Tuần 34 - Ngày 26/03/2025
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan, Gunma, Nhật |
20/04/2016 |

Thông tin chung:
Công trình: Nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan (Tomioka Silk Mill and Related Sites)
Địa điểm: Tỉnh Gunma, Nhật Bản (N36 15 19 E138 53 16)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 7,2ha; diện tích vùng đệm 414,6ha
Năm thành lập: 1872
Giá trị: Di sản thế giới (2014; hạng mục ii, iv)
Nhật Bản là một đảo quốc tại Đông Á, Thái Bình Dương, được gọi là "Đất nước Mặt Trời mọc".
Quốc gia này nằm bên rìa phía Đông của biển Nhật Bản, biển Hoa Đông, bán đảo Triều Tiên và vùng Viễn Đông Nga, trải dài từ biển Okhotsk ở phía Bắc xuống biển Hoa Đông và đảo Đài Loan ở phía Nam.
Nhật Bản có diện tích 377.972,75 km2, là một quần đảo núi lửa với khoảng 6.852 đảo, phần lớn diện tích là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản hạn chế. Bốn hòn đảo lớn nhất là Honshu, Hokkaido, Kyushu và Shikoku, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền.
Nhật Bản có số dân khoảng 126,7 triệu người (năm 2017), thủ đô là thành phố Tokyo.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Nhật. Ngày lập nước là ngày 11/2/660 trước Công nguyên (TCN).
Các nghiên cứu khảo cổ đã chỉ ra rằng con người định cư tại Nhật Bản từ 15.000 năm TCN. Các tư liệu lịch sử Trung Hoa từ thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên đã có ghi chép đầu tiên về quốc gia này. Ban đầu Nhật Bản chịu ảnh hưởng lớn từ bên ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Tiếp sau là giai đoạn tự cách ly và thoát khỏi sự chi phối của thế giới phương Tây. Từ đây đã hình thành được những nét đặc trưng trong lịch sử và văn hóa Nhật Bản.
Từ thế kỷ 12 đến năm 1868, Nhật Bản liên tục thuộc quyền cai trị của các võ tướng (Shōgun) với quyền lực rất lớn nhân danh Thiên hoàng. Các dòng họ tướng quân này làm việc trong các dinh thự gọi là Mạc Phủ. Thời kỳ Mạc phủ bắt đầu từ Mạc phủ gia tộc Kamakura (năm 1192–1333); tiếp đó là Mạc phủ Muromachi/ Ashikaga (năm 1336- 1573) và cuối cùng là Mạc phủ Tokugawa (năm 1603 - 1868).
Từ thế kỷ 14 đến cuối thế kỷ 16, xen kẽ giữa các dòng họ Mạc phủ, nước Nhật trong tình trạng mất ổn định do ngoại xâm, nội chiến và chia rẽ, như Thời kỳ Tân chính Kemmu (năm 1333 - 1336); Thời kỳ Nam – Bắc triều (từ năm 1336 – 1392); Thời kỳ Chiến quốc (từ giữa thế kỷ 15 – giữa thế kỷ 16).
Dưới thời kỳ Mạc phủ Tokugawa, quốc gia này bước vào giai đoạn cô lập kéo dài suốt nửa đầu thế kỷ 17 (năm 1633) và chỉ kết thúc vào năm 1853 khi một hạm đội của Hoa Kỳ gây áp lực buộc Nhật Bản phải mở cửa với phương Tây.
Vào năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị loại bỏ chế độ Mạc Phủ, thiết lập lại trật tự mới, dời đô từ Kyōto về Tōkyō, khai sinh Đế quốc Nhật Bản và tái thiết lại đất nước. Nước Nhật bắt đầu thời kỳ công nghiệp hóa. Chỉ tới đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã trở thành quốc gia có trình độ hiện đại hóa cao nhất châu Á. Thiên Hoàng đã trở thành biểu tượng thiêng liêng của dân tộc Nhật Bản.
Trong những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, thắng lợi trong các cuộc chiến tranh Trung – Nhật, Nga – Nhật và Chiến tranh thế giới thứ 1 đã cho phép Nhật Bản mở rộng đế chế của mình và củng cố quyền lực theo Chủ nghĩa quân phiệt. Cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1937 đã nhanh chóng lan rộng thành một phần của Chiến tranh thế giới thứ 2, bắt đầu vào năm 1941. Chiến tranh kết thúc vào năm 1945 sau vụ Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Năm 1947, Nhật Bản có bản Hiến pháp mới với một chính thể mới, duy trì chế độ quân chủ lập hiến kết hợp dân chủ đại nghị, trong đó cơ quan lập pháp dân cử là Quốc hội Nhật Bản.
Về hành chính, Nhật Bản được chia thành 8 vùng với 47 tỉnh.

