Tuần 19 - Ngày 11/12/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Chùa hang Ajanta tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ
29/03/2019
 

Thông tin chung:
Công trình: Chùa hang Ajanta (Ajanta Caves)
Địa điểm: Phân khu Soyagon Taluka, quận Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ (N20 33 11.988 E75 42 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 8.242 ha; vùng đệm: 78.676 ha
Năm hình thành: 
Giá trị: Di sản thế giới (1983; hạng mục i ; ii ; iii ; vi) 

Ấn Độ (India) là một quốc gia tại Nam Á, có diện tích 3.287.263 km2 (đứng thứ 7 trên thế giới); dân số khoảng 1324 triệu người (năm 2016).
Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương tại phía Nam, biển Ả Rập phía Tây Nam, vịnh Bengal phía Đông Nam, giáp Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal, Bhutan ở phía Đông Bắc; Myanmar và Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.
Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation) thời Cổ đại, có các tuyến đường buôn bán mang tính lịch sử cùng với những đế quốc rộng lớn, giàu có về thương mại và văn hóa.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN), tại đây đã xuất hiện các đô thị lớn với số dân hàng vạn người, được quy hoạch với hệ thông thoát nước, cấp nước phức tạp, nhà gạch nung, các kỹ thuật mới trong hoạt động thủ công mỹ nghệ và luyện kim…
Sự phân tầng xã hội, dựa trên đẳng cấp, xuất hiện trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Sự tập quyền chính trị sớm nhất diễn ra dưới thời đế chế Maurya (Maurya Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 322 - 187 TCN); đế chế Shunga (Shunga Empire, tồn tại trong giai đoạn 187- 78 TCN) và đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 319 đến 550 sau Công nguyên).
Các vương quốc trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ 13 sau Công nguyên tại Tiểu lục địa Ấn Độ (Middle kingdoms of India) có ảnh hưởng to lớn đến nền văn hóa của khu vực xung quanh, lan truyền đến tận Đông Nam Á.
Đây cũng là nơi bắt nguồn của 4 tôn giáo nội sinh lớn: 
Ấn Độ giáo (Hinduism) là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, xuất phát từ khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh), là sự hợp nhất hay tổng hợp các nền văn minh truyền thống Ấn Độ khác nhau và  không có người sáng lập; hình thành từ năm 500 TCN đến 300 sau Công nguyên, sau khi kết thúc thời kỳ Vệ Đà (Vedic period, năm 1500 – 500 TCN), phát triển mạnh trong thời Trung cổ, cùng với sự suy tàn Phật giáo ở Ấn Độ. Ấn Độ giáo bao gồm các nhóm tôn giáo khác biệt nhau về triết lý, song được liên kết bởi các khái niệm chung, các nghi thức, vũ trụ học, tài nguyên văn bản Hindu (luận về thần học, triết lý, thần thoại, kinh Vệ Đà, Yoga, nghi lễ, cách thức xây dựng đền thờ) và tập tục hành hương đến các địa điểm linh thiêng. Bốn giáo phái lớn nhất của Ấn Độ giáo là Vaishnavism, Shaivism, Shaktism và Smartism.
Phật giáo (Buddhism) do Đức Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama/ Tất đạt đa Cồ đàm, năm 624 TCN – 534 TCN) sáng lập. Sau này phân hóa thành nhiều nhánh: Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông, Thượng tọa, Tiểu thừa); Phật giáo Đại thừa (Bắc tông, Đại chúng); Phật giáo Chân ngôn (Tây Tạng, Mật tông, Kim cương thừa).
Jaina giáo (Jainism/Kỳ Na giáo) do Đức Mahavir (năm 599 TCN – 527 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ với triết lý và phương thức thực hành dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn;
Sikh giáo (Sikhism) do Đức Guru Nanak (15/4/1469- 22/9/1539) sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, giữa Pakistan và Ấn Độ.
Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện các tôn giáo ngoại nhập như: Do Thái giáo (Judaism), Bái Hỏa giáo (là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại), Cơ Đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islamic). Các tôn giáo này được truyền đến Ấn Độ vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, bổ sung vào văn hóa đa dạng của khu vực.
Vào thời Trung cổ, phần lớn miền Bắc Ấn Độ thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (Delhi Sultanate), kéo dài trong khoảng 320 năm (1206- 1526); Miền Nam Ấn Độ phân thành nhiều vương quốc nhỏ, ví dụ như: Vương quốc Vijayanagara (Vijayanagara Empire): nằm trên Cao nguyên Deccan (Deccan Plateau), tồn tại năm 1336 - 1646; Vương quốc Đông Ganga (Eastern Ganga dynasty): nằm tại khu vực ven biển phía Đông, giữa sông Mahanadi và sông Godavari, tồn tại vào thế kỷ 11- đầu thế kỷ 15.
Vào thế kỷ 16, Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1857) hình thành, chinh phục các vương quốc nhỏ, mở rộng lãnh thổ ra gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Afghanistan với số dân vào giai đoạn cực thịnh lên đến 150 triệu người.
Tiểu lục địa Ấn Độ dần bị Anh thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ 18, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh từ giữa thế kỷ 19.
Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947, sau cuộc đấu tranh giành độc lập do Mahatma Gandhi (2/10/1869 – 30/1/1948) lãnh đạo.
Ngày nay Ấn Độ là một liên bang bao gồm 29 bang và 7 vùng lãnh thổ thuộc liên bang. Dưới bang là các đơn vị hành chính: quận (huyện, khu); phân khu và làng xã.

