Thông tin chung:
Công trình: Khu phố cổ Walled với Cung điện Shirvanshah và Tháp Maiden (Walled City of Baku with the Shirvanshah's Palace and Maiden Tower)
Địa điểm: Baku, bán đảo Apsheron, Azerbaijan (N40 22 0 E49 49 60)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 21,5 ha; vùng đệm 12 ha
Năm hình thành: Từ thế kỷ 11 - 16
Giá trị: Di sản thế giới (2000; hạng mục iv)
Azerbaijan là một quốc gia ở vùng Caucasus thuộc Âu-Á. Tọa lạc tại ngã tư của Đông Âu và Tây Á. Azerbaijan được bao bọc bởi biển Caspian ở phía đông, Nga ở phía bắc, Georgia ở phía tây bắc, Armenia ở phía Tây và Iran về phía Nam.
Vùng ngoại địa Nakhchivan tiếp giáp với Armenia ở phía bắc và phía đông, Iran ở phía nam và phía tây và có biên giới dài 10 km với Thổ Nhĩ Kỳ ở phía tây bắc.
Azerbaijan có diện tích 86.600km2, dân số khoảng 10,2 triệu người (2019); Thủ đô và thành phố lớn nhất là Bacu.
Bằng chứng sớm nhất về sự định cư của con người trên lãnh thổ Azerbaijan có từ cuối Thời kỳ Đồ đá và có liên quan đến nền văn hóa Guruchay gắn với địa điểm hang Azokh (Azokh Cave), nơi cư ngụ của người tiền sử.
Đây là nơi định cư ban đầu của người Scythia (người du mục Hy Lạp, tại khu vực Trung Á và một phần Đông Âu ngày nay) vào thế kỷ thứ 9 TCN.
Theo sau người Scythia, người Medes Iran đến thống trị khu vực phía nam lưu vực sông Aras (là một trog những con sông lớn nhất tại Caucasus) trong khoảng thời gian từ năm 900–700 TCN.
Khoảng năm 550 TCN, vùng đất này được hợp nhất vào Đế chế Achaemenid (Achaemenid Empire, tồn tại năm 550 – 330 TCN) gắn với sự lan rộng của tôn giáo Zoroastrianism.
Vào thế kỷ thứ 2 TCN - thế kỷ 8 sau Công nguyên, nơi đây thuộc Vương triều Caucasian Albania.
Vào năm 252, Vương triều Caucasian Albania trở thành chư hầu của Đế chế Sasanian (Sasanian Empire, Ba Tư, tồn tại năm 224–651). Từ thế kỷ thứ 4, Kitô giáo là quốc giáo.
Vào thế kỷ thứ 7, Vương triều Caucasian Albania trở thành chư hầu của Đế chế Hồi giáo Umayyad (Umayyad Caliphate, tồn tại năm 661–750). Trong giai đoạn này, Azerbaijan bị phân chia thành nhiểu tiểu quốc.
Vào đầu thế kỷ 11, vùng đất này thuộc quyền thống trị của người Thổ Nhĩ Kỳ, Đế chế Seljuk (Seljuk Empire, tồn tai năm 1037–1194).
Vào thế kỷ 9, tiểu vương quốc Shirvanshah (tồn tại từ thế kỷ 9 – đầu thế kỷ 16), trỗi dậy duy trì được sự độc lập nhất định với các cường quốc xung quanh.
Năm 1501, vương triều Safavid Ba Tư chinh phục Shirvanshah và biến nơi đây thành tỉnh Safavid của đế chế vào năm 1538.
Tiếp sau đó, nơi đây thuộc quyền thống trị của người Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại 1299–1922) vào năm 1588; sau đó lại thuộc quyền thống thị của người Safavid Ba Tư, giai đoạn 1588 – 1629.
Người Nga thống trị khu vực này trong một thời gian ngắn và người Iran (Ba Tư) tiếp tục cai trị nơi này cho đến cuối thế kỷ 19 và phải nhượng bộ dần các vùng đất ngoại biên cho Đế chế Nga, trong đó có Azerbaijan.
