Tuần 18 - Ngày 05/12/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, Indonesia |
16/08/2019 |
Thông tin chung:
Công trình: Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto (Ombilin Coal Mining Heritage of Sawahlunto)
Địa điểm: tỉnh West Sumatra, Indonesia (N0 45 59.852 E100 44 16,38)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 268,18 ha; vùng đệm 7.356,92 ha
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (2019; hạng mục ii; iv)
Indonesia là một quốc gia ở Đông Nam Á, giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là một quốc đảo lớn nhất thế giới với hơn 1700 hòn đảo. Indonesia có phần diện tích đất rộng 1.904.569 km2; dân số khoảng 261 triệu người (năm 2016), là quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới; Tôn giáo chính là Hồi giáo. Quốc đảo này có chung biên giới đất liền với Papua New Guinea, Đông Timor và phần phía Nam của Malaysia.
Indonesia được chia thành 34 tỉnh, trong đó 5 tỉnh đặc biệt; Thành phố Jakarta là thủ đô.
Lịch sử của quần đảo Indonesia gắn với sự ảnh hưởng của các cường quốc nước ngoài. Họ đến đây bởi tài nguyên thiên nhiên giàu có và phong phú (từ tài nguyên tự nhiên như: dầu mỏ và khí đốt, than, thiếc, đồng và vàng đến sản phẩm nông, lâm nghiệp như: gạo, dầu cọ, trà, cà phê, ca cao, cây dược liệu, gia vị và cao su).
Từ những năm đầu công nguyên, các nhà cai trị địa phương đã tiếp thu những ảnh hưởng nước ngoài. Tại đây các vương quốc theo Ấn Độ giáo và Phật giáo được hình thành và phát triển mạnh mẽ.
Vào khoảng từ đầu thế kỷ 15 đến giữa thế kỷ 17, các thương nhân Hồi giáo và thương nhân châu Âu gắn với Kito giáo đã chiến đấu quyết liệt với nhau để giành độc quyền thương mại.tại đây. Mặc dù bị gián đoạn bởi người Bồ Đào Nha, Pháp và Anh, cường quốc châu Âu Hà Lan đã chiếm phần lớn sự hiện diện với 350 năm ở quần đảo này.
Đầu thế kỷ 20, khái niệm "Indonesia" là một quốc gia- dân tộc xuất hiện và phong trào độc lập bắt đầu hình thành. Trong quá trình phi thực dân hóa châu Á sau Thế chiến 2, Indonesia giành được độc lập vào năm 1949 từ Hà Lan.
Bản đồ Indonesia và vị trí tỉnh West Sumatra tại phía Tây Indonesia
Sawahlunto là một thành phố thuộc tỉnh West Sumatra, trên bờ biển phía Tây của đảo Sumatra. Thành phố nằm trong một thung lũng hẹp dọc theo dãy núi Bukit Barisan và được bao quanh bởi các ngọn núi, như Bukit Polan, Bukit Pari, Bukit Mato…Thành phố có diện tích đất là 276 km2 và dân số khoảng 60 ngàn người (năm 2014).
Sawahlunto được thành lập vào năm 1882 bởi người Hà Lan cùng với các hoạt động khai thác than.
Than tại đây được người Hà Lan phát hiện vào năm 1868. Mỏ than Ombilin tại Sawahlunto được biết đến như là nơi khai thác than lâu đời nhất ở Đông Nam Á. Việc khai thác bắt đầu tại các khu mỏ lộ thiên vào năm 1892, sau khi xây dựng tuyến đường sắt. Vào năm 1930, sản lượng khai thác than đạt đỉnh cao với mức 0,62 triệu tấn mỗi năm. Than khai thác tại đây đáp ứng đến 90% nhu cầu năng lượng tại các vùng đất thuộc địa của Hà Lan (Đông Ấn Hà Lan).