Maharashtra là một bang nằm ở miền Tây Ấn Độ, giáp biển Ả Rập (Arabian See), thủ phủ là thành phố cảng biển Mumbai, trước đây còn gọi là Bombay.
Aurangabad là một thành phố du lịch thuộc quận Aurangabad, bang Maharashtra, được bao quanh bởi nhiều Di sản thế giới, trong đó có Quần thể chùa hang Ajanta (Ajanta Caves) và Chùa hang Ellora (Ellora Caves).


Bản đồ Ấn Độ và vị trí bang Maharashtra tại phía Tây Ấn Độ

Quần thể chùa hang Ajanta gồm khoảng 30 hang động, nằm ở lưng chừng một vách đá bazan bùn (Flood basalt, kết quả của một vụ phun trào núi lửa) thẳng đứng cao khoảng 76m. Đá được phân thành các lớp với chất lượng khác nhau. Sự không đồng nhất trong các lớp đá dẫn đến hình thành các vết nứt và sụp đổ theo thời gian. Tại vị trí này, một số hang động đã không được xây dựng tiếp tục. Vách đá uốn cong hình móng ngựa, bên dưới là sông Waghora (Waghora River). Phía trên các vách đá có một số thác nước.
Quần thể chùa hang Ajanta được hình thành gắn liền với việc lan truyền Phật Giáo.

Phật giáo được sáng lập bởi Siddhartha Gautama (Thích Ca Mâu Ni; khoảng năm 563/480 - 483/400 TCN), thuộc hoàng tộc Shakya (Devanagari), cai trị tiểu quốc Shakya (Shakya Gaṇarājya, kinh đô là Kapilavastu, thuộc Ấn Độ và Nepal ngày nay). Siddhartha Gautama từ bỏ cuộc sống phú quý của một hoàng tử vào năm 29 tuổi để tìm đạo. Sau 6 năm cầu đạo, Ngài đạt được giác ngộ tâm linh, được gọi là Đức Phật (Bậc giác ngộ/Người thức tỉnh) và dành 45 năm cuối của cuộc đời cho việc truyền dạy giáo lý. Những bản kinh ghi lại lời dạy của Ngài được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách vào 400 năm sau đó.

Vào giai đoạn từ thế kỷ thứ 6 TCN đến thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, Phật giáo được hình thành và định hình tạo thành trung tâm Phật giáo tại Thung lũng sông Hằng, Ân Độ (Heartland of Buddhism, Ganges valley).
Giai đoạn đầu, Phật giáo lan truyền chủ yếu về hướng Tây, tới 3 thành phố: Sanchi, bang Madhya Pradesh; Amaravati, bang Andhra Pradesh và Mathura, bang Uttar Pradesh. Từ Sanchi, Phật giáo Đại thừa lan truyền đến Ajanta và Ellora. 

Sơ đồ lan truyền Phật giáo tại các quốc gia châu Á.
Ghi chú trong hình vẽ: 
Important Buddhist sites: Địa điểm Phật giáo chính;
Heartland of Buddhism, Ganges valley, India 6th to 4th Century BCE: Trung tâm Phật giáo tại Thung lũng sông Hằng Ấn Độ, giai đoạn thế kỷ 6- 4 TCN
Buddhist majority realm: Nơi Phật giáo chiếm đa số; 
Historical realm of Buddhist expansion: Khu vực mở rộng Phật giáo; 
Early Buddhist schools: Truyền bá Phật giáo giai đoạn đầu;
Mahayana: Phật giáo Đại thừa hay Phật giáo Bắc Tông; 
Theravada: Phật giáo Tiểu thừa hay Phật giáo nguyên thủy, Nam Tông; 
Vajrayana Tantric: Phật giáo Kim cương thừa hay Mật tông

Quần thể chùa hang Ajanta được xây dựng theo hai giai đoạn :
Giai đoạn thứ nhất gồm các hang 9, 10, 12, 13 và 15A, được tạo ra trong khoảng thời gian từ năm 100 TCN đến năm 100 sau Công nguyên, vào thời vương triều Satavahana (Satavahana Dynasty, tồn tại vào thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 2 sau Công nguyên) hoặc vào thời đế chế Maurya (Maurya Empire, tồn tại vào năm 322 - 187 TCN).
Giai đoạn thứ hai gồm các hang ký hiệu 1-8, 11,14 -30, được tạo thành trong khoảng thời gian ngắn từ năm 460 – 480, dưới thời hoàng đế Harishena (cai trị vào năm 475 – 500) thuộc triều đại Vakataka (Vakataka Dynasty, tồn tại vào những năm 250 – 500), kế tiếp vương triều Satavahana, cùng thời với đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại vào năm 319 đến 550 sau Công nguyên) tại miền Bắc Ấn Độ.

