Tuần 14 - Ngày 07/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Các ngôi đền đá cổ tại Quần đảo Malta |
19/03/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Các ngôi đền đá cổ tại Quần đảo Malta (Megalithic Temples of Malta)
Địa điểm: Đảo Malta và đảo Gozo, Quần đảo Malta (N36 2 56,688 E14 16 10,092)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 3155 ha; vùng đệm 167ha.
Năm hình thành: Thiên niên kỷ thứ 4 và 3 trước Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1980, mở rộng 1992, sửa đổi ranh giới vào năm 2015; hạng mục iv)
Malta là một quốc đảo ở Địa Trung Hải, nam Châu Âu, tọa lạc tại vị trí 80 km về phía nam của Ý, 284 km về phía đông của Tunisia, và 333 km về phía bắc của Libya. Malta có diện tích khoảng 316km2, dân số khoảng 514 ngàn người (2019), thủ đô là Valletta.
Malta đã có người sinh sống từ khoảng năm 5900 trước Công nguyên (TCN). Với vị trí nằm tại trung tâm của Địa Trung Hải, Malta có một tầm quan trọng chiến lược to lớn như một căn cứ hải quân. Đây cũng là nơi tranh chấp và cai trị của nhiều cường quốc theo tiến trình lịch sử, bao gồm người Phoenicia (Phoenicians - nền văn minh cổ đại dựa vào thương mại hàng hải trải khắp Địa Trung Hải trong suốt thời kỳ từ năm 1550 – 300 TCN); người Hy Lạp (Greeks); người Carthaginians (nhà nước tại khu vực Bắc Phi và Tây Ban Nha kéo dài đến năm 146 TCN); người La Mã (Romans), người Ả Rập (Arabs), người Bắc Âu cổ (Normans), người Tây Ban Nha (Aragon), người Pháp, người Anh và Giáo đoàn Hiệp sĩ cứu tế Thánh John của Jerusalem (Order of Knights of St John of Jerusalem).
Malta trở thành thuộc địa của Anh vào năm 1813, có vai trò là trạm dừng chân cho tàu bè và là trụ sở của Hạm đội Địa Trung Hải của Anh. Trong Thế chiến 2, Malta là một căn cứ quan trọng của Đồng minh cho các hoạt động ở Bắc Phi và Địa Trung Hải.
Năm 1964, Malta trở thành quốc gia độc lập. Ngày nay Quần đảo Malta được chia thành 68 địa phương.
Vị trí của Quần đảo Malta
Trên đảo Malta và đảo Gozo thuộc Quần đảo Malta ở Địa Trung Hải có rất nhiều ngôi đền cổ dạng cự thạch - megalith (xuất phát từ tiếng Hy Lạp, mô tả các cấu trúc bằng đá lớn, lồng vào nhau không cần vữa, xây dựng chủ yếu vào các thời kỳ đồ đá mới). Các ngôi đền được xây dựng vào thiên niên kỷ thứ 4 và thứ 3 TCN, hiện đều được bảo tồn cẩn thận, cách ly với các khu vực xung quanh qua vùng đệm.
Các ngôi đền đá cổ tại Quần đảo Malta được xếp hạng trong số những công trình kiến trúc bằng đá cự thạch sớm nhất trên thế giới và rất đáng chú ý vì sự đa dạng về hình thức và trang trí. Mỗi khu phức hợp là một kiệt tác kiến trúc độc đáo và là nhân chứng cho một nền văn hóa tiền sử đặc biệt, nổi tiếng với những thành tựu kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ đáng chú ý.
Mỗi ngôi đền đều có chung đặc điểm:
Mặt bằng phức tạp, được tạo thành bởi hai lớp tường: Tường bên ngoài có mặt bằng hình elip bao xung quanh một hệ thống tường bên trong phân chia các không gian phòng với mặt bằng cũng là hình elip.
