaillot (Palais de Chaillot). Hai tòa nhà của Palais de Chaillot ôm lấy toàn bộ phía Tây Bắc của vườn, còn phía Đông Nam là đại lộ New York.
Chính giữa vườn là một bể nước chính kết hợp đài phun nước mang tên Warsaw.
Hệ thống đài phu nước gồm: 12 vòi phun nước tạo ra những cột nước cao 12 mét; 24 vòi phun nước tạo ra các cột nước cao 4m và 10 vòm nước. Tại một đầu của vườn, cạnh sông Sein là 20 vòi phun có thể tạo tia nước xa 50m.Phía trên bể nước chính là hai bể nước nhỏ với các vòi phun tạo cột nước cao 4m.
Các đài phun nước hoạt động cho đến ngày nay. Năm 2011, trạm bơm nước cho các đài phun nước đã được cải tạo hoàn toàn và một hệ thống bơm hiện đại đã được lắp đặt.
Bố cục đối xứng qua bể là hệ thống vườn, trồng nhiều loại cây khác nhau. Trong vườn, dọc theo các tuyến đường đi bộ, sân có nhiều tác phẩm điêu khắc được tạc vào những năm 1930.
Vào dịp Triển lãm thế giới năm 1878, một bể ngầm rộng 2800 m2 được xây dựng trong hầm khai thác đá cũ, dành cho bộ sưu tập cá từ các sông của Pháp. Công trình này được tu sửa lại vào năm 1937, nhưng tới năm 1985 thì đóng cửa bởi lý do quá cũ nát.
Trong vườn có nhiều tác phẩm điêu khắc (chủ yếu có niên đại vào năm 1930), ví dụ như: Tại đầu của công viên, bên dưới tòa Palais de Chaillot là bức tượng L'Homme (đàn ông) và La Femme (đàn bà) đặt trên bệ đá; Hai tác phẩm điêu khắc bằng đồng mạ vàng miêu tả: Đầu bò và một con nai (Bull and Deer); Đầu ngựa và một con chó (Horses and Dog), mỗi tác phẩm được đặt trong một bồn nước.Phần cuối bể có hai khối điêu khắc đá thể hiện Tuổi trẻ (Youth) và Niềm vui cuộc sống (La Joie de vivre).
Phối cảnh Vườn Trocadero, Paris, Pháp
Đài phun nước Warsaw, với Cung điện Chaillot ở phía sau, Vườn Trocadero, Paris, Pháp
Đài phun nước Warsaw, nhìn về phía Tháp Eiffel, Vườn Trocadero, Paris, Pháp
Bảo tàng Tokyo
Bảo tàng Tokyo (Palais de Tokyo/Palace of Tokyo; hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía bắc của sông Seine, ngăn cách với sông bởi đại lộ New York, là một tòa nhà dành riêng cho nghệ thuật hiện đại và đương đại. Công trình được xây dựng vào năm 1937.
Cánh phia Đông của tòa nhà là nơi tổ chức Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của thành phố Paris (Museum of Modern Art of the City of Paris).
Cánh phía Tây của tòa nhà là nơi tổ chức bảo tàng lớn nhất ở Pháp dành cho triển lãm di động về Nghệ thuật đương đại.
Bảo tàng Tokyo, Paris, Pháp
Mặt bằng Bảo tàng Tokyo, Paris, Pháp
Phối cảnh mặt trước Bảo tàng Tokyo, Paris, Pháp
Nội thất gian trưng bày nghệ thuật hiện đại và đương đại, Bảo tàng Tokyo, Paris, Pháp
Điện Invalides
Điện Invalides (Hotel des Invalides/ Les Invalides; hình vẽ ký hiệu 6) nằm tại phía nam của sông Seine. Công trình được xây dựng vào năm 1671, hoàn thành vào năm 1678.
Đây là một tổ hợp với mục đích ban là bệnh viện, nhà an dưỡng cho cựu chiến binh.
Vào những năm mới xây dựng, nhà an dưỡng có khả năng tiếp đón 4 ngàn người. Tại đây họ có thể tham gia làm việc theo các nhóm tại xưởng may quân trang, đóng giày, đóng sách và sản xuất thảm. Các nhà ăn tại đây có thể phục vụ tới 1500 người. Bệnh viện có khả năng điều trị cho khoảng 100 người.
Vào thời điểm dự án mở rộng vào năm 1676, mặt trước của công trình phía bờ sông rộng 196m. Các công trình trong tổ hợp bố cục xung quanh các sân trong với 17 sân, Trong đó sân trong lớn nhất mang tên Cour d'honneur, dành riêng cho các cuộc diễu hành quân sự.
Ban đầu tại đây có một nhà nguyện mang tên Église Saint-Louis des Invalides cho các cựu chiến binh. Sau này, tổ hợp được bổ sung thêm một nhà nguyện hoàng gia mang tên Église du Dôme với mái vòm, được hoàn thành vào năm 1708.
Các chức năng bệnh viện, nhà an dưỡng cho cựu chiến binh kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20. Các cựu chiến binh cư trú trong công trình được chuyển đến các trung tâm khác bên ngoài Paris.
Mặt bằng điện Invalides: Màu nâu: Nhà thờ lớn của điện Invalides (Dome of Les Invalides); Màu vàng: Nhà thờ Saint Louis des Invalides (Cathédrale Saint Louis des Invalides); Màu xanh xám: Bảo tàng Lịch sử quân đội (Musée de l'Armée); Màu hồng: Bảo tàng Mô hình quân sự (Musée des Plans-Reliefs; Màu da cam: Bảo tàng Huân chương Tự do (Musée de l'Ordre de la Libération; Màu đỏ: Viện điều dưỡng thương binh quốc gia (Institution nationale des Invalides); Màu tím” Tòa thống đốc Điện Invalides (Gouverneur des Invalides); Màu xanh lá cây: Tòa thống đốc quân sự khu vực Paris (Gouverneur militaire de Paris); Màu xanh da trời: Văn phòng của tổ chức Lực lượng Pháp Tự do (Chancellerie de l'Ordre de la Libération); Màu xanh lá cây sẫm: Văn phòng cựu chiến binh và nạn nhân chiến tranh quốc gia (Office national des anciens combattants et victimes de guerre).