Quần thể chùa hang Ajanta không chỉ là nơi tu tập cho các nhà sư mà còn là nơi nghỉ ngơi cho khách hành hương và thương nhân trên tuyến đường thương mại (xuất khẩu dệt may, đá quý) nối trung tâm tiểu lục địa Ấn Độ tới thành phố cảng Mumbai.
Một trong những điểm đặc biệt của Quần thể chùa hang Ajanta là các bức tranh và tác phẩm điêu khắc đá thể hiện cảm xúc thông qua cử chỉ, tư thế và hình thức của các nhân vật được miêu tả, được đánh giá là những tác phẩm đẹp nhất của nghệ thuật Phật giáo ở Ấn Độ. Các hang ký hiệu 16,17, 1 và 2 có các bức tranh tường Ấn Độ cổ lớn nhất còn sót lại.
Theo thời gian, hang động Ajanta bị lãng quên, chỉ được nhắc đến trong hồi ký của một số Phật tử Trung Quốc hành hương đến Ấn Độ thời Trung cổ và bởi quan chức thời đế quốc Mughal vào đầu thế kỷ 17.
Hang động Ajanta bị bao phủ bởi rừng rậm cho khi vô tình phát hiện vào năm 1819.
Hình dạng, trang trí trong Quần thể chùa hang Ajanta tạo thành phong cách riêng, sau này được áp dụng trong các chùa hang khác như: Chùa hang Ellora (Ellora Caves, tại quận Aurangabad, bang Maharashtra, Di sản thế giới); Chùa hang Elephanta (Elephanta Caves, tại đảo Elephanta, thành phố Mumbai, bang Maharashtra, Di sản thế giới); Chùa hang Aurangabad (Aurangabad Caves, thành phố Aurangabad, bang Maharashtra); Chùa hang  Shivleni (Shivleni Caves, tại thành phố Maharashtra, bang Maharashtra; Đền hang Karnataka (bang Karnataka).
Hiện tại đây đã phát hiện 36 tàn tích nền móng hang động. 

Chùa hang Ajanta trưng bày các bức tranh, tác phẩm điêu khắc đá mô tả Đức Phật theo truyền thuyết Jatakamala (một bộ sưu tập gồm 34 câu chuyện liên quan đến kiếp trước và sự tái sinh của Đức Phật ở cả hình dạng con người và động vật), cũng như các câu chuyện khác về các vị thần Phật giáo và Ấn Độ giáo. 
Các chùa hang ban đầu được tạo thành từ nguồn tiền công đức của một số tín đồ, được ghi lại trong hang. Các chùa hang sau đó được tài trợ bởi các nhà cai trị địa phương hoặc giới thượng lưu và cũng được lưu lại.
Các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy vai trò của các nghệ nhân Ấn Độ và việc sử dụng một khối lượng lớn lực lượng lao động trong việc xây dựng Quần thể chùa hang Ajanta.


Toàn cảnh Quần thể chùa hang Ajanta 


Quần thể chùa hang Ajanta tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1983) với tiêu chí:

Tiêu chí (i): Chùa hang Ajanta tại Aurangabad, bang Maharashtra, Ấn Độ được xây dựng theo hai giai đoạn. Giai đoạn đầu bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ 2 TCN; Giai đoạn sau được xây dựng vào khoảng năm 400 – 650 sau Công nguyên (hoặc 460 – 480 sau Công nguyên). Các bức tranh và các tác phẩm điêu khắc đá tại đây là những tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực nghệ thuật Phật giáo, có ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật Ấn Độ giai đoạn tiếp sau.

Tiêu chí (ii): Chùa hang Ajanta là minh chứng về việc lan truyền Phật giáo từ trung tâm tiểu lục địa Ấn Độ tới khu vực bờ biển phía Tây và từ đây lan tỏa tới các khu vực khác ngoài Ấn Độ. Hình dạng kiến trúc, nghệ thuật tạo hình chùa hang Ajanta tạo thành phong cách riêng, sau này được áp dụng rộng rãi trong các chùa hang khác.

Tiêu chí (iii): Quần thể chùa hang Ajanta gồm các điện thờ và thiền viện được tạc vào một bức tường đá cao 76m, là một bằng chứng độc đáo về một truyền thống văn hóa Phật giáo tồn tại từ thế kỷ 2 TCN đến tận ngày nay.

Tiêu chí (vi): Quần thể chùa hang Ajanta trưng bày các bức tranh, tác phẩm điêu khắc mô tả kiếp trước và sự tái sinh của Đức Phật cũng như các câu chuyện về các vị thần Phật giáo và Ấn Độ giáo. 


Sơ đồ tổng mặt bằng Di sản Quần thể chùa hang Ajanta với vị trí của các hang. 



Phối cảnh tổng thể Di sản Quần thể chùa hang 
Ajanta với vị trí của các hang. Các hang động được đánh số từ 1- 28; Hang 9,10, 19, 26 là các điện thờ (Chaitya Hall), các hang còn lại là thiền viện (Vihara Hall). Hang không thể hiện: Hang 29 mới phát hiện, nằm ở phía trên hang 21; Hang 30 nằm giữa hang 15 và 16, gần đáy sông. 

Các dạng không gian trong Quần thể chùa hang
Ajanta
Quần thể chùa hang Ajanta gồm hang thiền viện (Vihara Hall) và hang điện thờ (Chaitya Hall). Các hang có kích thước khác nhau, được đục khoét vào trong vách đá. Có hang động được xây dựng đơn giản, nhưng cũng có hang được xây dựng công phu và tinh xảo.

Thiền viện
Tại Quần thể chùa hang Ajanta, phần lớn là các hang thiền viện (Vihara/ Vihara Hall). Đây không chỉ là nơi ở cho những người xuất gia theo Phật giáo (cư sĩ/tỳ kheo), mà còn là kho lưu trữ ngũ cốc và thực phẩm cho du khách.
Cấu trúc hang thiền viện thường có mặt bằng hình vuông, bố cục đối xứng, gồm một không trung tâm và bao quanh là các hốc hay phòng nhỏ, là nơi đặt các giường được chạm khắc vào trong đá. Hang thiền viện giai đoạn đầu đơn giản, về sau này có thêm không gian thờ đặt tượng Phật, bảo tháp…Trên các bề mặt hang, cột đỡ trần đều trang trí các phù điêu.

