Thông tin chung:
Công trình: Di Hòa Viên tại Bắc Kinh (Summer Palace, and Imperial Garden in Beijing)
Địa điểm: Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc (N39 54 38 E116 8 28)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 297ha; Vùng bảo vệ 5595 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (1998; hạng mục i, ii, iii)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Bản đồ Trung Quốc và vị trí của thành phố Bắc Kinh
Bức tranh cổ về Di Hòa Viên, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, phía sau là núi Xuân Ngọc
Di Hòa Viên (Summer Palace/ Yíhé Yuán) là một quần thể rộng lớn của hồ, vườn cảnh và cung điện nằm cách Bắc Kinh 15 km về phía Tây Bắc. Khu vườn hoàng gia Di Hòa Viên như ngày nay được xây dựng vào thời nhà Thanh, có diện tích 297ha, trong đó 3/4 là diện tích mặt nước. Di Hòa Viên theo nghĩa đen là "vườn sinh dưỡng sự ôn hòa", đến nay vẫn còn được bảo tồn tốt.
Di Hòa Viên có lịch sử tồn tại trên 800 năm với nhiều tên gọi khác nhau.
Đầu đời nhà Tấn (năm 266 – 420) một cung điện tên là Kim Sơn Cung đã được xây dựng tại nơi mà ngày nay là Di Hòa Viên.
Vào thời nhà Đại Kim (năm 1115 – 1234), tại đây các vị hoàng đế đã dựng lên một số hành cung và những khu giải trí.
Vào thời nhà Tống, năm 1271, tại đây đã đào một hồ chứa lớn nhằm cung cấp nước ổn định cho các cung điện tại Bắc Kinh. Đất đào hồ được đắp thành gò núi cao đến 60m.
Vào thời nhà Minh (năm 1368–1644), khi Bắc Kinh trở thành kinh đô và Tử Cấm Thành được xây dựng (năm 1406-1420), tại đây đã dựng một số ngôi đền, cung điện và tạo lập thành một khu vườn hoàng gia.
Năm 1750, hoàng đế Càn Long (trị vì năm 1735-1796) nhà Thanh đã mở rộng khu vườn hoàng gia, xây thêm nhiều công trình mới, đào bổ sung thêm hai hồ trữ nước và đổi tên là Thanh Ý Viên để mừng sinh nhật lần thứ 60 của mẹ ông. Thời bấy giờ nước từ hồ đều đến từ núi Xuân Ngọc (Jade Spring Hill, nằm tại phía Tây của Di Hòa Viên) và một phần từ sông Vạn Tuyền. Việc mở rộng thêm hai hồ tại phia Tây (hồ Gao Shui và hồ Yangshui ) không chỉ cung cấp nước cho kinh đô mà còn cho cả các khu vực nông nghiệp xung quanh. 3 hồ lớn này được gọi tên chung là hồ Côn Minh, theo tên một hồ có từ thời nhà Hán dành cho việc huấn luyện hải quân. Đất lấy từ đào hồ được dùng để mở rộng gò núi và đặt tên là núi Vạn Thọ.
Năm 1860, trong Chiến tranh Nha Phiến, liên quân Anh - Pháp đã phá hủy Thanh Y Viên. Khoảng 28 năm sau, Từ Hi Thái hậu (năm 1835- 1908, thái hậu nhiếp chính; trong văn hóa đại chúng, Từ Hi Thái hậu cùng Võ Tắc Thiên thời Đường, Lã hậu thời Hán được xem là những phụ nữ nắm quyền lực cao nhất của đế quốc Trung Hoa trong một thời gian dài) đã trùng tu hoa viên trong vòng 10 năm và đổi tên là Di Hòa Viên, tồn tại cho đến ngày nay.
Năm 1900, trong loạn Nghĩa Hòa Đoàn, liên quân 8 nước (Nhật, Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, và Áo – Hung) lại phá hoại hoa viên lần nữa và lấy đi nhiều cổ vật. Khi Từ Hi Thái hậu hồi cung tại Bắc Kinh năm 1903, bà đã cho trùng tu lại hoa viên.
Di Hòa Viên trở thành công viên công cộng từ năm 1924.
Di Hòa viên tại Bắc Kinh là quần thể gồm các cung điện, chùa, đền với nhiều tòa nhà truyền thống được tích hợp vào một khu vườn hoàng gia, hình thành trên nền cảnh quan hồ Côn Minh và núi Vạn Thọ.
Đây là một quần thể kết hợp các chức năng hoạt động chính trị, hành chính, ở, tâm linh và giải trí trong một không gian cảnh quan của hồ và núi, cân bằng các hoạt động sôi động của con người với sự tĩnh lặng của thiên nhiên theo quan niệm của người Trung Quốc.
Di Hòa Viên được thiết kế theo ý tưởng của hoàng đế Càn Long với mong muốn tích tụ được tất cả tinh hoa về triết lý, văn hóa, nghệ thuật và kiến trúc của Trung Hoa từ thời cổ xưa tới thời nhà Thanh. Điều gì nổi tiếng nhất tại Trung Hoa đều có thể thấy tại Di Hòa Viên, từ việc tạo 3 hòn đảo trên hồ Côn Minh (Nanhu, Tuancheng và Zaojiantang) tương tự như 3 ngọn núi thần tiên theo niềm tin Thần đạo cổ xưa (Bồng Lai/Penglai, Doanh Châu/Yingzhou và Phương Trượng/Fangzhang) ở vịnh Bột Hải, đến cảnh quan chung được thiết kế theo phong cách vườn hoàng gia nổi tiếng Tây Hồ, Hàng Châu (kinh đô của nhà Nam Tống) với đặc điểm dễ ghi nhận: Nhất núi, Nhị đê, Tam đảo, Ngũ hồ.
