Thông tin chung:
Công trình: Đền Thần đạo Itsukushima (Itsukushima Shinto Shrine)
Địa điểm: Hiroshima, Nhật Bản (N34 17 39.9 E132 19 28.7)
Tư vấn thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Khu vực Di sản 431,2ha, Khu vực bảo vệ 2634,3ha
Năm thực hiện:
Giá trị : Di sản thế giới (1996; hạng mục i, ii, iv, vi)
Nhật Bản là một đảo quốc tại Đông Á, Thái Bình Dương, được gọi là "Đất nước Mặt Trời mọc".
Quốc gia này nằm bên rìa phía Đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.
Nhật Bản có diện tích 377.972,75 km2, là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, phần lớn diện tích là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế.
Bốn hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền.
Nhật Bản có số dân khoảng 126,7 triệu người (năm 2017), thủ đô là thành phố Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Ngày lập nước là ngày 11/2/660 trước Công nguyên (TCN).
Các nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng con người định cư tại Nhật Bản từ 15.000 năm TCN. Các tư liệu lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã có ghi chép đầu tiên về quốc gia này. Ban đầu Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tiếp sau là giai đoạn tự cách ly và thoát khỏi sự chi phối của thế giới phương Tây. Từ đây đã hình thành được những nét đặc trưng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Từ thế kỷ 12 đến năm 1868, Nhật Bản liên tục thuộc quyền cai trị của các võ tướng (Shōgun) với quyền lực rất lớn nhân danh Thiên hoàng. Các dòng họ tướng quân này làm việc trong các dinh thự gọi là Mạc Phủ. Thời kỳ Mạc phủ bắt đầu từ Mạc phủ gia tộc Kamakura (năm 1192–1333); tiếp đó là Mạc phủ Muromachi/ Ashikaga (năm 1336- 1573) và cuối cùng là Mạc phủ Tokugawa (năm 1603 - 1868).
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, xen kẽ giữa các dòng họ Mạc phủ, nước Nhật trong tình trạng mất ổn định do ngoại xâm, nội chiến và chia rẽ, như Thời kỳ Tân chính Kemmu (năm 1333 - 1336); Thời kỳ Nam – Bắc triều (từ năm 1336 – 1392); Thời kỳ Chiến quốc (từ giữa thế kỷ 15 – giữa thế kỷ 16).
Dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, quốc gia này bước vào giai đoạn cô lập kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ 17 (năm 1633) và chỉ kết thúc vào năm 1853 khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.
Vào năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị loại bỏ chế độ Mạc Phủ, thiết lập lại trật tự mới, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, khai sinh Đế quốc Nhật Bản và tái thiết lại đất nước. Nước Nhật bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Chỉ tới đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Thiên Hoàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật Bản.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thắng lợi trong các cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Nga – Nhật và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã cho phép Nhật Bản mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực theo Chủ nghĩa quân phiệt. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu vào năm 1941. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1947, Nhật Bản có bản Hiến pháp mới với một chính thể mới, duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp dân cử là Quốc hội Nhật Bản.
Về hành chính, Nhật Bản được chia thành 8 vùng với 47 tỉnh.
Hiroshima là một tỉnh nằm tại phía Nam của vùng Chugoku trên đảo chính Honshu. Tỉnh lỵ là thành phố Hiroshima.
Itsukushima là một hòn đảo nhỏ ở phía Tây biển nội địa Seto của Nhật Bản, phía Nam thành phố Hatsukaichi của tỉnh Hiroshima. Đảo còn được gọi là Miyajima (Hòn đảo đền thờ).
Đảo có diện tích 3039 ha, dân số khoảng 2 ngàn người, phân bố thành các cụm dân cư nhỏ. Trên đảo có ngọn núi Misen với cao độ đỉnh 535 m, là điểm cao nhất trên đảo.
Đảo nằm trong vùng nước bị ảnh hưởng mạnh bởi thủy triều. Khi thủy triều xuống đáy biển lộ ra với các bãi bùn rộng quanh đảo. Khi thủy triều lên, biển lấp đầy các bãi bùn vào đến tận chận đảo.
Đảo có Vườn thực vật tự nhiên Miyajima (Miyajima Shizen Shokubutsu Jikkensho/Miyajima Natural Botanical Garden) trên bờ biển phía Bắc của đảo. Biển quanh đảo (biển nội địa Seto) và đảo đều nằm trong Công viên Quốc gia Setonaikai.
