|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines |
26/08/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines (Baroque Churches of the Philippines)
Địa điểm: Philippines (N14 35 24 E120 58 12)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 4 nhà thờ
Năm hình thành: Thế kỷ 16- 18
Giá trị: Di sản thế giới (1993; hạng mục ii, iv)
Philippines là một quốc gia quần đảo ở Đông Nam Á, nằm ở phía Tây Thái Bình Dương, bao gồm khoảng 7.641 hòn đảo. Thành phố thủ đô là Manila và thành phố đông dân nhất là Quezon.
Philippines có diện tích 300.000 km2, dân số khoảng 100,98 triệu người (năm 2015).
Philippines có chung biên giới biển với Đài Loan ở phía Bắc, Nhật Bản ở phía Đông Bắc, Palau ở phía Đông, Indonesia ở phía Nam, Malaysia và Brunei phía Tây Nam, Việt Nam ở phía Tây và Trung Quốc ở phía Tây Bắc. Philippines được chia thành 3 nhóm đảo Luzon, Visayas và Mindanao; 17 vùng và 81 tỉnh.
Bản ghi chép về Philippines được biết đến sớm nhất còn tồn tại là Bản khắc bằng đồng Laguna có niên đại vào năm 900.
Giao thương với Trung Quốc được cho là bắt đầu từ thời nhà Đường (tồn tại năm 618–907), nhưng phát triển rộng hơn trong triều đại nhà Tống (tồn tại năm 960–1279). Văn hóa Ấn Độ, như ngôn ngữ và thực hành tôn giáo, bắt đầu lan rộng tại Philippines vào thế kỷ thứ 10. Đến thế kỷ 15, Hồi giáo đã được lan truyền đến đây.
Tại Philippines từ thế kỷ thứ 10 - 16 đã trải qua các vương triều: Maynila, Tondo, Namayan, Pangasinan, Cebu, Butuan, Maguindanao, Lanao, Sulu và Ma-i.
Vào thế kỷ thứ 13, một số khu định cư lớn ven biển Philippines đã trở thành trung tâm thương mại và là tâm điểm của những thay đổi xã hội. Tại đây đã xuất hiện mối liên hệ thương mại đáng kể với các triều đại ở Trung Quốc và Đông Nam Á.
Năm 1521, nhà thám hiểm Ferdinand Magellan (người Bồ Đào Nha, 1480- 1521) đã dẫn đầu một hạm đội của người Tây Ban Nha đến Philippines.
Năm 1543, nhà thám hiểm Tây Ban Nha Ruy López de Villalobos (1500 – 1544) đã đặt tên cho quần đảo là Las Islas Filipinas để vinh danh vua Philip II của Tây Ban Nha (trị vì 1556 – 1598).
Năm 1565, khu định cư Tây Ban Nha đầu tiên ở quần đảo được thành lập và Philippines trở thành một phần của Đế quốc Tây Ban Nha trong hơn 300 năm. Trong thời gian này, Công giáo trở thành tôn giáo thống trị và Manila trở thành trung tâm phía Tây của thương mại xuyên Thái Bình Dương.
Sau Chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha năm 1898, Tây Ban Nha nhượng lại lãnh thổ cho Hoa Kỳ.
Nhật Bản chiếm đóng quần đảo trong Thế chiến thứ 2 (1939- 1945).
Philippines trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1946.
Bản đồ Philippines và vị trí thành phố Manila, tỉnh Ilocos Sur, Ilocos Norte và Iloilo
Baroque là một phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ phong trào Phục Hưng Ý (phong trào văn hóa, thế kỷ 14-17, nhấn mạnh tính nhân văn trong nghiên cứu, khai thác hiện thực đời sống và cảm xúc con người trong nghệ thuật), sau đó lan ra khắp châu Âu và tới cả những thuộc địa ở Tân thế giới cho tới cuối thế kỷ 18, thể hiện quyền lực của Giáo hội Công giáo. Phong cách Kiến trúc Baroque được đặc trưng bởi sự khám phá về hình thức, sự tương phản mạnh mẽ của ánh sáng và bóng tối; sử dụng trang trí cầu kỳ bằng gỗ, thạch cao hoặc vữa, đá cẩm thạch… nhằm tạo ra các hiệu ứng huyền ảo, kịch tính. Mặc dù có các đặc trưng chung, nhưng ở mỗi quốc gia, phong cách Kiến trúc Baroque là có các đặc điểm riêng, phù hợp với điều kiện xây dựng và văn hóa tại mỗi nước.
