Thông tin chung:
Công trình: Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh (Temple of Heaven: an Imperial Sacrificial Altar in Beijing)
Địa điểm: Công viên Tiantan, Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc (N39 50 44 E116 26 41)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 215ha; Vùng bảo vệ 3.155,75 ha
Năm hình thành: Nửa đầu thế kỷ 15
Giá trị: Di sản thế giới (1998; hạng mục i, ii, iii)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Bản đồ Trung Quốc và vị trí thành phố Bắc Kinh
Từ thời Trung Hoa Cổ đại, Trời được người Trung Hoa thần thánh hóa và hình tượng hóa, tạo nên Hạo Thiên Thượng đế - Đấng tối cao, người đã sáng tạo ra vạn vật. Các hoàng đế Trung Hoa được xem như Thiên tử - con Trời, người thay Trời cai trị thiên hạ và cũng phải chịu sự dạy dỗ, quản lý của Trời. Việc cúng tế Trời được các hoàng đế coi là cực kỳ quan trọng.
Vào năm 1420, Minh Thành Tổ Vĩnh Lạc Đế (2/5/1360 – 12/8/1424) phỏng theo cố đô Nam Kinh cho thiết kế và xây dựng Đàn tế Trời - Thiên Đàn tại kinh đô mới Bắc Kinh, cùng lúc với việc hoàn thành Tử Cấm Thành.
Thiên Đàn nằm tại phía Đông Nam của kinh thành Bắc Kinh, phía Nam của Tử Cấm Thành.
Đàn tế Trời được xây dựng theo hướng Đạo giáo (Taoism).
Đạo giáo của Trung Quốc hay Đạo dẫn dắt con người tôn thờ Trời, Đất, Thần, Tổ tiên…không rõ khởi phát từ bao giờ, hình thành qua một quá trình lâu dài, thâu nhập nhiều trào lưu nhận thức về tự nhiên, gắn con người với tự nhiên từ thời Thượng cổ, như luận về Thiên Địa, Ngũ hành, Âm Dương và Kinh Dịch...
Đạo giáo, còn gọi là Tiên đạo, Lão giáo, Đạo Lão, Đạo gia, trở thành một nhánh triết học và tôn giáo Trung Quốc, bắt đầu vào thời nhà Chu (1040-256 trước CN), vào thế kỷ thứ 4 TCN, khi tác phẩm Đạo Đức Kinh của Lão Tử xuất hiện. Đạo Đức Kinh là hệ thống giáo lý quan niệm về vũ trụ và nhân sinh; định vị trời đất và hóa sinh vạn vật (cả những phương pháp huyền bí dạy về tu luyện để thành bậc Tiên Thánh).
Đạo trong sự trình bày của Lão Tử là một khái niệm trừu tượng chỉ cái tự nhiên: "Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên". Nó là nguồn gốc của vạn vật. Đức là biểu hiện cụ thể của Đạo trong từng sự vật. Đạo sinh ra vạn vật, nhưng làm cho vật nào hình thành ra vật ấy và tồn tại được trong vũ trụ là do Đức. Nếu Đạo là cái Tĩnh vô hình thì Đức là cái Động hữu hình của Đạo. Nếu Đạo là bản chất của vũ trụ thì Đức là sự cấu tạo và tồn tại của vũ trụ. Sự sinh hóa từ Đạo ra Đức, từ Đức trở về Đạo.
Đạo giáo là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc Cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo. Ba tư tưởng nội sinh (Nho-Lão) và ngoại nhập (Phật) này đã ảnh hưởng rất lớn đến nền tảng văn hoá dân tộc Trung Hoa. Mặc dù có rất nhiều quan điểm khác biệt nhưng cả ba giáo lý tôn giáo này đã hoà thành một, bao trùm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, triết học, văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, dưỡng sinh, y khoa, hoá học, địa lý và võ thuật; lan truyền đến các nước lân cận như Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tranh vẽ Lão Tử, nhà triết học nổi tiếng, tổ của Đạo giáo
Vào lúc mới xây dựng (năm 1420) tòa kiến trúc được gọi là Thiên Địa đàn, là nơi cúng lễ chung cả Trời và Đất.
Năm 1530, hoàng đế nhà Minh thực hành chế độ "Tứ giao phân tự": Tại phía Đông xây dựng Nhật Đàn để cúng tế Mặt trời; Tai phía Tây xây dựng Nguyệt Đàn để cúng tế Mặt trăng; Tại phía Bắc xây dựng Địa đàn để cúng tế Thổ địa; Thiên Địa đàn xưa tại phía Nam được đổi thành Thiên đàn để cúng tế Trời.