Các bức tường được hình thành bởi các tấm đá thẳng đứng, kết nối với nhau bằng các tấm đá như một dầm ngang, để đỡ các tấm mái bằng đá. Tường bên ngoài thường được xây dựng bằng các khối đá lớn hơn so với tường bên trong. Không gian giữa lớp tường bên ngoài và tường bên trong được lấp đầy đất và đá.
Phương pháp xây dựng này là một giải pháp tinh vi đáng kể vào thời đó.
Đền được tiếp cận từ một đường elip ở phía trước của một mặt tiền lõm. Lối vào đền tại vị trí trung tâm của mặt tiền, qua một hành lang hoành tráng đến gian thờ. Đối xứng hai bên không gian thờ là các buồng dạng bán tròn (elip/ apses). Số lượng các buồng xung quanh gian thờ có thể từ hai đến sáu không gian, tùy thuộc vào quy mô của công trình.
Đá xây dựng công trình là đá sẵn có tại địa phương. Đá vôi cứng được sử dụng cho tường bên ngoài. Đá vôi mềm (đá vôi san hô) cho các tường bên trong, thuận lợi cho việc trang trí.
Bên trong các phòng có nhiều trang trí đặc sắc, là minh chứng cho một mức độ cao của sự khéo léo, gồm các tấm đá trang trí bằng các mảng đục lỗ; các tấm phù điêu miêu tả các họa tiết hình xoắn ốc, thực vật và động vật...Hình thức và cách bố trí của những tòa nhà này, cũng như những đồ tạo tác được tìm thấy bên trong cho thấy công trình là một trung tâm nghi lễ của một xã hội có tổ chức cao.
Vị trí các ngôi đền cổ tại Quần đảo Malta
Các ngôi đền cự thạch tại Quần đảo Malta đã được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa thế giới (năm 1980, mở rộng 1992) với tiêu chí:
Tiêu chí (iv): Các ngôi đền cự thạch ở Malta là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng, không chỉ vì tính độc đáo, phức tạp và tỷ lệ ấn tượng, mà còn vì kỹ năng kỹ thuật xây dựng chúng.
Di sản Các ngôi đền cự thạch ở Malta gồm 6 ngôi đền chính: Đền Ggantija; Hagar Qim; Mnajdra; Skorba; Ta Haġrat và Tarxien.
Đền Ggantija
Di tích Đền Ggantija (Ġgantija Temples) có diện tích 0,715ha, diện tích vùng đệm 33ha; nằm ở cuối cao nguyên Xaghra, tại trung tâm đảo Gozo, hướng về phía đông nam.
Đền được cho là xây dựng sớm nhất trong các ngôi đền cự thạch tại quần đảo Malta (3600 -2500 TCN), sớm hớn cả các Kim tự tháp của Ai Cập (năm 2600 TCN). Ngôi đền hơn 5500 tuổi này được cho là ngôi đền nhân tạo lâu đời thứ hai trên thế giới, sau Đền Göbekli Tepe (nằm tại thị trấn Şanlıurfa, Thổ Nhĩ Kỳ, xây dựng vào năm 9000 TCN).Đền Ggantija là một phức hợp gồm:
- Đền phía bắc (trong hình vẽ ký hiệu B) được xây dựng vào năm 3600 TCN;
- Đền phía nam (ký hiệu A) được xây dựng vào năm 2900 TCN. Sau đó, Quần thể đền được mở rộng thêm một ngôi đền nữa dọc theo trục chính của Quần thể đền (ký hiệu C)
Các không gian chính trong đền gồm: Không gian làm lễ (Oracular hole); Nơi làm lễ rảy, đổ rượu, sữa..vào đất (Libation holes); Các phòng phụ trợ (Niches) và nơi đặt bàn thờ chính (Main altars).
Các chi tiết trang trí bên trong đền thờ làm người ta tin rằng ngôi đền là của giáo phái có liên quan đến nghi thức sinh sản của văn hóa bản địa.
