Thông tin chung:
Công trình: Chùa hang Seokguram và Chùa Bulguksa (Seokguram Grotto and Bulguksa Temple)
Địa điểm: Gyeongju, Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc (N35 46 60 E129 20 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô:
Năm hình thành: Thế kỷ 8
Giá trị: Di sản thế giới (1995; hạng mục i, iv)
Hàn Quốc (South Korea) là một quốc gia ở Đông Á, nằm tại phần phía Nam bán đảo Triều Tiên; có biên giới trên bộ là Bắc Triều Tiên. Tên Hàn Quốc - Korea có nguồn gốc từ Goguryeo, một trong những cường quốc xưa ở Bán đảo Triêu Tiên và Đông Á.
Hàn Quốc có diện tích khoảng 100.363 km2, dân số khoảng 51,7 triệu người (năm 2019). Ngôn ngữ chính thức là tiếng Hàn; Thủ đô là thành phố Seoul.
Hàn Quốc chia thành 8 tỉnh, 1 tỉnh tự trị đặc biệt, 6 thành phố đô thị, 1 thành phố đặc biệt và 1 thành phố tự trị đặc biệt.
Bán đảo Triều Tiên có người ở ngay từ thời kỳ Đồ đá cũ và trải qua các thời kỳ:
Vương quốc thời kỳ đầu Gojoseon (First Kingdom) được cho là thành lập vào năm 2333 trước Công nguyên, song Gojoseon được nhắc đến lần đầu tiên trong các ghi chép của Trung quốc Cổ đại là vào đầu thế kỷ thứ 7 TCN.
Thời kỳ Tam Quốc của Hàn Quốc (Three Kingdoms of Korea) đề cập đến 3 vương quốc: Baekje (Bách Tế), Silla (Tân La) và và Goguryeo (Cao Câu Ly). Goguryeo sau này được gọi là Goryeo và từ đó có tên Korea hiện đại. Thời kỳ Tam Quốc kéo dài từ năm 57 TCN đến năm 668 sau Công nguyên. Tại phía Nam, kề liền với vương quốc Baekje và Silla có một thị quốc tên là Gaya, tồn tại năm 42 – 562, sau đó bị vương quốc Silla thôn tính.
Vương quốc Baekje và Silla thống trị nửa phía Nam bán đảo Triều Tiên và Tamna (đảo Jeju). Vương quốc Goguryeo kiểm soát bán đảo Liaodong, Mãn Châu và nửa phía Bắc bán đảo Triều Tiên.
Thời kỳ Vương quốc Bắc- Nam (North-South Kingdoms) tồn tại vào năm 698 - 926.
Tại miền Nam bán đảo Triều Tiên, vương quốc Sila chinh phục vương quốc Baekje và một phần vương quốc Goguryeo tạo thành một quốc gia thống nhất. Để phân biệt, vương quốc Sila giai đoạn này còn được gọi là vương quốc Tongilsilla (vương quốc Sila thống nhất; Later Silla).
Tại miền Bắc bán đảo Triều Tiên, vương quốc Balhae (Bột Hải) được thành lập. Đây là vương quốc đa sắc tộc bao gồm các dân tộc tại bán đảo Triều Tiên, Mãn Châu và Viễn Đông nước Nga. Năm 926, vương triều Balhae bị nhà Liêu (Khiết Đan, phía Đông Bắc Bắc Kinh hiện nay, tồn tại năm 916 – 1125) thôn tính.
Thời kỳ Vương triều Goryeo (Goryeo Dynasty) tồn tại vào năm 918 - 1392. Trong thời kỳ này, vương quốc Sila lụi tàn, vương quốc Baekje và vương quốc Goguryeo xưa lại trỗi dậy. Vương quốc Goguryeo dần lớn mạnh, chinh phục và sát nhập vùng đất của Sila và Baekje tạo thành một vương triều Goryeo mới và cân bằng quyền lực tại khu vực Đông Á giữa vương triều Goryeo, Liao (nhà Liêu, tồn tại năm 916 - 1125) và Song (nhà Tống, tồn tại năm 960–1279).
