Tuần -18 - Ngày 29/03/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, Ấn Độ
10/03/2019
 

Thông tin chung:
Công trình: Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya (Mahabodhi Temple Complex at Bodh Gaya)
Địa điểm: Bang Bihar, miền Đông Ấn Độ (N24 41 43.008 E84 59 38.004)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 4,86 ha
Năm hình thành: Thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (2002; hạng mục i ; ii ; iii ; iv ; vi) 

Ấn Độ (India) là một quốc gia tại Nam Á, có diện tích 3.287.263 km2 (đứng thứ 7 trên thế giới); dân số khoảng 1324 triệu người (năm 2016).
Ấn Độ tiếp giáp Ấn Độ Dương tại phía Nam, biển Ả Rập phía Tây Nam, vịnh Bengal phía Đông Nam, giáp Pakistan ở phía Tây; với Trung Quốc, Nepal, Bhutan ở phía Đông Bắc; Myanmar và Bangladesh ở phía Đông. Trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ lân cận với Sri Lanka và Maldives; Quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ có chung đường biên giới trên biển với Thái Lan và Indonesia.
Tiểu lục địa Ấn Độ là nơi xuất hiện nền văn minh lưu vực sông Ấn (Indus Valley Civilisation) thời Cổ đại, có các tuyến đường buôn bán mang tính lịch sử cùng với những đế quốc rộng lớn, giàu có về thương mại và văn hóa.
Vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên (TCN), tại đây đã xuất hiện các đô thị lớn với số dân hàng vạn người, được quy hoạch với hệ thống thoát nước, cấp nước phức tạp, nhà gạch nung, các kỹ thuật mới trong hoạt động thủ công mỹ nghệ và luyện kim…

Sự phân tầng xã hội, dựa trên đẳng cấp, xuất hiện trong thiên niên kỷ thứ nhất TCN. Sự tập quyền chính trị sớm nhất diễn ra dưới thời đế chế Maurya (Maurya Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 322 - 187 TCN); đế chế Shunga (Shunga Empire, tồn tại trong giai đoạn 187- 78 TCN) và đế chế Gupta (Gupta Empire, tồn tại trong giai đoạn năm 319 đến 550 sau Công nguyên).
Các vương quốc trong giai đoạn từ thế kỷ thứ 3 TCN đến thế kỷ thứ 13 sau Công nguyên tại Tiểu lục địa Ấn Độ (Middle kingdoms of India) có ảnh hưởng to lớn đến nền văn hóa của khu vực xung quanh, lan truyền đến tận Đông Nam Á.
Đây cũng là nơi bắt nguồn của 4 tôn giáo nội sinh lớn:
Ấn Độ giáo (Hinduism) là một trong những tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, xuất phát từ khu vực Nam Á (Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh), là sự hợp nhất hay tổng hợp các nền văn minh truyền thống Ấn Độ khác nhau và  không có người sáng lập; hình thành từ năm 500 TCN đến 300 sau Công nguyên, sau khi kết thúc thời kỳ Vệ Đà (Vedic period, năm 1500 – 500 TCN), phát triển mạnh trong thời Trung cổ, cùng với sự suy tàn Phật giáo ở Ấn Độ. Ấn Độ giáo bao gồm các nhóm tôn giáo khác biệt nhau về triết lý, song được liên kết bởi các khái niệm chung, các nghi thức, vũ trụ học, tài nguyên văn bản Hindu (luận về thần học, triết lý, thần thoại, kinh Vệ Đà, Yoga, nghi lễ, cách thức xây dựng đền thờ) và tập tục hành hương đến các địa điểm linh thiêng. Bốn giáo phái lớn nhất của Ấn Độ giáo là Vaishnavism, Shaivism, Shaktism và Smartism.
Phật giáo (Buddhism) do Đức Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama/ Tất đạt đa Cồ đàm, năm 624 TCN – 534 TCN) sáng lập. Sau này, Phật giáo phân hóa thành nhiều nhánh: Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông, Thượng tọa, Tiểu thừa); Phật giáo Đại thừa (Bắc tông, Đại chúng); Phật giáo Chân ngôn (Tây Tạng, Mật tông, Kim cương thừa).
Jaina giáo (Jainism/Kỳ Na giáo) là một trong những tôn giáo lâu đời trên thế giới, do Đức Mahavir (năm 599 TCN – 527 TCN) sáng lập ra tại Bắc Ấn Độ, gần như là cùng thời với Phật giáo, với triết lý và phương thức thực hành dựa vào nỗ lực bản thân để đến cõi Niết Bàn; 
Sikh giáo (Sikhism) do Đức Guru Nanak (15/4/1469- 22/9/1539) sáng lập vào thế kỷ 15 tại vùng Punjab, giữa Pakistan và Ấn Độ.
Ngoài ra, tại đây còn xuất hiện các tôn giáo ngoại nhập như: Do Thái giáo (Judaism), Bái Hỏa giáo (là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại), Cơ Đốc giáo (Christianity) và Hồi giáo (Islamic). Các tôn giáo này được truyền đến Ấn Độ vào thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên, bổ sung vào văn hóa đa dạng của khu vực.

