Thông tin chung:
Công trình: Khu vực Mỏ đồng tại Falun (Mining Area of the Great Copper Mountain in Falun)
Địa điểm: Dalarna, Thụy Điển (N60 36 16.992 E15 37 50.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 42,82 ha; Vùng đệm 3499,96 ha.
Năm hình thành mỏ: Thế kỷ 13
Giá trị: Di sản thế giới (2001; hạng mục ii,iii, iv)
Thụy Điển (Sweden) là một quốc gia Bắc Âu, giáp với Na Uy về phía tây và phía bắc, Phần Lan về phía đông, và được nối với Đan Mạch ở phía tây nam bằng một đường hầm cầu qua eo biển Öresund .
Thụy Điển có diện tích 450.295 km2, dân số khoảng 10,377 triệu người (năm 2020), thủ đô và thành phố lớn nhất là Stockholm.
Các dân tộc Đức (Germanic Peoples) đã sinh sống ở Thụy Điển từ thời tiền sử, nổi lên trong lịch sử với tên gọi Geats (Götar Thụy Điển) và Thụy Điển (Svear) và tạo thành các dân tộc biển được gọi là Norsemen (người Bắc Âu). Một nhà nước Thụy Điển độc lập đã xuất hiện vào đầu thế kỷ 12.
Sau khi bệnh dịch hạch Black Death ở giữa thế kỷ 14 đã giết chết khoảng một phần ba số dân bán đảo Scandinavian và đã tạo ra những biến động về tôn giáo, xã hội và kinh tế với những ảnh hưởng sâu sắc đến tiến trình lịch sử châu Âu.
Sự xuất hiện của Hanseatic (Hanseatic League, một liên minh thương mại và phòng thủ của các bang hội thương nhân và thị trấn thương mại Tây Bắc và Trung Âu) đã đe dọa nền văn hóa, tài chính và ngôn ngữ vùng Scandinavia. Điều này dẫn đến việc thành lập Liên minh Kalmar (Kalmar Union, tồn tại năm 1397–1523) tại
Scandinavia vào năm 1397.
Thụy Điển rời bỏ liên minh này vào năm 1523 và Đế chế Thụy Điển (Swedish Empire, tồn tại năm 1611–1721) được hình thành; trở thành một trong những cường quốc của châu Âu cho đến đầu thế kỷ 18.
Vùng lãnh thổ Thụy Điển bên ngoài bán đảo Scandinavia đã dần dần mất đi trong thế kỉ 18 và 19 thế kỷ, kết thúc bằng sự sáp nhập của Phần Lan vào Nga năm 1809.
Cuộc chiến cuối cùng mà Thụy Điển đã tham gia trực tiếp là năm 1814. Kể từ sau đó, Thụy Điển hòa bình và duy trì chính sách trung lập chính thức trong các vấn đề đối ngoại.
Ngày nay, Thụy Điển chia thành chia thành 21 vùng (tỉnh) và 290 thành phố tự trị.
Bản đồ Thụy Điển và vị trí thành phố Falun, vùng Dalarna, tại miền trung Thụy Điển
Falun là một thành phố thuộc vùng Dalarna với số dân khoảng 37 ngàn người (năm 2010), nằm tại miền trung của Thụy Điển.
Falun nổi tiếng vì có mỏ đồng. Khai thác đồng đã là một trong những hoạt động kinh tế quan trọng hàng đầu của địa phương từ giữa thế kỷ thứ 13 và đã trở thành một nguồn doanh thu quan trọng cho Thụy Điển.
Từ thế kỷ 14, mỏ đồng Falun thuộc Công ty Stora Kopparberg, hoạt động theo các quy định của Hoàng gia Thụy Điển. Sản xuất khai thác mỏ đã thu hút một số lượng lớn người lao động và hình thành nên thị trấn Falun vào thế kỷ 14.
