Thông tin chung:
Công trình: Làng cổ Vlkolinec (Vlkolinec)
Địa điểm: Ruzomberok, Žilina, Slovakia (N49 2 21 E19 16 42)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 4,9ha; diện tích vùng đệm 320,7ha
Năm thành lập: Thế kỷ 14
Giá trị: Di sản thế giới (1993; hạng mục iv; v)
Slovakia (vùng đất của người Slav) là một quốc gia không giáp biển ở Trung Âu; Phía bắc giáp Ba Lan, phía đông giáp Ukraine, phía nam giáp Hungary, phía tây giáp Áo và Czech về phía tây bắc. Lãnh thổ của Slovakia trải dài khoảng 49.035km2, dân số 5,467 triệu người (năm 2020) với dân tộc Slovak là chủ yếu. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Bratislava. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Slovak.
Người Slav đến lãnh thổ Slovakia ngày nay vào thế kỷ 5 và 6. Trong thế kỷ thứ 7, họ đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra Đế chế Samo (Samo’s Empire, tồn tại năm 631–658); thế kỷ thứ 9 thành lập Công quốc Nitra (Principality of Nitra, tồn tại năm 825? –1108), sau đó bị Công quốc Moravia chinh phục để thành lập Đại Công quốc Moravia (Great Moravia, tồn tại năm 833 - c. 907).
Vào thế kỷ 10, khi Đại Công quốc Moravia tan rã, lãnh thổ này được hợp nhất vào Công quốc Hungary (Principality of Hungary, tồn tại năm 895–1000), sau này thành Vương quốc Hungary (Kingdom of Hungary, tồn tại năm 1000–1918 và 1920–1946).
Năm 1241 - 1242, phần lớn lãnh thổ Slovakia đã bị quân Mông Cổ (Mongols) phá hủy trong cuộc xâm lược Trung và Đông Âu. Khu vực này được khôi phục lại dưới triều vua Béla IV của Hungary (Béla IV of Hungary, trị vì năm 1235- 1270). Trong giai đoạn này, người định cư Đức (Carpathian Germans) trở thành một nhóm dân tộc quan trọng trong khu vực, đặc biệt là ở miền trung và miền đông Slovakia ngày nay.
Sau Chiến tranh thế giới 1 và sự tan rã của Đế chế Áo-Hung (Austro-Hungarian Empire, tồn tại năm 1867–1918), Quốc gia Tiệp Khắc (Czecho-Slovakia) được thành lập (tồn tại năm 1918–1939; 1945–1992).
Năm 1993, Tiệp Khắc tách thành hai quốc gia có chủ quyền là Czech và Slovakia.
Slovakia ngày nay chia thành 8 vùng, được đặt theo tên của thành phố chính của vùng.
Bản đồ Slovakia và vị trí của vùng Žilina, tại miền bắc Slovakia.
Vlkolínec là một cộng đồng dân cư rộng 4,9 ha tạo thành một phần hành chính của thị trấn Ružomberok, thuộc vùng Žilina, tại miền bắc Slovakia.
Trong lịch sử, Vlkolínec được gọi là "khu phố" của Ružomberok, dù nằm cách thị trấn khoảng 7 km, trên vùng núi phía bắc miền trung Slovakia.
Đây là một khu định cư nông thôn thời Trung cổ được bảo tồn rất tốt với kiến trúc bằng gỗ đặc trưng của các khu vực sườn đồi và núi.
Bố trí của khu dân cư được xác định một phần bởi địa hình đồi núi của vùng Veľká Fatra và những ngôi nhà bằng gỗ nằm trên những lô đất hẹp với chuồng chăn nuôi gia súc và nhà phụ nhỏ hơn ở phía sau.
Một con suối nhỏ chảy qua trung tâm làng.
Cảnh quan xung quanh khu dân cư được hình thành bởi những dải ruộng hẹp và đồng cỏ với những đống cỏ khô, được che chắn bởi ngọn núi Sidorovo (Sidorovo Hill) tại phía bắc với cao độ 1099m.