Bản đồ Nhật Bản và vị trí tỉnh Hiroshima (34)
Vị trí đảo Itsukushima (Miyajima) tại tỉnh Hiroshima
Tại Nhật Bản, tín ngưỡng và tôn giáo quan trọng là Thần đạo (Shintō). Tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.
Thần đạo có rất nhiều thần thánh. Một số các vị thần được nhân cách hóa. Đa phần liên quan đến thiên nhiên như là thần đất, trời, mặt trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật và người quá cố cũng được xem là thần. Những vị thần trú ngụ trên thiên đàng và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống đền thờ trong các nghi lễ.
Nghi lễ cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại đền Thần đạo còn gọi là Thần xã. Ngày nay, nghi lễ Thần đạo thường gắn với lễ hội truyền thống hay năm mới.
Trong Thần xã, vật linh thiêng làm đối tượng thờ cúng được gọi là Thần thể (Shintai), hay Ngự thần thể (Goshintai). Thần thể là một vật vô tri nhân tạo như gương, kiếm, đồ trang sức hay một vật ngoài tự nhiên như tảng đá, cây cối hoặc thác nước... là thứ mà thần linh có thể nhập vào để hưởng lễ vật được dâng lên trong các nghi lễ cúng tế. Thần thể là một bức tượng tạc thần linh được gọi là Thần tượng (Shinzō). Thần thể lớn nhất và nổi tiếng nhất là ngọn núi Phú Sĩ, gọi là Phú Sĩ Thần thể sơn (Fuji shintaizan), là Thần thể của Đền Yama, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.
Đền Thần đạo thường được xây trên đồi, núi; Có những đền nằm trên mặt nước. Phía ngoài đền có cổng (Torii) với hình dạng là hai trụ cột chính, một hay hai dầm ngang, thường bằng gỗ và sơn màu đỏ. Có những đền có đến hàng ngàn cổng nối tiếp dẫn từ bên ngoài vào đền. Khu vực linh thiêng nhất là chính điện (Honden), chỉ có các Thần chủ (Kannushi) mới được phép vào làm lễ. Chăm sóc ngôi đền là các Vu nữ (Miko) với trang phục kimono trắng, quần hakama đỏ và bít tất tabi.
Thần đạo xuất hiện từ thời xa xưa. Các vị vua chúa đều cho rằng mình là con cháu của các vị thần, trong đó có nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Vào thế kỷ thứ 6, Phật giáo và Nho giáo xâm nhập vào Nhật Bản, tên gọi Thần đạo được đặt ra để phân biệt với hai tôn giáo ngoại nhập này.
Trong Thời kỳ Asuka (năm 538 - 710), nhiều đền thờ Thần đạo được xây dựng, song Thần đạo nhanh chóng bị áp đảo bởi Phật giáo. Đầu thế kỷ thứ 9, tuy cùng tồn tại với Phật giáo, song Thần đạo gần như bị loại bỏ.
Dưới thời Minh Trị Thiên hoàng, năm 1868, chính phủ Nhật Bản công bố "Thần Phật phân ly lệnh", tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo, đồng thời khôi phục lại Thần kỳ quan (Jingi-kan), một cơ quan lo việc tôn giáo, khuyến khích Thần đạo phát triển. Năm 1870, công bố chiếu Đại giáo, thực thi chính sách coi Thần đạo là quốc giáo, buộc Đài Loan và Triều Tiên là các thuộc địa phải theo Thần đạo.
Đền Thần đạo đa phần được nhà nước thiết lập. Sau Chiến tranh thế giới 2, Thần đạo tách ra khỏi nhà nước để trở lại là một tôn giáo bình thường. Ngày nay, tại Nhật Bản có hơn 80 ngàn đền thờ và khoảng 100 triệu người theo các tín ngưỡng hay phong tục Thần đạo. Tuy nhiên, số người thật sự coi Thần đạo là tôn giáo chính và sống vì Thần đạo (như các Vu nữ) thì chỉ có khoảng hơn 4 triệu.
Ngọn núi Misen tại đảo Itsukushima (còn gọi là Miyajima) được người dân tôn vinh là ngọn núi linh thiêng theo Thần đạo thờ núi (Sangaku Shinko) với niềm tin rằng: Đây là nơi các vị thiên thần hạ xuống và cư ngụ; nơi tồn tại của linh hồn tổ tiên…Ngọn núi linh thiêng Misen là nơi dành riêng cho 3 nữ thần, là con của thần Susano-o no Mikoto (Thần biển và Thần bão, anh trai của Nữ thần mặt trời - Amaterasu).