Sơ đồ vị trí tỉnh Gunma (10), phía Tây Bắc của thủ đô Tokyo, Nhật Bản
Từ năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị thúc đẩy phục hưng Thần đạo Nhật Bản và mở cửa đất nước, thu hút tinh hoa của các quốc gia công nghiệp tại châu Âu.
Chỉ 4 năm sau, năm 1872, chính phủ Nhật Bản đã thành lập Nhà máy sợi tơ Tomioka tại tỉnh Gunma, Tây Bắc của Tokyo. Đây là nơi tổ chức mô hình sản xuất sợi tơ tằm hiện đại theo công nghệ Pháp.
Mô hình này bao gồm 4 khu vực, tương ứng với các công nghệ tổ chức sản xuất tơ tằm theo quy mô công nghiệp:
- Khu vực ươm tơ, kéo sợi với các máy móc thiết bị và công nghệ được nhập khẩu từ Pháp;
- Khu vực thực nghiệm sản xuất kén tằm;
- Khu vực lưu trữ lạnh trứng tằm;
- Khu vực trường dạy nghề phổ biến kiến thức trồng dâu, nuôi tằm.
Mô hình tích hợp 4 chức năng trên cho thấy mong muốn của Nhật Bản nhanh chóng tiếp thu và phổ biến các kỹ thuật sản xuất công nghiệp tốt nhất, là một trong những yếu tố quyết định việc đổi mới việc trồng dâu nuôi tằm và ngành công nghiệp sợi tơ Nhật Bản trong cuối thế kỷ 19.

Hình ảnh về xưởng kéo sợi tơ xưa, nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản
Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan đã trở thành trung tâm đổi mới trong việc sản xuất sợi tơ và đánh dấu điểm khởi đầu hòa nhập của Nhật Bản vào kỷ nguyên công nghiệp hóa, tạo ra các sản phẩm mới, trở thành quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới về sản xuất lụa thô, đặc biệt là tại thị trường châu Âu và Hoa Kỳ.
Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan tại tỉnh Gunma, Nhật Bản được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới (năm 2014) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan là minh chứng cho việc chuyển giao và tiếp thu các công nghệ sản xuất sợi theo phương pháp công nghiệp từ Pháp đến Nhật Bản, làm đổi mới công nghệ truyến thống nuôi tằm dệt tơ có từ lâu đời. Qua đó, biến Tomioka trở thành một trung tâm đối mới kỹ thuật, tạo vị thế mới cho Nhật Bản tại thị trường sợi tơ toàn cầu vào đầu thế kỷ 20, là ví dụ tiêu biểu cho sự ra đời của một nền văn hóa quốc tế hòa nhập về trồng dâu, nuôi tằm, sản xuất sợi tơ.
Tiêu chí (iv): Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan là một ví dụ nổi bật của một mô hình liên kết cho sản xuất hàng loạt sợi tơ. Quy mô của nhà máy, từ thiết kế đến công nghệ sản xuất hiện đại của phương Tây là ví dụ minh họa cho việc lan truyền phương pháp sản xuất công nghiệp vào Nhật Bản và Viễn Đông.
Các công trình kiến trúc nhà xưởng trong nhà máy cũng là ví dụ tiêu biểu về sự xuất hiện và hòa nhập phong cách kiến trúc công nghiệp của nước ngoài với kiến trúc Nhật Bản.
Khu vực Di sản gồm 4 địa điểm, theo bảng sau:
Mã hiệu
|
Địa điểm
|
Tọa độ
|
DT di sản
|
DT vùng đệm
|
1449-001
|
Nhà máy lụa Tomioka
|
N36 15 19.00
E138 53 16.00
|
5,5 ha
|
151,1 ha
|
1449-002
|
Trang trại trồng dâu Tajima Yahei
|
N36 14 48,00
E139 14 21,00
|
0,4 ha
|
60,8 ha
|
1449-003
|
Trường dạy nghề Takayama-sha
|
N36 12 12,00
E139 1 54,00
|
0,8 ha
|
54,1 ha
|
1449-004
|
Kho lạnh Arafune
|
N36 14 48.00
E138 38 7.00
|
0,5 ha
|
148,6 ha
|