Ngoài ra, các hạng mục công trình kiến trúc chính trong Di Hòa Viên đều khởi nguồn từ các công trình nổi tiếng hàng đầu Trung Hoa, ví dụ như: Vườn cảnh bố cục tương tự như vườn cảnh cổ điển ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô và Giang Tích, tỉnh Giang Tây; Có một đoạn phố thể hiện cho các đường phố mua sắm sầm uất ở Tô Châu và Dương Châu, tỉnh Giang Tô; Bến thuyền Phượng Hoàng (Phoenix Pier) giống với bến thuyền tại Thái Hồ, thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô; Tháp Kính Minh (Jingming Tower) giống với tháp Nhạc Dương (Yueyang Tower) bên bờ hồ Động Đình, tỉnh Hồ Nam; Phật Hương Các (Temple of Buddhist Virtue) tương tự như Hoàng Hạc Lâu (Yellow Crane Tower), thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (là một trong Tứ đại danh lâu hay tháp ngắm cảnh nổi tiếng ở Trung Quốc, gồm: Hoàng Hạc lâu; Nhạc Dương lâu, tỉnh Hồ Nam; Đằng Vương các, tỉnh Giang Tây; Bồng Lai các, tỉnh Sơn Đông); Tại Di Hòa Viên còn có một hành lang dài đến 700 m để trình diễn nghệ thuật trang trí tương tự như các hành lang trong cung điện hoàng gia…
Di Hòa Viên về cơ bản chia thành 2 phần: Khu vực núi Vạn Thọ; Khu vực hồ Côn Minh và vườn cảnh.
Khu vực núi Vạn Thọ là nơi tập trung các công trình thành cụm tại phía Đông, Tây, Nam và Bắc núi Vạn Thọ. Cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ có cung điện Nhân Thọ, nơi Từ Hi Thái Hậu tiếp các quan lại và giải quyết quốc sự; các công trình nghỉ ngơi giải trí và vườn cảnh…được tiếp cận qua cổng chính của Di Hòa Viên là cổng Đông Cung. Cụm công trình phía Bắc, Nam, Tây núi Vạn Thọ và trên núi Vạn Thọ là khu vực nhà ở, thờ tự và giải trí. Đặc biệt là cụm công trình tại phía Nam với tầm nhìn rộng mở ra hồ và được liên kết với nhau bởi một tuyến hành lang dài có mái che.
Khu vực hồ Côn Minh và vườn cảnh, chiếm 3/4 diện tích Di Hòa Viên.
Hồ Côn Minh là một hồ chứa nhân tạo, rộng 220 ha, hình thành vào năm 1271, vào thời nhà Tống, sử dụng cho việc cung cấp nước ổn định cho các cung điện tại Bắc Kinh. Hồ được mở rộng vào năm 1750. Hồ Côn Minh bao gồm 5 hồ, được phân chia bởi các tuyến đường đê, liên thông với nhau và với tuyến kênh tại phía Tây, Nam. Trên hồ có 3 hòn đảo lớn, được kết nối với bờ bằng cầu, trong đó có cây cầu nổi tiếng với 17 nhịp vòm.
Hệ thống các vườn cảnh được bố cục theo phong cách vườn truyền thống của Trung Quốc, nằm xen kẽ với mặt nước trên nền cảnh quan là núi Vạn Thọ và núi Xuân Ngọc tại phía Tây Di Hòa Viên, tạo thành những bức tranh phong cảnh đẹp đẽ và sinh động.
Tất cả các hạng mục công trình, điểm cảnh quan nổi bật trong Di Hòa Viên đều được đặt tên theo các sự kiện văn hóa với ý niệm đẹp đẽ, tạo thành một môi trường văn hóa sâu rộng, đặc sắc.
Di Hòa Viên, là đỉnh cao của hàng trăm năm thiết kế vườn hoàng gia, một quần thể hài hòa có giá trị thẩm mỹ và văn hóa vượt trội, đã có ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật và văn hóa vườn phương Đông những năm sau này.
Một bức tranh cổ về khu vực núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Di Hòa Viên, thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1998) với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong lĩnh vực nghệ thuật thiết kế sân vườn, kết hợp được các kiến tạo của con người với cảnh quan thiên nhiên trong một tổng thể hài hòa.
Tiêu chí (ii): Di Hòa Viên là điển hình cho triết lý về thiết kế sân vườn Trung Quốc, đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của hình thức văn hóa này ở khắp khu vực phương Đông.
Tiêu chí (iii): Vườn cảnh Trung Hoa, được minh họa bởi Di Hòa Viên là một bằng chứng độc đáo về một trong những nền văn minh lớn trên thế giới.
Sơ đồ ranh giới Di sản văn hóa Di Hòa Viên, tại Bắc Kinh, Trung Quốc
Di Hòa Viên về cơ bản chia thành 2 phần: Khu vực núi Vạn Thọ; Khu vực hồ Côn Minh và vườn cảnh.
Di Hòa Viên có 6 cổng: Cổng phía Nam (South Gate); Cổng nhỏ phía Đông (Minor Gate); Cổng phía Đông (East Gate); Cổng phía Bắc (North Gate); Cổng phía Tây Bắc (North West Gate); Cổng phía Tây (West Gate).
Sơ đồ các hạng mục công trình chính tại Di sănDi Hòa Viên, thành phố Bắc Kinh
Khu vực núi Vạn Thọ
Khu vực Vạn Thọ Sơn (Wanshou/ Longevity Hill) là phần phía Bắc của Di Hòa Viên, tiếp cận với 3 lối vào chính: Cổng phía Bắc (North Gate), Cổng phía Đông (East Gate) và Cổng phía Tây Bắc (North West Gate).
Nếu lấy gò núi Vạn Thọ làm trung tâm, khu vực này có thể chia thành: Cụm công trình phía Đông, Nam, Bắc và Tây núi Vạn Thọ.
Sơ đồ tổng mặt bằng các hạng mục công trình chính tại khu vực núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Sơ đồ phối cảnh khu vực núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên với vị tri một số hạng mục công trình chính
Phối cảnh chim bay khu vực núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ
Cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ là nơi tập trung nhiều công trình với hạng mục chính sau:
Đông Cung Môn (Dong Gong Men/East Palace Gate): nằm tại phía Đông của Di Hòa Viên, là cửa chính của Di Hòa Viên. Tòa nhà có 3 cửa: Cửa chính giữa dành cho hoàng đế, hoàng hậu và thái hậu, cửa hai bên dành cho các thành viên hoàng tộc và quan chức triều đình. Trên cửa chính có treo tấm biển đề “ Di Hòa Viên” được viết bởi hoàng đế Quang Tự (trị vì trong giai đoạn 1875- 1908). Các cấu kiện kiến trúc của tòa cổng đều được trang trí hoa văn sặc sỡ, cánh cửa được sơn màu đỏ, các dầm gắn với đỉnh cột đều được dát vàng. Hai bên cổng là hai con sư tử bằng đồng có từ thời hoàng đế Càn Long.
