Thông tin chung:
Công trình: Hang Mạc Cao (Mogao Caves)
Địa điểm: Thị trấn Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc (N40 7 59.988 E94 49 0,012)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 23392ha; Vùng đệm 107637ha
Năm hình thành: 366 sau Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1987; hạng mục i, ii, iii, iv, v, vi)
Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất.
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên.
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907.
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279.
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên.
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644.
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912.
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc.
Tỉnh Cam Túc nằm tại phía Tây Bắc Trung Quốc, phía Đông giáp tỉnh Thiểm Tây, phía Nam giáp tỉnh Tứ Xuyên, phía Tây giáp tỉnh Thanh Hải, phía Bắc giáp Khu tự trị Nội Mông Cổ và Hồi Ninh Hạ; Phía Tây Bắc giáp Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương. Dân số khoảng 25 triệu người; thủ phủ là thành phố Lan Châu.
Bản đồ Trung Quốc và vị trí tỉnh Cam Túc
Đôn Hoàng (Dunhuang) là thị trấn thuộc thành phố Tửu Tuyền, một trong 12 thành phố và 2 châu tự trị (đơn vị hành chính cấp khu, thấp hơn tỉnh, lớn hơn huyện) của tỉnh Cam Túc. Đôn Hoàng có diện tích 31.200 km2, dân số 130.000 người (năm 2002), nằm trong một ốc đảo sa mạc.
Đôn Hoàng được thành lập vào năm 111 TCN, như một tiền đồn biên giới của triều đại nhà Hán chống lại Hung Nô. Tiếp sau đó, Đôn Hoàng trở thành điểm dừng chân, nơi Con đường Tơ Lụa (Silk Route, tồn tại trong khoảng năm 114 TCN đến năm 1450 sau Công nguyên) trên đất liền đi qua.
Con đường Tơ Lụa là một mạng lưới cổ tuyến đường thương mại trên đất liền và trên biển, kết nối Đông Tây, là trung tâm của sự tương tác tôn giáo, triết lý, khoa học, công nghệ và văn hóa (lan truyền cả bệnh tật như dịch hạch) giữa các vùng nơi nó đi qua trong nhiều thế kỷ, nối Đông Á và Đông Nam Á với Đông Phi, Tây Á và Nam Âu (Bactrians/ Trung Á; Sogdians/Tajikistan và Uzbekistan, Syria, Do Thái, Ả Rập, Iran, Turkmens, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ, Somali, Hy Lạp, La Mã, Gruzia, Armenia và Azerbaijan).
Vào cuối thế kỷ 4, Đôn Hoàng đã trở thành một tụ điểm sa mạc nhộn nhịp bởi các dòng hàng hóa thương mại.
Tại Đôn Hoàng, thương gia và khách hành hương có thể đổi lạc đà, thực phẩm và người bảo tiêu cho cuộc hành trình vượt qua sa mạc Taklamakan (Taklamakan Desert, thuộc Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương).
Trước khi dời Đôn Hoàng, các thương gia có thể cầu nguyện trong các ngôi đền, chùa và nguyện trở về sẽ tạ ơn Trời, Phật. Sau những chuyến đi thành công, các thương gia và gia đình họ thường bỏ ra nhiều tiền để cúng tiến cho việc cải tạo, xây dựng đền, chùa.
Sơ đồ Con đường tơ lụa (Silk Route); Màu đỏ là trên đất liền; Màu xanh là trên biển
Vị trí của Mạc Cao, Đôn Hoàng trên Con đường tơ lụa (Silk Route)
Chùa hang tại Mạc Cao (vùng đất cao trong sa mạc) nằm cách trung tâm thị trấn Đôn Hoàng ngày nay khoảng 25km về phía Đông Nam. Đây là một quần thể 492 hang động nhân tạo, được các nhà sư tạc vào vách đá, kéo dài khoảng 2km, dọc bờ sông Daquan, biến nơi đây thành Thiên Phật Động hay Thung lũng của ngàn Phật (Valley of the Thousand Buddhas).