Tên của các sân trong (Cour): 1. Cour d'honneur; 2. Cour d'Angoulème; 3. Cour d'Austerlitz; 4. Cour de la Victoire; 5. Cour de la Valeur; 6. Cour de Mars; 7. Cour de Toulon; 8. Cour de Nismes; 9. Cour de Metz; 10. Cour de l'Infirmerie; 11. Cour d'Oran; 12. Cour de la Paix; 13. Cour d'Arles; 14. Cour d'Alger; 15. Cour Saint-Louis; 16. Cour Saint-Joseph; 17. Cour Saint-Jacques
Phối cảnh tổng thể Điện Invalides, Paris, Pháp
Mặt đứng chính Điện Invalides, nhìn từ phía sông Seine, Paris, Pháp
Ngày nay, Điện Invalides có rất nhiều chức năng bố trí trong các tòa nhà, trong đó nổi bật:
Nhà thờ lớn của Điện Invalides
Nhà thờ lớn của Điện Invalides (Dôme des Invalides) nằm tại trung tâm, phía nam của Điện Invalides, là nhà nguyện Hoàng gia. Công trình có chiều cao 107m, thuộc loại nhà thờ có chiều cao lớn nhất tại Paris. Mái vòm của công trình được dát lá vàng (với trọng lượng đến 12,65 kg), là một điểm nhấn quan trọng tại Paris. Công trình được hoàn thành vào năm 1861. Lấy cảm hứng từ nhà thờ Thánh Thánh Peter (St. Peter's Basilica) ở Rome, Ý, Dôme des Invalides sau khi hoàn thành đã trở thành hình mẫu định hình cho kiến trúc Baroque của Pháp.
Đây là nơi lưu giữ nhiều lăng mộ của các anh hùng chiến tranh của Pháp, trong đó nổi bật nhất là mộ Napoléon Bonaparte (15/8/1769 – 5/5/1821, hoàng đế Pháp từ năm 1804 đến năm 1815).
Nhà thờ Saint Louis
Nhà thờ Saint Louis (Cathédrale Saint Louis des Invalides) nằm kề liền phía bắc của Nhà thờ lớn, dành cho cựu chiến binh, thuộc Giáo phận Lực lượng vũ trang Pháp.
Với bố cục 2 nhà thờ cạnh nhau, nhà vua và binh lính có thể tham dự các thánh lễ đồng thời, chỉ ra vào bằng các lối khác nhau theo quy định của giáo hội. Vào thế kỷ 19, hai nhà thờ được tách biệt với hai bàn thờ riêng và ngăn cách với nhau bằng tường kính.
Mặt bằng, mặt cắt Nhà thờ lớn Invalides (bên phải hình vẽ) và Nhà thờ Saint Louis, Điện Invalides, Paris, Pháp
Mặt đứng Nhà thờ lớn Invalides, Điện Invalides, Paris, Pháp
Chiếc quách của Napoleon Bonaparte, dưới mái vòm chính Nhà thờ lớn Invalides, Điện Invalides, Paris, Pháp
Nội thất Nhà thờ Saint Louis, Điện Invalides, Paris, Pháp
Bảo tàng Lịch sử quân đội
Bảo tàng Lịch sử quân đội (Musée de l'Armée/Army Museum) nằm tại phía bắc của Điện Invalides, được thành lập vào năm 1905. Bảo tàng gồm 6 dãy công trình chứa các bộ sưu tập kéo dài từ thời Cổ đại đến thế kỷ 20.
Bảo tàng Mô hình quân sự
Bảo tàng Mô hình quân sự (Musée des Plans-Reliefs) là một không gian nằm trong khu vực Bảo tàng Lịch sử quân đội, được thành lập vào năm 1943. Đây là nơi lưu giữ các mô hình phục vụ cho mục đích quân sự của các thành phố quan trọng. Tại đây có đến 260 mô hình được tạo từ năm 1688 – 1870, cho khoảng 150 địa điểm.
Bảo tàng Huân chương Tự do
Bảo tàng Huân chương Tự do (Musée de l'Ordre de la Libération) nằm tại phía Tây của Điện Invalides. Bảo tàng có 1 tòa nhà dành riêng cho các nhân vật, sư kiện liên quan đến Huân chương Tự do (Ordre de la Libération). Đây là huân chương quan trọng thứ hai của Pháp sau Bắc Đẩu Bội tinh (Ordre national de la Légion d’honneur, được Napoléon Bonaparte lập ra để tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp).
Huân chương Tự do được tạo ra vào năm 1940 bởi tướng Charles de Gaulle (22/11/1890 – 9/11/1970, lãnh đạo tổ chức Nước Pháp Tự do (France Libre /Free France) chống sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong Chiến tranh thế giới 2. Bảo tàng có 3 phòng trưng bày các bản thảo của tướng Charles de Gaulle, các hiện vật liên quan đến các hoạt động kháng chiến chống phát xít Đức của Lực lượng Pháp Tự do (Forces françaises libres/ Free French Forces).
Viện điều dưỡng thương binh quốc gia
Viện điều dưỡng thương binh quốc gia (Institution nationale des Invalides) nằm tại phía nam, hai bên của hai nhà thờ, bao gồm nhiều tòa nhà như trung tâm y tế và phẫu thuật, nhà an dưỡng, trung tâm tư vấn y tế...
Cung điện lớn và Cung điện nhỏ
Cụm Cung điện lớn và Cung điện nhỏ (Grand &Petit Palais; hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại phía Bắc của sông Seine, đối diện qua sông là Điện Invalides. Cung điện lớn đặt tại phía Tây; Cung điện nhỏ đặt tại phía Đông.
Cung điện lớn
Cung điện lớn (Grand Palais/ Grand Palais des Champs-Élysées) nằm tại đại lộ Champs-Élysées, được xây dựng vào năm 1897, sau khi phá hủy Cung Công nghiệp (Palais de l'Industrie/Palace of Industry), cho Triển lãm toàn cầu năm 1900, bao gồm cả việc xây dựng Cung điện nhỏ (Petit Palais) kề liền.
Công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc Beaux Arts (Beaux Arts architecture), là phong cách kiến trúc được giảng dạy tại École des Beaux Arts (School of Fine Arts) ở Paris, trong thế kỷ 19, dựa trên nguyên tắc của Chủ nghĩa Tân cổ điển Pháp (Neoclassical), kết hợp với các yếu tố kiến trúc Gothic, Phục hưng và sử dụng các vật liệu hiện đại, như sắt, thép và thủy tinh. Đó là một phong cách kiến trúc quan trọng ở Pháp cho đến cuối thế kỷ 19 và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến kiến trúc ở Hoa Kỳ. Công trình được giao cho một nhóm kiến trúc sư thiết kế.
Grand Palais được trang trí công phu với mặt tiền bằng đá, kết hợp với các vật liệu xây dựng và kỹ thuật tiên tiến thời đó. Các chi tiết bằng sắt mang phong cách Tân nghệ thuật (Art Nouveau, là một phong cách nghệ thuật, kiến trúc quốc tế, phổ biến trong khoảng thời gian 1890- 1910, được lấy cảm hứng từ hình thức và cấu trúc tự nhiện, đặc biệt là các đường cong của cây và hoa).
Tòa nhà có không gian chính dài gần 240m, được che phủ bởi một mái vòm cao 45m bằng sắt, thép và kính với trọng lượng khoảng 9000 tấn, làm cho công trình trở thành tòa nhà bằng kính lớn nhất được lấy cảm hứng từ Cung Thủy tinh (Crystal Palace, do kiến trúc sư Joseph Paxton thiết kế, hoàn thành năm 1851) tại London. Công trình còn được trang trí bởi nhiều tác phẩm điêu khắc.
