Thông tin chung:
Công tình: Quần thể kiến trúc Phật giáo khu vực chùa Horyu-ji (Buddhist Monuments in the Horyu-ji Area)
Địa điểm: tỉnh Nara, Nhật Bản (N34 37 0 E135 43 60)
Tư vấn thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Khu vực Di sản 15,3ha, Khu vực bảo vệ 571ha
Năm hình thành: 607
Giá trị : Di sản thế giới (1993; hạng mục i, ii, iv, vi)
Nhật Bản là một đảo quốc tại Đông Á, Thái Bình Dương, được gọi là "Đất nước Mặt Trời mọc".
Quốc gia này nằm bên rìa phía Đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.
Nhật Bản có diện tích 377.972,75 km2, là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, phần lớn diện tích là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế.
Bốn hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền.
Nhật Bản có số dân khoảng 126,7 triệu người (năm 2017), thủ đô là thành phố Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Ngày lập nước là ngày 11/2/660 trước Công nguyên (TCN).
Các nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng con người định cư tại Nhật Bản từ 15.000 năm TCN. Các tư liệu lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã có ghi chép đầu tiên về quốc gia này. Ban đầu Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tiếp sau là giai đoạn tự cách ly và thoát khỏi sự chi phối của thế giới phương Tây. Từ đây đã hình thành được những nét đặc trưng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Từ thế kỷ 12 đến năm 1868, Nhật Bản liên tục thuộc quyền cai trị của các võ tướng (Shōgun) với quyền lực rất lớn nhân danh Thiên hoàng. Các dòng họ tướng quân này làm việc trong các dinh thự gọi là Mạc Phủ. Thời kỳ Mạc phủ bắt đầu từ Mạc phủ gia tộc Kamakura (năm 1192–1333); tiếp đó là Mạc phủ Muromachi/ Ashikaga (năm 1336- 1573) và cuối cùng là Mạc phủ Tokugawa (năm 1603 - 1868).
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, xen kẽ giữa các dòng họ Mạc phủ, nước Nhật trong tình trạng mất ổn định do ngoại xâm, nội chiến và chia rẽ, như Thời kỳ Tân chính Kemmu (năm 1333 - 1336); Thời kỳ Nam – Bắc triều (từ năm 1336 – 1392); Thời kỳ Chiến quốc (từ giữa thế kỷ 15 – giữa thế kỷ 16).
Dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, quốc gia này bước vào giai đoạn cô lập kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ 17 (năm 1633) và chỉ kết thúc vào năm 1853 khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.
Vào năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị loại bỏ chế độ Mạc Phủ, thiết lập lại trật tự mới, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, khai sinh Đế quốc Nhật Bản và tái thiết lại đất nước. Nước Nhật bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Chỉ tới đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Thiên Hoàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật Bản.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thắng lợi trong các cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Nga – Nhật và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã cho phép Nhật Bản mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực theo Chủ nghĩa quân phiệt. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu vào năm 1941. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1947, Nhật Bản có bản Hiến pháp mới với một chính thể mới, duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp dân cử là Quốc hội Nhật Bản.
Về hành chính, Nhật Bản được chia thành 8 vùng với 47 tỉnh.
Tại Nhật Bản, tín ngưỡng và tôn giáo quan trọng là Thần đạo (Shintō). Tư tưởng của Thần đạo khác với những tôn giáo khác ở chỗ không cấm hay buộc con người làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.
Thần đạo có rất nhiều thần thánh. Một số các vị thần được nhân cách hóa. Đa phần liên quan đến thiên nhiên như là thần đất, trời, mặt trăng, cây cỏ, hoa lá. Ngay cả đá, núi, hay động vật và người quá cố cũng được xem là thần. Những vị thần trú ngụ trên thiên đàng và chỉ rời khỏi đó khi được mời xuống đền thờ trong các nghi lễ.
Nghi lễ cầu nguyện hay cảm tạ các thần thường được tổ chức tại đền Thần đạo còn gọi là Thần xã. Ngày nay, nghi lễ Thần đạo thường gắn với lễ hội truyền thống hay năm mới.
