Tuần 13 - Ngày 03/11/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ tại Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc
13/10/2018
 

Thông tin chung:
Công trình: Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ tại Khúc Phụ (Temple and Cemetery of Confucius and the Kong Family Mansion in Qufu)
Địa điểm: Thành phố Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc (N35 36 42.012 E116 58 30)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 183ha.
Năm thực hiện:
Giá trị: Di sản thế giới (1994; hạng mục  i, iv, vi) 

Trung Quốc (Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa) nằm tại Đông Á, là quốc gia đông dân nhất thế giới với khoảng 1,403 tỷ người (năm 2016). Trung Quốc có diện tích 9596961km2, là quốc gia có tổng diện tích lớn hàng đầu thế giới; Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hán. Trung Quốc phân thành 22 tỉnh, 5 khu tự trị, 4 đô thị trực thuộc và 2 khu hành chính đặc biệt là Hồng Kông và Ma Cao.
Lịch sử Trung Quốc bắt nguồn từ một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới, phát triển tại lưu vực sông Hoàng Hà, bình nguyên Hoa Bắc. Trải qua hơn 5.000 năm, Trung Hoa đã trở thành nền văn minh rực rỡ nhất thế giới trong thời Cổ đại và Trung cổ, được đặc trưng bởi hệ thống triết học thâm sâu (nổi bật nhất là Nho giáo, Đạo giáo và thuyết Âm dương ngũ hành); các thành tựu khoa học kỹ thuật (phát minh ra giấy, la bàn, thuốc súng, địa chấn kế, kỹ thuật in ấn...); hoạt động giao thương xuyên châu Á với nhiều quốc gia (Con đường tơ lụa); những đô thị có quy mô dân số và trình độ kiến trúc đứng đầu thế giới vào thời Trung cổ.
Hệ thống chính trị của Trung Quốc dựa trên các chế độ quân chủ kế tập, được gọi là các triều đại, khởi đầu là triều đại nhà Hạ.
Từ năm 221 trước Công nguyên (TCN), nhà Tần chinh phục các quốc gia khác để hình thành đế quốc Trung Hoa thống nhất;
Triều đại nhà Hán cai trị Trung Quốc từ năm 206 TCN đến năm 220 sau Công nguyên;
Triều đại nhà Đường cai trị từ năm 618–907;
Triều đại nhà Tống cai trị từ năm 960–1279;
Vào thế kỷ thứ 13, Trung Quốc bị Đế quốc Mông Cổ chinh phục. Năm 1271, Đại hãn người Mông Cổ thiết lập triều đại nhà Nguyên;
Triều đại nhà Minh cai trị Trung Quốc từ năm 1368–1644;
Triều đại nhà Thanh do người Mãn Châu thành lập cai trị Trung Quốc từ năm 1636–1912;
Trung Hoa Dân Quốc lật đổ nhà Thanh, triều đại phong kiến cuối cùng của Trung Quốc vào năm 1912 và cầm quyền tại Trung Quốc đại lục cho đến năm 1949. Sau khi Đế quốc Nhật Bản bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Trung Quốc chia thành hai: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (Trung Quốc) có thủ đô là Bắc Kinh và Trung Hoa Dân quốc tại đảo Đài Loan với thủ đô là Đài Bắc. 

Tỉnh Sơn Đông nằm tại ven biển phía Đông Trung Quốc. Xưa kia, trên địa bàn tỉnh Sơn Đông là nước Tề và nước Lỗ.
Tỉnh Sơn Đông có lịch sử lâu dài và văn hóa phong phú. Các nhà sáng lập tư tưởng Nho giáo như Khổng Tử, Mạnh Tử; nhà sáng lập tư tưởng Mặc gia là Mặc Tử; các nhà quân sự nổi tiếng như Tôn Tử, Tôn Tẫn, Ngô Khởi đều được sinh ra ở Sơn Đông. Với dân số trên 90 triệu người, Sơn Đông là tỉnh có dân số đông thứ hai Trung Quốc, chỉ sau Quảng Đông.
Tỉnh Sơn Đông có Thái Sơn, là một trong năm ngọn núi thiêng liêng (Ngũ Nhạc hay Ngũ Hành Sơn) nổi tiếng nhất Trung Quốc, gắn liền với tín ngưỡng và thuyết Ngũ hành của Trung Quốc (Thái Sơn được tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới năm 1987).
Khúc Phụ là một thành phố thuộc khu Tế Ninh (cấp hành chính dưới cấp tỉnh trên cấp huyện), tỉnh Sơn Đông, có diện tích 896km2, dân số khoảng 640 ngàn người (năm 2001). Đây là quê hương của Khổng Tử.



Bản đồ Trung Quốc và vị trí tỉnh Sơn Đông 


Khổng Phu Tử hay Khổng Tử là danh hiệu tôn kính của hậu thế cho Khổng Khâu (tự là Trọng Ni, năm 551 TCN – 479 TCN).
Ông là người nước Lỗ, một nhà triết học, chính trị gia và nhà giáo dục nổi tiếng thời kỳ Xuân Thu (năm 771- 476 TCN), tạo lập một hệ thống niềm tin liên quan đến triết học, chính trị và đạo đức, gọi là Nho giáo.
Khổng Tử được người Trung Quốc tôn vinh là Vạn thế sư biểu – Bậc thày của muôn đời.
Các triết lý của Khổng Tử có sự tương đồng với truyền thống và niềm tin của người Trung Quốc, trong đó có một nguyên tắc nổi tiếng: "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân - Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác".
Khổng Tử là một hình mẫu cho thế hệ sau về nhiều phương diện.
Về phẩm hạnh, ông là người rất thông minh, luôn luôn ham học; Tính ôn hòa, nghiêm trang, khiêm tốn, làm việc gì cũng hết sức cẩn thận, đề cao lễ nhạc, luôn tin vào Thiên mệnh; Ông là người nhân hậu, khiêm nhường, giản dị, chân thành, giàu tình cảm, ôn hòa mà nghiêm túc, uy nghi nhưng không thô bạo, cung kính mà an nhàn, sống thanh đạm, trọng nghĩa khinh tài.
Khổng Tử luôn tránh bốn sai lầm: Không dựa vào ý riêng; Không phán đoán khẳng định, áp đặt; Không cố chấp; Không tự cho mình là đúng cả…
Triết lý của Khổng Tử về đạo đức và ứng xử có ảnh hưởng to lớn đến việc định hình lối sống của nhân loại và vẫn tiếp tục tồn tại trong xã hội ngày nay.  