Đông Cung Môn, cổng chính vào cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Nhân Thọ Điện (Renshou/Benevolence and Longevity Hall): nằm ngay phía sau Đông Cung Môn. Đây là địa điểm gắn liền với công việc triều chính và sinh hoạt của các vị hoàng đế nhà Thanh. Nhân Thọ Điện được xây dựng vào năm 1750, dưới triều hoàng đế Càn Long, bị đốt cháy vào năm 1860 và được xây dựng lại vào năm 1888. Chính điện là nơi Từ Hi Thái hậu và hoàng đế Quang Tự tiếp kiến các vị đại thần và giải quyết quốc sự. Hiện tại, trang trí nội thất trong chính điện vẫn như xưa với những chiếc quạt lông công tinh xảo; rèm che ngai vàng được đóng khung bằng gỗ đàn hương với 9 con rồng trên đỉnh. Trong sân Nhân Thọ Điện có một tượng thú bằng đồng tinh xảo, hình tượng đầu rồng, đuôi sư tử, sừng hươu và móng guốc. Trong sân còn có 5 viên đá cảnh biểu thị sự trường thọ. Trước chính điện là hai cặp lư hương là hình tượng của một cặp rồng và phượng.
Nhân Thọ Điện, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Đức Hòa Viên (Dehe/Virtuous Harmony Court): nằm tại phía Bắc của Nhân Thọ Điện. Đây là nơi Từ Hi Thái Hậu và hoàng đế Quang Tự sử dụng cho các chương trình biểu diễn hát kịch và chương trình sân khấu khác.Tại đây có công trình nhà hát (Great Opera Hall) cao 21m, rộng 17m, 3 tầng mái; là một trong ba nhà hát kịch nổi tiếng nhất của nhà Thanh; hai công trình khác là nhà hát Thanh Âm (Qingyin) tại Tị Thử Sơn Trang (Mountain Resort of Chengde/Bishu Shanzhuang), tỉnh Hà Bắc và nhà hát Xướng Âm (Changyin) ở Tử Cấm Thành, Bắc Kinh. Công trình được xây dựng vào năm 1891 và kéo dài trong 5 năm. Sân khấu cao 3 tầng và lầu hóa trang ở phía sau cao 2 tầng. Trên trần rạp có các thiên kiều, dưới sàn rạp có các hố, giếng nước, hồ nước nhỏ. Khi diễn những vở kịch về quỷ thần, có thể cho nhân vật từ trên trời giáng xuống, hoặc từ dưới đất chui lên và cũng có thể phun nước lên sân khấu. Đây là một trong những sân khấu bằng gỗ lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất với thiết kế tinh tế, tráng lệ và có nhiều giá trị về khoa học và nghệ thuật.
Đức Hòa Viên, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Lạc Thọ Đường (Leshou Tang/Happiness and Longevity House): là một trong ba tòa kiến trúc lớn theo kiểu thức “tứ hợp viện” (tổ hợp công trình bao quanh một sân trong), cùng với Ngọc Lan Đường và Nghi Vân Quán, là nơi sinh hoạt của Từ Hi Thái Hậu, hoàng đế Quang Tự, hoàng hậu và cung phi. Công trình nằm tại phía Tây Bắc Nhân Thọ Điện, được xây dựng vào năm 1750, bị đốt cháy vào năm 1860 và được xây dựng lại vào năm 1886. Trong Lạc Thọ Đường bài trí ngai báu, án ngự, quạt và bình phong bằng pha lê. Hai bên ngai báu là hai chiếc đĩa lớn, dùng để đựng hoa quả, với hoa văn rồng xanh, 4 chiếc lư hương lớn, bằng đồng. Gian phía Tây là “Ngự thất”, dành riêng cho hoàng đế, gian phía Đông là nơi thay trang phục. Trong phòng còn có một chiếc tủ lớn đựng trang phục, bằng gỗ “tử đàn”, là di vật từ thời hoàng đế Càn Long. Trong sân Lạc Thọ Đường còn bài trí tượng hươu, hạc, bình hoa bằng đồng, với hàm ý cầu mong sự trường tồn và bình an. Ngoài ra, trong khuôn viên này còn có nhiều loài hoa, như ngọc lan, hải đường, mẫu đơn…, tượng trưng cho sự giàu sang, phú quý. Ngọc lan của Lạc Thọ Đường rất nổi tiếng. Trước cửa Yêu Nguyệt hiện vẫn còn một cây do đích thân hoàng đế Càn Long mang từ phương Nam về trồng.
Lạc Thọ Đường, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Nội thất Lạc Thọ Đường, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Tháp Văn Xương (Wenchang/Flourishing Culture Pavilion): nằm tại phía Nam cổng Đông Cung và điện Nhân Thọ. Đây là ngôi tháp lớn nhất trong các tháp tại Di Hòa Viên, được xây dựng vào năm 1750, bị đốt cháy vào năm 1860 và sau đó được xây dựng lại. Tháp gồm tòa lầu cao 2 tầng, được đặt trên một thành lũy cao. Trong tòa tháp có tượng đồng thần Văn Xương (Văn Xương Đế Quân hay Văn Xương Tinh. Theo Thần đạo và Đạo giáo, đây là vị thần chủ quản công danh phúc lộc của giới văn sĩ và các chư thần. Tòa tháp này và tòa Tháp Bảo Vân, trong đó có tượng thần Võ, là tượng trưng cho sự phù trợ về cả văn và võ đối với nhà cầm quyền. Nằm ở phía Đông của Tháp Văn Xương hiện là Nhà triển lãm Văn Xương (Wenchang Gallery/Wenchang Yuan). Đây là nơi trưng bày hàng ngàn cổ vật được khám phá tại Di Hòa Viên (trong khoảng 3600 năm, từ triều đại nhà Thương đến nhà Thanh).
Tháp Văn Xương, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Lầu Báo Xuân (Zhichun/Perceiving the Spring Pavilion): được xây dựng trên một hòn đảo nhỏ, đối diện tháp Văn Xương, bên cạnh bờ Đông của hồ Côn Minh. Từ vị trí lầu có một góc nhìn đẹp nhất về núi Vạn Thọ, hồ Côn Minh và dãy núi Xuân Ngọc tại phía Tây (Jade Spring Hills) Di Hòa Viên.