Công nghệ khai thác đồng truyền thống xưa kia gồm: Đốt nóng đá quặng, khi nguội đi đá quặng giòn và dễ vỡ, thuận tiện cho việc khai thác bằng các công cụ thủ công. Quặng được vận chuyển ra khỏi mỏ tới nơi tinh luyện đồng. Những năm sau này việc khai thác quặng và tinh luyện đồng hiệu quả hơn nhờ tiếp nhận các công nghệ khai mỏ mới (nổ mìn, máy khoan tay, giàn khoan…).
Vào thế kỷ 17, việc khai thác và tinh luyện đồng tại đây lên đến đỉnh điểm với sản lượng chiếm đến hai phần ba lượng đồng của thế giới. Khoảng 3000 tấn đồng đã được sản xuất tại mỏ Falun vào năm 1650.
Việc xây dựng tuyến đường sắt vận chuyển quặng đồng cũng góp phần tích cực cho việc tăng trưởng sản xuất và tạo vị thế mới cho Falun. Thị trấn Falun dần thở thành trung tâm công nghiệp, hành chính và dịch vụ công cộng của khu vực xung quanh, trở thành một trong những điểm dân cư lớn nhất của Thụy Điển thời bấy giờ với số dân khoảng 6 ngàn người.
Những năm tiếp sau, tầm quan trọng của Mỏ đồng Falun giảm dần. Mỏ đóng cửa hoàn toàn vào năm 1992.
Mỏ đồng Falun (Mining Area of the Great Copper Mountain in Falun) tại Dalarna, Thụy Điển là một trong những di tích công nghiệp nổi bật nhất trên thế giới.
Trải qua nhiều thế kỷ, cho đến khi ngừng sản xuất vào cuối thế kỷ 20, đây là một trong những mỏ khai thác và sản xuất kim loại quan trọng nhất. Điều này đạt đến đỉnh điểm vào thế kỷ 17, khi Thụy Điển thống trị với tư cách là nhà sản xuất đồng lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển công nghệ, kinh tế, xã hội và chính trị của Thụy Điển và châu Âu.
Lịch sử của ngành công nghiệp khai khoáng có thể thấy tại đây các yếu tố liên quan đến phát triển công nghiệp gắn với cảnh quan thiên nhiên, ý chí và sự đổi mới sáng tạo của con người.
Cảnh quan tại Mỏ đồng Falun gắn liền với hố khai quật khổng lồ (được gọi là Hố lớn/Stora Stöten) cùng tàn tích của các trục mỏ và thiết bị khai thác liên quan; nhà hành chính, nhà ở cho công nhân và các công trình phụ trợ.
Mỏ đồng Falun đáng chú ý không chỉ vì di sản công nghệ của mỏ mà còn bởi bằng chứng phong phú minh họa sự phát triển kinh tế, xã hội của ngành công nghiệp đồng và cấu trúc xã hội theo thời gian của cộng đồng khai thác mỏ. Nhiều khu định cư cho thợ mỏ cũng như thị trấn mỏ được quy hoạch từ thế kỷ 17 tại Falun như là minh chứng cho hệ khung kinh tế xã hội của ngành công nghiệp khai mỏ tại châu Âu cho đến cuối thế kỷ 19.
Cổng vào Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Tượng đài Công nhân tại Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Khu vực Mỏ đồng tại Falun, Dalarna, Thụy Điển được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2001) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Mỏ đồng tại Falun bị ảnh hưởng bởi công nghệ khai mỏ của Đức, nhưng công ty mỏ này đã trở thành nhà sản xuất đồng lớn vào thế kỷ 17 và có ảnh hưởng sâu sắc đến công nghệ khai thác ở mọi nơi trên thế giới trong hai thế kỷ tiếp theo.
Tiêu chí (iii): Toàn bộ cảnh quan tại Falun hiện tại bị chi phối bởi tàn tích của hoạt động khai thác quặng và tinh luyện đồng, bắt đầu từ thế kỷ thứ 9 và kết thúc vào những năm cuối của thế kỷ 20; trở thành bằng chứng đặc biệt về một truyền thống văn hóa đã và đang tiếp tục tồn tại.