Sau sự sụp đổ của Đế quốc Nga trong Thế chiến thứ nhất, Liên bang Transcaucasian, gồm các quốc gia Azerbaijan, Georgia và Armenia, được thành lập.
Năm 1918, Azerbaijan tuyên bố độc lập vào năm 1918 và trở thành nhà nước Hồi giáo-đa thế tục đầu tiên.
Năm 1920, quốc gia này được hợp nhất vào Liên Xô.
Năm 1991, Azerbaijan tuyên bố độc lập.
Bản đồ Azerbaijan và vị trí của thành phố Baku
Baku là thủ đô và thành phố lớn nhất của Azerbaijan với dân số khoảng 2,29 triệu người (năm 2020). Baku là thành phố lớn nhất thế giới nằm dưới mực nước biển (-28m), nằm trên bờ biển phía nam của bán đảo Absheron, vịnh Baku.
Vào đầu thế kỷ 20, Baku nổi tiếng là nơi khai thác dầu mỏ và dần trở lên giàu có.
Thành phố gồm hai phần chính: Khu phố mới và Khu phố cổ. Khu phố cổ của thành phố Baku còn được gọi là Khu phố cổ Walled.
Khu phố cổ được xây dựng trên nền phế tích của một khu dân cư từ thời Đồ đá cũ. Di tích cổ nhất tại đây là tháp Maiden, biểu tượng của thành phố Baku, Azerbaijan, được xây dựng vào thế kỷ 12. Tại đây còn có Cung điện Shirvanshah, được cho là một trong những “viên ngọc của kiến trúc Azerbaijan”, được xây dựng vào thế kỷ 15, tiêu biểu cho trường phái kiến trúc Azerbaijan (Shirvan-Absheron architectural school) là sự dung hòa giữa các yếu tố của phương Đông và phương Tây. Ngoài ra trong Khu phố cổ còn có rất nhiều di tích lịch sử kiến trúc thời kỳ trung cổ, nhà ở…được xây dựng từ thế kỷ 18 -20.
Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan là một trong những đại diện nổi bật và hiếm hoi của một quần thể đô thị, kiến trúc và lịch sử, chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, từ Zoroastrian, Sassanian, Ả Rập, Ba Tư, Shirvani, Ottoman, Nga….
Khu phố cổ Walled với Cung điện Shirvanshah và Tháp Maiden tại thành phố Baku, Azerbaijan được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (iv): Khu phố cổ Baku với tường bao quanh đại diện cho một ví dụ nổi bật và hiếm hoi về một quần thể đô thị lịch sử và kiến trúc có ảnh hưởng từ các nền văn hóa Zoroastrian, Sassanian, Ả Rập, Ba Tư, Shirvani, Ottoman và Nga.
Bản đồ phạm vi Di sản Khu phố cổ Walled với Cung điện Shirvanshah và Tháp Maiden tại thành phố Baku, Azerbaijan
Khu phố cổ Walled
Khu phố cổ Walled được cho là hình thành từ thế kỷ 12, cùng với thời gian xây dựng tháp Maiden. Phần lớn các công trình trong khu phố được xây dựng vào thế kỷ 12 đến thế kỷ 16. Vào đầu thế kỷ 19, tại đây có tới 500 hộ gia đình và 700 cửa hàng với dân số khoảng 7 ngàn người.
Với sự xuất hiện của người Nga vào thế kỷ 18, kiến trúc truyền thống của khu phố cũ thay đổi.
Nhiều tòa nhà châu Âu đã được xây dựng trong suốt thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 với phong cách Baroque và Gothic .
Sơ đồ mặt bằng Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Khu phố cổ và Khu phố mới xung quanh, thành phố Baku, Azerbaijan
Tháp Maiden
Tháp Maiden (còn được biết đến với tên địa phương là Giz Galasi) là một phần của thành lũy cổ được xây dựng vào thế kỷ 12 bao quanh thành phố Baku, Azerbaijan.