Lầu Báo Xuân, cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ
Kiến trúc trong khu vực này được dàn trải theo hai trục chính: Trục Đông - Tây là Trường Lang (Hành lang dài); Trục Nam - Bắc, được bắt đầu từ khoảng giữa của Trường Lang, theo thứ tự, từ cửa Bài Vân, cửa Nhị Cung, điện Bài Vân tại chân núi Vạn Thọ đến tháp Phật Hương và Trí Tuệ Hải ở trên núi Vạn Thọ, tạo thành một chuỗi liên kết theo tầng bậc, vươn cao dần.
Hình ảnh phía Nam và Tây núi Vạn Thọ, nhìn từ hồ Côn Minh, Di Hòa Viên
Từ chân núi lên đến đỉnh núi Vạn Thọ gồm các hạng mục công trình chính:
Trường Lang (Long Corridor): là hành lang nằm tại phía Nam núi Vạn Thọ, hướng ra hồ Côn Minh, phía Đông giáp cổng Yêu Nguyệt (Đón trăng), phía Tây giáp đình Thạch Trượng. Hành lang dài 728m, gồm gồm 273 gian, được xây dựng vào năm 1750, để thái hậu có thể đi dạo trong vườn. Công trình bị chiến tranh phá hủy và được xây dựng lại vào năm 1886. Trường Lang là hành lang du ngoạn dài nhất trong kiến trúc vườn của Trung Quốc và là hành lang dài nhất thế giới. Hành lang được trang trí phong phú với những bức tranh trên xà nhà và trần nhà. Tổng cộng có hơn 8.000 bức tranh, mô tả các nhân vật lịch sử và huyền thoại trong 4 tiểu thuyết cổ điển (Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tây Du Ký, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng); các sự tích Nho giáo, Đạo giáo; các tòa nhà và phong cảnh nổi tiếng của Trung Quốc cùng với hoa, chim, cá và côn trùng. Hành lang không chạy thẳng mà theo hình cánh cung tại vị trí trung tâm, và lùi vào trong để tạo điểm nhấn cho điện Bài Vân (Cloud – Dispelling Hall). Sát phía hồ Côn Minh là cổng Bài Vân (Paiyun/Cloud Dispelling Gate). Dọc theo hành lang có 4 điểm nhấn là các tháp hình bát giác với mái kép. 4 tháp này tượng trưng cho 4 mùa trong năm, được đặt tên (từ Đông sang Tây: Liu Jia (Lưu giữ sự tốt lành); Ji Lan (Sống chung với sóng); Qiu Shui (Yên tĩnh như nước); Qing Yao (Tâm sáng và rộng mở). Từ hành lang có thể đi thông với các công trình tại phía Nam và phía Đông núi Vạn Thọ.
Trường Lang, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Trang trí bên trong tháp của Trường Lang, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Tranh vẽ miêu tả trận chiến giữa Tào Tháo và Lưu Bị vào năm 208, tại Trường Bản, (huyện Đương Dương, tỉnh Hồ Bắc) vào cuối thời Đông Hán tại Trường Lang, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Bài Vân Điện (Cloud Dispelling Hall/ Pai Yun Dian): nằm giữa trung tâm của trục Bắc – Nam Di Hòa Viên, phía trước núi Vạn Thọ, được xây dựng vào năm 1750. Ban đầu, kiến trúc này là chùa Đại Báo Ân Diên Thọ, do Càn Long xây dựng để mừng thọ mẹ ở tuổi 60. Năm 1892, Từ Hi Thái hậu đã cho tu sửa, cải tạo công trình này thành cung điện Bài Vân. Đây là nơi Thái hậu ở và thiết triều trong thời gian bà ở Di Hòa viên. Điện Bài Vân là một quần thể kiến trúc tiêu biểu nhất của Di Hòa Viên với cột màu đỏ, mái ngói màu vàng, các cụm đá cẩm thạch trắng được trang trí bằng rồng, phượng. Bên trong chính điện đặt một ngai vàng, xung quanh có màn che, lư hương…Cung điện có 21 phòng, bên trong hiện trưng bày các quà tặng nhân dịp sinh nhật lần thứ 70 của Từ Hi Thái hậu.
Cổng Bài Vân, phía trước Bài Vân Điện, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Quần thể Bài Vân Điện, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Chính điện của cung điện Bài Vân, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Ngai vàng của Tư Hi Thái Hậu bên trong chánh điện, cung điện Bài Vân Điện, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Chi tiết kiến trúc tòa nhà bên trái chính điện của quần thể Bài Vân Điện, cụm công trình phía Nam núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Cụm công trình trên núi Vạn Thọ
Núi Vạn Thọ còn có tên là Kim Sơn, có chiều cao 60m, được bao quanh bởi các cụm công trình bố cục theo hướng Bắc – Nam, đối xứng theo trục Đông – Tây. Các công trình trên núi được xây dựng chủ yếu vào thời nhà Thanh. Từ đây có thể ngắm toàn bộ cảnh quan hồ Côn Minh.
Theo trục chính Bắc – Nam, tiếp nối với các công trình dưới chân núi gồm: cửa Bài Vân, cửa Nhị Cung, điện Bài Vân tại chân núi Vạn Thọ đến gác Phật Hương và Trí Tuệ Hải ở trên núi Vạn Thọ.