Tiêu chí (v): Các giai đoạn liên tiếp trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội của ngành công nghiệp đồng ở Mỏ Falun, từ hình thức tiểu thủ công nghiệp sang sản xuất công nghiệp, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến phát triển công nghiệp và đô thị, kinh tế và xã hội tại Thụy Điển.
Sơ đồ phạm vi Di sản Mỏ đồng Falun (Khu A, B, C), Thụy Điển
Di sản Khu vực Mỏ đồng tại Falun, Dalarna, Thụy Điển chia thành 3 khu: Khu A, Khu B và Khu C.
Mỏ đồng Falun, thị trấn mỏ tại Österå- Bergsgården – Khu A
Mỏ đồng Falun, thị trấn mỏ tại Österå- Bergsgården (Falu gruva, stad och bergslag Österå- Bergsgården) là khu di tích lớn nhất, nằm tại phía bắc và tây Khu vực Di sản. Tại đây có 4 địa điểm nổi bật:
Sơ đồ phạm vi Khu A1, A2, A3, A4, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Khu lõi của Mỏ đồng Falun - A1
Khu lõi của Mỏ đồng Falun (Core Area – Địa điểm A1) cũng là Khu lõi (Falu Gruv) của Khu vực Di sản. Điểm trung tâm của Khu lõi là Mỏ lộ thiên (Stora Stoten).
Khu lõi của Mỏ đồng Falun bao gồm: Khu khai mỏ dưới lòng đất và Các cơ sở phục vụ trên mặt đất.
Khu lõi của Di sản Mỏ đồng Falun - Khu A1, Thụy Điển
Khu mỏ dưới lòng đất bao gồm 9 hạng mục chính sau:
Sơ đồ 9 công trình hệ thống trục lò và các điểm khai thác mỏ dưới lòng đất, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Khu mỏ lộ thiên và hầm lò (Stora Stoten – trong hình vẽ ký hiệu 1): Khu mỏ lộ thiên là một moong (Great Pit) dài 400m rộng 350 và sâu khoảng 95m. Hình dạng moong hiện nay một phần do trận sụt lở đất vào năm 1687; Trục hầm lò chính của mỏ sâu đến 450m, kể cả các nhánh phụ sâu đến 600m. Hiện giờ một phần hầm lò được mở cửa cho du khách thăm quan.
Khu mỏ lộ thiên, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Tòa nhà đưa khách đến thăm quan bằng thang máy xuống mỏ (Anfarten – hình vẽ ký hiệu 2) được xây dựng vào năm 1812, xây dựng lại vào năm 1845.
Trạm đưa công nhân xuống hầm mỏ (Anfarten), Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Điểm khai thác trong hầm lò mang tên Creutz Schakt (hình vẽ ký hiệu 3) hình thành vào năm 1662, trục lò dài 208m. Hệ thống chống đỡ vách lò khổng lồ có cấu trúc bằng gỗ được xây dựng vào năm 1833-1836. Trong lò có hệ thống máy bơm và các thiết bị khai thác và vận chuyển quặng.
- Điểm khai thác trong hầm lò mang tên Allmanna Freden (hình vẽ ký hiệu 4) là trục lò tiếp theo của điểm khai thác Creutz Schakt, có chiều cao 21m, dài 65m.
- Điểm khai thác mỏ mang tên Fulklappen (hình vẽ ký hiệu 5): Hầu hết các quốc vương Thụy Điển kể từ Gustav Vasa (1496-1560) đều đến thăm mỏ Falun. Chuyến thăm của Hoàng gia cuối cùng diễn ra vào năm 1993. Fullklappen là nơi lưu lại chữ ký trên vách mỏ của một vị vua.
- Cầu thang Ralambs Schakt (hình vẽ ký hiệu 6) được hình thành vào năm 1732.
- Một trục mỏ mới Eugens Ort (hình vẽ ký hiệu 7) là nơi thử nghiệm đầu tiên máy khoan khai thác quặng vào năm 1897.
- Điểm khai thác mỏ mang tên Osman Pascha (hình vẽ ký hiệu 8), là tên vị chỉ huy Thổ Nhĩ Kỳ, có vai trò nổi bật trong cuộc chiến tranh Nga – Thổ Nhĩ Kỳ 1877-1878, được thực hiện vào năm 1878 – 1886.