Bức chân dung cổ nhất về Khổng Tử, vẽ bởi họa sĩ thời nhà Đường Ngô Đạo Tử (năm 685-758)


Sách “Khổng Tử, Triết gia của người Trung Quốc”, được xuất bản bởi các nhà truyền giáo Dòng Tên (
Dòng Chúa Giêsu) tại Paris năm 1687  


Tượng Khổng Tử tại Berlin, Đức với dòng chữ ghi trên bệ tượng: "
Điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người khác" 

Ông để lại cho đời sau 5 cuốn sách như một dạng Bách khoa toàn thư đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, được gọi là Ngũ Kinh (ban đầu còn có thêm Kinh Nhạc bàn về nhạc thuật và nhạc khí, song nguyên bản đã bị thất lạc):
- Kinh Thi: Sưu tầm các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nhằm giáo dục mọi người tình cảm trong sáng lành mạnh và cách thức diễn đạt rõ ràng.
- Kinh Thư: Lưu lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua có trước Khổng Tử, để lại bài học cho các ông vua đời sau nên theo gương các minh quân (như Nghiêu, Thuấn) chứ đừng tàn bạo (như Kiệt, Trụ).
- Kinh Lễ : Chép các lễ nghi thời trước và được hiệu đính lại, nhằm làm phương tiện để duy trì và ổn định trật tự xã hội.
- Kinh Dịch: Nói về các tư tưởng triết học Trung Hoa dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái (Chu dịch), song được giảng giải rộng thêm cho dễ hiểu hơn.
- Kinh Xuân Thu: Chép các biến cố xảy ra ở nước Lỗ (quê hương Khổng Tử) và của triều đại nhà Chu trong mối quan hệ với các nước chư hầu trong khoảng 250 năm. Không chỉ các sự kiện lịch sử được chọn lựa, mà còn ghi kèm các lời bình, bổ sung các lời thoại để giáo dục các bậc vua chúa thuật trị nước. Cuốn sách được cho là một trong những tác phẩm sử học và triết lý về chính trị đầu tiên của Trung Hoa.
Ngũ Kinh giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong các tác phẩm Cổ điển Trung Hoa. Nhờ có Ngũ Kinh mà tới 2500 năm sau, người đời vẫn còn có được những hiểu biết tường tận về xã hội thời bấy giờ.

Nho giáo cùng với Phật giáo và Đạo giáo tạo thành Tam giáo tồn tại song song và có ảnh hưởng rất lớn đến văn minh Trung Hoa. Khổng Tử cũng là một vị thần truyền thống trong Đạo giáo.
Nho giáo đã ảnh hưởng sâu sắc không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở các xã hội phong kiến ​​của Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và có ảnh hưởng tích cực đến nhận thức của châu Âu thế kỷ 18,19. 
Các tác phẩm của Khổng Tử lần đầu tiên được dịch sang ngôn ngữ châu Âu bởi những người truyền giáo dòng Tên trong thế kỷ 16 và góp phần đáng kể cho các nhà tư tưởng châu Âu trong việc tích hợp hệ thống đạo đức của Khổng Tử vào nền văn minh phương Tây.
Trong thời hiện đại, tiểu hành tinh 7853, được đặt theo tên của nhà tư tưởng Trung Quốc - Khổng Tử.

Tại thành phố Khúc Phụ, khu Tế Lâm, tỉnh Sơn Đông có 3 cụm công trình rất nổi tiếng gắn với Khổng Tử: Khổng Miếu (Đền thờ Khổng Tử), Khổng Lâm (Nghĩa trang dòng họ Khổng) và Khổng Phủ (Dinh thự gia đình họ Khổng) còn được gọi là
Khúc Phụ Tam Khổng.

Đền thờ Khổng Tử hay Khổng Miếu được xây dựng vào năm 478 trước Công nguyên. Tổ hợp ngôi đền có diện tích khoảng 14 ha, với 104 tòa nhà có niên đại từ triều đại nhà Tấn (năm 266- 420) đến nhà Thanh (năm 1636–1912) bao gồm Đại Thành điện (Dacheng Hall), Khuê Văn Các (Kuiwen Pavilion), Hạnh Đàn (Xing Altar)… 1.000 bia đá và hơn 1.250 cây cổ thụ. Đền là nguyên mẫu, mô hình cho tất cả các ngôi đền Khổng Tử phân bố rộng rãi ở các nước Đông Á, đặc biệt là về cách bố trí và phong cách.

Dinh thự của gia tộc Khổng Tử hay Khổng Phủ năm ở phía Đông của Khổng Miếu. Đây là nơi con cháu trực tiếp của Khổng Tử sống và làm việc. Sau hỏa hoạn, công trình được xây dựng lại theo mô hình cung điện hoàng gia vào thế kỷ 14, được mở rộng vào cuối thế kỷ 19 với diện tích khoảng 7 ha và khoảng 170 tòa nhà. Tại đây lưu giữ hơn 100.000 bộ sưu tập. Trong đó giá trị nhất là 10 đồ dùng nghi lễ triều đại nhà Thương (năm 1766 TCN–1122 TCN) và nhà Chu (1122 TCN–249 TCN); Chân dung của Khổng Tử được làm trong những thời kỳ khác nhau, quần áo và mũ có niên đại nhà Minh và nhà Thanh. 