Thời kỳ vương triều Goryeo là "Thời kỳ hoàng kim của Phật giáo" tại Hàn Quốc. Phật giáo là quốc giáo và đã đạt được mức độ ảnh hưởng cao nhất trong lịch sử Hàn Quốc, với 70 ngôi chùa ở thủ đô trong thế kỷ 11.
Thương mại phát triển mạnh tại vương triều Goryeo với các thương nhân đến từ bên ngoài.
Ngoài ra, Goryeo là thời kỳ có nhiều thành tựu lớn trong nghệ thuật và văn hóa Hàn Quốc, trong đó nổi bật là các bản khắc bằng kim loại in kinh Phật (trước cả 200 năm so với việc in sách bằng các bản in kim loại tại châu Âu). Vào thế kỷ 13, vương triều Goryeo trở thành một quốc gia bán tự trị thuộc Đế quốc Mông Cổ (Mongol Empire, tồn tại năm 1206–1368).
Thời kỳ Vương triều Joseon (Joseon Dynasty) tồn tại vào năm 1392 - 1897. Sau khi lật đổ vương triều Goryeo, nhà Joseo chuyển thủ đô từ Kaesong đến Hanyang (Seoul ngày nay). Đây là thời kỳ Nho giáo Trung Quốc thống trị trong xã hội Triều Tiên. Trong thời kỳ này, văn hóa, thương mại, văn học, khoa học và công nghệ cổ điển đạt đến đỉnh cao và để lại một di sản lớn về văn hóa, nghi thức, chuẩn mực xã hội cho Triều Tiên hiện đại.
Vương triều Joseon là triều đại phong kiến Nho giáo cầm quyền lâu nhất tại Triều Tiên.
Thời kỳ Đế quốc Triều Tiên (Korean Empire) tồn tại trong một thời gian ngắn, từ năm 1897 – 1910. Đây là thời kỳ tiếp nối vương triều Joseon, kết thúc khi Nhật Bản xâm chiếm và thôn tính Triều Tiên vào tháng 8/1910.
Ngày 15/8/1945, Triều Tiên tuyên bố độc lập khỏi sự thống trị của Nhật Bản.
Sau Thế chiến thứ 2, Hàn Quốc bị chia thành hai phần, miền Bắc do Liên Xô quản lý và miền Nam do Hoa Kỳ quản lý. Năm 1953 xảy ra Chiến tranh Triều Tiên giữa hai miền Nam Bắc Triều Tiên.
Ngày nay, bán đảo Triều Tiên gồm 2 quốc gia: Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) và Hàn Quốc (Nam Triều Tiên).
Sơ đồ vị trí vương quốc Silla, thời Tam quốc Triều Tiên
Bản đồ Hàn Quốc và vị trí của tỉnh North Gyeongsang
Gyeongju là một thành phố ven biển tại phía Đông Nam tỉnh Bắc Gyeongsang (North Gyeongsang, còn được gọi là Gyeongbuk). Xưa kia đây là thủ đô của vương quốc Silla. Vương quốc này tồn tại từ năm 57 trước Công nguyên đến năm 935 sau Công nguyên, bao gồm khu vực tại phía Nam và trung tâm bán đảo Triều Tiên. Silla cùng với Baekje và Goguryeo tạo thành thời kỳ Tam quốc Triều Tiên.
Trong gần 1 ngàn năm tồn tại, cố đô Gyeongju còn lưu giữ được nhiều địa điểm khảo cổ và di sản văn hóa, trong số đó nổi bật là Chùa hang Seokguram và Chùa Bulguksa.