Vào thời Trung cổ, phần lớn miền Bắc Ấn Độ thuộc Vương quốc Hồi giáo Delhi (Delhi Sultanate), kéo dài trong khoảng 320 năm (1206- 1526). Trong giai đoạn này, sự kết hợp giữa văn minh Ấn Độ với văn minh Hồi giáo, sự hội nhập giữa tiểu lục địa Ấn Độ với vùng lục địa Phi – Á – Âu (Afro-Eurasia) đã có một tác động to lớn lên văn hóa và xã hội Ấn Độ. Khi Delhi thành thủ đô Hồi giáo vào năm 1193, tại đây đã hình thành được nền kiến trúc Hồi giáo - Ấn Độ (Indo-Islamic architecture, nguồn gốc từ Iran), đạt được sự tăng trưởng dân số và kinh tế cùng với việc xuất hiện ngôn ngữ Hindi-Urdu (Hindustani Language). Vương quốc Hồi giáo Delhi cũng có vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi các cuộc xâm lăng của Đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ 13, 14.
Vào thời Trung cổ, miền Nam Ấn Độ phân thành nhiều vương quốc nhỏ, ví dụ như :
Vương quốc Vijayanagara (Vijayanagara Empire): nằm trên Cao nguyên Deccan (Deccan Plateau), kinh đô là thành phố Vijayanagara (bang Karnataka hiện tại). Triều đại này được thành lập năm 1336, kéo dài đến năm 1646. Vijayanagara đã trở thành một thành trì của Ấn Độ giáo trong giai đoạn người Hồi giáo làm bá chủ ở miền Bắc Ấn Độ, nổi tiếng vì bảo trợ cho việc học chữ Phạn. Đây là vương quốc giàu có nhờ buôn bán gia vị và sản xuất hàng dệt vải bông;
Vương quốc Đông Ganga (Eastern Ganga Dynasty): thuộc vùng Kalinga (bao gồm cả bang Odisha hiện tại) là khu vực ven biển phía Đông, giữa sông Mahanadi và sông Godavari với kinh đô là Dantapura, sau đó được chuyển đến Kalinganagara (Mukhalingam) và cuối cùng đến Kataka (Cuttack). Triều đại này tồn tại vào thế kỷ 11- đầu thế kỷ 15, được đánh giá là vương triều bảo trợ tuyệt vời cho tôn giáo và nghệ thuật. Nhiều ngôi đền của thời kỳ Đông Ganga được xếp hạng là những kiệt tác của kiến trúc Ấn Độ giáo. Người cai trị đáng chú ý của triều đại Đông Ganga là vua Narasingha Deva I, giai đoạn năm 1238-1264. Ông là một chiến binh mạnh mẽ, đã tổ chức đánh bại nhiều đợt tấn công của Vương quốc Hồi giáo Delhi và thậm chí còn truy đuổi kẻ thù. Vua Narasingha Deva I cho xây dựng Đền Mặt trời tại Konark để kỷ niệm những chiến thắng của mình đối với người Hồi giáo và nhiều ngôi đền, pháo đài khác.
Vào thế kỷ 16, Đế quốc Mughal (Mughal Empire, năm 1526 – 1857) hình thành, chinh phục các vương quốc nhỏ, mở rộng lãnh thổ ra gần như toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ và một phần của Afghanistan với số dân vào giai đoạn cực thịnh lên đến 150 triệu người. Đế quốc Mughal đạt đến đỉnh cao vinh quang trong triều đại của Shah Jahan (5/1/1592 – 31/1/1666, hoàng đế thứ năm Đế quốc Mughal, cai trị trong thời gian  từ 1628 đến 1658) và ông được coi là một trong những hoàng đế Mughal vĩ đại nhất. Trong giai đoạn này, kiến trúc Mughal đạt đến đỉnh cao với các công trinh nổi tiếng như: Taj Mahal và Moti Masjid tại Agra, Pháo đài Đỏ (Red Fort), Jama Masjid, Delhi và Pháo đài Lahore (Lahore Fort).
Tiểu lục địa Ấn Độ dần bị Anh thôn tính và chuyển sang nằm dưới quyền quản lý của Công ty Đông Ấn Anh từ đầu thế kỷ 18, rồi nằm dưới quyền quản lý trực tiếp của Anh từ giữa thế kỷ 19.
Ấn Độ trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1947, sau cuộc đấu tranh giành độc lập do Mahatma Gandhi (2/10/1869 – 30/1/1948) lãnh đạo.
Ngày nay Ấn Độ là một liên bang bao gồm 29 bang và 7 vùng lãnh thổ thuộc liên bang. Dưới bang là các đơn vị hành chính: quận (huyện, khu); phân khu và làng xã.