Trong Thần xã, vật linh thiêng làm đối tượng thờ cúng gọi là Thần thể (Shintai), hay Ngự thần thể (Goshintai).
Thần thể là một vật vô tri nhân tạo như gương, kiếm, đồ trang sức hay một vật ngoài tự nhiên như tảng đá, cây cối hoặc thác nước... là thứ mà thần linh có thể nhập vào để hưởng lễ vật được dâng lên trong các nghi lễ cúng tế. Thần thể là một bức tượng tạc thần linh được gọi là Thần tượng (Shinzō). Thần thể lớn nhất và nổi tiếng nhất là ngọn núi Phú Sĩ, gọi là Phú Sĩ Thần thể sơn (Fuji shintaizan), là Thần thể của Đền Yama, tỉnh Shizuoka, Nhật Bản.
Đền Thần đạo thường được xây trên đồi, núi; Có những đền nằm trên mặt nước.
Phía ngoài đền có cổng (Torii) với hình dạng là hai trụ cột, một hay hai dầm ngang, thường bằng gỗ và sơn màu đỏ. Có những đền có đến hàng ngàn cổng nối tiếp dẫn từ bên ngoài vào đền. Ở các cổng đền thường treo những dây thừng làm bằng rơm, quấn thêm giấy hay vải trắng…Phía trước đền treo các thẻ gỗ (Ema), dùng để viết điều ước của người vào đền.
Khu vực linh thiêng nhất là sảnh điện bên trong bản điện (Honden), chỉ có các Thần chủ (Kannushi) mới được phép vào làm lễ. Chăm sóc ngôi đền là các Vu nữ (Miko) với trang phục kimono trắng, quần hakama đỏ.
Thần đạo xuất hiện từ trước Công nguyên. Các vị vua chúa đều cho rằng mình là con cháu của các vị thần, trong đó có nữ thần Mặt Trời Amaterasu. Vào thế kỷ thứ 6, Phật giáo và Nho giáo xâm nhập vào Nhật Bản, tên gọi Thần đạo được đặt ra để phân biệt với hai tôn giáo này.
Trong Thời kỳ Asuka (năm 538 - 710), những Thần xã đầu tiên được xây dựng, nhưng Thần đạo nhanh chóng bị áp đảo bởi Phật giáo. Đầu thế kỷ thứ 9, tuy cùng tồn tại với Phật giáo, song Thần đạo gần như bị loại bỏ.
Dưới thời Minh Trị Thiên hoàng, năm 1868, chính phủ Nhật Bản công bố "Thần Phật phân ly lệnh", tách Thần đạo ra khỏi Phật giáo, đồng thời khôi phục lại Thần kỳ quan (Jingi-kan), một cơ quan lo việc tôn giáo, khuyến khích Thần đạo phát triển. Năm 1870, công bố chiếu Đại giáo, thực thi chính sách coi Thần đạo là quốc giáo, buộc Đài Loan và Triều Tiên là các thuộc địa phải theo Thần đạo.
Đền Thần đạo đa phần được nhà nước thiết lập. Sau Chiến tranh thế giới 2, Thần đạo tách ra khỏi nhà nước để trở lại là một tôn giáo bình thường. Ngày nay, tại Nhật Bản có hơn 80 ngàn đền thờ và khoảng 100 triệu người theo các tín ngưỡng hay phong tục Thần đạo. Tuy nhiên, số người thật sự coi Thần đạo là tôn giáo chính và sống vì Thần đạo (như các Vu nữ) thì chỉ có khoảng hơn 4 triệu.
Nara là một tỉnh thuộc vùng Kinki (Kansai), trên đảo Honshu, nằm tại phía Nam của Cố đô Kyōto. Trung tâm của tỉnh là thành phố Nara. Ikaruga là một thị trấn ở quận Ikoma, thuộc tỉnh Nara, có dân số khoảng 2,7 vạn người, diện tích khoảng 1427ha. Tại đây có hai ngôi chùa Phật giáo cổ nổi tiếng là Chùa Hōryū-ji và Chùa Hokki-ji, được gọi chung là Khu vực chùa Horyu-ji.
