Tuần 13 - Ngày 03/11/2024
|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Tu viện Horezu, Wallachia, Romania |
10/03/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Tu viện Horezu (Monastery of Horezu)
Địa điểm: tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia, Romania (N45 10 60 E24 1 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 22,48ha; diện tích vùng đệm 57,29ha
Năm thực hiện: 1693-1697
Giá trị: Di sản thế giới (1993; hạng mục ii)
Romania là một quốc gia nằm tại ngã tư của Trung Âu, Đông và Đông Nam Châu Âu; có chung biên giới đất liền với Bulgaria ở phía nam, Ukraine ở phía bắc, Hungary ở phía tây, Serbia ở phía tây nam, và Moldova ở phía đông; có cửa ra Biển Đen.
Romania có diện tích 238.397 km2; dân số 19,3 triệu người (năm 2020). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Bucharest.
Romania được chia thành 41 tỉnh và thành phố Bucharest.
Vùng đất Romania ngày nay đã có những nhóm người khác nhau đến sinh sống từ thời Tiền sử.
Trong thời Cổ đại, vùng đất Romania nằm dưới quyền thống trị của Đế chế Hy Lạp, La Mã.
Vào thời Trung cổ, vùng đất Romania trải qua sự thống trị của người Goths (năm 230), người Huns (năm 276), người Gepids (năm 454), người Avars (năm 570), người Bulgars (năm 680), người Magyar (Hungary, tới đây vào năm 830)…Các nhà truyền giáo Byzantine (Byzantine Empire/Đông La Mã) và quân đội của họ đến đây vào năm 940; người Thổ Nhĩ Kỳ Oghuz vào năm 1060.
Vào đầu thế kỷ 13, tại đây đã xuất hiện các Cộng đồng Romania tự trị (Romanian district) phụ thuộc vào Vương quốc Hungary (Kingdom of Hungary, tồn tại năm 1000- 1950).
Người Mông Cổ tràn sang đây năm 1241- 1242.
Công quốc thứ nhất của người Romania là Wallachia (Principality of Wallachia, tồn tại năm 1330–1859), thời Lãnh chúa Basarab I (trị vì 1310/1324 – 1351/1352) đã thống nhất một số vùng đất Romania vào những năm 1310, đánh bại quân đội Vương quốc Hungary, giành độc lập cho Wallachia vào năm 1330.
Công quốc thứ hai của người Romania là Moldavia (Principality of Moldavia, tồn tại năm 1346–1859), đã đạt được quyền tự trị hoàn toàn dưới thời Lãnh chúa Bogdan I (trị vì năm 1359–1365; 1365–1367) vào khoảng năm 1360.
Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922) thống trị Romania sau năm 1388.
Thời đại sơ khai và sự thức tỉnh của dân tộc Romania bắt đầu khi Vương quốc Hungary suy yếu và người Ottoman chiếm một phần đất Banat và Crișana vào năm 1541. Xuất hiện Công quốc thứ ba của người Romania là Transylvania (Principality of Transylvania, tồn tại năm 1570–1711).
Năm 1600, ba Công quốc Wallachia, Moldavia và Transylvania được thống nhất lại dưới quyền của Mihai Viteazul (Michael the Brave/Michae Dũng cảm, lãnh chúa của Công quốc Wallachia từ năm 1593- 1600). Sự thống nhất chỉ kéo dài một năm sau đó. Michael the Brave bị quân của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ và Đế chế Hapsburg (Habsburg Monarchy, tồn tại năm 1282–1918) đánh bại. Song ông đã trở thành một trong những biểu tượng của sự thống nhất các vùng đất Romania.
Wallachia và Moldavia lại nằm dưới quyền thống trị của Đế chế OttomanThổ Nhĩ Kỳ còn Transylvania nằm dưới sự cai trị của Đế chế Habsburg.
Đế chế Habsburg sát nhập một phần đất của Romania vào năm 1775 và Đế quốc Nga (Russian Empire, tồn tại (1721–1917) chiếm một phần đất của Romania vào năm 1812.
Thời hiện đại của nhà nước Romania bắt đầu vào năm 1859 thông qua việc thành lập một Liên minh giữa Công quốc Moldavia và Wallachia mang tên Liên minh Danubian (Danubian Principalities). Liên minh này cùng với Công quốc Transylvania trở thành tiền đề cho việc thành lập Vương quốc Romania (Kingdom of Romania, tồn tại năm 1881–1947) và trở thành nhà nước Romania ngày nay.
