Tuần 34 - Ngày 15/04/2021
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Di sản Mỏ thủy ngân ở Almaden, Tây Ban Nha |
01/07/2016 |

Thông tin chung:
Công trình: Di sản mỏ thủy ngân ở Almadén (Heritage of Mercury - Almadén)
Địa điểm: Thị trấn Almadén, tỉnh Ciudad Real, vùng Castile – La Mancha, Spain
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: 5 địa điểm Di sản
Năm mỏ đi vào hoạt động:
Giá trị: Di sản thế giới (2012; hạng mục ii, iv; cùng với Mỏ thủy ngân Idrija, Slovenia)
Tây Ban Nha (Spain) là một quốc gia ở Tây Nam Châu Âu với một số vùng lãnh thổ tại eo biển Gibraltar và Đại Tây Dương. Lãnh thổ lục địa Châu Âu của Tây Ban Nha nằm trên Bán đảo Iberia.
Tây Ban Nha cũng bao gồm hai quần đảo: Quần đảo Canary ngoài khơi Bắc Phi và Quần đảo Balearic ở Địa Trung Hải. Các vùng đất châu Phi gồm Ceuta, Melilla và Peñón de Vélez de latylesra khiến Tây Ban Nha trở thành quốc gia châu Âu duy nhất có biên giới thực với một quốc gia châu Phi (Maroc).
Một số hòn đảo nhỏ ở Biển Alboran cũng là một phần của lãnh thổ Tây Ban Nha.
Đất liền của Tây Ban Nha giáp với phía nam và đông của biển Địa Trung Hải; về phía bắc và đông bắc giáp Pháp, Andorra và Vịnh Biscay; về phía tây và tây bắc lần lượt là Bồ Đào Nha và Đại Tây Dương.
Tây Ban Nha có diện tích 505.990 km2; dân số 47,43 triệu người (năm 2020); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Madrid.
Con người hiện đại đầu tiên đến bán đảo Iberia vào khoảng 35.000 năm trước.
Các nền văn hóa Iberia cùng với các nền văn hóa Phoenicia, Hy Lạp (Ancient Greece), Celts và Carthage (Carthaginian Iberia) cổ đại đã phát triển trên bán đảo cho đến khi nằm dưới sự cai trị của La Mã vào khoảng năm 200 trước Công nguyên (TCN).
Vào cuối thời kỳ Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại năm 395–476/480), người Germanic và các bộ tộc liên minh đã di cư từ Trung Âu đến xâm chiếm Bán đảo Iberia và thiết lập các vương quốc tương đối độc lập ở phía tây của bán đảo. Một trong số họ là người Visigoth, đã hợp nhất tất cả các lãnh thổ độc lập còn lại trên bán đảo, bao gồm cả tỉnh Byzantine của Spania vào Vương quốc Visigothic (Visigothic Kingdom, tồn tại năm 418 – 721).
Vào đầu thế kỷ 8, Vương quốc Visigothic đã bị chinh phục bởi Vương quốc Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750, thủ đô là Damascus, Syria, Tây Á ngày nay).
Một số vùng đất Cơ đốc giáo ở phía bắc Bán đảo Iberia nằm ngoài sự cai trị của người Hồi giáo, cùng với sự xuất hiện của Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888) đã dẫn đến sự hình thành các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo như León, Castile, Aragon, Navarre và Bồ Đào Nha.
Hơn bảy thế kỷ, sự mở rộng về phía nam Bán đảo Iberia của các vương quốc này lên đến đỉnh điểm với việc Cơ đốc giáo xóa bỏ chính thể Hồi giáo cuối cùng, Vương quốc Granada (Emirate of Granada, tồn tại năm 1230–1492) vào năm 1492, cùng năm Christopher Columbus (nhà thám hiểm người Ý, 1451- 1506) đến Tân Thế giới.
Quá trình tập hợp chính trị giữa các tiểu vương quốc Cơ đốc giáo cũng diễn ra ngày sau đó. Vào cuối thế kỷ 15 chứng kiến sự hợp nhất giữa các tiểu vương quốc Castile và Aragon thành Vương quốc Công giáo Tây Ban Nha (Catholic Monarchs of Spain). Sự thống nhất với tiểu vương quốc Navarre
diễn ra vào năm 1512.
Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire/ Chế độ quân chủ Thiên chúa giáo Tây Ban Nha, tồn tại năm 1492–1976) đã liên minh với Vương quốc Bồ Đào Nha (Kingdom of Portugal, tồn tại năm 1139–1910) để thành lập Vương triều Hapsburg (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700).
Các nhà cai trị Habsburg đã đạt đến đỉnh cao về ảnh hưởng và quyền lực: Kiểm soát lãnh thổ bao gồm Châu Mỹ, Đông Ấn; các nước Spanish Netherlands, Bỉ, Luxembourg và một phần lãnh thổ hiện thuộc Ý, Pháp và Đức ở Châu Âu; Vương quốc Bồ Đào Nha (từ năm 1580 - 1640) và nhiều vùng lãnh thổ khác nhỏ khác như như Ceuta và Oran ở Bắc Phi.
Giai đoạn lịch sử Tây Ban Nha này còn được gọi là " Thời đại khám phá " (Age of Discovery).
Vào đầu thời kỳ hiện đại, Tây Ban Nha là một trong những đế chế lớn nhất trong lịch sử, cũng như là một trong những đế chế toàn cầu đầu tiên; tạo ra một di sản văn hóa và ngôn ngữ lớn với hơn 570 triệu người Hispanophones), khiến tiếng Tây Ban Nha trở thành ngôn ngữ (tiếng mẹ đẻ), được nói nhiều thứ hai trên thế giới sau tiếng Quan Thoại Trung Quốc (Mandarin Chinese).
Tây Ban Nha là nơi có số lượng Di sản Thế giới được UNESCO công nhận lớn thứ ba thế giới. Tính đến tháng 7 năm 2019, Tây Ban Nha có tổng số 48 địa điểm được ghi trong danh sách, chỉ đứng sau Trung Quốc (55) và Ý (55).
Ngày nay, Tây Ban Nha được chia thành 17 cộng đồng tự trị và 2 thành phố tự trị. Các cộng đồng tự trị (vùng) được chia thành 50 tỉnh (khu vực).