Ngoài khu vực Mạc Cao, tại Đôn Hoàng còn có các khu vực chùa hang khác như Hang Ngàn Phật tại phía Tây (Western Thousand Buddha Caves); Hang Ngàn Phật tại phía Đông (Eastern Thousand Buddha Caves); Hang động Du Lâm (Yulin Caves) và Khu vực 5 ngôi chùa hang (Five Temple Caves). Song khu vực chùa hang Mạc Cao vẫn là nổi bật nhất tại Đôn Hoàng và được biết đến nhiều nhất trong các hang động Phật giáo tại Trung Quốc. Đây được đánh giá là một trong ba địa điểm điêu khắc Phật giáo cổ đại nổi tiếng của Trung Quốc, cùng với Hang Long Môn (Longmen Grottoes, tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam) và Hang động Vân Cương (Yungang Grottoes, tại Đại Đồng, tỉnh Sơn Tây).
Các ngôi chùa hang Mạc Cao, Đôn Hoàng được xây dựng đầu tiên vào năm 366 sau Công nguyên. Vào thời Bắc Lương (năm 366-439), một cộng đồng tu sĩ nhỏ đã hình thành tại đây. Các hang động ban đầu chỉ phục vụ như một nơi thiền của các tu sĩ ẩn cư.
Vào thời Bắc Ngụy (năm 439-534), qua thời Bắc Chu (năm 557-580), đến thời nhà Tùy (năm 581-618) đã có đến hang trăm hang động được xây dựng.
Vào thời nhà Đường (năm 618–907), Đôn Hoàng trở thành một trong những trung tâm thương mại chính của Con đường Tơ Lụa và là một trung tâm Phật giáo quan trọng. Cũng trong giai đoạn này một số lượng lớn hang động được xây dựng, tăng số hang động tại Mạc Cao lên đến hơn 1000 với các kích thước khác nhau.
Sau triều đại nhà Đường việc xây dựng mới các hang động hầu như ngừng hẳn. Khi Con đường Tơ lụa bị bỏ rơi dưới triều đại nhà Minh (1368-1644), thị trấn ốc đảo Đôn Hoàng mất đi tầm quan trọng và dần bị bỏ hoang. Vào thế kỷ 19, tại Khu vực hang Mạc Cao chỉ còn lại vài tu sĩ.
Vào đầu thế kỷ 20, khu vực dần được nghiên cứu, bảo tồn, phục dựng và khám phá.
Các ngôi chùa hang Mạc Cao, Đôn Hoàng là đại diện tiêu biểu cho nghệ thuật Phật giáo từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ 14 tại Trung Quốc. Trong các ngôi chùa hang Mạc Cao, có khoảng 45000 m2 bích họa trên tường, 2415 pho tượng được vẽ và tạc công phu, được dùng để hỗ trợ cho việc thiền định, như là công cụ để giảng dạy cho những người mù chữ những giáo lý nhà Phật.
Hang đá Mạc Cao là một bằng chứng lịch sử vô giá về sự tiến hóa của nghệ thuật Phật giáo tại vùng Tây Bắc Trung Quốc. Những kiến trúc hang động và tác phẩm nghệ thuật lưu giữ trong chùa hang cung cấp nhiều tài liệu sống động, mô tả các khía cạnh khác nhau thời Trung cổ về chính trị, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, quan hệ dân tộc và trang phục hàng ngày tại vùng này.
Phong cách nghệ thuật độc đáo của nghệ thuật Đôn Hoàng không chỉ là sự pha trộn giữa các phong cách nghệ thuật của người Hán mà còn là sự kết hợp với nghệ thuật của người Thổ Nhĩ Kỳ, người Tây Tạng và các dân tộc thiểu số Trung Quốc khác. Các tác giả tạo nên các tác phẩm nơi đây có thể coi là những tài năng thẩm mỹ vô song.
Năm 1900, tại đây đã phát hiện ra một hang động mới (hang ký hiệu số 17) như một thư viện (Tàng Kinh Động/Library Cave) với hàng chục ngàn bản thảo và di tích bên trong, được đánh giá là một trong những khám phá lớn nhất thế giới về văn hóa phương Đông cổ đại, cung cấp tài liệu tham khảo vô giá cho việc nghiên cứu lịch sử phức tạp của Trung Quốc và Trung Á thời Cổ đại.
