Thông tin chung:
Công trình: Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ (Sites of Japan’s Meiji Industrial Revolution: Iron and Steel, Shipbuilding and Coal Mining)
Địa điểm: Nhật Bản (N34 25 50 E131 24 44)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích di sản 306,66 ha; diện tích vùng đệm 2408,33ha.
Năm thực hiện: Giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20
Giá trị: Di sản thế giới (2015; hạng mục ii, iv )
Nhật Bản là một đảo quốc tại Đông Á, Thái Bình Dương, được gọi là "Đất nước Mặt Trời mọc".
Quốc gia này nằm bên rìa phía Đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.
Nhật Bản có diện tích 377.972,75 km2, là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, phần lớn diện tích là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế.
Bốn hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền.
Nhật Bản có số dân khoảng 126,7 triệu người (năm 2017), thủ đô là thành phố Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Ngày lập nước là ngày 11/2/660 trước Công nguyên (TCN).
Các nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng con người định cư tại Nhật Bản từ 15.000 năm TCN. Các tư liệu lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã có ghi chép đầu tiên về quốc gia này. Ban đầu Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tiếp sau là giai đoạn tự cách ly và thoát khỏi sự chi phối của thế giới phương Tây. Từ đây đã hình thành được những nét đặc trưng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Từ thế kỷ 12 đến năm 1868, Nhật Bản liên tục thuộc quyền cai trị của các võ tướng (Shōgun) với quyền lực rất lớn nhân danh Thiên hoàng. Các dòng họ tướng quân này làm việc trong các dinh thự gọi là Mạc Phủ. Thời kỳ Mạc phủ bắt đầu từ Mạc phủ gia tộc Kamakura (năm 1192–1333); tiếp đó là Mạc phủ Muromachi/ Ashikaga (năm 1336- 1573) và cuối cùng là Mạc phủ Tokugawa (năm 1603 - 1868).
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, xen kẽ giữa các dòng họ Mạc phủ, nước Nhật trong tình trạng mất ổn định do ngoại xâm, nội chiến và chia rẽ, như Thời kỳ Tân chính Kemmu (năm 1333 - 1336); Thời kỳ Nam – Bắc triều (từ năm 1336 – 1392); Thời kỳ Chiến quốc (từ giữa thế kỷ 15 – giữa thế kỷ 16).
Dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa (hay thời kỳ Edo), quốc gia này bước vào giai đoạn cô lập kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ 17 (năm 1633) và chỉ kết thúc vào năm 1853 khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.
Vào năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị loại bỏ chế độ Mạc Phủ, thiết lập lại trật tự mới, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, khai sinh Đế quốc Nhật Bản và tái thiết lại đất nước. Nước Nhật bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Chỉ tới đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Thiên Hoàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật Bản.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thắng lợi trong các cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Nga – Nhật và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã cho phép Nhật Bản mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực theo Chủ nghĩa quân phiệt. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu vào năm 1941. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1947, Nhật Bản có bản Hiến pháp mới với một chính thể mới, duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp dân cử là Quốc hội Nhật Bản.
Về hành chính, Nhật Bản được chia thành 8 vùng với 47 tỉnh.
Bản đồ Nhật Bản - vị trí các tỉnh
Vào những năm giữa thế kỷ 19, tại Nhật Bản đã diễn ra Cải cách Minh Trị (Minh Trị Duy Tân), là một chuỗi các sự kiện cải cách, đổi mới, dẫn đến thay đổi to lớn trong cấu trúc xã hội và chính trị của Nhật Bản. Cuộc cách mạng Minh Trị diễn ra từ năm 1866- 1869, chuyển từ thời kỳ hậu Shogun (hậu Tướng quân/Mạc phủ Tokygawa), sang thời kỳ Minh Trị hay thời kỳ đổi mới toàn diện để học hỏi và tiếp thu kiến thức của phương Tây, chuyển mình thành đế quốc hùng mạnh.
Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ là minh chứng cho quá trình công nhiệp hóa từ giữa thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, thông qua sự phát triển của ngành công nghiệp sắt, thép, đóng tàu và khai thác than.
