Thông tin chung:
Công trình: Bru na Boinne - Quần thể khảo cổ Bend Boyne (Bru na Boinne - Archaeological Ensemble of the Bend of the Boyne)
Địa điểm: Quận Meath, Ireland (N53 41 30.012 W6 27 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 770ha; diện tích vùng đệm 2560ha
Năm thực hiện: Khoảng 3500 -2000 năm trước Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (1993; hạng mục i; iii; iv)
Ireland là một hòn đảo ở Bắc Đại Tây Dương, có biên giới trên bộ duy nhất với Bắc Ireland thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len. Bao quanh Ireland là Đại Tây Dương, trong đó biển Celtic (Celtic Sea) nằm về phía nam, biển Irish (Irish Sea) nằm về phía đông.
Về mặt địa chính trị, Ireland bị chia cắt thành Ireland (chiếm phần lớn đảo) và Bắc Ireland (Northern Ireland), thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland. Tính đến năm 2016, 4,8 triệu người sống ở Ireland và 1,8 triệu người sống ở Bắc Ireland.
Ireland có diện tích 84.421 km2; thủ đô và thành phố lớn nhất là Dublin.
Bằng chứng sớm nhất về sự hiện diện của con người ở Ireland là vào năm 10.500 trước Công nguyên (TCN).
Người Gaelic Ireland đã xuất hiện vào thế kỷ 1 sau Công nguyên. Đây là một nhóm người có nguồn gốc từ Ireland, Scotland và khu vực đảo Man (Isle of Man, là một khu vực ở Biển Ireland giữa Vương quốc Anh và Ireland) tại tây bắc châu Âu. Hòn đảo đã được Cơ đốc giáo hóa từ thế kỷ thứ 5 trở đi.
Sau cuộc xâm lược của người Anh - Norman (Anglo-Normans) vào thế kỷ 12, Vương quốc Anh tuyên bố chủ quyền hòn đảo. Tuy nhiên, sự cai trị của người Anh đã không mở rộng trên toàn bộ hòn đảo cho đến cuộc chinh phục của triều đại Tudor Anh (House of Tudor, tồn tại năm 1485 – 1603) vào thế kỷ 16 – 17. Nơi đây trở thành thuộc địa của người định cư từ Anh.
Từ những năm 1690, hệ thống cai trị theo đạo Tin lành của người Anh dần thay thế hệ thống đức tin Công giáo và đạo Tin lành của người bản địa.
Theo Đạo luật Liên minh năm 1800 (Acts of Union 1800), Vương quốc Liên hiệp Anh và và Ireland được thành lập vào năm 1801. Ireland trở thành một phần của Vương quốc Anh.
Cuộc chiến tranh giành độc lập kéo dài tới đầu thế kỷ 20 với Tuyên bố độc lập năm 1919 đã tạo ra Nhà nước Tự do Ireland (Irish Free State). Bắc Ireland vẫn là một phần của Vương quốc Liên hiệp Anh.
Ireland hiện được phân thành 31 chính quyền địa phương (quận).
Bản đồ Ireland và vị trí quận Meath
Bru na Boinne - Quần thể khảo cổ Bend Boyne nằm tại bờ phía bắc của sông Boyne, thuộc quận Meath, tại phía đông của Ireland, cách thủ đô Dublin 40km. Đây là nơi tập trung lớn nhất và quan trọng nhất nghệ thuật cự thạch (Megalith - mô tả các cấu trúc bằng đá lớn, lồng vào nhau không cần vữa, xây dựng chủ yếu vào các thời kỳ Đồ đá mới) của châu Âu. Các di tích có chức năng tang lễ và tôn giáo, kinh tế và xã hội; là một trong những ví dụ tiêu biểu về thời tiền sử châu Âu.
Toàn bộ quần thể di tích có diện tích lên đến 770 ha, bao gồm 3 khu vực di tích: Newgrange, Knowth và Dowth cùng một số lượng lớn các di tích nhỏ khác nằm rải rác xung quanh.