Ngoài các chùa hang, tại đây còn có hang là nơi tu sĩ sống và thiền định, nghĩa trang…
Phối cảnh vách đá Mạc Cao tại Đôn Hoàng
Hình ảnh các chùa hang tại Mạc Cao, Đôn Hoàng
Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1987) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Nhóm hang động tại Mạc Cao là đại diện cho một thành tựu nghệ thuật độc đáo và kiệt tác của nghệ thuật Trung Quốc với cách tổ chức không gian của 492 hang động, phân bố theo chiều cao đến 5 tầng hang; 2000 tác phẩm điêu khắc, 45000 m2 bức tranh sơn và là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Trong 1.000 năm, từ triều đại Bắc Ngụy (386-534) đến triều đại nhà Nguyên Mông Cổ (1276-1386), Hang Mạc Cao đóng một vai trò quyết định trong giao lưu nghệ thuật tạo hình giữa Trung Quốc, miền Trung Châu Á và Ấn Độ.
Tiêu chí (iii): Những bức tranh tại Hang Mạc Cao là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh của Trung Quốc Cổ đại, vào thời triều đại Tùy, Đường và Tống.
Tiêu chí (iv): Các hang ngàn Phật là một ví dụ nổi bật về một khu bảo tồn nghệ thuật đá Phật giáo.
Tiêu chí (v): Quần thể nghệ thuật đá tại Mạc Cao là nơi cư trú của các tu sĩ Phật giáo từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930, một ví dụ tiêu biểu về một khu định cư truyền thống, hiện đang được Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa Đôn Hoàng quản lý, bảo tồn.
Tiêu chí (vi): Các hang động được liên kết chặt chẽ với lịch sử quan hệ xuyên lục địa và sự lan truyền của Phật giáo khắp châu Á. Trong nhiều thế kỷ, ốc đảo Đôn Hoàng, nằm trên hai nhánh của con đường Tơ lụa, không chỉ là một trạm tiếp vận, giao dịch hàng hóa, mà còn là nơi trao đổi nhận thức, thể hiện qua các bản thảo hiện được lưu giữ trong các hang động. Các bản thảo này được trình bày bởi người Trung Quốc, Tây Tạng, Sogdian (Ba Tư), Khotan (Tây Vực), Uighur (Duy Ngô Nhĩ) và bằng cả tiếng Do Thái.
Sơ đồ Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, phạm vi khu vực Di sản và vùng bảo vệ
Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Di sản Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng
Di sản Hang Mạc Cao, Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc nổi bật với Tàng Kinh Động, Bản thảo Đôn Hoàng và Nghệ thuật Đôn Hoàng với kiến trúc hang động, tác phẩm điêu khắc, tranh tường, tranh trên lụa và giấy, hình ảnh in, và các hàng dệt:
Tàng Kinh Động
Tàng Kinh Động hay Hang Thư viện (Library Cave), hang ký hiệu số 17, nằm bên ngoài lối dẫn vào hang số 16.
Hang 16 được xây dựng tưởng niệm một tu sĩ địa phương khi qua đời vào năm 862. Hang 17 là hang động nhỏ mỗi chiều khoảng 3m, có thể là nơi ẩn dật của vị tu sĩ này.
Hang số 17 được vị Đạo sĩ (theo Đạo lão) trụ trì tại một ngôi chùa Mạc Cao tên là Vương Nguyên Lộc (Wang Yuanlu, năm 1849-1931) phát hiện vào năm 1900. Tại đây đã tìm thấy một số lượng rất lớn các tài liệu có niên đại từ năm 406- 1002. Các tài liệu được cuộn lại, đóng gói và xếp chồng lên nhau. Ngoài 1100 gói cuộn, còn có khoảng 15000 cuốn sách giấy và văn bản bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm cả các bản kinh cầu nguyện bằng tiếng Do Thái (Selichah). Trong hang cũng chứa nhiều tượng Phật, các bức trướng lụa và các đồ dùng Phật giáo khác.
Do không đánh giá được tầm quan trọng, rất nhiều bản thảo tại Tàng Kinh Động đã bị bán rẻ cho các nhà thám hiểm phương Tây và Nhật Bản.
