Tuần -4 - Ngày 27/05/2022
|
|
|
Thông tin định kỳ
|
|
|
Lịch sử Kiến trúc
Biệt thự Rietveld Schröder, Utrecht, Hà Lan - KTS. Gerrit Rietveld |
25/12/2015 |

Thông tin chung:
Công trình: Biệt thự Rietveld Schröder (Rietveld Schröder House)
Địa điểm: Utrecht, Hà Lan (N52 5 7,2 E5 8 51,2)
Thiết kế kiến trúc: KTS. Gerrit Rietveld
Quy mô: Diện tích Di sản 0,0075ha.
Năm thực hiện: 1924
Giá trị: Di sản thế giới (năm 2000; hạng mục i; ii)
Hà Lan (Netherland) là một quốc gia chủ yếu nằm ở Tây Âu và một phần ở Caribe (châu Mỹ). Ở châu Âu, Hà Lan gồm 12 tỉnh, có biên giới với Đức ở phía đông, Bỉ ở phía nam, và Biển Bắc ở phía tây bắc; có đường biên giới hàng hải ở Biển Bắc với các quốc gia trên và Vương quốc Anh. Ở Caribe, nó bao gồm ba thành phố tự trị đặc biệt: các đảo Bonaire, Sint Eustatius và Saba.
Ngôn ngữ chính thức của đất nước là tiếng Hà Lan (Dutch language), với tiếng West Frisian là ngôn ngữ chính thức phụ ở tỉnh Friesland; tiếng Anh và tiếng Papiamentu là ngôn ngữ chính thức phụ ở Caribe Hà Lan.
Amsterdam là thủ đô và là thành phố lớn nhất Vương quốc Hà Lan.
Netherland có nghĩa đen là "vùng đất thấp" và địa hình bằng phẳng với chỉ khoảng 50% diện tích đất cao 1m trên mực nước biển và gần 17% nằm dưới mực nước biển.
Hà Lan có diện tích khoảng 41.865 km2, dân số khoảng 17,4 triệu người (năm 2020).
Dấu vết con người lâu đời nhất tìm thấy tại đây được cho là khoảng 25000 năm trước. Vùng đất này đã trải qua nhiều nền văn hóa. Đây là nơi, người ta cho rằng nhiều người chết trong cuộc đấu tranh chống lại nước hơn là trong cuộc đấu tranh chống lại loài người.
Vào năm 57 TCN – 53 TCN, một phần của Hà Lan bị Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27TCN – năm 476) chinh phục. Sau khi Đế chế La Mã trong khu vực sụp đổ, tại miền nam Hà Lan hình thành Vương quốc Frankis (Kingdom of the Franks, tồn tại năm 481–843); tại miền bắc hình thành Vương quốc Frisian (Frisian Kingdom, tồn tại năm 600–734). Từ năm 600 đến khoảng năm 719, thường xảy ra tranh giành giữa người Frisia và người Frank. Vào đầu thế kỷ thứ 9, Vương quốc Frankis mở rộng tại miền tây và trung châu Âu và trở thành Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800–888).
Đế chế Carolingian mô phỏng theo Đế chế La Mã và kiểm soát phần lớn Tây Âu. Kể từ năm 843, Đế chế được chia thành ba phần - Đông , Trung và Tây Francia. Phần lớn đất nước Hà Lan ngày nay thuộc Vương quốc Trung Francia (Middle Francia, tồn tại năm 843–855). Vào năm 855, Vương quốc này bị chia cắt. Các vùng đất phía bắc của dãy Alps thuộc quyền cải quản của Vương triều Lotharingia, được phân thành Thượng và Hạ Lotharingia, trở thành một phần của Vương quốc East Francia (tồn tại năm 843- 962) vào năm 870 và nằm dưới sự kiểm soát của người Viking. Sau đó, Vương quốc East Francia tan rã và tại đây hình thành các quốc gia bán độc lập.
Dưới thời cai trị của Đế chế La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire, tồn tại năm 800/962 –1806) và vua Tây Ban Nha (Habsburg Spain, tồn tại năm 1516–1700), các vùng đất của Hà Lan được hợp nhất thành 17 tỉnh, bao gồm cả Bỉ, Luxembourg và một số vùng đất liền kề thuộc Pháp và Đức ngày nay.
Các cuộc chiến tranh giành lãnh thổ và bành trướng tôn giáo làm cho vùng đất này luôn trong tình trạng bị chia cắt.
Năm 1581, Cộng hòa Hà Lan (Dutch Republic, tồn tại năm 1581–1795) được thành lập. Đây là nhà nước tiền thân của Hà Lan và nhà nước Hà Lan hoàn toàn độc lập đầu tiên.
Năm 1648, Cộng hòa Hà Lan độc lập được cộng nhận chính thức tại Hiệp ước (Peace of Münster) giữa Hà Lan và Đế chế Tây Ban Nha (Spanish Empire#Conflicts in northern Europe). Tiếp sau đó là sự hình thành Đế chế Hà Lan (Dutch Empire). Đế chế này đã phát triển, trở thành một trong những cường quốc kinh tế và đi biển lớn, cùng với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Anh.
Khoa học, quân sự và nghệ thuật (đặc biệt là hội họa ) tại đây nằm trong số những lĩnh vực được hoan nghênh nhất trên thế giới. Đến năm 1650, người Hà Lan sở hữu 16.000 tàu buôn. Công ty Đông Ấn Hà Lan (Dutch East India Company) và Công ty Tây Ấn Hà Lan (Dutch West India Company) đã thành lập các thuộc địa và trạm buôn bán trên khắp thế giới.
Năm 1795, Cộng hoà Batavian (Batavian Republic, tồn tại năm 1795–1806) được thành lập, kế tục Cộng hòa Hà Lan.
Năm 1806, Vương quốc Hà Lan (Kingdom of Holland, tồn tại năm 1806–1810) được Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte lập ra để kiểm soát Hà Lan tốt hơn.
Năm 1813, những người chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Napoléon (kéo dài năm 1803–1815) đã lập Công quốc có chủ quyền của Hà Lan (Sovereign Principality of the United Netherlands, tồn tại năm 1813–1815).
Năm 1815, Vương quốc Hà Lan (United Kingdom of the Netherlands, tồn tại năm 1815–1839) được thiết lập.
Năm 1839, Bỉ ly khai khỏi Vương quốc Hà Lan và Luxembourg trở thành một quốc gia độc lập.
Năm 1954, Hiến chương cho Vương quốc Hà Lan (Charter for the Kingdom of the Netherlands) ra đời.