Để gìn giữ sự tinh khiết của ngọn núi thiêng đã có rất nhiều quy định. Kể từ năm 1878, có quy định không cho phép trường hợp tử vong hay sinh nở nào được phép gần đảo. Cho đến ngày nay, phụ nữ mang thai phải vào đất liền sinh nở. Các bệnh nhân nan y và người già cao tuổi phải vào đất liền. Việc chôn cất trên đảo hoàn toàn bị cấm. Có giai đoạn người dân thường không được phép đặt chân lên đảo. Để người hành hương có thể đến gần đảo, các ngôi đền được xây dựng giống như một bến tàu trên mặt nước, tách biệt với đảo. Cổng vào đền cũng xây dựng trên mặt nước với lý do tương tự như vậy. Thường dân phải lái thuyền đi qua cổng trước khi tới làm lễ tại đền thờ.
Ngoài ra hòn đảo Itsukushima cũng nổi tiếng với hoa anh đào và các tán lá cây phong đỏ thẫm vào mùa Thu; trong rừng có rất nhiều hươu, được coi là con vật linh thiêng trong tôn giáo Thần đạo bản địa, là sứ giả của các vị thần.
Trên đảo Miyajima có nhiều đền thờ, trong đó nổi bật là Đền Itsukushima và Cổng Torii.
Đền thờ Thần đạo Itsukushima nằm tại phía Bắc của đảo, được dựng lên vào thế kỷ thứ 6. Đền là nơi thờ Thần đạo cấp cao nhất của tỉnh Aki xưa, bao gồm cả tỉnh Hiroshima ngày nay.
Đền là nơi người dân đến cầu nguyện cho sự an toàn của biển nội địa Seto. Nơi đây cũng đã trở thành điểm hành hương chính của người dân sống ở phía Tây Nhật Bản.
Ngôi đền hiện nay có từ thế kỷ 13, nhưng mang theo phong cách xây dựng của thế kỷ 12 và được thành lập bởi tướng quân Taira no Kiyomori (1118–1181), là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất thời bấy giờ, vào cuối Thời kỳ Heian (năm 794 – 1185). Đây là thời kỳ phân hóa cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản cổ đại, là thời kỳ đạo Khổng và các ảnh hưởng của Trung Quốc tới Nhật Bản là lớn nhất và cũng là giai đoạn đỉnh cao của quyền lực Nhật hoàng và sự phát triển của nghệ thuật, thơ ca, văn học.
Tướng quân Taira no Kiyomori là người thiết lập nên chính quyền hành chính do Samurai (tầng lớp võ sĩ Nhật Bản) thống trị đầu tiên trong lịch sử Nhật Bản.
Sơ đồ vị trí các công trình chính trên đảo Itsukushima (Miyajima) tại tỉnh Hiroshima
Đền Thần đạo trên đảo Itsukushima có diện tích 431,2ha và khu vực bảo vệ xung quanh có diện tích 2634,3ha, bao gồm phần còn lại của hòn đảo và một phần của biển phía trước Đền thờ Itukushima. Đền có bố cục chính theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hướng về phía Tây Bắc.
Đền thờ Thần đạo Itsukushima được xây dựng theo truyền thống chung của kiến trúc Thần đạo Nhật Bản, trong đó ngọn núi Misen trở thành tâm điểm của tín ngưỡng tôn giáo được thờ cúng (Thần thể sơn); Ngôi đền thờ thường được xây dựng dưới chân núi, phía trước là biển.
Đền thờ Thần đạo Itsukushima là một công trình kiến trúc nổi bật và độc đáo, kết hợp được các thành tựu nhân tạo và các yếu tố tự nhiên; là bằng chứng hữu hình về những thành tựu to lớn của tướng quân Taira no Kiyomori.
Đền bao gồm 17 tòa nhà và ba cấu trúc khác tạo thành hai quần thể đền thờ: Khu đền chính và khu đền Marodo; Ngoài ra tại đây còn có nhiều công trình phụ trợ gắn liền với môi trường cảnh quan rừng trên núi Misen.
Các công trình kiến trúc trong đền thờ thể hiện các giá trị lịch sử của di tích, bao gồm đặc điểm của quy hoạch, cấu trúc, hình dáng bên ngoài và không gian nội thất bên trong.