Năm 1942 - 1945, mỏ bị kiểm soát bởi người Nhật và vai trò của mỏ cũng giảm dần. Sau khi giành độc lập, mỏ than Ombilin trở thành doanh nghiệp nhà nước. Sản lượng khai thác đạt đỉnh cao vào năm 1976 với mức 1,2 triệu tấn mỗi năm. Cho đến năm 2002, mỏ than Ombilin hoạt động chủ yếu là khai thác lộ thiên, sau này chỉ còn mỏ ngầm hoạt động. Từ năm 2019, mỏ than Ombilin ngừng hoạt động hoàn toàn.
Mỏ than Ombilin tại Sawahlunto là một hệ thống thống tích hợp công nghệ khai thác, xử lý, vận chuyển và thương mại hóa than. Về không gian, mỏ bao gồm: khu khai thác, văn phòng công ty, khu vực tuyển than, kho chứa than, cảng biển và mạng lưới đường sắt nối các mỏ với các cơ sở ven biển.
Mỏ than Ombilin là một ví dụ nổi bật về một tổ hợp công nghệ khai thác mỏ tiên phong thời bấy giờ, được các kỹ sư trong các quốc gia châu Âu định hình và xây dựng tại các thuộc địa của họ. Sự phát triển công nghệ khai thác than tại đây thể hiện kiến thức kỹ thuật của châu Âu kết hợp với kiến thức môi trường tự nhiên và kinh nghiệm trong tổ chức lao động truyền thống tại địa phương.
Mỏ than Ombilin là minh họa nổi bật về tác động sâu sắc và lâu dài của quan hệ sản xuất do các cường quốc thực dân châu Âu áp đặt tại các thuộc địa của họ, nơi cung cấp cả nguyên liệu và lao động, làm nền tảng cho quá trình công nghiệp hóa trên toàn thế giới vào nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Tại đây, người lao động không chỉ gồm công nhân lành nghề, mà còn cả những người lao động giản đơn trên đảo Sumatra, đảo Java, người lao động đến từ Trung Quốc, thậm chí có cả tù nhân từ các khu vực thuộc địa của Hà Lan.
Sau thời kỳ khai thác than, thị trấn Sawahlunto dần hoang vắng. Năm 2004, thành phố Sawahlunto được phục hồi như một Di sản cho mục đích du lịch.
Hình ảnh Mỏ than Ombilin năm 1915
Hình ảnh ga tàu hỏa với đầu máy hơi nước vận chuyển than (bắt đầu vào năm 1889), tại Mỏ than Ombilin, Sawahlunto
Hình ảnh vận chuyển công nhân lên mỏ tại Mỏ than Ombilin, Sawahlunto
Bảo tàng khai thác than Ombilin (Museum Tambang Batu Bara Ombilin)
Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, Indonesia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2019) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto thể hiện sự giao lưu quan trọng về công nghệ khai thác giữa châu Âu và các thuộc địa của nó trong nửa sau của thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Tổ hợp công nghệ phức tạp này đã được lập và xây dựng như một hệ thống tích hợp đồng bộ để khai thác, xử lý, vận chuyển và thương mại than theo phương pháp công nghiệp. Thiết kế tổng thể và thực hiện theo giai đoạn tại đây cho thấy một sự chuyển giao kiến thức kỹ thuật, thực hành khai thác có hệ thống và lâu dài, nhằm phát triển ngành công nghiệp khai thác ở Đông Ấn Hà Lan (Netherlands East Indies- thuộc địa Hà Lan, ngày nay là Indonesia). Hệ thống công nghệ này được nâng cấp thêm bởi kiến thức địa phương liên quan đến sự hình thành địa chất trong môi trường nhiệt đới và các tập quán văn hóa truyền thống.
Tiêu chí (iv): Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto là một ví dụ nổi bật của một tổ hợp công nghệ được thiết kế để đạt hiệu quả tối đa trong việc khai thác tài nguyên thiên nhiên chiến lược quan trọng - trong trường hợp này là than công nghiệp. Nó minh họa đặc điểm giai đoạn sau của công nghiệp hóa toàn cầu trong nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, khi các công nghệ kỹ thuật và hệ thống sản xuất phức tạp đã tạo ra nền kinh tế toàn cầu về công nghiệp và thương mại.