Điện thờ  
Điện thờ (Worship Halls) thường có mặt bằng hình chữ nhật hẹp với kiểu trần vòm cao (Chaitya Hall), một đầu có bảo tháp. Không gian điện thờ gồm một gian giữa và hai lối đi hai bên, được ngăn cách bởi hàng cột đối xứng.
Việc đi vòng tròn bên phải quanh bảo tháp (Parikrama) là một trong những thực hành quan trọng của các tu sĩ. Ngoài điện thờ là hiên nhà với lối vào tương đối thấp và được chạm khắc công phu. Một số có cửa sổ lớn phía trên lối vào để đón ánh sáng. Điện thờ xây dựng giai đoạn đầu có hệ thống cột bên trong đơn giản, không trang trí. Trong giai đoạn sau, các cột có hình dạng đa dạng và được chạm khắc tinh xảo.

Tranh và điêu khắc
Quần thể chùa hang Ajanta không chỉ nổi danh về hang động mà còn về các bức họa trên tường đá và trần hang.
Tổng cộng tại đây có đến 500 bức (với 30 hang, trung bình mỗi hang có đến gần 20 bức tranh). Màu sắc tranh được làm từ các chất khoáng và các chất có nguồn gốc thực vật, còn giữ được sắc màu qua mấy ngàn năm.
Các bức tranh trong Quần thể hang động Ajanta chủ yếu minh họa cho những câu chuyện trong truyền thuyết Jataka (Jataka Tales, được viết bởi bậc thầy Ấn Độ Arya Shura), là một văn bản Phật giáo sớm nhất, có từ thế kỷ thứ 4 TCN, liên quan đến miêu tả 34 hóa thân của Phật trong quá khứ (trong đó có nhiều kiếp là các con vật, nhiều kiếp là những con người có xuất thân khiêm tốn). Vì thế, tuy đều gắn với đề tài Phật giáo nhưng các bức tranh không giới hạn trong cuộc sống tu viện mà bao trùm hiện thực rộng lớn hơn, từ cuộc sống cung đình, người bình dân (trang phục, trang sức, quan hệ tình dục, lễ hội, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động xã hội khác) đến thế giới chim thú, cỏ hoa, tiên nữ và thần linh trên trời. Nghệ thuật tại đây thể hiện triết lý: Tôn giáo và Xã hội, Tâm linh và Thế tục hợp nhất với sự giác ngộ hoàn hảo.
Các bức tranh trong Quần thể chùa hang Ajanta còn là một nguồn tài liệu lịch sử vô giá minh họa sự kết nối của Ấn Độ với nền văn minh bên ngoài thời bấy giờ thông qua các hình ảnh của các thương nhân, du khách trên tuyến đường thương mại nối trung tâm tiểu lục địa Ấn Độ tới thành phố cảng Mumbai.
Các bức tranh được cho là vẽ vào thời vương triều Satavahana (Satavahana Dynasty, tồn tại vào thế kỷ 1 TCN đến thế kỷ 2 sau Công nguyên) và có kết nối với nghệ thuật Gandhara (Art of Gandhara). Gandhara là một quốc gia cổ đại, nằm ở phía Tây Bắc tiểu lục địa Ấn Độ cổ đại, Afghanistan và Pakistan ngày nay. Nghệ thuật Gandhara liên quan đến nghệ thuật Phật giáo Greco (Greco-Buddhist art), là một sự đồng bộ văn hóa giữa văn hóa Hy lạp Cổ điển (Classical Greek) và Phật giáo, phát triển trong khoảng thời gian gần 1000 năm tại Trung Á, giữa các cuộc chinh phạt của Alexander Đại đế (Alexander the Great) trong thế kỷ thứ 4 TCN và các cuộc chinh phạt Hồi giáo (Islamic Conquests) vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. 
Các bức tranh trong Quần thể hang động Ajanta được vẽ bởi các nghệ sĩ chuyên nghiệp, thể hiện sự sang trọng, gợi cảm và tôn vinh vẻ đẹp hình thể.
Nghệ thuật tại Quần thể chùa hang Ajanta như là một minh chứng về văn hóa, xã hội và tôn giáo của người dân bản địa Ấn Độ giữa thế kỷ thứ 2 TCN đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. 
Nhiều bức trong trong Quần thể chùa hang Ajanta sau khi phát hiện (năm 1819) đã xuống cấp nhanh chóng. Các bức tranh này được sao chép lại và được lưu giữ tại các bảo tàng châu Âu và Nhật Bản.

Quần thể chùa hang
Hang ký hiệu 1 
Hang 1 (Cave 1) là một thiền viện (Vihara Hall) có quy mô lớn, được xây dựng ở đầu phía Đông của vách đá hình móng ngựa. Hang chưa được hoàn thành. Hang có kích thước 35,7m x 27,6m. Hàng hiên phía trước (Verandah) có 6 cột tròn. Giữa của thiền viện là một không gian trung tâm hay đại sảnh mặt bằng hình vuông (Hypostylar) với 20 cột trụ vuông bao quanh để đỡ trần hang. Xung quanh không gian trung tâm là các dãy phòng ở của tu sĩ. Trong cùng là một phòng thờ với tượng Phật bên trong. Hang 1 là một trong những hang có mặt tiền được chạm khắc công phu nhất. Các bức tranh bao phủ tường và trần hang, miêu tả các cảnh trong truyện Jataka về kiếp trước của Đức Phật.