Trước đó, do phải đáp ứng nhu cầu cải thiện phòng thủ đất nước, đặc biệt phòng thủ biển, công nghiệp hóa tại Nhật Bản cũng đã được chú ý bởi các gia tộc địa phương. Tuy nhiên, do bắt đầu bằng việc dựa vào lý luận từ sách giáo khoa và sao chép các ví dụ của phương Tây kết hợp với nghề thủ công truyền thống gắn chủ yếu với kỹ năng… nên quá trình công nghiệp hóa đã không đạt được kết quả như mong muốn.
Vào thời kỳ Minh Trị, quá trình công nghiệp hóa được tiến hành theo cách thức: Đoàn kết xã hội gắn với phục hưng Thần đạo; Tạo thành khát vọng, xu thế chung của toàn xã hội (như quốc gia khởi nghiệp); Việc tiếp thu công nghệ phương Tây vừa phải đáp ứng với nhu cầu và vừa phải phù hợp với truyền thống xã hội, văn hóa của Nhật Bản (vật liệu địa phương, kỹ sư, giám sát viên địa phương…), và đã mang lại thành công nhanh chóng, chỉ trong vòng 50 năm.
Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2015) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Các địa điểm của cuộc Cách mạng Công nghiệp Minh Trị của Nhật Bản minh họa quá trình mà Nhật Bản thời phong kiến tìm cách tiếp thu công nghệ từ Tây Âu và Mỹ từ giữa thế kỷ 19 và cách công nghệ này được áp dụng và dần dần thích nghi để đáp ứng các nhu cầu cụ thể trong nước và xã hội truyền thống, do đó đã giúp Nhật Bản trở thành một quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới vào đầu thế kỷ 20.
Đây cũng là các địa điểm minh họa quá trình tiếp thu công nghệ từ Tây Âu và Mỹ, và các công nghệ này đã dần thích ứng với nhu cầu cụ thể và xã hội truyền thống Nhật Bản; là nơi đại diện cho việc trao đổi các ý tưởng công nghệ, bí quyết, thiết bị...Từ đó tạo động lực cho Nhật Bản nhanh chóng trở thành quốc gia công nghiệp vào đầu thế kỷ 20, có tác động sâu sắc đến sự phát triển của khu vực Đông Á.
Tiêu chí (iv): Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ là minh chứng cho thành tựu độc đáo của Nhật Bản, là một nước không thuộc phương Tây đầu tiên công nghiệp hóa thành công. Đây được xem như một phản ứng của văn hóa châu Á với các giá trị công nghiệp của phương Tây.
Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản là một tổ hợp công nghệ nổi bật của các khu công nghiệp, phản ánh quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng và đặc biệt của Nhật Bản dựa trên sự đổi mới bản địa và thích ứng với công nghệ phương Tây.
Khu vực Di sản phân bố tại 8 khu vực và gồm 23 nơi riêng biệt. Sau năm 1910, một số địa điểm trở thành các cụm công nghiệp hoàn chỉnh, một số ngừng hoạt động.
Khu vực 1 - Di sản tại Hagi, Yamaguchi
Hagi là một thành phố nằm ở tỉnh Yamaguchi, Nhật Bản. Di sản tại đây có 5 địa điểm:
Lò nung Hagi
Lò nung Hagi (Hagi Reverbatory Furnace, ký hiệu 1 - 1) là lò luyện kim có vai trò quan trọng nhằm đáp ứng mục tiêu để đúc các khẩu pháo để gia cố phòng thủ ven biển. Các di tích còn lại hiện này là một phần ống khói đôi, được xây dựng bằng đá vào năm 1856, cao 10,5m, là minh chứng cho việc ứng dụng công nghệ phương tây vào luyện quặng, tiền đề cho việc xuất hiện công nghiệp nặng tại Nhật Bản.
Diện tích Di sản 0,38ha; vùng bảo vệ 119,72ha.
Khu vực Di sản Lò nung Hagi ( 1- 1) và Nhà máy đóng tàu Ebisugahana (1-2), Yamaguchi, Nhật Bản
Lò nung Hagi, Yamaguchi, Nhật Bản
Nhà máy đóng tàu Ebisugahana
Nhà máy đóng tàu Ebisugahana (Ebisugahana Shipyard, ký hiệu 1- 2) được xây dựng vào năm 1856, bởi Ozaki Koemon, một thợ đóng tàu và những người khác. Tháng 12/1856, nhà máy đã hạ thủy tàu chiến kiểu phương Tây đầu tiên với tên là "Heishin Maru"; năm 1860, hạ thủy tàu "Koshin Maru". Thép đóng tàu được khai thác và chế biến tại Ohitayama Tatara Iron Works. Ngay đến bây giờ, đê chắn sóng lớn vẫn còn tồn tại, không thay đổi quy mô.
