Tuần 39 - Ngày 29/04/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Khu phố cổ của thành phố Marrakesh, Morocco |
15/06/2018 |
Thông tin chung:
Công trình: Khu phố cổ của thành phố Marrakesh (Medina of Marrakesh)
Địa điểm: Marrakesh, Morocco; N31 37 53.004 W7 59 12.012
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 1107 ha
Năm hình thành: 1070–1072
Giá trị: Di sản thế giới (1985; hạng mục i, ii, iv, v )
Morocco là một quốc gia nằm tại vùng Maghreb, phía Bắc châu Phi (bao gồm các quốc gia Algeria, Libya, Mauritania, Morocco và Tunisia). Đây là một trong cái nôi của người bản xứ Berber.
Về mặt địa lý, Morocco được đặc trưng bởi một khu vực miền núi gồ ghề, những vùng sa mạc lớn và bờ biển dài dọc theo Đại Tây Dương và Biển Địa Trung Hải.
Morocco có diện tích 446.550 km2, dân số khoảng 35,7 triệu người (năm 2017); thủ đô là Rabat.
Triều đại khởi đầu tại Morocco là Idrisid I, xuất hiện vào năm 788 (triều đại của vua Idris ibn Abdillah, trị vì từ năm 788 – 791, được coi là người sáng lập Morocco. Ông là cháu trai của nhà tiên tri Hồi giáo vĩ đại Muhammad). Các triều đại tiếp sau đã duy trì được độc lập, đạt đến đỉnh cao dưới triều đại Almoravid (giai đoạn năm 1040–1147) và triều đại Almohad (giai đoạn năm 1121–1269), cai trị trong khu vực gồm một phần bán đảo Iberia, châu Âu và vùng Tây Bắc Châu Phi.
Các triều đại Marinid (giai đoạn 1244–1465) và Saadi (giai đoạn 1509–1659) tiếp tục duy trì được nền độc lập, chống lại sự xâm lược từ bên ngoài. Trong giai đoạn này Morocco là quốc gia duy nhất ở Bắc Phi đã tránh được sự chiếm đóng của Đế quốc Ottoman (Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ).
Triều đại cầm quyền Morocco hiện nay bắt nguồn từ triều đại Alaouite, cai trị từ năm 1631.
Năm 1912, Morocco bị phân chia thành thuộc địa của Pháp và Tây Ban Nha, giành lại được độc lập vào năm 1956.
Tôn giáo chủ yếu của Morocco là Hồi giáo, ngôn ngữ chính là tiếng Ả Rập và Berber.
Ngày nay Morocco được chia thành 12 vùng, gồm 62 tỉnh.

Bản đồ Morocco và vị trí thành phố Marrakesh
Marrakesh là một trong những thành phố lớn của Morocco, là thủ phủ của vùng Marrakech-Safi, nằm tại phía Bắc chân núi Atlas phủ tuyết, cách 327km về phía Tây Nam thủ đô Rabat.
Thành phố được vua Almoravid thành lập vào năm 1070–1072, trở thành thủ đô của các vương triều Morocco cho đến năm 1269. Những năm sau đó, thủ đô vương quốc Morocco là thành phố Medina of Fez.
Thành phố có nhiều tòa nhà xây dựng bằng đá sa thạch đỏ nên còn có biệt danh là “Thành phố Đỏ “ hoặc “Thành phố Ochre" (thành phố có màu vàng nhạt đến màu đỏ).
Với 130.000 ha cây xanh và hơn 180.000 cây cọ (Palmeraie) Marrakesh là một ốc đảo của nhiều loại thực vật phong phú. Đây cũng là nơi có nhiều loại cây ăn quả, trong đó có nhiều loại thực vật bản địa.
Thành phố Marrakesh là một trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa trong một thời gian dài, có một ảnh hưởng to lớn trong thế giới Hồi giáo tại khu vực từ vùng Maghreb Bắc Phi (Maroc, Algérie, Tunisia và Libya) đến vùng đất Andalusia (miền Nam Tây Ban Nha, phía Nam bán đảo Iberia, châu Âu).
Tại đây có nhiều công trình kiến trúc ấn tượng, ví dụ như: Nhà thờ Hồi giáo Koutoubiya với ngọn tháp cao 77m; Thành Kasbah với cổng hoành tráng và vườn; Cung điện Bandiâ, Ben Youssef Madrasa; Lăng mộ Saadian; Dinh thự và Quảng trường Jamaâ El Fna…
Các công trình được xây dựng từ bên ngoài đến nội thất gắn liền với sự phát triển của các ngành nghề thủ công nổi bật thời bấy giờ, như sản xuất thạch cao, vôi, chạm trổ gỗ, sản xuất đồ sắt trang trí…