Hang 1: Mặt trước thiền viện; 
Quần thể chùa hang Ajanta


Hang 1: Mặt bằng hang; Quần thể chùa hang Ajanta 


Hang 1:Nội thất bên trong hang, tại không gian trung tâm hay đại sảnh; chính giữa là phòng thờ


Hang 1: Bức tranh Vua tuyên bố thoái vị để trở thành nhà tu hành, 1 trong 4 bức bích họa minh họa 10 câu chuyện vĩ đại về Đức Phật (Mahanipata Jataka), là một tập hợp từ truyền thuyết Jataka (Jataka Tales), liên quan đến miêu tả các hóa thân của Phật trong quá khứ.

Hang ký hiệu 2
Hang 2 (Cave 1) là một thiền viện (Vihara), nằm kề với Hang 1, được biết đến với những bức tranh được bảo tồn trên tường, trần hang và các cột trụ. Hang 2 có hình dạng giống như Hang 1, song ở trạng thái bảo quản tốt hơn. Hang có kích thước 35,7m x 21,6m, được xây dựng vào những năm 460. Các hình chạm khắc có từ năm 475 – 477 sau Công nguyên, được thực hiện nhờ sự tài trợ của một người phụ nữ có liên quan mật thiết với hoàng đế Harisena. Hang được chạm khắc và vẽ với các chủ đề khác nhau, bao gồm các họa tiết trang trí, con người, động vật, thực vật, á thần và thần, trong đó có nữ thần Hariti, ban đầu là một yêu quái sau đó được Đức Phật cải hóa thành nữ thần hộ mệnh sinh sản và bảo vệ em bé…


Hang 2: Mặt trước thiền viện với hàng hiên có cột trang trí; Quần thể chùa hang Ajanta 


Hang 2: Nội thất không gian đại sảnh; chính giữa là phòng thờ


Hang 2: Bức tranh thể hiện hoàng tử Vidhura Jataka, một trong các hóa thân của Phật


Hang 2: Bức phù điêu miêu tả một vị vua bên cạnh gia đình và quỷ dạ xoa (Yaksha)


Hang ký hiệu 3
Hang 3 (Cave 3) là một thiền viện (Vihara) chưa hoàn chỉnh, được xây dựng vào năm 477, sau đó bị bỏ rơi. 

Hang ký hiệu 4
Hang 4 (Cave 4) là một thiền viện (Vihara) lớn, được một tín đồ giàu có bảo trợ xây dựng vào năm 463 sau Công nguyên. Thiền viện nằm tại vị trí cao trên vách đá, do lớp đá phía dưới chất lượng thấp. Hang có mặt bằng kích thước 35m x 28m, gồm một hàng hiên phía trước, không gian trung tâm hay đại sảnh với hàng cột tiết diện bát giác bao quanh. 4 phía là các hốc tường hay phòng, trong đó một phòng là gian thờ với một bức tranh về Đức Phật đang thuyết giáo, bên cạnh là các vị bồ tát và nữ thần bay lượn phía trên. Không gian thờ và một loạt các phòng nhỏ chưa hoàn thành.


Hang 4: Quang cảnh bên ngoài thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta 


Hang 4: Nội thất không gian đại sảnh, bao xung quanh là các phòng ở của tu sĩ 



H
ang 4: Tượng Đức Phật với Bồ Tát hai bên tại phòng thờ 

Hang ký hiệu 5
Hang 5 (Cave 5) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 10,32m x 16,8m, không có các yếu tố điêu khắc trừ khung cửa. Trên khung cửa chạm khắc công phu với các nhân vật nữ thần, sinh vật thần thoại Makara (phần thân trước là động vật trên cạn, phần thân sau là động vật dưới nước). Công trình được khởi đầu vào năm 465 sau Công nguyên, được xây dựng tiếp vào năm 475, sau đó bị bỏ hoang do nhà tài trợ tập trung vào việc xây dựng Hang 6 ở lân cận.

Hang ký hiệu 6
Hang 6 (Cave 6) là thiền viện (Vihara) 2 tầng, có kích thước 16,85m  x 18,07 m, được xây dựng từ năm 460 đến 470 sau Công nguyên. Tầng dưới của Hang 6 đã hoàn thành, tầng trên chưa xong.
Tầng dưới không có hiên, gồm một không gian đại sảnh với hệ thống 16 cột tròn đỡ tầng trên; 4 phía là các phòng ở cho tu sĩ. Tầng trên gồm một hàng hiên, không gian đại sảnh với hàng 12 cột vuông bao quanh; xung quanh cũng là các phòng cho tu sĩ. Cả hai tầng đều có phòng thờ, bên trong có tượng Phật trong tư thế truyền đạo. Các bức tường và khung cửa của cả 2 tầng đều được chạm khắc thể hiện chủ đề như sinh vật thần thoại Makara, nữ thần (Apsara), voi… 


Hang 6: Nhìn từ bên ngoài thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta  

Hang 6: Mặt bằng thiền viện 2 tầng  


Hang 6: Không gian đại sảnh với các phòng ở và phòng thờ bao xung quanh tại tầng 2


Hang 6: Tượng Phật, hai bên có thiên thần (Apsara) và phía dưới là con thú bên trong phòng thờ

Hang ký hiệu 7
Hang 7 (Cave 7) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 15,55m x 31,25m, gồm một hàng hiên với 4 cột có tiết diện dưới hình bát giác, mũ cột tròn. Không gian đại sảnh hình chữ nhật với 4 hàng cột bát giác lớn và 4 cột bát giác nhỏ. Xung quanh đại sảnh là các phòng ở nhỏ cho các tu sĩ. Các tác phẩm nghệ thuật trong hang được hình thành vào năm 469 sau Công nguyên, được cho đã trải qua các sửa đổi bổ sung sau đó một vài năm, vào khoảng năm 476-478 sau Công nguyên. 