Diện tích Di sản 0,79ha.
Nhà máy đóng tàu Ebisugahana - kè đá cầu tầu, Yamaguchi, Nhật Bản
Công trình luyện kim Ōitayama Tatara
Công trình luyện kim Ōitayama Tatara (Ohitayama Tatara Iron Works, ký hiệu 1- 3) được vận hành vào các thời điểm ; 1751-1764, 1812-1822 và 1855-1867. Đây là nơi sản xuất thép, với nhiên liệu từ than củi.
Diện tích Di sản 0,63ha; vùng bảo vệ 234,56ha.
Khu vực Di sản Công trình luyện kim Ōitayama Tatara, Yamaguchi, Nhật Bản
Tàn tích công trình luyện kim Ōitayama Tatara, Yamaguchi, Nhật Bản
Thị trấn Hagi
Thị trấn Hagi (Castle Town Hagi, ký hiệu 1- 4) được xây dựng vào năm 1600, là nơi các samurai, thương gia… sinh sống, là trung tâm chính trị, hành chính và kinh tế của khu vực Hagi trong vòng 260 năm.
Diện tích Di sản 96,9ha; vùng bảo vệ 712,31ha).
Khu vực Di sản Thị trấn Hagi, Yamaguchi, Nhật Bản
Thị trấn Hagi, Yamaguchi, Nhật Bản
Trường Shōkasonjuku
Trường Shōkasonjuku (Shoukasonjuku Academy, ký hiệu 1- 5) là một trường tư được thành lập vào năm 1857 bởi Yoshida Shoin (Sugi Toranosuke, 1830- 1859), là một trong những trí thức xuất chúng nhất Nhật Bản vào cuối thời kỳ Mạc phủ Tokygawa.
Công trình chỉ là một ngôi nhà gỗ với diện tích khoảng 50m2, mái ngói, phân thành một giảng đường 8 chỗ ngồi diện tích 13,2m2, một phòng chờ 10 chỗ, 16,5m2. Nhiều sinh viên tốt nghiệp tại đây đã đóng một vai trò quan trọng trong sự nghiệp Duy Tân Minh Trị và phát triển công nghiệp của Nhật Bản.
Diện tích Di sản 0,13ha; vùng bảo vệ 1,73ha.
Khu vực Di sản Trường Shōkasonjuku, Yamaguchi, Nhật Bản
Trường Shōkasonjuku, Yamaguchi, Nhật Bản
Khu vực 2 - Di sản tại Kagoshima, Kagoshima
Kagoshima là một tỉnh của Nhật Bản, nằm ở cực Nam của đảo Kyūshū, thủ phủ là thành phố Kagoshima. Đây được cho là một khu vực có vai trò quan trọng trong cải cách thời Minh Trị. Di sản tại đây là tổ hợp công nghiệp chế tạo tàu thủy, gồm 3 địa điểm:
Xưởng cơ khí Shūseikan
Xưởng cơ khí Shūseikan (Shūseikan, ký hiệu 2- 1): còn lưu lại tàn tích của một lò luyện sắt, đồng, với độ cao của lò đến 15m, được xây dựng vào năm 1851, phục vụ cho việc sản xuất pháo và đóng tàu.
Diện tích Di sản 9,98ha; vùng bảo vệ 61,09ha.
Khu vực Di sản Xưởng cơ khí Shūseikan, Kagoshima, Nhật Bản
Xưởng cơ khí Shūseikan - tàn tích lò luyện sắt, đồng
Lò sản xuất than củi Terayama Charcoal
Lò sản xuất than củi Terayama Charcoal (Terayama Charcoal Kiln, ký hiệu 2- 2) được hình thành vào năm 1858, là một lò đốt than truyền thống Nhật Bản, kiểu hình móng ngựa, xây dựng bằng đá. Than của lò dùng để phục vụ cho các cơ sở công nghiệp tại Shuseikan. Nguồn nguyên liệu để làm than củi là các khu rừng xung quanh.