Nhà Thanh tiếp tục noi theo quy chế cúng tế từ thời nhà Minh. Vào năm 1749, cho sửa sang lại Thiên Đàn.
Vào ngày Đông chí hàng năm, hoàng đế và toàn bộ đoàn tùy tùng đến đóng trại bên trong quần thể Thiên Đàn, mặc những bộ trang phục đặc biệt và ăn chay. Tại đó, hoàng đế đích thân cử hành lễ tế Trời, mong cho thiên hạ thái bình, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Nghi lễ phải được hoàn tất một cách hoàn hảo; người ta tin rằng chỉ một sơ suất nhỏ nhất cũng có thể là một điềm xấu cho toàn bộ quốc gia trong năm tới.
Năm 1900, trong loạn Nghĩa Hòa Đoàn, liên quân 8 nước (Nhật, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, và Áo – Hung) đã chiếm giữ nơi này làm sở chỉ huy. Các đồ cúng tế trong Thiên đàn đều bị cướp phá không còn thứ gì.
Vào năm 1912, thời Trung Hoa Dân quốc, tại đây còn diễn ra lễ tế Trời. Sau đó hoạt động tế lễ không còn nữa. Năm 1918, nơi đây trở thành công viên. Năm 2005- 2006, Thiên đàn được sửa sang lại với quy mô lớn.
Tổ hợp Thiên Đàn có diện tích 215ha (gấp 3 lần Cố cung tại Bắc Kinh với diện tích khoảng 72ha), gồm 92 tòa nhà cổ với 600 phòng. Thiên Đàn nằm tại trung tâm của vườn Hoàng gia với bốn phía là rừng tùng bao bọc.
Vào thời nhà Minh, nhà Thanh, đây là tổ hợp công trình tế lễ hoàng gia hoàn chỉnh nhất ở Trung Quốc và là quần thể lớn lớn nhất thế giới dành cho nghi lễ cúng tế Trời.
Bố cục của các hạng mục công trình chính tại Thiên đàn đều hướng về phía Đông. Những đoàn người vào hành lễ tiến vào từ phía Tây.
Thiên Đàn là quần thể kiến trúc bậc cao, được thiết kế theo nguyên tắc của "Kiến trúc hướng về Trời".
Các công trình kiến trúc chính của Thiên Đàn, bố cục theo một trục chính, trục Nam – Bắc, các công trình bố trí đối xứng hai bên, tạo sự cân bằng.
Quần thể Thiên Đàn gồm 3 công trình chính: Viên Khâu đàn, là bệ thờ, nơi hoàng đế làm lễ tế Trời; Kỳ Niên điện, nơi hoàng đế cầu mùa màng tươi tốt và Hoàng Cung vũ, nơi đặt các bài vị tế lễ Trời. Ngoài ra, tại đây còn có các công trình phụ trợ như: Trai cung, là nơi hoàng đế tiến hành thanh tịnh trước khi cử hành lễ; Tòa nhà nuôi giữ động vật hiến tế, Nhà bếp nấu đồ tế lễ…
Các công trình trong quần thể Thiên Đàn là đại diện tiêu biểu cho kiến trúc truyền thống Trung Quốc với các tòa nhà được đặt trên nền bệ cao so với xung quanh; Hệ thống kết cấu khung gỗ chịu lực kết hợp với hệ thống kết cấu đỡ mái dạng đấu củng (dougong), gồm nhiều bộ khung lồng vào nhau, rộng dần ra để đỡ các khối phía trên, qua đó tiếp nhận trọng lượng của mái chuyển vào hệ thống cột và tạo tính đàn hồi, chịu được động đất; Mái cong với các đường gờ mái được trang trí bằng các bức tượng gốm nhỏ…
Các tòa nhà cổ xưa hiện vẫn được bảo tồn tốt, cũng như bố cục lịch sử của tổ hợp về sân vườn và lối đi, tạo thành một hệ thống cảnh quan văn hóa truyền thống đặc sắc của Trung Quốc; thể hiện rõ mối quan hệ Con người thuận với Đất, Trời, Đạo và thuận với Tự nhiên.
