
Thông tin chung:
Công trình: Quần thể di tích lịch sử Split với Cung điện Diocletian (Historical Complex of Split with the Palace of Diocletian)
Địa điểm: Split - Dalmatia, Croatia (N43 30 33,984 E16 26 35,988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 20,8 ha
Năm thực hiện: Thế kỷ thứ 3-4
Giá trị: Di sản thế giới (1979; hạng mục ii, iii, iv)
Croatia là một quốc gia nằm ở ngã tư của Trung và Đông Nam Âu trên biển Adriatic.
Croatia giáp với Sloveniavề phía tây bắc, Hungary ở phía đông bắc, Serbia ở phía đông, Bosnia và Herzegovina, Montenegro về phía đông nam; có chung biên giới trên biển với Ý.
Croatia có diện tích 56.594 km2 và dân số 4,06 triệu người (năm 2020). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Zagreb.
Người Croatia đến khu vực này vào thế kỷ thứ 6 và tổ chức lãnh thổ thành công quốc (Duchy of Croatia) vào thế kỷ thứ 7.
Croatia lần đầu tiên được quốc tế công nhận là một quốc gia độc lập vào năm 879 dưới sự lãnh đạo của Công tước Branimir (trị vì năm 879- 892). Tomislav (trị vì năm 925 – 928) trở thành vị vua đầu tiên vào năm 925, nâng Croatia lên vị thế của một vương quốc (Kingdom of Croatia, tồn tại năm 925–1102).
Năm 1102, Croatia tham gia vào một liên minh với Hungary.
Năm 1527, do phải đối mặt với cuộc chinh phạt của Đế chế Ottoman (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922,
Vương quốc Croatia trở thành một phần của Đế chế Habsburg (Habsburg Monarchy gắn với Đế chế La Mã Thần thánh – Holy Roman Emperor). Quốc hội Croatia bầu hoàng đế Ferdinand I của Áo (hoàng đế La Mã Thần thánh – Holy Roman Emperor, trị vì năm 1556 – 1564) lên ngôi vua Croatia.
Năm 1918, nhà nước Slovenes, Croatia và Serbia tuyên bố độc lập từ Áo-Hungary và sáp nhập vào các Vương quốc Nam Tư.
Năm 1941, phần lớn lãnh thổ Croatia được hợp nhất thành một nhà nước, phụ thuộc vào chính quyền Đức Quốc xã. Sau Thế chiến thứ 2, Croatia nằm trong Liên bang Nam Tư.
Năm 1991, Croatia tuyên bố độc lập.
Ngày nay, Croatia chia thành 20 tỉnh và thủ đô Zagreb.

Bản đồ Croatia và vị trí của thành phố Split
Do thăng trầm của lịch sử cũng như vị trí là ngã tư của những ảnh hưởng từ văn hóa phương Tây và phương Đông, Croatia đại diện cho sự pha trộn của các lĩnh vực văn hóa khác nhau, trước hết từ các quốc gia chung biên giới với Croatia.
Tỉnh Split-Dalmatia nằm tại miền trung Croatia. Trung tâm là thành phố Split. Split-Dalmatia thuộc Dalmatia là một trong 4 vùng lịch sử của Croatia (cùng với Croatia , Slavonia và Istria). Đây là một vành đai hẹp tại bờ đông biển Adriatic. Tên Dalmatia xuất phát từ một bộ lạc Illyrian sinh sống tại phía tây Bán đảo Balkan trong thời cổ đại. Họ là một trong ba nhóm dân cư Ấn-Âu chính ở vùng Balkan trước năm 2000 trước Công nguyên, cùng với người Thracia và người Hy Lạp. Sau đó vùng đất này trở thành một phần của tỉnh Illyricum (27 TCN – 69/79 sau CN) của La Mã. Người Croatia đến khu vực này vào thế kỷ thứ 8.
Dalmatia là nơi sinh của Hoàng đế La Mã Diocletian (trị vì năm 284 – 305), người đã xây dựng Cung điện Diocletian ở trung tâm của khu vực bây giờ là Split và sống những năm cuối đời tại đây.
Cung điện Diocletian (Palace of Diocletian) nằm tại Split, trên một khu vực có nền dốc thoải hướng ra vịnh Aspalathos, được xây dựng như một sự kết hợp giữa nhà ở – ngôi nhà mùa hè (cung điện) của Hoàng đế và một doanh trại quân đội La Mã (pháo đài).
Cung điện có thành lũy bao quanh, mặt bằng hình chữ nhật với kích thước 215m x180m. Thành có 4 tháp lớn ở các góc và 4 tháp nhỏ trên các bức tường. Mỗi phía của thành có một cổng ra vào. Mặt bằng bên trong thành chia thành bốn phần bởi hai trục đường chính. Phần phía nam của cung điện là nơi ở của Hoàng đế, nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo và nơi làm việc của chính phủ. Phần phía bắc là nơi ở của quân đội bảo vệ, công chức, lưu trữ…
Cung điện được xây dựng bằng đá vôi trắng, gạch tại địa phương, cột đá granit nhập khẩu từ Ai Cập, đá cẩm thạch từ Thổ Nhĩ Kỳ. Nước cho cung điện đến từ các sông Jadro gần Salona. Dọc con đường từ Split đến Salona còn tồn tại di tích của các cầu máng dẫn nước, được phục hồi vào thế kỷ 19.