Phối cảnh tổng thể Công trình Grand Palais và Petit Palais, Paris, Pháp
Mặt chính Công trình Grand Palais giáp đại lộ Winston Churchill, Paris, Pháp
Mặt cắt Công trình Grand Palais, Paris, Pháp
Nội thất Công trình Grand Palais, Paris, Pháp
Cung điện nhỏ
Cung điện nhỏ (Petit Palais) có mặt tiền chính đối diện với Cung điện lớn, qua đại lộ Winston Churchill. Các mặt tiền khác của cung điện hướng ra sông Seine và đại lộ Champs Elysees. Công trình được xây dựng cho Triển lãm Toàn cầu năm 1990, ngày nay trở thành Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Paris (Musée des beaux-Arts de la ville de Paris).
Công trình được thiết kế dựa vào phong cách kiến trúc Beaux Arts với vật liệu xây dựng bằng đá, sắt, thép và bê tông. Công trình có bố cục tạo thành sân trong với mặt bằng hình bán nguyệt ở trung tâm.
Tổ hợp công trình được nhấn mạnh tại 5 cụm tháp mái vòm, tại mặt tiền chính và các góc. Mặt trước công trình gồm: tầng bệ; tầng trên với hàng cột ionic cao thông tầng, tầng mái với hàng lan can, được nhấn mạnh bởi tháp mái vòm tại hai bên và chính giữa. Hình thức kiến trúc tương tự như của các tòa tại Điện Invalides bên kia sông.
Cũng như trong Cung điện lớn, Cung điện nhỏ được trang trí bởi tác phẩm của các nhà điêu khắc nổi tiếng thời bấy giờ. Sân trong hình bán nguyệt được trang trí theo phong cách Beaux Arts với các bức phù điêu. Cột xung quanh sân làm bằng đá granit màu hồng và được mạ vàng…
Trong tòa nhà trưng bày bộ sưu tập được đánh giá như kho báu vô giá của nước Pháp về thảm, trang sức ngà, kim loại, đồ nội thất hoàng gia. Ngoài ra, tại đây còn trưng bày các bức tranh thời Trung cổ và Phục hưng, bản vẽ, điêu khắc của các nghệ sỹ Pháp, cũng như các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp và La Mã cổ đại.
Mặt trước công trình Petit Palais, Paris, Pháp
Sân trong công trình Petit Palais, Paris, Pháp
Nội thất công trình Petit Palais, Paris, Pháp
Quảng trường Concorde
Quảng trường Concorde (Place de la Concorde; hình vẽ ký hiệu 8): nằm tại phía Bắc của sông Seine, có chiều dài 359m, rộng 212m, diện tích khoảng 7,6ha, là một trong quảng trường lớn nhất tại thủ đô nước Pháp, được hoàn thành vào năm 1772 và cải tạo lại năm 1830. Quảng trường được giới hạn bởi:
Phía Bắc là hai toàn nhà giống hệt nhau: Hotel de la Marine và Hotel de Crillon, là điểm kết thúc của không gian quảng trường. Hai công trình được cho là tiêu biểu của kiến trúc thế kỷ 18, có các hàng cột, phỏng theo nét chính của Bảo tàng Louvre với các đế, mũ cột to, chắc chắn và vòng hoa trang trí hình oval... Trán tường được trang trí những hoạ tiết của các điển tích văn học, các hoạt động nông nghiệp, thương mại, sự phồn vinh, hạnh phúc...
Phía Đông là khụ vườn Tuileries (Tuileries Gardens);
Phía Nam là bờ sông Seine.
Phía Tây là đại lộ Champs Elysees (Avenue des Champs Elysees.
Vào năm 1748, tại đây đặt tượng đài vua Louis XV cưỡi ngựa và sau đó mang tên quảng trường Louis XV. Trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1789, quảng trường được đổi tên là Quảng trường Cách mạng (Place de la Révolution). Chính tại đây, vào ngày 21/1/1793, vua Louis XVI đã bị xử tử. Năm 1795, quảng trường được đổi tên lại như ngày nay.
Cột đá Obelisk
Trung tâm của quảng trường có một cột đá dạng tháp, là biểu tượng đến từ Ai Cập với các trang trí bằng chữ tượng hình của triều đại Pharaoh Ramesses II (tại vị vào năm 1279 TCN – 1213 TCN, được ghi nhận là một trong những Pharaon vĩ đại, quyền lực và được ca tụng nhiều nhất trong lịch sử Ai Cập cổ). Đây là một món quà của chính phủ Ai Cập trao cho người Pháp vào thế kỷ 19. Cột đá Obelisk từng đánh dâu lối vào đền Đền Luxor (nằm ở bờ Đông sông Nin thuộc thành phố Thebes cổ xưa, Luxor, Ai Cập ngày nay, được xây dựng vào năm 1400 TCN). Cột đá Obelisk được dựng vào năm 1836, chế tác từ đá granit màu vàng, cao 23m, nặng 250 tấn (cả đế). Vào năm 1998, chính phủ Pháp thêm một nắp kim tự tháp bằng vàng vào đỉnh cột đá Obelisk.
Các đài phun nước
Tại quảng trường có hai đài phun nước, đặt hai bên cột đá Obélisque, được xây dựng từ năm 1835- 1840.
Đây được cho là tác phẩm mô phỏng theo đài phun nước của Quảng trường Saint-Pierre, thành phố Roma, Ý nhằm tôn vinh thành tựu đạt được trong phát triển giao thông đường thủy.
Đài phun nước tại phía Bắc được gọi là Đài phun nước của các dòng sông (La fontaine des Fleuves), tượng trưng cho hai con sông lớn Rhin và Rhône, còn là biểu tượng cho sự bội thu lúa mì và nho;
Đài phun nước tại phía Nam được gọi là Đài phun nước của các đại dương (La fontaine des Mers), tượng trưng cho biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và nghề đánh bắt cá biển.
Đài chứa nước được làm bằng đá cẩm thạch mài bóng. Phần đài phun nước có các bức tượng và họa tiết trang trí được làm từ gang đúc sẵn và được mạ đồng. Các bức tượng trang trí có màu nâu sẫm, quần áo màu xanh lá cây sẫm, còn các vật dụng, họa tiết thì được mạ vàng. Tất cả các trang trí đều được làm tại nhà máy, sau đó lắp ráp tại công trường. Đài phun nước được trung tu gần đây nhất vào năm 2000 -2002.
Tượng đài
Tại quảng trường có nhiều tượng đài: Tại đây còn có 8 cụm tượng tại tám góc của quảng trường, tượng trựng cho các thành phố lớn của Pháp, gồm: Brest, Bordeaux, Lille, Nantes, Marseille, Lyon, Strasbourg và Rouen
Mặt bằng Quảng trường Concorde, Paris, Pháp
Phối cảnh Quảng trường Concorde, Paris, Pháp
Cột đá Obelisk trên Quảng trường Concorde, Paris, Pháp
Đài phun nước của các dòng sông (La fontaine des Fleuves), Paris, Pháp
Đài phun nước của các đại dương (La fontaine des Mers), Paris, Pháp
Nhà thờ Madeleine
Nhà thờ Madeleine (Madeleine Church/ L'église Sainte Marie Madeleine; hình vẽ ký hiệụ 9) nằm tại phía bắc sông Seine và Quảng trường Concorde. Công trình được xây dựng vào năm 1807, hoàn thành năm 1828, trên nền một nhà thờ cũ.