Diện tích Di sản 0,64ha; vùng bảo vệ 2,01ha.
Khu vực Di sản Lò sản xuất than củi Terayama Charcoal, Kagoshima, Nhật Bản
Lò sản xuất than củi Terayama Charcoal, Kagoshima, Nhật Bản
Đập chắn kênh dẫn nước
Đập chắn của kênh dẫn nước (Sekiyoshi Sluice gate of Yoshino Leat, ký hiệu 2- 3) được xây dựng có mục đích dâng cao nước đổ vào kênh, cấp nước sinh hoạt cho các khu dân cư, sau đó trở thành nguồn nước cho các động cơ nước và cấp nước cho động cơ hơi nước trong khu vực. Công trình xây dựng vào năm 1852.
Diện tích Di sản 0,11ha; vùng bảo vệ 1,93ha.
Khu vực Di sản Đập chắn của kênh dẫn nước, Kagoshima, Nhật Bản
Đập chắn của kênh dẫn nước, Kagoshima, Nhật Bản
Khu vực 3 - Di sản tại Izunokuni, Shizuoka
Izunokuni là một thành phố thuộc tỉnh Shizuoka, Nhật Bản. Di sản tại đây là một lò đúc thép.
Lò đúc thép Nirayama Reverbatory
Lò đúc thép Nirayama Reverbatory (Nirayama Reverbatory Furnaces, ký hiệu 3 - 1): được xây dựng từ năm 1854, nằm tại Naka, thành phố Izunokuni, gồm hai cấu trúc giống nhau bằng gạch chịu lửa. Hai lò tại phía nam hoàn thành vào năm 1855, hai lò bắc hoàn thành vào năm 1857. Cơ sở này nằm tại trung tâm của một nhà máy sản xuất đại bác, được xây dựng vào năm 1857-1864. Công trình này là hình mẫu cho các lò nung khác được xây dựng trên khắp Nhật Bản vào các năm sau đó.
Diện tích Di sản 0,5ha, vùng bảo vệ 33,86ha.
Khu vực Di sản Lò đúc thép Nirayama Reverbatory, Shizuoka, Nhật Bản
Tàn tích lò đúc thép Nirayama Reverbatory, Shizuoka, Nhật Bản
Khu vực 4 - Di sản tại Kamaishi, Iwate
Kamaishi thuộc tỉnh Iwate, miền bắc Nhật Bản. Di sản tại đây là địa điểm khai thác mỏ sắt và luyện kim Hashino, Kamaishi, Iwate:
Mỏ sắt Hashino và khu vực luyện kim liên quan
Mỏ sắt Hashino và khu vực luyện kim liên quan (Hashino Iron Mining and Smelting Site, ký hiệu 4 - 1) là cơ sở luyện kim đi tiên phong trong việc thử nghiệm thành công đúc gang thương mại của Nhật Bản ngay từ năm 1858. Đây là nơi đánh dấu khai sinh ngành công nghiệp sắt, thép hiện đại của Nhật Bản. Tại mỏ và khu vực luyện kim có đến 1000 công nhân làm việc.
Diện tích Di sản 39,55ha; vùng bảo vệ 527,73ha.
Khu vực Di sản Mỏ sắt Hashino và khu vực luyện kim liên quan, Iwate, Nhật Bản
Tàn tích Mỏ sắt Hashino và khu vực luyện kim liên quan, Iwate, Nhật Bản
Khu vực 5 - Di sản tại Saga, Saga
Saga là thành phố thủ phủ của tỉnh Saga, nằm trên đảo Kyushu, Nhật Bản. Di sản tại đây là Xưởng đóng tàu Mietsu, Saga.
Xưởng đóng tàu Mietsu
Xưởng đóng tàu Mietsu (Mietsu Naval Dock - ký hiệu 5 - 1): được hình thành vào năm 1858, phục vụ cho việc sản xuất và sửa chữa tàu chạy bằng động cơ hơi nước theo công nghệ phương Tây. Đây cũng là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho Viện Hải quân Mietsu. Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích.
Diện tích Di sản 3,14ha, vùng bảo vệ 33,43ha.