Hang 7: Nhìn từ bên ngoài thiền viện; 
Quần thể chùa hang Ajanta  


Hang 7: Sơ đồ mặt bằng thiền viện 


Hang 7: Trang trí nội thất mặt trước phòng thờ 



Hang 7: Hành lang hai bên dẫn vào không gian đại sảnh của thiền viện 

Hang ký hiệu 8
Hang 8 (Cave 8) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 15,24m x 24,46m, chưa hoàn thành. Hang được xây dựng sớm nhất vào thời kỳ thứ hai, nằm tại vị thấp ngang với bờ đất dọc sông. Hang hiện chỉ còn tàn tích.


Hang 8: Hình ảnh bên ngoài thiền viện, ngay dưới lối đi giữa Hang 7 và 9; Quần thể chùa hang Ajanta  


Hang 8: Sơ đồ mặt bằng thiền viện


Hang ký hiệu 9 và 10
Hang 9 và 10 (Cave 9, 10) là hai điện thờ (Chaitya), được hình thành vào thế kỷ 2 TCN– thế kỷ 1 sau Công nguyên.
Hang 9 có kích thước 18,24m x 8,04m, nhỏ hơn Hang 10 với kích thước 30,5m x 12,2m, song phức tạp hơn. 
Hang 9 có mặt bằng hình chữ nhật. Không có hàng hiên. Không gian chính hay chính điện có một hàng 23 cột bát giác bao quanh, trần hang dạng vòm (Apsidal). Cuối điện thờ là một bảo tháp bán cầu, được đặt trên một trụ cao. Các bức tường, vòm trần được trang trí bằng các bức tranh đầy màu sắc miêu tả Đức Phật với Quán Thế Âm Bồ tát (Padmapani), Đại thế Chí Bồ tát (Vajrapani) và các đệ tử khác bao quanh. Trên các bức tường cũng thể hiện các câu truyện trong truyền thuyết Jatakamala.  


Hang 9: Mặt trước điện thờ; Quần thể chùa hang Ajanta  

Hang 9: Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt điện thờ; 


Hang 9: Nội thất điện thờ với 
bảo tháp bán cầu

Hang 10 được xây dựng vào khoảng thế kỷ 1 TCN, cùng thời với Hang thiền viện số 12 gần đó.
Hang có một không gian đại sảnh với 39 cột trụ hình bát giác bao quanh, mái vòm (Apsidal), cuối điện thờ là một bảo tháp. Trong hang có một số dòng chữ cho thấy điện thờ được xây dựng nhờ tài trợ của cộng đồng chứ không phải từ nhà vua hay cá nhân quan chức. Hang 10 cũng chính là hang mà một người Anh đã vô tình phát hiện vào năm 1819, mở đầu cho việc nghiên cứu Quần thể chùa hang AjantaTrong Hang 10 cũng có nhiều bức tranh miêu tả về truyền thuyết Jataka.  


Hang 10 : Quang cảnh bên ngoài điện thờ; Quần thể chùa hang Ajanta  


Hang 10 : Nội thất điện thờ với bảo tháp


Hang 10: Trang trí các nhân vật Phật giáo trên trụ và trần điện thờ

Hang ký hiệu 11
Hang 11 (Cave 11) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 19,87m x 17,35m, được hình thành từ thế kỷ 5 sau Công nguyên. Mái hiên của hang có những cột trụ hình bát giác và chân đế vuông. Trần của mái hiên được trang trí hoa và phù điêu, nay đã bị xói mòn. Bên trong thiền viện có các bức tranh miêu tả Đức Phật với các tu sĩ đang cầu nguyện và các tranh trang trí khác. Xung quanh không gian đại sảnh là các phòng ở của các tu sĩ và một phòng thờ. Hang 11 được cho là công trình cuối cùng được xây dựng tại Quần thể chùa hang Ajanta. 


Hang 11: Quang cảnh bên ngoài thiền viện; 
Quần thể chùa hang Ajanta  


Hang 11: Tượng Đức Phật với một tín đồ
 bên trong phòng thờ

Hang ký hiệu 12
Hang 12 (Cave 12) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 14,9m x 17,82m, được xây dựng trong khoảng từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ 1 TCN. Bức tường phía trước hang hiện đã bị sụp đổ hoàn toàn. Ba mặt của không gian đại sảnh có 12 phòng ở của tu sĩ, mỗi phòng có hai giường đá, không có phòng thờ bên trong. 