Phối cảnh các công trình trên núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Các hạng mục công trình chính trên núi gồm:
Phật Hương Các (Tower of Buddhist Incense/ Temple of Buddhist Virtue/ Foxiangge): nằm trên một bệ hình vuông cao 21m, tại lưng chừng núi Vạn Thọ. Tháp cao 41m, có mặt bằng hình trụ bát giác, cao 3 tầng với 4 tầng mái hiên. Kết cấu của công trình gồm 8 cột gỗ khổng lồ với cấu trúc đỡ mái phức tạp, được đánh giá là một ngôi nhà cổ đặc biệt. Tháp được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long, bị đốt cháy vào năm 1860, sau đó được cải tạo lại vào năm 1897, trở thành công trình kiến trúc có quy mô và chi phí xây dựng vào loại lớn nhất tại Di Hòa Viên. Trong tháp có một bàn thờ Phật với tượng Phật và 18 vị La Hán, phục vụ cho việc lễ bái của hoàng gia. Tháp được xây dựng khởi nguồn theo Hoàng Hạc Lâu, tại Vũ Xương, Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Phật Hương Các trên núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Tháp đồng Bảo Vân (Baoyun Bronze Pavilion) hay Bảo Vân Các: nằm tại phía Tây Phật Hương Các, được xây dựng vào năm 1755, là nơi các hoàng đế và hoàng hậu nhà Thanh đến cầu nguyện. Đặt trên một bệ bằng đá trắng cao 4m, công trình nặng tới 207 tấn, cao 7,55m có cấu trúc và trang trí như một tháp bằng gỗ. Tháp là một trong những sản phẩm thủ công tinh xảo nhất của Trung Quốc còn tồn tại đến ngày nay và là một trong những vật đúc đồng có kích thước lớn nhất. Ba mặt Đông, Nam, Tây đều có cửa 4 cánh; phía Bắc có cửa 8 cánh. Các cửa sổ, ô thoáng, cánh cửa đều được chạm hoa văn cân xứng, rất tinh xảo, gồm hai lớp lồng khít vào nhau. Tháp tồn tại qua vụ đốt cháy Di Hòa Viên năm 1860, song tất cả đồ đạc bị cướp phá, kể cả cửa sổ. Năm 1993, từ khoản tiền quyên góp, người ta đã mua lại các cửa sổ và gửi trở lại Di Hòa Viên.
Tháp đồng Bảo Vân trên núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Đền Biển Trí Tuệ (Hall of the Sea of Wisdom/ Zhi Hui Hai): là một cụm công trình nằm tại phía Bắc của Phật Hương Các, nổi bật trên đỉnh núi Vạn Thọ. Đền là một tòa nhà linh thiêng, tượng trưng cho sức mạnh và trí tuệ vô hạn của Đức Phật Như Lại. Vào cụm công trinh qua một cổng vòm lộng lẫy, tráng men màu vàng trên bệ đá cẩm thạch. Cổng mang tên Zhong Xiang Jie, tên của một vương quốc Phật giáo. Đền Biển Trí Tuệ là một tòa nhà hai tầng được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1750. Công trình xây dựng bằng gạch và đá mô phỏng theo kiến trúc gỗ. Mặt mái lợp ngói lưu ly màu vàng và màu xanh lục, nóc mái lợp ngói lưu ly màu đỏ và màu xanh lam, khiến cho tổng thể kiến trúc mang một dáng vẻ tươi sáng, diễm lệ. Trong đền có một bức tượng Quán Thế Âm Bồ Tát trong tư thế ngồi. Trên các bức tường trang trí nhiều bức tranh mô tả mây, hóa lá. Trên mặt tiền của ngôi nhà đượt lát gạch men sắc vàng, xanh lá cây với các dải màu tím và xanh. Trên mặt tường khảm 1008 bức tượng Phật bằng thủy tinh đặt trong các hốc nhỏ, xếp thành hàng trên tường. Nhờ cấu trúc gạch đá mà công trình thoát khỏi trận hỏa hoạn do chiến tranh năm 1860, song các tượng bên trong và trên tường bị hư hại.
Đền Biển Trí Tuệ trên núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Cụm công trình phía Bắc núi Vạn Thọ
Khu vực phía Bắc núi Vạn Thọ bắt đầu từ cổng phía Bắc (North Gate), qua phố thương mại Tô Châu, đi bộ lên núi Vạn Thọ. Tại đây có các hạng mục công trình chính:
Phố chợ Tô Châu (Tô Châu jie): nằm tại trung tâm của tuyến hồ phía sau núi Vạn Thọ hay Hậu Hồ (HouHu/Back Lake). Đoạn phố này dài hoảng 300m, là biểu tượng cho tuyến phố thương mại đường thủy sôi động vào giữa thế kỷ 18 ở Tô Châu, Giang Nam. Tuyến phố được xây dựng dưới thời hoàng đế Càn Long, là nơi hoàng đế và gia quyến trải nghiệm việc mua sắm trên phố. Các hoạn quan đóng vai trò chủ cửa hàng và nhân viên bán hàng. Tại đây có đến hơn 60 cửa hiệu, bao gồm nhà hàng đồ cổ, hàng ăn, quán trà, tiệm cầm đồ, ngân hàng, nhà thuốc, cửa hàng quần áo, nhà in…10 khu buôn bán dọc theo Hậu Hồ được xây dựng từ năm 1860 đã bị hủy hoại. Cảnh quan của tuyến phố hiện nay là sản phẩm của đợt trùng tu vào năm 1986.
Cổng phía Bắc núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Phố chợ Tô Châu, cụm công trình phía Bắc núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Chùa Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Style Temple) hay Tứ Đại Bộ Châu (Four Great Regions): được xây dựng dưới thời trị vì của hoàng đế Càn Long. Đây là một tổ hợp chùa Phật giáo Tây Tạng cổ điển và hiện là lớn nhất ở Bắc Kinh với diện tích khu đất rộng đến 2ha. Tổ hợp công trình được xây dựng kề liền vị trí của ngôi đền Sumenu xưa (hiện chỉ còn tàn tích nền). Chùa được thiết kế dựa theo tu viện Samye (Samye Monastery), là tu viện Phật giáo xây dựng đầu tiên tại Tây Tạng vào năm 775, lấy theo tên của ngọn núi Sumenu hay Meru, là ngọn núi 5 đỉnh linh thiêng của Ấn Độ, được coi là trung tâm của thế giới vật chất và tâm linh, là nơi ở của các vị Phật. Tứ Đại Bộ Châu tượng trưng cho 4 miền thế giới của Phật giáo (Đông Thắng Thần châu, Tây Ngưu Hoá châu, Nam Thiệm Bộ châu, Bắc Câu Lâu châu). Tổ hợp công trình được thiết kế theo 5 bậc thềm, cao dần tới đỉnh núi Vạn Thọ. Bậc thềm đầu tiên là sân hay nền của ngôi đền cổ Sumenu; Bậc thứ 2 là tòa chính điện và một số tháp nhỏ; Bậc 3, 4 có 8 tòa tháp, mỗi bên có 4 tháp khác nhau; Bậc 5 là đỉnh Vạn Thọ với một số tòa tháp nhỏ. Các tòa tháp thiết kế theo phong cách kiến trúc Hán và Tây Tạng. Tất cả cấu trúc bằng gỗ của công trình đã bị thiêu hủy trong cuộc chiến năm 1860. Chỉ có một phần được phục dựng lại.