Tháp là một đền thờ tôn giáo bản địa, nằm trên nền móng của một phế tích được xây dựng vào thế kỷ 4- 6.
Công trình nằm trên một khối đá lớn hướng ra biển, cấu trúc là sự hợp nhất của phong cách kiến trúc Ả Rập, Ba Tư và Ottoman. Tháp gồm một hình trụ tròn cao 29,5 mét và đường kính đáy là 16,5 mét, phía trên nhỏ dần.
Không gian trong tháp có thể đủ sức chứa 200 người.
Tháp có một phần đua ra về phía đông, như một trụ đỡ hay như một tháp thiên văn hướng về phía mặt trời mọc.
Mỗi một tầng tháp đều có một mái vòm đỡ sàn. Bức tường tháp thay đổi độ dày từ 5m đến 3,2m tại các tầng trên cùng của tháp.
Các tầng được nối với nhau bởi cầu thang xoắn sát với những bức tường và được chiếu sáng tự nhiên bằng các cửa sổ hẹp. Tháp được xây dựng bằng những khối đá có kích cỡ khác nhau và được khảm bằng đá vôi xám địa phương. Đá thạch cao cũng được sử dụng xen lẫn mặt ngoài để tạo độ sáng cho bề mặt tháp.
Ngày nay, Tháp Maiden trở thành Bảo tàng lịch sử Baku. Từ trên tháp, du khách có thể quan sát những ngôi nhà, ngõ phố, những ngọn tháp của Khu phố cổ và vịnh Baku.
Phối cảnh Tháp Maiden, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Sơ đồ mặt cắt Tháp Maiden, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Lối vào Tháp Maiden, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Ban đêm Tháp Maiden được chiếu sáng trang trí
Bên trong Tháp Maiden, hiện trở thành Bảo tàng lịch sử Baku
Cung điện Shirvanshahs
Cung điện Shirvanshahs (Palace of the Shirvanshahs) được xây dựng bằng đá, dưới vương triều Shirvanshah, vào thế kỷ 15.
Vào năm 1501- 1538, Đế chế Safavid Ba Tư thôn tính vương triều Shirvanshah. Cung điện cũng như thành phố Baku rơi vào cảnh hoang tàn. Đến năm 1588, dưới sự thống trị của người Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ, cung điện mới dần được phục hồi một phần nhỏ.
Năm 1732 Baku bị người Nga tấn công. Cung điện được chuyển giao cho quân đội Nga làm doanh trại và nhà kho vào giữa thế kỷ 19. Mặt đứng cung điện được sửa chữa lại cho phù hợp với chức năng sử dụng mới. Từ năm 1991, khi Azerbaijan tuyên bố độc lập, Cung điện Shirvanshahs được phục hồi từ tổng thể đến tận chi tiết nhằm trả lại hình dáng ban đầu. Việc trùng tu bắt đầu từ phòng Ngai vàng. Năm 2006, việc trùng tu hoàn thành.
Cung điện Shirvanshahs được bao quanh bởi thành lũy, có một cổng ra vào; là một quần thể công trình nằm trên một mặt bằng gồm 3 bậc thềm: Bậc thềm cao, Bậc thềm giữa và Bậc thềm dưới.
Sơ đồ Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Mặt đứng Cung điện Shirvanshah, nhìn từ Bậc thềm dưới
Cổng chính vào Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Trong Cung điện có các hạng mục công trình chính:
Tòa Chính điện
Tòa Chính điện (Palace, trong hình vẽ ký hiệu 1) được xây dựng vào năm 1411 và tiếp tục xây dựng bổ sung sau đó.
Công trình có quy mô lớn nhất, cao 2 tầng, nằm tại Bậc thềm cao của Quần thể Cung điện Đây là nơi làm việc, ở của hoàng gia.
Tòa nhà có tổng cộng 52 phòng, 27 tầng 1 và 25 phòng tại tầng 2; có bố cục mặt bằng hai tầng giống nhau, được kết nối bởi 3 cầu thang xoắn ốc hẹp.Phần trung tâm của cung điện là sảnh chính, hình bát giác có mái vòm che phủ. Sảnh cũng là nơi tổ chức các buổi tiệc chiêu đãi. Phòng tại tầng 1 là nơi làm việc. Phòng tại tầng 2 dành cho vua và gia đình.