Sơ đồ vị trí tỉnh Nara (số 29) tại Nhật Bản, phía Nam của Cố đô Kyōto (26)
Khu vực chùa Horyu-ji gắn liền với sự nghiệp của Thái tử Shotoku (năm 574-622), giai đoạn Phật giáo và Tam giáo hưng thịnh tại Nhật Bản.
Ông cai trị Nhật Bản như một nhiếp chính, từ năm 594 đến 622 và là một trong những nhà chính trị, nhà cải cách nổi tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Nhiếp chính Shotoku được cho là người hợp nhất được tam giáo Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo (Thần đạo -Shintō) tại Nhật Bản; là một người truyền bá văn hóa Trung Hoa và Phật giáo; xây dựng mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc và học tập các nguyên tắc cai trị của chính thể Trung Quốc với 12 bậc quan lại; tạo ra một hiến pháp mới (Hiến pháp 17 điều, một bộ luật về đạo đức), là sự kết hợp hài hòa với Phật giáo và Nho giáo (Khổng giáo). Ông là một trong những người đóng góp to lớn trong việc tạo ra nền văn hóa hài hòa Nhật Bản, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho dân tộc Nhật thời bấy giờ, được dân tôn là Thánh đức Thái tử.
Thánh đức thái tử - Nhiếp chính Shotoku (574-622) cùng em trai (trái) và con trai trưởng (phải)
Trong triều đại của Shotoku, thời đại của Tam giáo, có 46 tu viện Phật giáo và đền thờ được xây dựng, quan trọng nhất trong số đó là Chùa Shitennoji (xây dựng năm 593) và Khu vực chùa Hokoji (xây dựng năm 596, cũng là dành để thờ Shotoku).
Thời đó với Nhật Bản, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là một thứ văn hóa mới mẻ và có nhiều điểm tiến bộ. Các kỹ thuật về nông nghiệp, kiến trúc, chữa bệnh… đã theo Phật giáo (từ Trung Hoa qua Triều Tiên) vào Nhật Bản và được dân chúng đón nhận.
Các di tích Phật giáo ở Khu vực chùa Horyu-ji là những di tích Phật giáo đầu tiên ở Nhật Bản, có niên đại từ ngay sau khi Phật giáo được đưa vào Nhật Bản và có ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng công trình kiến trúc tôn giáo tiếp theo.
Khu vực chùa Horyu-ji có 48 di tích Phật giáo, được coi là Bảo vật quốc gia của Nhật Bản, bao gồm 2 chùa : Chùa Horyu-ji có diện tích 14,6 ha và Chùa Hokki-ji có diện tích 0,7 ha.
Mặc dù hỏa hoạn đã phá hủy các tòa nhà tại Chùa Horyu-ji vào năm 670, nhưng việc xây dựng lại bắt đầu gần như ngay lập tức và tiếp tục vào những năm đầu của thế kỷ thứ 8.
Tổ hợp chùa thường được quy hoạch theo mô hình sân trong kiểu Trung Quốc. Kết cấu của công trình thường bằng gỗ, là một hệ thống cột, dầm với kết cấu mái nhiều tầng phức tạp chồng lên trên. Song công trình có quy mô không lớn, phù hợp với điều kiện tự nhiên của Nhật Bản là quần đảo núi lửa, với các công trình chủ đạo dạng tháp (chùa tháp). Các tháp cao tầng còn có thêm cột chính giữa công trình, là một kết cấu có vai trò làm giảm rung lắc khi xảy ra động đất…
Việc kết hợp kiến trúc xây dựng, kiến trúc cảnh quan Phật giáo kiểu Trung Hoa với môi trường tự nhiên và văn hóa Nhật Bản đã góp phần hình thành một phong cách kiến trúc bản địa riêng biệt.