Khu vực Di sản Xưởng đóng tàu Mietsu, Saga, Nhật Bản
Tàn tích Xưởng đóng tàu Mietsu, Saga, Nhật Bản
Khu vực 6 - Di sản tại Nagasaki, Nagasaki
Thành phố Nagasaki là thủ phủ và là thành phố lớn nhất của tỉnh Nagasaki, Nhật Bản, nằm tại bờ tây nam của đảo Kyūshū - đảo cực nam trong 4 hòn đảo chính của Nhật Bản. Khu vực Di sản tại đây là cơ sở của nhà máy đóng tàu Nagasaki, đảo khai thác than và các địa điểm liên quan, gồm 8 địa điểm:
Bến cảng sửa chữa tàu Kosuge
Bến cảng sửa chữa tàu Kosuge (Nagasaki Shipyard/ Kosuge Slip Dock, ký hiệu 6 -1): là một cơ sở sửa chữa tàu biển hiện đại, được xây dựng vào năm 1869 với các triền tàu cho phép nâng, hạ tàu để sửa chữa bằng động cơ hơi nước. Đây cũng là nơi được cho là kết hợp hài hòa giữa việc nhập khẩu các công nghệ, máy móc thiết bị từ châu Âu và đào tạo nguồn nhân lực mới về công nghiệp tàu thủy cho Nhật Bản những năm sau này. Trong khu vực còn các tàn tích nhà xưởng xây bằng gạch.
Diện tích Di sản 2,36ha, vùng bảo vệ 16,45ha.
Khu vực Di sản Bến cảng sửa chữa tàu Kosuge, Nagasaki, Nhật Bản
Tàn tích Bến cảng sửa chữa tàu Kosuge, Nagasaki, Nhật Bản
Phân xưởng số 3, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki
Phân xưởng số 3, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (Nagasaki Shipyard/ Mitsubishi No.3 Dry Dock, ký hiệu 6 - 2): được xây dựng từ năm 1901 – 1905. Công trình nằm trên địa hình tự nhiên của núi, cắt một phần vào sườn núi, là nơi đóng và sửa chữa được các tàu có tải trọng lớn hàng đầu thế giới thời bấy giờ. Hiện các triền tàu vẫn còn được sử dụng.
Diện tích Di sản 2,28ha, vùng bảo vệ 5,82ha.
Khu vực Di sản Phân xưởng số 3, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (6-2); Nhà khách Senshokaku, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (6-3); Cầu trục Giant, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (6-4); Phân xưởng tạo mẫu nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (6-5)
Tàn tích Phân xưởng số 3, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki, Nhật Bản
Nhà khách Senshokaku, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki
Nhà khách Senshokaku, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (Senshokaku Guest House, ký hiệu 6-3) được xây dựng vào năm 1904, là nơi cư trú của Giám đốc nhà máy. Sau đó công trình được sử dụng như một nhà khách, nơi nghỉ ngơi giải trí.
Diện tích Di sản 0,41ha.
Nhà khách Senshokaku, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki, Nhật Bản
Cầu trục Giant, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki
Cầu trục Giant, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (Mitsubishi Giant Cantilever Crane, ký hiệu 6-4) được xây dựng vào năm 1909, có thể nâng tải trọng nặng đến 150T, chạy bằng điện. Cầu trục được nhập khẩu từ Scotland, là loại đầu tiên có ở Nhật Bản.
Diện tích Di sản 0,03ha, vùng bảo vệ 13,19ha.
Cầu trục Giant, nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki, Nhật Bản
Phân xưởng tạo mẫu nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki
Phân xưởng tạo mẫu nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki (Former Pattern Shop, ký hiệu 6-5) được xây dựng vào năm 1898, là nơi tạo ra các mẫu gỗ phục vụ cho phân xưởng đúc. Đây là công trình xây dựng sớm nhất trong nhà máy, cao hai tầng, tường gạch, dàn mái bằng gỗ. Trên trần có cầu trục treo. Hiện được sử dụng làm bảo tàng.
(Diện tích Di sản 0,36ha.
Phân xưởng tạo mẫu nhà máy đóng tàu Mitsubishi Nagasaki, Nhật Bản
Mỏ than Takashima
Mỏ than Takashima (Takashima Coal Mine, ký hiệu 6-6) được hình thành từ năm 1869. Giếng mỏ Hokkei nằm trên đảo Takashima, là mỏ than Nhật Bản đầu tiên sản xuất theo công nghệ phương Tây, bằng động cơ hơi nước.