Ngoài ra, tại đây còn lưu giữ được các bộ Kinh Phật kinh điển của Gia tộc Taira, gồm 30 cuốn Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, 1 cuốn Kinh A Di Đà và 1 cuốn Kinh Bát Nhã Tâm.
Đây cũng là nơi bảo tồn được các loại vật liệu xây dựng công trình từ ban đầu.
Đền Thần đạo Itsukushima, Hiroshima, Nhật Bản được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1996) với các tiêu chí :
Tiêu chí (i): Đền thờ Thần đạo Itsukushima, Hiroshima, Nhật Bản là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người với cấu trúc của các tòa điện thờ thể hiện kiến trúc tuyệt đẹp với các đường nét mang phong cách của tầng lớp võ sĩ quý tộc thời bấy giờ; Một tác phẩm kết hợp xuất sắc các yếu tố nhân tạo và tự nhiên; Các tòa nhà thể hiện giá trị nghệ thuật và kỹ thuật tuyệt vời và được đặt trên biển với bối cảnh đầy ấn tượng của các ngọn núi.
Tiêu chí (ii): Đền thờ Thần đạo Itsukushima được xây dựng theo truyền thống chung về kiến trúc đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản và cung cấp thông tin vô giá cho sự hiểu biết về văn hóa tinh thần của người dân Nhật Bản, trước hết là khái niệm về vẻ đẹp cảnh quan của Nhật Bản. Khía cạnh quan trọng nhất của Đền thờ Thần đạo Itsukushima là cấu trúc bộ ba gồm: các tòa điện thờ tại trung tâm, biển ở phía trước, những ngọn núi tại phía sau, đã được công nhận là một tiêu chuẩn của danh lam thắng cảnh Nhật Bản.
Tiêu chí (iv): Các tòa nhà của Đền thờ Thần đạo Itsukushima bảo tồn và lưu giữ được các phong cách kiến trúc của cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, là những ví dụ nổi bật về kiểu kiến trúc đền thờ cổ xưa được tích hợp với cảnh quan xung quanh, thể hiện hoạt động của con người trong việc tôn thờ thiên nhiên.
Tiêu chí (vi): Đời sống tinh thần của người Nhật có nguồn gốc sâu xa từ trong tín ngưỡng Thần đạo cổ đại, tập trung vào tín ngưỡng thiên nhiên đa thần. Đền thờ Thần đạo ltsukushima là một trong những minh chứng quan trọng cho việc tìm hiểu tôn giáo Nhật Bản.
Sơ đồ phạm vi Khu vực Di sản và Khu vực bảo vệ Di sản Đền Thần đạo Itsukushima, Hiroshima
Cổng Torii
Cổng chính O-Torii (Grand Torii Gate) là một trong những công trình kiến trúc nổi tiếng nhất của Đền Itsukushima, nằm cách đảo 200m. Cổng Torii đã được xây dựng lại nhiều lần kể từ thời tướng quân Taira-no-Kiyomori.
Cổng Torii hiện tại được xây dựng vào năm 1875, là lần thứ 8 cổng được xây dựng lại.
Cổng cao 16,6m, đến đỉnh mái là 24,2m, nặng đến 60 tấn, được thiết kế theo phong cách Ryobu-torii, là một dạng thiết kế cổng đền bằng gỗ với các cột trụ hỗ trợ. Sáu trụ cột của cổng không chôn sâu vào đáy biển, nhưng sử dụng trọng lượng của các trụ cột và dầm để đứng vững. 2 cột chính cao khoảng 13,4m, đường kính 1m, bằng gỗ cây long não 600 tuổi, các cột nhỏ hơn làm từ gỗ tuyết tùng. Xà ngang dài khoảng 23,3m; các thanh xà ngang tạo thành các hộp chứa đầy 5 tấn đá và cát.
Mái cổng lợp bằng vỏ cây bách Nhật Bản, cột và dầm được phủ sơn mài màu đỏ.
Trên cổng phía trong và ngoài đều có bảng viết chữ "Đền Itsukushima".
Khi vào Đền thờ phải qua Cổng Torii bằng thuyền. Khi thủy triều xuống người ta có thể đi bộ đến chân Cổng Torii để thăm quan.