Tại Khu vực chùa Horyu-ji còn lưu giữ nhiều trang trí điêu khắc, tượng, tranh sơn mài về lịch sử Phật giáo theo phong cách văn hóa Nhật Bản…
Khu vực chùa Horyu-ji luôn được sự bảo vệ của gia đình hoàng gia. Ngoài ra, sự thờ cúng Thánh đức Thái tử Shotoku tại đây đã thu hút ngày càng nhiều khách hành hương.
Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát (Avalokiteśvara/ Kannon) còn gọi là Kudara Kannon, được làm từ thế kỷ thứ 7 tại Chùa Hōryji. Đây là một trong những tác phẩm điêu khắc Phật giáo đại diện tiêu biểu trong Thời kỳ Asuka. Tượng cao 209cm, làm bằng đồng và gỗ long não (Cinnamomum camphora), bên ngoài phủ sơn mài.
Đền Tamamushi (Shrine Tamamushi) tại Chùa Hōryji. Công trình có chiều cao 233cm, được thực hiện vào thế kỷ thứ 7. Bề mặt đền được trang trí các bức tranh bằng sơn mài về lịch sử Phật giáo, là ví dụ hiếm hoi về các bức tranh và phong cách kiến trúc (đặc biệt là khung nhà và phần kết cấu mái) trong Thời kỳ Asuka.
Một trong những bức tranh vẽ trong Đền Tamamushi: Vị Bồ tát treo áo trên cây và nhảy xuống dưới hiến mạng sống để nuôi một đàn mẹ con hổ; Tranh cao 65cm, rộng 35,5cm.
Quần thể kiến trúc Phật giáo Khu vực chùa Horyu-ji tỉnh Nara, Nhật Bản được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1993) với tiêu chí :
Tiêu chí (i): Di tích Phật giáo ở Khu vực chùa Horyu-ji là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong kiến trúc gỗ, cả về thiết kế và trang trí tổng thể.
Tiêu chí (ii): Đây là những di tích Phật giáo đầu tiên ở Nhật Bản, có niên đại ngay sau khi Phật giáo được du nhập vào Nhật Bản và ảnh hưởng sâu sắc đến kiến trúc tôn giáo giai đoạn tiếp theo.
Tiêu chí (iv): Các di tích Horyu-ji là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng và một quần thể kiến trúc cảnh quan tượng trưng cho sự kết hợp giữa kiến trúc Phật giáo kiểu Trung Hoa với văn hóa Nhật Bản và sự phát triển tiếp theo của một phong cách bản địa riêng biệt.
Tiêu chí (vi): Việc truyền bá Phật giáo vào Nhật Bản và sự nổi tiếng của Nhiếp chính Shotokumarks là một thời kỳ quan trọng trong lịch sử văn hóa, tôn giáo Nhật Bản.
Sơ đồ vị trí và ranh giới Di sản Quần thể kiến trúc Phật giáo Khu vực chùa Horyu-ji tỉnh Nara, Nhật Bản
Quần thể kiến trúc Phật giáo Khu vực chùa Horyu-ji tỉnh Nara, Nhật Bản bao gồm 2 chùa: Chùa Horyu-ji và Chùa Hokki-ji:
Chùa Horyu-ji
Hōryū-ji (tên đầy đủ Hōryū Gakumonji, Pháp Long Tự/ Temple of the Flourishing Law) là một ngôi chùa Phật giáo tại thị trấn Ikaruga, quận Ikoma, thuộc tỉnh Nara, Nhật Bản.
Đây là một khu phức hợp rộng lớn có diện tích khoảng 14,6 ha, gồm chùa và tu viện, được coi là Quốc bảo của Nhật Bản.
Chùa được hoàn thành vào năm 607, là nơi thờ Phật và tôn vinh cha của Nhiếp chính Shotoku.
Phức hợp chùa gồm 2 khu: Sai-in (Tây Viện) và Tō-in (Đông Viện).