Kiến trúc cũng như các trang trí nội thất của quần thể Thiên Đàn hết sức đặc biệt. Hoàng cung Trung Quốc chủ yếu lợp mái màu vàng, tượng trưng cho quyền lực của hoàng đế. Song tại Thiên Đàn, mái lợp ngói màu xanh lam, tượng trưng cho quyền lực của Trời…
Phối cảnh quần thể Thiên Đàn - Đàn tế Trời, tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Công viên Tiantan, Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1998) với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh, Trung Quốc là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong thiết kế kiến trúc và cảnh quan, minh họa khát quát cho một hệ thống triết lý về tự nhiên có tầm quan trọng to lớn đối với sự phát triển của một trong những nền văn minh vĩ đại trên thế giới.
Tiêu chí (ii): Bố cục và thiết kế mang tính biểu tượng của Thiên Đàn có ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc và quy hoạch tại các quốc gia phương Đông trong nhiều thế kỷ.
Tiêu chí (iii): Trong hơn hai nghìn năm, các triều đại phong kiến cai trị Trung Quốc theo luật Trời, được thể hiện thông qua biểu tượng thiết kế và bố cục quần thể Thiên Đàn.
Sơ đồ vị trí và phạm vi khu vực Di sản Thiên Đàn- nơi tế lễ Hoàng gia tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Sơ đồ tổng mặt bằng và vị trí các hạng mục công trình chính quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Viên Khâu đàn
Viên Khâu đàn (Circular Mound Altar) nằm tại phía Nam của quần thể Thiên Đàn, là một sân tròn ngoài trời, gồm 3 bậc thềm, cao 5,2m, bệ dưới cùng có chu vi 534m. Công trình được xây dựng vào năm 1530 và được mở rộng vào những năm 1740.
Viên Khâu đàn là nơi hoàng đế làm lễ tế Trời. Việc tế lễ diễn ra vào trước lúc bình minh của ngày Đông chí âm lịch (khoảng ngày 21 hay 22/12) do hoàng đế đích thân chủ trì. Đồ tế lễ gồm động vật hiến tế và các lễ vật khác. Khi làm lễ, trước đàn treo đèn lồng, bên trong đốt nến. Trong quá trình làm lễ, khói hương nghi ngút, nhạc trống rền vang, bầu không khí hết sức trang nghiêm. Sau lễ, đồ hiến tế được đốt.
Viên Khâu đàn được bao quanh bởi các bức tường bố cục theo niềm tin Thần đạo. Bức tường bên trong theo hình tròn tượng trưng cho Trời; Bức tường bên ngoài theo hình vuông tượng trưng cho Đất. Mỗi bức tường đều có 4 cổng vào từ 4 hướng.
Đàn rỗng hình tròn, ba bậc thềm làm bằng đá hoa cương, có lan can bao quanh. Trên lan can chạm khắc hình tượng rồng.
Trung tâm của đàn thờ là 1 phiến đá tròn được gọi là “Trái tim của Trời”. Hoàng đế đứng trên đó để cầu nguyện.
Bố cục chi tiết của Viên Khâu Đàn đều khởi nguồn theo các con số linh thiêng của Đạo giáo: 1 (Đạo); 2 (Âm – Dương; 3 (Tam giáo); 5 (Ngũ hành); 8 (Bát quái); 9 (Cửu trùng); 12 (Thời quân), đặc biệt là liên quan đến số 9. Theo thuyết Âm Dượng, số Âm đại diện cho số chẵn, số Dương đại diện cho số lẻ. Số 9 là số lẻ 1 chữ số lớn nhất. Con số này cũng đại diện cho hình tượng Rồng Trung Quốc, cho 9 tầng trời.
Tại đây nhiều kết cấu xây dựng được hình thành từ số lượng là bội số của 9, ví dụ như: Số trụ cột của lan can; Mỗi bậc thềm có 9 bậc lên xuống; Bao quanh viên đá “Trái tim của Trời”, trung tâm của đàn thờ, các viên đá lát nền được xếp vòng tròn; Có 9 viên đá tại vòng tròn thứ nhất, 18 viên tại vòng hai, 27 viên tại vòng ba, tiếp tục đến vòng thứ chín với 81 viên đá; Bậc thềm thứ hai và thứ nhất cũng có 9 vòng tròn đá lát nền…
Khi hoàng đế đứng trên viên đá trung tâm làm lễ cầu khấn, giọng nói trở nên vang vọng hợn do sự phản xạ của các bức tường nhẵn bao quanh.
Viên Khâu đàn sau hơn 500 năm xây dựng, vẫn được bảo tồn hoàn hảo.
