Thông tin chung:
Công trình: Pháo đài cổ Masada
Địa điểm: Southern District, Israel (N31 18 48.6 E35 21 9.9)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 276ha; diện tích vùng đệm 28965ha.
Năm thực hiện: Năm 40-30 trước Công nguyên
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2001; hạng mục iii, iv, vi)
Israel là một quốc gia ở Tây Á, nằm trên bờ đông nam của Địa Trung Hải và bờ bắc của Biển Đỏ; có biên giới đất liền với Liban về phía bắc, Syria về phía đông bắc, Jordan và Palestine về phía đông, dải Gaza về phía tây, Ai Cập ở phía tây nam. Trung tâm kinh tế và công nghệ của Israel là thành phố Tel Aviv; nơi đặt chính phủ và thủ đô được tuyên bố là thành phố Jerusalem.
Israel có diện tích 20770–22072km2, dân số khoảng 9,2 triệu người (năm 2020); ngôn ngữ chính thức là tiếng Do thái; tôn giáo với 74,2% là Do Thái giáo (năm 2019).
Vào thời kỳ Đồ sắt (Iron Age), tại Israel đã nổi lên Vương quốc Israel (Kingdom of Israel, tồn tại năm 930 TCN – 720 TCN) và Vương quốc Judah (Kingdom of Judah, tồn tại năm 930 TCN - 587/586 TCN).
Vương quốc Israel bị Đế quốc Tân Assyria (Neo-Assyrian Empire, tồn tại năm 911 TCN – 609 TCN) tiêu diệt vào năm 720 TCN.
Vương quốc Judah bị chinh phục bởi Đế chế Tân Babylon (Neo Babylonian Empire, tồn tại năm 626 TCN – 539 TCN), Đế chế Ba Tư (Achaemenid Empire, tồn tại năm 550 TCN – 330 TCN) và bởi người Hy Lạp (Macedonia, tồn tại năm 808–168 TCN).
Cuộc nổi dậy của người Do Thái vào năm 167-160 TCN đã dẫn đến sự hình thành Vương quốc Hasmonean (Hasmonean Dynasty, tồn tại năm 140 TCN – 37 TCN) độc lập vào năm 110 TCN. Một số học giả hiện đại gọi giai đoạn này là thời kỳ Vương quốc Israel độc lập.
Quy mô đất đai của người Do Thái, thời kỳ Vương quốc Hasmonean (năm 140 – 37 TCN)
Kế tiếp vương quốc Hasmonean là Vương quốc Judea của người Herodian (Herodian Kingdom of Judea, tồn tại vào năm 37 – 4 TCN) do Herod Đại đế (Herod the Great) thành lập, đánh dấu sự kết thúc của triều đại Hasmonean. Judea dần thành nước chư hầu của Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN) và thành một tỉnh có tên Judea thuộc Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 395 sau Công nguyên) vào năm 6 sau Công nguyên.
Sau khi thất bại trong một cuộc nổi dậy (Bar Kokhba Revolt - Cuộc nổi dậy lần thứ 3) chống lại sự đô hộ của người La Mã, người Do Thái bị trục xuất khỏi quê hương của họ và tên Judea đổi thành Syria Palaestina (năm 135 – 390 sau Công nguyên).
Vào thế kỷ thứ 7, vùng đất này thuộc khu vực có tên Levant, ngày nay gồm Palestine, Israel, Syria, Jordan, Lebanon và đông nam Anatolia (phần châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ), thuộc quyền cai trị của vương triều Byzantine, một phần phía Đông của Đế chế La Mã (Roman Empire).
Levant nằm dưới quyền cai trị của vương triều Ayyubid vào năm 1187 (Ayyubid Dynasty, tồn tại năm 1171–1260).
Vương quốc Hồi giáo Mamluk của Ai Cập (Mamluk Sultanate Cairo, tồn tại năm 1250–1517) mở rộng quyền kiểm soát đối với Levant trong thế kỷ 13 cho đến khi bị Đế chế Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922) đánh bại vào năm 1517.
Trong thế kỷ 19, người Do Thái thức tỉnh tinh thần dân tộc trong cộng đồng và dẫn đến làn sóng di cư trở về cố hương xưa tại vùng đất Ottoman Syria (khu vực phía Đông Địa Trung Hải) và Palestine.
Ngày 14/5/1948, Israel tuyên bố độc lập.
Israel ngày nay về mặt hành chính chia thành 6 tỉnh.
Bản đồ Israel, vị trí tỉnh Phía Nam (Southern District - ký hiệu 6) và pháo đài Masada
Một trong những giai đoạn lịch sử bi tráng của người Israel (Do Thái) là 3 cuộc chiến Do Thái – La Mã chống áp bức, vì tự do vào thế kỷ thứ 1 và 2 sau Công nguyên.