Sơ đồ vị trí 4 hạng mục trong Di sản Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan tại tỉnh Gunma, Nhật Bản
Nhà máy lụa Tomioka
Di sản Nhà máy lụa Tomioka (Tomioka Silk Mill) có diện tích rộng 5,5ha.
Nhà máy có bố cục chính mặt bằng hình chữ u, bao quanh sân trong.
Tòa nhà tại cách phía đông và phía tây là kho kén (East Cocon warehouse và West Cocon warehouse). 2 tòa nhà được làm từ vật liệu địa phương song với với cấu trúc khung xây dựng kiểu Pháp (khung gỗ, chèn gạch). Nhà cao 2 tầng. Tầng 1 cho phụ nữ làm việc. Tầng 2 là kho lưu trữ kén tơ khô. Ngày nay tòa nhà được sử dụng như một Bảo tàng lịch sử của nhà máy.
Tòa nhà tại cánh phía nam là phân xưởng sản xuất chính của nhà máy (Silk – reeling plant)- phân xưởng kéo sợi tơ (từ kén tằm). Nhà xưởng dài 140m, có kết cấu dàn mái vượt nhịp lớn, không có cột bên trong. Đây là giải pháp kết cấu xây dựng chưa từng có tại Nhật Bản vào thời điểm bấy giờ.
Giữa sân là một ống khói lớn, nhà nồi hơi và nhà sấy kén (Cocoon drying facility), hiện chỉ còn tàn tích, bể nước…

Sơ đồ phạm vi Di sản và vùng đệm Nhà máy lụa Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Sơ đồ vị trí Nhà máy lụa Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Sơ đồ bố trí các hạng mục công trình trong nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Phối cảnh tổng thể Di sản nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Kho kén tằm phía đông và lối vào sân trong nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Kho kén tằm phía Tây nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Bên trong nhà máy sợi tơ Tomioka; bên trái là kho kén tằm

Phối cảnh góc Phân xưởng kéo sợi tơ; bên phải là kho kén tằm, nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Nội thất Phân xưởng kéo sợi tơ, nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản

Nội thất nhà văn phòng, nhà máy sợi tơ Tomioka, Gunma, Nhật Bản
Xung quanh khu vực xưởng kéo sợi tơ và kho kén còn có một số hạng mục công trình:
- Nhà thường trực, bảo vệ;
- Nhà của chủ nhà máy (Brunat house) nằm kế liền phân xưởng chính. Sau này là nơi dạy chữ, đào tạo nhân viên;
- Trạm xá;
- Ký túc xá của chuyên gia người Pháp (nam và nữ) và của nữ công nhân người Nhật; là các tòa nhà có kiến trúc kết hợp giữa kiến trúc Pháp và kiến trúc truyền thống người Nhật;
Các công trình giáo dục, y tế, nhà ở trên góp phần tạo nên môi trường làm việc và sinh hoạt tốt hơn cho phụ nữ, là mô hình khởi đầu, tiếp đó được áp dụng cho các nhà máy trên khắp Nhật Bản.
- Nhà hành chính của công ty, đặt tại phía bắc của khu nhà xưởng.