Các công nghệ kỹ thuật được sử dụng tại đây bao gồm: Các đường hầm trục mỏ thẳng đứng (deep bore vertical tunneling of mine shafts); Rửa và phân loại quặng; Đầu máy hơi nước và đường sắt răng cưa (rack railway, để vận chuyển trên núi cao); Xây dựng cầu đường sắt dạng vòm (inclined and reverse-arc rail bridge construction); Hầm xuyên núi cho đường sắt (rock-blast railroad tunnels); Bến cảng nước sâu (deep-dredge harbours); Silo chứa than có kiểm soát điều kiện khí hậu (coal storage in climate-controlled silos). Cùng với đó là việc xây dựng một thị trấn khai thác hiện đại, được xây dựng theo quy hoạch với hơn 7000 cư dân cùng các cơ sở nhà ở, dịch vụ thực phẩm, y tế, giáo dục, tinh thần và giải trí; được thiết kế để phục vụ cho một cấu trúc phân cấp chặt chẽ của quá trình công nghiệp hóa và phân công lao động.
Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, gồm 3 Khu vực A, B và C
Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto là một tập hợp công nghệ rộng lớn bao gồm 12 địa điểm nằm trong ba khu vực liên quan đến nhau: i) Khu vực A: Mỏ than với hệ thống hầm lò và khai thác lộ thiên gắn với thị trấn mỏ; ii) Khu vực B: Hệ thống đường sắt trên núi dài đến 155km với 3 ga đường sắt và 1 cầu vượt suối; iii) Khu vực C: Kho chứa thanh và cảng biển.
Hiện tại thị trấn mỏ và tuyến đường sắt tiếp tục hoạt động; phần khai thác và tuyển than không còn sử dụng.
Khu vực A: Các di sản gồm mỏ than và thị trấn mỏ (Sawahlunto Mining Site and Company Town).
Khu vực bao gồm: mỏ lộ thiên, hầm mỏ cùng với các cơ sở chế biến than tại chỗ, được hỗ trợ bởi thị trấn mỏ, được xây dựng với đầy đủ tiện nghi gần đó.
Vị trí các công trình Di sản thuộc Khu vực A, mỏ than Ombilin, Sawahlunto
Khu vực A bao gồm 6 địa điểm:
Khu A1: Địa điểm khai thác Soengai Doerian (Soengai Doerian Mining Site). Khu A1 gồm:
Khu A1.1: Tổ hợp khai mỏ Doerian (Doerian Mining Pit Compound)
Khu A1.2: Tổ hợp khai mỏ Pandjang (Pandjang Mining Pit Compound)
Khu A1.3: Tổ hợp khai mỏ Soengai Doerian (Soengai Doerian Mining Pit Compound)
Khu A1.4: Tổ hợp khai mỏ Loento (Loento Mining Pit Compound)
Khu A1.5: Khu vực hầm lò (Mining Tunnel)
Vị trí các công trình Di sản từ A1.1 - A1.5, thuộc Khu vực A, mỏ than Ombilin, Sawahlunto
Phạm vi khu vực Di sản A1.1 và A1.5
Phạm vi khu vực Di sản A1.2 và A1.5
Phạm vi khu vực Di sản A1.3 và A1.5
Phạm vi khu vực Di sản A1.4 và A1.5
Tàn tích Trạm máy nén khí (Compressor building) tại Khu A1.1 - mỏ Doerian (Doerian Mining Pit Compound)
Tàn tích hầm lò tại mỏ Soengai Doerian, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, được chuyển thành bảo tàng có tên Museum Mbah Soero Mining Pit
Hố mỏ (moong), sau khai thác, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu A2: Trường dạy nghề mỏ (Mining School)
Phạm vi Khu A2, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu A3: Nhà máy sàng tuyển than (Coal Processing Plant Compound)