Phối cảnh Cổng Torii, Đền Itsukushima, Hiroshima
Cổng Torii khi nước triều lên, Đền Itsukushima, Hiroshima
Cổng Torii khi nước triều xuống, Đền Itsukushima, Hiroshima
Cổng Torii nhìn từ quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Đền Itsukushima
Đền chính Itsukushima (Itsukushima Shrine) là một trong những ngôi đền lớn nhất ở Nhật Bản, thờ 3 vị nữ thần: Ichikishima-hime-no-mikoto, Tagori-hime-no-mikoto và Tagitsu-hime-no-mikoto, là vị thần của biển cả, tài sản và nghệ thuật.
Đền Itsukushima, có bố cục theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, hướng ra biển,
Đền có mặt bằng hình chữ Công (工), là cấu trúc xây dựng điển hình của các ngôi đền thờ Thần đạo Nhật Bản, gồm 3 tòa nhà:
Tòa chính điện được gọi là Honden (Shinden/Main Hall) là tòa nhà thiêng liêng nhất của đền thờ Thần đạo; là nơi đặt bàn thờ kami (linh vật). Tòa Honden nằm phía sau của đền và không người dân thường nào được vào (trong hình vẽ ký hiệu 1).
Tòa phía trước của đền được gọi là Haiden (Prayer Hall), là nơi cầu nguyện (ký hiệu 3).
Tòa nhà kết nối giữa hai tòa trước và sau được gọi là Heiden (Offerings Hall), là nơi đặt các lễ vật (ký hiệu 2).
Phía trước Đền thờ là tòa nhà mang tên Haraiden, là nơi làm nghi lễ tẩy rửa (ký hiệu 4). Phần trung tâm của mái hiên phía trước Hairaiden được cắt và nâng lên, đó là một kỹ thuật kiến trúc điển hình được sử dụng trong các ngôi chùa Phật giáo vào cuối thời kỳ Heian.
Sát phía mép biển là nơi đặt nhà cho ban nhạc (Music pavilions), bố trí tại hai bên (ký hiệu 6). Chính giữa là một sân nghi lễ Takabutai (stage) nhô cao lên khỏi mặt sàn.
Phía sau của Đền có cổng Fumyo – mon (ký hiệu 8), là cổng vào từ phía đảo.
Nhiều tòa nhà trong Đền Itsukushima không có tường bao quanh, tạo không gian rộng mở từ trong ra ngoài.
Xung quanh đền có 3 ao tròn. Khi nước biển rút, các ao này vẫn chứa nước để phòng hỏa hoạn.
Kết cấu chịu lực công trình làm bằng gỗ. Phần chân trụ đỡ sàn bằng đá.
Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình trong quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Phối cảnh mặt trước Đền Itsukushima, Hiroshima
Sân nghi lễ Takabutai; phía sau là tòa Haraiden, là nơi làm nghi lễ tẩy rửa; Mái của tòa nhà có một phần mái được cắt nâng lên ở chính giữa.
Phối cảnh đầu hồi tòa nhà Haiden (nằm phía trước Đền) và Honden (chính điện, nằm phía sau Đền); riềm mái được uốn cong.
Nội thất tòa Hairaiden, nơi làm nghi lễ tẩy rửa, phía trong là tòa Haiden; nhà không có tường; trần là hệ khung bằng gỗ đặt dày.
Nội thất tòa Haiden, là nơi cầu nguyện; phía trong là tòa Heiden, là nơi đặt các lễ vật
Nội thất tòa Honden, nơi làm các nghi lễ, Đền Itsukushima, Hiroshima
Các Vu nữ (Miko) bên trong Đền Itsukushima, Hiroshima
Đền Marado
Đền Marado (Marado Shrine) là một đền thờ nằm tại phía Đông Bắc của Đền Itsukushima.
Đền thờ các vị nam thần như: Amenooshihomimi-no-mikoto, Ikitsuhikone-no-mikoto, Amenohohi-no-mikoto, Amatsuhikone-no-mikoto…Đền đặt theo hướng Đông Bắc – Tây Nam, hướng về Đền chính. Đền cũng có bố cục hình chữ Công (工), gồm tòa sau Honden (ký hiệu 9), tòa trước Haiden (ký hiệu 11), tòa nhà cầu Heiden (ký hiệu 10). Phía trước đền là tòa Haraiden (ký hiệu 12). Đền Marado được nối với Đền Itsukushima qua hệ thống hành lang cầu.
Tòa Haraiden của Đền Marado; Mái của tòa nhà có một phần mái được cắt nâng lên ở chính giữa, tương tự như mái tòa Haraiden của Đền Itsukushima
Nội thất tòa Haiden, Đền Marado, tại quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Một số hạng mục khác trong quần thể Đền Itsukushima
Đền Okumi
Đền Okumi (Okumi Shrine, ký hiệu 7) nằm tại phía Đông Nam Đền Itsukushima. Đây là ngôi đền nhỏ nằm kề liền với hành lang chính bao quanh Đền Itsukushima.