Bản đồ Tây Ban Nha và vị trí tỉnh Ciudad Real, vùng Castile – La Mancha, phía nam thủ đô Madrid.
Thủy ngân là một kim loại nặng, là chất lỏng ở nhiệt độ thường và có các tính chất hóa lý rất đặc trưng. Thủy ngân cũng là một chất ô nhiễm, nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Đây là loại kim loại tương đối hiếm, được sử dụng từ lâu trong sản xuất hóa chất và các sản phẩm công nghiệp (nhiệt kế, bóng đèn sợi đốt..).
Hai mỏ trong số các mỏ sản xuất thủy ngân lớn nhất thế giới là mỏ tại Almaden tại Tây Ban Nha và Idrija ở Slovenia. Đây là hai mỏ có nguồn gốc sản xuất từ thời Cổ đại và Trung đại. Theo thời gian, tại mỏ đã trải qua nhiều tiến trình tiến hóa của các giải pháp công nghệ khai thác mỏ thủy ngân.
Thủy ngân được chiết xuất từ hai mỏ này đã được sử dụng trong các mỏ tại Nam Mỹ để khai thác và chế biến bạc và vàng. Các sản phẩm này lại quay trở lại thị trường châu Âu, tạo nên sự giàu có, cũng như kích hoạt sự phát triển của nền kinh tế, khoa học và nghệ thuật.
Hai địa điểm này là nơi chứa các di tích kỹ thuật của một số lượng lớn các trục mỏ, phòng trưng bày và cơ sở bề mặt của mỏ với các đồ tạo tác đặc trưng cho việc khai thác quặng chứa thủy ngân. Hai địa điểm này cũng bao gồm các yếu tố đô thị, di tích và cơ sở hạ tầng quan trọng; các tài liệu và hiện vật gắn liền với phong cách sống và tổ chức xã hội có liên quan đến quá trình khai thác thủy ngân.
Di tích mỏ thủy ngân tại Almadén, Tây Ban Nha và Idrija, Slovenia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (ii) : Mỏ Khai thác thủy ngân có số lượng rất hạn chế, trong đó có hai mỏ lớn nhất là Almadén, Tây Ban Nha và Idrija, Slovenia. Từ thời kỳ Phục hưng ở châu Âu, hoạt động khai thác tại đây này đã mang tầm vóc quốc tế. Tầm quan trọng chiến lược toàn cầu của hai mỏ tăng đều đặn, đặc biệt là do vai trò tác động nhiều mặt đến khai thác mỏ vàng và bạc ở Mỹ, bao gồm cả kinh tế, tài chính và kỹ thuật.
Tiêu chí (iv) : Địa điểm khai thác ở Almadén và Idrija là di sản quan trọng nhất để lại sau quá trình khai thác thủy ngân chuyên nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ hiện đại và đương đại. Hai địa điểm này là duy nhất và minh họa các yếu tố công nghiệp, lãnh thổ, đô thị và xã hội khác nhau của một hệ thống xã hội công nghệ (Specific Sociotechnical System, liên quan đến tương tác giữa con người và công nghệ tại nơi làm việc, sự tương tác giữa cơ sở hạ tầng phức tạp của xã hội và hành vi của con người) cụ thể trong các ngành khai thác và sản xuất kim loại.