Nghĩa trang dòng họ Khổng hay Khổng Lâm nằm cách 1100 m về phía Bắc của thành phố Khúc Phụ. Nghĩa trang có diện tích khoảng 162ha, nơi đặt mộ Khổng Tử và hơn 100.000 ngôi mộ của các hậu duệ của ông.

Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ tại Khúc Phụ với nhiều di tích lịch sử và nghệ thuật nổi bật nhờ sự cống tế của các Hoàng đế Trung Quốc liên tiếp trong hơn 2000 năm. Trong thời nhà Minh, nhiều nghệ nhân và thợ thủ công xuất sắc đã áp dụng kỹ năng của họ trong việc trang trí ngôi đền. Vào thời nhà Thanh, các thợ thủ công đã xây dựng Đại Thành điện (Dacheng Hall), Đại Thành môn (Dacheng Gate) và Tẩm điện (Qin Hall), được coi là những công trình đại diện cho đỉnh cao của nghệ thuật và kiến ​​trúc nhà Thanh. 


Vị trí Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ tại Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ
tại Khúc Phụ không chỉ là đại diện xuất sắc của các kỹ năng kiến ​​trúc phương Đông, mà còn có nội dung lịch sử sâu sắc và là một phần quan trọng trong di sản văn hóa của nhân loại, được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1994) với tiêu chí:

Tiêu chí (i): Nhóm các tác phẩm hoành tráng tại Khúc Phụ có giá trị nghệ thuật nổi bật, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Nhờ sự hỗ trợ của các hoàng đế Trung Quốc trong hơn hai thiên niên kỷ, đã huy động được các nghệ nhân và thợ thủ công ưu tú nhất thời bấy giờ tham gia vào việc sáng tạo và xây dựng lại các tòa nhà và phong cảnh dành riêng cho Khổng Tử.

Tiêu chí (iv): Quần thể Khúc Phụ là một ví dụ nổi bật về một phức hợp kiến ​​trúc, minh họa sự tiến hóa của văn hóa vật chất Trung Quốc trong một khoảng thời gian đáng kể.

Tiêu chí (vi): Quần thể Khúc Phụ gắn với Khổng Tử, nhà tư tưởng có đóng góp to lớn về triết học và chính trị ở các nước phương Đông trong hai nghìn năm, và cũng như ở châu Âu và phương Tây trong thế kỷ 18 và 19, là một trong những nhân tố quan trọng cho quá trình tiến hóa của tư duy và chinh thể thời hiện đại.

Di sản văn hóa gắn với Khổng Tử tại
Khúc Phụ, Sơn Đông, Trung Quốc bao gồm 3 nhóm hạng mục công trình chính: Khổng Miếu, Khổng Lâm Khổng Phủ. 

Đền thờ Khổng Tử
Sau khi Khổng Tử qua đời, để tôn thờ vị thánh văn hoá phương Đông, khắp đất nước Trung Quốc đã xây dựng hàng nghìn đền thờ Khổng Tử.
Đền thờ Không Tử hay Khổng Miếu (Temple of Confucius) tại Khúc Phụ, quê hương Khổng Tử, là ngôi đền cổ kính nhất, lớn nhất và nổi tiếng nhất thờ Khổng Tử ở Đông Á.  
Ngay sau khi Khổng Tử mất (năm 479 TCN) vào năm 478 TCN, ngôi nhà cũ của ông ở Khúc Phụ được Lỗ Ai Công, vua nước Lỗ (một nước chư hầu của nhà Chu, tồn tại trong giai đoạn năm 1043 TCN–256 TCN) phong tặng làm đền thờ. Năm 195 TCN, Hoàng đế Hán Cao Tổ Lưu Bang, vị hoàng đế đầu tiên dâng đại lễ cúng tế Khổng Tử tại Khúc Phụ. Đây trở thành hình mẫu cho nhiều hoàng đế và các quan chức cao cấp làm theo. Về sau, các hoàng đế viếng thăm Khúc Phụ sau khi lên ngôi hoặc vào những dịp đại lễ. Tổng cộng, đã có đến 12 hoàng đế với 20 lần đến thăm đền thờ Khổng Tử tại Khúc Phụ.
Ngôi nhà ba tầng nguyên thủy của Khổng Tử đã bị loại bỏ khỏi khu phức hợp đền thờ trong quá trình xây dựng lại vào năm 611 sau Công nguyên. 
Năm 1012 và năm 1094, thời nhà Tống, ngôi đền được mở rộng tạo thành tổ hợp với 3 phần và 4 sân, xung quanh có 400 phòng. Công trình bị hỏa hoạn nằm năm 1214 trong thời nhà Kim, được khôi phục về mức độ cũ vào năm 1320 trong thời nhà Nguyện. Ngay sau đó, vào năm 1331, ngôi đền được bao quanh bởi các bức tường thành theo mô hình một cung điện Hoàng gia.
Ngồi đền bị tàn phá vào năm 1499, sau đó được phục hồi lại như quy mô hiện tại. Vào năm 1724, một đám cháy đã phá hủy phần lớn sảnh chính và các các tác phẩm điêu khắc cổ trong đó.
Sự phục hồi tiếp theo được hoàn thành vào năm 1730, do Hoàng đế Ung Chính nhà Thanh đich thân đôn đốc việc tu sửa để hình thành diện mạo như ngày nay.
Nhiều công trình và tác phẩm điêu khắc bị hủy hoại trong Cách mạng Văn hóa năm 1966 đã được phục dựng lại. Tổng cộng Khổng Miếu đã trải qua 15 cuộc cải tạo lớn, 31 lần sửa chữa lớn và rất nhiều những lần sửa chữa nhỏ.