Công trình được xây dựng nhằm vinh danh Quân đội Pháp, thiết kế theo kiểu đền thờ La Mã với phong cách Tân cổ điển (Neo-Classical; Tại châu Âu phong trào này bắt đầu từ năm 1760, đối lập với phong cách kiến trúc Rococo nhấn mạnh vào sự duyên dáng, trang trí và bất đối xứng; Kiến trúc Tân cổ điển dựa trên các nguyên tắc đơn giản và đối xứng, được coi là những ưu điểm của nghệ thuật Rome, Hy Lạp cổ đại và Chủ nghĩa Cổ điển Phục hưng thế kỷ 16).
Công trình trở thành nhà thờ vào năm 1842.
Nhà thờ dài 108m, rộng 43m. Xung quanh tòa nhà có một hàng 52 cột theo thức cột Corinth (là một trong 3 thức cột chủ yếu của kiến trúc cổ điển Hy Lạp và La Mã, cùng với thức cột Doric và Ionic). Mỗi cột cao 20m. Mái vòm được trang trí mạ vàng, lấy cảm hứng từ phòng tắm La Mã thời Phục Hưng. Nhà thờ có một đàn organ được lắp đặt vào năm 1845.
Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Madeleine, Paris, Pháp
Phối cảnh Nhà thờ Madeleine, Paris, Pháp
Nội thất Nhà thờ Madeleine với bức bích họa về Lịch sử Kitô giáo, Paris, Pháp
Nội thất Nhà thờ Madeleine với đàn organ lắp đặt vào năm 1845, Paris, Pháp
Vườn Tuileries
Vườn Tuileries (Tuileries Garden, hình vẽ ký hiệu 10) có diện tích khoảng 22,1ha (dài khoảng gần 580m, rộng khoảng 380m), nằm tại phía Bắc sông Seine; giữa Bảo tàng Louvre tại phía Đông, Quảng trường Concorde tại phía Tây và đường Rue de Rivoli tại phía Bắc. Ngày nay, đây là khu vườn lớn nhất thành phố Paris.
Ban đầu, khu vườn được tạo bởi nữ hoàng Catherine de Medici (cai trị năm 1547 đến 1559), vào năm 1564, thuộc Cung điện Tuileries (Tuileries Palace).
Vườn mở cửa cho công chúng vào năm 1667, trở thành công viên công cộng sau Cách mạng Pháp. Ngày nay, đây là nơi người Paris tổ chức lễ hội, giao tiếp và thư giãn.
Vườn Tuileries được thiết kế nhằm tạo ra một khu vườn thời Phục hưng Ý, nhấn mạnh tính đối xứng, trật tự với đài phun nước, mê cung, hang động và được trang trí bằng những hình ảnh thực vật, động vật (được cho là có ảnh hưởng từ trang trí của đồ sứ Trung Quốc). Vườn được chia thành các ô chữ nhật, bên trong trồng cỏ, thảm hoa và các cụm cây, trở thành khu vườn lớn nhất và đẹp nhất ở Paris thời bấy giờ.
Theo thời gian của các triều đại, chủ nhân của ngôi đền thay đổi gắn với tên gọi :
Vườn của thời vua Henry IV (cai trị trong khoảng 1589 – 1610) với việc xây dựng bổ sung một hồ trang trí hình chữ nhật dài 65m, rộng 45m với một đài phun nước.
Vườn của thời vua Louis XIII (cai trị trong khoảng năm 1610 – 1643) với việc xây dựng một trường học cưỡi ngựa, chuồng ngựa tại phía Bắc của vườn và trở thành một điểm vui chơi cho giới quý tộc.
Vườn của thời vua Louis XIV (cai trị trong khoảng năm 1643 – 1715) với việc hoàn thành cung điện Tuileries, là nơi ở của hoàng gia.
Năm 1664, Vườn Tuileries được André Le Nôtre (1613 – 1700, kiến trúc sư cảnh quan và chuyên gia làm vườn chính của hoàng gia) thiết kế lại toàn bộ, dựa trên sự đối xứng, trật tự theo chiều dài của công viên. Khu vườn được thiết kế theo nguyên tắc “Hướng về bầu trời” hay để nhìn từ trên cao (từ một tòa nhà hay sân thượng). Ở hai đầu của Vườn Tuileries là 2 hồ lớn gắn với đài phun nước: Phía Tây là hồ hình bát giác có tên Bassin Octogonal, đường kính 60m với một đài phun nước ở trung tâm với tia nước cao 12m; Phía Đông là hồ hình tròn mang tên Grand Bassin Round, gắn với hai hồ tròn nhỏ tại phía Đông và hai hồ hình oval nhỏ tại phía Tây. Xung quanh 3 phía: Bắc, Nam và Tây của Vườn Tuileries là các sân thượng hay sân bậc thang (Terrasse): Phía Bắc là Terrasse des Feuillants; Phía Nam là Terrasse du Bord de l'Eau; Phía Tây là hai sân thượng gắn với hai tòa nhà bảo tàng, trung tâm triển lãm: Terrasse de l'Orangerie và Terrasse du Jeu de Paume. Bên cạnh Place de la Concorde là hai đường dốc theo hình móng ngựa mang tên Fer á Cheval lên hai sân thượng hai bên. Từ đây có thể nhìn ra hồ hình bát giác Bassin Octogonal.
Vườn của thời vua Louis XV (cai trị trong khoảng năm 1715 – 1774) với việc xây dựng bổ sung hai nhóm tượng cưỡi ngựa vào năm 1719 và một số tượng đài khác.
Vào thời Cách mạng Pháp (bắt đầu vào năm 1789), nơi đây trở thành Vườn Quốc gia (Jardin National) của Cộng hòa Pháp.
Năm 1800, Napoleon Bonaparte chuyển đến sống tại Cung điện Tuileries. Vườn và cung điện được ngăn cách biệt bởi một con đường mới. Napoleon đã thực hiện một vài thay đổi cho nội thất của khu vườn, tiếp tục sử dụng khu vườn cho các cuộc diễu hành quân sự và kỷ niệm các sự kiện đặc biệt.
Đầu thập niên 1850, tòa nhà Orangerie nằm tại rìa phía Nam công viên được xây dựng. Hiện nay công trình là Bảo tàng Orangerie (Musée de l'Orangerie) về lưu giữ và trưng bày các tác phẩm hội họa trường phái Ấn Tượng (impressionist) và trường phái Hậu Ấn Tượng (post-impressionist).
Nằm đối xứng tại rìa phía Bắc công viên là Trung tâm nghệ thuật Jeu de Paume (Musée Jeu de Paume), được xây dựng vào năm 1861 với diện tích 1200m2. Đây là nơi tổ chức các cuộc triển lãm nghệ thuật đương đại, dành riêng cho nhiếp ảnh.