Bản đồ Hà Lan và vị trí tỉnh Utrecht tại trung tâm Hà Lan
Biệt thự Rietveld Schröder (Rietveld Schröderhuis) ở nằm ở ngoại ô thành phố Utrecht, Hà Lan. Công trình được xây dựng vào năm 1924 bởi Gerrit Rietveld (kiến trrúc sư, nhà nội thất người Hà Lan, 24/6/1888- 25/6/1964) cho gia đình bà Truus Schröder.
Bà Schröder đã sống trong ngôi nhà này đến khi qua đời vào năm 1985. Ngôi nhà đã được phục hồi bởi Bertus Mulder và ngày nay trở thành một bảo tàng mang tên Bảo tàng Centraal của thành phố Utrecht.
Công trình được thiết kế theo Trào lưu nghệ thuật mới tại Hà Lan - De Stijl.
De Stijl là một trào lưu nghệ thuật tại Hà Lan, thành lập vào năm 1917 với xu hướng tìm cách để nghệ thuật theo kịp với những thay đổi kỹ thuật, khoa học và xã hội trên thế giới thời bấy giờ. Sản phẩm nghệ thuật được sáng tạo theo hướng hình học, chính xác, đơn giản và tinh khiết…
Các thành viên chính của De Stijl là Theo van Doesburg, Piet Mondrian, Vilmos Huszár, Bart van der Leck, JJP Oud, Jan Wils, Robert van 't Hoff, Georges Vantongerloo và Gerrit Rietveld.