- Điểm khai thác mỏ mang tên Utbordingens Sanke (9) là một điểm khai thác theo kiểu giếng mỏ.
Đường hầm mỏ, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Điểm khai thác mỏ - Creutz Schakt, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Công cụ khai thác mỏ xưa, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Khu vực trên mặt đất gồm 13 hạng mục công trình chính sau:
Sơ đồ vị trí 13 công trình phục vụ khai thác mỏ nằm trên trên mặt đất, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Phối cảnh tổng thể các công trình phục vụ khai thác mỏ nằm trên mặt đấ, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Bảo tàng (Museum – trong hình vẽ ký hiệu 1): Trước kia đây là tòa nhà điều hành của Công ty Stora Kopparberg (Stora Gruvstugan), được xây dựng vào năm 1771- 1785, cao 2 tầng, theo phong cách Rococo. Những năm sau này, năm 1800 trụ sở công ty chuyển vào thành phố, tòa nhà được khôi phục trở thành Bảo tàng mỏ (Mine Museum) vào năm 1922.
Nhà điều hành của Công ty Stora Kopparberg, ngày nay là Bảo tàng mỏ, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Vườn phía sau công trình Bảo tàng mỏ, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Tòa nhà Bergmästargården (hình vẽ ký hiệu 2) nằm bên cạnh Bảo tàng, có mặt bằng hình chữ L, cao 1 tầng;
- Công trình Creutz lave (hình vẽ ký hiệu 3) và Creuts hjulhus med konstgång (hình vẽ ký hiệu 4) là hai trạm bơm nước nằm đối xứng nhau qua đường. Công trình Creutz lave được xây dựng vào năm 1852; Công trình Creuts hjulhus med konstgång được xây dựng vào năm 1882, là nơi đặt máy bơm với một bánh xe nước có đường kính khoảng 15m;
- Công trình Husbergs pivå (hình vẽ ký hiệu 5) được xây dựng vào năm 1845, là nơi đặt các máy nâng vận chuyển quặn;
Công trình Husbergs Pivå - tháp vận chuyển quặng, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Công trình Creutz spelhus (hình vẽ ký hiệu 6) được xây dựng vào năm 1855, là trạm bơm với các bánh xe nước với đường kính 14m.
Công trình trạm bơm Creutz Lave và Creuts Hjulhus Med Konstgång, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Xưởng tuyển quặng Anrikningsverk (hình vẽ ký hiệu 7): Quặng từ Mỏ Falun chuyển đến đây để tuyển quặng bằng phương pháp tuyển nổi (quặng được xay nghiền sau đó trộn với nước. Các thành phần không mong muốn chìm xuống đáy và được tách ra. Phần bọt quặng sau đó được sấy khô, chứa khoảng 15-33% đồng).
Xưởng tuyển quặng Anrikningsverk , Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
- Một số hạng mục công trình khác: Công trình Oscars lave (hình vẽ ký hiệu 8) được xây dựng vào năm 1970 cao 40m; Công trình Gruvstugan (hình vẽ ký hiệu 9) được xây dựng vào năm 1919 và mở rộng vào năm 1970; Công trình Fredriks hjulhus (hình vẽ ký hiệu 10) được xây dựng vào năm 1853 và được xây dựng lại vào năm 1891, nơi đặt các bánh xe nước chạy máy bơm; Công trình Adolf Fredriks lave (hình vẽ ký hiệu 11) được xây dựng vào năm 1845; Công trình Konstmästargården (hình vẽ ký hiệu 12) được xây dựng vào năm 1870; Công trình Geschwornergården (hình vẽ ký hiệu 13) nằm một bên, tại phía bắc của Bảo tàng; Công trình cao 2 tầng.
Cảnh quan gò phế thải Furnace - A2
Cảnh quan gò phế thải Furnace (Furnace landscape – Địa điểm A2), nằm tại phía bắc của Hố mỏ lộ thiên (Stora Stoten/Falu Gruv). Kề liền tại phía đông cũng là một gò phế thải lớn.