Diện tích Di sản 0,17ha, vùng bảo vệ 5,75ha.
Khu vực Di sản Mỏ than Takashima, Nhật Bản
Tàn tích giếng lò, mỏ than Takashima, Nhật Bản
Mỏ than Hashima
Mỏ than Hashima (Hashima Coal Mine, ký hiệu 6- 7) là một hòn đảo nhân tạo hình thành từ khai thác than ngầm dưới biển, từ các phế thải sau tuyển than, được bao quanh bởi một bức tường cao. Mỏ được thành lập vào năm 1890, được coi là một trong những cộng đồng khai thác mỏ phi thường nhất thế giới. Kinh nghiệm khai thác than tại đây được phổ biến cho các nơi khác tại Nhật Bản và châu Á. Năm 1974, mỏ đóng cửa và trở thành một tàn tích với hình bóng giống như một chiến hạm.
Diện tích Di sản 6,52ha, vùng bảo vệ 36,04ha.
Khu vực Di sản Mỏ than Hashima, Nagasaki, Nhật Bản
Tàn tích Mỏ than Hashima, Nagasaki, Nhật Bản
Nhà ở và văn phòng của thương gia Glover
Nhà ở và văn phòng của thương gia Glover (Former Glover House, ký hiệu 6-8) được xây dựng vào năm 1863.
Thomas B. Glover, một thương gia người Scotland, đến Nhật Bản vào năm 1859. Công ty Thương mại Glover (Guraba Shokai) là một trung tâm trao đổi các thông tin về công nghệ, cung cấp các máy móc, thiết bị, tàu… góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại khu vực. Kiến trúc của công trình là sự kết hợp giữa phong cách thuộc địa của Anh với cấu trúc xây dựng truyền thống gắn với nghề thủ công của Nhật Bản.
Diện tích Di sản 0,31ha, vùng bảo vệ 61,95ha.
Khu vực Di sản Nhà ở và văn phòng của thương gia Glover, Nagasaki, Nhật Bản
Nhà ở và văn phòng của thương gia Glover, Nagasaki, Nhật Bản
Khu vực 7 - Di sản tại Omuta, Fukuoka và Uki, Kumamoto
Omuta nằm ở cuối phía nam của tỉnh Fukuoka, Nhật Bản; Uki là thành phố thuộc tỉnh Kumamoto, nằm tại phía tây nam Nhật Bản. Khu vực Di sản tại đây gồm 2 địa điểm:
Mỏ và cảng than Miike
Mỏ và cảng than Miike (Miike Coal Mine and Miike Port, ký hiệu 7-1) nằm tại Omuta, tỉnh Fukuoka, gồm 2 hầm lò chính: Miyanohara xây dựng năm 1898 và Manda, xây dựng năm 1902).
Than tại đây có chất lượng cao, song nằm sâu dưới mực nước ngầm, cần thiết phải có các máy móc thiết bị hiện đại. Mỏ than Miike là mỏ than thứ hai được hiện đại hóa sau mỏ than Takashima. Các thiết bị khai thác than, trước hết là máy bơm và các đường ống thu gom thoát nước tập trung, băng chuyền được nhập từ Anh.
Mỏ được kết nối với cảng Miike qua tuyến đường sắt vận tải than. Tuyến đường sắt phục vụ mỏ than Miike được xây dựng vào năm 1905. Cảng than được xây dựng vào năm 1908, là cảng xuất khẩu than lớn nhất được xây dựng tại Nhật Bản về cả công nghệ, quy mô và cách thức bố trí thời bấy giờ. Đường sắt vận chuyển và cảng có vai trò quan trọng cho việc xuất khẩu với khối lượng lớn than khai thác tại mỏ Miike. Hệ thống hầm lò, các tháp vận tải than, tuyến đường sắt, cảng… đã thống trị cảnh quan địa phương tại đây hơn một thế kỷ.
Mỏ than Miike là ví dụ tiêu biểu cho việc tiếp thu các công nghệ hiện đại của châu Âu vào sản xuất, hình thành một cảnh quan văn hóa khai thác than hiện đại.
Diện tích Di sản 119,78ha, vùng bảo vệ 371,61ha.
