Thông tin chung:
Công trình: Cung điện và Công viên Fontainebleau (Palace and Park of Fontainebleau)
Địa điểm: tỉnh Seine-et-Marne, vùng Ile-de-France, Pháp (N48 24 7 E2 41 53)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích khu vực Di sản 144ha
Năm hình thành: Từ thế kỷ 12
Giá trị: Di sản thế giới (1981; hạng mục ii, vi)
Pháp (France) là một quốc gia có lãnh thổ chính nằm tại Tây Âu cùng một số vùng và lãnh thổ hải ngoại.
Pháp có tổng diện tích 643.801 km2, dân số gần 67,3 triệu người (năm 2018), thủ đô là thành phố Paris.
Trong thời đại đồ sắt (Iron Age), bắt đầu vào thế kỷ 12 trước Công nguyên (TCN), nước Pháp (không kể phần lãnh thổ hải ngoại) là nơi cư trú của bộ tộc người Gaulois thuộc Celt, là nhóm các bộ tộc đa dạng ở châu Âu.
Người La Mã (Roma) thống trị khu vực từ năm 51 TCN đến năm 476 sau Công nguyên. Từ năm 476, người Frank thuộc nhóm bộ tộc Germain, sống tại hạ lưu và trung lưu sông Rhine đã chinh phục vùng đất, thành lập Vương quốc Pháp (Kingdom of Francia).
Pháp nổi lên thành một đế chế hùng mạnh tại châu Âu vào cuối thời Trung Cổ, thế kỷ 14 và 15. Việc giành thắng lợi trong cuộc Chiến tranh Trăm năm (1337-1453, giữa Anh và Pháp) giúp Pháp củng cố quốc gia và tập trung hóa chính trị.
Trong thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 15 đến 17) văn hóa Pháp phát triển mạnh mẽ và nước Pháp dần trở thành một trong những đế quốc thực dân toàn cầu (Grande France).
Dưới thời vua Louis 14 (trị vì 1643 – 1715, còn gọi là Vua Mặt trời) Pháp trở thành thế lực chi phối văn hoá, chính trị và quân sự tại châu Âu.
Đến cuối thế kỷ 18, Cách mạng Pháp lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên một trong các nền cộng hoà sớm nhất trong lịch sử hiện đại. Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền, nền tảng của cuộc Cách mạng và biểu thị ý thức hệ của nước Pháp thời bấy giờ vẫn tiếp tục là đức tin mãnh liệt cho đến ngày nay.
Trong thế kỷ 19, hoàng đế Napoléon Bonaparte (trị vì năm 1804- 1814) lập ra Đệ Nhất Đế chế Pháp (First French Empire) và tiến hành các cuộc chiến tranh tại châu Âu. Sau khi Đế chế Pháp sụp đổ, Pháp trải qua giai đoạn các chính phủ kế tiếp nhau với đỉnh cao là thành lập Đệ Tam Cộng hòa Pháp (French Third Republic) vào năm 1870. Trong thế kỷ 19 – đầu thế kỷ 20, Pháp đã trở thành đế quốc thực dân lớn thứ 2 thế giới sau đế quốc Anh.
Nước Pháp là một bên tham chiến chính trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, và giành được phần thắng. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp thuộc khối Đồng Minh, bị phe Trục (Đức, Ý, Nhật) chiếm đóng vào năm 1940 và được giải phóng vào năm 1944. Đệ Tứ Cộng hòa Pháp (French Fourth Republic) được thành lập năm 1946, song sau đó bị giải thể trong chiến tranh Algérie.vào năm 1958. Nền Đệ Ngũ cộng hoà (Fifth Republic) dưới quyền của Tổng thống Charles de Gaulle (nhiệm kỳ năm 1959 – 1969) được thành lập vào năm 1958 và tồn tại cho đến ngày nay.
Hiện tại, Pháp được phân thành thành 18 vùng hành chính, gồm 13 vùng tại chính quốc và 5 vùng hải ngoại. Mỗi vùng chia thành 2 đến 18 tỉnh. Mỗi vùng hải ngoại tương đương 1 tỉnh.
Pháp thuộc nhóm Quốc gia phát triển và từ lâu đã có vị thế là một trung tâm của thế giới về nghệ thuật, khoa học và triết học, có số Di sản thế giới nhiều thứ 3 tại châu Âu (số liệu đến năm 2019: Ý 55 Di sản; Tây Ban Nha 48, Đức 46, Pháp 45). .