Phạm vi Di sản Mỏ thủy ngân tại Almadén, Tây Ban Nha với 5 địa điểm Di sản

Ví trí Mỏ thủy ngân Almaden, tỉnh Ciudad Real, vùng Castile – La Mancha, Tây Ban Nha
Almaden là một thị trấn thuộc tỉnh Ciudad Real, vùng Castile – La Mancha, Tây Ban Nha. Almaden (chữ Ả Rập có nghĩa là mỏ) có diện tích khoảng 23.960ha, dân số 5,9 ngàn người (2014), nằm tại cao độ 589m.
Tại Almaden, thủy ngân dạng quặng (chu sa) được tìm thấy và khai thác từ lâu, vào Thời cổ đại.
Mỏ thủy ngân tại Almaden trải qua nhiều chủ khai thác, gắn liền với lịch sử thăng trầm của thị trấn Almaden. Năm 1368, mỏ được Tây Ban Nha quốc hữu hóa.
Vào thế kỷ 16, mỏ sử dụng nhiều lao động là tù nhân. Nhiều người chết vì nhiễm độc thủy ngân.
Quy mô và công suất khai thác của mỏ tăng lên vào thế kỷ 17, gắn liền với việc ứng dụng các công nghệ lò nung tinh luyện thủy ngân.
Vào thế kỷ 18, việc khai thác mở rộng do tìm thấy các vỉa quặng mới cùng với việc sử dụng các công nghệ sản xuất an toàn hơn.
Vào thế kỷ 19, mỏ được trang bị bổ sung các thiết bị công nghệ mới: máy bơm nước (bằng động cơ), thang máy để vận chuyển công nhân và quặng. Trong những năm Chiến tranh thế giới 1 và 2, do nhu cầu cao về thủy ngân trong các ngành công nghiệp quốc phòng, mỏ được hiện đại hóa.
Vào năm 1950, tại mỏ có khoảng 2200 công nhân, tạo thành một cộng đồng dân cư gắn với mỏ có quy mô dân số vào khoảng 13.000 người.
Do thủy ngân là một nguồn gây ô nhiễm trong hoạt động công nghiệp và nông nghiệp nên nhu cầu tiêu thụ giảm dần. Hoạt động khai thác và chế biến thủy ngân tại mỏ ngừng vào năm 2003.
Trong lịch sử hoạt động, mỏ Almaden đã sản xuất được khoảng 250 ngàn tấn thủy ngân, cung cấp khoảng 1/3 khối lượng thủy ngân hiện đang sử dụng của nhân loại.
Sau khi đóng cửa, mỏ bỏ lại 3,5 triệu tấn chất thải trên diện tích khoảng 10 ha và hàng trăm người mất việc làm.
Hiện nay, tại Almaden đang hình thành dự án chuyển mỏ thành một khu bảo tồn và tái phát triển. Dự án bao gồm các nội dung: Phục hồi môi trường cảnh quan từ các đống phế thải; Phục hồi một số hạng mục công trình thành bảo tàng, di sản kiến trúc. Xây dựng thêm các khách sạn, nhà hàng…nhằm tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương; Thúc đẩy các hoạt động du lịch, biến nơi đây thành một công viên văn hóa (Almadén Mining Park) là một phần của mạng lưới du lịch công nghiệp và du lịch di sản của Tây Ban Nha.