Chùa hang Seokguram và Chùa Bulguksa nằm trên sườn núi Tohamsan, trong Công viên quốc gia Gyeongju (Gyeongju National Park). Đây là Công viên lịch sử quốc gia duy nhất của Hàn Quốc, được thành lập vào năm 1968, có diện tích khoảng 137,09 km2.
Cả hai công trình đều do tể tướng Kim Dae-seong (700–774), của vương triều Silla xây dựng. Theo truyền thuyết, Dae-seong đã cho xây dựng Chùa Bulguksa để tưởng nhớ cha mẹ mình trong kiếp sống hiện tại và Chùa hang Seokguram để tưởng nhớ cha mẹ kiếp trước của mình.
Chùa hang Seokguram và Chùa Bulguksa được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Chùa hang Seokguram, với tượng Đức Phật Thích Ca (Buddha) được bao quanh bởi các vị Bồ Tát (Bodhisattvas); mười môn đồ (Disciples); tám người bảo vệ (Divine Guardians); hai vị thần (Devas); hai vị Bồ Tát Kim Cương Thủ (Vajrapanis). Tất cả đều được khắc từ đá hoa cương trắng, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong Nghệ thuật Phật giáo Đông Á.
Tiêu chí (iv): Chùa hang Seokguram, với hang động nhân tạo và tác phẩm điêu khắc bằng đá, và Chùa Bulguksa liên quan với kiến trúc bằng gỗ và sân đá, là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc Phật giáo ở Gyeongju, thủ đô của vương quốc Silla, như là một biểu hiện vật chất của niềm tin Phật giáo vào thế kỷ 8.
Sơ đồ vị trí khu vực Di sản
Chùa hang Seokguram
Chùa hang Seokguram nằm cách 4km về phía Đông của Chùa Bulguksa, gần đỉnh núi Tohamsan, tại độ cao 750m so với mực nước biển. Chùa quay mặt ra biển Đông, xuống một thung lũng dài ra đến biển.
Ngôi chùa không chỉ là nơi thờ cha mẹ của vị tể tướng mà còn là một bằng chứng về sự chấp nhận ngày càng tăng vai trò của Phật giáo như là một hệ tư tưởng của chính thể thời bấy giờ.
Người Hàn Quốc không sử dụng các hang đá tự nhiên để làm chùa như trong các quốc gia khác mà xây dựng các hang động nhân tạo từ các khối đá. Chùa hang Seokguram được cho là một trong những ngôi chùa trong hang vĩ đại nhất tại Hàn Quốc.
Chùa hang Seokguram có cấu trúc mang đậm tính biểu tượng: Khối hình chữ nhật bên ngoài tượng trưng cho trái đất. Khối tròn với mái vòm, đường kính 6,58 – 6,84m, tượng trưng cho thiên đường Phật giáo. Nối hai khối là một hành lang, tượng trưng cho sự kết nối giữa trái đất và thiên đường.
Mái vòm trần hang và hành lang được lắp ghép (xây dựng không cần vữa) từ 360 miếng đá granit trắng với nhiều hình dạng và kích cỡ, kết nối với nhau bằng các chốt đá, thể hiện một kỹ thuật xây dựng đầy sáng tạo.
Chùa còn được thiết kế đảm bảo thông thoáng tự nhiên và đưa tia nắng mặt trời vào sâu trong chùa, chiếu sáng các bức tượng, phù điêu trang trí bên trong.
Giữa của khối tròn là một tượng Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi, cao khoảng 3,5m, trên một bệ hình hoa sen cao khoảng 1,34m. Biểu tượng hào quang không gắn vào mặt sau của đầu tượng mà bố trí trên bức tường phía sau.
Đây được cho là một trong những tượng Phật bằng đá đẹp nhất và ấn tượng nhất tại Hàn Quốc.
Ngoài ra, trong chùa còn có các bức chân dung điêu khắc của các vị bồ tát, môn đệ và cận vệ tại các bức tường xung quanh, thể hiện triết học và thẩm mỹ Phật giáo.
