Tuần 34 - Ngày 15/04/2021
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria |
01/03/2016 |

Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria (Boyana Church)
Địa điểm: Sofia, Bulgaria (N42 38 60 E23 16 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 0,68ha; diện tích vùng đệm 13,55ha
Năm xây dựng: Thế kỷ 10 -19
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục ii, iii)
Bulgaria là một quốc gia ở Đông Nam Châu Âu, phía bắc giáp với Romania, phía tây giáp Serbia và North Macedonia, phía nam giáp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, phía đông Biển Đen.
Bulgaria có diện tích rộng 110.994 km2, dân số 6,95 triệu người (năm 2019).Thủ đô và thành phố lớn nhất là Sofia. Vùng đất ngày nay thuộc Bulgaria đã có người định cư từ 6500 năm trước Công nguyên.
Vào thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, khu vực này là chiến trường của người Thracia cổ đại, người Ba Tư (Persians), người Celt và người Macedonia.
Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN đến 467 sau Công nguyên) chinh phục vùng đất này vào năm 45 sau Công nguyên.
Đế chế Đông La Mã (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453) đã mất lãnh thổ này vào người Slav (Early Slavs).
Người Bulgars đã khuất phục người Slav và thành lập Đế chế Bulgaria đầu tiên vào năm 681. Đế chế này thống trị hầu hết vùng Balkan và ảnh hưởng đáng kể đến nền văn hóa Slav bằng cách phát triển hệ thống chữ viết Cyrillic.
Đến đầu thế kỷ 11, Hoàng đế Byzantine Basil II chinh phục Đế chế Bulgaria. Năm 1185, những người Bulgaria nổi dậy và thiết lập một Đế chế Bulgaria thứ hai, Đế chế này đạt đến đỉnh cao dưới thời hoàng đế Ivan Asen II của Bulgaria (trị vì năm 1218–1241). Đế chế tan rã vào năm 1396 và chịu sự thống trị của Đế chế Ottoman (Ottoman Empire) trong gần 5 thế kỷ.
Chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1877-1878 dẫn đến sự hình thành của nhà nước Bulgaria thứ ba, Công quốc Bulgaria (Principality of Bulgaria), lệ thuộc vào Đế chế Ottoman.
Năm 1908, Bulgaria tuyên bố độc lập.

Bản đồ Bulgaria và vị trí của thành phố Sofia
Nằm ở ngoại ô Sofia, nhà thờ Boyana bao gồm ba tòa nhà, nằm sát cạnh nhau, bố cục dọc theo một trục theo hướng Đông - Tây.
Tòa nhà phía đông được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, sau đó được mở rộng vào đầu thế kỷ 13 bởi nhà tài trợ chính là Sebastocrator Kaloyan và cũng là người đã ra lệnh xây dựng một tòa nhà 2 tầng thứ hai bên cạnh tòa thứ nhất.
Bên trong nhà thờ thứ hai có các bức họa được vẽ vào năm 1259, là một trong những bộ sưu tập quan trọng nhất của các bức tranh thời Trung cổ.
Nhà thờ được hoàn thành bởi tòa nhà thứ ba, được xây dựng vào đầu thế kỷ 19.
Nhà thờ Boyana là một trong những di tích đầy đủ nhất và được bảo tồn hoàn hảo nhất của nghệ thuật thời Trung cổ Đông Âu.
Các bức tranh tường tranh tường trong nội thất của Nhà thờ từ thế kỷ 11, 13, 15-17 và 19 là minh chứng cho trình độ cao của nghệ thuật vẽ tường trong các thời kỳ khác nhau. Những bức tranh có giá trị nghệ thuật nổi bật nhất là những bức có từ thế kỷ 13. Các bức tranh miêu tả các sự kiện tôn giáo kinh điển thời Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, còn gọi là Đế chế Đông La Mã) với các hình ảnh có một sức sống, biểu cảm tinh thần đặc biệt và được vẽ theo tỷ lệ hài hòa.
Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1979) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Về phương diện kiến trúc, nhà thờ Boyana được cho là một ví dụ tính khiết của một nhà thờ với mặt bằng hình chữ thập kiểu Hy Lạp với mái vòm, mặt tiền trang trí lộng lẫy bằng gốm. Công trình còn là một trong những biểu tượng của thời Trung cổ với những bức tranh tường tuyệt đẹp.
Tiêu chí (iii): Nhà thờ Boyana bao gồm ba khối nhà, mỗi công trình được xây dựng ở một thời kỳ khác nhau - thế kỷ 10, thế kỷ 13 và thế kỷ 19 tạo thành một tổng thể đồng nhất.