Khu vực Newgrange hoàn toàn thuộc thời tiền sử (Prehistoric), còn lưu lại các di tích như các trụ đá (Henge), hầm mộ với các viên đá có chạm khắc các hình vẽ trừu tượng...
Khu vực Knowth thuộc thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic period) và mới nhất từ thời Anglo-Norman (Anglo-Norman period), còn lưu lại các di tích hầm mộ với vách các lối đi bằng đá được chạm khắc; tường bao; di tích cư trú và các tàn tích khác..
Khu vực Dowth tương tự như tại Khu vực Newgrange, nhưng có thêm các di tích của một nhà thờ và lâu đài thuộc thời Trung cổ (Medieval) sau này.
Các công trình chính trong 3 khu vực di tích đều có ý nghĩa quan trọng về mặt địa cổ học.
Tại Khu vực Newgrange và Dowth, công trình hầm mộ chính có hướng thẳng hàng với mặt trời vào ngày Đông chí (Winter Solstice). Trong khi đó, Khu vực Knowth, công trình hầm mộ chính có hướng thẳng hàng với mặt trời vào ngày Xuân phân và Thu phân (Equinox). Đức tin của cư dân thời tiền sử nơi đây không chỉ hướng về tổ tiên (sùng bái người chết) mà còn hướng về mặt trời (sùng bái tự nhiên).
Quần thể khảo cổ Bend Boyne tạo thành một cảnh quan nghi lễ có ý nghĩa lớn, thu hút các công trình sau này của thời đại Đồ sắt (Iron Age), thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo (Early Christian) và thời Trung cổ (Medieval Periods).
Đây còn là địa điểm lưu giữ các câu chuyện về quá khứ xa xôi của Ireland, là khởi đầu cho các câu chuyện văn hóa dân gian địa phương và các nhân vật thần thoại Ireland.
Sau khi Quần thể khảo cổ Bend Boyne đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước, các hoạt động khảo cổ khám phá và bảo tồn đã được thực hiện.
Các bức chạm khắc đá trong Quần thể khảo cổ Bend Boyne, đại diện tiêu biểu nhất của nghệ thuật cự thạch thời tiền sử ở châu Âu
Quần thể khảo cổ Bend Boyne tại quận Meath, Ireland được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1993) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Di tích Bend Boyne đại diện cho tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người và quan trọng nhất của nghệ thuật tạo hình cự thạch thời tiền sử ở châu Âu.
Tiêu chí (iii): Sự tập trung của các di tích xã hội, kinh tế, tín ngưỡng tại trung tâm nghi lễ quan trọng này và tính liên tục lâu dài từ thời tiền sử đến cuối thời Trung cổ khiến nơi đây trở thành một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất ở châu Âu.
Tiêu chí (iv): Ngôi mộ kiểu hành lang tại đây là một ví dụ nổi bật về kiến trúc xây dựng được thể hiện tốt nhất, có tầm quan trọng nổi bật ở châu Âu thời tiền sử và trong lịch sử nhân loại.
Toàn bộ quần thể Di sản có diện tích lên đến 780 ha, bao gồm 3 khu vực di tích: Newgrange, Knowth và Dowth cùng một số lượng lớn các di tích nhỏ khác nằm rải rác xung quanh. Trong khu vực Di sản hiện đã khảo sát được 66 địa điểm.
Di sản được bảo tồn cẩn trọng với vùng đệm rộng đến 2560ha.
Sơ đồ phạm vi Di sản Bend Boyne tại quận Meath, Ireland
Sơ đồ vị trí 66 địa điểm khảo cổ tại Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Các địa điểm khảo cổ tập trung thành 3 khu: Newgrange, Knowth và Dowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Khu di tích Knowth
Knowth là di chỉ khảo cổ nằm tại phía tây thung lũng Boyne, bao gồm một gò mộ lớn và các gò mộ nhỏ.