Ảnh đạo sĩ Vương Nguyên Lộc
Hình ảnh và mặt cắt của Hang 16; lối vào Hang 17 – Hang Thư viện
Hình ảnh bên trong Hang 16 với bản thảo chất đống bên cạnh lối vào Hang 17 – Hang Thư viện, ở bên phải; ảnh chụp năm 1907
Ảnh một nhà thám hiểm phương Tây đang xem bản thảo trong Tàng Kinh Động; ảnh chụp năm 1908.
Bản thảo Đôn Hoàng
Trong tất cả các chùa hang Mạc Cao có tới 50 ngàn văn bản được lưu giữ, được đánh giá là một trong những kho tàng tài liệu cổ đại lớn nhất được tìm thấy. Các văn bản này rất nổi tiếng và được mang tên Bản thảo Đôn Hoàng (Dunhuang Manuscripts).
Các bản thảo cung cấp một cái nhìn sâu sắc và duy nhất về sự phát triển của Phật giáo ở Trung Quốc; ghi lại đời sống chính trị và văn hóa của thời đại; cung cấp tài liệu liên quan đến những vấn đề thế tục hiếm hoi về cuộc sống của những người bình thường tại miền Bắc Trung Quốc, cũng như các vương quốc Trung Á khác từ thời kỳ Sơ Đường (năm 618-704) đến thời nhà Tống (năm 960-1035).
Ngoài hầu hết các tài liệu bằng tiếng Trung Quốc, một số tài liệu thể hiện các ngôn ngữ khác như tiếng Tây Tạng, tiếng Duy Ngô Nhĩ (Uigur), tiếng Phạn, Iran (Sogdian), Vu Điền (Khotanese), tiếng Do Thái (Selichah).
Ngoài kinh Phật, còn có các tài liệu liên quan đến Nho giáo (Khổng giáo), Đạo giáo, Kito giáo (Nestorian Christian), các văn bản hành chính, từ điển, thư pháp…
Tại đây còn có các bản thảo trước đây chưa được biết đến hoặc đã bị mất.
Trong Tàng Kinh Động đã tìm thấy các bản sách in sớm nhất, ví dụ như sách in bản dịch kinh Kim Cương (Diamond Sutra), từ tiếng Phạn sang tiếng Trung, có niên đại từ năm 868; các bản chép tay, từ kinh Kito giáo (Nestorian Jesus Sutras) đến dạy chơi cờ Vây (Dunhuang Go Manual), các bản nhạc cổ, cũng như hình ảnh thiên văn học Trung Quốc...
Nhiều bản thảo Đôn Hoàng sau khi bán cho các nhà thám hiểm đã bị phân tán khắp nơi trên thế giới. Hiện các bản thảo đang được tái tạo lại bằng kỹ thuật số.
Phần mở đầu của cẩm nang chơi cờ Vây tại Đôn Hoàng (Go Manual, là bản thảo sớm nhất dạy chơi cờ Vây, có niên đại từ thế kỷ thứ 6; hiện lưu tại Thư viện Anh (Or.8210 / S.5574)
Nghệ thuật Đôn Hoàng
Nghệ thuật của Đôn Hoàng bao gồm nhiều thể loại, như kiến trúc hang động, điêu khắc, tranh tường, tranh trên lụa và giấy, tranh và văn bản in, đồ dệt may, văn học, âm nhạc, múa, giải trí.
Kiến trúc hang động
Hang động Mạc Cao, Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc là ví dụ về kiến trúc tạc vào đá (Rock-cut architecture), là các cấu trúc, tòa nhà và các tác phẩm tạc vào đá rắn, hoàn toàn mang tính nhân tạo.
Do đá núi tại đây khá mềm, nên Hang động Mạc Cao không phù hợp với các tác phẩm điêu khắc hoặc chi tiết kiến trúc phức tạp.
Vào thời nhà Đường đã có hơn một ngàn hang động, là nơi thờ cúng, cư trú, phòng thiền và các khu chôn cất của các nhà sư, hiện cón tồn tại khoảng 492 hang động. (Đây là con số hang động được sử dụng phổ biến, bắt nguồn từ nghiên cứu của Học viện Đôn Hoàng, là số hang động nằm tập trung. Tuy nhiên, nếu tính cả các hang nằm rải rác, số hang có thể lên đến 735 hang.)