Đền Okumi tại quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Đền Araebisu
Đền Araebisu (Araebisu Shrine, ký hiệu 13) là một ngôi đền nhỏ nằm tại phía Đông Bắc Đền Marado. Đền có một cổng Torii nhỏ, một gian làm lễ và một ngai thờ phía sau.
Đền Araebisu tại quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Chùa tháp 5 tầng mái Gojunoto
Chùa tháp 5 tầng mái (Five – storey pagoda/ Gojunoto, ký hiệu 14) nằm tại phía Bắc của Đền Marado.
Chùa được xây dựng vào năm 1407 bởi nhà sư Kūkai (Kobo-Daishi) và được trùng tu vào năm 1533. Ban đầu đây là nơi thờ Đức Phật y học (Yakushi Nyorai Zazo/ Healing Buddha), Đức Phật trí tuệ ( Wisdom Buddha/ Monju Bosatsu) và Đức Phật từ bi (Mercy Buddha/Fugen Bosatsu). Sau này các bức tượng được chuyển đến đền Daiganji trong thời kỳ cải cách Phật Đạo phân ly, thời kỳ Minh Trị (Meiji) từ năm 1868.
Chùa có hình dạng như một tòa tháp, cao 27,6m, được xây dựng theo phong cách Nhật Bản.
Mái được phủ bởi các vỏ cây bách Nhật Bản. Kết cấu chịu lực được sơn màu đỏ.
Nội thất của đền được trang trí nhiều họa tiết liên quan đến Phật giáo.
Cấu trúc xây dựng của Chùa tháp tương tự như Chùa tháp Goju no To (Ngũ Trùng Tháp/ Five – Story Pagode, cao 32,45m) của chùa Horyu-ji, tỉnh Nara, Nhật Bản (cũng là Di sản thế giới). Tháp cao 1 tầng nhưng có đến 5 tầng mái. Khung cột chịu lực chính chỉ cao hết tầng 1, chồng lên trên là hệ kết cấu mái với 5 tầng vươn ra xa, tạo cho công trình một hình thức trang nghiêm, ấn tượng. Độ vươn của mái nhỏ dần theo chiều cao. Tháp có một cột gỗ chính giữa tháp, cao vượt mái, có vai trò giảm rung lắc khi xảy ra động đất và bão.
Chùa tháp 5 tầng mái tại quần thể Đền thờ Itsukushima, Hiroshima
Đền Tenjin
Đền Tenjin nằm kề liền với Đền Okumi,
Đền thờ Sugawara-no-Michizane (1/8/845- 26/3/903, còn được gọi là Tenjin), là một học giả, nhà thơ, nhà chính trị thời kỳ Heian, được tôn sùng trong Thần đạo là vị thần học tập. Đây cũng là nơi diễn ra các nghi lễ đọc thơ Renga (một trong các thể thơ truyền thống Nhật Bản: Renga, Haiku, Tanka), hàng năm vào ngày 25 hàng tháng cho đến giữa thời kỳ Meiji.
Tòa nhà được xây dựng vào năm 1556 và được tặng bởi lãnh chúa nổi tiếng Mori Takamoto (22/1/1553- 27/4/1625). Mặc dù hầu hết các tòa nhà của Đền Itsukushima được phủ bằng sơn mài màu đỏ, song Đền Tenjin, cũng như Sân khấu Noh và phòng thay đồ với màu tự nhiên của gỗ cho thấy các tòa nhà này được xây dựng trong thời kỳ sau đó. Cấu trúc xây dựng của các kết cấu gỗ trong tòa nhà khá công phu, làm tăng thêm giá trị thẩm mỹ cho ngôi đền.
Đền Tenjin tại quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Sân khấu Noh
Sân khấu Noh (No theatre, là một thể loại nghệ thuật kịch truyền thống Nhật Bản, được biết đến từ thế kỷ 14) nằm tại phía Nam của Đền Itsukushima. Các buổi biểu diễn được sử dụng như một dạng nghi lễ để tỏ lòng tôn kính các vị thần.Vở kịch Noh đầu tiên trình diễn tại Đền Itsukushima vào năm 1568.