Mặc dù khu định cư có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 10, nhưng những ghi chép đầu tiên về khu làng vào cuối thế kỷ 14. Bố cục kiểu đô thị có thể được bắt nguồn từ thời gian này, vì các ghi chép nêu tên 5 đường phố tại đây vào năm 1469. Tuy nhiên, hầu hết các tòa nhà còn sót lại đều có niên đại từ thế kỷ 19, bao gồm: 43 ngôi nhà gần như nguyên vẹn còn lưu giữ được vô số các yếu tố xây dựng cổ xưa; nhà thờ Truyền tin của Đức Trinh Nữ Maria được xây dựng vào năm 1875; một tháp chuông được xây dựng vào năm 1770 và một trường học.
Khu dân cư và cảnh quan xung quanh tạo thành một đơn vị định cư cân bằng trong mối quan hệ tương tác đáng kể giữa thiên nhiên và con người.
Vlkolínec trở thành đại diện cho đơn vị định cư được bảo tồn tốt nhất và phức tạp nhất của khu vực Trung Âu về kiến trúc dân gian nguyên bản, bao gồm những ngôi nhà và công trình phụ bằng gỗ, tháp chuông bằng gỗ và những bức tranh tường của nhà thờ và trường học.
Làng cổ Vlkolinec, Ruzomberok, Slovakia nằm trong một thung lũng, phía bắc là núi Sidorovo
Cảnh quan xung quanh Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Làng cổ Vlkolinec, tại thị trấn Ruzomberok, vùng Žilina, Slovakia được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1993) với tiêu chí:
Tiêu chí (iv): Vlkolínec là một khu định cư nông thôn còn nguyên vẹn đáng kể thuộc kiểu trung Âu đặc trưng với kiến trúc xây bằng gỗ, thường thấy ở các vùng núi. Bố cục của khu định cư hầu như không thay đổi và phong cách kiến trúc đã được giữ lại đầy đủ. Đây là ví dụ nổi bật về một đơn vị định cư nông thôn được bảo tồn tốt nhất và toàn diện nhất của loại hình này trong toàn khu vực Trung Âu.
Tiêu chí (v): Vlkolínec là một ví dụ tiêu biểu về khu định cư nông thôn Trung Âu truyền thống, với 43 ngôi nhà và các công trình phụ trợ không thay đổi, phản ánh vô số các yếu tố xây dựng cổ xưa. Tất cả đều nằm trong khung cảnh canh tác truyền thống của các dải cánh đồng và đã trở nên dễ bị tổn thương do thay đổi cách sống thời hiện đại.
Ranh giới phạm vi Di sản Làng cổ Vlkolinec, Ruzomberok, Slovakia
Sơ đồ mặt bằng Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Di sản làng cổ Vlkolinec, tại thị trấn Ruzomberok, vùng Žilina, Slovakia nằm giữa một khu vực đồng cỏ, đồng thời là vùng đệm của khu vực Di sản với diện tích khoảng 320,7ha.
Làng có 45 công trình với 43 công trình được bảo tồn gần như nguyên vẹn, giữ được vô số các yếu tố xây dựng cổ xưa.
Trong làng, các tuyến đường và ngôi nhà như được xếp đặt một cách tự nhiên trên nền dốc thoải của địa hình (đường chạy vuông góc với đường đồng mức, chạy dọc theo suối và các ngôi nhà đặt song song với đường đồng mức).
Các hạng mục công trình trong khu vực Di sản gồm:
Cổng làng và trục giao thông chính
Cổng làng (Entry, trong sơ đồ ký hiệu 1) gồm 3 cổng: Cổng phía nam, cổng phía tây bắc và cổng phía đông bắc.
Các cổng làng nối với nhau bởi các trục giao thông.
Trục giao thông theo hướng tây bắc - nam, chạy dọc theo con suối nhỏ chảy qua trung tâm của làng từ tây bắc xuống nam.
Trục giao thông theo hướng đông bắc ra cổng làng tại phía đông bắc.
2 trục giao thông này giao nhau tạo thành một ngã 3, là nơi đặt tháp chuông, nhà trưng bày triển lãm.
Từ các trục giao thông chính có các con đường cụt (dạng xương cá) dẫn vào từng ngôi nhà của hộ dân.
Cổng phía nam của Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia; phía sau là núi Sidorovo
Các ngôi nhà nằm dọc theo các trục đường chính trong làng và song song với đường đồng mức địa hình; Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Nhà bảo tàng
Nhà bảo tàng là một ngôi nhà nông dân điển hình (Museum – Peasant House, hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía nam của Khu vực Di sản. Ngôi nhà là nơi trưng bày các đồ nội thất truyền thống và nguyên bản của một ngôi nhà ở nông thôn bản địa.