Trong tòa nhà còn lưu lại các khai quật khảo cổ học, gồm đồ vật sinh hoạt hàng ngày, tiền xu của thế kỷ 12- 15, đồ dùng bằng đồng, vũ khí của thể kỷ 19, nhạc cụ thế kỷ 15, trang phục phụ nữ và đồ thêu thế kỷ 19, thảm thế kỷ 19 và đồ dệt thế kỷ 17.
Sân, mặt đứng của tòa Chính điện, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Nội thất Phòng ngai vàng, Chính điện, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Phòng trưng bày các di vật khảo cổ tại Chính điện, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Tòa nhà Divankhana
Tòa nhà Divankhana (hình vẽ ký hiệu 2) có quy mô nhỏ, nằm tại bên trái cổng ra vào Quần thể Cung điện, tại Bậc thềm giữa.
Công trình được cho có chức năng làm thủ tục pháp lý, tiếp khách của cung điện, được xây dựng vào cuối thế kỷ 15, vào thời điểm quân đội Đế chế Safavid Ba Tư đã chiếm được Baku.
Công trình được gồm một hệ thống hành lang với các phòng nhỏ bao quanh tạo thành một sân trong. Hành lang đóng kín bên ngoài mở vào sân trong. Có 2 lối vào sân. Một lối vào chính và một lối vào phụ. Trong sân có 5 giếng nước sâu từ 3 -15m.
Bên trong là tòa nhà Divankhana, có mặt bằng hình bát giác, một phần được bao quanh bởi các hàng cột. Tòa nhà có một sảnh chính tại phía tây theo hình thức sảnh vào của nhà thờ Hồi giáo với một mái vòm cao được trang trí hoa văn cách điệu (arabesques) và mô phỏng thạch nhũ hay tổ ong rất tinh xảo (mucarnases) trên trần vòm.
Mặt bằng công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Mặt cắt công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Sân trong công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Phối cảnh công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Sảnh vào công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Trang trí mái vòm sảnh vào công trình Divankhana, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Nhà thờ Hồi giáo
Nhà thờ Hồi giáo (Palaces Mosque, hình vẽ ký hiệu 3) được xây dựng vào năm 1430. Công trình nằm bên phải cổng ra vào, tại Bậc thềm giữa của Quần thể Cung điện.
Trong nhà thờ có 2 nhà nguyện, một nhà nguyện dành cho nam giới và một phòng có kích thước nhỏ hơn dành cho phụ nữ.
Về hình khối, công trình có hai mái vòm nhọn và một ngọn tháp
Tại đây có một hầm mộ dành cho một vị vua của vương triều Shirvanshah.
Phối cảnh cổng vào Nhà thồ Hồi giáo, bên phải là Lăng mộ Hoàng gia, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Mặt bằng Nhà thờ Hồi giáo, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Bên trong Nhà thờ Hồi giáo, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Lăng mộ Hoàng gia
Lăng mộ Hoàng gia (Shahs Family Tomb, hình vẽ ký hiệu 4) nằm cạnh Nhà thờ Hồi giáo (3) tại Bậc thềm giữa của Quần thể Cung điện.
Công trình có mặt bằng hình chữ nhật.
Lăng có một phần nổi được sử dụng cho mục đích tôn giáo; phần hầm mộ Hoàng gia với các ngôi mộ đặt trong nền đất, phần chênh cao so với Bậc thềm dưới. Hiện đã khai quật được 14 ngôi mộ.
Tòa nhà có mặt bằng hình chữ nhật. Không gian chính giữa có một mái vòm. Sảnh vào chính giữa được tổ chức như sảnh vào với mái vòm cao của tòa nhà Divankhana, song đơn giản hơn.