Vào năm 1605, lãnh chúa phong kiến Fukushima Masanori (1561- 26/8/1642) đã hiến tặng sân khấu Noh cho Đền. Năm 1680, lãnh chúa Asano Tsunanaga (28/7/1659- 1/4/1708) đã xây dựng sân khấu Noh hiện tại với một lối đi giống như cây cầu và một phòng thay đồ.
Sân khấu Noh trong Đền là sân khấu duy nhất nằm trên biển. Buổi biểu diễn trên sâu khấu được diễn ra vào Lễ hội Hoa anh đào (Tokasai), vào ngày 16-18/4 hàng năm. Vào mùa Thu, Lễ dâng trà (Kenchasai) cho các nữ thần cũng được tổ chức tại đây.
Sân khấu Noh tại quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima
Cầu vòm
Cầu vòm (Sori-bashi) nằm tại phía Nam của Đền Tenjin.
Cầu được cho là xây dựng vào thế kỷ 13, giành cho các sứ giả của Hoàng gia đến viếng Đền vào những dịp lễ hội quan trọng. Cây cầu hiện tại được hình thành vào năm 1557.
Cầu vòm (Sori-bashi) tại quần thể Đền thờ Itsukushima, Hiroshima
Cầu dài
Cầu dài (Naga-bashi) kết nối khu vực phía sau (Ushiro-zono) với Đền Daikoku.
Ban đầu trong quần thể Đền Itsukushima việc kết nối với các tòa nhà xây dựng trên biển với đảo phía sau đều thông qua các cây cầu dài hay hành lang không có mái kiểu này. Sau này một phần được cải tạo mở rộng và có mái che.
Cầu dài làm bằng gỗ. Trụ móng bằng đá.
Cầu dài (Naga-bashi) tại quần thể Đền thờ Itsukushima, Hiroshima
Hệ thống hành lang
Các tòa nhà được nối với nhau bởi hệ thống hành lang có mái che, gồm hành lang phía Đông và hành lang phía Tây.
Hành lang rộng 4m, chiều dài khoảng 194,5m.
Hành lang phía Đông xung quanh quần thể Đền thờ Itsukushima, Hiroshima
Hành lang phía Tây xung quanh quần thể Đền Itsukushima, Hiroshima - Lối vào hành lang
Một số đền thờ khác trên núi Misen
Đền Senjokaku
Đền Senjokaku (Hokoku Shrine/Toyokuni Shrine): nằm trên gò núi phía Bắc của quần thể Đền Itsukushima, cạnh Chùa 5 tầng mái Gojunoto. Đây là một trong những cấu trúc xây dựng lớn nhất tại đảo Miyajima (đền có 1000 thảm).
Đền do vị tướng lừng danh Toyotomi Hideyoshi (17/3/1537 – 18/9/1598) tổ chức thực hiện.
Đền ban đầu là chùa, thư viện Phật giáo và là nơi tổ chức tụng kinh Senbu-kyo cho những người lính ngã xuống. Tướng Hideyoshi chết năm 1598. Đền như một công trình chưa bao giờ hoàn thành: Không có trần, vách ngăn và tường, chưa bao giờ được sơn.
Sau này, trong thời kỳ cải cách Phật Đạo phân ly, thời kỳ Minh Trị (Meiji), nơi đây được cải tạo thành đền thờ Thần đạo dành riêng cho Toyotomi Hideyoshi và người trợ lý, lãnh chúa là Kato Kiyomasa (25/7/1561- 2/8/1611).
Mặt phía trước của Đền Senjokaku tại đảo Miyajima, Hiroshima
Đền Senjokaku tại đảo Miyajima, Hiroshima
Bên trong Đền Senjokaku tại đảo Miyajima, Hiroshima
Đền Daiganji
Đền Daiganji (Daiganji Temple): nằm tại phía Tây của quần thể Đền Itsukushima. Đây là nơi thờ nữ thần Benzaiten và ba vị Phật trong Phật giáo – Thần đạo Nhật Bản (Phật Thích Ca Mâu Ni/ Gautama Buddha; Đức Phật trí tuệ/ Wisdom Buddha và Đức Phật từ bi/Mercy Buddha). Nữ thần Benzaiten được cho có nguồn gốc từ nữ thần Hindu Saraswati, tượng trưng cho hùng biện, âm nhạc, nghệ thuật, sự giàu có và kiến thức trong thời kỳ gia tộc Tokugawa cầm quyền (từ thế kỷ 13 đến năm 1868, khi chế độ Mạc phủ bị Thiên Hoàng Minh Trị bãi bỏ). Đền chỉ mở cửa cho công chúng mỗi năm một lần vào ngày 17/6.