Bản đồ nước Pháp và vị trí vùng vùng thủ đô Ile-de-France gắn với thành phố Paris
Cung điện và Công viên Fontainebleau nằm ở trung tâm của một khu rừng rộng lớn thuộc tỉnh Seine-et-Marne, vùng thủ đô Ile-de-France, về phía đông của thủ đô Paris.
Cung điện và Công viên bắt đầu được xây dựng vào năm 1137, sau đó được mở rộng thêm dưới triều vua Saint Louis (trị vì năm 1226 - 1270); được các vị vua Pháp sử dụng làm nơi nghỉ săn bắn từ thế kỷ 12.
Cung điện thời Trung cổ này đã được chuyển đổi, mở rộng và tôn tạo trở thành một Lâu đài Phục hưng vào thế kỷ 16 bởi Vua Francis I (trị vì năm 1515- 1547), người muốn biến quần thể trở thành một "New Rome”.
Bao quanh bởi một công viên rộng lớn, Cung điện Fontainebleau được các nghệ sĩ nổi tiếng đến từ Ý đóng góp thực hiện, trên cơ sở kết hợp nghệ thuật thời Phục hưng và truyền thống Pháp.
Nhu cầu mở rộng và trang hoàng Cung điện rộng lớn này đã tạo điều kiện cho việc xuất hiện một trung tâm nghệ thuật thực sự.
Việc xây dựng Cung điện bắt đầu vào năm 1528. Những sửa đổi được thực hiện sau đó bởi những người kế vị của Vua François I với quy mô khác nhau cho đến thế kỷ 19, đã để lại dấu ấn về mặt vật lý của một quần thể bao gồm 5 quảng trường, có bố cục không theo quy tắc và các tòa nhà với các khu vườn.
Trong thời gian nổ ra Cách mạng Pháp (năm 1789–1799), toàn bộ đồ đạc của Cung điện Fontainebleau bị mang đi bán đấu giá, lâu đài trở thành trại lính và sau đó là nhà tù.
Năm 1804, Hoàng đế Napoléon (trị vì năm 1804 – 1814) đã khôi phục lại vị thế của Cung điện Fontainebleau với việc trang bị lại đồ đạc, thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc hoặc diễn kịch và tiến hành các công việc cai trị nước Pháp từ lâu đài.
Trong chiến tranh Pháp – Phổ (năm 1870 – 1871), Cung điện bị quân Phổ (Đức) chiếm giữ. Lâu đài lại trở thành trại lính.
Năm 1923, sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, một phần Lâu đài trở thành trường nghệ thuật và âm nhạc Ecoles d'Art Américaines, hiện vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1927 Lâu đài trở thành bảo tàng quốc gia.
Trong chiến tranh thế giới thứ 2, Lâu đài bị người Đức chiếm. Sau chiến tranh, một phần của Lâu đài trở thành trụ sở của NATO cho đến năm 1966.
Năm 1946 tại Lâu đài này đã diễn ra Hội nghị Fontainebleau bàn về hòa bình cho Đông Dương giữa Chính phủ Pháp và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Sự phục hồi của Lâu đài diễn ra vào năm 1964-1968 dưới thời Tổng thống Charles DeGaulle.
Năm 1528 – 1540, dưới sự chỉ đạo của Gilles Le Breton (kiến trúc sư và thợ xây dựng người Pháp, ? – 1553) và cũng là kiến trúc sư (KTS) của các công trình xung quanh Quảng trường Cour Ovale (hình bầu dục hay oval). Tại đây, tòa nhà đầu tiên theo phong cách Phục hưng được xây dựng.
Từ năm 1533 - 1540, Rosso Fiorentino (họa sĩ người Ý, năm 1494- 1540, theo trường phái Mannerist – Hậu Phục hưng) đã thực hiện việc trang trí bằng sơn và vữa trong Phòng Thư viện François I (Gallery of Francis I), tạo được một hệ thống các biểu tượng đầy tham vọng, minh họa chế độ quân chủ thông qua truyện ngụ ngôn và thần thoại Hy Lạp-La Mã.