Các di tích khảo cổ học tại đây được đánh số từ 1 đến 30 (xem hình vẽ).
Gò mộ chính và lớn nhất của của khu vực Knowth là địa điểm khảo cổ 1, cao khoảng 12m, đường kính khoảng 67m, trên một khu đất có diện tích 1ha.
Gò mộ được xây dựng vào năm 2500 – 2000 TCN.
Có 2 lối vào hầm mộ từ phía đông và phía tây. Giữa hầm mộ có các hốc đá lưu giữ các hài cốt được hỏa táng.
Gò mộ được hình thành bởi 127 tấm đá bao quanh, bên trong lấp đất, đá.
Trong hành lang và hầm mộ bằng đá có nhiều tấm đá chạm khắc công phu, được cho là một trong những ví dụ đặc sắc của nghệ thuật cự thạch điển hình.
Di tích Knowth là nơi chứa hơn một phần ba tổng số các tác phẩm nghệ thuật cự thạch nổi tiếng tại các nước Tây Âu. Có tới 200 phiến đá trang trí đã được tìm thấy trong quá trình khai quật. Các họa tiết trang trí trên các viên đá tìm thấy tại đây là điển hình của nghệ thuật cự thạch với hình xoắn ốc, hình thoi, lưỡi liềm….
Vào thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic) và Đồ đồng (Bronze Age), khu vực này thường xuyên diễn ra các hoạt động nghi lễ.
Vào cuối thời kỳ Đồ sắt (Iron Age) và đầu thời kỳ Cơ đốc giáo, nơi đây trở thành một pháo đài với các mương và các đường hầm (Souterrains) được xây dựng bổ sung.
Khi người Anh - Norman (Anglo-Normans) xâm chiếm Ireland vào thế kỷ 12, địa điểm này tiếp tục là một pháo đài, sau đó trở thành một tu viện. Khi tu viện giải thể, nơi đây được sử dụng chủ yếu cho mục đích nông nghiệp. Đến năm 1939, Di tích được nhà nước tiếp quản.
Phối cảnh tổng thế Gò mộ chính (Địa điểm khảo cổ 1) và các gò nhỏ bao quanh, tại Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt bằng Gò mộ chính tại Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt cắt dọc Gò mộ chính tại Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Cửa vào hậm mộ từ phía đông, Gò mộ chính tại Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Cửa vào hầm mộ tại phía tây, Gò mộ chính; xung quanh là các gò mộ nhỏ
Các tấm đá được trang trí bao quanh Gò mộ chính, Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Lối vào hầm mộ tại Gò mộ chính, Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Bên trong hầm mộ tại Gò mộ chính, Khu di tích Knowth, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Khu di tích Newgrange
Newgrange là di chỉ khảo cổ nằm tại phía nam thung lũng Boyne. Các di tích khảo cổ học tại đây được đánh số từ 31 đến 48; 60, 64, 65.
Gò mộ chính và lớn nhất của của Khu vực Newgrange là địa điểm khảo cổ 32. Đây là di tích nổi tiếng nhất trong Quẩn thể khảo cổ Bend Boyne, được xây dựng vào trước năm 3200 TCN.
Nhìn từ bên ngoài, công trình nổi lên như một ngọn đồi, là một trong những đài tưởng niệm thời tiền sử ấn tượng nhất ở Châu Âu. Về thời gian, công trình nhiều tuổi hơn những công trình nổi tiếng thế giới như Vòng tròn đá Stonehenge tại Anh (được xây dựng vào năm 3700-1600 TCN) và Kim tự tháp đá tại Ai Cập (được xây dựng vào năm 2560 – 2540 TCN).
Gò mộ chính từng là nơi chôn cất của các trưởng tộc dòng Tara. Nhiều nhà khảo cổ cho rằng, công trình còn được sử dụng như đài quan sát mặt trời, là một trong những đài thiên văn cổ xưa nhất trên thế giới.