Phạm vi Di tích Đền Ggantija, Đảo Gozo, Quần đảo Malta
Sơ đồ mặt bằng Đền Ggantija
Phối cảnh tổng thế di tích Đền Ggantija, Đảo Gozo, Quần đảo Malta
Bên ngoài di tích Đền Ggantija, Đảo Gozo, Quần đảo Malta
Bên trong di tích Đền Ggantija, Đảo Gozo, Quần đảo Malta
Đền Hagar Qim
Di tích Đền Hagar Qim (Hagar Qim Temples) có diện tích 0,813ha, vùng đệm có diện tích 63ha (cùng chung với Di tích Đền Mnajdra); nằm tại rìa phía nam của đảo Malta, trên một sườn núi đá vôi mềm.
Đền Hagar Qim là một phức hợp gồm:
- Đền thờ nguyên thủy (trong hình vẽ ký hiệu A), là đền thờ xây dựng đầu tiên, vào trước năm 3600 TCN.
- Đền thờ tại phía bắc (ký hiệu B) là một ngôi đền nhỏ được xây dựng vào năm 3600-3000 TCN.
- Đền thờ tại phía nam (ký hiệu C) được xây dựng vào năm 3000- 2500 TCN và sau đó được mở rộng thêm (ký hiệu D). Đền thờ phía nam được gắn thêm 3 đền thờ nhỏ khác (ký hiệu E, F, G). Các đền thờ này đều có lối ra vào riêng.
Di tích còn lại đáng chú ý tại ngôi đền chính (Ký hiệu C, D, E, G, F) gồm: Phòng giảng đạo (Oracular apsis) với viên đá có lỗ thủng để thông với bên ngoài (Oracular orifice); Viên đá thiêng(Sacred stone - Baetylus); Bàn, ghế đá trang trí công phu (Ornate stone furniture); Lò sưởi đá có trang trí (Ornate fireplace); Các hốc đá, nơi lưu giữ xương độc vật hiến tế (Niche)…
Bức tường đá bao quanh đền thờ có viên nặng đến 57 tấn, cao đến 5,2m.
Bên cạnh khu vực đền thờ là các giếng nước, dẫn nước vào đền qua hệ thống kênh ngầm.
Trong quá trình khai quật, còn tìm thấy các di vật như dụng cụ đá lửa, những bức tượng đá.
Phạm vi Di tích Đền Hagar Qim và Đền Mnajdra, Đảo Malta
Sơ đồ mặt bằng di tích Đền Hagar Qim, Đảo Malta
Phối cảnh tổng thể di tích Đền Hagar Qim, Đảo Malta
Bên ngoài di tích Đền Hagar Qim, Đảo Malta
Bên trong di tích Đền Haga Qim với viên đá có lỗ thủng, Đảo Malta
Bên trong di tích Đền Haga Qim với các bàn đá có trang trí, Đảo Malta
Đền Mnajdra
Di tích Đền Mnajdra (Mnajdra Temples) có diện tích 0,563ha, vùng đệm có diện tích 63ha (cùng chung với Di tích Đền Hagar Qim); nằm cách Đền Hagar Qim khoảng 500m, tại phía nam của đảo Malta.
Đền thờ là một phức hợp gồm:
- Đền thờ nguyên thủy ban đầu, đặt tại phía trên của phức hợp (trong hình vẽ ký hiệu A), xây dựng trước năm 3600 TCN, là một ngôi đền nhỏ, chỉ có một phòng.
- Đến thờ trung tâm (ký hiệu B), xây dựng vào năm 3600- 3000 TCN;
- Đến thờ phía dưới (ký hiệu C), xây dựng vào năm 3000 – 2500 TCN.