Hang 12: Sơ đồ mặt bằng thiền viện; không có cột, không có gian thờ bên trong; 
Quần thể chùa hang Ajanta  


Hang 12: Nội thất bên trong thiền viện với các phòng ở

Hang ký hiệu 13, 14, 15, 15A
Hang 13 (Cave 13) là một thiền viện (Vihara) nhỏ được xây dựng từ thời kỳ đầu, bao gồm một không gian đại sảnh với 7 phòng ở, mỗi phòng có hai giường bằng đá đều được chạm khắc.
Hang 14 (Cave 14) là một thiền viện (Vihara), có kích thước (13,43m x 19,28m), xây dựng dang dở. Hang nằm phía trên Hang 13. Hiên của hang có 4 trụ cột hình vuông. Khung cửa ra vào trang trí các vũ nữ (Salabhanjika).
Hang 15 (Cave 15) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 19,62m x 15,98m, đã được xây dựng hoàn chỉnh. Hang gồm một hiên hẹp, đại sảnh và các phòng bao quanh. Các bức phù điêu mô tả Đức Phật ngồi thiền trong tư thế sư tử (Simhasana). Khung cửa vào hang có chạm khắc hình chim bồ câu ăn ngô.
Hang 15A (Cave 15A) là một thiền viện (Vihara). Đây là hang nhỏ nhất, có một không gian đại sảnh và mỗi bên chỉ có một phòng nhỏ. 


Hang 13: Mặt trước
 thiền việnQuần thể chùa hang Ajanta   


Hang 14: Mặt trước thiền việnQuần thể chùa hang Ajanta   


Hang 15: Mặt trước thiền việnQuần thể chùa hang Ajanta   


Hang 15A: Mặt trước thiền việnQuần thể chùa hang Ajanta   

Hang ký hiệu 16
Hang 16 (Cave 16) là một thiền viện (Vihara), nằm tại trung tâm của Quần thể, được xây dựng từ tài trợ của một vị quan. Hang có kích thước 19,5m x 22,25m, cao 4,6m, có ảnh hưởng đến kiến trúc của toàn bộ khu vực. Lên hang là một cầu thang với 2 con voi chầu. Hiên của thiền viện sâu 3m với hàng 6 cột bát giác. Đại sảnh hình vuông có 16 cột bát giác và 4 cột vuông. Bao quanh là các phòng ở và một phòng thờ có kích thước lớn như một điện thờ. Trong Hang 16 có rất nhiều tranh miêu tả truyền thuyết Jataka. 


Hang 16: Mặt trước thiền viện có bậc thang với voi đá và hàng hiên lớn; Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 16: Mặt bằng thiền viện 



Hang 16: Nội thất không gian trung tâm với các phòng ở và phòng thờ xung quanh  

Hang ký hiệu 17
Hang 17 (Cave 17) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 34,5 mx 25,63m. Hang là một trong những thiền viện lớn nhất và phức tạp nhất, cùng với một số bức tranh được bảo tồn tốt nhất và nổi tiếng trong Quần thể hang. Tại đây có tới 30 bức tranh tường lớn thể hiện những đức tính của con người thông qua truyền thuyết Jataka. Các bức tranh được thực hiện bởi những người thợ thủ công chuyên nghiệp. Hang 17 có một hàng hiên nằm sâu trong hang, cửa sổ và cửa ra vào lớn để có nhiều ánh sáng lọt vào trong. Không gian đại sảnh của thiền viện rộng 380,53m2 với 20 trụ cột hình tròn.  


Hang 17: Mặt trước thiền viện; 
Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 17: Tại lối vào hang, trần nhà được bao phủ bởi các hoa văn trang trí, bên dưới là một hàng tượng Phật
 


Hang 17: Bên trong thiện viện với phòng thờ có tượng Phật ngồi

Hang ký hiệu 18
Hang 18 (Cave 18) là một không gian hình chữ nhật nhỏ, kích thước 3,38m x 11,66m, bên trong có hai cột trụ hình bát giác. Chức năng không rõ là thiền viện hay điện thờ. 

Hang ký hiệu 19
Hang 19 (Cave 19) là một điện thờ (Chaitya), có kích thước 16,05m x 7,09 m, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Hang 19 được biết đến là một trong những hang có các tác phẩm điêu khắc đặc sắc miêu tả sự tích về Đức Phật. Mặt tiền hang được trang trí công phu, tạo thành một sân trong, hai bên có hai cụm phòng. Hàng hiên của điện thờ có 2 cột tròn với hoa văn trang trí. Mái của không gian thờ dạng vòm (Apsidal). Không gian đại sảnh có 17 cột tròn bố trí dọc theo lối đi hai bên. Các cột trụ đều được trang trí hoa. 


Hang 19: Mặt trước điện thờ; Quần thể chùa hang Ajanta    

Hang 19: Mặt bằng điện thờ  



Hang 19: Nội thất điện thờ với mái vòm, bảo tháp và các hàng cột bao quanh.



Hang 19: Trang trí trên đầu cột bên trong điện thờ

Hang ký hiệu 20
Hang 20 (Cave 20) là một thiền viện (Vihara), có kích thước 16,2m x 17,91m, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Hang có một hàng hiên với một hàng 4 cột tròn. Hai bên bên hiên chạm khắc hai vị Phật. Trần hiên vẫn còn lưu lại vết tích của các bức tranh. Xung quanh không gian đại sảnh là các phòng cho vị tu sĩ và một phòng thờ. Trong hang có nhiều bức chạm khắc tương tự như Hang 19. 