Gò mộ chính được đắp bởi các viên đá lớn bao quanh, bên trong đổ đất, đá nhỏ tạo thành gò với chiều cao đến 12m, đường kính khoảng 76m, diện tích khoảng 4500m2.
Xung quanh gò mộ là vòng tròn các trụ đá (Kerbstones), được cho là xây dựng thêm vào sau này vào thời kỳ Đồ đồng. 12 viên đá, trong số 35 trụ đá ban đầu còn tồn tại.
Tại cổng vào hầm mộ có một viên đá thạch anh màu trắng nổi bật chắn phía trước. Viên đá dài 3m, cao khoảng 12m, nặng 5 tấn, là một trong những viên đá chạm khắc nổi tiếng nhất của nghệ thuật cự thạch. Các chạm khắc này được cho là thực hiện trước khi xây dựng.
Lối vào hầm mộ thẳng hàng với mặt trời mọc vào ngày Đông chí. Ánh sáng mặt trời chiếu qua một ô cửa (Roofbox/Dachoffnung) phía trên lối ra vào. Vào ngày thời tiết đệp, ánh nắng có thể chiếu sâu vào bên trong hầm mộ đến 17 phút. .
Hầm mộ dài dài 19m, dốc dần lên, dẫn đến không gian hầm mộ gồm 3 phòng mộ với mái vươn thẳng lên như một ống khói.
Bên trong phòng mộ có các hốc đặt hài cốt hỏa táng và đồ tùy táng.
Lối vào và các phòng mộ được ốp các trụ đá (Kerbstone) có chạm khắc. Các trụ đá ốp trong hầm mộ có kích thước to lớn, trung bình cao 15m, được xây dựng không cần vữa, xếp đặt lên nhau một cách chính xác. Cách thức xây dựng tại đây hiện vẫn còn là bí ẩn.
Các tấm đá xây dựng Khu di tích Newgrange được khai thác tại Clogherhead, County Louth, cách khoảng 20km. Các hình chạm khắc đá trừu tượng tại đây có tới 10 loại: 5 loại là các đường cong (hình tròn, xoắn ốc, vòng cung, hình chữ chi, dấu chấm trong vòng tròn…); 5 loại là hình thoi (hình thoi, chữ v, đường thẳng song song…).
Trong những năm sau này, vào thời đại Đồ đá mới, Đồ sắt, Newgrange được sử dụng cho các hoạt động nghi lễ tôn giáo. Vào thế kỷ 12, nơi đây trở thành trang trại nông nghiệp; thế kỷ 14 trở thành một tu viện; thế kỷ 17 cho tư nhân thuê. Năm 1882, di tích được đặt dưới sụ kiểm soát của nhà nước.
Phối cảnh tổng thế Gò mộ chính (Địa điểm khảo cổ số 32) tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt bằng Gò mộ chính tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt cắt hành lang và hầm mộ Gò mộ chính tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland; Thể hiện vị trí 3 viên đá chắn trước lối vào; Chiếu sáng tự nhiên vào sâu trong hầm mộ qua cửa bên trên lối vào
Tấm đá trang trí phía trước và ô cửa lấy ánh sáng phía trên lối vào hầm mộ của Gò mộ chính, tại Khu di tích Newgrange Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Ánh sáng mặt trời chiếu sâu vào hầm mộ của Gò mộ chính tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Bên trong hầm mộ của Gò mộ chính tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Nóc hầm mộ của Gò mộ chính tại Khu di tích Newgrange, Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Khu di tích Dowth
Dowth là di chỉ khảo cổ nằm tại phía đông thung lũng Boyne, được xây dựng vào năm 2500 – 2000 TCN.
Các di tích khảo cổ học tại đây được đánh số từ 49 đến 59; 61, 62, 63 và 66.
Gò mộ chính và lớn nhất của của khu vực Dowth là địa điểm khảo cổ 54. Gò mộ có đường kính khoảng 85m, cao 15m và được bao quanh bởi 115 trụ đá (Kerbstones). Gò bị sập sau khi khai quật vào năm 1847 (tạo thành hố như miệng núi lửa trên đỉnh gò mộ).