Vào thế kỷ 16-18, thời kỳ thuộc địa Tây Ban Nha, có hàng trăm nhà thờ được xây dựng theo kiểu Kiến trúc Baroque tại Philippines, trong đó có 4 công trình nổi bật: i) Nhà thờ San Agustin ở Manila; ii) Nhà thờ Nuestra Señora de la Asuncion ở Santa Maria, Ilocos Sur; iii) Nhà thờ San Agustin ở Paoay, Ilocos Norte; iv) Nhà thờ Sto. Tomas de Villanueva ở Miag-ao, Iloilo.
Bốn nhà thờ là những ví dụ nổi bật của phong cách Kiến trúc Baroque tại Philippines, là minh chứng điển hình cho sự kết hợp giữa thiết kế theo phong cách châu Âu và xây dựng phù hợp theo với vật liệu, trang trí địa phương để tạo thành một kiểu nhà thờ mới; thể hiện cách thức bố cục quy hoạch các khu định cư mới tại lãnh thổ thuộc địa Tây Ban Nha thời bấy giờ. Các công trình này được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Các nhà thờ kiểu Baroque tại đây đã tạo lập được phong cách xây dựng và thiết kế thích nghi với điều kiện vật chất ở Philippines, và đã có một ảnh hưởng quan trọng đến thiết kế kiến trúc nhà thờ giai đoạn sau này trong khu vực.
Tiêu chí (iv): Các nhà thờ kiểu Baroque tại Philippines là ví dụ nổi bật cho sự kết hợp giữa thiết kế nhà thờ kiểu châu Âu với việc xây dựng sử dụng vật liệu và các họa tiết trang trí địa phương để tạo thành một phong cách xây dựng nhà thờ mới.
Nhà thờ San Agustin ở Manila
Nhà thờ San Augustin (San Agustin Church Manila) là một nhà thờ Công giáo La Mã, nằm bên trong khu phố lịch sử Intramuros ở thành phố Manila, Philippines.
Nhà thờ Agustin đầu tiên được xây dựng bằng tre và dừa nước, hoàn thành vào năm 1571, sau khi cuộc chinh phục Manila của người Tây Ban Nha. Công trình sau đó bị phá hủy bởi hỏa hoạn vào năm 1574.
Nhà thờ thứ hai làm bằng gỗ xây dựng tiếp sau đó, bị phà hủy vào năm 1583.
Năm 1586, nhà thờ được xây dựng lại bằng đá với một tu viện ở lân cận, theo thiết kế của KTS người Tây Ban Nha Juan Macías. Tu viện hoạt động vào năm 1604 và nhà thờ chính thức khai trương vào năm 1607, là một trong những nhà thờ lâu đời nhất Philippines. Nhà thờ San Augustin và tu viện xung quanh được cho là biểu tượng về sự vững bền và quyền uy của thời thực dân Tây Ban Nha tại Philippines.
Năm 1762, nhà thờ bị người Anh cướp phá. Năm 1854, nhà thờ được cải tạo lại; vào năm 1875, được bổ sung các tranh vẽ dạng điêu khắc trên trần bởi hai họa sỹ người Ý.
Sau trận động đất năm 1863, tháp chuông bên trái bị nứt và phải dỡ bỏ vào năm 1880, tạo công trình có hình dáng như hiện tại. Trong chiến tranh thê giới thứ hai, các tòa tu viện xung quanh bị phá hủy hoàn toàn (sau đó được phục dựng lại làm bảo tàng). Nhà thờ được trùng tu vào năm 2013.