Tất cả tượng, phù điêu đều được chạm khắc từ đá granit trắng mịn với một mức độ hoàn hảo về kỹ năng, là tinh hoa của nghệ thuật tại vương quốc Silla và là một trong những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc đá và nghệ thuật Phật giáo Đông Á.
Chùa được sửa chữa, cải tạo vào những năm 1703 và 1758. Sau này, vào giai đoạn các nhà cai trị theo Khổng giáo, ngôi chùa bị bỏ hoang và bị sụp đổ một phần mái vòm vào đầu thế kỷ 20, do độ ẩm ngưng tụ và sự xâm nhập của nước.
Năm 1913 – 1915, người Nhật đã tiến hành sửa chữa công trình, song không nghiên cứu đầy đủ cấu trúc của hang động. Hang bị tháo dỡ hoàn toàn và lắp ráp lại; Để ổn định, người ta đã bọc các cấu trúc trong bê tông khiến các cấu trúc không còn có thể “thở”. Kết quả là sự tích tự độ ẩm và rò rỉ nước. Người ta còn dùng cả biện pháp quét nhựa đường chống thấm cho bề mặt bê tông, phun hơi nóng để làm sạch nấm mốc…Công trình tiếp tục xuống cấp.
Vào những năm 1960, người Hàn Quốc đã phục dựng lại công trình, xây dựng bổ sung một mái che bên ngoài chùa (hiện vẫn còn gây tranh luận về việc ngăn cản cảnh ánh sáng bình minh trên đại dương chiếu vào bên trong chùa và hạn chế lưu thông không khí vào hang).
Chùa hang Seokguram được ghi nhận là Bảo vật quôc gia số 24 của Hàn Quốc.
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Di sản chùa hang Seokguram
Nhìn ra biển từ Di sản chùa hang Seokguram
Lối vào Di sản chùa hang Seokguram với mái che bổ sung sau này.
Cấu trúc xây dựng bằng đá không cần vữa với các chốt liên kết tại Di sản chùa hang Seokguram
Bên trong Di sản chùa hang Seokguram, nhìn từ hành lang vào nơi thờ Phật.
Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bên trong Di sản chùa hang Seokguram
Hai chạm khắc đồng bên trong Di sản chùa hang Seokguram
Tháp chuông Di sản chùa hang Seokguram
Chùa Bulguksa
Chùa Bulguksa hay Phật Quốc tự có mối quan hệ chặt chẽ với Chùa hang Seokguram cả về yếu tố xây dựng, lịch sử và văn hóa.
Công trình được xây dựng vào năm 751, hoàn thành vào năm 774. Trước đó, tại đây đã có một ngôi chùa nhỏ được xây dựng vào năm 582.
Những năm sau này, chùa được cải tạo, mở rộng. Các tòa nhà bằng gỗ trong chùa bị đốt cháy trong cuộc chiến tranh Nhật Bản-Triều Tiên năm 1592-1598. Chùa được tái thiết lại vào năm 1604 và được mở rộng nhiều lần cho đến năm 1805. Sau Chiến thanh thế giới lần thứ 2 và chiến tranh Triều Tiên, Chùa Bulguksa được phục hồi vào những năm 1966 – 1973, tạo nên diện mạo của chùa hiện nay.
Chùa được coi là danh lam thắng cảnh và lịch sử số 1 của Hàn Quốc, là kiệt tác thời vàng son của nghệ thuật Phật giáo tại vương quốc Silla. Tại đây chứa tới 8 Bảo vật quốc gia Hàn Quốc (National Treasure South Korea).
Chùa Bulguksa là một ngôi chùa tổ của tông phái Jogye (Jogye Order), Phật giáo Hàn Quốc, là một khu phức hợp bao gồm một loạt các tòa nhà bằng gỗ trên các tầng bệ bằng đá.