Tại Dowth (tương tự như tại Newgrange), Gò mộ chính với hầm mộ có hướng thẳng hàng mặt trời vào ngày
Đông chí (Winter Solstice).
Gò mộ chính có 3 lối vào lát đá từ phía tây dẫn đến 3 di tích. Lối vào hầm mộ thấp và có ít các tấm đá trang trí hơn so với di tích Newgrange và Knowth.
3 di tích cùa Gò mộ chính gồm: 2 hầm mộ, mộ phía bắc (Dowth North) và mộ phía nam (Dowth South) và một hành lang ngầm (Souterrain) nằm sát rìa phía tây bắc của gò.
Hầm mộ phía bắc (Dowth North) dài nhất với chiều dài 18,2m, kết thúc là một phòng mộ có mặt bằng hình chữ thập. Lối vào hầm mộ Dowth North được đánh dấu bởi một phiến đá (Kerbstone) được chạm khắc các hình tròn, hình xoắn ốc và giống như bông hoa. Mái hiên che lối vào đã bị phá hủy và thay bằng mái hiện đại. Tại lối đi và phòng mộ có một số phiến đá thẳng đứng, bề mặt trang trí bằng các hình xoắn ốc, chữ V, hình thoi và hình tròn có tia. Trên nền phòng mộ có một chậu đá kích thước 1,4m x 1m. Tại phòng mộ có một buồng phụ hình chữ L, bên trong có một phiến đá dài 2,4m có chứa một hốc lõm hình bầu dục.
Hầm mộ phía nam (Dowth South) dài 3,5m, kết thúc là một căn phòng hình tròn, mái ban đầu bị sập hiện thay bằng mái bê tông. Từ tháng 11 đến tháng 2, vào khi thời tiết đẹp các tia nắng chiều chiếu vào hành lang và vào tận hầm mộ. Trong hành lang còn có các viên đá lồi, giống như một tấm gương cầu phản chiếu ánh sáng khuêch tán vào các góc hầm mộ.
Hành lang ngầm (Souterrain) là một di tích thời kỳ đầu Cơ đốc giáo, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 10 hoặc 11 sau Công nguyên. Hành lang ngầm này nối thông với lối vào hầm mộ Dowth North.
Phối cảnh tổng thế Gò mộ chính (Địa điểm khảo cổ 54), Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt bằng Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Hầm mộ phía bắc (Dowth North) của Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Hầm mộ phía nam (Dowth South) của Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Một trong 3 lối vào Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Đường hầm vào hầm mộ tại Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Bên trong hầm mộ tại Gò mộ chính, Khu di tích Dowth Di sản Bend Boyne, Meath, Ireland
Di sản Bru na Boinne - Quần thể khảo cổ Bend Boyne, tại quận Meath là Đài tưởng niệm quốc gia Ireland. Đây là một trong những đại diện tiêu biểu nhất của nghệ thuật cự thạch thời tiền sử, một trong những địa điểm khảo cổ quan trọng nhất tại châu Âu và là địa điểm văn hóa thu hút đông đảo khách du lịch.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/659/
https://en.wikipedia.org/wiki/Ireland
https://en.wikipedia.org/wiki/Brú_na_Bóinne
https://en.wikipedia.org/wiki/Megalith
https://en.wikipedia.org/wiki/Gaelic_Ireland
https://en.wikipedia.org/wiki/Knowth
https://en.wikipedia.org/wiki/Newgrange
https://en.wikipedia.org/wiki/Roofbox
http://www.worldheritageireland.ie/bru-na-boinne/built-heritage/newgrange/
https://www.researchgate.net/figure/Claire-and-Michael-OKellys
-floor-plan-and-the-two-sides-of-a-roughly-East-West_fig2_317433985
https://en.wikipedia.org/wiki/Dowth
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|