Sơ đồ mặt bằng và mặt cắt Lăng mộ Hoàng gia, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Phối cảnh sảnh vào Lăng mộ Hoàng gia, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Trang trí mái vòm Lăng mộ Hoàng gia, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Bên trong Lăng mộ Hoàng gia, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Nhà tắm công cộng
Nhà tắm công cộng (Palaces Bath House, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại Bậc thềm thấp nhất của quần thể Cung điện, hiện chỉ còn phế tích nền móng. Công trình có quy mô khoảng 26 phòng tắm, có mái tròn. Các phòng tắm nằm bán ngầm để giữ nhiệt trong mùa đông và mát trong mùa hè.
Nguồn cấp nước cho Nhà tắm được lấy từ một hồ chứa ngầm Ovdan lấy nước từ tuyến ống cấp nước của thành phố.
Tàn tính Công trình nhà tắm công cộng, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Lăng Seyid Yah và Nhà thờ Hồi giáo Keygubad
Lăng Seyid Yah (Seyid Mausoleum Yahya Bakuvi) nằm tại sân phía đông nam của Quần thể cung điện, trên Bậc thềm cao nhất, gần Tòa nhà chính (Shahs Palace, hình vẽ 1)
Lăng được được xây dựng vào thế kỷ 15, là nơi chôn cất của học giả triều đình Khalil Ili Seyid Yahya Bakuvi (1403- 1462), nhà y học, toán học và chiêm tinh học.
Lăng có mặt bằng hình bát giác, mái vòm đá hình chóp lều.
Phần trên của lăng mộ được sử dụng để thực hiện các nghi lễ tôn giáo.
Bên trong lăng có một hầm mộ dưới lòng đất.
Lăng gắn liền với Nhà thờ Hồi giáo Keygubad, hiện chỉ còn phần móng.
Lăng Seyid Yahya là một trong những hình mẫu kiến trúc tưởng niệm đẹp nhất của các khu vực phía bắc Azerbaijan.
Nhà thờ Hồi giáo Keygubad (Keygubad Mosque) được xây thêm vào lăng Seyyid Yahya Bakuvi.
Nhà thờ được xây dựng vào cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15, trên nền một tòa nhà cũ của một nghĩa trang.
Công trình có mặt bằng hình vuông, bên trong có 4 cột đá đỡ một mái vòm.
Năm 1918, nhà thờ bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn.
Phối cảnh Lăng Seyid Ya, phía trước là tàn tích Nhà thời Hồi giáo Keygubad, Quần thể Cung điện Shirvanshah, Khu phố cổ Walled, thành phố Baku, Azerbaijan
Sơ đồ mặt bằng Lăng Seyid Ya (dạng bát giác) và Nhà thời Hồi giáo Keygubad; Sơ đồ mặt cắt
Nhà thời Hồi giáo Keygubad (hình bên phải)
Khu phố cổ của thành phố Walled với công trình tiêu biểu Cung điện Shirvanshah và Tháp Maiden tại Baku, Azerbaijan, hiện vẫn là một thành phố sôi động với các khu dân cư, nhà hàng…thu hút đông đảo du khách.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/958
https://en.wikipedia.org/wiki/Azerbaijan
https://en.wikipedia.org/wiki/Baku
https://en.wikipedia.org/wiki/Old_City_(Baku)
https://en.wikipedia.org/wiki/Maiden_Tower_(Baku)
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_the_Shirvanshahs
https://en.wikipedia.org/wiki/Divankhana_(Shirvanshah%27s_Palace)
https://en.wikipedia.org/wiki/Keygubad_Mosque
https://en.wikipedia.org/wiki/Mausoleum_of_Seyid_Yahya_Bakuvi
https://en.wikipedia.org/wiki/Palatial_mosque_in_Baku
https://en.wikipedia.org/wiki/Shirvanshah%27s_Palace_Mausoleum
https://en.wikipedia.org/wiki/Baku_Fortress_Wall
https://en.wikipedia.org/wiki/Mausoleum_of_Seyid_Yahya_Bakuvi
Xem video giới thiệu về công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|