Các hang động (Caves) Đôn Hoàng tạc vào một vách đá kéo dài gần 1,6km, quay mặt về hướng Đông. Các hang chính tập hợp lại với nhau theo các triều đại, gồm:
- Thời 16 vương quốc (năm 366-439): 7 hang động, lâu đời nhất có từ thời Bắc Lương. - Thời kỳ Bắc Ngụy (năm 439-534) và Tây Ngụy (năm 535-556): 10 hang động mỗi thời kỳ.
- Thời nhà Bắc Chu (năm 557-580): 15 hang động.
- Thời nhà Tùy (năm 581-618): 70 hang động.
- Thời kỳ Sơ Đường (năm 618-704): 44 hang động.
- Thời kỳ Thịnh Đường (năm 705-780): 80 hang động.
- Thời kỳ Trung Đường (năm 781-847): 44 hang động (Thời đại này ở Đôn Hoàng còn được gọi là thời kỳ Tây Tạng).
- Thời kỳ Hậu Đường (năm 848-906): 60 hang động.
- Thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (năm 907-960): 32 hang động.
- Thời nhà Tống (năm 960-1035): 43 hang động.
- Thời nhà Tây Hạ (năm 1036–1226): 82 hang động.
- Thời nhà Nguyên (năm 1227–1368): 10 hang động.
Cấu trúc của các hang động quy mô lớn thường được phân biệt theo cách bố cục về:
- Kích thước không gian phòng chính (Main Chamber), được tạo bởi các bức tường bao các phía; Bề mặt tường phẳng hay có các hốc tường.
- Có trụ cột (Central Pillar) tại giữa hang hay không, là dạng trung tâm của hang có một khối trụ, bốn phía trang trí thành hốc thờ. Tín đồ có thể đi vòng xung quanh.
- Trần hang (Flat Ceiling), dạng hình chóp cụt (có hình dạng như một cái lều) hay phẳng.
- Chân của trần hang (Gabled Ceiling) chuyển tiếp đến tường hang, có thể có dạng dốc hoặc không có.
- Hệ thống hành lang vào hang (Corridor).- Nhiều hang động bên ngoài có mái hiên bằng gỗ.
Tại Mạc Cao có nhiều hang động nhỏ, được tạo ra chủ yếu để thiền, có kích thước chỉ đủ lớn cho một người ngồi trong.
Phối cảnh mặt trước Hang 96, tại Mạc Cao, Đôn Hoàng.
Hang 96 (Mogao Grottoes Cave 96) là một trong những hang nổi bật nhất với kiến trúc gỗ bên ngoài, được xây dựng vào thời Đường, ban đầu cao 4 tầng; 1 tầng được thêm vào năm 874- 885, 2 tầng tiếp theo được thêm vào trong quá trình khôi phục vào năm 1898. 2 tầng cuối cùng thêm vào thế kỷ 20, tạo thành tòa nhà 9 tầng.
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt; Nội thất Hang 254, tại Mạc Cao, Đôn Hoàng.
Hang 254, thời Bắc Ngụy (năm 439-534), có quy mô lớn và xây dựng sớm nhất tại Mạc Cao. Hang có khối trụ tại trung tâm với hốc đặt tượng cả bốn bên. Trần hang dốc tại phía trước và phẳng tại phía sau. Đỡ trần là hệ thống dầm gỗ. Giữa các dầm trần là các bức tranh trang trí trẻ em và hoa sen. Các bức tường 4 phía của hang đều đặt các tượng Phật, Bồ Tát. Hang có đến 1235 tượng Phật lớn nhỏ.
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt; Nội thất Hang 285, tại Mạc Cao, Đôn Hoàng.
Hang 285, thời Tây Ngụy (năm 535-556), có mặt bằng hình vuông, 3 phía tường là các hôc thờ. Hang không có trụ cột. Trần hang dạng hình chóp cụt, được trang trí bằng các bức vẽ vị thần truyền thống Trung Quốc, thần Phật giáo và cảnh tượng sinh hoạt thời bấy giờ.