Bản đồ phạm vi 3 Công quốc Moldavia, Wallachia và Transylvania, Romania vào năm 1600
Bản đồ Romania và vị trí tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia
Tu viện Horezu nằm tại thị trấn Horezu, tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia, Romania.
Tu viện được thành lập vào năm 1690 bởi Lãnh chúa Constantin Brâncoveanu, (trị vì Công quốc Wallachia từ năm 1688 – 1714). Ông bị người Ottoman bắt và giết chết. Hoàn cảnh và cái chết của ông đã được thánh hóa và được các Giáo hội Chính thống phương Đông (Eastern Orthodox Church) công nhận.
Tu viện Horezu nổi tiếng với độ tinh khiết của kiến trúc, sự cân bằng, phong phú của chi tiết điêu khắc và các trang trí. Các bức họa trong Tu viện vào thế kỷ 18 đã nổi tiếng khắp vùng Balcan.
Công trình được cho là sự tổng hợp của phong cách kiến trúc Phục hưng, Byzantine và Rumaini, trở thành hình mẫu, tạo thành phong cách kiến trúc bản địa mang tên “Brancovan” – phong cách Rumani (Phong cách mang tên Lãnh chúa Constantin Brâncoveanu), góp phần tự tôn dân tộc.
Tu viện Horezu, tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia, Romania được UNESCO tôn vinh là Di sản thể giới (năm 1993) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii): Được thành lập vào năm 1690 bởi Lãnh chúa Constantine Brancovan, Tu viện Horezu, ở Walachia, Romania là một kiệt tác của phong cách 'Brancovan', nổi tiếng và là hình mẫu kiến trúc trong khắp vùng Balkan vào thế kỷ 18, 19.
Phạm vi Di sản Tu viện Horezu, tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia, Romania
Di sản Tu viện Horezu, Wallachia, Romania có diện tích khoảng 22,48ha, trong đó công trình Tu viện có diện tích khoảng 3ha, nằm trên một sườn núi, như một pháo đài có tường bao quanh.
Từ năm 1872, Tu viện được sử dựng như một ni cô viện.
Tu viện Horezu, Wallachia, Romania nằm trên một sườn núi
Hệ thống tường thành bao quanh Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Tu viện hay pháo đài Horezu có mặt bằng hình chữ nhật bao quanh một sân trong (Monastery Yard). Mặt phía đông là bức tường, ba mặt còn lại là công trình như nhà ăn, trạm xá, nhà ở của tu sĩ, tháp chuông. Trung tâm của sân trong là nhà thờ.
Tổng mặt bằng Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Cổng ra vào
Công trình có 3 cổng (Entrance) ra vào. 2 cổng tại phía bắc và 1 cổng tại phía nam.
Cổng phía nam là cổng chính của Tu viện, dạng cổng vòm, phía trên là tháp chuông.
Cổng chính vào Tu viện Horezu (cổng phía nam) và tháp chuông
Mặt tường phía nam
Mặt tường phía nam của Tu viện cao với các gờ tường.
Mặt tường có cổng ra vào chính của Tu viện.
Phía sau bức tường phía nam là nhà bếp của Tu viện (Monastery Kitchen).
Mặt tường phía tây
Mặt tường phía tây của Tu viện là dãy nhà 2 tầng, bố trí dọc theo tường với hành lang hướng vào sân trong. Trong đó có trạm xá của Tu viện (Monastery Hospital).
Chính giữa dãy nhà phía tây được nhấn mạnh bởi một tòa tháp cao, đối diện với Nhà thờ trung tâm.
Phối cảnh tòa tháp tại giữa dãy nhà phía tây Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Phối cảnh khối nhà trạm xá, dãy nhà phía tây Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Mặt tường phía bắc
Mặt tường phía bắc của Tu viện ngoài 2 cổng ra vào, là một dãy nhà có hành lang với các hàng cột vòm (Colonade) hướng vào phía sân trong. Đây là các phòng cho tu sĩ (Dormitory).
Dãy nhà với các hàng cột tại phía bắc của Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Nhà thờ trung tâm
Trung tâm của sân trong Tu viện là nhà thờ (Cloister Church).
Nhà thờ dài 32m và cao 14m, bố cục theo trục đông – tây.