Chùa Phật giáo Tây Tạng, cụm công trình phía Bắc núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Hài Thú Viên (Garden of Harmonious Interest): là một phần phía Đông của vườn cảnh khu Hậu Hồ. Ngoài khu vực trung tâm dành cho Phố chợ Tô Châu, khu vườn cảnh Hậu Hồ có ít công trình kiến trúc, cây cối xanh tươi, đường dạo khúc khuỷu ven theo mặt nước, phong cảnh tĩnh mịch. Nổi bật nhất là Hài Thú Viên. Vườn được xây dựng vào năm 1811, bị phá hủy năm 1860 và được xây dựng lại vào năm 1893. Hài Thú Viên (hay Vườn vui thú với triết lý: Lòng tĩnh vì cảnh vật; niềm vui có thể đến từ ruộng vườn) được thiết kế mô phỏng theo vườn cảnh Ký Xướng (Jichang Garden) tại Vô Tích, tỉnh Giang Tây, là một khu vườn cổ điển nổi tiếng tương tự như vườn cổ điển Sư Tử Lâm Viên tại Tô Châu với một hồ sen tại trung tâm. Vườn gồm 13 công trình nhà, tháp, hành lang và các cây cầu nhỏ, được bố trí trang nhã và trang trọng. Khu vườn từng là nơi câu cá của Từ Hi Thái Hậu. Vẻ độc đáo của vườn cảnh Hậu Hồ được thể hiện qua 9 đặc điểm: Vẻ đẹp thay đổi theo mùa gắn với các loại cây như liễu, sen…; Vẻ đẹp mặt nước hồ Côn Minh với âm thanh của các dòng nước chảy như nhạc cụ; Vẻ đẹp của những cây cầu với những cái tên theo sự tích, truyền thuyết nổi tiếng; Vẻ đẹp của thư pháp trên các cột đá, tảng đá; Vẻ đẹp của các công trình kiến trúc duyên dáng và tinh tế; Vẻ đẹp của hội họa được trình bày trong nội thất công trình; Vẻ đẹp của hệ thống hành lang kết nối các không gian; Vẻ đẹp của sự mô phỏng lại vườn miền Nam Trung Quốc với cảm giác yên bình và tinh tế.
Hài Thú Viên tại Hậu Hồ, cụm công trình phía Bắc núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Cụm công trình phía Tây núi Vạn Thọ
Khu vực phía Tây núi Vạn Thọ vào từ cổng phía Tây Bắc (North West Gate). Tại đây có nhiều hạng mục công trình, trong đó có hạng mục công trình nổi tiếng:
Thuyền đá cẩm thạch (Qingyan/Marble Boat) hay Thanh Yến Phảng: nằm tại phía Tây của núi Vạn Thọ, tại mặt phía Bắc của hồ Côn Minh. Xưa kia đây là nơi đặt đài phóng sinh của chùa Viên Tĩnh. Khi hoàng đế Càn Long tu sửa vườn vào năm 1755, ông đã cho cải tạo công trình này thành một chiếc thuyền dài 36m bằng đá bạch ngọc, được cho là biểu tượng của triết lý: Dân như nước. Nước có thể đẩy thuyền và cũng có thể lật thuyền. Tên thuyền “Thanh Yến Phảng” với ý nghĩa cầu mong cho “biển yên, sông lặng”. Thuyền được tạo hình theo kiểu thuyền truyền thống của Trung Quốc, dạng “lầu thuyền” với 2 tầng lầu bằng gỗ sơn giả đá, sàn lát gạch hoa, cửa sổ bằng pha lê, mái lợp ngói có trang trí. Đường thoát nước của hệ mái thuyền được thiết kế rất tinh xảo - khi mưa xuống nóc thuyền, nước được gom về 4 trụ rỗng trên thân thuyền, dồn về 4 miệng ống thoát nước hình đầu rồng xả xuống hồ. Toàn thân thuyền được điêu khắc bởi những hoa văn hình rồng.
Thuyền đá cẩm thạch, cụm công trình phía Tây núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Học viện Hải Quân (Naval Academy): nằm tại phía Tây Hồ Côn Minh. Người ta cho rằng, Từ Hi Thái Hậu lấy tiền của Bộ Hải quân để xây dựng Di Hòa Viên. Để hợp pháp việc này, bà đã cho xây dựng tại đây Học viện Hải quân.
Học viện Hải Quân, cụm công trình phía Tây núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Khu vực hồ Côn Minh và vườn cảnh
Khu vực hồ Côn Minh và vườn cảnh là phần phía Nam của Di Hòa Viên. Khu vực được tiếp cận từ 3 cổng: Cổng phía Nam (South Gate); Cổng nhỏ phía Đông (Minor Gate); Cổng phía Tây (West Gate).
Hồ Côn Minh – Ngũ hồ
Hồ Côn Minh trước đây là một hồ nước tự nhiên, nơi có nhiều suối ở Tây Bắc của Bắc Kinh, sau đó được đào mở rộng thành một hồ nhân tạo chứa nước sinh hoạt cho thành phố vào năm 1291. Từ đây, hồ trở thành một thành phần của khu vườn hoàng gia, được mở rộng và hoàn thiện vào năm 1750- 1764. Hồ có diện tích khoảng 220 ha, độ sâu trung bình khoảng 1,5m. Ngày nay, hồ Côn Minh cũng là điểm cuối của tuyến vận chuyển nước Nam – Bắc đi qua 1277km từ hồ chứa nước Giang Giang, xây dựng năm 1958, tại tỉnh Hồ Bắc cung cấp nước chính cho thành phố Bắc Kinh.
Hệ thống hồ Côn Minh gồm 5 cụm hồ chính, nối thông với nhau và thông với hệ thống kênh dẫn nước tại phía Nam và phía Tây Di Hòa Viên...Nếu lấy núi Vạn Thọ làm trung tâm, 5 hồ thuộc hệ thống hồ Côn Minh gồm: Hồ tại phía Bắc hay Hậu Hồ (Back Lake); Hồ phía Nam (South Lake); 3 cụm hồ tại phía Tây (West Lake).