Tác phẩm điêu khắc
Có khoảng 2.400 tác phẩm điêu khắc (Sculptures) bằng đất sét còn tồn tại ở Hang Mạc Cao. Các điêu khắc được hình thành từ một khung gỗ, bên trong bằng sậy, bên ngoài đắp bằng vữa đất sét, sau đó sơn màu. Các bức tượng khổng lồ thường có lõi bằng đá. Trong bố cục, tượng Đức Phật thường đặt tại trung tâm, xung quanh là các vị bồ tát (Boddhisattvas), 4 vị thiên vương (Four Heavenly Kings), Chư thiên (Deva - Buddhism), Tiên nữ (Apsaras), Quỹ dạ xoa (Yaksas) và các sinh vật thần tiên khác.
Vào thời Bắc Chu, số lượng tượng tạo thành nhóm 5 người. Vào thời nhà Tùy và Đường, các nhóm tượng có thể tới 7, 9 người. Tại một số cảnh liên quan đến giải thoát (Parinirvana) có quy mô lớn với các nhóm người làm tang lễ.
Các tác phẩm điêu khắc đầu tiên được dựa trên nguyên mẫu Ấn Độ và Trung Á với một số phong cách của Vương quốc Ấn Độ-Hy Lạp (Indo-Greek Kingdom, tồn tại trong giai đoạn năm 180 trước CN đến năm 10 sau Công nguyên, gồm phần đất của Afghanistan và khu vực phía Tây Bắc của tiểu lục địa Ấn Độ). Theo thời gian, các tác phẩm điêu khắc đã xuất hiện thêm nhiều yếu tố Trung Quốc và dần dần được Hán hóa (Sinicized).
Tại đây có 3 bức tượng Phật khổng lồ.
Bức tượng Phật lớn (Gigant Budtha) trong Hang ký hiệu 96, cao 35,5m, được dựng vào thời Hoàng hậu Võ Tắc Thiên (thời kỳ Sơ Đường,năm 618-704), người tổ chức xây dựng chùa vào năm 689 và xây dựng tượng vào năm 694. Tượng bị hư hại trong một trận động đất và được phục hồi lại nhiều lần, chỉ còn giữ lại hình dáng ban đầu.
Bức tượng Phật Di Lặc trong Hang 275, được dựng vào thời Bắc Lương (397-439), một trong những hang động đầu tiên. Tượng ngồi chân bắt chéo với một vương miện hình 3 chiếc đĩa cho thấy ảnh hưởng từ nghệ thuật Kushan (Vương quốc Kushan, năm 30 – 375 sau CN, tiếp theo Vương quốc Ấn Độ-Hy Lạp).
Bức tượng Phật nằm (Sleeping Buddha) đặt trong Hang 148, dài 15,6m, được dựng vào thời Tây Tạng hay Trung Đường (năm 781-847). Tượng bao trùm toàn bộ chiều dọc hành lang. Phía sau tượng là các bức tranh tường miêu tả các nghi lễ nhà Phật.
Tranh tường
Những bức tranh tường (Murals) tại Hang động Mạc Cao, Đôn Hoàng có tuổi đến 1000 năm, từ thế kỷ 5 đến thế kỷ 14. Nhiều bức tranh được sơn lại trong những năm sau này.
Các bức tranh tường tại đây có diện tích tổng cộng lên đến 45000 m2. Tranh được vẽ trên tường và trần nhà.
Nội dung chính của hầu hết các tranh tường mô tả những câu chuyện về cuộc đời Đức Phật hay những lời răn dạy về giáo lý nhà Phật.
Phật giáo có 3 nhánh chính: Phật giáo Phát triển (Đại Thừa, Bắc Tông, Đại chúng/ Mahayana); Phật giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa, Nam Tông, Thượng Tọa/ Sravakayana, Theravada); Kim Cương Thừa (Mật Thừa/Tantric Buddhism, một trường phái xuất hiện vào thế kỷ 5,6 tại Bắc Ấn Độ, bắt nguồn từ Đại Thừa, truyển qua Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản, Mông Cổ…).