Quần thể kiến trúc được bảo tồn đến ngày nay phần lớn đều được xây dựng vào thời nhà Minh, Thanh.
Đền Khổng Tử tại Khúc Phụ là một trong ba cụm công trình có cấu trúc cung điện hoàng gia còn tồn tại ở Trung Quốc, cùng với Đền Đại tại Thái Sơn, tỉnh Sơn Đông; Tử Cấm Thành tại thành phố Bắc Kinh.
Khổng Miếu nằm trong khuôn viên hình chữ nhật, theo trục chính hướng Bắc – Nam dài khoảng 630m, rộng khoảng 150m. Mặt chính của Khổng Miếu quay về hướng Nam. Xung quanh có tường thành bao bọc với các cổng ra vào.


Bức tranh vẽ Khổng Miếu vào năm 1912





Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình chính trong Khổng Miếu, Khúc Phụ



Phối cảnh tổng thể Khổng Miếu tại Khúc Phụ với các công trình mái vàng nổi bật như Hoàng cung 

Ngôi miếu có bố cục theo 9 dãy sân, xếp dọc theo trục chính Nam – Bắc, hai bên có các không gian phụ đối xứng nhau. Các tòa nhà gắn với sân tạo thành các cụm công trình. Công trình có ngói màu vàng và các bức tường sơn đỏ, tương tự như các công trình trong Hoàng cung. Bên trong Khổng Miếu cỏ cây xanh tốt, mát mẻ quanh năm, đặc biệt là những cây thông cổ thụ tạo ra sự tương phản mạnh mẽ. 
Các hạng mục công trình chính tại Khổng Miếu, theo trục Nam lên Bắc gắn với 9 không gian sân gồm:

Linh Tinh Môn
Từ không gian bên ngoài vào sân hay không gian thứ 1 của Khổng Miếu là Linh Tinh Môn (Lingxing Gate), cao 10,3m rộng 13m, được xây dựng vào thời Minh Thành Tổ (Minh Vĩnh Lạc, trị vì năm 1402 – 1424). Cổng mang tên sao Thiên Điền trên trời, thể hiện việc các hoàng đế thời xưa cúng tế Khổng Tử như cúng tế trời, tôn thánh như tôn thiên. Hai bên cửa Linh Tinh có hai tấm bia đá lớn đề hàng chữ "quan viên hãy xuống ngựa". Sau cửa thứ nhất tiếp tục là 2 cổng vòm nữa đến Thánh Thời Môn.


Linh Tinh Môn - Cổng chính vào Khổng Miếu, Khúc Phụ

Thánh Thời Môn
Thánh Thời Môn (Shengshi Gate/ Timeliness of the Sage Gate) là cổng vào sân thứ 2, được xây dựng vào năm 1415. Cổng này có 3 lối vào với mái vòm gạch sơn đỏ. Sau cổng là một vườn cây rộng rãi với 3 cây cầu đá (cầu Bishui) vượt qua một hào nước cảnh quan chạy theo hướng Đông – Tây. Cầu giữa dành cho Hoàng đế. Văn quan đi cầu bên trái và võ quan đi cầu bên phải.


Thánh Thời Môn tại Khổng Miếu, Khúc Phụ


Vườn cây sau Thánh Thời Môn và 3 cầu đá có tên cầu Bishui

Hoàng Đạo Môn
Hoàng Đạo Môn (Hongdao Gate) là cổng vào sân thứ 3, nằm tại phía Bắc của cầu Bishui, được xây dựng vào năm 1377, thời nhà Minh. Công trình là một tòa nhà 5 gian, hình mẫu cho cổng của các Khổng Miếu (Văn Miếu) tại khu vực Đông Á sau này.


Hoàng Đạo Môn tại Khổng Miếu, Khúc Phụ - hình mẫu cho cổng của các Văn Miếu

Đại Trung Môn
Đại Trung Môn (Dazhong Gate/ Central Harmony Gate) là cổng vào sân thứ 4, nằm tại chính giữa của Khổng Miếu. Công trình được xây dựng đầu tiên trong thời nhà Tống, được xây dựng lại vào năm thứ 13 triều đại nhà Minh (năm 1500). Hai bên Đại Trung Môn là hai tháp nằm tại hai góc sân. 


Đại Trung Môn tại Khổng Miếu, Khúc Phụ

Khuê Văn Các
Khuê Văn Các (Kuiwen Hall/ Star of Literature Pavilion) được xây dựng năm 1018, trùng tu năm 1504 vào thời nhà Minh và năm 1985, có chức năng là thư viện.
Khuê là chòm sao Khuê (với 16 ngôi sao bố cục giống chữ Văn ), một trong hai mươi tám chòm sao Trung Quốc Cổ đại, chủ quản sự hưng vong của văn chương dân gian, Trong văn hóa Đông Á, sao Khuê là biểu tượng của văn chương, học thuật.
Khuê Văn Các là tòa lầu bằng gỗ cao 23,35m, rộng 30,10m, sâu 17,62m, ba tầng mái cong. Đây là một trong những công trình với cấu trúc gỗ nổi tiếng tại Trung Quốc.