Viên Khâu đàn, trong quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Cổng vào và các bức tường bao quanh Viên Khâu đàn, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Viên đá hình tròn, điểm trung tâm của Viên Khâu đàn, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Trang trí lan can bao quanh Viên Khâu đàn, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Hoàng Cung vũ
Hoàng Cung vũ (Imperial Vault of Heaven) là một điện nhỏ một tầng, hình tròn, nằm ở phía Bắc của Viên Khâu đàn. Đây là nơi đặt các bài vị tế trời vào những ngày không phải dịp tế lễ. Công trình được xây dựng vào năm 1530.
Tương tự như các công trình kiến trúc Trung Quốc điển hình, tòa nhà nằm trên một bệ đá cẩm thạch trắng cao 2m, xung quanh có lan can đá bao quanh. Công trình có chiều cao 19m, đường kính 16m, hình thức mái như như một chiếu lều màu xanh với đỉnh nhọn mầu vàng.
Cấu trúc của tòa nhà bằng gỗ. Trần nhà màu xanh lục, trang trí rồng cuộn mạ vàng ngậm ngọc và 360 con rồng nhỏ bao quanh.
Giữa sảnh là một bệ đá hình tròn, chạm trổ hoa văn. Bên trên đặt bài vị thờ Trời và các bài vị thờ tổ tiên ở hai bên.
Hai bên Hoàng Cung vũ là đền thờ phụ trợ phía Tây và phía Đông, được dành riêng thờ các vị thần Mặt Trăng, Sao, Mây, Mưa, Sấm và Sét.
Xung quanh Hoàng Cung vũ có một bức tường cao 6m (Echo Wall), quây thành hình tròn có đường kính 32,5 m, Bức tường phẳng và mịn này là bức tường hồi âm nổi tiếng, người bên này có thể nghe rõ người bên kia bức tường nói nhỏ.
Phối cảnh cụm công trình Hoàng Cung vũ, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh Hoàng Cung vũ, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Nội thất Hoàng Cung vũ, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Đền thờ phụ trợ và bức tường truyền âm bao quanh Hoàng Cung vũ, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Kỳ Niên điện
Từ Hoàng Cung vũ qua cổng Chengzhen (Chengzhen Gate), cầu Danbi (Danbi Bridge), trên một lối đi dài 360m rộng 30m đến Kỳ Niên điện (Hall of Prayer for Good Harvests), biểu tượng chính của quần thể Thiên Đàn với dáng vẻ bề thế, nguy nga và tráng lệ.
Đây là nơi hoàng đế làm lễ cầu cho mùa màng tươi tốt, không chỉ liên quan đến niềm tin Thần đạo mà cả văn hóa nông nghiệp. Việc làm lễ diễn ra vào mùa Hè.
Công trình được xây dựng vào năm 1420, bị hỏa hoạn do sét đánh vào năm 1889, sau đó được xây dựng lại.
Cụm công trình có 3 cổng ra vào, hướng Đông, Tây và Nam. Riêng cổng phía Nam có hai lớp. Các cổng này có vai trò như những tường chắn phía trước mặt chính ngôi nhà, bắt nguồn từ niềm tin rằng qua đó hạn chế điều xấu.
Cụm công trình nằm chung trong một sân hình chữ nhật, tượng trưng cho Đất.
Phía Bắc, bên trong sân chữ nhật là một sân nhỏ hình tròn, tượng trưng cho Trời, trung tâm của sân là Kỳ Niên điện.
Kỳ Niên điện là một tòa nhà hình tròn đường kính 32m, cao 38m, đặt trên một bệ đá cẩm thạch cao 6m, gồm 3 bậc thềm, được bao quanh bởi hệ thống lan can đá cẩm thạch trắng có chạm khắc. Bậc thang lên các bậc thềm được trang trí phù điêu.
Kỳ Niên điện có 3 lớp mái, phủ men màu xanh, tượng trưng cho Trời, chóp mái đúc bằng kim loại màu vàng.
Kết cấu chịu lực chính của nhà bằng gỗ, được bố trí thành 3 lớp:
Lớp trong cùng có 4 cột cái cao 19,2m, đường kính 1,2m, tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông;
Lớp giữa gồm 12 cột, tượng trưng cho 12 tháng trong năm;
Lớp ngoài cùng gồm 12 cột, tượng trưng cho 12 giờ (một đơn vị thời gian cổ đại của Trung Quốc bằng hai tiếng).
