|
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia |
04/02/2016 |
Thông tin chung:
Công trình: Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia (Rock-Hewn Churches, Lalibela, Ethiopia)
Địa điểm: Lalibela, Ethiopia ( N12 1 45.66 E39 2 25.512)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Bao gồm 11 nhà thờ Di sản
Năm thực hiện: Thế kỷ 12 – 13
Giá trị: Di sản thế giới (1978; hạng mục i; ii; iii)
Ethiopia là một quốc gia nằm tại vùng Sừng Châu Phi, có chung biên giới với Eritrea tại phía Bắc và Đông Bắc, Djibouti và Somalia ở phía Đông, Sudan và Nam Sudan về phía Tây và Kenya về phía Nam.
Với hơn 102 triệu dân (năm 2016), Ethiopia là quốc gia không giáp biển đông dân nhất thế giới, có diện tích khoảng 1.104.300 km2. Thủ đô và thành phố lớn nhất là Addis Ababa. Ngôn ngữ chính thức là tiếng Amharic.
Ethiopia sử dụng hệ thống chữ Ge'ez cổ đại, là một trong những bảng chữ cái cổ nhất còn được sử dụng trên thế giới. Lịch Ethiopia, muộn hơn lịch phổ biến (Gregorian Calendar) khoảng 7 năm 3 tháng.
Bắt nguồn từ thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên (TCN), hệ thống chính quyền của Ethiopia là chế độ quân chủ trong phần lớn lịch sử của nó. Truyền thuyết kể rằng chế độ quân chủ được thành lập bởi Triều đại Solomonic (Solomonic Dynasty) với vị vua đầu tiên là Menelik I (vào thế kỷ 10 TCN).
Trong những thế kỷ đầu tiên, Vương quốc Aksum (Kingdom of Aksum, tồn tại năm 80 TCN - 940 sau Công nguyên) duy trì được một nền văn minh thống nhất trong khu vực.
Tiếp đó là triều đại Zagwe (Zagwe Dynasty, tồn tại 940 - 1270) khởi nguồn từ miền bắc Ethiopia. Vương quốc còn có tên là Begwena, kinh đô đặt tại thành phố Lalibela. Vị vua nổi tiếng nhất của Vương triều Zagwe là hoàng đế Gebre Mesqel Lalibela (trị vì năm 1181 - 1221), người đã xây dựng các nhà thờ bằng đá nguyên khối ở Lalibela (Di sản thế giới).
Tiếp theo là Đế chế Ethiopia (Ethiopian Empirem, tồn tại năm 1270–1974) thống trị Ethiopia.
Trong cuộc tranh giành cuối thế kỷ 19 ở châu Phi, Ethiopia là một trong những quốc gia duy trì được chủ quyền, thoát khỏi ách thực dân châu Âu. Sức mạnh của Ethiopia dựa vào bản sắc văn hóa dân tộc gắn với vai trò lịch sử và đương đại của Cơ đốc giáo và Hồi giáo, cũng như truyền thống mạnh mẽ từ các vương quốc Ethiopia cổ xưa.
Ngày nay, Ethiopia được phân thành 10 bang và 2 thành phố đặc biệt.
Bản đồ Ethiopia và vị trí tỉnh North Wollo, bang Amhara
Lalibela là một thị trấn ở miền bắc Ethiopia, thuộc tỉnh North Wollo, bang Amhara, là một trong mười bang của Ethiopia.
Lalibela là một trong những thành phố linh thiêng nhất của Ethiopia, chỉ đứng thứ hai sau Aksum (thành phố ở bắc Ethiopia được đặt tên theo Vương quốc Aksum tồn tại từ năm 400 trước Công nguyên đến thế kỷ 10, cũng được công nhận là Di sản thế giới năm 1980), là cố đô của vương triều Zagwe và là một trung tâm hành hương của những người Kito giáo tại Ethiopia.