Sau khi Napoléon sụp đổ, chế độ quân chủ đã được khôi phục, các vị vua tiếp tục là chủ sở hữu của khu vườn và xây dựng một số hạng mục công trình phục vụ giải trí cho hoàng gia. Song, các vị vua vẫn tiếp tục mở cửa vườn cho công chúng vào một số dịp nhất định.
Trong thời kỳ Công xã Paris, Cung điện Tuileries đã bị đốt cháy vào năm 1871. Tàn tích của công trình cũng được thu dọn sạch. Mặt bằng của cung điện trở thành một phần của khu vườn, như một quảng trường công cộng.
Trong thế kỷ 20, Vườn Tuilieries là nơi tổ chức nhiều hoạt động giải trí cho công chúng và được bổ sung các tác phẩm điêu khắc đương đại, mê cung…Trong thế kỷ 21, một số tính năng ban đầu của khu vườn được phục dựng lại.
Sơ đồ mặt bằng Vườn Tuileries, Paris, Pháp
Vườn Tuileries; nhìn về phía Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Hồ bát giác Bassin Octogonal, Paris, Pháp
Trung tâm nghệ thuật Jeu de Paume, Paris, Pháp
Bảo tàng Orangerie, Paris, Pháp
Cung điện Louvre
Cung điện Louvre (Louvre Palace, hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại phía bắc của sông Seine, phía đông của Vườn Tuileries (Jardin des Tuileries), nằm giữa tuyến đường Rue de Rivoli ở phía bắc và Quai François Mitterrand ở phía nam. Đây là kết quả của nhiều giai đoạn xây dựng, sửa đổi, phá hủy và phục hồi.
Cung điện có diện tích khoảng 40ha.
Cung điện Louvre ngày nay là một tổ hợp các khối nhà bao quanh hai sân trong chính:
Sân trong hình vuông tại phía Đông mang tên Cour Carrée (Square Courtyard), được xây dựng dưới thời Napoléon I (Napoléon Bonaparte, 15/8/1769 – 5/5/1821);
Sân trong lớn tại phía Tây mang tên Cour Napoléon (Napoleon Courtyard), được xây dựng dưới thời Napoléon III (20/8/1808- 9/1/1873). Trong sân có một Khải hoàn môn mang tên Arc de Triomphe du Carrousel, được xây dựng vào năm 1806- 1808. Với việc phá hủy Cung điện Tuileries (vào năm 1871), Khải hoàn mộn trở thành một lối vào tượng trưng cho Vườn Tuileries. Đây cũng là biểu tượng kỷ niệm chiến thắng quân sự của Napoleon I. Sân trong lớn được phân cách bởi con đường mang tên Place du Carrousel. Trung tâm của con đường là một vườn hoa có mặt bằng hình tròn, bên trong trang trí hai hình vuông.
Các công trình trong tại Louvre có thể chia thành “Louvre cũ” (Old Louvre) với các tòa nhà xây dựng thời Trung cổ và Phục Hưng và “Louvre mới” (New Louvre) với các toàn nhà xây dựng vào thế kỷ 19.
Sơ đồ mặt bằng Cung điện Louvre, Paris, Pháp
Phối cảnh tổng thể Cung điện Louvre, Paris, Pháp
Con đường mang tên Place du Carrousel phân cách Sân trong Cour Napoléon, Paris, Pháp
Khải hoàn môn Arc de Triomphe du Carrousel tại Sân trong Cour Napoléon, Paris, Pháp
Sân trong hình vuông Cour Carrée, Paris, Pháp
Bảo tàng Louvre
Bảo tàng Louvre (Louvre Museum) được đặt trong Cung điện Louvre.
Ban đầu nơi đây là một pháo đài. Pháo đài Louvre được xây dựng vào cuối thế kỷ 12 đến thế kỷ 13, là một tòa thành nhằm tăng cường phòng thủ cho Paris, gồm một hệ thống tường bao dày tới 2,6m với lỗ châu mai, một tháp canh cao 31m, rộng 19m. Tàn tích của pháo đài hiện vẫn còn có thể thấy dưới tầng hầm của Bảo tàng.
Do sự mở rộng đô thị, pháo đài đã mất chức năng phòng thủ, và vào năm 1546 công trình được chuyển đổi trở thành cung điện hoàng gia. Cung điện Louvre được mở rộng nhiều lần để tạo thành tổ hợp như hiện tại.
Vào năm 1682, hoàng gia Pháp chuyển đến Cung điện Versailles. Louvre trở thành nơi trưng bày bộ sưu tập hoàng gia, bao gồm bộ sưu tập điêu khắc Hy Lạp và La Mã cổ đại. Sau thời Cách mạng Pháp, vào năm 1793, Louvre trở thành bảo tàng trưng bày những kiệt tác quốc gia.
Năm 1989, tại sân trong lớn mang tên Cour Napoléon một kim tự tháp (Pyramid Louvre) bằng kính đã được xây dựng. Công trình do KTS IM Pei (người Mỹ gốc Trung Quốc, 26/4/1917- 16/5/2019, được tặng giải thưởng Pritzker năm 1983) thiết kế.
Ngày nay, Bảo tàng Louvre là bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới, lưu giữ khoảng 380 ngàn đồ vật từ thời tiền sử và trưng bày 38 ngàn tác phẩm nghệ thuật trong một khu vực có diện tích 60 ngàn m2, được phân thành 8 nhóm: Cổ vật Ai Cập; Cổ vật Phương Đông; Hy Lạp, La Mã và Etruria cổ đại; Nghệ thuật Hồi giáo; Nghệ thuật hội họa; Điêu khắc, Nghệ thuật trang trí; Nghệ thuật in và bản vẽ.
Năm 2018, Bảo tàng đón hơn 10 triệu lượt khách.
Mặt tiền phía Nam của cánh Richelieu, Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Du khách xung quanh bức tranh nổi tiêng Mona Lisa ở Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Tàn tích của pháo đài dưới tầng hầm của Bảo tàng Louvre, Paris, Pháp
Cung điện Bourbon - Nhà Quốc hội Pháp
Cung điện Bourbon (Palais Bourbon, hình vẽ ký hiệu 12) nằm tại phía nam của sông Seine. Cung điện được xây dựng từ năm 1722 hoàn thành năm 1728, trải qua các đợt trùng tu vào năm 1765,1795, 1828. Vào thời kỳ Cách mạng Pháp, cung điện được chọn làm trụ sở của Quốc hội Pháp và giữ vai trò này hầu như liên tục cho đến ngày nay. Tòa nhà có tổng diện tích khoảng 124000m2, phục vụ cho khoảng 3 ngàn người làm việc.
Ngoài vai trò là tòa nhà Quốc hội, Cung điện Bourbon còn là một công trình kiến trúc nổi tiếng với phong cách kiến trúc Tân cổ điển, trong đó có mặt tiền với 12 cây cột phía sông Seine.
Tòa nhà Quốc hội có một thư viện, là nơi lưu giữ nhiều tài liệu giá trị.