Trần nhà và các cột gỗ được trang trí bằng những bức tranh đầy màu sắc, miêu tả những con rồng vàng trên nền màu xanh lá cây. Đây là loại màu xanh cao cấp nhất ở Trung Quốc để vẽ trên kiến trúc quan trọng nhất. Các bức tranh không chỉ thể hiện tầm quan trọng của điện mà khiến nó trông giống như một phần của bầu trời.
Trong tòa điện trung tâm, có một viên đá tròn, có hoa văn tự nhiên như rồng, phượng, được đặt tên là "Đá rồng và phượng hoàng". Giữa sảnh là nơi đặt bàn thờ Thiên Đường.
Hai bên của điện thờ là công trình phụ trợ tại phía Đông và phía Tây, được xây dựng vào năm 1420.
Ngày nay, tòa phụ trợ phía phía Tây trở thành nơi triển lãm nghi lễ cúng tế, gồm các dụng cụ hiến tế và quy trình của việc thờ cúng. Tòa phụ trợ phía Đông trở thành nơi trưng bày các dụng cụ lễ nhạc như chuông, trống, sáo…cũng như các ví dụ miêu tả hình ảnh, cảnh nhảy múa trong các buổi tế lễ.
Bức tường bao quanh cụm công trình được phủ bởi gạch tráng men màu xanh lá cây, tượng trưng cho Đất.
Ở mỗi bên Kỳ Niên điện có các dãy điện thờ nhỏ tôn vinh các vị thần như Mặt Trời, Mặt Trăng, Mưa, Sấm và Sét.
Phối cảnh cụm công trình Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Nội thất Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh cổng phía Tây Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh tòa nhà phía Tây Kỳ Niên điện, nơi lưu giữ đồ nghi lễ cúng tế, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh cổng phía Bắc Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Phối cảnh cổng phía Nam Kỳ Niên điện (cổng phía trong), quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Các hạng mục công trình khác
Hệ thống các cổng ra vào
Tổ hợp Thiên Đàn có 6 cổng vào:
Tại phía Nam có cổng Zhaoheng (Zhaoheng Gate);
Tại phía Đông có 2 cổng: Cổng Taiyuan (Taiyuan Gate) và cổng Thiên Đàn phía Đông (East Heavenly Gate);
Tại phía Bắc có cổng Thiên Đàn phía Bắc (North Heavenly Gate);
Tại phía Tây có 2 cổng: Cổng Thiên Đàn phía Tây (West Heavenly Gate) và cổng Guangli (Guangli Gate).
Các cổng ra vào là các tòa nhà với 3 lối vào, lối vào giữa dành cho hoàng đế, hai công bên là quan viên.
Cổng phía Bắc của quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Trai cung
Trai cung (Hall of Atstinence) là công trình nằm cạnh cổng Thiên Đàn phía Tây, là nơi hoàng đế tiến hành thanh tịnh cơ thể trước khi cử hành tế lễ.
Cung điện có bố cục không gian kín và mở kết hợp.
Bên ngoài cung điện có mặt bằng đóng kín hình vuông, bố cục hướng về phía Đông. Bao quanh Trai cung là một hào nước gắn với một hành lang dài với 163 gian.
Bên trong cung điện còn có một hào nước nữa với bố cục mở hình chữ U và 3 cầu nhỏ vượt qua.
Trai cung có tới 60 gian phòng. Tòa Chính điện theo số lẻ có 5 gian. Bên trong có Nguyệt đài, là nơi đặt tượng đồng và bài vị của các vị thần chủ về thời gian. Sau chính điện có tẩm điện là nơi hoàng đế nghỉ ngơi.
Phối cảnh tổng thể cụm công trình Trai cung, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Tòa chính điện trong cụm công trình Trai cung, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Chung Cổ lâu
Chung Cổ lâu (Bell Tower) nằm tại phía Đông của Trai cung, là một lầu chuông, bên trong treo một quả chuông lớn, được đúc từ thời hoàng đế Minh Thành tổ Vĩnh Lạc (trị vì giai đoạn 1402- 1424) tên "Thái Hòa chung".
Theo thông lệ, khi hoàng đế tiến hành lễ tế trời, thường khởi giá từ Trai cung theo hiệu lệnh của tiếng chuông. Khi hoàng đế bước lên Viên Khâu đàn thì việc thỉnh chuông chấm dứt. Sau khi hoàng đế tế xong, chuông lại được thỉnh.