KTS. Gerrit Rietveld
Biệt thự Rietveld Schröder có quy mô nhỏ, song lại có không gian nội thất linh hoạt, chất lượng và trang trọng. Đây có thể coi là tuyên ngôn về những lý tưởng của nhóm nghệ sĩ và kiến trúc sư theo phong cách De Stijl ở Hà Lan trong những năm 1920. Công trình được coi là một trong những biểu tượng của Phong trào Hiện đại (Modern Movement) trong kiến trúc.
Biệt thự Rietveld Schröder được thiết kế độc đáo, là một tòa nhà duy nhất thuộc loại này được thiết kế bởi KTS Rietveld.
Công trình khác với các tòa nhà quan trọng khác của Phong trào Hiện đại ban đầu, chẳng hạn như Villa Savoye (Paris, Pháp; Di sản thế giới năm 2016) của Le Corbusier (KTS, nhà quy hoạch đô thị, nhà thiết kế, họa sỹ, nhà văn người Thụy Sĩ - Pháp; 1887 – 1965); hoặc Villa Tugendhat (Brno, Séc; Di sản thế giới năm 2001) của Mies van der Rohe (KTS người Mỹ gốc Đức, 1886- 1969).
Sự khác biệt đặc biệt trong ngôi nhà nằm ở cách xử lý không gian kiến trúc và quan niệm về công năng.
Công trình tạo ra ý tưởng và khái niệm thiết kế mới trong kiến trúc hiện đại. Đó là sự linh hoạt trong bố trí không gian, cho phép thay đổi dần theo thời gian phù hợp với sự thay đổi của chức năng; Nội thất và đồ đạc là một phần không thể thiếu trong thiết kế của tòa nhà và góp phần đáng kể vào giá trị tổng thể chung…
Nhiều kiến trúc sư đương đại đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi triết lý thiết kế của ngôi nhà Rietveld Schröder và ảnh hưởng này vẫn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Biệt thự Rietveld Schröder tại Utrecht, Hà Lan đã được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 2000) với tiêu chí:
Tiêu chí (i): Rietveld Schröderhuis ở Utrecht là biểu tượng của Trào lưu Hiện đại trong kiến trúc và là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người, về sự thuần khiết của các ý tưởng và khái niệm được phát triển bởi Trào lưu De Stijl.
Tiêu chí (ii): Với cách tiếp cận triệt để trong thiết kế và sử dụng không gian, biệt thự Rietveld Schröderhuis chiếm một vị trí quan trọng trong sự phát triển của kiến trúc thời hiện đại.

Vị trí Di sản Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan

Vị trí và phạm vi Di sản Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan
Công trình Rietveld Schröder là công trình điển hình được thiết kế theo Trào lưu Hiện đại De Stijl của KTS. Gerrit Rietveld.
Tòa nhà cao 2 tầng. Tầng 1 gồm: tiền phòng, phòng khách, bếp và ăn, 1 phòng ngủ, phòng làm việc, thư viện và các phòng phụ; Tầng 2 gồm 3 phòng ngủ và một phòng khách và các phòng phụ. Các phòng chức năng bố trí xung quanh khu vực cầu thang đặt chính giữa nhà. Các phòng ngủ đều có ban công.
Công trình sử dụng các tấm tường ngoài chực lực. Ngoại trừ khu vực vệ sinh, tắm, tường bên trong là các vách ngăn linh hoạt cho phép có thể thay đổi chức năng sử dụng và quy mô các phòng theo nhu cầu sử dụng.

Mặt bằng Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan

Mặt cắt Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan

Mặt bằng hình khối công trình được hình thành từ các tấm đứng và ngang

Mô hình Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan


Phối cảnh Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan
Công trình có mặt đứng kiến trúc, nội thất đơn giản đến mức độ tinh khiết.
Hình khối kiến trúc của công trình rất mới lạ vào thời điểm bấy giờ, được hình thành từ các tấm đặc và rỗng đặt theo phương đứng và theo phương ngang, qua đó yếu tố không gian 3 chiều được thể hiện rất rõ và mạnh mẽ. Điểm xuyến cho các tấm tường, mái là các thanh của cột, của lan can được sơn các màu cơ bản: đỏ, vàng, xanh và đen. Nội thất cũng được tổ chức theo nguyên tắc như vậy: Các tấm tường đặc màu trắng, ghi và tường kính được điểm xuyến bằng các đồ vật như thảm, bàn ghế... có màu cơ bản. Màu sơn cũng được lựa chọn theo nhu cầu sử dụng, ví dụ như màu đen được sơn tại khu vực dễ bị bẩn, khó lau chùi…