Chiến tranh Do Thái - La Mã lần thứ nhất (First Jewish Roman War) còn được gọi là Cuộc nổi dậy vĩ đại (Great Revolt), vào năm 66 – 73 sau Công nguyên. Kết quả là người La Mã giành thắng lợi với việc chiếm đóng vùng Galilê vào năm 67; Tàn phá Jerusalem và Ngôi đền thứ hai (Herod's Temple) vào năm 70, ngôi đền được coi là điểm tựa sức mạnh tinh thần của người Do Thái (thay thế Đền thờ của Solomon - Đền thờ đầu tiên đã bị phá hủy bởi Đế chế Tân Babylon vào năm 586 TCN); Công phá thành công pháo đài Masada, được coi là điểm tựa sức mạnh vật chất cuối cùng của vương quốc Israel, vào năm 73 sau Công nguyên.
Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ hai, còn gọi là Cuộc chiến tranh Kitos (Kitos War). Cuộc chiến của những người Do Thái kéo dài từ năm 115 – 117 và thất bại trước người La Mã.
Chiến tranh Do Thái-La Mã lần thứ ba, còn được gọi là Cuộc nổi dậy Bar Kokhba (Bar Kokhba Revolt), kéo dài từ năm 132–136 và lại thất bại trước người La Mã cùng với sự thiệt hại to lớn về người, tài sản như một cuộc diệt chủng Do Thái (580.000 người Do Thái đã bị giết trong cuộc chiến, 50 thị trấn và 985 ngôi làng bị san bằng).
Tàn tích pháo đài Masada là phần còn lưu lại của pháo đài cổ xưa trong trận chiến Do Thái – La Mã lần thứ nhất.
Pháo đài Masada nằm trên một ngọn núi gồ ghề, có vẻ đẹp hùng vĩ, nằm tại rìa phía đông của sa mạc Judaean nhìn ra Biển Chết, thuộc tỉnh Phía Nam (Southern District), một trong 6 tỉnh của Israel. Masada nằm cách thành phố Arad 20km về phía đông.
Pháo đài Masada do Herod Đại đế (Herod the Great, trị vì năm 37 - 4 TCN), vị vua của vương triều Judea (Kingdom of Judea, tiếp theo của thời kỳ Vương triều Hasmonean) xây dựng trong vào năm 40 – 30 TCN, trên nền một pháo đài đã có từ trước. Pháo đài là một quần thể cung điện sang trọng được xây dựng theo phong cách La Mã cổ điển.
Sau cái chết của Herod Đại đế và khi Judaea trở thành một tỉnh của Đế chế La Mã, người La Mã đã đóng quân tại Masada. Khi Cuộc nổi dậy vĩ đại của người Do Thái chống lại người La Mã nổ ra vào năm 66 sau Công nguyên, một nhóm người Do Thái đã chiếm lấy pháo đài Masada.
Pháo đài Masada trở thành nơi trú ẩn của những người sống sót cuối cùng trong Cuộc nổi dậy đầu tiên của người Do Thái. Những người Do Thái đã trấn giữ được pháo đài trong gần 3 năm, trước sự tấn công của quân đội La Mã và đã chọn cái chết thay vì nô lệ khi pháo đài thất thủ.
Đây cũng là một địa điểm khảo cổ có ý nghĩa quan trọng. Những di tích còn lại của các cung điện La Mã là những ví dụ nổi bật của kiểu kiến trúc này. Cùng với đó là các công trình bao vây quanh pháo đài còn nguyên vẹn và hoàn chỉnh nhất trong thế giới La Mã cổ đại còn tồn tại đến nay.
Sau khi rơi vào tay người La Mã (năm 73 sau Công nguyên), Pháo đài Masada bị bỏ hoang, quên lãng cho đến khi được khám phá lại vào năm 1838 và được khai quật vào thập niên 1960.
Phối cảnh Pháo đài cổ Masada, tại sa mạc Judaean; phía xa là Biển Chết
Pháo đài cổ Masada, Israel được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Masada là biểu tượng của Vương quốc Do Thái cổ đại của Israel (Jewish Kingdom of Israel, bao gồm Vương quốc Israel và Vương quốc Judah), bằng chứng đặc biệt về sự tàn phá của bạo lực và địa điểm cuối cùng của những người yêu nước Do Thái khi đối mặt với quân đội La Mã vào cuối thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên.
Tiêu chí (iv): Cung điện của Herod Đại đế (Palace of Herod the Great) tại Masada là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc cung điện sang trọng của Đế chế La Mã thời kỳ đầu (Early Roman Empire); các căn cứ và công sự bao quanh di tích tích là hệ thống công trình bao vây kiểu La Mã hoàn chỉnh nhất còn tồn tại đến nay.