Khuê Văn Các tại Khổng Miếu, Khúc Phụ

Thập Tam Bi Đình
Tại Khổng Miếu có rất nhiều bia đá, tương truyền có đến hàng ngàn bia đá. Trên các tấm bia ghi lại các sự kiện liên quan đến việc xây dựng lại và cải tạo đền; ghi lại các văn bản ca ngợi Khổng Tử và sắc lệnh của các hoàng đế ban hiệu danh dự cho ông với hơn 50 tấm ngự bia.
Theo thời gian, một số bia đã di chuyển đến nơi khác. Các chữ khắc trên bia đá ngoài tiếng Hán còn có tiếng Trung Mông Cổ và tiếng Mãn Châu (Ngôn ngữ chính thức của nhà Thanh).
Thập Tam Bi Đình (Thirteen Stele Pavilions) là nơi đặt tập trung 13 nhà bia. Các nhà bia này bố trí thành hai cụm bia trong sân trong thứ 5 giữa Đại Thành Môn tại phía Bắc và Khuê Văn Các tại phía Nam.
Cụm bia phía Bắc có 5 nhà bia. Bia được dựng vào đời nhà Thanh. Các tấm bia có kích thước lớn được đỡ bởi rùa đá. Những bia này cao 3,8m – 4m. Rùa đá đỡ bia dài tới 4,8m. Một tấm bia (bao gồm bia, rùa, bệ đá) nặng đến 65 tấn.
Cụm bia phía Nam có 8 nhà bia. 4 bia trong đó được dựng vào triều đại nhà Kim và Nguyên. Các bia còn lại có từ thời nhà Thanh. Cụm bia phía Nam có kích thước nhỏ hơn cụm bia phía Bắc. Xung quanh còn có một số bia đá nhỏ không có bệ rùa, đặt ngoài trời.
Các tấm bia được tạo tác từ mỏ đá của núi Tây Sơn, Bắc Kinh và vận chuyển đến.




Các nhà bia Thập Tam Bi Đình tại Khổng Miếu, Khúc Phụ


Bia đá thời Nguyên tại Khổng Miếu, Khúc Phụ


Rùa đỡ bia đá thời Minh tại Khổng Miếu, Khúc Phụ


Rùa đỡ bia đá thời Thanh tại Khổng Miếu, Khúc Phụ


Các hàng bia đá ngoài trời tại Khổng Miếu, Khúc Phụ

Đại Thành môn
Đại Thành môn (Dacheng Gate/ Gate of Great Perfection) cổng vào sân trong trung tâm. Từ đây, Khổng Miêu chia thành 3 phần. Phần chính giữa thờ Khổng Tử và vợ. Phần phía Đông (Congsheng Temple) để thờ cúng tổ tiên. Phần phía Tây (Qisheng Hall) dành cho cha mẹ Khổng Tử. Phần phía Đông và phía Tây chia thành 3 lớp không gian (lớp không gian thứ 6, 7 và 8).


Đại Thành Môn tại Khổng Miếu, Khúc Phụ

Hạnh Đàn
Hạnh Đàn (Xing Tan Pavilion/ Apricot Platform) nằm giữa lớp sân trong trung tâm, là một tòa đình cổ hình vuông, bên trong dựng một tấm bia đá. Trên bia có hai chữ Hán là “Hạnh Đàn”. Tương truyền, nơi đây thời trước Khổng Tử dạy học, xung quanh đều trồng cây hạnh.


Hạnh Đàn tại Khổng Miếu, Khúc Phụ

Đại Thành Điện
Đại Thành Điện (Dacheng Hall) là chủ thể chính của Khổng Miếu, của lớp không gian trung tâm (lớp 6,7,8). Tổ hợp công trình được xây dựng từ thời nhà Tống, nhưng đến thời Ung Chính (nhà Thanh) mới được trùng tu thành quy mô lớn. Công trình là nơi thờ cúng chính Khổng Tử, nơi đẹp đẽ và trang nghiêm nhất của Khổng Miếu. Công trình có kích thước 54m x 34m, kể cả nền đế cao khoảng 32m, có kết cấu chịu lực chính gồm 28 cột trụ bằng đá địa phương, được chạm khắc và trang trí vô cùng phong phú. Cột cao 6m, đường kính 0,8m. Trong số đó có 10 cột trụ ở phía trước được trang trí bằng hình rồng cuộn mây cực kỳ tinh xảo, tạo hình sinh động, mạnh mẽ, được xem là kiệt tác điêu khắc đá Cổ đại Trung Hoa. Có 9 ban thờ và 17 bức tượng. Chính giữa đại điện là tượng Khổng Tử bề thế, cao 3,35m; hai phía Đông, Tây là tượng học trò Khổng Tử như: Nhan Hồi, Khổng Cấp, Tăng Sâm, Mạnh Kha và tượng của “mười hai bậc hiền triết” (Thập nhị triết).
Hai bên phía Đông và Tây không gian Đại Thành Điện là 3 lớp không gian phụ, bố trí các tòa nhà thờ hậu duệ của Khổng Tử. 


Đại Thành Điện, thánh đường chính của Đền Khổng Tử, Khúc Phụ


Cột đá chạm rồng tại Đại Thành Điện, Đền Khổng Tử, Khúc Phụ


Bàn thờ Khổng Tử trong Đại Thành Điện tại Đền Khổng Tử, Khúc Phụ


Hành lang bao quanh Đại Thành Điện tại Đền Khổng Tử, Khúc Phụ

Tẩm điện
Tẩm điện (Resting Hall/Chamber Hall) là nơi nghỉ ngơi, dành riêng cho vợ Khổng Tử. Công trình nằm tại phía Bắc của Đại Thành điện, có cấu trúc như một cung điện của hoàng hậu. Công trình được xây dựng vào năm 1018 thời nhà Tống, sau đó được tái thiết vào năm 1730 thời nhà Thanh. Phía sau Tẩm Điện là lớp sân trong thứ 9. 