Nhà thường trực, bảo vệ tại khu vực Di sản nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan

Nhà của chủ nhà máy, sau này là nơi dạy chữ, dạy nghề cho công nhân, tại khu vực Di sản nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan

Nhà ở của chuyên gia Pháp, tại khu vực Di sản nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan

Ký túc xá cho nữ công nhân Nhật, tại khu vực Di sản nhà máy sợi tơ Tomioka và khu vực liên quan
Trang trại trồng dâu, nuôi tằm Tajima Yahei
Di sản Trang trại trồng dâu, nuôi tằm Tajima Yahei (Tajima Yahei Sericulture Farm) có diện tích rộng 0,4 ha, nằm tại thành phố Isesaki, được xây dựng vào năm 1863.
Đây là nơi ở cũ và trang trại của Yahei Tajima, là một nông dân nuôi tằm đã phát triển một hệ thống thông gió để nuôi trứng tằm có chất lượng cao và ổn định, được gọi là "Seiryo-iku".
Đây là ngôi nhà Seiryo-iku đầu tiên tại Nhật, cao 2 tầng. Trên tầng 2 có cửa mái để thông gió tự nhiên, tương tự như mô hình nhà công nghiệp tại châu Âu. Ngoài việc được thông gió, trứng tằm cũng được theo dõi để lai tạo ra những con tằm có chất lượng tơ cao nhất có thể.
Thời bấy giờ, nhiều người trồng dâu nuôi tằm đã đến thăm trang trại để tìm hiểu, nghiên cứu về cách nuôi tằm lấy trứng theo công nghệ mới.
Trang trại trước đây bao gồm hai ngôi nhà được nối với nhau bằng một cây cầu trên tầng hai, nhưng nay chỉ còn một ngôi nhà và cây cầu.

Sơ đồ phạm vi Di sản và vùng đệm Trang trại trồng dâu, nuôi tằm Tajima Yahe, Gunma, Nhật Bản

Sơ đồ Trang trại trồng dâu, nuôi tằm Tajima Yahe, Gunma, Nhật Bản

Trang trại trồng dâu, nuôi tằm Tajima Yahe, Gunma, Nhật Bản

Vườn trồng dâu tằm được duy trì cho mục đích trưng bày gần trang trại Tajima Yahe, Gunma, Nhật Bản
Trường dạy nghề Takayama-sha
Di sản Trường dạy nghề Takayama-sha (Takayama-sha Sericulture School) có diện tích rộng 0,8ha, nằm tại thành phố thành phố Fujioka.
Đây là nơi mọi người từ khắp Nhật Bản và các nước lân cận có thể đến để nghiên cứu và học thêm về nghề trồng dâu nuôi tằm, kỹ thuật nuôi tằm để lấy tơ thô.
Takayama Chogoro, một cựu samurai bước vào kinh doanh tơ lụa sau khi kết thúc thời kỳ Mạc Phủ, đã thành lập trường vào năm vào năm 1884. Trong giai đoạn này công nghệ trồng dâu nuôi tằm kiểu Seion-iku đã hoàn thiện.
Theo mô hình kiểu Seion-iku, nhiệt độ và độ ẩm được kiểm soát để tạo ra các điều kiện lý tưởng cho việc nuôi kén tằm bằng cách sử dụng một tòa nhà 2 tầng với nhiều cửa sổ và và cửa mái để thông gió tốt, cũng như lò sưởi. Bài giảng thực hành được dạy tại trường đã thiết lập tiêu chuẩn mới và lan truyền công nghệ trồng dâu nuôi tằm hiện đại ở Nhật Bản.
Tòa nhà chính trong Trường dạy nghề Takayama-sha cao 2 tầng được xây dựng vào năm 1891, có hình dáng mô phỏng theo công trình tại Trang trại trồng dâu Tajima Yahei.