Nhà thờ có kích thước dài 67,15m, rộng 24,93m; Nguyên vật liệu xây dựng chính là đá Adobe. Công trình có mặt tiền được cho là thiếu duyên dáng và quyến rũ do mặt trước ít trang trí, song có nghệ thuật chạm khắc công phu trên cánh cửa gỗ của lối vào chính.
Sân của nhà thờ được trang trí bằng nhiều tác phẩm điêu khắc đá granite hình sư tử Trung Quốc, là sự đóng góp của những người Trung quốc cải sang đạo Công giáo.
Mặt bằng nhà thờ có hình chữ thập, dạng 3 gian, gian giữa là gian thờ, hai bên là nhà nguyện. Trong nhà thờ có ngôi mộ của Tổng đốc Tây Ban Nha đầu tiên tại khu vực Indies (trong đó bao gồm Philippines và quần đảo Thái Bình Dương) - Miguel López de Legazpi (1502 - 1572).
Trong nhà thờ có những bức tranh tường với niên đại từ thế kỷ 19. Phân chia gian thờ và gian nhà nguyện hai bên là các trụ tường dạng vòm được trang trí hết sức đẹp đẽ.
Sơ đồ Di sản nhà thờ San Augustin, khu phố lịch sử Intramuros, thành phố Manila, Philippines
Nhà thờ San Augustin, Intramuros, Manila; Hình dạng ban đầu; Phía trước sân là hàng sư tử đá nguồn gốc Trung Quốc
Nhà thờ San Augustin tại Intramuros, Manila ngày nay
Trang trí trên cánh cửa chính nhà thờ San Augustin tại Intramuros, Manila, Philippines
Nội thất bên trong nhà thờ San Augustin tại Intramuros, Manila, Philippines
Trang trí trần nhà thờ San Augustin tại Intramuros, Manila, Philippines
Mộ của Tổng đốc Tây Ban Nha Miguel López de Legazpi tại nhà thờ San Augustin, Intramuros, Manila, Philippines
Nhà thờ Nuestra Señora de la Asuncion ở Santa Maria, Ilocos Sur
Nhà thờ Nuestra Señora de la Asuncion thường được gọi là nhà thờ Santa Maria (Santa Maria Church) nằm tại thị trấn Santa Maria, tỉnh Ilocos Sur, phía Bắc Philippines.
Nhà thờ được hình thành vào năm 1765. Năm 1810, tháp chuông được xây dựng. Năm 1863, xây dựng các bức tường bảo vệ xung quanh ngọn đồi nơi đặt vị trí nhà thờ. Năm 1895, nhà thờ và tu viện được cải tạo lại.
Không giống như nhà thờ khác ở trong các thị trấn ở Philippines, phù hợp với truyền thống Tây Ban Nha, thường đặt trên quảng trường trung tâm, nhà thờ Nuestra Señora de la Asuncion ở thị trấn Santa Maria lại nằm trên một ngọn đồi như một tòa lâu đài với các bức tường thành phòng thủ bao quanh. Từ chân đồi qua 85 bậc mới lên được sân trước của nhà thờ.
Công trình không chỉ gợi nhớ đến lịch sử bốn thế kỷ thống trị Tây Ban Nhà trong khu vực mà còn là một cấu trúc xây dựng độc đáo với thiết kế kiến trúc đa dạng của gạch và vữa.
Nhà thờ dài 99m, rộng 22,7m. Mặt trước của nhà thờ rất bề thế do được nhấn mạnh bởi hai trụ tròn lớn tại hai góc. Toàn bộ mặt tiền được xây bằng gạch đỏ không trát. Chỉ trát tại viền các khung tròn bao quanh các cửa ra vào. Công trình không có nhiều trang trí cả bên ngoài lẫn bên trong, song có nhiều bố cục tạo thành các mảng sáng tối mạnh mẽ. Duy có bàn thờ được trang trí rất đẹp đẽ, tinh tế.
Tháp chuông không gắn với nhà thờ mà đứng độc lập như một đền tháp ở bên cạnh (được cho là giải pháp bố trí đề phòng động đất). Tháp có mặt bằng hình bát giác, cao 4 tầng, thu nhỏ dần lại theo chiều cao.