Tẩm Điện tại Đền Khổng Tử, Khúc Phụ

Nghĩa trang dòng họ Khổng
Nghĩa trang dòng họ Khổng hay Khổng Lâm (Cemetery of Confucius), còn có tên là Chí Thánh Lâm, nằm tại phía Bắc và cách thành phố Khúc Phụ 1km. Tại đây có mộ của Khổng Tử và hơn 100.000 ngôi mộ của một số đệ tử, các hậu duệ của ông.
Khổng Lâm là một trong những nghĩa trang dòng họ có lịch sử dài nhất từ trước đến nay và cũng là khu lăng mộ của một danh gia vọng tộc lớn nhất ở Trung Quốc, được duy trì hơn 2500 năm, bảo tồn một cách hoàn chỉnh nhất.
Nghĩa trang đã trải qua 13 lần cải tạo và mở rộng. Năm 1331, công trình được xây dựng thêm cổng và tường bảo vệ. Vào cuối thế kỷ 18, các bức tường bao quanh nghĩa trang đạt tới chiều dài khoảng 5591m, cao 4m, bao quanh một diện tích khoảng 162ha. Nghĩa trang bị tàn phá nghiêm trọng trong cuộc Cách mạng Văn hóa vào năm 1966.
Khổng Lâm được sắp đặt theo phong cách thời Tống, Nguyên với những con đường uốn lượn quanh co men theo hàng cây bách tuế.
Qua cổng lớn của Khổng Lâm, đi về hướng Bắc là cổng thứ 2 có kiến trúc giống như một tòa lâu đài, được gọi là “Quan lầu”. Phía dưới tường lầu có một dòng sông nhỏ gọi là Châu Thủy. Qua cầu Châu Thủy là đến Hương Điện - nơi hương khói cho các tiền nhân.
Đằng sau Hương Điện là lăng mộ của Khổng Tử. Mộ nằm ở trung tâm của Khổng Lâm, có tường đỏ bao bọc, trước mộ là tấm bia đá lớn khắc 8 chữ “Đại thành chí thánh Văn Tuyên Vương mộ”.
Phía Đông mộ Khổng Tử là mộ của con trưởng Khổng Lý, phía Nam là mộ của trưởng tôn Khổng Cấp.
Phía Tây mộ Khổng Tử là một ngôi nhà nhỏ 3 gian, gọi là “Tử Cống lư mộ địa”. Tương truyền khi Khổng Tử qua đời, các đệ tử đều đến chịu tang giữ mộ 3 năm rồi đi, duy có Tử Cống ở lại thủ tang thêm 3 năm nữa. Người đời sau kỷ niệm việc này mới làm nhà lập bia thờ.
Tại đây, ngoài lăng mộ của Khổng Tử, còn có nhiều ngôi mộ bề thế của các hậu duệ của Khổng Tử và công trình kiến trúc phụ như điện thờ, cầu Mạt Thủy, nhà Vu Thị...
Khổng Lâm còn có các loại cây như tùng, bách, hoàng liên và nhiều cây khác với hàng ngàn cây to cao, xanh tốt bố trí hài hòa, sinh động với lăng mộ; bia đá; tượng đá người, ngựa và muông thú.
Khổng Lâm đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu phong tục an táng của các triều đại phong kiến Trung Quốc. 