Bản đồ Ấn Độ và vị trí bang Bihar, phía bắc Ấn Độ

Bodh Gaya là một địa điểm tôn giáo và hành hương nổi tiếng ở quận Gaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ; có diện tích khoảng 83,78km2, dân số khoảng 48,18 ngàn người (năm 2018).
Bodh Gaya gắn liền với Quần thể chùa Mahabodhi, nơi Đức Phật (Gautama Buddha) đạt được sự khai sáng, là một trong bốn địa điểm linh thiêng của Phật tử. Ba địa điểm kia là Kushinagar (nơi chôn xá lợi Phật, quận Kushinagar, bang Uttar Pradesh); Lumbini (nơi sinh của Đức Phật, quận Rupandehi, tỉnh No. 5, Nepal); Sarnath (nơi Đức Phật lần đầu giảng Pháp và là nơi Tăng đoàn Phật giáo ra đời, tại quận Varanasi, bang Uttar Pradesh).
Quần thể chùa Mahabodhi đầu tiên được hoàng đế Asoka (Ashoka the Great, triều đại Maurya, người cai trị hầu hết các tiểu lục địa Ấn Độ từ khoảng năm 268 đến 232 TCN) xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN.
Quần thể chùa được phục dựng lại vào thế kỷ thứ 5- 6 sau Công nguyên, từ cuối thời đế chế Gupta (Gupta Empire, năm 319 - 550 sau Công nguyên) và đã trải qua nhiều lần sửa chữa và cải tạo sau đó.
Quần thể chùa dường như bị bỏ quên từ thế kỷ thứ 13- 18, sau đó được phục hồi vào thế kỷ 19. Nhiều công trình được tu bổ vào nửa sau thế kỷ 20.
Quần thể chùa Mahabodhi nằm trong một khuôn viên hình vuông, diện tích khoảng 4,86ha, bao quanh bởi bức tường. Quần thể có trục tổ hợp chính theo hướng Đông – Tây, bao gồm các hạng mục công trình: Tháp chính (Grand Temple) cao 55m, Phiến đá sa thạch đánh dấu vị trí nơi Đức Phật ngồi cho đến khi đạt được giác ngộ, được coi như ngai vàng (Vajrasana); Cây Bồ Đề che nơi Đức Phật ngồi và các địa điểm linh thiêng khác với nhiều bảo tháp (Votive stupas) xung quanh. Ngoài ra, tại đây còn có một ao sen (Lotus Pond) nằm bên ngoài, phía Nam của Quần thể chùa…

Quần thể chùa Mahabodhi là một trong những ngôi chùa Phật giáo đầu tiên được xây dựng hoàn toàn bằng gạch phủ vữa, vẫn còn tồn tại, và được coi là kiến ​​trúc gạch có ảnh hưởng đáng kể trong nhiều thế kỷ.
Quần thể chùa Mahabodhi là một công trình độc đáo về khảo cổ liên quan đến thời gian Đức Phật giác ngộ tại đây, cũng như định hình Phật giáo, đặc biệt từ thế kỷ thứ 3, khi hoàng đế Asoka cho xây dựng chùa, cũng như khu dân cư và tu viện xung quanh.
Đây cũng là một trong những địa điểm chính thu hút những người hành hương từ khắp nơi trên thế giới để cầu nguyện, thực hành các nghi lễ và thiền định Phật giáo. 