Phía trước nhà thờ là tu viện, gắn một phần với mặt tiền của nhà thờ. Sân của nhà thờ hiện còn tàn tích của một nghĩa trang nhỏ.
Sơ đồ Di sản nhà thờ Nuestra Señora de la Asuncion (nhà thờ Santa Maria), Ilocos Sur, Philippines
Bậc lên sân nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Phối cảnh nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Mặt trước nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Sân trong nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Tháp chuông nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Nội thất nhà thờ Santa Maria, Ilocos Sur, Philippines
Nhà thờ San Agustin tại Paoay, Ilocos Norte
Nhà thờ San Agustín thường được gọi là Nhà thờ Paoay (Paoay Church), nằm tại thị trấn Paoay, tỉnh Ilocos Norte, Philippines. Công trình được xây dựng vào năm 1694, hoàn thành vào năm 1710, do KTS Padre Antonio Estavillo thiết kế, có quy mô dài 110m, rộng 40m.
Một phần của nhà thờ bị hư hại trong các trận động đất năm 1865 và 1885, sau đó được phục hồi.
Nhà thờ được xây dựng theo phong cách Kiến trúc Baroque, song được bổ sung thêm các cấu trúc xây dựng phù hợp với điều kiện địa phương, tạo cho công trình có hình thức độc đáo, so với các nhà thờ truyền thống kiểu châu Âu.
Xung quanh công trình là hệ thống các trụ tường, trừ mặt đứng phía trước, được xây dựng đáp ứng yêu cầu chống lại các rung động của hoạt động địa chấn. Hệ thống trụ tường chống động đất gồm 24 trụ tường lớn dày khoảng 1,67m, xây dựng bằng đá, có hình dáng uốn lượn để làm giảm nhẹ sự lấn át khối công trình chính. Trên đỉnh mỗi trụ tường được trang trí một chi tiết theo hình dạng của một ngôi tháp cổ.
Mặt đứng chính của công trình là đầu hồi với các tường chắn hai bên, công trình như vươn lên từ mặt đất. Mặt đứng trang trí đơn giản với các trang trí mang phong cách kiến trúc bản địa Java và phương Đông.
Tường bao công trình xây dựng bằng đá san hô, gạch và vữa (cát, vôi, mật…).
Nội thất bên trong nhà thờ trang trí đơn giản. Các trang trí tập trung chủ yếu tại bàn thờ.
Tương tự như Nhà thờ Santa Maria, tháp chuông của Nhà thờ xây dựng tách ra khỏi nhà thờ (nhằm hạn chế các tác động của động đất), như một đền tháp. Tháp có mặt bằng hình vuông, cao 3 tầng, phía trên nhỏ dần, bằng gạch. Tháp còn có vai trò như một đài quan sát trong các cuộc chiến.
Sơ đồ Di sản nhà thờ San Agustín (nhà thờ Paoay), tại thị trấn Paoay, tỉnh Ilocos Norte, Philippines
Hình vẽ mặt bằng, mặt cắt, mặt đừng nhà thờ San Agustín tại Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Phối cảnh tổng thể nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Mặt đứng nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Phối cảnh mặt trước nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Tháp chuông nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Hệ thống các trụ tường chống động đất tại nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Nội thất nhà thờ Paoay, Ilocos Norte, Philippines
Nhà thờ Sto. Tomas de Villanueva ở Miag-ao, Iloilo
Nhà thờ Sto. Tomas de Villanueva còn có tên gọi là Nhà thờ Miag-ao (Miag-ao Church), nằm tại thành phố Miag-ao,thuộc tỉnh Iloilo, Philippines, được xây dựng vào năm 1787, hoàn thành năm 1797.
Công trình được xây dựng trên một điểm cao nhất của thành phố, được bao quanh bởi các bức tường dày như một pháo đài phòng thủ chống lại các cuộc tấn công của người Hồi giáo.