Các công trình chính trong tổ hợp gồm:
- Tòa nhà Daeungjeon (Hall of Great Enlightenment), là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng trưng cho thế giới hiện tại;
- Tòa nhà Geugnakjeon (Hall of Supreme Bliss), nơi thờ Đức Phật A Di Đà, tượng trưng cho thiên đường sau khi chết;
- Tòa nhà Gwaneumjeon (Hall of Avalokitesvara Bodhisattva), nơi thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, tượng trưng cho lòng trắc ẩn và an lành;
- Tòa nhà Birojeon (Vairocana Buddha Hall), nơi thờ Phật Vairocana, tượng trưng cho sự thật tuyệt đối.
Sơ đồ tổng mặt bằng Di sản chùa Bulguksa
Phối cảnh và sơ đồ tổng thể Di sản chùa Bulguksa
Trang trí mái các tòa nhà trong khu Di sản chùa Bulguksa
Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Khu vực tòa nhà Daeungjeon nằm trên một tầng sân hay tầng bệ bằng đá. Bệ đá được hình thành bởi các trụ đá tiết diện hình vuông tạo thành hệ khung, phần giữa chèn đá. Các khung đá này được liên kết với nhau bằng các chốt đá.
Khu vực tòa nhà Daeungjeon là một cụm công trình có mặt bằng hình chữ nhật, tạo bởi hệ thống hành lang cầu, chia thành hai sân trong.
Lên được sân hay tầng bệ của cụm công trình thông qua cầu thang 33 bậc, tương ứng với 33 bước để giác ngộ trong Phật giáo. Bậc chia thành hai phần: Bậc thang phần dưới Cheongungyo (Blue Cloud Bridge) dài 6,3m và có 17 bậc; Bậc thang phần trên Baegungyo (White Cloud Bridge) dài 5,4m, có 16 bậc.
Bậc thang dẫn đến cổng Jahamun (Mauve Mist Gate), từ đó vào sân trong thứ nhất và hệ thống nhà cầu.
Bậc thang được xây dựng vào những năm 750, hiện được gọi là Bảo vật quôc gia số 23.
Bậc lên Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Giữa sân trong thứ nhất của Khu vực tòa nhà Daeungjeon có hai tháp đá Dabotap và Seokgatap.
Tháp Dabotap nằm bên phải, đối diện là tháp Seokgatap.
Tháp Dabotap được cho là xây dựng vào năm 751, có 4 tầng tháp, cao 10,4m, được trang trí rất công phu, hiếm thấy tương tự tại các quốc gia Phật giáo khác. Kỹ thuật điêu khắc tinh tế như vậy chỉ thể hiện duy nhất vào thời điểm thế kỷ thứ 8 tại Triều Tiên.
Tháp đặt trên một bệ, bốn phía có bậc lên. Giữa lối lên là 4 con sư tử đá (hiện chỉ còn một con).
Phần tầng hai của tháp được đỡ bằng bốn cột trụ vuông. Mặt bằng tầng hai hình vuông, bao quanh bằng lan can đá. Bên trong là khối thân tháp hình bát giác có các hàng cột nhỏ bao quanh.
Phần tầng ba của tháp có mặt bằng hình bát giác, bao quanh bằng lan can đá. Bên trong là thân tháp và tám cột đá hình đốt cây tre đỡ tầng trên là một bệ hoa sen.
Phần tầng bốn của tháp là bệ hoa sen hình bát giác được chạm khắc với 16 cánh hoa. Từ đây có trụ đỡ mái mặt bằng hình bát giác. Trên đỉnh mái là một cột đá, được chia thành nhiều khúc bởi các đĩa tròn.
Ngôi tháp Dabotap được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 20 và được lưu trên mặt tiền đồng xu 10 won, Hàn Quốc.
Tháp đá Seokgatap được xây dựng vào năm 751, cao 8,2m.