Sơ đồ khu vực phổ cố Marrakesh
Khu phố cổ của thành phố Marrakesh, tại Morocco được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1985) với các tiêu chí:
Tiêu chí (i): Marrakesh chứa một số di sản ấn tượng về kiến trúc và nghệ thuật (thành lũy và cổng hoành tráng, nhà thờ Hồi giáo Koutoubia, lăng mộ Saâdians, tàn tích của Cung điện Badiâ, Cung điện Bahia, Vườn Menara với hồ nước và công trình Pavilion), một trong số công trình trong đó được công nhận về giá trị phổ quát nổi bật, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người.
Tiêu chí (ii): Thành phố Marrakesh, là thủ đô của vương triều Almoravid và Almohad, đã có vai trò quan trọng trong phát triển đô thị thời Trung Cổ. Thành phố Medina of Fez (cũng là Di sản thế giới, năm 1981), thủ đô của vương triều tiếp theo - vương triều Merinid, cũng được hình thành theo mô hình đô thị Marrakesh.
Tiêu chí (iv): Cái tên Marrakesh có nghĩa là "Vùng đất của Thiên Chúa". Vào đầu thế kỷ 20, Morocco còn được gọi là "Vương quốc Marrakesh". Đây còn là một minh họa hoàn chỉnh về một quần thể kiến trúc cảnh quan, thành phố thủ đô Hồi giáo chính tại Tây Địa Trung Hải.
Tiêu chí (v): 700 ha của khu vực trung tâm Thánh địa Hồi giáo Marrakesh là ví dụ tiêu biểu về sự định cư của con người trong một đô thị lịch sử sống động với những con đường, nhà cửa, chợ, khách sạn, các hoạt động thủ công và giao dịch truyền thống. Đây là khu phố cổ rộng lớn và hiện trở nên dễ bị tổn thương do những thay đổi bắt nguồn về nhân khẩu học.

Sơ đồ phạm vi ranh giới Di sản Thánh địa Hồi giáo Marrakesh

Sơ đồ vị trí một số hạng mục công trình chính trong khu vực Di sản Thánh địa Hồi giáo Marrakesh
Di sản Khu phố cổ của thành phố Marrakesh bao gồm hai khu vực:
- Médina et le jardin d'Agdal (N31 37 53,00 W7 59 12,00) diện tích 1.018 ha;
- Jardin de la Menara (N31 36 50,00 W8 1 20,00) diện tích 89ha
Khu vực Médina et le jardin d'Agdal
Khu vực Médina et le jardin d'Agdal được bao quanh bởi các bức tường thành, chạy dài theo hướng Bắc – Nam. Phần phía Bắc là khu phố cổ (Medina), phần phía Nam là khu vườn bách thảo (Agdal Gardens).
Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia
Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia (Koutoubia Mosque) là nhà thờ Hồi giáo lớn nhất tại Marrakesh, Morocco, nằm tại Tây Nam của khu phố cổ Marrakesh.
Nhà thờ có nhiều tên gọi khác như Kutubiya, Kutubiyyin. Do công trình hướng ra đường phố, nơi có các cửa hàng sách, nên còn có tên gọi là “Nhà thờ Hồi giáo của những người bán sách” (Booksellers' Mosque).
Công trình được hoàn thành dưới thời vua Abu Yusuf al-Mansur (trị vì năm 1184 – 1199, vị vua thứ 3 của triều đại Almohad) và tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện cho đến cuối thế kỷ 12.
Công trình trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thờ khác tại khu vực và quốc gia xung quanh.
Nhà thờ nằm trong một quảng trường lớn với những khu vườn, có mặt bằng chiều rộng 80m tại phía Đông và 60m tại phía Tây.
Mặt bằng công trình gồm 17 gian nhà theo hướng Đông – Tây. Tháp cầu nguyện nằm tại phía Đông Bắc.
Công trình có một sân trong rộng 45m, bằng chiều rộng của 9 gian trung tâm. Giữa sân là một đài phun nước.
Đại sảnh cầu nguyện là một không gian với hơn 100 cột vòm đỡ mái hình móng ngựa.
Công trình được xây dựng bằng gạch và đá sa thạch. Kết cấu gạch sử dụng cho xây dựng cột, mái vòm, các bức tường cầu nguyện (Qibla) và góc cầu nguyện (Mihrab). Đá sa thạch sử dụng cho các bức tường bên ngoài tại hướng Nam, Đông và Tây. Bức tường phía Bắc là bức tường của pháo đài cổ Almoravid.
Các bề mặt của Nhà thờ được tổ chức sinh động mặc dù các chi tiết kiến trúc đơn giản. Tất các cửa sổ đều có mái vòm hình móng ngựa, nhiều tầng bậc đặt trong một hình chữ nhật. Các chi tiết kiến trúc dạng kim cương được bố cục tại phần trên của vòm cửa. Các dải men sứ màu ngọc lam trang trí trên tường với các bức trang trí bằng thư pháp (Kufic Script).
Nội thất của công trình có một bục giảng đạo (Minbar) được chạm khắc bằng gỗ đàn hương và gỗ mun với khảm ngà và bạc. Bục giảng tại nhà thờ được đánh giá là một trong những sáng tạo vượt trội của nghệ thuật Hồi giáo.
Tháp giáo đường (Minaret) được xây dựng bằng đá sa thạch, cao 77m. Tháp có mặt bằng hình vuông, mỗi chiều 12,8m. Trên đỉnh của tháp là một tháp phụ và một mái vòm với 4 quả cầu.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia


Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia với tháp cầu nguyện

Các cổng vòm trang trí của Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia

Nội thất Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia

Bục giảng đạo tại Nhà thờ Hồi giáo Koutoubia
Nhà thờ Hồi giáo Kasbah Mosque
Nhà thờ Hồi giáo Kasbah (Kasbah Mosque), còn được gọi là nhà thờ Hồi giáo Mansouria (Mansouria Mosque) hoặc nhà thờ Hồi giáo Moulay al-Yazid (Mosque of Moulay al-Yazid), nằm tại phía Nam của khu phố cổ Marrakesh. Công trình được xây dựng vào năm 1185 – 1190 bởi vua Abu Yusuf al-Mansur (trị vì trong giai đoạn từ năm 1184 đến 1199, vị vua thứ 3 của triều đại Almohad. Cùng với nhà thờ Hồi giáo Koutoubia, đây là những nhà thờ Hồi giáo quan trọng nhất ở Marrakesh.
Vào cuối thế kỷ 16, nhà thờ Hồi giáo bị tàn phá nặng nề bởi một vụ nổ lớn tại một cửa hàng thuốc súng gần đó. Công trình được vua Abdallah al-Ghalib (cai trị 1557-1574) phục hồi. Tiếp đó, vua Muhammad Ibn Abd Allah (cai trị 1757-1790) đã tiến hành cải tạo lại công trình, song vẫn bảo tồn hình thức ban đầu của nhà thờ.
Tháp cầu nguyện (Minaret) của nhà thờ giống như tháp cầu nguyện của nhà thờ Hồi giáo Koutoubia và các nhà thờ khác.
Theo chiều cao, tháp chia thành hai phần, phần dưới có mặt bằng hình vuông mỗi cạnh rộng 8,8m, phần tháp trên có mặt bằng hình vuông mỗi cạnh rộng 4m. Trên đỉnh tháp là 3 quả cầu bằng đồng.
Trang trí trên 4 mặt tháp của nhà thờ Hồi giáo Kasbah với gạch gốm màu xanh lá cây, trắng kết hợp với các chữ Ả Rập…đã trở thành hình mẫu cho tháp của các nhà thờ Hồi giáo xây dựng tiếp theo tại khu vực Maghreb và Andalusia.
Mặt bằng công trình có dạng gần vuông, bố cục bao quanh 1 sân trung tâm lớn và 4 sân nhỏ phụ trợ.
Sân chính có 2 đài phun nước; 2 sân nhỏ gắn với phòng cầu nguyện, mỗi sân có một đài phun nước, phục vụ cho nghi lễ tẩy rửa trước khi cầu nguyện.
Các phòng cầu nguyện chính của nhà thờ là không gian lớn với các hàng cột.
Trang trí nội thất bên trong của nhà thờ tương đối đơn giản với các mẫu trang trí lặp lại. Các cấu trúc vòm đỡ mái được trang trí bởi các chạm khắc.
Khu vực có nhiều trang trí nội thất nhất là khu vực xung quanh không gian cầu nguyện (mihrab – một hốc tường), là các trang trí bằng vữa, đá cẩm thạch và gỗ tại bục giảng. Các hốc tường cầu nguyện được xây dựng hướng về thánh địa Mecc, Saudi Arabia.
Kề liền khu vực là cung điện Bandia, nghĩa địa hoàng gia, các bức tường và cổng thành cổ.