Ảnh chụp Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, năm 1899


Phối cảnh Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya; nơi Đức Phật 
đạt được sự khai sáng 


Tàn tích Lumbini, tại
Rupandehi, tỉnh No. 5, Nepa ; Nơi sinh của Đức Phật (Di sản văn hóa thế giới) 

 
Tàn tích Sarnath, tại Varanasi, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ; Nơi Đức Phật lần đầu  giảng Pháp và là nơi Tăng đoàn Phật giáo ra đời  


Ramabhar Stupa (Adhana Stupa), tại Kushinagar, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ; Bảo tháp được dựng lên trên một phần tro cốt của Đức Phật, tại nơi Ngài được hỏa táng 

Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 2002) với tiêu chí:

Tiêu chí (i): Quần thể Chùa Mahabodhi với tháp cao khoảng 50m, được xây dựng vào thế kỷ 5 đến thứ 6, có tầm quan trọng to lớn, là một trong những đền thờ sớm nhất còn tồn tại ở tiểu lục địa Ấn Độ. Đây là một trong số ít tuyệt tác về tài năng sáng tạo kiến trúc của con người trong việc xây dựng những ngôi đền bằng gạch hoàn chỉnh thời bấy giờ.

Tiêu chí (ii): Quần thể Chùa Mahabodhi, một trong số ít những ví dụ còn sót lại của các cấu trúc gạch đầu tiên ở Ấn Độ, đã có ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của kiến ​​trúc trong nhiều thế kỷ tiếp sau. 

Tiêu chí (iii): Địa điểm của Chùa Mahabodhi cung cấp các dữ liệu đặc biệt liên quan đến cuộc đời của Đức Phật và sự thờ phượng Phật giáo, đặc biệt là kể từ khi hoàng đế Asoka xây dựng ngôi tháp đầu tiên và các công trình tưởng niệm xung quanh. 

Tiêu chí (iv): Chùa hiện tại là một trong những công trình kiến ​​trúc sớm nhất và hùng vĩ nhất được xây dựng hoàn toàn bằng gạch từ cuối thời kỳ Gupta. Các điêu khắc trên lan can là một trong những ví dụ nổi bật sớm nhất về điêu khắc đá. 

Tiêu chí (vi): Quần thể chùa Mahabodhi ở Bodh Gaya có mối liên hệ trực tiếp với cuộc đời của Đức Phật, là nơi Ngài đạt được sự sáng suốt tối cao và hoàn hảo. 



Sơ đồ vị trí và vùng bảo vệ Di sản Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ

Truyền thuyết về Đức Phật 

Đức Phật (Siddhartha Gautama/ Thích Ca Mâu Ni; khoảng năm 563/480 - 483/400 TCN) là một nhà triết gia, học giả, người sáng lập Phật giáo, sống ở vùng Đông Bắc Ấn Độ Cổ đại vào khoảng giữa thế kỷ thứ 6 và 4 TCN.
Siddhārtha Gautama dòng dõi hoàng tộc Shakya (Devanagari), cai trị tiểu quốc Shakya (Shakya Gaṇarājya), kinh đô là Kapilavastu, thuộc Ấn Độ và Nepal ngày nay.
Theo truyền thuyết, Siddhartha Gautama sinh ra ở Lumbini thuộc Nepal, lớn lên tại kinh đô Kapilvastu của tiểu quốc Shakya, ngày nay là Tilaurakot, Nepal hoặc Piprahwa, Ấn Độ.
Ngài giác ngộ tại Bodh Gaya, thuyết pháp đầu tiên tại Sarnath và viên tịch tại Kushinagar, Ấn Độ.
Cuộc đời của Đức Phật trùng hợp với sự hưng thịnh của các trường phái tư tưởng và Ngài là một trong số rất nhiều triết gia khổ hạnh (śramaṇa) thời bấy giờ.
Siddhartha Gautama từ bỏ cuộc sống phú quý của một hoàng tử tiểu quốc Shakya vào năm 29 tuổi để tìm đạo.
Sau 6 năm cầu đạo, Ngài đạt được giác ngộ tâm linh, được gọi là Đức Phật (Bậc giác ngộ/Người thức tỉnh) và dành 45 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý tại phía Đông tiểu lục địa Ấn Độ.
Đức Phật được các Phật tử coi là một bậc đạo sư đã giác ngộ viên mãn và tự giải thoát hoàn toàn khỏi quy luật sinh tử luân hồi. Ngài hiểu rõ được sự vận hành của thế giới xung quanh, đồng thời truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác để họ có thể tự tu tập. Chi tiết về tấm gương cuộc đời, những lời dạy và các giới luật của Ngài được những học trò ghi nhớ và tổng hợp lại sau khi Đức Phật qua đời. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của Ngài được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách vào 400 năm sau đó.
Sau khi Đức Phật qua đời, xá lợi hỏa táng được chia cho 8 gia đình hoàng gia và các đệ tử. Sau này, xá lợi Phật được lưu giữ trong hàng ngàn bảo tháp khắp nơi trên thế giới.
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cho rằng có 28 Đức Phật ra đời để giáo hóa chúng sinh. 26 vị Phật đã xuất hiện dần trong hàng ngàn vạn kiếp trái đất; trong 4 vị Phật đầu tiên có Nhiên Đăng Cổ Phật (Dīpaṅkara). Phật Thích Ca Mâu Ni (Siddhartha Gautama) là vị Phật thứ 27, xuất hiện cách đây khoảng 2600 năm. Vị Phật thứ 28 chưa xuất hiện là Phật Di Lặc (Metteyya).
Chùa Việt Nam và Trung Quốc thờ bộ tượng Tam thế Phật. Trong đó, Phật Nhiên Đăng đại diện cho chư Phật trong quá khứ, Phật Thích Ca là chư Phật thời hiện tại và Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời tương lai.

Không có ngôn từ nào miêu tả hết được nhận thức rộng lớn về Tự nhiên của Đức Phật Thích Ca, cũng như hệ thống đức tin mạnh mẽ mà Ngài tạo lập cho cộng đồng Phật giáo (lớn thứ 4 thế giới tôn giáo với khoảng 520 triệu tín đồ, sau Kito giáo, đạo Hồi và Ấn Độ giáo). Đức Phật Thích Ca là một trong những hiện tượng và con người vĩ đại nhất trong lịch sử. 


Vị trí các hạng mục công trình chính liên quan đến thời gian 7 tuần thiền định của Đức Phật, Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya

Quần thể chùa Mahabodhi tại Bodh Gaya

Quần thể chùa Mahabodhi kết nối trực tiếp với cuộc đời của Đức Phật, Ngài đã đạt được giác ngộ khi thiền định tại đây trong vòng 7 tuần (49 ngày).
Quần thể có mặt bằng hình vuông, được bao quanh bằng tường rào. Cổng chính vào từ phía Đông.
Quần thể chùa bao gồm tòa tháp chính và các công trình gắn với 7 tuần thiền định của Đức Phật, gồm : 

Tòa tháp chính
Tòa tháp chính (Grand Temple) mang phong cách đền tháp đạo Jain và Ấn Độ giáo. Đây là kiểu đền gồm hai phần: Gian thờ (Garbhagriha), là một căn phòng không có cửa số, chiếu sáng hạn chế, nơi đặt các linh vật, thần tượng của vị thần thờ trong đền, nơi chỉ có các tu sĩ mới được vào; Phần tháp (Shikharas, nghĩa đen là đỉnh núi, phía Nam Ấn Độ còn gọi là Vimana) bao trùm lên phía trên gian thờ. Hình dạng của phần tháp có vai trò quan trọng cho việc nhận diện loại đền tháp này. Phần tháp có thể được phân thành ba dạng chính:
Tháp dạng Latina: Là một loại tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh có các khối nhô ra (ratha) tạo thành các mặt dật cấp, là 3 mặt, 5 mặt hay 7 mặt; 
Tháp dạng Sekhari: Bao gồm một ngọn tháp Latina đặt tại trung tâm và một nửa ngọn tháp phụ (Urushringa) được thêm vào các phía.
Tháp dạng Bhumija: Bao gồm một ngọn tháp Latina đặt tại trung tâm, thon dần về phía trên cả 4 mặt. Góc tháp được trang trí các ngọn tháp giống tháp trung tâm thu nhỏ.