Phạm vi Khu A3, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Tàn tích Nhà máy sàng tuyển than và silo chứa than, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu A4: Tuyến vận tải đường sắt Omnilin (Omnilin Railway Transportation), gồm:
Khu A4.1: Ga đường sắt Sawahlunto (Sawahlunto Train Station)
Khu A4.2: Nhà máy điện Kubang Sirakuak (Kubang Sirakuak Power Plant)
Khu A4.3: Hầm đường sắt Kalam (Kalam Railway Tunnel)
Khu A4.4: Ga đường sắt Muara Kalaban (Muara Kalaban Train Station)
Phạm vi Khu A4, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu A5: Thị trấn mỏ (Company Town), gồm:
Khu A5.1: Tổ hợp hành chính (Mining Administrative Compound)
Khu A5.2: Tổ hợp dành cho người lao động (Labour Quarters Compounds)
Khu A5.3: Cơ sở y tế (Health Facilities)
Khu A5.4: Chợ, trung tâm mua sắm (Market)
Khu A5.5: Cơ sở hỗ trợ (Supporting Facilities)
Phạm vi Khu A5, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Thị trấn Mỏ, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Bảo tàng Goedang Ransoem (Goedang Ransoem Museum), từng là nhà bếp công cộng phục vụ công nhân mỏ ở Sawahlunto, trong thời kỳ thuộc địa của Hà Lan
Nhà thờ Lớn Hồi giáo Nurul Iman Sawahlunto, từng là Nhà máy điện hơi nước, được xây dựng vào năm 1894, là nhà máy nhiệt điện đầu tiên tại Sawahlunto
Tòa nhà Trung tâm Văn hóa thành phố Sawahlunto (Gedung Pusat Kebudayaan Sawahlunto), từng là nơi hội họp, giải trí của quan chức thực dân, được xây dựng vào năm 1910 theo phong cách Hà Lan,
Ga đường sắt và đầu máy hơi nước ngày nay vẫn tiếp tục hoạt động cho vận chuyển hành khách
Khu A6: Nhà máy điện Salak và trạm bơm nước Ranch (Salak Power Plant and Ranch Water Pumping Station)
Phạm vi Khu A6, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Tàn tích của Nhà máy điện Salak, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu vực B: Các di sản gồm hạ tầng đường sắt và kết cấu kỹ thuật (Railway Facilities and Engineering Structures).
Tại đây, một tuyến đường sắt trên núi được thiết kế khéo léo cùng với nhiều cây cầu và đường hầm, nối mỏ Ombilin với cảng ở bờ biển phía Tây, xuyên qua 157,2 km địa hình núi non hiểm trở (để đi được quãng đường dài 57km). Việc xây dựng bắt đầu vào 6/7/1889, hoàn thành vào năm 1894.
Tuyến đường sắt nếu kể các tuyến đường nhánh có chiều dai 296,9 km với 35 km chạy trên các cầu cạn. Độ dốc lớn nhất trên tuyến đường sắt vào khoảng 7- 8%, cao độ lớn nhất là 1154m.
Khu vực B gồm 5 địa điểm:
Khu B1: Tuyến đường sắt (Railway System) được phân thành 4 đoạn:
Đoạn A (Railway System – Part A): Bắt đầu từ ga Muaro Kalban (Muaro Kalban Train Station) đến ga Batu Tabal (Batu Tabal Train Station). Một phần của tuyến chạy dọc theo phía Đông của hồ Singkarak (Singkarak Lake).
Đoạn B (Railway System – Part B): Từ ga Batu Tabal đến ga Padang Padjang (Padang Padjang Train Station).
Đoạn C (Railway System – Part C): Từ ga Padang Padjang đến ga Kayu Tanam (Kayu Tanam Train Station).
Đoạn D (Railway System – Part D): Từ ga Kayu Tanam ra đến cảng biển.