Nhà thờ Hồi giáo Kasbah

Trang trí tháp cầu nguyện Nhà thờ Hồi giáo Kasbah
Nhà thờ Hồi giáo Ben Youssef
Nhà thờ Hồi giáo Ben Youssef (Ben Youssef Mosque) được cho là một trong những nhà thờ Hồi giao lâu đời và quan trọng nhất tại Marrakesh, nằm tại trung tâm của khu phố cổ Marrakesh.
Công trình được xây dựng vào năm 1070 bởi vua Yusuf ibn Tashfin (trị vì trong giai đoạn năm 1061–1106), vương triều Almoravid. Công trình là một trong những tòa nhà đầu tiên của thành phố. Khi triều đại Almohad đánh bại triều đại Almoravid và chiếm thành phố Marrakesh vào năm 1147, nhà thờ đã bị phá hủy, và được dựng lại với tên gọi cũ và vị trí cũ.
Nhà thờ Hồi giáo Ben Youssef đã được tân trang lại vào khoảng năm 1563. Công trình rơi vào quên lãng trong thế kỷ 17, 18, và được xây dựng lại hầu như mới vào đầu thế kỷ 19.
Nhà thờ được phân biệt bởi mái nhà lợp ngói màu xanh lá cây.

Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Nhà thờ Hồi giáo Ben Youssef

Phối cảnh Nhà thờ Hồi giáo Ben Youssef
Cung điện Bahia
Cung điện Bahia (Bahia Palace; Bahia có nghĩa là chói sáng theo tiếng Ả Rập) nằm tại phía Đông Nam của khu phố cổ Marrakesh, được xây dựng vào năm 1866 – 1867 bởi Si Moussa, một người trong Hoàng tộc, với dự định là cung điện lớn nhất tại vương quốc Morocco thời bấy giờ. Công trình được cho là sự tích hợp của phong cách kiến trúc Hồi giáo và Morocco.
Công trình là một trong những di tích lịch sử được bảo tồn tốt nhất trong khu vực Di sản và là địa điểm thu hút khách thăm quan nhiều nhất tại Morocco.
Cung điện có quy mô hơn 150 phòng, nằm trong một khu vườn rộng 8000m2, gồm 4 tổ hợp chính:
- Tổ hợp công trình gắn với một vườn nội thất quy mô nhỏ (small riad /petit riad);
- Tổ hợp công trình gắn với một vườn nội thất quy mô lớn (large riad / grand riad);
- Tổ hợp công trình gắn với một sân trong nhỏ (small courtyard);
- Tổ hợp công trình gắn với một sân trong lớn (large courtyard or main courtyard). Đây là một trong những sân trong lớn nhất của một cung điện với diện tích 1500m2.

Sơ đồ mặt bằng Cung điện Bahia

Phối cảnh sân trong lớn của Cung điện

Phối cảnh sân trong nhỏ của Cung điện

Phối cảnh sân vườn nội thất nhỏ của của Cung điện

Nội thất Cung điện Bahia

Trang trí cột - vòm bên trong Cung điện Bahia
Tàn tích Cung điện Badia
Cung điện Badia (Badia Palace) nằm tại phía Nam của khu phố cổ Marrakesh (Tây Nam của Cung điện Bahia) được xây dựng dưới triều vua Ahmad al-Mansur (trị vì vào năm 1578–1603).
của triều đại Saadian. Công trình xây dựng mất 15 năm, được hoàn thành vào năm 1539 như một sản phẩm lộng lẫy của nghề thủ công rất phát triển thời bấy giờ.
Công trình được hình thành từ vật liệu đắt tiền như vàng, đá quý (mã não); các hàng cột được làm bằng đá cẩm thạch nhập từ Ý. Tòa nhà được cho là có tới 360 phòng với một sân trong (135m x 110m), một hồ bơi trung tâm (90m x20m) và một số phòng sử dụng làm nơi nghỉ ngơi trong mùa hè.
Không gian lớn nhất trong cung điện là Koubba el Khamsiniya với 50 cột. Bắt đầu triều đại Alaouite (cai trị từ năm 1631) cung điện bị lãng quên. Công trình còn bị tháo dỡ để lấy vật liệu, đồ trang trí phục vụ cho việc xây dựng các công trình tại Meknes, thủ đô mới của triều đại vua Moulay Ismaïl (trị vì trong giai đoạn 1672-1727).
Ngày nay, cung điện Badia chỉ còn lại các tàn tích.