Hình ảnh Cung điện Diodetian xưa, Split, Croatia

Mặt bằng Cung điện Diodetian xưa, Split, Croatia

Mặt cắt ngang qua Cung điện Diodetian theo hướng Đông - Tây (giữa là Tiền sảnh hình tròn, bên phải ảnh là Nhà thờ St.Duje, bên trái ảnh là Đền thờ Jupiters)
Sau khi người La Mã từ bỏ vùng này, pháo đài trống rỗng trong nhiều thế kỷ. Vào thế kỷ thứ 7, cư dân gần đó chạy trốn tới cung điện có tường bao quanh trong một nỗ lực để thoát khỏi nạn ngoại xâm.
Kể từ đó, cung điện đã trở thành nơi ở và cửa hàng của cư dân, thậm chí trong cả tầng hầm của cung điện.
Toàn bộ tòa lâu đài xưa nay trở thành trung tâm của thành phố cổ Split với khoảng 3000 người sinh sống trong phạm vi cung điện cùng với các cửa hàng, quán cà phê và căn hộ nằm trong các tòa nhà cũ dọc theo các con phố nhỏ.
Phần lớn tòa nhà, đường xá trong cung điện xưa đã bị phá hủy, xâm lấn, hiện chỉ còn lại các tàn tích, song đây vẫn được coi là nơi kiến trúc La Mã được bảo tồn tốt nhất trên thế giới.
Quần thể di tích lịch sử Split với Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia được UNESCO tôn vinh là Di sản văn hóa (năm 1979).

Phạm vi khu vực Di sản Quần thể di tích lịch sử Split với Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Sơ đồ vị trí các hạng mục công trình tại thành phố Split, Croatia

Sơ đồ vị trí các tàn tích của các công trình chính trong Khu vực Di sản Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Thành lũy
Tường thành và tháp phòng thủ
Cung điện có tường thành bao quanh như một pháo đài với 16 tháp phòng thủ nhô ra tại các mặt thành. Tháp có mặt bằng hình vuông, chữ nhật hoặc bát giác. 4 tháp có mặt bằng hình vuông bố trí tại 4 góc lâu đài. 6 tháp có mặt bằng hình bát giác bố trí thành 2 cụm tháp hai bên của cổng thành tại mặt bắc, đông và tây. 6 tháp có mặt bằng hình chữ nhật bố trí tại 3 mặt tường thành tại phía bắc, đông và tây.
Cổng thành
Mỗi một mặt thành đều có một cổng dẫn đến một sân trong và mở đầu một trục đường chính trong cung điện. Cung điện có 4 cổng thành gồm:
Cổng Vàng (Golden Gate/ Porta Romae; trong hình vẽ ký hiệu 1) nằm tại phía bắc. Ban đầu đây là cổng chính của cung điện. Cổng này nằm trên con đường tới phía bắc, hướng tới tới Salona, thủ phủ thời bấy giờ của tỉnh Dalmatia thuộc La Mã và là nơi sinh của Hoàng đế La Mã Diocletian. Vào khoảng năm 1630, người ta đã cho xây dựng 11 tháp La Mã hình bát giác ở phía bắc và phía đông bức tường Cung điện Diocletian, trong số đó có 2 tháp hình bát giác có vai trò bảo vệ Cổng Vàng.

Di tích cổng phía bắc - Cổng Vàng, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Cổng Bạc (Siler Gate/ Porta Orientalis; trong hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía đông của cung điện, là cổng phụ của Cung điện. Cổng gồm 2 phần, cổng ngoài và cổng trong phục vụ cho mục đích phòng thủ, trang trí ít công phu hơn so với Cổng vàng. Hiện tại, cổng vẫn lưu giữ được các hốc với một số các tác phẩm điêu khắc.
Giống như Cổng Vàng, Cổng Bạc nằm giữa 2 tòa tháp hình bát giác.