Phía tây Nhà thờ là sảnh vào có 2 cột, tiếp đến là một hàng hiên có 8 cột. Từ đây vào gian ngoài với 2 cột tròn, tiếp đến là gian trong với 3 mặt tường vòng cung tại mặt bắc, đông và nam.
Hai gian chính của Nhà thờ có 2 tháp mái vườn cao. Dạng của tháp mái cũng là một trong những đặc điểm hình thành nên Phong cách kiến trúc Brancovan - Romania.
Nội thất của nhà thờ với các bức tranh tường miêu tả sự tích kinh thánh, hình ảnh Lãnh chúa Brancovan và gia đình của mình. Gian thờ là một bàn thờ bằng gỗ lớn.
Phối cảnh Nhà thờ trung tâm với các tháp mái tạo Phong cách kiến trúc Brancovan, Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Lối vào chính Nhà thờ trung tâm, Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Trang trí hàng hiên sảnh vào Nhà thờ trung tâm, Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Nội thất gian ngoài Nhà thờ trung tâm, Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Tu viện Horezu hiện trở thành một trung tâm quan trọng về văn hóa và hoạt động nghệ thuật, một thư viện và trường nghệ thuật hội họa.
Tu viện cũng trở thành bảo tàng, nơi lưu giữ bộ sưu tập phong phú các tài liệu, tranh tường, điêu khắc bằng đá và gỗ về sự tích tôn giáo, truyền thuyết liên quan đến Lãnh chúa Constantin Brâncoveanu và những khái vọng của người Rumani.
Bức tranh tường Lãnh chúa Constantin Brâncoveanu và gia đình (năm 1709), Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Bức tranh miêu tả sự đoàn kết của các tầng lớp xã hội – người thợ mộc (carpenter), người thợ đá (stonemason) và người giám thị (overseer), Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Một số bức tranh tường miêu tả sự tích tôn giáo bên trong Nhà thờ trung tâm, Tu viện Horezu, Wallachia, Romania
Tu viện Horezu, tỉnh Vâlcea, vùng Wallachia, Romania đại diện cho một quần thể kiến trúc và nghệ thuật trong thời kỳ chuyển tiếp từ Trung cổ đến Hiện đại tại vùng Balcan.
Tu viện Horezu còn là ví dụ tiêu biểu cho Phong cách kiến trúc và nghệ thuật Brancovan, một điểm nhấn trong thời đại sơ khai và thức tỉnh của dân tộc Romania, đặt sự phát triển văn hóa và độc lập dân tộc lên trên tất cả.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/597
https://en.wikipedia.org/wiki/Romania
https://en.wikipedia.org/wiki/Wallachia
https://en.wikipedia.org/wiki/Moldavia
https://en.wikipedia.org/wiki/Principality_of_Transylvania_(1570%E2%80%931711)
https://en.wikipedia.org/wiki/Horezu_Monastery
https://en.wikipedia.org/wiki/Constantin_Br%C3%A2ncoveanu
http://www.romanianmonasteries.org/other-monasteries/horezu
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 23/12/2020 )
|
Tin mới đưa:- Hang động Vân Cương, Đại Đồng, Sơn Tây, Trung Quốc
- Công trình Villa d'Este, Tivoli, Rome, Ý
- Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc, Czech
- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
Tin đã đưa:- Tu viện St Gall, Thụy Sỹ
- Tu viện Studenica, Kraljevo, Raska, Serbia
- Quần thể di tích lịch sử Split với Cung điện Diocletian, Split - Dalmatia, Croatia
- Cầu Mehmed Pasa Sokolovic ở Visegrad, Bosna và Hercegovina – KTS. Mimar Sinan
- Nhà thờ Boyana, Sofia, Bulgaria
- Nhà thờ Thánh Sophia và Tu viện Kiev Pechersk Lavra, Kiev, Ukraina
- Đài tưởng niệm Quốc gia Great Zimbabwe, Masvingo, Zimbabwe
- Thành phố Đại học Caracas Venezuela - KTS. Carlos Raul Villanueva
- Tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ
- Hội trường Độc Lập, Philadelphia, Pennsylvania, Mỹ
- Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia
- Các biệt thự do Palladio thiết kế ở Veneto, Ý
- Thành quốc Vatican
- Nhà máy bột giấy Verla Groundwood và Board Mill, Phần Lan
- Quần thể kiến trúc, nhà ở và văn hóa của gia tộc Radziwill tại Nesvizh, Belarus
|