Di sản mỏ thủy ngân tại Almadén, Tây Ban Nha và Idrija, Slovenia có tổng cộng 12 địa điểm, trong đó Di sản mỏ thủy ngân ở Almadén, Spain có 5 địa điểm.
1) Phố cổ Almadén
Phố cổ Almadén (Almadén- Old Town, Core Zone 1), nằm tại thị trấn Almadén, thuộc tỉnh Ciudad Real (N38 46 31.00 W4 50 37.00), tại khu vực có độ cao 589m trên mực nước biển. Diện tích di sản 48,98ha; diện tích vùng đệm 233,4ha.
Ban đầu đây là đây là một khu định cư của người La Mã (Roman Empire). Thị trấn bị Vua Alfonso VII ( trị vì tiểu quốc León và Castile, năm 1126 – 1157) chiếm giữ vào năm 1151 và được trao cho các Hiệp sĩ của Dòng Calatrava (Order of Calatrava).
Mỏ Almadén chiếm số lượng lớn nhất của kim loại thủy ngân lỏng được sản xuất trên thế giới. Khoảng 250.000 tấn thủy ngân đã được sản xuất tại đây trong 2.000 năm qua.
Do độc tính của thủy ngân và sản phẩm phụ của nó với con người, mỏ này đã sử dụng rất nhiều lao động hình sự, nô lệ và tù nhân chiến tranh.
Mỏ Almaden ngừng hoạt động vào năm 2002, do lệnh cấm khai thác thủy ngân ở châu Âu. Năm 2006, mỏ mở cửa cho công chúng tham quan tầng đầu tiên, cách 50m dưới lòng đất.
Phố cổ Almadén bao gồm các công trình có liên quan đến khai thác mỏ, công trình tôn giáo, nhà ở, nhà hát của những người thợ mỏ.
Hầm mỏ và các công trình khai thác mỏ:
Thủy ngân tại Almaden được khai thác bằng hầm lò. Hầm lò có đường kính rộng 4,5m. Ban đầu được chống bằng gỗ, sau được thay thế bằng bê tông và kim loại. Hầm lò của mỏ đạt đến độ sâu 716m.
Ban đầu, việc bơm nước cho mỏ sử dụng bằng các trục quay bằng gỗ sức ngựa. Sau này được thay thế bằng máy bơm động cơ hơi nước, động cơ đốt trong và động cơ điện.
Trong mỏ có một nhà thờ Đức Mẹ nằm tại độ sâu 700m.
Lò tinh luyện thủy ngân (Aludeles Bustamante) được xây dựng vào năm 1646, gồm hai khối, được xây bằng gạch chịu lửa. Lò ngừng hoạt động vào năm 1828, đã tinh luyện được 46 ngàn tấn thủy ngân.

Mặt bằng Mỏ thủy ngân Almaden, tỉnh Ciudad Real, vùng Castile – La Mancha, Tây Ban Nha

Tàn tích Mỏ Almaden, Tây Ban Nha

Phối cảnh Mỏ thủy ngân Almaden và khu vực dân cư xung quanh, Tây Ban Nha

Tàn tích Mỏ Almaden ngày nay trở thành công viên cảnh quan và văn hóa

Tượng đài vinh danh những người thợ mỏ tại Almaden, Tây Ban Nha

Tàn tích cổng vào Mỏ thủy ngân Almaden, Tây Ban Nha

Hầm mỏ với bàn thờ Đức Mẹ, Mỏ thủy ngân Almaden, Tây Ban Nha

Thiết bị nâng bằng gỗ sức ngựa được lưu giữ trong Mỏ thủy ngân Almaden, | |