Di tích cổng phía đông cung điện - Cổng Bạc, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Cổng Sắt (Iron Gate/Porta Ferrea, trong hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại phía tây và là lối vào chính của cung điện. Ban đầu đây là một cổng dành cho mục đích quân sự. Đây là cổng duy nhất sử dụng liên tục cho đến ngày nay. Cổng được tạo thành từ hai phần, cổng bên ngoài và cổng bên trong như một hệ thống phòng thủ, hai bên có 2 tòa tháp bát giác.
Vào thế kỷ thứ 6, phía trên cổng, một nhà thờ nhỏ dành riêng cho Thánh Theodore đã được xây dựng. Cạnh cổng có một tháp đồng hồ của thành phố với 24 chữ số (thay vì 12 chữ số thông thường).

Di tích cổng phía tây - Cổng Sắt, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Cổng Đồng (Bronze Gate/Porta Meridionalis, trong hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại phía nam. Trước kia, cổng này nhô ra phía biển, gắn với bến thuyền. Hoàng đế vào Cung điện bằng thuyền, qua các phòng ở tầng hầm. Ngày nay, đây là lối váo chính đến Nhà thờ. Kiểu dáng của cổng hoàn toàn khác với ba cổng khác của Cung điện với kích thước nhỏ hơn và không có trang trí và không có tháp bát giác hỗ trợ hai bên cổng.

Di tích cổng phía nam - Cổng Đồng, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Cung điện Diocletian
Cung điện Diocletian (Palace of Diocletian) Công có mặt bằng gần như hình vuông, mặt bắc dài 174,74m; mặt nam dài 181,65m, khoảng cách giữa hai mặt bắc và nam là 214,97m, bao quanh bởi các bức tường thành và tháp phòng thủ. Hai trục giao thông nối 4 cổng chia Cung điện thành 4 ô riêng biệt. Song với bố cục các tòa nhà bên trong, mặt bằng Cung điện chia thành hai phần: Phần phía nam và Phần phía bắc. So với Phần phía bắc, Phần phía nam có nhiều công trình kiến trúc sang trọng hơn, gồm các tòa nhà công cộng, hành chính, tôn giáo, cũng như các căn hộ của Hoàng đế.
Cung điện hiện còn tồn tại nhiều di tích với nhiều phong cách kiến trúc khác nhau theo từng thời kỳ, trong đó, nổi bật nhất là các công trình:
Tàn tích các tuyến đường
Nối 4 cổng của Cung điện là 2 con đường chính giới hạn bởi các hàng cột, chia cung điện thành 4 phần.
Hiện tại chỉ còn lại ngã tư giao của hai con đường (Crossroad of the main streets, hình vẽ ký hiệu 5); vết tích một số đoạn đường chạy dọc (Remains of the main longitudinal street; hình vẽ ký hiệu 6), đường chạy ngang (Remains of the main transversal street; hình vẽ ký hiệu 7), đường tại phía đông gắn với một cổng vòm (Arches at the eastern street, hình vẽ ký hiệu 8) và đoạn đường tại phía nam tạo thành quảng trường mang tên Peristil (hình vẽ ký hiệu 12).

Tàn tích của các hàng cột dọc theo trục đường chính bên trong Cung điện Diocletian (đoạn còn sót lại phía trước Nhầ thờ St. Duje, cạnh đó là tượng Nhân sư)