Sơ đồ phạm vi Di sản Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria

Lối vào và vị trí Di sản Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria

Lối vào phía tây, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria

Mặt bằng Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria với 3 khối công trình được xây dựng theo 3 giai đoạn khác nhau

Mặt cắt dọc qua 3 khối công trình, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria bao gồm 3 khối công trình:
Khối công trình thứ nhất
Khối công trình thứ nhất (còn gọi là nhà thờ Saint Nicholas), nằm tại phía đông của Nhà thờ, được xây dựng vào cuối thế kỷ 10.
Công trình là một nhà thờ nhỏ có mặt bằng hình chữ thập, cao 1 tầng
Phía đông của khối công trình có một hốc thờ dạng bán tròn.
Khối công trình có một mái vòm ở trung tâm. Tường xây bằng gạch vữa.

Phối cảnh khối nhà thứ nhất, tại hướng đông, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
Khối công trình thứ hai
Khối công trình thứ hai (còn gọi là nhà thờ Saint Panteleimon) nằm ở giữa Nhà thờ, sát phía tây của Khối công trình thứ nhất, được xây dựng vào năm 1259. Đây là một nhà thờ - lăng mộ cao 2 tầng, mặt bằng hình chữ nhật.
Tầng trệt là khu lăng mộ, kho, tầng trên là nhà nguyện với thiết kế giống như Khối công trình thứ nhất.
Mái của công trình gồm 2 tầng mái. Tường xây bằng gạch kết hợp với đá.
Bên ngoài được trang trí bằng đồ trang trí bằng gốm.
Khối công trình thứ hai với 2 tầng mái nằm giữa hai khối công trình, Nhà thờ Boyana, Bulgaria
Khối công trình thứ ba
Khối công trình thứ ba được xây dựng vào thế kỷ 19, bằng tiền quyên góp từ cộng động địa phương.
Công trình là một tòa nhà 2 tầng, nằm sát phía tây của Khối công trình thứ hai.
Công trình có mái dốc 2 mái.
Tường công trình xây bằng gạch kết hợp với đá, bố cục tạo thành các lớp để trang trí.

Phối cảnh đầu hồi khối công trình thứ ba, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
Tranh tường trong Nhà thờ
Các bức tranh tường trong nhà thờ có tới 89 cảnh, 240 nhân vật được miêu tả với cá tính và tâm lý nổi trội, đầy sức sống thời bấy giờ, trong đó các cả chân dung các vị Sa hoàng và phu nhân.
Các bức họa nổi tiếng của nhà thờ là các bức họa được thực hiện vào năm 1259. Có nhiều bức được vẽ chồng lên các bức họa vẽ trong giai đoạn trước. Nội dung các bức họa miêu tả sự tích các thánh và một số cảnh sinh hoạt thế tục thời bấy giờ, được cho là thành tựu đặc biệt của văn hóa và hội họa của Bungari thời Trung cổ.
Một trong số những bức tranh nổi tiếng nhất trong Nhà thờ Boyana là chân dung kích thước thật của người tài trợ xây dựng nhà thờ, nhà quý tộc Sebastocrator Kaloyan và vợ ông là Dessislava. Tranh được vẽ vào năm 1259 bởi các họa sĩ của Trường Nghệ thuật Tarnovo, Bulgaria (Painting of the Tarnovo Artistic School; Tranh Tarnovo có nét độc đáo riêng tạo thành một trường phái nghệ thuật, thể hiện được mức độ hiện thực về chân dung cá nhân và cái nhìn sâu sắc về tâm lý). Trong tranh, nhà quý tộc Kaloyan được mô tả đang trình bày một mô hình nhà thờ cho Thánh Nicholas. Nhiều chuyên gia hàng đầu coi đây là một trong những bức tranh Phục hưng đầu tiên trong nghệ thuật châu Âu.
Nhà thờ Boyana hiện thuộc Bảo tàng lịch sử Quốc gia Bungari.
Để bảo vệ các bức bích họa bên trong có từ thế kỷ 11 và 12, tại đây luôn duy trì nhiệt độ không khí ở mức 17-18 độ C với ánh sáng nhiệt thấp. Du khách chỉ được phép ở lại trong vòng 15 phút.