Lalibela có số dân khoảng 1,5 vạn người, nằm tại khu vực có độ cao 2500m so với mực nước biển.
Thị trấn Lalibela được biết đến trên toàn thế giới nhờ các nhà thờ bằng đá nguyên khối. Đây là công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 và 13 dưới thời vua Gebre Mesqel Lalibela, một trong những vị vua cuối cùng của triều đại Zagwe, người được coi là một vị thánh của Giáo hội chính thống Ethiopia, với hy vọng nơi đây trở thành một "New Jerusalem”.
Các nhà thờ không được xây dựng theo cách truyền thống mà đã được đẽo từ khối đá nguyên khối tự nhiên. Các khối công trình này tiếp tục được đục ra, tạo thành cửa ra vào, cửa sổ, cột, sàn khác nhau, mái nhà. Ngoài công trình, còn có hệ thống mương thoát nước, hang động cho các cư sĩ, hầm mộ cũng được đục từ trong khối đá.
Mặc dù các khối đá tương đối mềm và dễ đục đẽo, nhưng thiết kế phải được hình tượng từ trước khi công việc bắt đầu. Không có khả năng sửa đổi hoặc điều chỉnh sau đó. Các công trình thực chất là một tác phẩm điêu khắc. Việc xây dựng các nhà thờ điêu khắc rất tiêu tốn thời gian và gặp nhiều khó khăn, song quá trình này không phải là công việc mà là các trải nghiệm về tinh thần, biểu hiện hành vi của lòng sùng kính.
11 nhà thờ đá tại thị trấn Lalibela là một trong số 1.500 nhà thờ điêu khắc đá ở Ethiopia, đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1978 với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Tất cả 11 nhà thờ tại khu vực Di sản là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người trong việc tổ chức thực hiện, quy mô công trình, hình thức kiến trúc đa dạng và táo bạo theo phong cách bản địa.
Tiêu chí (ii): Các công trình do vua Lalibela xây dựng đã trở thành biểu tượng của vùng đất thánh, ví như bản sao ngôi mộ của Chúa Kito và của Adam, hang đá Giáng sinh tại nhà thờ Biet Golgotha (Church of Biet Golgotha), làm cho thị trấn Lalibela trở thành thánh địa như Jerusalem, Bethlehem và có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Thiên Chúa giáo Ethiopia.
Tiêu chí (iii): Thị trấn Lalibela với các nhà thờ bằng đá (cùng với một số công trình lịch sử khác) cung cấp một bằng chứng đặc biệt về nền văn minh thời trung cổ và hậu trung cổ của Ethiopia.
Sơ đồ vị trí các nhà thờ thuộc Di sản thế giới Nhà thờ tạc vào đá ở Lalibela, Ethiopia
11 nhà thờ Di sản chia thành 2 nhóm nhà thờ, nối với nhau bằng các hành lang (tunnel) chìm trong đá.
Hiện tại một số nhà thờ phải làm các mái che để bảo vệ khỏi bị xói mòn liên tục.
Nhóm nhà thờ ở phía bắc sông Jordan
Gồm 5 nhà thờ (thứ tự từ lối vào chính): Biete Golgotha - Mikael (House of Golgotha Mikael); Biete Mariam (House of Mary); Biete Maskal (House of the Cross); Biete Denagel (House of Virgins) và Biete Medhani Alem (House of the Saviour of the World).
Toàn bộ các nhà thờ đều được tạc từ một gò đá lớn, cả lối vào, hành lang đến công trình. Các nhà thờ đều được kết nối với đường đi bộ, đường hầm hoặc một khoảng sân chung.