Hậu Hồ (Hậu Hồ/HouHu): là một đoạn hồ hay đoạn sông thu hẹp của hồ Côn Minh, chạy từ Đông sang Tây đổ vào hồ chính. Hồ được chia thành 3 đoạn: Đoạn phía Đông của hồ là nền cảnh quan cho Hài Thú Viên tại phía Bắc của cụm công trình phía Đông núi Vạn Thọ; Đoạn trung tâm của hồ được xây dựng phỏng theo đoạn sông Tô Châu (Suzhou River) với hai bên bờ là phố thương mại sầm uất cổ xưa (Suzhou Market Street); Đoạn phía Tây của hồ kè các tảng đá khổng lồ bên bờ được cho là tượng trưng của khung cảnh kỳ diệu của vách đá Tam Hiệp, sông Dương Tử. Nối hai bên bờ hồ là các cây cầu nhỏ.
Hậu Hồ, hồ Côn Minh, Di Hòa Viên
Hồ tại phía Nam núi Vạn Thọ (South Lake): là hệ thống hồ chính. Trên hồ có một hòn đảo được nối với bờ phía Đông của hồ bằng cây cầu 17 nhịp.
Hồ tại phía Nam núi Vạn Thọ, gắn với đảo Nam Hồ và cầu 17 nhịp, Di Hòa Viên
Cụm hồ tại phía Tây núi Vạn Thọ: bao gồm 3 hồ, 1 hồ nhỏ và 2 hồ lớn. Hồ nhỏ nằm tại khu vực Làng Chài (Water Village/Super Fishing Area), tại phía Tây Bắc của hồ chính. Hồ nhỏ nối với hai bên bờ bằng hai cây cầu: Cầu phân đôi hồ (Jiehu/ Lake-Dividing Bridge) và Cầu của các bài thơ mùa vụ (Youfeng/Bridge of Pastoral Poems/ Breeze). Hai hồ lớn, đều mang tên hồ phía Tây (West Lake), được hình thành bởi tuyến đê chạy theo hướng Tây Bắc –Nam (West Dyke), tuyến đê chạy theo hướng Tây Nam – Bắc và tuyến kênh dẫn nước Miyun Bắc Kinh (Beijing Miyun Irrigation Canal) tại phía Tây và Nam.
Cụm hồ và tuyến đê tại phía Tây núi Vạn Thọ, Di Hòa Viên
Đảo trên hồ và cầu ra đảo
Di Hòa Viên có 3 hòn đảo chính trên hồ tượng trưng cho 3 ngọn núi thần tiên: Bồng Lai, Doanh Châu và Phương Trượng ở vịnh Bột Hải, thuộc biển Hoàng Hải.
Đảo Nam Hồ (Nanhu/ South Lake Island): là hòn đảo lớn nhất trong số ba hòn đảo của hồ Côn Minh, tượng trưng cho đảo Bồng Lai. Hòn đảo rộng hơn 1 ha này nằm ở phía Đông Nam của hồ, được hình thành khi người ta đào đất mở rộng hồ nhân tạo Côn Minh. Đảo được viền bằng các tảng đá lớn và hàng rào đá có chạm khắc; được kết nối với bờ phía Đông bằng cây cầu 17 nhịp (Thập Thất Khổng Kiều). Đảo được hình thành vào thời hoàng đế Càn Long. Trên đảo có một số hạng mục công trình như lầu ngắm cảnh, đền thờ Long Vương, được xây dựng trên nền của đền thờ Thần Rồng từ thời nhà Minh (1368-1644), là nơi thờ thần mưa. Tại đây có tòa lầu Hanxu, nằm trên một tảng đá, là nơi hoàng đế Càn Long dùng để xem các cuộc tập trận hải quân. Đào Nam Hồ còn được cho là giống hình tượng một con rùa đang bò từ hồ Côn Minh lên bờ; Cây cầu 17 nhịp được cho là cổ kéo dài của con rùa. Đầu rùa là công trình đầu cầu (Pavilion of Broad View). Đối với người dân Trung Hoa, rùa là biểu tượng của sự trường thọ. Điều này cũng tương tự như hình dạng của hồ Côn Minh tương tự như quả đào, tượng trưng cho mạnh khỏe và trường thọ.
Thập Thất Khổng Kiều (Seventeen-Arch): là cầu đá với 17 nhịp vòm cuốn. Đây là cây cầu đá lớn nhất Di Hòa Viên, được xây dựng dưới triều đại của hoàng đế Càn Long, rộng 8m, dài 150m, lấy cảm hứng từ những cây cầu nhiều nhịp vòm nổi tiếng khác của Trung Quốc như cầu Lugou (Marco Polo Bridge) tại Bắc Kinh, cầu Baodai (Precious Belt Bridge) ở Tô Châu, tỉnh Chiết Giang. Trên hai lan can cầu được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc, với nhiều đề tài, đặc biệt là có trên 544 tượng sư tử bằng đá trắng, mang phong thái rất sinh động.
Đảo Tuần Thành (Tuancheng Island) hay đảo pháo đài tròn: là hòn đảo nằm giữa hồ Tây (West Lake) – hố phía trên. Đảo không có cầu ra đảo.
Đảo Zaojiantang (Zaojiantang Island): nằm giữa hồ Tây – hồ phía dưới. Trên đảo có công trình Zaojian (Zaojian Hall). Đảo nối với bờ bằng một tuyến đường nhỏ.
3 hòn đảo chính trên hồ Côn Minh, Di Hòa Viên: Phía trên là đảo Nam Hồ; phía dưới là đảo Tuần Thành; phía trên bên phải là đảo Zaojiantang
Ngoài 3 đảo lớn tại đây còn có một số đảo nhỏ như: Đảo Phượng Hoàng (Phoenix Island), nằm tận cùng phía Nam của Di Hòa Viên; Đảo xây lầu Báo Xuân: là một hòn đảo nhỏ, nằm đối diện tháp Văn Xương, bên bờ Đông của hồ Côn Minh, bên trên có lầu Báo Xuân.
Tuyến đường đê, cầu và công trình trên đê
Di Hòa Viên có hai con đê hay đập: Tuyến đê phía Tây, ngăn chia hồ phía Nam và hồ phía Tây; Tuyến đê ngăn chia hai hồ phía Tây.