Hình tượng Bồ Tát trên các bức tranh tường xuất hiện vào thời Bắc Chu (năm 557-580) với Quan Thế Âm (Avalokitesvara), là một trong những vị Bồ Tát được thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật giáo Đại Thừa.
Vào thời nhà Tùy (năm 581-618), các tranh tường thể hiện các hình vẽ liên quan đến cả hai chi nhánh chính của Phật giáo là Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tiểu Thừa.
Vào thời Đường, các bức tranh về Phật giáo Đại Thừa ngày càng phổ biến.
Các bức tranh Phật giáo Kim Cương Thừa hay Mật Thừa với mười một vị Bồ Tát bắt đầu xuất hiện vào thời kỳ nhà Đường, qua thời kỳ Tây Tạng (Trung Đường, năm 781-847) cho đến thời nhà Nguyên (năm 1227–1368).
Nghệ thuật Phật giáo có phong cách khác biệt với nghệ thuật thế tục, song tại Hang Mạc Cao, các bức tranh trong hang động thường phản ánh thế tục, ví dụ như các bức tranh miêu tả một vị tướng, người cai trị Đôn Hoàng trong thời kỳ nhà Đường.
Các bức tranh không chỉ miêu tả các đối tượng Phật giáo mà còn miêu tả các đối tượng Thần giáo và cả chân dung các nhà tài trợ.
Về kỹ thuật vẽ tranh, các tranh đời đầu tại Đôn Hoàng sử dụng các kỹ thuật có nguồn gốc Ấn Độ, trong việc sử dụng bóng đổ để tạo hiệu ứng 3 chiếu hoặc tương phản sáng tối (Chiaroscuro), cũng như cách vẽ người khỏa thân, bán khỏa thân. Các tranh theo phong cách Trung Quốc, nhân vật thường hoàn toàn mặc quần áo.
Một hình thức vẽ phổ biến trong nhiều hang động là các hàng Phật ngồi, nhỏ, được can lại trên giấy nến để nhân rộng.
Theo thời gian, nhiều bức tranh tường đã bị phai nhạt màu sơn, được sửa chữa, trát vữa, sơn lại trong nhiều thế kỷ.
Những bức tranh tường (Murals) tại Hang động Mạc Cao ghi lại phong cách thay đổi của nghệ thuật Phật giáo ở Trung Quốc trong gần một nghìn năm.
Những bức tranh đầu tiên cho thấy ảnh hưởng mạnh mẽ từ Ấn Độ và Trung Á, về kỹ thuật vẽ, thành phần cũng như trang phục của các nhân vật trong tranh. Phong cách riêng biệt của tranh tường Đôn Hoàng bắt đầu vào thời kỳ Bắc Triều (năm 420–589) và định hình dần vào thời kỳ tiếp sau.
Nghệ thuật của các bức tranh tường đạt đến đỉnh điểm trong thời kỳ nhà Đường, và giảm dần sau thế kỷ thứ 10.
Bức tranh tôn thờ Bồ Tát, tại Hang 285, thời kỳ Tây Ngụy (năm 535-556).
Một mô tả về truyền thuyết (Avadana) về 500 tên cướp, cho thấy những người lính mặc áo giáp Trung Hoa thời Trung cổ, tại hang 285, thời kỳ Tây Ngụy (năm 535-556).
Tranh miêu tả một dàn nhạc, tại Hang 112, thời kỳ Trung Đường hay Tây Tạng (năm 781-847; là kết quả của giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và các vùng phía Tây.
Bức tranh tường kỷ niệm chiến thắng của Tướng Trương Nghị Triều trước đế quốc Tây Tạng, tại Hang 156 (Cave 156), thời kỳ Hậu Đường (năm 848-906).
Bức tranh tường mô tả khu vực Ngũ Đài Sơn thiêng liêng ở tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, bao gồm các tu viện Phật giáo, bảo tháp và đền thờ; Đây là một phần của bức tranh bích họa tại Hang 61, thế kỷ thứ 10.