Khu vực Di sản Mỏ và cảng than Miike, Fukuoka, Nhật Bản
Tàn tích mỏ than Miike, Fukuoka, Nhật Bản
Cảng than Miike, Fukuoka, Nhật Bản
Cảng Tây Misumi
Cảng Tây Misumi (Misumi West Port, ký hiệu 7-2) nằm tại thành phố Uki, tỉnh Kumamoto, được hình thành vào năm 1887, phục vụ cho xuất khẩu than và kết hợp với các công trình dân dụng. Cảng được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản và kỹ thuật hiện đại, trước hết là từ Hà Lan.
Diện tích Di sản 18,61ha, vùng bảo vệ 83,45ha.
Khu vực Di sản Cảng Tây Misumi, Kumamoto, Nhật Bản
Cảng Tây Misumi, Kumamoto, Nhật Bản
Khu vực 8 - Di sản tại Kitakyūshū, Fukuoka
Kitakyūshū là một thành phố của tỉnh Fukuoka, tây nam Nhật Bản. Khu vực Di sản tại đây gồm 2 địa điểm:
Nhà máy thép Yawata
Nhà máy thép Yawata (The Steel Works Imperial, ký hiệu 8- 1) do Chính phủ Nhật Bản xây dựng vào năm 1901, nằm tại một ngôi làng nhỏ Yawata, gần biển và gần khu vực giàu than đá.
Công trình được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về sắt, thép cho sản xuất tàu, máy móc và đường sắt, cũng như cho mục đích quốc phòng. Nhà máy được hoàn thành và đi vào hoạt động nhờ kỹ sư, thợ cả được tuyển dụng từ Đức và công nhân Nhật có tay nghề cao được đào tạo trước từ Nhà máy thép Kamaishi (Kamaishi Ironwroks, xây dựng từ năm 1858).
Sản phẩm của nhà máy là thép tấm, thép hình loại vừa và nhỏ, đường ray và các sản phẩm thép cán khác. Hàng năm tại đây sản xuất được 150.000 tấn thép, vượt xa dự kiến ban đầu là 60.000 tấn. Nhà máy thép Yawata thể hiện một bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi sang công nghiệp nặng tại Nhật Bản, đánh dấu sự khởi đầu của một giai đoạn quan trọng trong lịch sử sản xuất sắt, thép của Nhật Bản, châu Á và cả thế giới.
Diện tích Di sản 1,71ha, vùng bảo vệ 33,81ha.
Khu vực Di sản Nhà máy thép Yawata, Fukuoka, Nhật Bản
Hình ảnh Nhà máy thép Yawata xưa
Trạm bơm sông Onga
Trạm bơm sông Onga (Onga River Pumping Station, ký hiệu 8 - 2) được xây dựng vào năm 1910, trên bờ phía đông của sông Onga, phục vụ cung cấp nước cho công nghiệp thép tại Yawata qua một đường ống dẫn dài 11,4 km.
Trạm bợm gồm hai công trình xây dựng bằng gạch, nhà nồi hơi và máy bơm; bể lắng…
Diện tích Di sản 1,38ha, vùng bảo vệ 55,89ha.
Khu vực Di sản Trạm bơm sông Onga, Fukuoka, Nhật Bản
Trạm bơm sông Onga, Fukuoka, Nhật Bản
Di sản Các địa điểm Cải cách Công nghiệp Minh Trị tại Nhật Bản: Sắt thép, Đóng tàu và Khai mỏ là minh chứng cho thành tựu độc đáo của Nhật Bản, là một nước không thuộc phương Tây đầu tiên công nghiệp hóa thành công. Đây là các địa điểm minh chứng cho việc chuyển đổi một cách sáng tạo từ một xã hội đóng dựa vào nội sinh (thị tộc, sản xuất nông nghiệp và thủ công) đến một xã hội mở hướng tới ngoại nhập để dễ thích ứng với công nghệ của sản xuất theo lối công nghiệp, thị trường kiểu phương Tây.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1484
https://en.wikipedia.org/wiki/Sites_of_Japan’s_Meiji_Industrial_Revolution:_Iron_and_Steel,_
Shipbuilding_and_Coal_Mining
http://www.japansmeijiindustrialrevolution.com/en/
http://www.hagishi.com/en/world-heritage/
http://www.japansmeijiindustrialrevolution.com/en/site/kamaishi/component.html
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|