Các tuyến đường chính xưa nay chỉ còn lại các ngõ phố với các nhà dân hai bên, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Nhà thờ St. Duje
Nhà thờ St. Duje (Cathedral of St. Domnius; hình vẽ ký hiệu 13) nằm cạnh ngã tư của hai trục đường chính nối 4 cổng thành, tại góc phía đông nam Cung điện.
Nhà thờ được xây dựng vào thời Trung cổ, có mặt bằng bên ngoài là bát giác với 24 cột bao xung quanh.
Mặt bằng bên trong hình tròn với bốn hình bán nguyệt và bốn hốc hình chữ nhật. Ở giữa từng là nơi đặt quan tài của Hoàng đế Diocletian (Diocletians Mausoleum). Phía trên các hốc tường là 8 cột theo phong cách Corinthian bằng granite đỏ đỡ mái vòm. Phía dưới nhà thờ là một tầng hầm được hình thành từ các vòm đá.
Trong nhà thờ có nhiều trang trí mặt nạ, đầu người…và có bức chân dung miêu tả Hoàng đế Diocletian và Hoàng hậu Prisca. Xưa kia, nhà thờ St. Duje là trung tâm của cung điện, nơi tụ họp các công dân La Mã. Hàng cột bao quanh nhà, không gian mở xung quanh công trình được sử dụng cho một số sự kiện lớn trong cung điện. Trong nhà thờ, các bục giảng, bàn thờ và các tranh thờ được bổ sung vào những năm sau này, từ thế kỷ 13- 18. Vào đầu thế kỷ 20, một tháp chuông (cao khoảng 57m) được xây dựng.
Hiện công trình trở thành Bảo tàng Quốc gia - Split Croatia Museums. Đây cũng là nơi du khách có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh của thành phố. Ngày nay công trình vẫn là một không gian đặc biệt với âm thanh tuyệt vời cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa.

Phối cảnh Nhà thờ St. Duje với tháp chuông, trong tổng thế Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Mặt bằng và mặt cắt Nhà thờ St. Duje, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Mặt đứng Nhà thờ St. Duje (khi chưa xây dựng tháp chuông), Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Sơ đồ Nhà thờ St. Duje, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Bên ngoài Nhà thờ St. Duje với hàng cột trang trí bao quanh, phía sau là tháp chuông, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Tàn tích cột đỡ mái xung quanh Nhà thờ St. Duje, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Nội thất bên trong Nhà thờ St. Duje, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Đền thờ Jupiter
Đền thờ Jupiter (Jupiters Temple, hình vẽ ký hiệu 14) nằm đối diện với Nhà thờ St. Duje, tại phía tây nam Cung điện. Công trình có mặt bằng hình chữ nhật, nằm trên một bệ cao với một mái hiên 6 cột tại phía trước và có một tầng hầm. Công trình được thiết kế theo phong cách Phục hưng. Vào thời Trung cổ (Middle Ages, kéo dài từ thế kỷ 5- 15), đền còn là nơi để rửa tội (baptistery).
Phía trước Đền thờ Jupiter có một bức tượng Nhân sư không đầu. Đây là một trong ba tượng Nhân sư trong Khu vực Di sản. Một tượng nằm trên hàng cột dọc theo trục đường chính của Cung điện; Một tượng nằm trong Nhà thờ St. Duje.

Sơ đồ mặt cắt ngang Đền thờ Jupiter, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Lối vào Đền thờ Jupiter với tượng Nhân sư không đầu nằm phía trước, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Bên trong Đền thờ Jupiter, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Tiền sảnh vào Khu căn hộ hoàng gia
Tiền sảnh tại lối vào Khu căn hộ hoàng gia tại Cung điện Diocletians (Vestibul the entrance hall of the Diocletians residence, hình vẽ ký hiệu 19). Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 4, như một phần ban đầu của cung điện cổ, để tiếp đón đại sứ.
Tiền sảnh có mặt bằng hình chữ nhật bên ngoài, bên trong hình tròn với mái vòm cao 17m, đường kính 12m. Mái vòm hiện không còn. Lối vào có kích thước 2,56m x 3,96 m với vô số trang trí phù điêu. Tại đây, 4 hốc hình bán nguyệt chứa đầy bức tượng của các vị thần đã bị phá bỏ.
Phía bắc của Tiền sảnh là Quảng trường Peristil.
Phía nam của Tiền sảnh là Sảnh trung tâm (Central hall, substructure, hình vẽ ký hiệu 20). Sảnh này nối thông với Cổng phía nam – Cổng Đồng (Bronze Gate) của Cung điện.

Phía trước Tiền sảnh với mái vòm tròn là Quảng trường Peristil, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Phối cảnh tổng thể tòa Tiền sảnh với mái vòm tròn, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Mặt bằng tòa Tiền sảnh Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Mặt cắt dọc theo trục nam - bắc (bên phải ảnh là Quảng trường Peristil) tòa Tiền sảnh Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia

Bên trong Tiền sảnh với mái vòm tròn, Cung điện Diocletian, tại Split - Dalmatia, Croatia
Nơi ở của hoàng đế
Nơi ở hay căn hộ của hoàng đế (Emperor's apartment) gồm 2 khu: khu vực phía tây nam Cung điện (Area at the western part of the Emperor's residence, hình vẽ ký hiệu 22); khu vực phía đông nam Cung điện (Area at the eastern part of the Emperor's residence, hình vẽ ký hiệu 23). Nơi ở của hoàng đế tạo thành một khối dọc theo toàn bộ mặt tiền phía nam, giáp bờ biển. Căn hộ cao 2 tầng, hiện chỉ còn tàn tích.