Sơ đồ mặt bằng tháp Latina với cạnh có các khối nhô ra (ratha) tạo thành: 3 mặt (triratha), 5 mặt  (pancharatha), 7 mặt (saptaratha), có trường hợp đến 9 mặt.

Tòa tháp chính của Quần thể chùa Mahabodhi quay mặt về hướng Đông với một tiền sảnh nhỏ, hai bên có các hốc chứa các bức tượng Phật.
Tòa tháp chính cao 55m, gồm hai phần:
Phần bệ tháp hay gian thờ, có chiều cao khoảng 11m. Bên trong gian thờ hay thánh đường đặt tượng Phật bằng sa thạch màu vàng (cao khoảng 1,52m). Mặt bên ngoài bệ tháp là các hốc trang trí tượng Phật, các họa tiết và chạm khắc tinh xảo. 
Phía trên phần bệ tháp hay bên trên gian thờ là ngọn tháp trung tâm dạng tháp Latina, mặt bằng hình vuông, mỗi cạnh tháp chia thành 5 mặt, thon dần về phía trên. Trên đỉnh tháp là một bảo tháp. 4 góc bệ tháp đặt 4 ngọn tháp nhỏ có hình dáng như tháp trung tâm. Phía trong 4 ngọn tháp nhỏ có phòng thờ, bên trong đặt tượng Phật.
Bao xung quanh tháp là một lan can (Railings) bằng đá sa thạch, cao khoảng 2m, được xây dựng bổ sung vào cuối thời đế chế Gupta. Lan can được trang trí chi tiết. Nhiều bộ phận của lan can ban đầu đã bị tháo dỡ và được lưu giữ trong các bảo tàng. Lan can hiện tại được thay thế bằng các bản sao thạch cao.


Lối vào tòa tháp chính, Quần thể chùa Mahabodhi  


Phối cảnh mặt bên tòa tháp chính, Quần thể chùa Mahabodhi  


Trang trí trên phần bệ và thân tòa tháp chính, gạch xây trát vữa, Quần thể chùa Mahabodhi  


Tượng Phật Thích Ca bên trong gian thờ, 
tòa tháp chính, Quần thể chùa Mahabodhi  


Chi tiết lan can đá bao quanh tòa tháp chính (bản sao), 
Quần thể chùa Mahabodhi  


Chi tiết lan can đá tại Quần thể chùa Mahabodhi (bản gốc) được lưu giữ trong Bảo tàng Ấn Độ (Indian Museum) tại  Kolkata,Calcutta, bảo tàng lớn nhất và lâu đời nhất Ấn Độ.
 

Cây Bồ Đề
Cây Bồ Đề (MahaBodhi Tree, vị trí trong hình vẽ ký hiệu 1) tại Bodhgaya được kết nối trực tiếp với cuộc đời của Đức Phật, Ngài đã thiền định tại đây trong tuần đầu tiên và được giác ngộ.
Cây Bồ Đề trải qua nhiều thăng trầm, thậm chí bị chặt hạ. Cây hiện tại được cho là hậu duệ trực tiếp của cây Bồ Đề gốc. Một ngôi chùa sau đó đã được dựng lên tại chỗ Đức Phật ngồi, phía Đông của cây Bồ Đề. Phiến đá nơi Ngài ngồi thiền định được gọi là Ngai vàng Kim cương. 


Hình ảnh cây Bồ Đề, Quần thể chùa Mahabodhi ; Phía dưới gôc cây là Ngai vàng Kim Cương


Điêu khắc miêu tả chùa Mahabodhi xung quanh cây Bồ Đề, thế kỷ 1 sau Công nguyên, lưu tại Quần thể Phật giáo Sanchi, quận Raisen, bang Madhya Pradesh, Ấn Độ  