Sơ đồ Cung điện Bourbon - Nhà Quốc hội Pháp: 1: Salon du public; 2: Nhà vòm Aleschinsky; 3: Galerie des Fêtes; 4: Galerie des Tapisseries; 5: Salon du départ; 6: Salle des Pas Perdus; 7: Salle des Quatre Colonnes; 8: Salon Delacroix; 9: Salon Casimir-Perier; 10: Salon Pujol; 11: Salon Mazeppa; 12: Salle des Conférences; 13: Phòng bán nguyệt; 14: Thư viện; 15: Salle Colbert; 16: Sân danh dự; 17: Vườn Quatre Colonnes; 18: Vườn Jardin de la Présidence.
Mặt tiền phía bắc Cung điện Bourbon, Paris, Pháp
Nội thất Trụ sở Quốc hội Pháp, Paris, Pháp
Nội thất Thư viện Quốc hội Pháp, Paris, Pháp
Phòng lưu giữ nội thất Cung điện Bourbon, Paris, Pháp
Bảo tàng Orsay
Bảo tàng Orsay (Musee de Orsay, hình vẽ ký hiệu 13) nằm tại phía nam của sông Seine. Tòa nhà được xây dựng trên nền của Cung điện Orsay (Orsay Palace, được xây dựng vào năm 1810, bị đốt cháy vào năm 1871), được sử dụng làm nhà ga nhân dịp Triển lãm thế giới năm 1900. Công trình có chiều dài 188m, rộng 75m, diện tích 57400m2. Công trình gồm một gian thông tầng, xung quanh là các khối nhà cao 2- 3 tầng.
Vào năm 1986, công trình được cải tạo thành bảo tàng, nơi trưng bày Nghệ thuật Pháp và Châu Âu từ năm 1848 – 1914, gồm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật trang trí, nghệ thuật đồ họa, nhiếp ảnh, kiến trúc…Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất ở châu Âu, nơi lưu giữ 95 ngàn tác phẩm. Trong đó có 4000 tác phẩm được trưng bày vĩnh viễn.
Sơ đồ cấu trúc không gian Bảo tàng Orsay, Paris, Pháp
Phối cảnh mặt trước Bảo tàng Orsay, nhìn từ phía sông Seine, Paris, Pháp
Phòng trưng bày lớn của Bảo tàng Orsay., Paris, Pháp
Phòng trưng bày nghệ thuật nội thất của một phòng ăn bằng gỗ gụ, gỗ sồi, cây dương, đồng mạ vàng và đồ đá tráng men (1900-1901), Bảo tàng Orsay., Paris, Pháp.
Trường Nghệ thuật Quốc gia
Trường Nghệ thuật Quốc gia (National School of Fine Arts/ École Nationale Supérieure des Beaux Arts, hình vẽ ký hiệu 14) là một quần thể các ngôi nhà, nằm trên một khu đất rộng khoảng 2ha, tại phía Nam của sông Seine, đối diện qua bên kia sông là Bảo tàng Louvre.
Trường được thành lập năm 1648 với vai trò là một trường nghệ thuật điêu khắc. Ngày nay, trường là nơi đào tạo, nghiên cứu trong các lĩnh vực nghệ thuật: hội họa, sắp đặt, đồ họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, phương tiện kỹ thuật số và video.
Trường còn là nơi lưu giữ 450 ngàn tác phẩm nghệ thuật, sách lịch sử, là một trong những bộ sưu tập nghệ thuật công cộng lớn nhất tại Pháp, bao gồm khoảng: 2.000 bức tranh, 600 tác phẩm nghệ thuật trang trí, 600 chi tiết kiến trúc, gần 15.000 huy chương, 3.700 tác phẩm điêu khắc, 20.000 bản vẽ hội họa, 45.000 bản vẽ kiến trúc, 100.000 bản khắc, 70.000 bức ảnh), 65.000 cuốn sách có niên đại từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 20 (3.500 của thế kỷ 15 và 16) và 1.000 bản lưu trữ viết tay ...
Nhiều tác phẩm của bộ sưu tập là tác phẩm nghệ thuật được tạo ra bởi các sinh viên của nhà trường.
Quần thể công trình cũng là một cuốn bách khoa toàn thư ngoài trời dành cho các nghệ sỹ và kiến trúc sư.
Tòa nhà Palais des Études có những bức bích họa tinh xảo, các cầu thang được trang trí bằng các bức tượng cổ điển. Trung tâm của quần thể là một nhà hát hình bán nguyệt. Đây là nơi trao các giải thưởng quốc gia về nghệ thuật.
Sơ đồ mặt bằng Trường Nghệ thuật Quốc gia, Paris, Pháp
Phối cảnh mặt tiền khối công trình gắn với sân trong tại Trường Nghệ thuật Quốc gia, Paris, Pháp.
Nội thất giảng đường Trường Nghệ thuật Quốc gia, Paris, Pháp
Viện nghiên cứu Pháp
Viện nghiên cứu Pháp (Institut de France, hình vẽ ký hiệu 15) nằm tại phía nam của sông Seine.
Ban đầu tòa nhà được xây dựng dành cho việc đào tạo các sinh viên từ những vùng đất mới thuộc Pháp dưới thời vua Louis XIV (còn được gọi là vua Mặt Trời, 5/9/1683 – 1/9/1715, được xem là một trong những nhà chinh phạt lớn trong lịch sử) với tên gọi Collège des Quatre-Nations (Trường đại học 4 quốc gia). Trường khai trương vào năm 1688, đóng cửa vào năm 1791. Công trình trở thành trự sở của Viện nghiên cứu Pháp vào năm 1805.
Viện được thành lập vào năm 1795, bao gồm 5 viện thành viên:
- Viện Ngôn ngữ Pháp (Académie française/ French Academy), được thành lập vào năm 1635.
- Viện Nhân văn (Académie des ins et et belles-lettres/ Academy of Humanities), được thành lập vào năm 1663.
- Viện Hàn lâm khoa học (Académie des sciences (Academy of Sciences), được thành lập vào năm 1666.
- Viện Mỹ thuật (Académie des beaux-arts/ Academy of Fine Arts) được thành lập vào năm 1816, hợp nhất từ 3 học viện: Học viện Hội họa và Điêu khắc (Académie de peinture et de sculpture/Academy of Painting and Sculpture) được thành lập vào năm 1648; Học viện Âm nhạc (Académie de musique/ Academy of Music) thành lập vào năm 1669; Học viện Kiến trúc (Académie d'architecture/Academy of Architecture) thành lập vào năm 1671.
- Viện Khoa học Đạo đức và Chính trị (Académie des sciences morales et politiques/Academy of Moral and Political Sciences) thành lập vào năm 1795.
Bên trong Viện nghiên cứu Pháp còn có 4 thư viện.