Tháp mặt bằng hình vuông, có 4 tầng tháp, hình dáng đơn giản như tương phản với hình dáng phức tạp của tháp Dabotap nằm đối diện. Sự đơn giản của tháp còn thấy rõ qua việc trên bề mặt tháp không có chạm khắc hoặc phù điêu.
Vào năm 1966, tháp bị trộm nổ mìn đào lấy đồ vật chôn bên trong. Từ đây các nhà sư đã phát hiện ra một kho báu, bao gồm các di vật, xá lị (hạt nhỏ có dạng viên tròn được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị tăng Phật giáo) và bản in khắc gỗ vào loại lâu đời nhất trên thế giới. Kho báu sau đó được đánh giá là Bảo vật quộc gia số 126 của Hàn Quốc.
Các di vật bao gồm một bức chạm đồng có hình tượng Phật, một chiếc gương bằng đồng, một ngôi chùa bằng gỗ thu nhỏ, lụa, nước hoa, gogok (những hạt hình thoi, cong và đồ trang sức xuất hiện vào thời Tam quốc Triều Tiên) và một số văn bản giấy nhưng không còn đọc được.
Xá lị được đặt trong hộp hình như một ngôi nhà, mái được chạm khắc. Các bức vách hộp chạm hình cây nho vươn lên mái nhà. Trên hộp còn có các họa tiết hoa sen và các trang trí hình lá.
Bản in khắc gỗ là khuôn để in kinh Phật trên giấy làm từ cây dâu tằm. Đây được cho là một trong những bản in khắc gỗ đầu tiên trên thế giới (có từ năm 704-751), có thể in được văn bản dài 620cm, rộng 8cm; chứa trung bình 8-9 ký tự trên mỗi dòng. Bản in được phục hồi vào năm 1988 - 1989.
Người ta cho rằng trong Tháp đá Dabotap cũng có các báu vật tương tự như vậy. Nhưng khi Tháp Dabotap bị người Nhật tháo dỡ để sửa chữa trong những năm 1920, không hề thấy có ghi chép nào.
Tháp đá Seokgatap được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 21.
Tháp đá Dabotap tại Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Tháp đá Seokgatap tại Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Sơ đồ so sánh Tháp đá Seokgatap và Tháp đá Dabotap tại Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Giữa của hai sân trong là tòa nhà chính Daeungjeon là nơi thờ Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 681.
Tiếp sau tòa nhà Daeungjeon là sân trong thứ hai. Trong sân không có tháp đá. Cũng như sân trong thứ nhất, sân này cũng không trồng cây xanh.
Kết thúc sân trong thứ hai, và cũng là kết thúc của tổ hợp là tòa Museoljeon. Đây là một trong những tòa nhà lâu đời nhất và quy mô lớn nhất trong Khu phức hợp Chùa Bulguksa, được xây dựng vào năm 670.
Phối cảnh tòa nhà chính Daeungjeon
Phối cảnh bên ngoài và bên trong công trình Museoljeon tại Khu vực tòa nhà Daeungjeon
Khu vực tòa nhà Geugnakjeon
Khu vực tòa nhà Geugnakjeon nằm bên trái của Khu vực tòa nhà Daeungjeon, trên một tầng bệ sân, thấp hơn so với bệ sân của Khu vực tòa nhà Daeungjeon. Cụm công trình có mặt bằng hình vuông được bao quanh bởi hành lang cầu, tạo thành sân trong.
Lên sân được thông qua một cầu thang 18 bậc, mang tên Yeonhwagyo với 10 bậc và Chilbogyo với 8 bậc. Cầu thang này nhỏ hơn cầu thang của Khu vực tòa nhà Daeungjeon và được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 22.
Cổng của tòa nhà mang tên Anyagmun.