Sơ đồ ví trí các nhà thờ tại nhóm nhà thờ phía bắc sông Jordan, Lalibela, Ethiopia
Mặt bằng nhóm nhà thờ phía bắc sông Jordan, Lalibela, Ethiopia
Sơ đồ mặt cắt ngang qua nhóm nhà thờ phía bắc sông Jordan, Lalibela, Ethiopia
Phối cảnh tổng thể nhóm nhà thờ phía bắc sông Jordan, Lalibela, Ethiopia
Các nhà thờ nối với nhau bằng hệ thống tunnel, Lalibela, Ethiopia
Tiếp cận cụm nhà thờ bắt đầu từ một hẻm đục vào núi (Trench), dẫn đến khu lăng mộ của Adam (Tomb of Adamo). Phía sau lăng mộ của Adam là một khe hẹp, hai bên là hai nhà thờ nhỏ đục sâu vào đá. Bên trái là nhà thờ Biet Mikael (Biet Debre Sina), bên phải là nhà thờ Biet Golgotha (gọi chung là Biete Golgotha – Mikael). Đây là hai nhà thờ chỉ cho phép đàn ông vào. Biet Golgotha là nơi đặt mộ của vua Lalibela. Trong nhà thờ có nhiều bức chạm khắc nổi tiếng.
Lối vào chính của nhóm nhà thờ, phía trước là lăng mộ của Adam, Lalibela, Ethiopia
Nhà thờ Biet Golgotha, Lalibela, Ethiopia
Trang trí cửa sổ của nhà thờ Biet Golgotha, Lalibela, Ethiopia
Một bức chạm khắc trong nhà thờ Biet Golgotha, Lalibela, Ethiopia
Tiếp đó là sân phía trước của nhà thờ Biete Mariam.
Nhà thờ Biete Mariam được cho là nhà thờ lâu đời nhất ở Lalibela. Công trình có mặt ngoài đơn giản. Tại đây có 3 cổng vòm với các hình thức cửa sổ đa dạng chạm khắc hình của các vị thánh khác nhau. Bên trong nhà thờ có nhiều bức vẽ và phù điêu công phu. Nhà thờ có chứa một cột đá, trên luôn phủ một tấm vải niệm, được cho là trên đó vua Lalibela đã viết về những bí mật xây dựng công trình. Trong sân của nhà thờ có một bể nước, được cho là một minh chứng kỹ thuật về khai thác nước ngầm của người Ethiopia xưa.
Sân xung quanh nhà thờ Biete Mariam, Lalibela, Ethiopia
Nhà thờ Biete Mariam, Lalibela, Ethiopia
Sảnh vào nhà thờ Biete Mariam, Lalibela, Ethiopia
Cột đá cổ bên trong nhà thờ Biete Mariam, Lalibela, Ethiopia
Trang trí bên trong nhà thờ Biete Mariam, Lalibela, Ethiopia
Hai bên nhà thờ Biete Mariam có hai nhà thờ nhỏ chìm vào trong vách đá, dạng hang động là: Biete Maskal và Biete Denagel. Đây là nơi sinh sống của các ẩn sĩ. Nhà thờ Biete Denagel không có cửa sổ, được cho là bí ẩn nhất trong số 11 nhà thờ.
Nhà thờ Biete Maskal, Lalibela, Ethiopia
Trang trí cửa số nhà thờ Biete Maskal, Lalibela, Ethiopia
Bên trong nhà thờ Biete Denagel nằm chìm trong vách đá, không có cửa sổ
Nằm phía trong cùng của cụm nhà thờ ở phía bắc là nhà thờ Biete Medhani Alem. Nhà thờ nằm giữa một sân rộng đục trong đá, rất ấn tượng bởi kích thước và sự uy nghi của nó. Công trình dài 33,5m, rộng 23,5m và cao 11,5m, là một trong những nhà thờ đục chạm từ đá nguyên khối lớn nhất trên thế giới. Nhà thờ có hình thức giống một ngôi đền Hy Lạp hơn là một nhà thờ Ethiopia truyền thống. Tòa nhà được bao quanh bởi 34 cột lớn, tiết diện hình chữ nhật. Mỗi góc nhà có 3 cột được nối với nhau. Nội thất bao gồm một gian giữa với 4 lối đi và 38 cột đỡ mái dốc. Đường diềm của kết cấu mái được trang trí các họa tiết hình bán nguyệt. Ngôi đền có cửa sổ có hình dạng độc đáo như các lỗ khóa. Trong một góc của nhà thờ có ba ngôi mộ trống được cho là mộ tượng trưng cho Abraham, Isaac và Jacob.