Sơ đồ tổng mặt bằng Chùa Hōryū-ji, gồm 2 khu: Sai-in (Tây Viện) và Tō-in (Đông Viện).
Khu Sai-in (Tây Viện)
Khu Sai-in (Tây Viện) bị hỏa hoạn do sét đánh vào năm 670, được tái thiết lại vào năm 711, được xây dựng bổ sung tiếp đến thế kỷ 13, được sửa chữa vào năm 1374 và 1603.
Tây Viện là một quần thể gồm nhiều hạng mục công trình.
Phối cảnh tổng thể và sơ đồ mặt bằng không gian trung tâm, giới hạn bởi hành lang 4 phía, Khu Sai-in (Tây Viện) tại Chùa Hōryū-ji
Một số hạng mục công trình quan trọng hay Bảo vật quốc gia (National Treasure) tại Khu Sai-in (từ cổng chính vào) gồm:
- Cổng Nandaimon (Đại Nam môn/South Main Gate – ký hiệu 1 trên sơ đồ): là cổng dẫn tới một không gian hành lang vào khu vực chùa. Cổng được xây dựng vào năm 1439. Sân chùa có hai hồ nước cảnh ở hai bên.
Cổng Nandaimon (Đại Nam môn) Khu Sai-in (Tây Viện), Chùa Hōryū-ji
Không gian từ cổng Nandaimon dẫn tới không gian trung tâm của Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Cổng Chumon (Trung Môn/ Entral Gate – ký hiệu 2): là giới hạn không gian chính của chùa, gắn với hành lang bao quanh, gọi là Kairo (Cloister Gallery). Cổng là một tòa nhà có 4 gian, 2 gian ngoài cùng đặt tượng hai ông hộ pháp.
Cổng Chumon (Trung Môn) dẫn vào không gian trung tâm của Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Hành lang Kairo (Cloister Gallery) bao quanh không gian trung tâm của Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Tòa Kondo (Kim đường/ Main Hall – ký hiệu 3): là một tòa tháp nằm tại phía Đông bên trong sân chùa. Đây là công trình thờ phượng chính trong chùa.
Kondo là một tòa nhà bằng gỗ, mặt bằng có kích thước 18,5m x 15,2m, đặt trên một bệ đá 2 bậc.
Hệ thống khung với cột, dầm chính đỡ một hệ kết cấu 2 tầng mái rất phức tạp chồng lên trên. Bên ngoài mái có trang trí hình tượng rồng, là một vị thần liên quan đến nước được cho là để bảo vệ chống lại hỏa hoạn. Tại tầng mái có một lan can gỗ chạm khắc hình tương tự như chữ Vạn (Swastika) và hình chữ V ngược, là một trong trang trí kiến trúc tiêu biểu của Thời kỳ Asuka. Nền được làm bằng đất sét và trần nhà được trang trí hoa sen.
Nội thất được trang trí như một thiên đường Phật giáo với những bức tranh tường có màu sặc sỡ trên cả 4 bức tường. Có 12 bức tranh riêng biệt. Mỗi tấm có kích thước 3 x 2,66m, mô tả cảnh Đức Phật và các vị Bồ Tát. Phong cách vẽ được cho là tương tự như các bức vẽ trong hang động Ajanta, Ấn Độ (là một quần thể hang đá tại làng Ajintha, quận Aurangabad, bang Maharashtra với các di tích đại diện tiêu biểu cho thời kỳ hưng thịnh Phật giáo tại Ấn Độ) và tại các ngôi chùa tại vương quốc Phật giáo Khotan, Tân Cương, Trung Quốc (Vương quốc Vu Điền, thuộc Tây Vực, tồn tại trong giai đoạn năm 56- 1006).
Trong công trình có nhiều điêu khắc bằng đồng, gỗ thờ Phật. Trong đó có cụm tượng bằng đồng với Phật Thích Ca (Shaka Triad) ở trung tâm, Phật Dược Sư (Yakushi/Bhaisajyaguru) đứng bên phải và Phật A Di Đà (Amida/Amitābha) đứng bên trái Phật Thích Ca. Tượng được thực hiện vào năm 623.