Mặt trước Chung Cổ lâu, phía Đông cụm công trình Trai cung, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Tòa nhà nuôi, giết mổ gia súc làm lễ tế Trời và khu vực bếp
Tòa nhà nuôi và giết mổ gia súc làm lễ tế Trời (Pavilion for Butchering Animals), được xây dựng vào năm 1420, gồm 2 cụm:
Cụm phía Bắc gồm tòa nhà nuôi và giết mổ gia súc gắn với bếp (Divine Kitchen), phục vụ cho Kỳ Niên điện. Kết nối 2 công trình trên với Kỳ Niên điện bằng hệ thống hành lang. Tại đây còn có nhà phục vụ ăn uống (Meals and Drink Room).
Cụm phía Nam gồm tòa nhà nuôi và giết mổ gia súc gắn với bếp (Divine Kitchen), phục vụ cho Viên Khâu đàn.
Tòa nhà nuôi và giết mổ gia súc làm lễ tế Trời tại phía Bắc, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Hành lang dài
Hành lang dài (Long Corridor) kết nối khu vực nhà bếp với Kỳ Niên điện, rộng 5m, dài 350m, bao gồm 71 gian, phía trên có mái che. Vào đêm trước lễ cúng tế, hành lang được thắp sáng bằng đèn lồng và tất cả các lễ vật, bao gồm ngọc, lụa, đồ ăn, uống, trái cây… được chuyển đến các bàn thờ dọc theo hành lang. Hành lang chuẩn bị đồ thờ được trang trí các bức tranh đầy màu sắc trên trần.
Phía Nam của Hành lang chuẩn bị đồ thờ có một vườn đá mang tên Đá Bảy Sao (Seven Star Rocks), trên có khắc nhiều hoa văn. 7 hòn đá có lịch sử 500 năm, được tạo ra vào thời hoàng đế Gia Kinh thời Minh.
Hành lang dài, nơi chuẩn bị đồ tế lễ, gắn với Kỳ Niên điện, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Vườn Bảy viên đá, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Tòa nhà Double Ring Longevity
Tòa nhà hai hình tròn (Pavilion of Double Ring Longevity) nằm tại phía Tây Bắc của Thiên Đàn, bao gồm một tòa nhà có mặt bằng là hai hình tròn lồng vào nhau gắn với các hành lang có mái che hai bên. Đây là công trình có hình dạng hết sức khác lạ trong kiến trúc cổ Trung Quốc.
Tòa nhà hai hình tròn, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Vườn xung quanh
Các công trình trong Thiên Đàn bố trí xen lẫn các vườn cây. Tại đây có các khu vườn mang tên Vườn của các loài hoa (Flowers Garden); Vườn hoa hồng (Rose Garden) và Đài phun nước (Fountain). Các khu vườn trong Thiên Đàn, trái ngược với bố cục của các công trình, không bố trí hoàn toàn đối xứng, phù hợp với nguyên tắc: Thiên nhiên và Con người là một. Vườn là sự phối hợp giữa các viên đá (sự cố định, dương) và nước (sự chuyển dịch, âm).
Bao quanh Thiên đàn có 5000 cây bách cổ, tạo thành một phong cảnh thiên nhiên tĩnh lặng hiếm có.
Vườn 5000 cây bách cổ, quần thể Thiên Đàn, Bắc Kinh
Di sản văn hóa Thiên Đàn- Đàn tế Trời của Hoàng gia tại thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc là một quần thể trang nghiêm về quy hoạch và thiết kế kiến trúc, cũng như nghi lễ hiến tế và trình diễn âm nhạc dựa trên các nguyên lý Thần đạo hay Đạo giáo cổ xưa, liên quan đến niềm tin về mối quan hệ giữa Thiên đàng và Con người trên Trái đất, thông qua trung gian là các Hoàng đế, là Thiên tử - con Trời.
Tại Trung Quốc, có nhiều Thiên Đàn do các triều đại khác nhau xây dựng, song Di sản Thiên Đàn tại Bắc Kinh là công trình tiêu biểu nhất.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/881
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Heaven
https://en.wikipedia.org/wiki/Taoism
https://en.wikipedia.org/wiki/Circular_Mound_Altar
https://en.wikipedia.org/wiki/Yin_and_yang
https://www.encirclephotos.com/gallery/beijing-temple-of-heaven/
https://en.wikipedia.org/wiki/Chinese_architecture
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|