Lá bồ đề đất nung với trang trí rồng, thế kỷ 13, 14, Việt Nam 

Ngai vàng Kim cương
Vào khoảng năm 250 TCN, 200 năm sau khi Đức Phật đạt giác ngộ, hoàng đế Phật giáo Asoka (Ashoka the Great, triều đại Maurya, người cai trị từ khoảng năm 268 đến 232 TCN) đã thành lập một ngôi chùa trên thánh địa Bodh Gaya. Những công trình này ngày nay đã không còn, chỉ còn sót lại Ngai vàng Kim cương (Diamond Throne/Vajrasana, ký hiệu 1).
Ngai vàng Kim cương là tên đặt cho phiến đá sa thạch đánh dấu vị trí nơi Đức Phật ngồi tu tập dưới gốc cây Bồ Đề trong 7 ngày đầu tiên đến khi đạt được giác ngộ. Ngai vàng được tôn là linh vật để thờ và là trung tâm của lễ hội tại Quần thể chùa Mahabodhi.
Bệ đá hay Ngai vàng nằm giữa Tòa tháp chính và cây Bồ Đề, làm bằng đá sa thạch đánh bóng.  


Bệ đá hay Ngai vàng Kim Cương dưới gốc cây Bồ Đề, nơi Phật thiền định tuần thứ 1, Quần thể chùa Mahabodhi 

Tòa tháp nhỏ
Tòa tháp nhỏ (Animisa Cetiya – Đền Không chớp mắt, ký hiệu 2) nằm cách 60m tại phía Bắc cây Bồ Đề. Đây là nơi Đức Phật đã đứng thiền định, nhìn vào cây Bồ Đề không chớp mắt, trong 7 ngày của tuần thứ 2. Tháp có hình thức kiến trúc tương tự như Tòa  tháp chính.


Tòa tháp nhỏ, nơi Phật thiền định tuần thứ 2, Quần thể chùa Mahabodhi 

Cankamana
Cankamana (ký hiệu 3) nằm tại phía Bắc của Tòa tháp chính, là một bục cao. Đây là nơi Đức Phật vừa đi bộ vừa thiền trong 7 ngày của tuần thứ 3. Trên bục điêu khắc các bông hoa sen tượng trưng cho mỗi bước chân của Đức Phật. Một ngôi đền nhỏ bên trái lối vào chứa một viên đá tròn được cho là mang dấu chân thực sự của Đức Phật.


Bệ đá Cankamana, nơi Phật thiền định tuần thứ 3, Quần thể chùa Mahabodhi 

Đền Ratanaghara
Đền Ratnaghara hay Đền Ngọc  (Jewel House Shrine, ký hiệu 4) nằm tại phía Tây Bắc của cây Bồ Đề. Đây là nơi Đức Phật thiền trong 7 ngày của tuần thứ 4. Truyền thuyết cho rằng, trong quá trình thiền định sâu, cơ thể của Đức Phật tỏa ra ánh sáng với 5 màu sắc rực rỡ (sau này trở thành màu sắc của cờ Phật giáo, gồm 6 dải màu:  Lam: tượng trưng tình yêu thương, hòa bình và lòng bác ái; Vàng: Trung đạo- tránh cực đoan như sống khổ hạnh; Đỏ: Thực hành – thành tựu, trí tuệ, đức hạnh, vận mệnh và phẩm giá; Trắng: Phật pháp – sự giải thoát khỏi không gian và thời gian; Cam: Giáo huấn của Đức Phật – trí huệ. Dải thứ 6 là tích hợp của 5 màu sắc trên, biểu tượng cho vầng hào quang).


Tàn tích đền Ratnaghara, nơi Phật thiền định tuần thứ 4, Quần thể chùa Mahabodhi 


Cờ Phật giáo với 6 dải màu, gồm 5 dải màu đơn và 1 dải màu tích hợp của 5 màu, biểu tượng của vầng hào quang

Cây Đa Ajapala Nigrodha
Cây Đa Ajapala Nigrodha (Banyan Tree, ký hiệu 5) là địa điểm của một cây đa xưa, nơi Đức Phật thiền định trong 7 ngày của tuần thứ 5 và trả lời câu hỏi của một vị Bà-la-môn (Brahman, tu sĩ, triết gia, học giả và lãnh đạo tôn giáo, tầng lớp cao nhất của xã hội Ấn Độ thời bấy giờ) rằng: Chỉ bằng hành động người ta mới trở thành Bà-la-môn chứ không phải do sinh ra. Tại đây có một trụ cột đánh dấu vị trí cây, nằm cạnh cổng chính hướng Đông. 