Gần như chính giữa sân trong là tòa nhà Geuknakjieon. Bên trong có tượng Phật ngồi bằng đồng mạ vàng, cao 1,66m, được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 27. Tượng được đúc vào cuối thế kỷ thứ 8, đầu thế kỷ 9, có chung phong cách với tượng Phật bằng đồng mạ vàng đặt trong tòa nhà Birojeon, theo hướng cách điệu hơn là tả thực.
Bậc lên tòa nhà Geugnakjeon
Tượng Phật bên trong tòa nhà Geugnakjeon
Khu vực tòa nhà Gwaneumjeon
Khu vực tòa nhà Gwaneumjeon nằm phía sau, bên phải Khu vực tòa nhà Daeungjeon, được giới hạn bởi các bức tường. Khu vực nằm trên nền bệ cao hơn so với Khu vực tòa nhà Daeungjeon.
Tòa nhà chính Gwaneumjeon có mặt bằng hình vuông, nhỏ, nằm chính giữa sân.
Phối cảnh tòa nhà Gwaneumjeon
Khu vực tòa nhà Birojeon
Khu vực tòa nhà Birojeon nằm phía sau, bên trái Khu vực tòa nhà Daeungjeon, kề liền Khu vực tòa nhà Gwaneumjeonm, được giới bởi các bức tường.
Tòa nhà Birojeon nằm trong sân, dịch về phía phải.
Bên trong tòa nhà có một bức tượng Phật ngồi bằng đồng mạ vàng. Tượng cao 1,77m, được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 26.
Trong sân của Khu vực tòa nhà Birojeon có một tháp Sarira. Tháp trông giống như một đèn lồng bằng đá, cao 2,1m, được chia thành bệ tháp, thân tháp và đỉnh tháp. Bệ tháp là một viên đá hình bát giác, được trang trí bằng các chạm khắc. Thân tháp được chạm khắc hình đám mây và có 4 bức phù điêu hình Đức Phật và Bồ Tát gắn với các họa tiết trang trí hình hoa. Đỉnh của tháp có 12 mặt giao nhau tạo thành hình lục giác.
Tháp được ghi nhận là Bảo vật quốc gia số 61.
Phối cảnh tòa nhà Birojeon
Tượng Phật trong tòa nhà Birojeon
Tháp Sarira trong sân Khu vực tòa nhà Birojeon
Nhạc khí trong chùa
Trong các ngôi chùa Phật giáo ở Hàn Quốc thường có bốn nhạc khí: Một cái chuông, một cái mõ hình con cá, một chiếc khánh hình đám mây và một cái trống.
Chuông được ấn định để kết nối với chúng sinh của địa ngục;
Mõ để kết nối với chúng sinh của biển cả;
Khánh để kết nối với chúng sinh của bầu trời;
Trống để kết nối với chúng sinh của mặt đất.
Tất cả bốn nhạc khí đều vang lên vào mỗi buổi sáng và buổi tối.
Chuông của chùa rất lớn, và đổ chuông hai lần một ngày
Mõ và khánh trong Di sản chùa Bulguksa
Trống trong Di sản chùa Bulguksa
Chùa hang Seokguram và Chùa Bulguksa tại thành phố Gyeongju, tỉnh Bắc Gyeongsang, là Di sản thế giới đầu tiên của Hàn Quốc được công nhận vào năm 1995; là một trong những kho tàng văn hóa Phật giáo hữu hình nhất thế giới.
Ngày nay, nơi đây trở thành một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Hàn Quốc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/736
https://en.wikipedia.org/wiki/South_Korea
https://en.wikipedia.org/wiki/Gyeonggi_Province
https://en.wikipedia.org/wiki/Seokguram
https://en.wikipedia.org/wiki/Bulguksa
https://en.wikipedia.org/wiki/Kim_Daeseong
https://en.wikipedia.org/wiki/National_Treasure_(South_Korea)
https://en.wikipedia.org/wiki/Dabotap
https://en.wikipedia.org/wiki/Seokgatap
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|