Tiêu chí (vi): Những sự kiện bi thảm trong những ngày cuối cùng của những người Do Thái chiếm giữ pháo đài làm cho Masada trở thành một biểu tượng cho bản sắc văn hóa Do Thái và rộng hơn là cuộc đấu tranh của con người chống áp bức và vì tự do.
Sơ đồ phạm vi Di sản Pháo đài Masada, Israel
Khu vực pháo đài Masda
Pháo đài Masda thời bấy giờ được xem là bất khả xâm phạm, do nằm trên một đỉnh núi tại phía đông có độ cao 400m so với Biển Chết và tại phía tây có độ cao 100m với vách gần như thẳng đứng. Pháo đài chỉ có 3 con đường nhỏ để đi lên.
Trên đỉnh núi là một khuôn viên rộng 275m x 550m hình thoi, nơi xây dựng một quần thể lâu đài với tường thành bao quanh, dài khoảng 1,3km, dày 3,7m và hệ thống gần 40 tháp canh.
Bên trong tường thành vẫn còn dấu vết của cung điện với các bức tranh tường, tàn tích của các công trình nhà thờ, hội trường, nhà ở, nhà tắm kiểu La Mã, chuồng ngựa… Ngoài ra, để có thể phòng thủ được lâu dài trong trường hợp bị vây hãm, trong pháo đài có nhiều kho dự trữ lương thực và 12 bể nước có thể chứa hàng chục ngàn mét khối nước mưa đảm bảo cấp nước cho khoảng 2-3 năm.
Tại đây, các hạng mục công trình tập trung thành 2 khu vực: Khu vực Cung điện phía Bắc (North Palace) và Khu vực Cung điện tại phía Tây (West Palace).
Phối cảnh Pháo đài Masada và con đường lên Pháo đài tại phía đông bắc.
Đường lên thăm quan Pháo đài Masada, Israel
Mặt bằng và vị trí một số công trình chính tại Pháo đài Masada, Israel
Khu vực Cung điện phía Bắc pháo đài Masada
Khu vực Cung điện phía Bắc (North Palace) với hình thức như tạc vào trong vách đá, được xây dựng vào năm 25 trước Công nguyên, bổ sung cho Khu vực Cung điện phía Tây.
Khu vực Cung điện phía Bắc là một trong những cung điện - pháo đài xa hoa của Herod Đại đế, bao gồm các hạng mục công trình chính: Cổng phía Đông (East Gate, hình vẽ - ký hiệu 1); Tường với hào đặt súng đại bác (Casemate Wall – ký hiệu 2; 15); Tàn tích công trình (Buldings – ký hiệu 3); Mỏ đá (Quarry – ký hiệu 4); Nhà kho (Storehouse – ký hiệu 5, 6); Sân phía trên (Upper Terrace – ký hiện 7); Sân giữa (Middle Terrace – ký hiệu 8); Sân phía dưới (Lower Terrace – ký hiệu 9); Nhà tắm (Baths- ký hiệu 10); Nhà hành chính (Administrative Building – ký hiệu 11); Cổng phía Bắc (North Gate/Water Gate- ký hiệu 12); Tháp (Tower – ký hiệu 13; 16); Giáo đường Do Thái (Synagogue – ký hiệu 14); Tòa nhà La Mã (Byzantine Building, ký hiệu 17); Nhà thờ La Mã (Byzantine Church – ký hiệu 18).
Khu vực Cung điện phía Bắc nổi bật tại đỉnh núi sát rìa phía Bắc của pháo đài với các công trình xây dựng trên 3 bậc thềm.
Tại bậc thềm hay Sân trên cùng (Upper Terrace) còn lưu lại tàn tích của các công trình phục vụ sinh hoạt cho nhà vua và một hiên hình bán nguyệt để cung cấp tầm nhìn ra xung quanh. Một cầu thang phía tây dẫn xuống bậc thềm Sân giữa (Middle Terrace) với sảnh tiếp đón hình tròn. Bậc thềm dưới hay Sân dưới (Lower Terrace) còn lưu lại tàn tích của công trình tiếp khách và tổ chức tiệc; được bao bọc 4 phía là các cổng vòm và một nhà tắm kiểu La Mã.
Hình vẽ mô tả Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada với các công trình bố trí theo 3 bậc thêm
Mặt bằng và mặt cắt rìa núi phía bắc, Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada, Israel
Hệ thống tường hào bao quanh Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích lâu đài tại Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích lâu đài vua Herod tại Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích nhà ở, kho tại Khu vực Cung điện phía Bắc, Pháo đài Masada, Israel
Tại Khu vực Cung điện phía Bắc, các nhà khai quật đã tìm thấy tàn tích của một trong những giáo đường Do Thái lâu đời nhất trên thế giới và là giáo đường duy nhất có niên đại từ thời kỳ của ngôi đền.