Trụ đánh dấu cây Đa Ajapala Nigrodha, nơi Phật thiền định tuần thứ 5, Quần thể chùa Mahabodhi 
Hồ Sen
Hồ Sen hay hồ Mucalinda (Lotus Pond/ Mucalinda Lake, ký hiệu 6) nằm tại phía Nam, bên ngoài Quần thể chùa. Đây là nơi Đức Phật ngồi thiền trong 7 ngày của tuần thứ 6, được đánh dấu bằng một trụ cột. Theo truyền thuyết, khi Đức Phật ngồi thiền có một cơn bão lớn thổi qua. Một con rắn Manyalinda xuất hiện che chắn cho Đức Phật. Nay, giữa hồ là một tượng đài thể hiện truyền thuyết này. 


Hồ Sen với hình tượng Rắn che cho Đức Phật, nơi Phật thiền định tuần thứ 6, Quần thể chùa Mahabodhi 

Cây Rajayatana
Cây Rajayatana (ký hiệu 7) nằm tại phía Đông Nam của Quần thể chùa, là nơi Đức Phật dành 7 ngày của tuần thứ 7 truyền đạo cho người qua đường.
Đệ tử đầu tiên là hai thương nhân đến từ Yangon, Myanmar (Miến Điện). Sau khi truyền đạo, Đức Phật đã ban cho họ tám sợi tóc. Báu vật này hiện được lưu giữ bên trong chùa Shwedagon (Shwedagon Pagoda) ở Yangon, Myanmar . 


Biểu tượng đánh dấu vị trí cây Rajayatana, nơi Phật thiền định tuần thứ 7, Quần thể chùa Mahabodhi 

Ngoài ra, trong Quần thể chùa Mahabodhi còn có các đền thờ nhỏ, bảo tháp được xây dựng bởi hoàng gia,
quý tộc và thương gia sau này. Các công trình rất khác nhau về hình dạng, kích thước, từ đơn giản đến phức tạp.



Các di tích khác trong xung quanh các công trình chính, Quần thể chùa Mahabodhi 

Các công trình khác
Xung quanh Quần thể chùa Mahabodhi còn có những ngôi chùa Phật giáo đến từ các quốc gia châu Á, ví dụ như chùa Thái Lan; chùa Nhật Bản; chùa Bhutan; chùa Myanmar; chùa Trung Quốc, và đặc biệt tại đây có một vài ngôi chùa Việt Nam như chùa Viên Giác…Các công trình này phản ánh nền văn hóa Phật giáo đa dạng trên khắp thế giới. 


Chùa Viên Giác, Việt Nam bên cạnh Quần thể chùa Mahabodhi 

Trong bối cảnh lịch sử triết học và văn hóa, Di sản Quần thể đền Mahabodhi tại Bodh Gaya, bang Bihar, miền Đông Ấn Độ đánh dấu một sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đời của Đức Phật, thời điểm hoàng tử Siddhartha đạt được khai sáng và trở thành Đức Phật, một sự kiện về hình thành tư tưởng và niềm tin của con người. 
Quần thể 
đền Mahabodhi hiện là nơi hành hương Phật giáo (thực hành và định hình đức tin, khai sáng và tạo nghiệp mới) linh thiêng nhất thế giới và được coi là cái nôi của Phật giáo trong lịch sử nhân loại.  

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/1056
https://en.wikipedia.org/wiki/Mahabodhi_Temple
https://en.wikipedia.org/wiki/India
https://en.wikipedia.org/wiki/Maurya_Empire
https://en.wikipedia.org/wiki/Bodh_Gaya
https://en.wikipedia.org/wiki/Ashoka
https://en.wikipedia.org/wiki/Vajrasana,_Bodh_Gaya
https://en.wikipedia.org/wiki/Shikhara
https://en.wikipedia.org/wiki/Bhumija
https://en.wikipedia.org/wiki/Stupa
https://en.wikipedia.org/wiki/Gautama_Buddha
https://en.wikipedia.org/wiki/Bodhi_Tree
https://magikindia.com/bodhgaya/

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi

 

Cập nhật ( 21/07/2021 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:

“ Bất kỳ người lãnh đạo nào, nếu không học tập nổi những việc thiết thực, những người thiết thực và những bộ phận thiết thực của cấp dưới, để rút kinh nghiệm, thì nhất định không biết chỉ đạo chung cho tất cả các bộ phận.”

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com