Phạm vi Khu B1, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Phạm vi đoạn A, Khu B1, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Phạm vi đoạn B, Khu B1, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Phạm vi đoạn C, Khu B1, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Phạm vi đoạn D, Khu B1, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Hình ảnh đoàn tàu chở than chạy trên đoạn đường sắt dọc phía Đông hồ Singkarak
Khu B2: Ga đường sắt Batu Tabal (Batu Tabal Train Station)
Phạm vi Khu B2, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu B3 : Ga đường sắt Padang Padjang (Padang Padjang Train Station)
Phạm vi Khu B3, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Hình ảnh Ga đường sắt Padang Padjang, Khu B3, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu B4: Cầu Tinggi (Tinggi Bridge), nằm trên đoạn C (từ ga Padang Padjang đến ga Kayu Tanam)
Phạm vi Khu B4, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Hình ảnh Cầu Tinggi, Khu B4, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu B5: Ga đường sắt Kayu Tanam (Kayu Tanam Train Station).
Phạm vi Khu B5, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Khu vực C: Di sản Kho chứa than tại cảng Emmahaven (Coal Storage Facilities at Emmahaven Port)
Tại đây hình thành một bến cảng tại Emmahaven với hệ thống kho chứa than.
Phạm vi Khu cực C, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Hình ảnh ban đầu cảng Emmahaven, Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto
Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto, tỉnh West Sumatra, Indonesia ngày nay không còn khai thác than mà phát triển du lịch như một hoạt động kinh tế chính.
Việt Nam cũng có một khu vực mỏ tương tự như Di sản khai thác than Ombilin tại Sawahlunto. Đó là mỏ than Hòn Gai, Cẩm Phả. Giữa thế kỷ 19, thực dân Pháp tiến hành xâm lược Đông Dương, biến Việt Nam thành thuộc địa. Năm 1888, người Pháp lập Công ty Mỏ than Bắc Kỳ, mở mỏ than Hà Lầm, Hà Tu, Cọc 6…, Năm 1899, sản lượng than của Công ty Than Bắc Kỳ vào khoảng 300.000 tấn, bán cho Trung Quốc, Nhật...và đưa về Pháp. Năm 1940 đạt 1,7 triệu tấn. Tại đây cũng có : Hầm lò, khai thác than lộ thiên; Hệ thống đường ray, ga tàu vận chuyển than và hệ thống cầu đường sắt; Khu tuyển than, bến cảng nước sâu tại Hòn Gai và Cửa Ông; Thị trấn mỏ Hòn Gai, Hà Lầm, Cẩm Phả, Cửa Ông. Rất tiếc, do quá trình đô thị hóa và nhận thức, toàn bộ hệ thống trên đã bị phá hủy hoàn toàn.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1610/
https://en.wikipedia.org/wiki/Indonesia
https://en.wikipedia.org/wiki/Sawahlunto
https://en.wikipedia.org/wiki/Ombilin_Coal_Mine
https://indonesiaah.com/places/west-sumatra/sawahluntohistoric-coal-mining-townand-silungkang-gold-songket-sarongs
http://searail.malayanrailways.com/PJKA/Sumatra%20West%20coast%20State%20Railway/SSS.htm
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 07/09/2020 )
|
Tin mới đưa:- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
Tin đã đưa:- Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào
- Kiến trúc thế kỷ 20 của Frank Lloyd Wright, Mỹ
- Các công trình hai bờ sông Seine, Paris, Pháp
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P3
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P2
- Quần thể đền chùa hang Ellora tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ - P1
- Chùa hang Ajanta tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ
- Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ
- Đền Mặt Trời tại Konark, Puri, bang Odisha, Ấn Độ
- Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh, Trung Quốc
- Đền và chùa ở Nikko, Tochigi, Nhật Bản
- Đền Thần đạo Itsukushima, Hiroshima, Nhật Bản
- Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc
- Quần thể kiến trúc cổ núi Võ Đang, thành phố Thập Yến, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc
- Vườn cây cảnh cổ điển Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc
|