Đây là một trong những ví dụ điển hình của tác phẩm điêu khắc Thời kỳ Asuka.
Phối cảnh tòa Kondo (Kim Đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Sơ đồ mặt cắt ngang tòa Kondo (Kim Đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji; Hệ khung cột - dầm cho không gian sử dụng chính và hệ kết cấu mái nhiều tầng chồng lên trên
Phần trên của bức tranh tường Amidhaba Paradise, rộng 266cm, thực hiện vào cuối thế kỷ thứ 7, tại tòa Kondo (Kim Đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Cụm tượng đồng Shaka Triad, thực hiện vào cuối thế kỷ thứ 7, đặt tại bàn thờ chính, tòa Kondo (Kim Đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Bức tượng gỗ Yakushi Nyora, cao 110,6cm, thực hiện vào cuối thế kỷ thứ 7, tại tòa Kondo (Kim Đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Tháp Goju no To (Ngũ Trùng Tháp/ Five – Story Pagode – ký hiệu 4): là một tòa tháp nằm tại phía Tây của sân chùa. Tháp cao 32,55m; mặt bằng tháp hình vuông rộng khoảng 20m x 20m và là một trong những tòa nhà bằng gỗ lâu đời nhất trên thế giới. Công trình được đặt trên bệ đá có 2 bậc.
Tháp cao 1 tầng nhưng có đến 5 tầng mái. Khung cột chịu lực chính chỉ cao hết tầng 1, chồng lên trên là hệ kết cấu mái với 5 tầng vươn ra xa, tạo cho công trình một hình thức trang nghiêm, ấn tượng. Độ vươn của mái nhỏ dần theo chiều cao với tỷ lệ từ dưới lên trên là 10: 9: 8: 7: 6.
Tháp có một cột gỗ chính giữa tháp, chôn sâu 3m, cao vượt mái, có vai trò giảm rung lắc khi xảy ra động đất…(tương tự như trong công trình Lâu đài Himeji, Hyōgo, Nhật Bản, với 2 cột).
Nền của tháp là nơi chôn cất xá lợi của Đức Phật. Bốn xung quanh tầng trệt tháp có các cụm điêu khắc bằng đất sét miêu tả cuộc đời của Đức Phật.
Tháp Goju no To, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt tháp Goju no To với một cột chính cao mái, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Đại giáo đường Daicodo (Great Lecture Hall- ký hiệu 5): là hạng mục công trình lớn của chùa, được xây dựng vào năm 925. Đây là nơi các tu sĩ thực hành các nghiên cứu Phật giáo và tổ chức các hoạt động nghi lễ. Công trình bị sét đánh và được phục dựng lại năm 990. Ban thờ có cụm tượng với bức tượng Phật Dược Sư (Yakushi Nyorai) ở trung tâm, hai bên là hai bức tượng Bồ Tát, Nikkō Bosatsu (Sūryaprabha) ở bên phải và Gakkō Bosatsu (Candraprabha) bên trái.
Các bức tượng có cùng thời kỳ với tòa nhà, là những ví dụ điển hình của tác phẩm điêu khắc Phật giáo Nhật Bản từ cuối Thời kỳ Nara và đầu Thời kỳ Heian (năm 794–1185).
Phối cảnh công trình Đại giáo đường Daicodo, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Cụm tượng Yakushi Triad trong Đại giáo đường Daicodo, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Công trình Kyozo (Sutra Repository- ký hiệu 6): nằm tại bên trái của sân chùa, được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, là nơi chứa các kinh, sách Phật giáo.
- Tháp chuông Shoro (Bell house – ký hiệu 7): nằm bên phải sân chùa, được xây dựng từ thế kỷ thứ 8, là một tháp chuông điển hình Thời kỳ Nara.
Phối cảnh Công trình Kyozo, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh Tháp chuông Shoro, Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
- Công trình Kami no Mido (Hậu cung/Inner Sanctuary – ký hiệu 8): nằm phía sau của phức hợp chùa.