Sơ đồ vị trí Viện nghiên cứu Pháp, Paris, Pháp
Phối cảnh Viện nghiên cứu Pháp, Paris, Pháp
Phối cảnh mặt trước Viện nghiên cứu Pháp, nhìn từ cầu trên sông Seine, Paris, Pháp
Nội thất phòng họp trong Viện nghiên cứu Pháp, Paris, Pháp
Đảo Ile de la Cite
Đảo Ile de la Cite (hình vẽ ký hiệu 16) là một trong hai hòn đảo trên sông Seine (đảo kia là Ile Saint-Louis). Đây là trung tâm của Paris và là nơi mà thành phố thời Trung cổ được tân trang lại.
Đảo có diện tích khoảng 29ha, dài 1200m và bề ngang rộng nhất khoảng 300. Điểm cực Tây của đảo là công viên nhỏ Vert-Galant. Điểm cực Đông của đảo là Nhà thờ Đức Bà (Notre Dame) và công viên nhỏ mang tên Ile de France. Giữa của đảo, cho đến năm 1850, phần lớn là khu dân cư và thương mại.
Vào thời kỳ đầu, những cây cầu gỗ nối đảo với hai bên bờ sông. Cây cầu bằng đá xây dựng vào năm 1378 sau đó bị hư hại. Cây cầu mang tên Pont Neuf, hiện là cây cầu cổ nhất ở Paris, được xây dựng vào năm 1607 gắn với quảng trường Dauphine. Ngày nay có tới 8 cây cầu nối đảo với hai bên bờ sông và 1 cầu nối với đảo Ile Saint-Louis.
Trên Đảo Ile de la Cite tập trung nhiều công trình quan trọng bậc nhất của thành phố.
Sơ đồ mặt bằng Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Phối cảnh khu vực Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Phối cảnh Đảo Ile de la Cite, nhìn vào phía tây của đảo, Paris, Pháp
Phối cảnh phía đông Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame de Paris) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris, được xây dựng từ năm 1163 và hoàn thành vào năm 1345. Công trình nằm trên một địa điểm đã từng lần lượt có tới 4 nhà thờ. Nhà thờ đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ thứ 4.
Nhà thờ được coi là một trong những ví dụ điển hình nhất của kiến trúc Gothic Pháp. Công trình dài 128m, rộng 48m; Có 2 tháp chuông hai bên, cao 69m; một tháp chính giữa cao 91,44m.
Trên sân phía trước nhà thờ có điểm đánh dấu mốc số 0 của hệ thống giao thông đường bộ nước Pháp.
Nhà thờ trải qua nhiều giai đoạn xuống cấp và bị bỏ quên. Năm 1844 tòa nhà được phục hồi.
Công trình nổi bật với hệ thống trụ tường đặt xiên, lộ hẳn ra ngoài, để đỡ tải trọng của mái vòm bằng đá.
Nhà thờ là một trong những biểu tượng được công nhận rộng rãi nhất của thành phố Paris và Pháp, gắn với cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Nhà thờ Đức Bà Paris của Victor Hugo (26/2/1802 – 22/5/1885, nhà văn, nhà chính trị tiêu biểu của Pháp trong thế kỷ 19).
12 triệu người đến thăm Nhà thờ Đức Bà hàng năm, làm cho địa điểm này trở thành di tích được ghé thăm nhiều nhất ở Paris.
Năm 2019, nhà thờ bị hỏa hoạn, hư hại nghiêm trọng phần lớn mái nhà và vòm trần bằng đá. Công trình hiện đang được phục hồi, tôn tạo.
Cấu trúc xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris, tại Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Phối cảnh mặt trước và mặt bên Nhà thờ Đức Bà Paris, tại Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Điểm gốc - Point Zéro của hệ thống đường bộ Pháp tại vị trí trước Nhà thờ Đức Bà (từ năm 1924), Paris, Pháp
Trụ sở tòa án Paris
Trụ sở tòa án Paris (Palais de justice) là tổ hợp nhiều hạng mục công trình nằm tại phía Tây của đảo Ile de la Cite, trong đó có một số tòa nhà thuộc loại cổ nhất của Paris.
Công trình trước đây là Cung điện của thành phố (Palais de la Cité/Palace of the City), là nơi cư trú của các vị vua Pháp từ thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 14. Từ thế kỷ 14 cho đến Cách mạng Pháp, tổ hợp công trình trở thành trụ sở của kho bạc, hệ thống tư pháp và tòa án phúc thẩm Paris (Paruity of Paris). Trong cuộc Cách mạng Pháp, công trình có chức năng là tòa án và nhà tù.
Tòa nhằ được xây dựng vào năm 1240, được xây dựng lại vào năm 1875 -1868. Song tại đây vẫn còn một vài dấu tích từ thời Trung cổ ví dụ như: Tòa nhà của cung điện hoàng gia trước đây Conciergerie, bốn tòa tháp dọc theo sông Seine và kề liền đó là nhà nguyện mang tên Sainte Chapelle, một kiệt tác của kiến trúc Gothic.
Phối cảnh mặt trước Trụ sở tòa án Paris, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Phối cảnh Cung điện hoàng gia Conciergerie, thuộc Trụ sở tòa án Paris, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Nhà thờ Sainte Chapelle
Nhà thờ Sainte Chapelle là một công trình gắn liền với tổ hợp Trụ sở tòa án Paris. Đây là một nhà nguyện hoàng gia, được xây dựng vào năm 1238.
Công trình được coi là một trong những thành tựu của kiến trúc Gothic, dài 36m, rộng 17m, nhưng có chiều cao tới 42m.
Trước kia, do nằm gần Cung điện hoàng gia, nhà thờ thông với các phòng của vua bằng một hành lang. Đây còn là nơi lưu giữ bộ sưu tập các thánh tích của Hoàng gia.
Mặc dù bị hư hại trong Cách mạng Pháp, song công trình đã được phục hồi lại.
Sainte Chapelle được xây dựng phục vụ cho đức tin của Hoàng gia, song cũng thể hiện tham vọng chính trị và văn hóa của Vua Louis và những người kế vị.
Nội thất của nhà thờ phong phú với trang trí tường kết hợp với các bức tượng điêu khắc đá và các cửa sổ kính màu tuyệt đẹp tại gian giữa nhà thờ. Các ô kính cửa màu cao tới 15,35m, rộng 4,70m. Các cửa kính hậu cung cao 13,45m, rộng 2,10m. Những hình vẽ trang trí trên cửa kính màu này thể hiện các trích đoạn trong Kinh Thánh.
Phối cảnh Nhà thờ Sainte Chapelle, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Cửa sổ kính màu trong Nhà thờ Sainte Chapelle, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Bệnh viện Hôtel Dieu
Bệnh viện Hôtel Dieu là một tổ hợp công trình nằm tại phía bắc của Đảo Ile de la Cite. Đây là bệnh viện duy nhất ở Paris cho đến thời Phục hưng. Công trình xây dựng vào năm 651, bị tàn phá bởi hỏa hoạn nhiều lần. Công trình hiện tại được xây dựng lại vào năm 1877, trong đó còn tồn tại hai tòa nhà của thế kỷ 7 và 17.
Tổ hợp công trình bao gồm nhiều khối nhà bao quanh các sân trong kín hoặc hở một mặt.