Cảnh quan gò phế thải Miner – Yeomen- A3
Cảnh quan gò phế thải Miner – Yeomen (Miner – Yeomen landscape – Địa điểm A3), nằm tại phía tây của Hố mỏ lộ thiên (Stora Stoten/Falu Gruv).
Sơ đồ vị trí 2 Khu gò phế thải A2 và A3 cạnh Khu khai mỏ A1, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Thị trấn mỏ Falun- A4
Thị trấn mỏ Falun (Town of Falun – Địa điểm A4), nằm tại phía đông bắc của Hố mỏ lộ thiên (Stora Stoten/Falu Gruv).
Thị trấn mỏ Falun có bố cục quy hoạch theo kiểu ô cờ, rất trật tự, có bố cục chạy dài theo hướng tây bắc – đông nam theo con sông nhỏ Falun (Falun River) nối hồ Ostanforsan (phía tây bắc) và hồ Tisken (phía đông nam).
Trong lịch sử, đã có thời sông chia thị trấn thành 2 vùng khác biệt nhau, một bên là vùng đất nghèo, ô nhiễm dành cho những người thợ mỏ và một bên giàu có, sạch sẽ dành cho chủ mỏ và người giàu có.
Thị trấn mỏ Falun, dọc sông Falun, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Di tích Khu nhà ở của người lao động tại Thị trấn Falun, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Khu Hosjo và Thung lũng Sundbornsan – Khu B
Khu Hosjo và Thung lũng Sundbornsan (The Hosjo Area and the Sundbornsan Valley) nằm tại phía đông Khu vực Di sản, kéo dài theo sông Sundbornsan nối hồ Toftan tại phía bắc đến hồ Hosjo tại phía nam; được chia thành 2 địa điểm:
Sơ đồ phạm vi Khu B1, B2, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Địa điểm Hosjo (Địa điểm B1), nằm tại phía nam Khu B, gắn với hồ Hosjo, là một khu dân cư khoảng 3000 dân (năm 2005) được hình thành vào năm 1663 gắn liền với giai đoạn khai thác và tinh luyện đồng tại Mỏ đồng Falun lên đến đỉnh điểm.
Nhà thờ cổ Hosjo, xây dựng năm 1669, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Địa điểm Sundbornsan (Sundbornsan Area – Địa điểm B2) nằm tại phía bắc Khu B, là một khu dân cư với khoảng 762 dân (năm 2010). Trước đây từng là nơi chứa quặng khai thác từ Mỏ đồng Falun.
Khu dân cư Sundbornsan, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Thung lũng Knivaan – Khu C
Thung lũng Knivaan (Knivaås valley) là địa điểm có quy mô nhỏ hơn Khu A và B, nằm tại phía đông nam Khu vực Di sản, phía đông của hồ Runn. Tại đây vẫn nhìn thấy những đống xỉ khổng lồ tại Staberg, cùng với tàn tích của lò rèn nguội, lò rèn nóng, lò luyện, khu nhà của công nhân…
Sơ đồ ranh giới Thung lũng Knivaan - Khu C, Di sản Mỏ đồng Falun, Dalama, Thụy Điển
Vị trí Di tích gò đống tại Thung lũng Knivaan - Khu C, Di sản Mỏ đồng Falun, Thụy Điển
Di sản Mỏ đồng Falun, Dalarna, Thụy Điển gắn liền với quá trình hình thành thị trấn Falun, cung cấp một bức tranh sống động và điển hình về những sự kiện lịch sử trải qua nhiều thế kỷ của một trong những khu vực khai thác khoáng sản quan trọng hàng đầu thế giới.
Ngày nay, Di sản như một bảo tàng ngoài trời, là nơi thu hút đông đảo du khách đến tham quan.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1027
https://en.wikipedia.org/wiki/Sweden
https://sh.wikipedia.org/wiki/Falun
https://en.wikipedia.org/wiki/Falun_Mine
https://en.wikipedia.org/wiki/Stora_Enso
http://www.falugruva.se/en
http://www.geonord.org/shows/falu.html
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|