Phía đông nam của Giáo đường Do Thái là tàn tích của Nhà thờ La Mã (Byzantine Church), được xây dựng vào thế kỷ thứ 5.
Tàn tish Giáo đường Do Thái (Synagogue) tại Khu vực Cung điện phía Bắc, pháo đài Masada, Israel,
Tàn tích Nhà thờ La Mã (Byzantine Church), tại Khu vực Cung điện phía Bắc, pháo đài Masada, Israel
Khu vực Cung điện tại phía Tây pháo đài Masada
Khu vực Cung điện tại phía Tây (West Palace) được xây dựng sớm nhất tại pháo đài Masada, vào năm 35 trước Công nguyên, gồm các hạng mục công trình chính:
Cổng phía Tây (West Gate – ký hiệu 19); Tháp (Tower – ký hiệu 20; 38); Khu hành chính (Administrative Area – ký hiệu 21); Nhà kho (Storerooms – ký hiệu 22); Căn hộ Hoàng gia (Royal Apartments – ký hiêu 23); Cung điện nhỏ (Small Palace – ký hiệu 24; 26; 33); Phòng tắm Nghi lễ (Ritual Bath – ký hiệu 25; 31); Bể nước (Cistern – ký hiệu 27; 36); Pháo đài phía Nam (South Bastion – ký hiệu 28); Bể nước ngầm (Underground Cistern – ký hiệu 29); Cổng phía Nam hay Cổng bể nước (South Gate/Cistern Gate- ký hiệu 30); Lăng mộ (Columbarium – ký hiệu 32); Khu dân cư La Mã (Byzantine Living Quarters – ký hiệu 34); Khu dân cư của giáo phái Do thái (Zealots Living Quarters – ký hiệu 35; 39); Nhà của người La Mã (Byzantine House – ký hiệu 37).
Trung tâm ban đầu của Khu vực Cung điện phía Tây có hình vuông, vào qua một sân mở ở góc Tây Bắc của tòa nhà. Tại đây còn lưu giữ được tàn tích của cung điện, bên trong có phòng đặt ngai vàng, gắn với một hành lang dành riêng cho nhà vua, dẫn đến phòng ngủ của vua và hoàng hậu.
Lối lên tại Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích tại Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích Cung điện tại Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích phòng tắm hơi, Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích viên gạch gốm lát nền nhà tắm, Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Phòng tắm nghi lễ, Khu vực Cung điện phía Tây, Pháo đài Masada, Israel
Tàn tích công trình bao vây pháo đài của người La Mã
Pháo đài Masada nằm trên một địa điểm khó tiếp cận nên khoảng 1 ngàn người nổi dậy Do Thái đã chống cự lại lực lượng hùng hậu của 15 ngàn lính La Mã trong vòng 3 năm.
Người La Mã đã cho xây một bức tường dài hơn 4km bao bọc quanh ngọn núi để chia cắt những người bị vây hãm với bên ngoài, và cho dựng 8 doanh trại quân sự để đồn trú quân đội lâu dài.
Tiếp đó, người La Mã cho đắp một bệ đất cao tại phía tây của pháo đài để đưa vũ khí phá thành đến sát pháo đài và cuối cùng đã phá được bức tường thành bảo vệ.
Khi quân lính Lã Mã xông vào thành, tất cả những người trong pháo đài đã chọn con đường tự sát hoặc bị thảm sát, chỉ một số rất ít phụ nữ và trẻ em còn sống sót.
Bên ngoài Thành cổ vẫn còn lưu lại tàn tích con đường và các doanh trại do người La Mã xây dựng trong thời gian tấn công pháo đài.
Tàn tích Trại lính La Mã trong thời gian bao vây Pháo đài Masada, Israel
Thành lũy bao vây của người La Mã khi tấn công Pháo đài Masada, Israel
Người La Mã đắp bệ đất cao để đưa vũ khí phá thành đến sát Pháo đài
Ngày nay, Di sản Masada là một trong những điểm du lịch phổ biến nhất của Israel.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/1040
https://en.wikipedia.org/wiki/Israel
https://en.wikipedia.org/wiki/Hasmonean_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Herodian_dynasty
https://en.wikipedia.org/wiki/Masada
https://en.wikipedia.org/wiki/Siege_of_Masada
https://en.wikipedia.org/wiki/Josephus
https://en.wikipedia.org/wiki/First_Jewish%E2%80%93Roman_War
http://www.zionism-israel.com/dic/Massada.htm
https://web.archive.org/web/20160602101556/http://bibleinterp.com/
articles/2000/ben258001.shtml
http://www.goisrael.com/Tourism_Eng/Articles/Attractions/Pages/Massada.aspx
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|