Sơ đồ mặt bằng Cung điện Badia


Tàn tích Cung điện Badia
Quảng trường Jamaâ El Fna
Quảng trường Jemaa el-Fna (Jamaa el Fna Square) nằm tại phía Nam trung tâm của khu phố cổ Marrakesh, được hình thành vào năm 1070-1072, bị chiến tranh tàn phá vào năm 1147, sau được cải tạo lại cùng với các công trình xung quanh quảng trường như nhà thờ Hồi giáo, cung điện, bệnh viện, sân diễu hành và khu vườn với các đường phố chật hẹp dẫn vào các ngõ hẻm của khu phố cổ.
Quảng trường Jemaa el-Fnaa luôn là một trong những quảng trường đông đúc, sôi động nhất ở châu Phi. Đây là một trung tâm buôn bán, du lịch; nơi lưu giữ truyền thống phong phú về ẩm thực và văn hóa phi vật thể. Tại đây diễn ra các hoạt động văn hóa truyền thống như người kể chuyện, nhạc sĩ, nghệ sỹ múa, ảo thuật, bán thuốc rong đường phố…


Quảng trường Jemaa el-Fna
Tường thành và cổng
Tường thành và cổng (City walls and gates) trải dài 19km xung quanh khu phố cổ, được xây dựng trong thế kỷ 12. Các bức tường được làm bằng đất sét màu đỏ cam, tạo cho thành phố có biệt danh là “thành phố đỏ”.
Bức tường thành cao tới 5,8m, có đến 20 cửa ra vào và 200 tháp canh dọc theo tường thành.
Một trong những cổng thành nổi tiếng là cổng Bab Agnaou, nằm tại phía Tây Nam của khu phố cổ Marrakesh, lối vào Hoàng cung (Palais Royal – Dar el Makhzen). Cổng được xây dựng vào thế kỷ 12, trong triều đại Almohad. Bề mặt vòm cổng hình móng ngựa được trang trí hoa văn. Kề liền đó là cổng Bab er Robb, lối vào thành phố.

Tường thành và cổng Bab er Robb

Cổng Bab er Robb với các trang trí bên trên vòm cổng
Lăng mộ Saâdians
Khu vực Lăng mộ Saadian (Saadian Tombs) nằm tại phía Nam nhà thờ Hồi giáo Al Mansour (Al Mansour Mosque hay Kasbah Mosque) và phía Tây Hoàng cung.
Các ngôi mộ được phát hiện vào năm 1917, ngay nay trở thành một địa điểm thu hút du khách bởi vẻ đẹp trang trí của các ngôi mộ.
Khu vực Lăng mộ Saadian là nơi chôn cất của 60 thành viên hoàng tộc triều đại Saadi. Trong số đó có ngôi mộ của Ahmad al-Mansur, vị vua thứ 6 của triều đại Saadi, cai trị từ năm 1578 – 1603) và gia đình ông.
Lăng mộ gồm 3 phòng, trong đó có căn phòng với 12 cột. Tại đây đặt mộ vua Ahmad al-Mansur. Trang trí trong mộ bằng gỗ và vữa, kết hợp với đá cẩm thạch Carrara của Ý.
Bên ngoài Khu vực lăng mộ là một khu vườn với các ngôi mộ của công chức và binh lính.


Bên trong lăng mộ Ahmad al-Mansur
Vườn bách thảo Agdal
Vườn bách thảo Agdal (Agdal Gardens) nằm tại phía Nam của Khu vực Médina et le jardin d'Agdal, có diện tích khoảng 400 ha. Tên của vườn bách thảo có nghĩa là “đồng cỏ có tường bao quanh”.
Vườn bách thảo được chia thành các ô vườn trồng cam, chanh, mơ, vả, lựu…
Vườn được hình thành vào thế kỷ 12 bởi vua Abd al-Mu'min (trị vì năm 1147–1163; vị vua đầu tiên của triều đại Almohad). Vườn được cải tạo lại và mở rộng vào thế kỷ 19 với các bức tường bao quanh bằng đất.
Khu vườn được tưới bằng hệ thống hồ và mương, một phần chạy ngầm, dẫn nước từ dãy núi High Atlas tại phía Đông Nam. Giữa khu vườn có công trình Dar el Beida Palace, 2 hồ nước lớn.