Đê phía Tây (West Dyke/ West Causeway): ngăn chia hồ phía Nam và phía Tây, chạy theo hướng Bắc – Nam. Trên con đường đê được trồng đào và liễu. Khi mùa Xuân đến, khung cảnh tươi sáng, những con sóng nước lặng lẽ, màu xanh của khóm liễu và màu đỏ của hoa đào kết hợp lại, tất cả tạo thành cảnh quan điển hình của miền Nam Trung Quốc. Trên tuyến đê có 6 cây cầu và một công trình.
Cầu phân đôi hồ (Jiehu/ Lake-Dividing Bridge): là cây cầu đầu tiên, từ Bắc xuống Nam của tuyến đường đê phía Tây. Cầu được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long. Phía trên cầu là một tòa lầu. Tòa lầu đã bị hỏa hoạn năm 1860. Đối diện bên kia hồ là tòa nhà Thuyền (Booth House).
Cầu phân đôi hồ, Di Hòa Viên
Cầu của các bài thơ mùa vụ (Youfeng/Bridge of Pastoral Poems/ Breeze): tên của cầu được theo một điệu hát cổ xưa mô tả cuộc sống của người nông dân Trung Quốc, thể hiện sự quan tâm của các vị hoàng đế với hoạt động nông nghiệp.
Cầu của các bài thơ mùa vụ, Di Hòa Viên
Cầu Vành Đai Ngọc (Yudai/Jade Belt Bridge): là cây cầu vòm có hình dáng như một nhẫn ngọc. Công trình được xây dựng từ năm 1751- 1764, theo phong cách những cây cầu mảnh mai ở miền Nam Trung Quốc. Cầu được làm từ đá cẩm thạch với các lan can đá được trang trí bằng viên bi trắng kết hợp với vành đai ngọc. Vòm cầu được xây để thuyền rồng của hoàng đế Càn Long có thể đi qua.
Cầu Vành Đai Ngọc, Di Hòa Viên
Cầu Gương (Jing/Mirror Bridge): là cây cầu phía Nam của cầu Vành Đai Ngọc, được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long và được xây dựng lại vào thời hoàng đế Quang Tự. Cây cầu có tên theo ý thơ trong một bài của nhà thơ Lý Bạch (năm 701-762), một nhà thơ vĩ đại thời nhà Đường;
Cầu Gương, Di Hòa Viên
Cầu Lụa (Lian/Silk Bridge): là cây cầu được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long, được xây dựng lại vào thời hoàng đế Quang Tự. Cầu có mái che, dạng mái kép, là nơi dừng chân nghỉ ngơi và ngắm cảnh.
Cầu Lụa, Di Hòa Viên
Cầu Liễu (Liu/Willow Bridge): là cây cầu nằm tại phía Nam, nối hồ phía Nam và hồ phía Tây. Cầu ban đầu được xây dựng vào thời hoàng đế Càn Long, sau được xây dựng lại vào thời hoàng đế Quang Tự. Cầu có tên theo một bài thơ cổ nổi tiếng về những cây liễu;
Cầu Liễu, Di Hòa Viên.
Khu vực vườn cảnh ven hồ
Dọc theo các hồ có các dải đất vườn cảnh quan, tạo thành cảnh non nước bát ngát. Tại đây có một số công trình nổi bật:
Tượng Kim Ngưu (Bronze Ox) nằm phía Đông Hồ Côn Minh và phía Đông Bắc cầu 17 nhịp (Thập Thất Khổng Kiều). Tượng được đúc bởi hoàng đế Càn Long vào năm 1755, với tên gọi "Kim Ngưu" phỏng theo truyền thuyết về vua Đại Vũ vào thời nhà Hạ, đi chống lũ đã làm lễ tế thần trị thủy và thả một con trâu bằng sắt xuống sông. Sau khi đúc xong, hoàng đế Càn Long còn cho khắc một bài thơ bằng chữ triện lên lưng trâu mang tên “Kim Ngưu Minh”. Tượng là biểu trưng cho khát vọng kiểm soát lũ lụt, một trong những nguyên nhân gây tai họa mất mùa, chết nhiều người thời Trung Quốc cổ đại. Tượng Kim Ngưu là một trong những tượng trâu lớn nhất ở Trung Quốc, phản ánh mức độ đúc kim loại bậc cao của Trung Quốc thời bấy giờ.
Tượng Kim Ngưu, bên hồ Côn Minh, Di Hòa Viên
Lầu Ngắm cảnh với tầm nhìn rộng (Kuoru Ting/Grand Pavilion/ Pavilion of Broad View): nằm tại phía Đông của Thất Thập Khổng kiều. Công trình Lầu nghỉ chân được cho là có kích thước lớn nhất tại Trung Quốc; mặt bằng hình bát giác, hai tầng mái, 16 trụ vuông tại lối vào và 24 trụ tròn, diện tích 130m2. Trong lầu treo các bài thơ, phú của hoàng đế Càn Long.
Lầu Ngắm cảnh bên hồ Côn Minh, đầu cầu 17 nhịp, Di Hòa Viên
Tháp Kính Minh (Jingming Building/Pavilion of Bright Scenery): nằm trên tuyến đê phía Tây, giữa cầu Lụa và cầu Liễu. Công trình bị người Anh và Pháp phá hủy năm 1860 và được trùng tu chỉ vào năm 1992. Công trình được cho là thiết kế mô phỏng theo Nhạc Dương Lâu, bên hồ Động Đình, tỉnh Hồ Nam.
Tháp Kính Minh bền hồ Côn Minh, Di Hòa Viên
Cho tới ngày nay, Di sản văn hóa Di Hòa Viên tại Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn được coi là một trong những công viên đẹp nhất thế giới, là đỉnh cao của hàng trăm năm thiết kế vườn hoàng gia và có ảnh hưởng to lớn đến nghệ thuật và văn hóa vườn phương Đông.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/880
https://en.wikipedia.org/wiki/Summer_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Kunming_Lake
https://en.wikipedia.org/wiki/Long_Corridor
https://en.wikipedia.org/wiki/Marble_Boat
https://en.wikipedia.org/wiki/Jade_Belt_Bridge
http://www.summerpalace-china.com/en/contents/159/3886.html
https://www.beijingbuzzz.com/summer_palace_introduction/map.html
https://www.travelchinaguide.com/attraction/beijing/summer/east_gate.htm
http://www.visitourchina.com/beijing/attraction/summer-palace.html
http://www.chinaculturetour.com/beijing/summer-palace.htm
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|