Công trình bị hư hại nặng trong cuộc chiến năm 1898 và được xây dựng lại sau đó. Năm 1910, công trình bị hỏa hoạn, tiếp đó bị tàn phá trong chiến tranh thế giới thứ hai và trận động đất năm 1948. Nhà thờ được phục hồi vào năm 1960-1962, và trở thành nhà thờ cấp quốc gia.
Hệ thống tường bao nhà thờ - pháo đài bằng đá dày 1,5m.
Công trình được xây dựng theo phong cách kiến trúc Baroque – Roman (Romanesque – phong cách kiến trúc thời trung cổ châu Âu, đặc trưng bởi hệ thống vòm hình bán nguyệt) với hệ thống tường bao bằng đá san hô, đá vôi gắn kết bằng các loại vữa truyền thống tạo thành màu nâu đỏ. Công trình có nền móng sâu 6m vào nền đất.
Mặt tiền của công trình được trang trí lộng lẫy với các bức phù điêu thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa thời Trung cổ Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hồi giáo và văn hóa địa phương. Một trong những chi tiết trang trí nổi bật tại mặt tiền là hình ảnh cây dừa và Thánh Christopher với trang phục quần áo địa phương. Các chi tiết khác miêu tả cuộc sống hàng ngày của người dân Miag-ao thời bấy giờ với hệ thống thực vật bản địa (đu đủ, dừa, cây cọ) và động vật.
Trên cửa ra vào bằng gỗ tại trung tâm mặt tiền là hình chạm khắc các vị thánh bảo trợ của thành phố.
Hai bên công trình là tháp chuông, có vai trò như tháp canh. Tháp chuông phía đông cao 3 tầng, tháp chuông phía tây cao 4 tầng.
Cấu trúc nổi bật nhất bên trong nhà thờ là các chi tiết trang trí công phu, được mạ vàng, bạc.
Sơ đồ Di sản nhà thờ Sto. Tomas de Villanueva (nhà thờ Miag-ao), thành phố Miag-ao, tỉnh Iloilo,
Philippines
Phối cảnh nhà thờ Miag-ao, Iloilo, Philippines
Trang trí trên mặt tiền nhà thờ Miag-ao, Iloilo, Philippines
Phối cảnh mặt bên Nhà thờ Miag-ao, Iloilo, Philippines
Nội thất nhà thờ Miag-ao, Iloilo, Philippines
Di sản 4 nhà thờ kiểu Kiến trúc Baroque của Philippines là đại diện cho sự kết hợp của các thiết kế theo phong cách kiến trúc nhà thờ tại châu Âu và điều kiện xây dựng địa phương với các họa tiết trang trí theo văn hóa bản địa…để tạo thành một phong cách xây dựng mới, có ảnh hưởng quan trọng về thiết kế, xây dựng nhà thờ tại Philippines và các nước lân cận trong những năm sau này.
|
Cập nhật ( 30/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Di sản Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha
- Thị trấn đồng hồ La Chaux-de-Fonds và Le Locle, Thụy Sĩ
- Vùng mỏ than Nord - Pas de Calais, Pháp
- Khu mỏ đồng tại Falun, Dalama, Thụy Điển
- Cảnh quan và cơ sở công nghiệp Agave Tequila, Jalisco, Mexico
- Cảnh quan công nghiệp tại Fray Bentos, Uruguay
- Thị trấn mỏ Sewell, Cachapoal, Chile
- Cơ sở khai thác và sản xuất phân bón tại Humberstone và Santa Laura, Chile
- Di sản công nghiệp Rjukan – Notodden, Telemark, Na Uy
- Cộng đồng công nghiệp Crespi d'Adda, Lombardy, Ý
- Mỏ Rammetlsberg, Thị trấn lịch sử Goslar và Hệ thống quản lý nước Upper Harz, Niedersachsen, Đức
- Mỏ muối tại Wieliczka và Bochnia, Ba Lan
- Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ
- Mỏ bạc Iwami Ginzan và cảnh quan văn hóa xung quanh, Honshu, Nhật Bản
- Cộng đồng công nghiệp Saltaire, West Yorkshire, Anh
|