Mặt bằng nhà thờ Biete Medhani Alem, Lalibela, Ethiopia
Phối cảnh góc nhà thờ Biete Medhani Alem, Lalibela, Ethiopia
Phối cảnh mặt bên nhà thờ Biete Medhani Alem, Lalibela, Ethiopia
Nội thất nhà thờ Biete Medhani Alem, Lalibela, Ethiopia
Nhóm nhà thờ ở phía Nam sông Jordan
Gồm 6 nhà thờ (thứ tự từ hành lang nối với cụm nhà thờ phía bắc): Biete Amanuel (House of Emmanuel); Biete Qeddus Mercoreus (House of St. Mercoreos); Biete Abba Libanos (House of Abbot Libanos); Biete Lehem (House of Holy Bread); Biete Gabriel Raphael (House of Gabriel Raphael); Bet Giorgis (House of St. George).
Sơ đồ ví trí các nhà thờ tại nhóm nhà thờ phía nam sông Jordan, Lalibela, Ethiopia
Nhà thờ Biete Amanuel được cho ban đầu là nhà nguyện của hoàng gia. Mọi người đến đây đều phải cởi giầy trước khi bước vào nhà thờ.
Nhà thờ Biete Amanuel, Lalibela, Ethiopia
Sơ đồ bên trong nhà thờ Biete Amanuel, góc dưới là bể nước
Tiếp theo về phía nam là nhà thờ Biete Qeddus Mercoreus. Công trình được cho có nguồn gốc từ một nhà tù, hiện chỉ còn là phế tích.
Phế tích nhà thờ Biete Qeddus Mercoreus, Lalibela, Ethiopia
Phía nam của nhà thờ Biete Qeddus Mercoreus là một nhà thờ nhỏ Biete Abba Libanos. Đây là công trình được xây dựng để vinh danh Abbot Libanos, là một trong 9 nhà truyền giáo đến Ethiopia vào cuối thế kỷ thứ 5. Công trình gần như chưa hoàn thành (phần mái vẫn lẫn vào trong vách đá).
Nhà thờ Biete Abba Libanos chưa hoàn thành xong phần mái
Phối cảnh lối vào nhà thờ Biete Abba Libanos, Lalibela, Ethiopia
Tiếp đó là nhà thờ Biete Lehem, một nhà thờ dạng tròn như một chiếc bánh mỳ.
Kề liền đó là nhà thờ Biete Gabriel Raphael. Đây là nhà thờ có các hào sâu đến 15m bao quanh và có các đường hào bí mật ra vào.
Nhà thờ Biete Lehem, Lalibela, Ethiopia
Cầu nhỏ qua hào sâu tới nhà thờ Biete Gabriel Raphael, Lalibela, Ethiopia
Lối vào nhà thờ Biete Gabriel Raphael, Lalibela, Ethiopia
Theo tuyến tunnel về phía tây đến nhà thờ Bet Giorgis. Nhà thờ được đặt theo tên thánh George, vị thánh luôn được miêu tả cưỡi ngựa giết rồng.
Nhà thờ là công trình được bảo tồn tốt nhất và ngoạn mục nhất trong 11 nhà thờ Di sản tại Lalibela, được cho là biểu tượng của các nhà thờ đá tại đây. Nhà thờ có mặt bằng hình thánh giá Hy Lạp với kích thước 12mx12m cao 13m. Xung quanh nhà thờ là các hào đá rộng 25m. Tại sân nhà thờ có một hồ nước rửa tội.