Cổng nghĩa trang dòng họ Khổng, Khổng Lâm, Khúc Phụ


Mộ Khổng Tử tại Khổng Lâm, Khúc Phụ


Bên trong Khổng Lâm, Khúc Phụ

Dinh thự dòng họ Khổng
Dinh thự dòng họ Khổng hay Khổng Phủ (Kong Family Mansion), còn được gọi là Diễn Thánh phủ, nằm tại phía Đông của Khổng Miếu, là nơi cư trú của các đời trưởng tôn của Khổng Tử. Xưa kia, nơi này gắn với Khổng Miếu.
Bắt đầu từ đời Tây Hán (năm 206 TCN - 25 sau Công nguyên), các hoàng đế phong kiến luôn tiến hành gia phong đối với Khổng Tử và trưởng tôn của ông.
Năm 739, vua Đường Huyền Tông phong tặng Đức Khổng Tử là Văn Tuyên Vương, tượng thờ ông được mặc phẩm phục Hoàng đế, tặng cho các đệ tử các tước: Công, Hầu, Bá.
Năm 1008, vua Tống Chân Tông phong Khổng Tử là: Đại Thánh Văn Tuyên Vương, phong cho cha Khổng Tử là Lỗ Công, mẹ là Lỗ Phu Nhân, vợ là Bà Thượng Quan Thị làm Vân Phu Nhân, và ra lệnh cho các tỉnh lập miếu thờ ông.
Năm 1560, vua Minh Thế Tông phong tặng ông là Chí Thánh Tiên Sư.
Năm 1645, vua Thanh Thế Tổ phong ông là Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương Thánh Sư Khổng Phu Tử.
Hậu duệ chính thống của Khổng Tử cũng luôn được thiên hạ tôn kính. Các triều đại quân chủ thường liệt họ vào hàng quý tộc và ban thực ấp cũng như quan tước tùy khả năng.
Đầu tiên, Hán Cao tổ phong cho cháu đời thứ 9 của Khổng Tử là Khổng Đằng chức "Phụng Tự quân", trông coi việc tế giỗ Khổng Tử.
Đến đời Hán Nguyên đế phong cho Khổng Bá, cháu đời thứ 13 tước "Bao Thành hầu". Họ Khổng được phong tước Hầu cả thảy 35 lần kể từ thời nhà Hán.
Đến thời Đường, Đường Huyền Tông đã thăng cho dòng họ Khổng Tử từ hầu tước lên công tước, phong tước "Văn Tuyên công" cho Khổng Chi, cháu đời thứ 35. Đến năm 1055, Hoàng đế Tống Chân Tông cải phong thành tước "Diễn Thánh công" cho Khổng Thánh Hữu, cháu đời thứ 46. Tính tổng cộng, họ Khổng tiếp tục được gia phong tước Công 42 lần từ đời Nhà Đường tới thời Nhà Thanh.
Cùng với việc thăng quan tiến chức của con cháu Khổng Tử, quy mô kiến trúc của Khổng Phủ không ngừng mở rộng qua các thời Tống, Minh, Thanh.
Sau khi Khổng Tử mất, con cháu hậu thế gìn giữ và bảo quản những di vật của Khổng Tử và dòng họ Khổng.
Khổng Phủ được đánh giá là “Thiên hạ đệ nhất gia”. Khổng phủ về cơ bản có bố cục điển hình của của trang viên quý tộc, địa chủ phong kiến theo kiến trúc thời nhà Minh, Thanh: Phía trước là nha môn (nơi xử lý công vụ), tiếp sau là nơi sinh hoạt thường ngày, cuối cùng là hoa viên.
Tại đây có các công trình đình, đền, lầu, tổng cộng 170 tòa nhà với khoảng 480 phòng,diện tích 12470m2, bố cục xung quanh 9 sân. Cấu trúc cao nhất là tháp cao 4 tầng (tháp trú ẩn).
Hoa viên trong phủ có tên gọi là Thiết Sơn Viên, với những ngọn núi giả, ao cá, khóm hoa, rừng trúc và các bồn cây cảnh. Đặc biệt là tại đây có một loại cây kỳ lạ có tên là “Ngũ bách bão hòe” - loại cây này sinh trưởng phân thành 5 nhánh, là một trong những loại cây hiếm có trên thế giới.
Khổng Phủ lần đầu tiên được xây dựng vào năm 1038, thời nhà Tống. Năm 1377 công trình được xây dựng lại dưới thời nhà Minh. Năm 1503 công trình được mở rộng với chín sân trong tương tự như Khổng Miếu tại lân cận. Năm 1838, vào thời nhà Thanh, công trình được cải tạo lại.
Toàn bộ Khổng Phủ được xem như là một bảo tàng, lưu giữ được không ít những văn vật quý hiếm, như các hiện vật bằng đồng của thời Thương - Chu; trang phục thời Nguyên - Minh, thư họa cổ đại, các con dấu bằng ngọc của danh nhân, các sản  phẩm đồ men sứ ... Ngoài ra, đây còn là kho lưu trữ các văn bản thời Minh, Thanh.
Khổng Phủ được xem là nơi sưu tập các cổ vật lịch sử, nổi tiếng nhất là “Thương Chu thập khí”, còn có tên khác là “ thập cung”, với hình thức cổ kính, trang trí tinh tế, nguyên dạng bằng đồng. Vua Càn Long nhà thời Thanh đã nhiều lần đến thưởng ngoạn tại Khổng phủ.
Từ thời Minh Gia Tĩnh (1534 - 1948) Khổng phủ là nơi gìn giữ tư liệu với nội dung phong phú, phản ánh những góc độ khác nhau của Trung Hoa Cổ đại, từ chính trị, kinh tế đến tư tưởng, văn hóa và mang một giá trị lịch sử quan trọng.


Sơ đồ Khổng Phủ, Khúc Phụ

Cấu trúc của Khổng Phủ theo trục từ Nam tới Bắc gồm:

Khu vực nha môn
Khu vực nha môn bao gồm các hạng mục công trình chính:
Cổng Chính hay Đại Môn Khổng phủ (Main Gate) nổi bật với bảng hiệu "Thánh phủ".
Sân trung tâm (Central Courtyard) được hình thành bởi các tòa nha môn với cấu trúc tương tự theo "Tam tỉnh lục bộ". 
Cổng Đôi hay Trùng Quang Môn (Gate of Double Glory) nằm ở phía Bắc của Sân trung tâm. Công trình được xây dựng vào năm 1503 và chỉ mở trong các nghi lễ cao cấp hay có sự viếng thăm của hoàng đế và tiếp nhận các sắc lệnh của quốc gia. Cổng rộng rộng 6,24 mét, dày 2,03 mét và cao 5,95 mét. Cổng còn được gọi là Nghi môn hay Tái môn.
Đại Sảnh (Great Hall) là địa điểm kinh doanh chính thức của công tước dòng họ Khổng Tử và nơi dành cho việc loan báo sắc lệnh hoàng gia. Khi cầm quyền, công tước ngồi ở hành lang trên một chiếc ghế gỗ được bao phủ bởi da hổ.
Nhị Điện (Second Hall) được sử dụng để tiếp đón các quan chức cấp cao cũng như các sự kiện âm nhạc và nghi thức hoàng gia. Tại đây có 7 bút tích của các hoàng đế, trong đó có một chữ "thọ" của Từ Hi Thái hậu, nhà Thanh.
Tam Điện (Third Hall) được sử dụng như một phòng trà.