Francesco Primaticcio (họa sĩ, KTS và nhà điêu khắc người Ý, năm 1504 – 1570, theo trường phái Mannerist) là người đã đúc những sản phẩm đồ đồng trang trí nổi tiếng nhất thời La Mã cổ đại. Ông đã dâng hiến giai đoạn hiệu quả nhất trong sự nghiệp của mình cho Cung điện Fontainebleau, khi tiến hành trang trí các bức bích họa tại Phòng khiêu vũ (Salle de Bal), Phòng của Nữ công tước xứ Etampes (Duchesse d'Etampes), Thư viện Ulysse (Galerie d'Ulysse). Rất ít căn phòng mà ông trang trí còn sót lại, nhưng những sáng tạo của ông được ghi nhớ nhờ những bức vẽ và chạm khắc có ảnh hưởng đáng kể đến thời đại của ông.
Cung điện Fontainebleau còn được thiết kế bởi các nghệ sĩ khác, như: Bức tượng Hercules của Michelangelo (nhà điêu khắc, họa sĩ, KTS, nhà thơ người Ý, năm 1475- 1564) được đặt trên một chiếc cột tại đài phun nước tại Quảng trường Cour de la Fontaine; Benvenuto Cellini (nhà điêu khắc, thợ kim hoàn, nhạc sĩ, năm 1500 – 1571) đã tạo ra tượng nữ thần Nymphe (Nymphe of Fontainebleau) cho Tòa nhà Porte Dorée; Sebastiano Serlio (KTS người Ý, năm 1475- 1554, theo trường phái Mannerist) đã quy hoạch các phần khác nhau của Cung điện và hình thành lối vào Đài phun nước Fontaine Belle-Eau với hang động mộc mạc và các các cột có hình tượng nam thần (Telamon).
Thông qua sự tiếp xúc với KTS, họa sĩ và nhà điêu khắc đến từ Ý, các nghệ sĩ Pháp đã tiếp thu các triết lý sáng tạo mới để thay đổi các hành động của họ.
Mặc dù một số nhà nghệ sĩ như Gilles Le Breton (KTS người Pháp) dường như không bị ảnh hưởng của người Ý ngay từ đầu, song Cung điện Fontainebleau đã mở ra cơ hội học hành cho Philibert de l'Orme (KTS, người Pháp, năm 1514- 1570, một trong những bậc thầy lớn của kiến trúc Phục hưng Pháp và sau đó là cho Androuet de Cerceau (KTS người Pháp, năm 1585- 1650).
Thành tựu của các họa sĩ Ý đã truyền cảm hứng cho một thế hệ họa sĩ khác, những họa sĩ thuộc trường phái thứ hai của Cung điện Fontainebleau như Toussaint Dubreuilh (họa sĩ người Pháp, năm 1561- 1602), Ambroise Dubois (họa sĩ người Pháp, năm 1542- 1614/15) và Martin Fréminet (họa sĩ người Pháp, năm 1567- 1619).
Cung điện và Công viên Fontainebleau, tỉnh Seine-et-Marne, vùng Ile-de-France, Pháp được UNESCO công nhận là Di sản thế giới (năm 1981) với tiêu chí:
Tiêu chí (ii) : Kiến trúc và trang trí của Cung điện Fontainebleau ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của nghệ thuật ở Pháp và châu Âu. Tại đây, các nghệ sĩ Ý, được nhà vua, các họa sĩ, nhà điêu khắc và kiến trúc sư mời gọi, đã tạo ra những sáng tạo quý giá và uy tín nhất, định hướng một cách dứt khoát và lâu dài cho nghệ thuật Phục hưng của Pháp.
Tiêu chí (vi) : Cung điện và Công viên Fontainebleau, nơi ở chính của hoàng gia trong bốn thế kỷ, gắn liền với các sự kiện quan trọng đặc biệt trong lịch sử Pháp, như việc vua Louis XIV (trị vì năm 1643- 1715, trong giai đoạn này, nước Pháp là biểu tượng của thời đại chuyên chế ở châu Âu) bãi bỏ Sắc lệnh Nantes (Edict of Nantes, là sắc lệnh liên quan đến tôn trọng quyền công dân, thúc đẩy đoàn kết) vào năm 1685 và sự thoái vị của Hoàng đế Napoléon I vào năm 1814.
Sơ đồ phạm vi Di sản Cung điện và Công viên Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Mặt bằng tổng thể Di sản Cung điện và Công viên Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Tổng thể khu vực Di sản có diện tích khoảng 144ha gồm: Cung điện Fontainebleau và Công viên Fontainebleau
Cung điện Fontainebleau
Cung điện Fontainebleau (Palace of Fontainebleau) nằm tại phía tây bắc Khu vực Di sản.
Cung điện đã tồn tại từ thế kỷ 12.
Đến thời Vua François I (trị vì 1515 - 1547) Cung điện được tân trang theo kiến trúc Phục Hưng và dùng mô típ này làm gốc. Để xây dựng lâu đài mới, hầu như toàn bộ phần công trình cũ được vua François I ra lệnh phá đi chỉ trừ các vọng lâu (Donjon, hiện là một phần trong khu vực sân trong phía nam Quảng trường Cour Ovale).
Vào năm 1528 -1539, Thư viện Francis I được xây dựng và trang trí bằng các bức tranh tường tôn vinh các nhà vua. Đây được coi là bộ sưu tập đầu tiên về nghệ thuật trang trí theo phong cách Phục hưng tại Pháp.
Lâu đài Fontainebleau được tiếp tục hoàn thiện và mở rộng dưới thời Vua Henri II (trị vì năm 1547 - 1559), con trai Vua François I.
Vào thời kỳ Vua Henry IV (trị vì năm 1589-1610), Cung điện được mở rộng và hoàn thiện nhiều nhất kể từ sau thời Vua François I. Ngoài việc trang trí, hoàn thiện lại các ngôi nhà, Vua mở rộng thêm cụm công trình mới xung quanh khu vực Quảng trường Cour des Offices. Trong những năm này, hệ thống công viên xung quanh Quần thể Cung điện được hoàn thiện và bổ sung nhiều công trình kiến trúc nhỏ, như Đài phun nước Fontaine de Diane, hệ thống tượng đài, xây dựng kênh đào dài 1200m.
Trong thời gian 1737 – 1738, Vua Louis XV (trị vì năm 1715 - 1774) đã cho xây dựng cụm công trình bao quanh một sân trong mang tên Cour des Princes tại phía bắc của Quần thể Cung điện và thay đổi, bổ sung một số hạng mục công trình như Pavilion Gros, một nhà hát nhỏ tại tầng 1 tòa nhà Aile de là Belle Cheminee;
Vào thời Vua Louis XVI (trị vì năm 1774- 1792), Quần thể Cung điện cũng được bổ sung thêm một số công trình đáp ứng chỗ làm việc cho các vị đại thần.
Sơ đồ Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Cung điện Fontainebleau (Palace of Fontainebleau) rộng 15 ha với diện tích xây dựng 5ha, là một quần thể của các cụm công trình với khoảng 1500 phòng, bố cục bao quanh 5 quảng trường, sân trong và hệ thống vườn.
Hệ thống quảng trường và sân trong của Cung điện Fontainebleau
Cung điện Fontainebleau có 5 quảng trường, sân trong:
Sơ đồ vị trí quảng trường, sân trong và một số hạng mục công trình chính trong Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Quảng trường Cour du Cheval Balanc
Quảng trường Cour du Cheval Balanc (Cour d'Honneur) nằm tại phía tây Cung điện Fontainebleau, được công trình bao quanh 3 phía, phía còn lại là lối vào chính của Lâu đài.
- Mặt đông của Quảng trường, đối diện với một cầu thang hình móng ngựa (Escalier du Fer a Cheval, hình vẽ ký hiệu 1), là lối vào chính là tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape (hình vẽ ký hiệu 2).
- Mặt nam của Quảng trường là Tòa nhà Aile Louis XV.
- Mặt bắc của Quảng trường là Tòa nhà Aile des Ministres và tòa nhà Jeu de Paume (hình vẽ ký hiệu 6).- Mặt tây của Quảng trường, trước kia là một thành lũy với các tháp canh, ngày nay chỉ còn là một hàng rào sắt mang tên Grille de Napoleon I và cổng bảo vệ; qua bên kia hàng rào là quảng trường mang tên Place du General de Gaulle.
Giữa Quảng trường Cour du Cheval Balanc là 4 ô thảm cỏ lớn.
Quảng trường Cour du Cheval Balanc, phía tây, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Quảng trường Cour de la Phontaine
Quảng trường Cour de la Phontaine nằm tại phía nam Cung điện Fontainebleau, được bao quanh 3 phía:
- Mặt bắc của quảng trường đối diện với lối vào chính là tòa nhà Galerie Francois (hình vẽ ký hiệu 3);
- Mặt tây của quảng trường là một phần của tòa nhà tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape (hình vẽ ký hiệu 2) và Tháp Gros Pavillon;
- Mặt đông của quảng trường là tòa nhà Aile de là Belle Cheminee (hình vẽ ký hiệu 4);
- Mặt nam của quảng trường là hàng rào và cổng gắn với hồ nước Etang des Carpes; Giữa hồ nước là bức tượng thần Hercules của Michelangelo (nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, nhà thơ nổi tiếng người Ý, 1475- 1564).
Quảng trường Cour de la Phontaine, phía nam Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Quảng trường Cour des Offices
Quảng trường Cour des Offices nằm tại phía đông Cung điện Fontainebleau, được bao kín bởi các công trình tại 3 mặt. Mặt phía tây là hàng rào (Grille des Hermes) có cổng hướng vào sân trong Cour Ovale.
Quảng trường Cour des Office, phía đông Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Sân trong Cour Ovale
Sân trong Cour Ovale nằm tại phía nam Cung điện Fontainebleau, được bao kín cả 4 mặt, có hình dạng một phần của hình bầu dục (oval) tại phía tây, gồm:
- Mặt đông là bức tường với các tháp canh, là lối vào chính của cụm công trình;
- Mặt tây là tòa nhà cũ được xây dựng từ thời trung cổ tạo thành một cánh cung.
- Mặt nam là tòa nhà Salle de Bai (hình vẽ ký hiệu 5).
- Mặt bắc là tòa nhà Pavillon des Baptistere.
Đầu phía tây Sân trong Cour Ovale, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Đầu phía đông Sân trong Cour Ovale với Cổng Baptistere, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Sân trong Cour des Princes
Sân trong Cour des Princes, nằm tại phía bắc Cung điện Fontainebleau, kề liền Sân trong Cour Ovale. Sân có hình chữ nhật dài với các công trình bao kín bốn phía.
Sân trong Cour des Princes, phía bắc Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Khu căn hộ lớn Cung điện Fontainebleau
Khu căn hộ lớn (Grands Appartements) là các cụm công trình trung tâm của Cung điện Fontainebleau, gồm các tòa nhà:
Sơ đồ mặt bằng tầng 1 Khu vực Grands Appartements, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp;
Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape
Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape nằm tại mặt đông của Quảng trường Cour du Cheval Balanc, phía tây của Khu Grands Appartements. Tòa nhà bố cục theo hướng bắc – nam cao 3 tầng.
Giữa của Tòa nhà là cầu thang và tiền sảnh Escalier du Fer a Cheval rất nổi tiếng với hình dáng móng ngựa (Stair Horseshoe).
Cánh phía nam cùa Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape có Căn hộ mang tên Appartements des Reines Meres); Tại đây có Bảo tàng Napoleon 1 (Musee Napoleon 1) dành riêng cho Hoàng đế và gia đình của ông. Nơi đây trưng bày các bức chân dung (tranh và tác phẩm điêu khắc), đồ bạc, vũ khí, đồ trang trí, đồ gốm (dịch vụ của Hoàng đế), quần áo (quần áo đăng quang, đồng phục) và những kỷ niệm cá nhân.
Đầu của cánh phía nam có khối tháp góc Gros Pavillon đặc biệt nổi tiếng, trong đó có Căn hộ của Giáo hoàng và Thái hậu (Apartment of the Pope and of the Queen-Mothers). Căn hộ của Giáo hoàng là nơi Đức Pie VII ở trong thời gian tham dự lễ đăng quang của Hoàng đế Napoléon tại Paris vào năm 1804. Thân Tháp cao 3 tầng, song phần mái dốc của Tháp cao bằng chiều cao thân, tạo chiều cao vượt trội so với các tòa nhà khác trong Cung điện Fontainebleau.
Cánh phía bắc của Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape là Nhà nguyện Trinity (Trinity Chapel/ Chapelle de la Trinité), được xây dựng trong năm 1259, được tu bổ trong những năm tiếp theo. Năm 1633, ban thờ mới được thực hiện bởi nhà điêu khắc người Ý Francesco Bordoni (1580- 1654). Những bức tranh trang trí mới nhất thực hiện trong Nhà nguyện là những bức tranh hình bầu dục được tạo ra dưới thời vua Louis XVI (trị vì năm 1774- 1792).
Kề liền đầu cuối của cánh phía bắc là tòa nhà Jeu de Paume.
Cầu thang và tiền sảnh Escalier du Fer a Cheva của Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất phòng ngủ Căn hộ của Thái hậu, Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất Nhà nguyện Chapel de la Trinite, Tòa nhà Aile des Reines – Meres et du Pape, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Tòa Hành lang François I và Căn hộ của Hoàng đế
Tòa Hành lang François I (Gallery of Francis I) và Căn hộ của Hoàng đế (Appartement Interieur de l’impératrice) nằm tại mặt bắc của Quảng trường Cour de la Phontaine, trung tâm của Khu Grands Appartements.
Hành lang François I được xây dựng từ năm 1528 – 1530, dài 30m, rộng 6m, cao 2 tầng, như một cầu nối Tiền sảnh Escalier du Fer a Cheval tại phía tây và Căn hộ Royaux (Appartements Royaux) tại phía đông.
Tầng 1 của tòa nhà là một trung tâm nghi lễ lớn. Tại đây, vào năm 1530, các nghệ sĩ người Ý Rosso Fiorentino (năm 1494- 1540) và Primaticcio (1504 – 1570) đã trang trí nội thất của không gian này, để trở thành không gian đầu tiên và tiêu biểu nhất của trường phái Fontainebleau, thể hiện sự nổi tiếng của Vua François I trong việc tiếp thu nghệ thuật Ý.
Nội thất Tòa nhà Hành lang François I, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Căn hộ của Hoàng đế (Appartement Interieur de l’impératrice) nằm tại mặt bắc của Hành lang François I, được xây dựng bởi vua Louis XVI (trị vì năm 1774- 1792). Tại đây có:
Phòng Hoàng đế (Chambre de l’Empereur, hình vẽ ký hiệu A) là phòng ngủ của Hoàng đế Napoléon I đến Napoléon III;
Phòng nhỏ của Hoàng đế (Petite chambre à coucher de l’Empereur, hình vẽ ký hiệu B) là nơi Hoàng đế đặt một chiếc đi văng bằng sắt mạ vàng;
Phòng sự kiện lịch sử (Salon de l'Abdication, hình vẽ ký hiệu C), nơi Hoàng đế Napoléon I ký thoái vị vào 6/4/1814. Nội thất salon màu đỏ trong phòng vẫn được giữ nguyên kể từ sự kiện này.
Nội thất Phòng ngủ tại Căn hộ Hoàng đế, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Phòng sự kiện, nơi Hoàng đế Napoléon I ký thoái vị, Căn hộ Hoàng đế, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
.
Tòa nhà Aile de là Belle Cheminee
Tòa nhà Aile de là Belle Cheminee nằm tại mặt đông của Quảng trường Cour de la Phontaine.
Công trình cao 2 tầng, được xây dựng từ năm 1565- 1570.
Công trình được đánh dấu bởi cầu thang dốc lên từ hai phía. Mặt đứng có ngôn ngữ kiểu kiến trúc Phục Hưng.
Trên bức tường có các hốc trang trí và đặt các bức tượng đồng miêu tả các vị thần Hy Lạp – La Mã.
Mặt đứng Tòa nhà Aile de le belle cheminee, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất công trình Aile de le belle cheminee, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Tòa nhà Salle de Bai
Tòa nhà Salle de Bai nằm tại mặt nam của Sân trong Cour Ovale.
Công trình cao 2 tầng.
Gần chính giữa của Tòa nhà là tháp sảnh mang tên Chapelle St- Saturnin. Hai đầu của tòa nhà là hai khối tháp. Khối tháp tại phía tây có tên Pavillon des Doree, cao 3 tầng.
Tại góc cong của Sân trong Cour Ovale là Cầu thang vua (Escalier du Roi).
Tháp nhà nguyện Chapelle St Saturnin, Tòa nhà Salle de Bai, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất nhà nguyện Chapelle St Saturnin, Tòa nhà Salle de Bai, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Tòa nhà tại mặt bắc Sân trong Cour Ovale
Tòa nhà tại mặt bắc Sân trong Cour Ovale cao 2 tầng. Tương tự như các công trình khác trong Quần thể cung điện, công trình có 1 tháp sảnh tại chính giữa và hai tháp góc tại hai bên. Nối hai tháp góc tại phía tây của hai tòa mặt bắc và nam của Sân trong Cour Ovale là hàng rào với các tháp canh. Một số phòng điển hình tại đây gồm:
Căn hộ Hoàng gia (Appartements Royaux, hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại góc cong của Sân trong Cour Ovale.
Phòng Salon Louis XIII (hình vẽ ký hiệu 4);
Phòng Salon François 1 (hình vẽ ký hiệu 5);
Phòng Salon des Tapisseries (hình vẽ ký hiệu 6);
Phòng chờ yết kiến Nữ hoàng (Antechamber of the Empress, hình vẽ ký hiệu 7);
Phòng Trắng hay Phòng nhỏ của Nữ hoàng (Salon Blanc ou Petit salon de la Reine, hình vẽ ký hiệu 8);
Phòng lớn của Nữ hoàng (Grand Salon de l'Impératrice, hình vẽ ký hiệu 9);
Phòng ngủ của Nữ hoàng (Chambre de l'Impératrice, hình vẽ ký hiệu 10);
Phòng riêng của Nữ hoàng (Boudoir de la Reine, hình vẽ ký hiệu 11);
Phòng ngai vàng của Hoàng đế Napoléon (Throne Room of Napoleon, hình vẽ ký hiệu 12), là nơi vào năm 1808, Napoléon lắp đặt ngai vàng của mình trong phòng ngủ trước đây của các vị vua Pháp từ Henry IV (trị vì năm 1589- 1610) đến Louis XVI (trị vì năm 1774 đến 1792);
Phòng Hội đồng (Salle du Conseil, hình vẽ ký hieeuuj 13) được mở rộng thành hình vòng cung vào năm 1773).
Nội thất Phòng Ngai vàng, Căn hộ Hoàng gia, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất Phòng Hội đồng, Căn hộ Hoàng gia, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Công trình bao quanh Sân trong Cour des Princes
3 tòa nhà bao quanh Sân trong Cour des Princes được xây dựng bổ sung sau này. Các công trình cao 2 tầng, không có các tháp sảnh và tháp góc như các tòa nhà khác trong Quần thể Cung điện Fontainebleau.
Tòa phía đông có tên Quartier Henri IV.
Tòa phía tây có tên Aile de la galerie de Diane. Tại đây có một hành lang (Gallery of Diana) dài 80m, bên trong là các tủ sách, được vua Henry IV (trị vì năm 1589 – 1610) tạo ra vào đầu thế kỷ 17. Các bức tranh trên trần nhà hình vòm, được vẽ từ năm 1605 bởi Ambroise Dubois (họa sĩ người Pháp, gốc Bỉ, 1542- 1614/15) thể hiện những cảnh thần thoại liên quan về Diana, nữ thần săn bắn và sinh sản. Theo thời gian, nội thất của hành lang đã thay đổi. Năm 1861, một quả cầu lớn được đặt gần lối vào của phòng trưng bày.
Tòa nhà Aile de la galerie de Diane, Sân trong Cour des Princes, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Nội thất Tòa nhà Aile de la galerie de Diane, Sân trong Cour des Princes, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Các tòa nhà bao quanh Quảng trường Cour du Cheval Balanc
Hai tòa nhà bao quanh Quảng trường Cour du Cheval Balanc gồm: Tòa nhà Aile des Ministres và Tòa nhà Aile Louis XV.
Tòa nhà Aile des Ministres
Tòa nhà Aile des Ministres nằm tại mặt bắc của Quảng trường Cour du Cheval Balanc. Tòa nhà cao 1 tầng. Công trình có một tháp sảnh tại chính giữa và một tháp góc tại phía tây. Phía sau của tòa nhà là một số công trình tạo thành một quảng trường nhỏ (Cour des Mathurins), quay về hướng bắc.
Mặt trướcTòa nhà Aile des Ministres, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Tòa nhà Aile Louis XV;
Tòa nhà Aile Louis XV nằm tại mặt nam của Quảng trường Cour du Cheval Balanc. Tòa nhà cao 3 tầng. Công trình có một tháp sảnh tại chính giữa (Entree du Chateau) và hai tháp tại hai đầu. Nối tháp góc phía tây của Tòa nhà Aile des Ministres và Tòa nhà Aile Louis XV là hàng rào thép mang tên Grille de Napoleon I và cổng bảo vệ.
Mặt trước Tòa nhà Aile Louis XV, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Các tòa nhà bao quanh Quảng trường Cour des Offices
3 tòa nhà bao quanh Quảng trường Cour des Offices có hình dáng kiến trúc tương tự như nhau: Nhà cao 1 tầng. Mỗi tòa nhà đều có 3 tháp. Tháp sảnh chính giữa gồm 3 khối, khối chính cao 3 tầng, 2 khối bên cao 2 tầng; Hai tháp góc dạng một khối cao 2 tầng.
Nối hai tháp góc của Tòa nhà mặt bắc và Tòa nhà mặt nam của Quảng trường là hàng rào mang tên Grille des Hermes, có cổng hướng vào Sân trong Cour Ovale.
Mặt nam của Tòa nhà bao quanh Quảng trường Cour des Offices, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Hệ thống vườn của Cung điện Fontainebleau
Các công trình của Cung điện Fontainebleau được bao quanh bởi các khu vườn với 3 vườn chính:
Vườn Jardin Anglais
Vườn Jardin Anglais nằm tại phía nam của Quần thể Cung điện Fontainebleau, được giới hạn bởi Cung điện Fontainebleau tại phía bắc, đường Boulevard Magenta tại phía tây, Boulevard du Marechal Juin tại phía nam.
Trong Vườn có một hồ nước lớn mang tên Etang des Carpes. Giữa hồ có một nhà nghỉ mang tên Le Pavillion de Etang.
Vườn Jardin Anglais, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Hồ nước Etang des Carpes, Vườn Jardin Anglais, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Vườn Jardin de Diane
Vườn Jardin de Diane nằm tại phía bắc của Quần thể Cung điện Fontainebleau. Trong vườn có một bể phun nước có tên Fontaine de Diane.
Vòi phun nước Fontaine de Diane trong Vườn Jardin Anglais, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Vườn Grand Parterre
Vườn Grand Parterre nằm tại phía đông nam của Quần thể Cung điện Fontainebleau. Vườn có bố cục hình học với 4 ô vườn, trung tâm là một hồ nước. Đầu phía nam của Vườn có một hồ nước hình trong mang tên Le Romulus.
Phối cảnh tổng thể Vườn Grand Parterre với 4 ô vườn bố cục hình học, nằm tại phía đông nam của Quần thể Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Hồ nước tròn Le Romulus, tại Vườn Grand Parterre, Cung điện Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Công viên Fontainebleau
Công viên Fontainebleau (Park of Fontainebleau) nằm tại phía đông bắc Khu vực Di sản.
Công viên rộng gần 80 ha được tạo ra dưới thời Henri IV (trị vì năm 1589- 1610).
Công viên chia thành 3 phần chính:
Tuyến kênh
Tuyến kênh (Canal) chạy theo hướng chếch đông – tây, trùng với trục trung tâm của Vườn Grand Parterre. Kênh dài 1,2km, được xây dựng vào năm 1606- 1609.
Vườn phía nam tuyến kênh
Vườn phía nam tuyến kênh chia thành 4 ô vườn, có bố cục hình học;
Vườn phía bắc tuyến kênh
Vườn phía bắc tuyến kênh chia thành 2 khu vườn, chạy dọc theo tuyến đường Allee de Avon.
Khu vườn hẹp chạy dọc phía nam tuyến đường Allee de Avon, sát Kênh. Khu vườn chỉ bố cục đường dạo theo kiểu hình học tại đầu phía tây.
Khu vườn phía bắc tuyến đường Allee de Avon có quy mô rộng, bố cục của vườn kết hợp giữa kiểu hình học và kiểu tự do.
Tuyến kênh tại Công viên Fontainebleau, Seine-et-Marne, Pháp
Lâu đài Fontainebleau, Pháp là một công trình kiến trúc vô cùng đẹp đẽ, tập hợp các phong cách văn hóa, kiến trúc thời Trung cổ, Phục hưng và Tân cổ điển, là sự giao thoa giữa nghệ thuật Ý và nghệ thuật truyền thống của Pháp về cả hình thức kiến trúc và nội thất. Đây cũng là nơi lưu giữ bộ sưu tập độc đáo các bức tranh, tác phẩm điêu khắc và trang trí nghệ thuật của châu Âu thế kỷ 19. Công trình là nơi lưu giữ dấu ấn của nhiều triều đại và hoàng đế nước Pháp.
Hàng năm công trình thu hút khoảng 13 triệu du khách.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
http://whc.unesco.org/en/list/160
https://en.wikipedia.org/wiki/France
https://en.wikipedia.org/wiki/Seine-et-Marne
https://fr.wikipedia.org/wiki/Château_de_Fontainebleau
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_of_Fontainebleau
https://en.wikipedia.org/wiki/French_Renaissance_architecture
http://didiertougard.blogspot.com/2015/10/tourisme-en-ile-de-france-le-chateau-de.html
Xem video giới thiệu công trình tại đây
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|