Hang 20: Mặt trước thiền viện; 
Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 20: Nội thất hang với phòng thờ
 

Hang ký hiệu 21, 22, 23, 24 và 25
Hang 21, 22, 23 và 24 đều là thiền viện (Vihara), đại diện cho giai đoạn xây dựng cuối cùng của Quần thể hang Ajanta. 
Hang 21 (Cave 21) có kích thước mặt bằng 28,56m x 28,03m, gồm hàng hiên với 4 cột trụ, không gian đại sảnh với 12 cột trụ, 12 phòng ngủ của các tu sĩ . Các chạm khắc trên trần gồm các con vật và hoa. Các trụ cột có phù điêu Vũ nữ (Apsara), Thần rắn (Nagaraja)…
Hang 22 (Cave 22)  là một thiền viện nhỏ, có kích thước 12,72m x 11,58m với một hiên hẹp và 4 phòng ở chưa hoàn thành.
Hang 23 (Cave 23)  là một thiền viện chưa hoàn thành, có kích thước 28,32m x 22,52m. Hang có cấu trúc tương tự như Hang 22, khác chủ yếu trong cách trang trí cột trụ…
Hang 24 (Cave 23) tương tự như Hang 21, chưa xây dựng xong, có kích thước 29,3m x 29,3m, là một trong những hang có kích thước lớn nhất trong Quần thể (cùng với Hang 4, 17). Hang được xây dựng vào năm 475 sau Công nguyên, được cho là rất quan trọng đối với việc nghiên cứu khảo cổ về địa điểm Quần thể hang chùa hang Ajanta..
Hang 25 (Cave 25) có kích thước 11,37m x 12,24m, tương tự như các thiền viện khác, nhưng không có phòng thờ. 


Hang 21: Mặt trước thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 21: Nội thất đại sảnh với phòng ở và phòng thờ bao quanh


Hang 22: Nội thất đại sảnh với phòng thờ bên trong 


Hang 23: Nội thất đại sảnh với phòng ở và phòng thờ bao quanh


Hang 24: Mặt trước thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 24: Nội thất thiền viện còn dở dang 

Hang ký hiệu 26
Hang 26 (Cave 26) là một điện thờ (Chaitya), có kích thước 25,34m x 11,52m, được xây dựng vào thế kỷ 5 sau Công nguyên. Trong hang có nhiều điêu khắc với niềm tin rằng điêu khắc đá sẽ bền hơn nhiều so với các bức tranh trên tường. Các tác phẩm điêu khắc trong hang rất công phu và phức tạp.
Hang có một hàng hiên với 4 cột hình vuông, nay chỉ còn tàn tích; không gian trung tâm với mái vòm, dãy 26 cột tròn và 2 cột vuông bao quanh; cuối điện thờ là một bảo tháp đá. Bảo tháp có hình Đức Phật ở mặt trước. Các bức tường, cột trụ, mái vòm được chạm khắc với nhiều chủ đề Phật giáo.


Hang 26: Mặt trước điện thờ; Quần thể chùa hang Ajanta    


Hang 26: Sơ đồ mặt bằng điện thờ 


Hang 26: Nội thất điện thờ với dãy các cột và bảo tháp 


Hang 26 Tượng Phật nằm trong điện thờ 

Hang ký hiệu 27, 28 và 29
Hang 27 (Cave 27) là một thiền viện (Vihara), có thể là một phần đính kèm của Hang 26. Công trình cao 2 tầng. Tầng trên bị sụp đổ một phần. Cấu trúc của hang tương tự như các hang thiền viện khác.
Hang 28 (Cave 28) là một thiền viện (Vihara), xây dựng còn dang dở.
Hang 29 (Cave 29) là một thiền viện (Vihara), cũng là hang xây dựng dang dở như Hang 28. 


Hang 27: Mặt trước thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta   


Hang 28: Mặt trước thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta   


Hang 29: Mặt trước thiền viện; Quần thể chùa hang Ajanta   

Hang ký hiệu 30
Hang 30 (Cave 30) được phát hiện vào năm 1956, trong quá trình dọn dẹp một trận lở đất trên đường dẫn đến Hang 16. Hang là một thiền viện (Vihara) được xây dựng vào thế kỷ 2 đến thể kỷ 1 TCN, có thể là hang lâu đời nhất của Quần thể chùa hang Ajanta. Hang có kích thước 3,66 m x 3,66 m, một hiên với tầm nhìn rộng ra khe núi và bìa rừng, 3 phòng, mỗi phòng có 2 giường đá. Bên trong hang có các chạm khắc hoa sen, vòng hoa… 

Di sản chùa hang Ajanta như là một bảo tàng lưu giữ các hình ảnh minh họa cho truyền thuyết Jatakamala; đại diện cho thời kỳ hưng thịnh Phật giáo tại Ấn Độ. Chùa hang Ajanta (cùng với chùa hang Ellora) là nơi được người Ấn Độ tôn kính và là điểm du lịch nổi tiếng nhất ở bang Maharashtra, Ấn Độ. 

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/242
https://en.wikipedia.org/wiki/Ajanta_Caves
https://en.wikipedia.org/wiki/Satavahana_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Vakataka_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhist_art
https://en.wikipedia.org/wiki/Vihara
https://en.wikipedia.org/wiki/Chaitya
https://en.wikipedia.org/wiki/Greco-Buddhist_art
https://en.wikipedia.org/wiki/Jataka_tales
https://www.rigpawiki.org/index.php?title=Jatakamala  

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ  

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi

 

  
Cập nhật ( 21/07/2021 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:

“ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.”

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com