Ngoài mục đích tôn giáo, người ta còn cho rằng ngồi đền này có thể là một đài quan sát thiên văn hay là lịch mặt trời. Vào ngày Xuân phân hoặc Thu phân (mặt trời mọc chính đông và lặn chính tây), ánh sáng mặt trời sẽ đi qua cửa chính và chạy dọc theo trục chính…
Các di tích còn lại đáng chú ý tại ngôi đền A và B, gồm: Phòng giảng đạo (Oracular apsis) với viên đá có lỗ thủng để thông với bên ngoài (Oracular orifice); Lò sưởi đá có trang trí (Decorated fireplace); Tường trang trí hoa văn (Ornate apse); Lò sưởi đá (Fireplace); Các hốc đá, nơi lưu giữ xương độc vật hiến tế (Niches).
Sơ đồ mặt bằng di tích Đền Mnajdra, Đảo Malta
Sơ đồ mặt bằng di tích Mnajdra như một đài thiên văn hay lịch mặt trời, Đảo Malta
Phối cảnh tổng thể di tích Đền Mnajdra, Đảo Malta
Bên trong di tích Đền Mnajdra, Đảo Malta
Các tấm đá trang trí trong di tích Đền Mnajdra, Đảo Malta
Đền Ta Haġrat
Đền Ta Haġrat (Ta Haġrat Temples) có diện tích 0,154ha, vùng đệm có diện tích 60ha (cùng chung với Di tích Đền Skorba); nằm tại phía đông của làng Mgarr, cách đền Skorba khoảng 1km, tại phía tây đảo Malta.
Phức hợp đền Ta Haġrat gồm:
- Đền thờ chính (trong hình vẽ ký hiệu A), có mặt bằng hình cỏ 3 lá, được xây dựng vào năm 3600-3300 trước Công nguyên;
- Đền thờ phụ (ký hiệu B) là đền thờ mở rộng thêm, được xây dựng cùng thời với đền thờ chính.
Các di tích chính của phức hợp còn lại là: Lối vào của đền thờ phụ (1) và gian thờ (2).
Phạm vi Di tích Đền Ta Haġrat và Đền Skorba, Đảo Malta
Sơ đồ di tích Đền Ta Haġrat, Đảo Malta
Phối cảnh tổng thể di tích Đền Ta Haġrat, Đảo Malta
Tàn tích Đền Ta Haġrat nhìn từ bên ngoài, Đảo Malta
Tàn tích Đền Ta Haġrat nhìn từ bên trong, Đảo Malta
Đền Skorba
Đền Skorba (Skorba Temples) có diện tích 0,103ha, vùng đệm có diện tích 60ha (cùng chung với Di tích Đền Ta Haġrat); nằm tại phía tây đảo Malta.
Phực hợp đền Skorba gồm:
- Nhà ở (trong hình vẽ ký thiệu A), được xây dựng vào năm 5400 – 4500 TCN;
- Cụm 2 công trình (ký hiệu B) có mặt bằng hình elip, không có tường ngoài bao quanh, được xây dựng vào năm 4400 – 4100 TCN;
- Đền thờ tại phía nam (ký hiệu C), được xây dựng vào năm 3600 – 3000 TCN.
- Đền thờ tại phía bắc (ký hiệu D), được xây dựng vào năm 2900 – 2500 TCN.
Tại đây tìm thấy một tượng Nữ thần bằng gốm, các tấm tường và tấm sàn có đục lỗ. Đồ gốm tại đây có hai phong cách: Gốm màu xám, có bề mặt đánh bóng, ít trang trí; Gốm màu đỏ, vàng, nâu.
Sơ đồ mặt bằng di tích Đền Skorba, Đảo Malta
Tàn tích di tích Đền Skorba, Đảo Malta
Tượng nũ thần bằng gốm tại di tích Đền Skorba, Đảo Malta
Đền Tarxien
Đền Tarxien (Tarxien Temples) có diện tích 0,807ha, vùng đệm có diện tích 11ha; nằm tại khu vực nông thôn Tarxien, phía đông đảo Malta.
Phức hợp đền Tarxien gồm:
- Đền thờ nguyên thủy ban đầu (trong hình vẽ ký hiệu A), nằm tại phía đông, được xây dựng vào năm 3250 TCN, là một ngôi đền nhỏ.