Mặt bằng nhà thờ Bet Giorgis, Lalibela, Ethiopia
Phối cảnh công trình nhà thờ Bet Giorgis từ sân
Phối cảnh công trình nhà thờ Bet Giorgis từ bên trên
Nội thất nhà thờ Bet Giorgis, Lalibela, Ethiopia
Tranh thánh George trang trí bên trong nhà thờ Bet Giorgis, Lalibela, Ethiopia
Nhà thờ tạc vào đá tại Lalibela hiện vẫn được bảo tồn trong môi trường tự nhiên. Sự liên kết của các nhà thờ đẽo đá và những ngôi nhà hình tròn truyền thống địa phương ở xung quanh là minh chứng về bố cục truyền thống điển hình của một ngôi làng cổ. Nơi đây vẫn tiếp tục là một địa điểm hành hương thu hút đông đảo mọi người trong và ngoài khu vực.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/18
https://en.wikipedia.org/wiki/Lalibela
https://en.wikipedia.org/wiki/Church_of_Saint_George,_Lalibela http://phlibguides.pascack.k12.nj.us/earlyafricanart/church
https://es.wikipedia.org/wiki/Biet_Mariam
http://socks-studio.com/2013/12/19/lalibela-monolithic-rock-cut-churches/ http://geospatialworld.net/Paper/Application/ArticleView.aspx?aid=328
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 22/08/2020 )
|
Tin mới đưa:- Thung lũng Loire giữa Sully-sur-Loire và Chalonnes, Pháp
- Quần thể Tu viện Ferapontov, Vologda, Nga
- Nhà thờ St James ở Šibenik, Croatia
- Mỏ đá lửa Thời kỳ Đồ đá mới ở Spiennes, Mons, Bỉ
- Lăng mộ Hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Trung Quốc
- Hang động Long Môn, Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc
- Vương cung thánh đường San Francesco và địa điểm khác của Dòng Phanxicô tại Assisi, Ý
- Công trình Villa Adriana, Tivoli, Rome, Ý
- Địa điểm khảo cổ Mycenae và Tiryns tại Argolis, Hy Lạp
- Di tích Thời kỳ Đồ đá mới ở Orkney, Scotland, Vương quốc Anh
- Vùng đất lấn biển Beemster, tỉnh Noord-Holland, Hà Lan
- Trạm bơm hơi nước D.F. Woudagemaal, Lemmer, Hà Lan
- Khu Khảo cổ Nghệ thuật đá thời Tiền sử ở Thung lũng Côa (Bồ Đào Nha) và Siega Verde (Tây Ban Nha)
- Nhà hát Catalana và Bệnh viện Sant Pau, Barcelona, Tây Ban Nha
- Hệ thống cối xay gió ở Kinderdijk – Elshout, Hà Lan
Tin đã đưa:- Các biệt thự do Palladio thiết kế ở Veneto, Ý
- Thành quốc Vatican
- Nhà máy bột giấy Verla Groundwood và Board Mill, Phần Lan
- Quần thể kiến trúc, nhà ở và văn hóa của gia tộc Radziwill tại Nesvizh, Belarus
- Nhà thờ, Tu viện Tomar, Bồ Đào Nha
- Biệt thự Tugendhat, Brno, Czech – KTS. Ludwig Mies van der Rohe
- Mỏ muối Salins-les-Bains và Xưởng muối Hoàng gia Arc-et-Senans, Pháp
- Khu mỏ than chính tại Wallonia, Bỉ
- Khu phức hợp Nhà - Xưởng - Bảo tàng Plantin- Moretus, Antwerp, Bỉ
- Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling, Vejle, Đan Mạch
- Cung điện và Công viên Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
- Nhà thờ Đức Bà Chartres, Eure-et-Loir, Pháp
- Nhà máy Van Nelle, Rotterdam, Hà Lan - KTS. Leendert van der Vlugt
- Biệt thự Rietveld Schröder, Utrecht, Hà Lan - KTS. Gerrit Rietveld
- Nhà thờ Hòa Bình ở Jawor và Swidnica, Lower Silesia, Ba Lan
|