Các ngôi nhà của các hộ nông dân trong làng chủ yếu bằng gỗ, gồm 2 – 3 phòng, phía sau là chuồng trại và nhà phụ. Tường của một số ngôi nhà được sơn màu rực rỡ.
Mô hình khái quát ngôi nhà ở trong làng: Nhà chính và các công trình phụ xung quanh với vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Nội thất bên trong nhà ở (trong bảo tàng), Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Các ngôi nhà ở cổ xưa được bảo tồn và đẹp như trong tranh vẽ, Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Giếng làng
Giếng làng (Studna/Well, hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía nam của ngã 3 tại trung tâm làng. Giếng được cấp nước từ một dòng suối nhỏ chảy từ bắc xuống nam, nơi người dân vẫn ra lấy nước sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
Giữa Làng cổ Vlkolínec là một con suối nhỏ
Cửa hàng tạp hóa
Cửa hàng tạp hóa (Grocery Accommodation, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại phía bắc của làng, nằm cạnh trục đường chính chạy dọc theo suối.
Ngôi nhà cứu hỏa
Ngôi nhà cứu hỏa (Firehouse, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại trung tâm của làng.
Nhà trưng bày triển lãm
Nhà trưng bày triển lãm (Exhibition, hình vẽ ký hiệu 6) nằm gần ngã 3, trung tâm của làng. Đây là nơi trưng bày các hình ảnh và tư liệu toàn diện về ngôi làng từ lịch sử hình thành, phát triển đến con người.
Tháp chuông
Tháp chuông (Bell Tower, hình vẽ ký hiệu 7) nằm gần ngã 3, trung tâm của làng, cạnh Nhà trưng bày triển lãm. Công trình được xây dựng vào năm 1770.
Tại ngã ba đường có một điểm nhấn là tháp chuông bằng gỗ - biểu tượng của Làng cổ Vlkolínec và là không gian sinh hoạt cộng đồng chính trong làng
Trường học
Trường học (Former School, hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phí đông của làng. Công trình được xây dựng vào năm 1770. Ngày nay trường học được chuyển thành Nhà trưng bày nghệ thuật và nhiếp ảnh dân gian (Folk Art and Photography Gallery).
Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria
Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria (Church of the Visitation of the Virgin Mary, hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phia đông của làng, gần Trường học cũ. Công trình được xây dựng vào năm 1875.
Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria và bên cạnh là nghĩa trang đặt cuối Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Cư dân làng cổ Vlkolínec là một cộng đồng giàu truyền thống văn hóa. Dường như bất kỳ người dân nào nơi đây cũng đều là nghệ nhân về điêu khắc gỗ, dệt vải, tạo ra vô số loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đây cũng là một trong thu nhập chính trong làng ngoài sản phẩm nông nghiệp. Trong làng, trưng bày trong nhà và ngoài trời nhiều tác phẩm điêu khắc dân gian tuyệt đẹp. Du khách có thể mua các đồ thủ công mỹ nghệ tại các gian hàng của gia đình.
Làng cũng có nhiều lễ hội trong năm, thời gian mà cảnh quan tự nhiên, kiến trúc và con người cùng hòa hợp, khoe sắc.
Người dân bày bán các sản phẩm thủ công và nông nghiệp cho du khách, Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Một ban nhạc và vũ công của Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Lễ hội trong làng Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia
Vlkolínec là một khu định cư nông thôn nổi bật tại miền trung châu Âu, được bảo tồn khá nguyên vẹn đặc trưng về quy hoạch và hình thức kiến trúc bản địa thường thấy tại khu vực miền núi, trong điều kiện dễ bị tổn thương bởi các tác động của cuộc sống thời hiện đại.
Làng cổ Vlkolínec, Ruzomberok, Slovakia được đánh giá là một ngôi làng đẹp như tranh vẽ, một nơi thu hút đông đảo du khách đến thăm quan.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/622
https://en.wikipedia.org/wiki/Slovakia
https://en.wikipedia.org/wiki/Ru%C5%BEomberok
https://en.wikipedia.org/wiki/Vlkolínec
http://www.wikiwand.com/vi/Vlkol%C3%ADnec
http://www.traveladventures.org/continents/europe/vlkolinec13.html
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|