Lối vào Khổng Phủ, Khúc Phụ

Trùng Quang Môn tại Khổng Phủ, Khúc Phụ


Hệ thống các sân trong bên trong Khổng Phủ, Khúc Phụ


Tòa Đại sảnh trong Khổng Phủ, Khúc Phụ

Khu vực nhà ở
Cổng vào khu vực bên trong hay Nội trạch môn (Gate to the Inner Apartments) được xây dựng từ thời nhà Minh, rộng 11,8m, dày 6,1m và cao 6,5m. Trong thời gian gia tộc họ Khổng lưu trú, cổng được bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế sự tiếp cận tới các khu nhà ở của dinh thự trừ một số người và một số nữ hầu. Nước uống được đưa qua một cái một hệ thống đường rãnh đặt trong tường.
Tiền Thượng Phòng (Front Reception Hall) là một cấu trúc được sử dụng để tiếp đón người thân, chiêu đãi, hôn nhân, tang lễ.
Tiền Đường Lâu (Front Main Building) được xây dựng lại dưới thời nhà Thanh sau khi cấu trúc cũ bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn 1886. Đây là nơi chứa các phòng riêng của vợ và các thê thiếp của Diễn Thánh Công.
Hậu Đường Lâu (Rear Building) được xây dựng vào thời hoàng đế Gia Khánh (1789–1796), rộng 3900m2, là nơi ở của Diễn Thánh Công. 
Hậu Ngũ Gian (Rear Five Rooms) là nơi ở cho những người hầu gái vào thời nhà Thanh.


Nội thất Tiền Đường Lâu tại Khổng Phủ, Khúc Phụ


Hậu Đường Lâu trong Khổng Phủ, Khúc Phụ


Tháp Trú Ẩn, công trình cao nhất trong trong Khổng Phủ, Khúc Phụ


Máng dẫn nước sinh hoạt tại Khổng Phủ, Khúc Phụ

Khu vực Hậu Hoa Viên
Hậu Hoa Viên còn được gọi là Thiết Sơn viên (Back Garden) được xây dựng vào năm 1503 và đã được tân trang lại nhiều lần. Tại đây có Hoa Sảnh, một cấu trúc lớn ở phía Bắc khu vườn. 


Hậu Hoa Viên tại Khổng Phủ, Khúc Phụ

Di sản Khổng Miếu, Khổng Lâm và Khổng Phủ (Tam Khổng) tại Khúc Phụ, Sơn Đông thể hiện giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống Trung Quốc - Nho giáo.
Khổng Miếu phản ánh vị trí tối cao của Nho giáo trong văn hóa truyền thống Trung Quốc.
Khổng Phủ là nơi làm việc và cư trú của hậu duệ trực tiếp của Khổng Tử, là bằng chứng về sự nổi tiếng của của dòng họ Khổng Tử trong xã hội truyền thống Trung Quốc với vai trò nổi bật của Khổng giáo.
Khổng Lâm như một nghĩa trang cho Khổng Tử và con cháu của ông, cung cấp bằng chứng vật chất không thể thiếu và quan trọng nhất cho sự phát triển của dòng họ Khổng.
Những hiện vật hiện đang được lưu giữ ở hơn 300 địa điểm, 1300 không gian kiến trúc trong Tam Khổng đều hàm chứa giá trị cao về lịch sử, khoa học, văn hóa và nghệ thuật, phản ánh chân thực mọi mặt xã hội thời kỳ Kim, Nguyên, Minh, Thanh.
Hơn 1000 bức tranh, các vật dụng sinh hoạt, cột chạm rồng với kỹ thuật khắc đá tinh xảo phát triển qua các thời kỳ, đã khắc họa toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Khổng Tử; 5000 bia đá của các triều đại từ Tây Hán đến nay là báu vật sống về nghệ thuật thư pháp, là tư liệu quý nghiên cứu về Trung Quốc thời kỳ Cổ đại từ chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa đến kiến trúc, nghệ thuật; hơn 10 vạn lăng mộ là những giá trị vật chất quan trọng minh chứng cho sự tồn tại và phát triển của một danh gia vọng tộc Trung Quốc;
Hơn 10 vạn bộ sưu tập hiện vật, trong đó đặc biệt là bộ sưu tập về trang phục thời Nguyên, Minh, có giá trị cao cho việc nghiên cứu nghệ thuật may mặc, dệt vải thời Cổ đại. Hình ảnh của Khổng tử, chân dung của Diễn Thánh Công phu nhân, 30 vạn cuốn sách thời Minh, Thanh là những tư liệu phong phú, đặc biệt quan trọng để nghiên cứu giai đoạn lịch sử này.
Hơn 1700 gốc cây cổ thụ tại đây không những đã chứng kiến lịch sử phát triển của Tam Khổng mà đồng thời còn là tài liệu quý để nghiên cứu khí hậu học và sinh thái học của thời Cổ đại tại vùng đất Trung Hoa. 

Vào năm 1965, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đến thăm Khổng Miếu tại Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc và để lại bài thơ chữ Hán:

Phỏng Khúc Phụ:

Ngũ nguyệt thập cửu phỏng Khúc Phụ,
Cổ tùng cổ miếu lưỡng y hi.
Khổng gia thế lực kim hà tại,
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.

Dịch nghĩa:
Thăm Khúc Phụ
Ngày 19 tháng 5 thăm Khúc Phụ,
Cây thông già và ngôi miếu cổ đều đã mờ nhạt.
Uy quyền họ Khổng giờ ở đâu?
Chỉ còn chút ánh nắng tà chiếu trên tấm bia cũ.

Tự dịch:
Thăm Khúc Phụ
Mười chín tháng năm thăm Khúc Phụ
Miếu xưa, thông cổ vẫn còn đây
Đức tin họ Khổng nơi đâu tỏ?
Vương lại bia xưa vết nắng chiều 

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
https://whc.unesco.org/en/list/704
https://en.wikipedia.org/wiki/Confucius
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_and_Cemetery_of_Confucius_and_the_Kong_Family_Mansion_in_Qufu
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Confucius
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Confucius,_Qufu
https://en.wikipedia.org/wiki/Cemetery_of_Confucius
https://en.wikipedia.org/wiki/Kong_Family_Mansion
https://vi.wikipedia.org/wiki/Kh%E1%BB%95ng_T%E1%BB%AD

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi


  
Cập nhật ( 17/09/2020 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:
“ Nhiệm vụ của thanh niên không phải là đòi hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà?”
 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com