Bản vẽ tái thiết mặt tiền giáp biển căn hộ của hoàng đế, Cung điện Diocletian, năm 1912
Tàn tích của các tòa nhà khác
Cũng như đường xá, phần lớn tòa nhà trong Cung điện đã bị phá hủy, xâm lấn, hiện chỉ còn lại tàn tích:
- Các tòa nhà lớn tại phía đông bắc Cung điện (Remains of the big north – east building, hình vẽ ký hiệu 9) và tại phía tây bắc Cung điện (Remains of the big north – west building, hình vẽ ký hiệu 10);
- Dãy nhà kho (Warehouse, hình vẽ ký hiệu 11) tại phía tây bắc Cung điện, sát với tường thành;
- Ngôi đền nhỏ hình tròn (Small round temples, hình vẽ ký hiệu 15) tại phía tây nam Cung điện.
- Nhà tắm (Remains of the bath – house, hình vẽ ký hiệu 17) tại phía tây nam Cung điện, phía bắc Nơi ở của hoàng đế;
- Tòa nhà với bức tranh khảm (Remains of the building with theo preserved mosaic, hình vẽ ký hiệu 18) nằm phía đông nam Cung điện, cạnh Nhà thờ St. Duje;
- Hàng hiên dọc theo tường thành phía nam Cung điện (Passage by the forepart, hình vẽ ký hiệu 21);

Cửa hàng nằm xen kẽ với các tàn tích Cung điện Diocletian
Tầng hầm của Cung điện Diocletian
Tầng hầm của Cung điện Diocletian (Cellars of Diocletian's Palace), đôi khi còn được gọi là “Hội trường tầng hầm”, nằm tại cuối phía nam Cung điện.
Lối ra vào tầng hầm nằm dọc theo trục đường hướng bắc – nam của Cung điện và từ Cổng đồng (Bronze Gate).
Mái của tầng hầm hình vòm. Các bức tường ngăn chia tầng hầm là móng của các công trình xây dựng bên trên.
Chức năng của tầng hầm, ngoài phần bệ cho phần xây nổi bên trên, còn là khu vực lưu trữ thực phẩm, rượu cho Cung điện.
Diện tích mặt bằng tầng hầm chiếm đến 1/8 diện tích của Cung điện, là bản sao của mặt bằng các tầng bên trên.
Bên trong tầng hầm còn lưu giữ một mạng lưới giếng nước sinh hoạt.
Hiện tại, một phần tầng hầm được khôi phục.

Tầng hầm bên trong Cung điện Diocletian trở thành chợ, tại Split - Dalmatia, Croatia
Bên ngoài Cung điện Diocletian còn có một số di tích khác, tập trung chủ yếu tại phía bắc.
Di sản Cung điện Diocletian là công trình lịch sử quan trọng nhất tại trung tâm thành phố Split, Croatia một trong những quần thể kiến trúc và văn hóa nổi tiếng nhất và đầy đủ nhất về một cung điện La Mã, là một trong những công trình kiến trúc và văn hóa nổi tiếng nhất và không thể thiếu trên bờ biển Adriatic; giữ một vị trí nổi bật trong di sản Địa Trung Hải, châu Âu và thế giới.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/97
https://en.wikipedia.org/wiki/Croatia
https://en.wikipedia.org/wiki/Illyria
https://en.wikipedia.org/wiki/Diocletian
https://en.wikipedia.org/wiki/Split-Dalmatia_County
https://en.wikipedia.org/wiki/Diocletian's_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Golden_Gate_(Diocletian%27s_Palace)
https://en.wikipedia.org/wiki/Silver_Gate_(Diocletian%27s_Palace)
https://en.wikipedia.org/wiki/Iron_Gate_(Diocletian%27s_Palace)
https://en.wikipedia.org/wiki/Bronze_Gate_(Diocletian%27s_Palace)
https://en.wikipedia.org/wiki/Vestibule_(Split)
https://en.wikipedia.org/wiki/St_Martin%27s_Church_(Split)
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Jupiter,_Split
https://en.wikipedia.org/wiki/Cellars_of_Diocletian%27s_Palace
http://www.romeacrosseurope.com/?p=2479
http://www.visitsplit.com/en/448/diocletian-palace
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|