Tranh miêu tả các nhà tài trợ Phật giáo, tại Hang 98, thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc (năm 907-960)
Tranh trên lụa và giấy
Trước khi tìm ra Tàng Kinh Động, những bức tranh lụa và giấy (Paintings on silk and paper) có niên đại thời nhà Đường là rất hiếm. Tại Tàng Kinh Động, đã tìm thấy nhiều bức trướng vẽ và thêu trên lụa, được thực hiện vào cuối thế kỷ thứ 7. Có những bức tranh đơn sắc, hai màu sắc, song cũng có các bức tranh màu sắc đa dạng.
Phần lớn các bức tranh là vô danh, song nhiều bức có chất lượng cao, đặc biệt là từ thời nhà Đường.
Bồ Tát gặp một nhà nhà tài trợ phụ nữ, tranh trên lụa tại Tàng Kinh Động, thời Hậu Đường (năm 848-906)
Chi tiết tranh thêu trong hang Thư viện (Library Cave), có một con vịt nhỏ với những bông hoa, thời nhà Đường.
Hình ảnh in
Hình ảnh in (Printed images) gồm hình tranh và văn bản được in khắc gỗ tìm thấy trong Hang Thư viện là rất hiếm. Tại đây còn lưu giữ cả bản kinh Kim Cương (Diamond Sūtra, là một trong những kinh điển Phật giáo có uy tín nhất ở Đông Á). Đây được coi là một trong những cuốn sách in đầu tiên trên thế giới, vào năm 974.
Nhiều tranh in được tô thêm màu bằng tay.
Môt trang của Kinh Kim Cương, Đôn Hoàng, Trung Quốc, cuốn sách in được biết đến lâu đời nhất trên thế giới (lưu giữ tại Thư viện Anh Or.8210 / P.2)
Dệt may
Các hàng dệt (Textiles) được tìm thấy trong Hang Thư viện bao gồm các bức trướng lụa, rèm treo bàn thờ, vỏ bọc các bản thảo giấy, trang phục của các nhà sư…
Áo cà sa của các nhà sư được chắp từ các mẩu vải khác nhau, tượng trưng cho sự khiêm nhường.
Các bức trướng lụa được sử dụng để tô điểm cho các hang động trong các ngày lễ hội, được nhuộm màu và thêu hình. Các loài rèm được sử dụng để trang trí bàn thở, rèm che cửa sổ, dải phướn cờ…
Để bảo vệ Di sản trước số lượng quá đông khách thăm quan (25 ngàn người mỗi ngày), chính phủ Trung Quốc đã xây dựng một Trung tâm trưng bày Nghệ thuật Đôn Hoàng, dưới chân núi Tam Nguy đối diện với Khu vực Di sản để dành cho du khách. Thời gian gần đây, lại tiếp tục đầu tư xây dựng “Hang Mạc Cao số”, giúp khán giả có thể tiếp cận kiểu thực tại ảo bên trong các hang Mạc Cao.
Di sản Hang ngàn Phật Mạc Cao, Đôn Hoàng, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc là đại diện cho một thành tựu nghệ thuật độc đáo và kiệt tác của nghệ thuật Trung Quốc; trung tâm của sự tương tác tôn giáo, triết lý, khoa học, công nghệ và văn hóa giữa Trung Quốc, miền Trung Châu Á và Ấn Độ; là minh chứng đặc biệt cho nền văn minh của Trung Quốc vào thời triều đại Tùy, Đường và Tống.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/440
https://vi.wikipedia.org/wiki/Cam_T%C3%BAc
https://en.wikipedia.org/wiki/Silk_Road
https://en.wikipedia.org/wiki/Mogao_Caves
https://en.wikipedia.org/wiki/Diamond_Sutra
https://en.wikipedia.org/wiki/Dunhuang_Go_Manual
https://medium.com/@pauldavidkahn/rethinking-ancient-buddhist-art-as-information-design-9795cc2139af
https://www.khanacademy.org/humanities/art-asia/imperial-china/tang-dynasty/a/mogao-caves-at-dunhuang
https://www.e-dunhuang.com/index.htm
http://www.getty.edu/conservation/our_projects/field_projects/mogao/
http://www2.oberlin.edu/images/Art251/eas143a.html
https://www.e-dunhuang.com/cave/10.0001/0001.0001.0254
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|