Phối cảnh tổng thể Bệnh viện Hôtel Dieu, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Trụ sở cảnh sát Paris
Trụ sở cảnh sát Paris (Préfecture de police de Paris) là một tổ hợp công trình nằm tại phía Nam của Đảo Ile de la Cite, được xây dựng từ năm 1863- 1867.
Phối cảnh khối nhà Trụ sở cảnh sát Paris, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Trụ sở tòa án thương mại
Trụ sở tòa án thương mại (Tribunal de commerce) là một khối công trình nằm tại phía bắc Đảo Ile de la Cite.
Công trình được xây dựng vào năm 1860 -1865, trên nền của một nhà thờ cũ bị phá vỡ vào năm 1812. Tòa nhà có mặt bằng hình chữ nhật kích thước 50m x70m. Hình khối được cho là lấy cảm hứng từ Tòa thị chính Brescia, Ý.
Phối cảnh Trụ sở tòa án thương mại, Đảo Ile de la Cite, Paris, Pháp
Đảo Ile Saint Louis
Đảo Ile Saint Louis (ký hiệu 17), nằm trên hòn đảo giữa sông Seine, phía đông của Đảo Ile de la Cite.
Ngoài một công viên nhỏ khác mang tên Jean XXIII nằm gần nhà thờ, Đảo Île de la Cité còn có ba quảng trường: Pont-Neuf, Dauphine và Louis-Lépine.
Đảo có 4 cây cầu nối 2 bờ và 1 cầu nối với đảo Ile de la Cite.
Hòn đảo này trước đây được sử dụng để chăn thả gia súc thị trường và thả gỗ. Vào thế kỷ 17 và 18, Ile Saint-Louis đã trở thành một trong những khu phố giàu có nhất ở Paris thế kỷ, nơi ở của tầng lớp quý tộc với các tòa nhà lộng lẫy, trang trí công phu. Các ngôi nhà được xây dựng theo các ô phố với sân trong hẹp.
Ngày nay, hầu hết đảo là khu dân cư, một số nhà hàng, khách sạn, cửa hàng, quán cà phê và một nhà thờ.
Tại đây có công trình nổi tiếng theo phong cách Baroque là Eglise Saint-Louis-en-l'Île, được xây dựng vào năm 1622; Biệt thự mang tên Hôtel des Deux-Îles, được xây dựng vào những năm 1600 và một số công trình khác như Nhà thờ Saint Louis en l'Île; Tòa nhà Bretonvilliers; Hôtel de Lauzun, Hôtel Le Vau, Hôtel Chenizot và Hôtel Lambert.
Đảo Ile Saint Louis, Paris, Pháp
Phối cảnh khu dân cư trên Đảo Ile Saint Louis, Paris, Pháp
Tòa thị chính Paris
Tòa thị chính Paris (Hotel de Ville de Paris, hình vẽ ký hiệu 18) nằm tại phía bắc của sông Seine.
Công trình xây dựng vào năm 1357, mở rộng vào năm 1533. Tòa nhà bị đốt cháy trong thời kỳ Công xã Paris (1871), được xây dựng lại vào năm 1873 – 1892. Phía trước của tòa nhà là quảng trường mang tên Hotel de Ville.
Công trình cao 2- 3 tầng, có bố cục bao quanh hai sân trong chính tại phía Bắc và phía Nam.
Tòa nhà có mặt tiền chính dài 143m, cao 18,80m, (26,80m tại các góc và cao 50m tại tháp chuông chính giữa nhà, theo phong cách Phục hưng. Nội thất của công trình được phục hồi lại từ tàn tích của tòa nhà cũ, song được trang trí mới hoàn toàn, theo phong cách những năm 1880.
Hình vẽ mặt bằng Tòa thị chính Paris, Pháp
Hình vẽ mặt cắt ngang Tòa thị chính Paris, Pháp
Phối cảnh mặt trước Tòa thị chính Paris, Pháp
Trang trí bề mặt công trình tại sân trong Tòa thị chính Paris, Pháp
Nội thất Tòa thị chính Paris, Pháp
Di sản Các công trình hai bờ sông Seine tạo thành một ví dụ đặc biệt và độc đáo của kiến trúc đô thị ven sông, tích hợp được các lớp địa lý và lịch sử khác nhau của thành phố Paris, Pháp.
Thành phố toàn cầu Paris được xếp hạng là điểm đến du lịch được truy cập nhiều hàng đầu thế giới, trong đó có phần đóng góp của Di sản Các công trình hai bờ sông Seine
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/600
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://frenchmoments.eu/quais-de-la-seine-paris/
https://en.wikipedia.org/wiki/Seine
https://en.wikipedia.org/wiki/%C3%8Ele_de_la_Cit%C3%A9
https://en.wikipedia.org/wiki/%C3%8Ele_Saint-Louis
https://en.wikipedia.org/wiki/Eiffel_Tower
https://www.wonders-of-the-world.net/Eiffel-Tower/Construction-of-the-Eiffel-tower.php
https://en.wikipedia.org/wiki/Champ_de_Mars
https://fr.wikipedia.org/wiki/Mur_pour_la_Paix
https://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%89cole_militaire_(France)
https://fr.wikipedia.org/wiki/Jardins_du_Trocad%C3%A9ro
https://fr.wikipedia.org/wiki/Palais_de_Chaillot
https://en.wikipedia.org/wiki/Palais_de_Tokyo
https://en.wikipedia.org/wiki/Les_Invalides
https://fr.wikipedia.org/wiki/H%C3%B4tel_des_Invalides
https://en.wikipedia.org/wiki/Grand_Palais
https://en.wikipedia.org/wiki/Petit_Palais
https://en.wikipedia.org/wiki/Place_de_la_Concorde
https://en.wikipedia.org/wiki/La_Madeleine,_Paris
https://en.wikipedia.org/wiki/Tuileries_Garden
https://en.wikipedia.org/wiki/Louvre
https://en.wikipedia.org/wiki/Louvre_Palace
https://fr.wikipedia.org/wiki/Palais_Bourbon
https://fr.wikipedia.org/wiki/Mus%C3%A9e_d%27Orsay
https://fr.wikipedia.org/wiki/%C3%89cole_nationale_sup%C3%A9rieure_des_beaux-arts
https://en.wikipedia.org/wiki/Institut_de_France
https://en.wikipedia.org/wiki/%C3%8Ele_de_la_Cit%C3%A9
https://en.wikipedia.org/wiki/Notre-Dame_de_Paris
https://en.wikipedia.org/wiki/Sainte-Chapelle
https://en.wikipedia.org/wiki/Palais_de_Justice,_Paris
https://en.wikipedia.org/wiki/H%C3%B4tel-Dieu_de_Paris
https://fr.wikipedia.org/wiki/Tribunal_de_commerce_de_Paris
https://fr.wikipedia.org/wiki/Pr%C3%A9fecture_de_police_(Paris)
https://en.wikipedia.org/wiki/%C3%8Ele_Saint-Louishttps://fr.wikipedia.org/wiki/H%C3%B4tel_de_ville_de_Paris
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi |