
Thông tin chung:
Công trình: Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling (Jelling Mounds, Runic Stones and Church)
Địa điểm: Vejle, Southern Denmark, Đan Mạch. N55 45 23 E9 25 12
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 12,7ha; diện tích vùng đệm 59,2ha
Năm thực hiện: Thế kỷ 10
Giá trị: Di sản thế giới (1994; sửa đổi ranh giới năm 2018, hạng mục iii)
Đan Mạch (Denmark) là ở Bắc Âu, bao gồm bán đảo Jutland và một quần đảo 443 hòn đảo được đặt tên, trong đó có các đảo lớn nhất là Zealand, Funen và North Jutlandic Island. Đan Mạch nằm về phía tây nam của Thụy Điển và phía nam của Na Uy; phía nam giáp với Đức.
Đan Mạch có diện tích là 42.924km2; tổng diện tích bao gồm cả lãnh thổ tự trị (đảo Greenland và quần đảo Faroe) là 2.210.579 km2; dân số 5,82 triệu người (tính đến năm 2020). Thủ đô và thành phố lớn nhất là Copenhagen.
Lịch sử của Đan Mạch như một vương quốc thống nhất bắt đầu vào thế kỷ thứ 8, Thời đại Viking; là một quốc gia biển thành thạo trong cuộc đấu tranh giành quyền kiểm soát vùng biển Baltic.
Đan Mạch cùng với Thụy Điển và Na Uy thành lập Liên minh Kalmar (Kalmar Union), dưới một vị vua duy nhất, vào năm 1397 và kết thúc bằng sự ly khai của Thụy Điển vào năm 1523.
Liên minh Đan Mạch và Na Uy vẫn nằm dưới cùng một vương quốc cho đến năm 1814.
Sau cuộc chiến tranh Napoléon (1803–1815), Na Uy được nhượng cho Thụy Điển, trong khi Đan Mạch giữ quần đảo Faroe, Greenland và Iceland.
Trong những năm tiếp theo, Đan Mạch lúc thì bị thu nhỏ, lúc lại được mở rộng gắn với những cuộc chiến tranh giành lãnh thổ của các quốc gia trong vùng.
Ngày nay, Vương quốc Đan Mạch, không kể lãnh thổ tự trị, được chia thành 5 khu vực hành chính. Các khu vực này được chia nhỏ thành 98 đô thị.
Giống như các nước Bắc Âu khác, Đan Mạch áp dụng Mô hình Bắc Âu (Nordic Model), là sự kết hợp giữa Nền kinh tế thị trường tự do (Free-market Economy), Nhà nước phúc lợi toàn diện (Welfare State; cơ hội bình đẳng; phân phối công bằng; trách nhiệm minh bạch và giải trình) và Bảo vệ quyền của người lao động (Labor Rights; liên quan đến quan hệ giữa người lao động và sử dụng lao động).

Bản đồ Đan Mạch và vị trí của thành phố Vejle, phia băc của khu Southern Denmark
Vejle là một thành phố ở Đan Mạch, nằm tại khu Southern Denmark, phía đông nam của Bán đảo Jutland ở đầu vịnh Vejle, nơi sông Vejle và sông Grejs hội tụ.
Thành phố Vejle có nhiều di tích lịch sử, trong đó có Cố đô Jelling của hoàng gia Thời đại Viking.
Thời đại Viking (Viking Age, tồn tại năm 793- 1066) là thời kỳ kéo dài suốt thời Trung Cổ (Middle Ages, từ thế kỷ thứ 5- cuối thế kỷ 15). Thời bấy giờ, người Norsemen (người Bắc Âu), còn gọi là người Viking, đã tiến hành đánh chiếm đất đai, thuộc địa hóa, và kinh doanh trên khắp Châu Âu và Bắc Mỹ.
Di chuyển bằng đường biển từ quê hương của họ ở Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển, người Bắc Âu định cư ở quần đảo Anh, Ireland, quần đảo Faroe, Iceland, Greenland, Normandy, bờ biển Baltic và dọc theo các tuyến đường thương mại Dnepr và Volga ở Đông Âu. Họ cũng trở thành những người châu Âu đầu tiên đến Bắc Mỹ. Người Viking đã thành lập một số vương quốc và tiểu vương quốc ở Bắc Âu.
Có nhiều nguyên nhân giải thích việc mở rộng không gian sinh tồn của người Viking hay người Bắc Âu: Thu hút bởi các thị trấn, tu viện giàu có ở nước ngoài; Rời bỏ quê hương bởi dân số quá đông, thiếu đất canh tác tốt; Tránh sự bành trướng hung hãn của Đế chế Carolingian (Carolingian Empire, tồn tại năm 800- 880 tại miền tây và miền trung Châu Âu); Xung đột về tôn giáo, liên quan đến việc phải cải đạo bản địa sang Cơ đốc giáo; Những cải tiến về thuyền buồm đã cho phép người Viking đi xa hơn và lâu hơn…
Cố đô Jelling được xây dựng trong Thời đại Viking, dưới triều vua Gorm (Gorm the Old, trị vì Đan Mạch từ năm 936 – 958) và con trai của ông là Harald Bluetooth (vua Đan Mạch và Na Uy, trị vì năm 958 - 986). Hiện Cố đô Jelling vẫn còn lưu giữ được một số di tích quan trọng, tạo thành một quần thể.
Quần thể Jelling gồm 3 cụm di tích: Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ.
Gò mộ vua Gorm và hoàng hậu Thyra, bao gồm 2 gò mộ đất, gần như giống hệt nhau về hình dạng, kích thước,
và cấu trúc.
Bia đá gồm 2 tấm bia như một đài tưởng niệm, được vua Harald Bluetooth dựng để tưởng nhớ vua cha Gorm và mẹ ông, hoàng hậu Thyra; ghi lại sự kiện hợp nhất Đan Mạch và Na Uy; quá trình chuyển đạo của người Đan Mạch sang Cơ đốc giáo từ năm 953- 965.
Nhà thờ Cơ đốc giáo có quy mô nhỏ, xây dựng bằng gỗ và đá vôi, nằm trên địa điểm của của ít nhất ba nhà thờ bằng gỗ trước đó đã bị hỏa hoạn thiêu trụi.
Các cuộc khai quật vào năm 2006 đã phát lộ bằng chứng về một hàng rào tráng lệ bao quanh Quần thể di tích và các bộ phận của một con tàu không rõ kích thước.
Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling là những biểu hiện nổi bật của một sự kiện có tầm quan trọng đặc biệt: Thời điểm chuyển tiếp giữa tín ngưỡng ngoại giáo sang Cơ đốc giáo gắn với sự xuất hiện tấm bia ghi lại sự kiện và một nhà thờ đại diện cho sự thống trị của Cơ đốc giáo.
Quần thể di tích Jelling là đặc biệt tại vùng Scandinavia (gồm 3 vương quốc Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển) và của châu Âu.
Di sản Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Southern Denmark, Đan Mạch được UNSCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1994; sửa đổi ranh giới năm 2018) với tiêu chí:
Tiêu chí (iii): Quần thể di tích Jelling, đặc biệt là các gò mộ của người ngoại giáo và hai bia đá khắc chữ kiểu Runic, là những bằng chứng nổi bật của văn hóa Bắc Âu trước thời kỳ Cơ đốc giáo.

Phạm vi Di sản và vùng đệm, Di sản Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Phạm vi Di sản Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch
Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling nằm trong một khuôn viên cây xanh tại thị trấn Jelling, thành phố Vejle, Đan Mạch. Quần thể di tích là minh chứng cho sự tồn tại của hoàng gia trong triều đại vua Gorm và con trai của ông là vua Harald Bluetooth vào thế kỷ 10.
Quần thể di tích được coi như một tượng đài đánh dấu sự hòa nhập giữa Kito giáo với văn hóa bản địa Đan Mạch và Na Uy. Điều này thể hiện cụ thể qua việc tại Khu vực gò mộ của hoàng gia (chôn cất theo tôn giáo bản địa) xuất hiện một nhà thờ Công giáo (đầu tiên tại Jelling) và đặt hai tấm bia đá để ghi lại sự kiện đặc biệt này.

Sơ đồ mặt bằng vị trí 2 Gò mộ, 2 Bia đá và Nhà thờ Jelling, tại Vejle, Đan Mạch




Phối cảnh Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch
Gò mộ Jelling
Gò mộ Jelling (Jelling Mounds) bao gồm 2 gò, Gò mộ phía bắc và Gò mộ phía nam.
Gò mộ phía bắc
Gò mộ phía bắc (Mound Thyra) là mộ của hoàng hậu Thyra, vợ vua Gorm, mẹ của vua Harald Bluetooth. Mound Thyra có đường kính rộng khoảng 70m, cao đến 11m, được đắp bằng cỏ, đá và đất sét lên trên một gò đất cũ từ Thời Đồ đồng. Các mảng cỏ, đất sét, đá được xếp chồng lên nhau cẩn thận và đều theo từng lớp với mặt cỏ hướng xuống dưới.
Bên trong Gò mộ có một phòng chôn cất, dài 6,75m, rộng 2,6m và cao 1,45m với diện tích khoảng 17,5m2.
Bao quanh phòng mộ là lớp gỗ sồi dày 35cm và lớp đá cuội bao kín để ngăn kẻ cướp mộ.
Gò mộ phía nam
Gò mộ phía nam (Mound Gorm) là mộ của vua Gorm, có kích thước như Gò mộ phía bắc.
Hai gò mộ đã bị đột nhập và lấy đi các đồ vật bên trong.

Gò mộ phía bắc - Mound Thyra, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Gò mộ phía nam - Mound Gorm, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Tranh miêu tả bên trong Gò mộ, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch
Bia đá Jelling
Bia đá Jelling (Jelling Stones) gồm hai bia, một bia lớn dạng 4 mặt và một bia nhỏ dẹt 2 mặt.
Hai bia đá nằm bên cạch mặt nam của nhà thờ Jelling.
Bia đá lớn nằm chính xác giữa đường thẳng nối hai Gò mộ.
Trên 2 tấm bia lkhắc các dòng chữ kiểu Runic (loại chữ cái của ngôn ngữ Đức trước khi có bảng chữ cái Latinh) có nội dung thể hiện vua Harald Bluetooth ghi nhớ công lao của vua cha Gorm và mẹ là hoàng hậu Thyra, những người đã góp phần truyền bá đạo Ki tô giáo vào Đan Mạch và Na Uy.
Tấm bia lớn còn khắc các hình vẽ mô tả Chúa Kito đứng trong hình dạng một cây thánh giá, biểu tượng cho việc thay thế các thần thánh bản địa của vùng Bắc Âu.
Bia đá Jelling đánh dấu sự khởi đầu của việc chuyển đổi tôn giáo, khẳng định niềm tin Kito giáo chiếm ứu thế tại khu vực Scandinavia và phần còn lại của châu Âu.

2 Bia đá Jelling, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch


Trang trí trên Bia lớn 4 mặt: Hình tượng Chúa Kito trong hình dạng cây thánh giá, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch


Trang trí trên một mặt khác của Bia đá 4 mặt, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch


Hai bên của Bia đá nhỏ 2 mặt với các dòng chữ kiểu Rune, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Hai bia đá hiện được bảo vệ trong lồng kính, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch
Nhà thờ Jelling
Nhà thờ Jelling (Jelling Church) cũng nằm trên trục không gian nối hai Gò mộ. Đây là dạng nhà thờ bằng gỗ phổ biến tại khu vực Scandinavia.
Nhà thờ hiện nay được xây dựng vào năm 1100, có thể là nhà thờ thứ tư đã xây dựng tại đây, sau khi ba nhà thờ trước bị hỏa hoạn.
Nhà thờ đầu tiên có kích thước 14m x 30m, có phần lớn hơn so với nhà thờ hiện tại.
Tường nhà thờ được xây dựng bằng đá vôi, là một loại vật liệu địa phương.
Công trình bao gồm một Thánh điện, Chính điện và một Tháp chuông phía tây, được xây dựng bổ sung vào đầu thế kỷ 15. Trên tường có bức họa Ki tô giáo, niên đại vào năm 1100, là bức họa dạng này đầu tiên tại Đan Mạch.
Một phần của Nhà thờ bị hỏa hoạn vào năm 1679 và sau đó đã được xây dựng lại.

Nhà thờ Jelling và hai Bia đá tại mặt nam của nhà thờ, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Nội thất gian Thánh điện với các bức tranh tường Kito giáo, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch

Nội thất gian Chính điện, Quần thể Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Đan Mạch
Di sản Gò mộ, Bia đá và Nhà thờ Jelling tại Vejle, Southern Denmark, Đan Mạch thể hiện sự hòa nhập giữa tôn giáo du nhập (Kito giáo) và tôn giáo bản địa, như là một ví dụ nổi bật của sự chuyển đổi văn hóa tại khu vực Bắc Âu thời bấy giờ.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/697
https://en.wikipedia.org/wiki/Denmark
https://en.wikipedia.org/wiki/History_of_Denmark
https://en.wikipedia.org/wiki/Vejle
https://en.wikipedia.org/wiki/Viking_Age
https://en.wikipedia.org/wiki/Norsemen
https://en.wikipedia.org/wiki/Gorm_the_Old
https://en.wikipedia.org/wiki/Harald_Bluetooth
https://en.wikipedia.org/wiki/Jelling_stones
http://www.worldheritagesite.org/sites/jellingmounds.html
http://www.fortidensjelling.dk/jellinge6.htm
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|