Ngôi đền đầu tiên được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 và được xây dựng lại từ năm 1201 đến 1203 trong thời Kamakura (1192 -1333, thời kỳ thống trị của Mạc phủ Kamakura) và được mở rộng vào thế kỷ 16.
Theo sắc lệnh Phật – Đạo phân ly vào cuối thế kỷ 19, một số bức tượng Phật giáo được chuyển từ Đền Senjokaku và Đền 5 tầng mái (Five – storey pagoda/ Gojunoto) đến ngôi đền này.
Đền là một trong những cấu trúc xây dựng lớn nhất trên đảo Miyajima.
Vào tháng 4/2006, công trình Gomado đã được xây dựng lại lần đầu tiên sau 140 năm. Tòa nhà cao 4m, được làm bằng gỗ đàn hương.
Đền Daiganji tại đảo Miyajima, Hiroshima
Các viên đá thiêng trong Đền Daiganji tại đảo Miyajima, Hiroshima
Tòa tháp Maniden trong Đền Daiganji tại đảo Miyajima, Hiroshima
Tòa nhà Gomado trong Đền Daiganji tại đảo Miyajima, Hiroshima
Đền Daishō-in
Đền Daishō-in (Daishō-in Temple): nằm tại chân núi Misen, tại phía Đông Nam của Đền Itsukushima.
Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất và quan trọng nhất trên đảo, đã từng là trụ sở của chi nhánh Phật giáo – Thần đạo Nhật Bản, trước khi bị phân chia Phật giáo và Thần đạo vào năm 1868.
Đền là một quần thể với nhiều đền thờ và tượng trên núi Misen.
Đền được thành lập vào năm 806 bởi nhà sư Kūkai (năm 774-835, còn có tên gọi là Kobo-Daishi, là một tu sĩ Nhật Bản, công chức, học giả, nhà thơ và nghệ sĩ thư pháp). Ông là người sáng lập Phật giáo Mật tông Nhật Bản (Shingon), một trong những trường phái lớn của Phật giáo Nhật Bản. Đây là một trong số ít dòng Kim Cương thừa ở Đông Á, được lan truyền từ Ấn Độ đến Trung Quốc qua các nhà sư đi thỉnh đạo.
Vào thế kỷ 12, Thiên hoàng Toba (24/2/1103 – 20/7/1156) đã thành lập phòng cầu nguyện của mình trong Đền thờ. Ngôi đền có liên hệ chặt chẽ với gia đình Hoàng gia cho đến thế kỷ thứ 19. Minh trị Thiên hoàng (3/11/1852- 30/7/1912) đã tôn vinh ngôi đền bằng cách ở đó vào năm 1885.
Đền có quan hệ chặt chẽ với 12 ngôi đền trong đó có Đền Thần đạo Itsukushima.
Trong ngôi đền có một ngọn lửa được cho là đã cháy từ khi thành lập, trong hơn 1200 năm.
Xếp dọc theo các bậc thang lên Đền là những bức tượng của năm trăm đệ tử của Đức Phật (Shaka Nyorai). Mỗi bức tượng đều có diện mạo độc đáo.
Đền Daishō-in tại đảo Miyajima, Hiroshima
Gian thờ Thần Kobo-Daishi trong Đền Daishō-in tại đảo Miyajima, Hiroshima
Các bức tượng dọc theo đường lên Đền Daishō-in tại đảo Miyajima, Hiroshima
Di sản Đền Thần đạo Itsukushima tại Hiroshima, Nhật Bản là nơi hành hương của tín đồ Thần Đạo Nhật Bản và là nơi làm say mê du khách trong và ngoài Nhật Bản.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/776
https://en.wikipedia.org/wiki/Itsukushima
https://en.wikipedia.org/wiki/Itsukushima_Shrine
https://en.wikipedia.org/wiki/Mount_Misen
https://en.wikipedia.org/wiki/Daish%C5%8D-in
https://en.wikipedia.org/wiki/Honden
https://en.wikipedia.org/wiki/Torii
http://www.en.itsukushimajinja.jp/index.html
http://www.miyajima-wch.jp/en/shrines.html
http://visit-miyajima-japan.com/en/culture-and-heritage/spiritual-heritage-temples-shrines/sanctuaire-itsukushima.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|