- Công trình Saiendo (Tây Viên đường/West Round Hall – ký hiệu 9): tòa nhà có mặt bằng hình bát giác nằm tại phía Tây của chùa.
- Công trình Shoryoin (Thánh Linh viện/ all of Prince Shotocu’s Soul – ký hiệu 10); tòa nhà nằm dọc theo phía Đông của chùa. Đây là nhà ở dành cho tu sĩ và một không gian để thờ Nhiếp chính Shōtoku, gia quyến và các cộng sự. Tòa nhà nằm dọc phía Tây của chùa cũng là một tu viện Thời kỳ Heian.
- Công trình Daihozoin (Gallery of Temple Treasures- ký hiệu 11): tòa nhà nằm tại phía Đông của Shoryoin, là nơi lưu giữ các bảo vật nghệ thuật Phật giáo vào thế kỷ thứ 6 và 7. Công trình được xây dựng vào năm 1941.
- Công trình Kudara Kannondo (The Kudara Kannon Hall- ký hiệu 12): Khu nhà nằm phía sau công trình Daihozoin.
Phối cảnh Công trình Kami no Mido (Hậu Cung), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh công trình Saiendo (Tây Viên đường), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh công trình Shoryoin (Thánh Linh viện), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Công trình Daihozoin (Bảo tàng), Khu Sai-in, Chùa Hōryū-ji
Khu Tō-in (Đông Viện)
Khu Tō-in nằm cách Khu Sai-in (Tây viện) khoảng 1200m, trước đây từng là cung điện riêng của Nhiếp chính Shōtoku, được xây dựng vào năm 601.
Một số hạng mục công trình quan trọng tại Khu Tō-in (từ cổng chính vào) gồm:
- Cổng Todaimon (Cổng Đông/ East Main Gate – ký hiệu 13).
- Công trình Yumedono (Mộng Điện/ Hall of Visions/ Hall of Dreams – ký hiệu 14): là công trình chính trong Khu Tō-in, được xây dựng vào năm 739, để tưởng nhớ Nhiếp chính Shōtoku. Tòa nhà có mặt bằng hình bát giác, nằm trên một sân 2 tầng bệ lát đá. Chóp của mái trang trí một bông hoa sen, một chiếc bình, một viên ngọc và các nhánh cây. Trong đền chứa bức tượng Shōtoku bằng gỗ mạ vàng, cao 197cm, được phát hiện vào năm 1884. Trong nhiều thế kỷ, bức tượng được bảo vệ bằng cách quấn rất nhiều lớp vải bao quanh, được cho là giữ gìn sức mạnh thiêng liêng đặc biệt của tượng, gọi là ‘’Phật Ẩn’’ (Guze Kannon). Tại đây cũng có chân dung của Shotoku, chỉ hiển thị cho công chúng trong một tháng mỗi mùa Xuân và một tháng vào mùa Thu.
- Công trình Shaiden (Xá Lợi Điện/Reliquary Hall) và Eden (Hall of Paintings – ký hiệu 15): nơi chứa thánh tích, tranh tường, được xây dựng lại vào năm 1219. Tại đây lưu giữ các bức tranh vẽ năm 1069, mô tả các giai đoạn trong đời sống Nhiếp chính Shōtoku.
- Công trình Denpodo (Truyền Pháp Đường/Hall of Buddhist Teachings – ký hiệu 16): ban đầu công trình là cung điện của Hoàng gia sau này được chuyển thành không gian giảng dạy kinh Phật vào thế kỷ thứ 8 và còn nguyên vẹn đến ngày nay. Trong công trình có hai mươi bức tượng điêu khắc Phật giáo từ Thời kỳ Nara và Heian.
- Công trình Toin Shoro (Bell House of the Eastern Precinct – ký hiệu 17): là tháp chuông đứng độc lập, nằm tại phía Đông tổ hợp. Chuông có hình dáng như một hình thang rộng phía dưới, có niên đại vào Thời kỳ Nara.