Bức tranh nhà quý tộc Sebastocrator Kaloyan và vợ ông là Dessislava, theo trường phái Nghệ thuật Tarnovo, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria


Trang trí trên trần và vòm Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria



Các bức họa trang trí xung quanh tường Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria

Du khách chỉ được phép thăm quan trong vòng 15 phút mỗi đợt, Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
Di sản Quần thể nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria là một trong những di tích đầy đủ nhất và bảo quản hoàn hảo của nghệ thuật thời Trung cổ, tại Đông Âu.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn:
http://whc.unesco.org/en/list/42
https://en.wikipedia.org/wiki/Bulgaria
https://en.wikipedia.org/wiki/Boyana_Church
http://bulgariatravel.org/en/object/11/Boyanski_cherkvi
http://www.sofia-guide.com/attraction/boyana-church/
https://en.wikipedia.org/wiki/Kaloyan_and_Desislava
https://en.wikipedia.org/wiki/Painting_of_the_Tarnovo_Artistic_School
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 04/01/2021 )
|
Tin mới đưa:- Nhà thờ Đức bà Amiens, Somme, Pháp
- Thành phố cổ Palmyra, Homs, Syria
- Thành phố cổ Bosra, Deraa, Syria
- Nhà thờ và Tu viện Santa Maria delle Grazie với bức tranh “Bữa tối cuối cùng” - Leonardo da Vinci, Ý
- Di tích Stari Ras và Sopoćani, thành phố Novi Pazar, Raska, Serbia
- Lăng mộ và Đền thờ Nguyễn Xí, Nghi Lộc, Nghệ An, Việt Nam
- Đền An Xá, Tiên Lữ, Hưng Yên, Việt Nam
- Mộ và Khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Ba Tri, Bến Tre, Việt Nam
- Khu di tích lịch sử Đồng Khởi, Mỏ Cày Nam, Bến Tre, Việt Nam
- Địa điểm thời tiền sử và Hang động nghệ thuật tại thung lũng Vézère, Pháp
- Lăng mộ Thracia tại Kazanlak, Stara Zagora, Bulgaria
- Kỵ sĩ Madara, Shumen, Bulgaria
- Thành phố cổ Dubrovnik, Dubrovnik-Neretva, Croatia
- Nhà thờ Vézelay, Bourgogne-Franche-Comté, Pháp
- Tu viện Mont-Saint-Michel và vùng vịnh xung quanh, Pháp
Tin đã đưa:- Nhà thờ Thánh Sophia và Tu viện Kiev Pechersk Lavra, Kiev, Ukraina
- Đài tưởng niệm Quốc gia Great Zimbabwe, Masvingo, Zimbabwe
- Thành phố Đại học Caracas Venezuela - KTS. Carlos Raul Villanueva
- Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
- Hội trường Độc Lập, Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
- Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia
- Các biệt thự do Palladio thiết kế ở Veneto, Ý
- Thành quốc Vatican
- Nhà máy bột giấy Verla Groundwood và Board Mill, Phần Lan
- Quần thể kiến trúc, nhà ở và văn hóa của gia tộc Radziwill tại Nesvizh, Belarus
- Nhà thờ, Tu viện Tomar, Bồ Đào Nha
- Biệt thự Tugendhat, Brno, Czech – KTS. Ludwig Mies van der Rohe
- Mỏ muối Salins-les-Bains và Xưởng muối Hoàng gia Arc-et-Senans, Pháp
- Khu mỏ than chính tại Wallonia, Bỉ
- Khu phức hợp Nhà - Xưởng - Bảo tàng Plantin- Moretus, Antwerp, Bỉ
|