Sơ đồ phạm vi Di sản và vùng đệm Trường dạy nghề Takayama-sha, Gunma, Nhật Bản

Sơ đồ tổng mặt bằng Trường dạy nghề Takayama-sha, Gunma, Nhật Bản

Phối cảnh tổng thể Trường dạy nghề Takayama-sha, Gunma, Nhật Bản

Tòa nhà chính Trường dạy nghề Takayama-sha, Gunma, Nhật Bản

Khay nuôi tằm ở tầng 2 tòa nhà chính, Trường dạy nghề Takayama-sha, Gunma, Nhật Bản
Kho lạnh Arafune
Di sản Kho lạnh Arafune (Arafune Cold Storage) có diện tích rộng 0,5ha nằm ở vùng rừng núi gần thành phố Tomioka, tỉnh Gunma.
Kho lạnh Arafune nằm trong một hang gió lạnh lớn nhất của tỉnh, như một tủ lạch tự nhiên cho ngành công nghiệp tơ lụa vào đầu những năm 1900.
Tại đây có thể lưu trữ khoảng một triệu khay trứng tằm cho các nhà sản xuất tơ tằm trên khắp Nhật Bản.
Không khí mát trong kho được tạo ra do gió đi qua các khe đá chứa đầy tuyết tích tụ trong mùa đông. Ngay cả trong mùa hè khi nhiệt độ bên ngoài lên đến hơn 20 độ C, nhiệt độ trong kho lạnh vẫn chỉ cao hơn mức đóng băng vài độ.
Trong hang có 3 nhà kho với bằng tường gạch, đá trát vữa bùn để đỡ các khay trứng tằm bằng gỗ.
Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích.

Sơ đồ phạm vi Di sản và vùng đệm Kho lạnh Arafune, Gunma, Nhật Bản

Sơ đồ mặt bằng Kho lạnh Arafune, Gunma, Nhật Bản

Tàn tích kho lạnh Arafun, Gunma, Nhật Bản
Di sản Nhà máy sợi tơ Tomioka và các khu vực có liên quan tại tỉnh Gunma, Nhật Bản trở thành một trong những địa điểm thu hút những nhà lịch sử nghiên cứu các yếu tố khung văn hóa, con người và thể chế đã tạo điều kiện cho các quốc gia châu Á gia nhập thành công thế giới công nghiệp hiện đại, trường hợp đặc biệt là Nhật Bản.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1449
https://en.wikipedia.org/wiki/Japan
https://en.wikipedia.org/wiki/Tomioka_Silk_Mill
http://www.tomioka-silk.jp.e.wv.hp.transer.com/tomioka-silk-mill/
http://japan-magazine.jnto.go.jp/en/1408_tomioka.html
https://www.japan-guide.com/e/e7419.html
https://www.japan-guide.com/e/e7418.html
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 07/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Công viên Muskauer / Công viên Mużakowski, Đức và Ba Lan
- Đền Hát Môn (thờ Hai Bà Trưng), huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội, Việt Nam
- Di tích Um er-Rasas (Kastrom Mefa'a), Madaba, Amman, Jordan
- Cố đô Pasargadae, Pars, Iran
- Quần thể Takht-e Soleyman, Western Azerbaijan, Iran
- Các thị trấn Baroque muộn tại Val di Noto, Sicily, Ý
- Samarkand – Ngã tư văn hóa, Uzbekistan
- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
Tin đã đưa:- Tu viện Galati, Kutaisi, Georgia
- Lăng mộ Khoja Ahmed Yasawi, Turkestan, Kazakhstan
- Pháo đài cổ Masada, Israel
- Qal'at al-Bahrain - Cảng và đô thị cổ Dilmun, Bahrain
- Thành cổ Sigiriya, Sri Lanka
- Khu Khảo cổ Al-Hijr- Madain Salih, Saudi Arabia
- Thành cổ Hatra, Ninawa, Iraq
- Di chỉ khảo cổ Tchogha Zanbil, Khuzestan, Iran
- Khu phố cổ Walled với Cung điện Shirvanshah và Tháp Maiden, Baku, Azerbaijan
- Tu viện Hahpat và Sanahin, Lorri, Armenia
- Khu phố cổ Itchan Kala, Khiva, Uzbekistan
- Thành phố lịch sử Shibam, Hadhramaut, Yemen
- Làng cổ Choirokoitia, Larnaca, Sip
- Quần thể Di tích Bru na Boinne - Bend Boyne, Ireland
- Các ngôi đền đá cổ tại Quần đảo Malta
|