Một số hình ảnh nội thất Biệt thự Rietveld Schröder tại thành phố Utrecht, Hà Lan
Di sản công trình Rietveld Schröder tại Utrecht, Hà Lan đã chiếm một vị trí quan trọng hàng đầu trong sự phát triển của kiến trúc thời hiện đại, có ảnh hưởng sâu sắc đến các thế hệ kiến trúc sư trên toàn thế giới những năm sau này.

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/965
https://en.wikipedia.org/wiki/Netherlands
https://en.wikipedia.org/wiki/Utrecht
https://en.wikipedia.org/wiki/Gerrit_Rietveld
https://en.wikipedia.org/wiki/Villa_Savoye
https://en.wikipedia.org/wiki/Villa_Tugendhat
https://en.wikipedia.org/wiki/Rietveld_Schröder_House
http://centraalmuseum.nl/en/visit/locations/rietveld-schroder-house/
http://www.archdaily.com/99698/ad-classics-rietveld-schroder-house-gerrit-rietveld
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|
Cập nhật ( 07/11/2020 )
|
Tin mới đưa:- Piazza del Duomo, Pisa, Tuscany, Ý
- Nhà thờ lớn, Alcázar và Archivo de Indias ở Seville, Tây Ban Nha
- Địa điểm khảo cổ học Delphi, Phokis, Hy Lạp
- Thành phố Bath, Avon, Anh
- Cung điện Westminster và Tu viện Westminster bao gồm cả Nhà thờ Saint Margaret, London, Anh
- Nemrut Dağ, Lăng mộ vua Antiochus I, Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ
- Hattusa: Thủ đô của Đế chế Hittite, Boğazkale, Thổ Nhĩ Kỳ
- Thành phố lịch sử Toledo, Castile-La Mancha, Tây Ban Nha
- Các tượng đài La Mã, Nhà thờ St. Peter và Nhà thờ Đức Bà tại Trier, Đức
- Hẻm núi Ironbridge, Shropshire, Anh
- Công viên Hoàng gia Studley, North Yorkshire, Anh
- Quần thể di tích tại Khajuraho, Madhya Pradesh, Ấn Độ
- Quần thể di tích tại Hampi, bang Karnataka, Ấn Độ
- Lâu đài Quseir Amra, Zarqa Jordan
- Thị trấn cổ Santiago de Compostela, A Coruña, Galicia, Tây Ban Nha
Tin đã đưa:- Nhà thờ Hòa Bình ở Jawor và Swidnica, Lower Silesia, Ba Lan
- Khu vực bến cảng Bryggen, Bergen, Nauy
- Lâu đài và Công viên Schönbrunn, Viên, Áo
- Di sản Weimar cổ điển, Thuringen, Đức
- Các công trình của trường Bauhaus tại Weimar, Dessau và Bernau, Đức
- Liên hợp khai thác, tuyển than và sản xuất than cốc Zollverein ở Essen, Đức
- Các ngôi nhà do KTS. Victor Horta thiết kế ở Bruxelles, Bỉ
- Di tích nhà máy sản xuất gang thép tại Engelsberg, Thụy Điển
- Stonehenge, Avebury và các di tích liên quan, Wiltshire, Anh
- Di tích nhà máy sản xuất gang thép Volklingen, Saarland, Đức
- Cảnh quan vùng mỏ Cornwall và West Devon, Anh
- Các nhà máy sợi, dệt ở thung lũng Derwent, Anh
- Cảnh quan công nghiệp ở Blaenavon, Torfaen, Wales, Vương quốc Anh
- Cung điện Changdeokgung, Hàn Quốc
- Các thị quốc Pyu, Myanmar
|