Vườn bách thảo Agdal được bao quanh bởi các bức tường

Vườn bách thảo Agdal
Khu vực Jardin de la Menara
Khu vực Jardin de la Menara hay Khu vườn Menara (Menara Gardens) nằm tách biệt tại phía Tây khu phố cổ Marrakech, được thành lập vào những năm 1130, bởi vị vua Abd al-Mu'min (trị vì trong giai đoạn năm 1147–1163) của triều đại Hồi giáo Almohad (Almohad Caliphate).
Trong khu vườn có một tòa nhà (Pavilion) được xây dựng dưới triều đại Saadi (giai đoạn 1509–1659) và được cải tạo lại vào năm 1869.
Trung tâm của khu vườn là một hồ nhân tạo. Nước trong hồ nhân tạo được tưới cho khu vườn xung quanh nhờ một hệ thống kênh ngầm (qanat). Hồ trong vườn được cấp nước nhờ một hệ thống kênh dẫn nước từ các ngọn núi nằm cách Marrakech khoảng 30 km.
Các tòa nhà và hồ nhân tạo được bao quanh bởi vườn cây ăn quả và lùm cây ô liu.

Khu vườn Menara

Tòa nhà nghỉ trong Khu vườn Menara
Di sản Khu phố cổ của cố đô Marrakesh, Morocco hiện vẫn sở hữu tất cả các thành phần ban đầu từ cấu trúc đô thị bên trong với các di tích vẫn còn nguyên vẹn, đến các yếu tố văn hóa lẫn thiên nhiên, minh họa cho giá trí phổ quát nổi bật toàn cầu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/331
https://en.wikipedia.org/wiki/Morocco
https://en.wikipedia.org/wiki/Marrakesh
https://en.wikipedia.org/wiki/Landmarks_of_Marrakesh
https://en.wikipedia.org/wiki/Koutoubia_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/Kasbah_Mosque_(Marrakech)
https://en.wikipedia.org/wiki/Ben_Youssef_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/Bahia_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/El_Badi_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Jemaa_el-Fnaa
https://en.wikipedia.org/wiki/Palmeraie_(Marrakesh)
https://en.wikipedia.org/wiki/Saadian_Tombs
https://en.wikipedia.org/wiki/Menara_gardens
https://en.wikipedia.org/wiki/Bab_Agnaou
https://en.wikipedia.org/wiki/Agdal_Gardens
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 10/07/2020 )
|
Tin mới đưa:- Quần thể Tu viện Novodevichy, Moscow, Nga
- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
Tin đã đưa:- Di sản xuyên quốc gia Công viên Maloti-Drakensberg, Lesotho và Nam Phi
- Địa điểm khảo cổ Tiya, Soddo, Ethiopia
- Văn phòng kiến trúc Sangath, Ahmedabad, Ấn Độ - KTS Balkrishna Doshi
- Các phế tích của thành phố cổ Aksum, Tigrai, Ethiopia
- Khu vực Tu viện Saint Catherine, Janub Sina, Ai Cập
- Những công trình biểu tượng của người Nubian, từ Abu Simbel đến Philae, tại Aswan Ai Cập
- Trung tâm lịch sử của thành phố Cairo, Ai Cập
- Thành phố cổ Thebes với các khu di tích khảo cổ, Luxor, Ai Cập
- Công viên Quốc gia Tassili n'Ajjer tại Illizi và Tamanghasset, Algeria
- Thánh địa Bom Jesus tại Congonhas, bang Minas Gerais, Braxin
- Quần thể hiện đại Pampulha, thành phố Belo Horizonte, Minas Gerais, Braxin
- Trung tâm lịch sử của thành phố Arequipa, Peru
- Khu Khảo cổ Chan Chan, Huanchaco, Peru
- 3 Bộ sách: De Pictura, De re aifificatoria và De Statua của Leone Battista Alberti
- Công viên Khảo cổ và Tàn tích Quirigua, Izabal, Guatemala
|