Cổng Todaimon (Cổng Đông), Khu Tō-in (Đông Viện), Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh công trình Yumedono (Mộng Điện), Khu Tō-in, Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh công trình Shaiden (Xá Lợi Điện), Khu Tō-in, Chùa Hōryū-ji
Phối cảnh công trình Denpodo (Truyền Pháp Đường), Khu Tō-in, Chùa Hōryū-ji
Phố cảnh Tháp chuông oin Shoro, Khu Tō-in, Chùa Hōryū-ji
Chùa Hokki-ji
Chùa Hokki-ji nằm tại phía Đông Bắc của Chùa Hōryū-ji, là một trong số ít các chùa ở Nhật Bản còn giữ lại kiến trúc từ Thời kỳ Nara.Chùa được xây dựng để thờ Kanzeon hoặc Kannon (Quán Thế Âm/Padmapani / Avalokitesvara; hiện thân lòng từ bi của tất cả Chư Phật).
Hokki-ji thường được coi là một trong bảy ngôi chùa lớn được thành lập bởi Nhiếp chính Shōtoku, bắt đầu xây dựng từ năm 638, nhưng chỉ hoàn thành rất lâu sau khi ông qua đời.
Theo truyền thuyết, ngôi chùa nằm trong khu vực cung điện Okamoto no Miya, nơi Shōtoku đã giảng Liên Hoa Kinh vào năm 606 (Lotus Sutra, là một trong những bài giảng kinh Phật phổ biến nhất, có ảnh hướng to lớn đến văn hóa Đông Á trong hơn 1400 năm). Theo nguyện vọng của Thánh đức Thái tử Shōtoku, cung điện được chuyển đổi thành ngôi chùa Phật giáo.
Tòa nhà còn tồn tại duy nhất là một ngọn tháp 3 tầng (Tam Trùng Tháp/Three-storied pagoda) cao 24m. Đây là một trong ngôi tháp cổ nhất Nhật Bản, được xây dựng vào năm 708.
Năm 1678, chùa được khôi phục lại và xây dựng thêm công trình Giảng đường (Lecture Hall) vào 1694. Sau đó, Hội trường Shoten-do (Shotendo Hall) được xây dựng bổ sung tiếp vào năm 1863.
Trong chùa có tượng thờ Quán Thế Âm cao 11m, bằng gỗ, được xây dựng vào nửa cuối thế kỷ thứ 10.
Tổng mặt bằng Chùa Hokki-ji
Cổng chính vào Chùa Hokki-ji
Bên trong sân chùa với Tháp 3 tầng (Tam Trùng Tháp) và Hội trường (bên trái), Chùa Hokki-ji
Công trình Giảng đường (Truyền Pháp Đường), Chùa Hokki-ji
Di sản văn hóa Quần thể kiến trúc Phật giáo Khu vực chùa Horyu-ji tỉnh Nara, Nhật Bản với các bức bích họa, tượng, các tác phẩm nghệ thuật được lưu giữ tại đây cũng như các công trình kiến trúc, thể hiện sự giao hòa, kết nối văn hóa giữa Nhật Bản với các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ…trong khu vực Đông Á, trở thành hình mẫu cho các kiến trúc tôn giáo giai đoạn tiếp sau tại Nhật Bản.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/660
https://vi.wikipedia.org/wiki/Th%E1%BA%A7n_%C4%91%E1%BA%A1o
https://en.wikipedia.org/wiki/Lotus_Sutra
https://www.ancient.eu/Prince_Shotoku/
https://en.wikipedia.org/wiki/Glossary_of_Japanese_Buddhism
https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhist_Monuments_in_the_H%C5%8Dry%C5%AB-ji_Area
https://en.wikipedia.org/wiki/H%C5%8Dry%C5%AB-ji
https://en.wikipedia.org/wiki/Hokki-ji
https://en.wikipedia.org/wiki/H%C5%8Dry%C5%AB-ji
https://www.slideshare.net/theriftwidens/horyu-ji-temple
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|