- Đền thờ tại phía đông (của đền trung tâm – ký hiệu B) được xây dựng vào năm 3000 TCN.
- Đền thờ phía Tây (ký hiệu C), được xây dựng vào năm 3000 TCN.
- Đền thờ trung tâm (ký hiệu D), nằm giữa hai đền đông và tây, được xây dựng vào năm 2900 đến 2500 TCN.
Các di tích còn lại đáng chú ý tại ngôi đền B, C, D gồm: Miếu thờ bên ngoài; Hậu miếu; Tượng thần (Idole geante); Bàn thờ trang trí (Autel decore); Trụ trang trí (Pilastre decore); Hốc đá trang trí (Niche); Bậc thang (Escalier)…
Tại đây người ta đã phát hiện khoảng một trăm chiếc bình chứa các bộ xương người đã được hỏa táng cùng hạt lúa mạch.
Trong ngôi đền còn phát hiện các di tích đồ gốm (sau này còn được gọi là gốm theo phong cách Tarxien với các hình trang trí dạng hình học xoắn ốc rất đa dạng); Các bức chạm khắc trên đá có hình một con bò và một con lợn nái; Bức tượng người phụ nữ to béo, biểu tượng cho Nữ thần sinh sôi.
Phạm vi Di tích Đền Tarxie, Đảo Malta
Sơ đồ mặt bằng di tích Đền Tarxien, Đảo Malta
Phối cảnh tổng thể di tích Đền Tarxien, Đảo Malta
Tàn tích lối vào di tích Đền Tarxien, Đảo Malta
Bên trong tàn tích di tích Đền Tarxien, Đảo Malta
Trang trí đá tại di tích Đền Tarxien, Đảo Malta
Mỗi ngôi đền thuộc Di sản Các ngôi đền đá cổ tại Quần đảo Malta là một công trình hoành tráng thời bấy giờ, có đặc điểm riêng, đa dạng về hình thức và trang trí; là một kiểu kiến trúc độc đáo và là minh chứng cho sự tồn tại một nền văn hóa thời tiền sử, đặc biệt nổi tiếng vì những thành tựu kiến trúc, nghệ thuật và công nghệ xây dựng vượt trội.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/132
https://en.wikipedia.org/wiki/Malta
https://en.wikipedia.org/wiki/Megalithic_Temples_of_Malta
https://en.wikipedia.org/wiki/Ġgantija
https://en.wikipedia.org/wiki/Haġar_Qim
https://en.wikipedia.org/wiki/Mnajdra
https://en.wikipedia.org/wiki/Skorba_Temples
https://en.wikipedia.org/wiki/Ta'_%C4%A6a%C4%A1rat_Temples
https://en.wikipedia.org/wiki/Tarxien_Temples
https://fr.wikipedia.org/wiki/Préhistoire_de_Malte
Xem video giới thiệu về công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 23/11/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Di sản Mỏ thủy ngân ở Idrija, Slovenia
- Làng cổ Vlkolinec, Ruzomberok, Slovakia
- Làng cổ Holloko và phụ cận, Nograd, Hungary
- Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
- Tu viện St Gall, Thụy Sỹ
- Tu viện Studenica, Kraljevo, Raska, Serbia
- Quần thể di tích lịch sử Split với Cung điện Diocletian, Split - Dalmatia, Croatia
- Cầu Mehmed Pasa Sokolovic ở Visegrad, Bosna và Hercegovina – KTS. Mimar Sinan
- Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
- Nhà thờ Thánh Sophia và Tu viện Kiev Pechersk Lavra, Kiev, Ukraina
- Đài tưởng niệm Quốc gia Great Zimbabwe, Masvingo, Zimbabwe
- Thành phố Đại học Caracas Venezuela - KTS. Carlos Raul Villanueva
- Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
- Hội trường Độc Lập, Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
- Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia
|