Tuần -19 - Ngày 19/03/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga
02/01/2023
 

Thông tin chung:
Công trình: Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga (Historic Centre of Saint Petersburg and Related Groups of Monuments)
Địa điểm: Saint Petersburg, Nga (N59 57 0 E30 19 5.988)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 3.934,1 ha
Năm hoàn thành: 
Giá trị: Di sản thế giới (1990; Sửa đổi danh giới nhỏ năm 2013; hạng mục i, ii, iv, vi) 

Nga (Russia) là một quốc gia xuyên lục địa nằm ở Đông Âu và Bắc Á; kéo dài từ Biển Baltic ở phía tây đến Thái Bình Dương ở phía đông, từ Bắc Băng Dương ở phía bắc đến Biển Đen và Biển Caspi ở phía nam. 
Nga có diện tích hơn 17.125.200 km2, trải rộng hơn 1/8 diện tích Trái đất, 11 múi giờ và giáp với 16 quốc gia có chủ quyền. Dân số 146,748 triệu người (năm 2020).
Moscow là thủ đô và thành phố lớn nhất của đất nước. 
Lịch sử của nước Nga bắt đầu từ lịch sử của người Đông Slav (East Slavs). Đây là cư dân chính của nhà nước Liên bang Kievan Rus thời Trung cổ (tồn tại năm 879–1240, trên vùng đất của NgaBelarus và Ukraine ngày nay).
Năm 988, Nhà nước Liên bang Kievan Rus tiếp nhận Cơ đốc giáo Chính thống từ Đế chế Byzantine (Đế chế Đông La Mã/ Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Từ đây, sự tích hợp của nền văn hóa Slav và Byzantine đã hình thành nền văn hóa Nga tiếp theo.
Liên bang Kievan Rus tan rã thành một số quốc gia nhỏ hơn, cho đến khi được Đại công quốc Moscow (Grand Duchy of Moscow, tồn tại năm 1283 - 1547) thống nhất vào thế kỷ 15.
Đến thế kỷ 18, quốc gia này đã mở rộng lãnh thổ thông qua các cuộc chinh phục, thôn tính và khai phá để trở thành Đế quốc Nga (Russian Empire, tồn tại năm 1721–1917), một trong những cường quốc lớn của châu Âu.
Sau Cách mạng Nga năm 1917, nước Nga trở thành bộ phận lớn nhất và hàng đầu của Liên bang Xô viết.
Năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Nga tái lập lại thành Liên bang Nga (Russian Federation).
Ngày nay, về mặt hành chính, Nga được chia thành 85 vùng bang. 

Saint Petersburg, trước đây gọi là Petrograd (1914–1924), Leningrad (1924–1991), là thành phố lớn thứ hai ở Nga. Thành phố nằm trên sông Neva (Neva River), ở đầu Vịnh Phần Lan (Gulf of Finland) trên Biển Baltic; dân số khoảng 5,4 triệu người (năm 2018).  
Thành phố được thành lập bởi Sa hoàng Peter Đại đế (Peter the Great/ Peter I, trị vì năm 1682- 1752) vào năm 1703 trên địa điểm của một pháo đài bị Thụy Điển chiếm giữ và được đặt tên theo Thánh tông đồ Peter  (Saint Peter). Saint Petersburg gắn liền về mặt lịch sử, văn hóa với sự ra đời của Đế quốc Nga và việc Nga bước vào lịch sử hiện đại với tư cách là một cường quốc châu Âu. Thành phố là thủ đô của Đế quốc Nga từ 1713 đến 1918. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, thủ đô được chuyển đến thành phố Moscow. 


Bản đồ nước Nga và vị trí của 
Saint Petersburg

Saint Petersburg, “Venice của phương Bắc “ (Venice of the North) với vô số kênh đào và hơn 400 cây cầu, là kết quả của một dự án đô thị rộng lớn, được bắt đầu vào năm 1703 dưới thời Peter Đại đế. Sau này Thành phố được gọi là Leningrad (thuộc Liên Xô cũ), gắn liền với Cách mạng Tháng Mười Nga. Di sản kiến ​​trúc của Thành phố dung hòa các phong cách Baroque và Tân cổ điển thuần túy, có thể thấy qua những công trình nổi bật như: Bộ Hải quân (Admiralty), Cung điện Mùa đông (Winter Palace), Cung điện bằng đá cẩm thạch (Marble Palace) và Bảo tàng Hermitage (Hermitage Museum).
Cảnh quan đô thị độc đáo của một thành phố cảng, nhô ra khỏi cửa sông Neva, nơi gặp Vịnh Phần Lan, tạo cho Saint Petersburg trở thành một trong những kiến ​​tạo đô thị vĩ đại nhất của thế kỷ 18.
Saint Petersburg được xây dựng vào đầu thế kỷ 18, trong một khoảng thời gian ngắn đáng kinh ngạc, theo một kế hoạch có trật tự dựa trên ý tưởng của Peter Đại đế. Thành phố được xây dựng trong điều kiện khó khăn, trên những vùng đất thấp không được bảo vệ khỏi nước lũ, đối mặt với tình trạng thiếu nguyên liệu và nhân công trầm trọng.
Trong những thập kỷ đầu tiên của lịch sử, Saint Petersburg đã trở thành một quần thể hùng vĩ, bao gồm trung tâm lịch sử được bao quanh bởi những cung điện hoàng gia, một hệ thống pháo đài tiên tiến, các điền trang và biệt thự, các khu định cư và thị trấn nhỏ được liên kết bởi những tuyến đường xuyên tâm. 
Thành phố nằm cả hai bên Vịnh Phần Lan, cũng như hệ thống pháo đài tại thị trấn Kronstadt trên Đảo Kotlin và mở rộng lên đầu nguồn sông Neva ở Sсhlisselburg. 
Thành phố Nga-Âu (Russian-European city) được bao quanh bởi các khu vực ngoại ô này, đã trở thành một hiện tượng văn hóa xã hội với cảnh quan đô thị lịch sử có một không hai, được đặc trưng bởi một hệ thống cấu trúc phân cấp rõ ràng.
Một mạng lưới kênh rạch, đường phố và bến cảng được xây dựng dần dần, bắt đầu từ triều đại của Peter Đại đế.
Dòng sông Neva đã trở thành trục chính đông tây của thành phố từ năm 1738.
Dưới thời Hoàng hậu Anna Ioannovna (trị vì năm 1730-1740), Elisabeth Petrovna (trị vì năm 1741-1762) và Catherine II Đại đế (trị vì năm 1762-1796), cảnh quan đô thị của Saint Petersburg tiếp tục trở nên lộng lẫy hoành tráng hơn, biến nơi đây trở thành đô thị "Venice của phương Bắc" nổi tiếng thế giới. 
Một loạt các kiến ​​trúc sư nước ngoài (Rastrelli, Rinaldi, Quarenghi, Cameron và Vallin de la Mothe) đã đua tranh với nhau về sự táo bạo và lộng lẫy trong các cung điện và dinh thự khổng lồ của cố đô, trong các biệt thự hoàng gia sang trọng tại ngoại ô, trong số đó có các công trình tại Peterhof (Petrodvorets), Lomonosov, Tsarskoуe Selo (Pushkin), Pavlovsk và Gatchina. 
Sự vĩ đại của cố đô Saint Petersburg là sự kết hợp giữa các công trình theo phương đứng và ngang, bờ kè, quảng trường gắn với yếu tố tinh thần của Đế quốc nga.
Đặc điểm chính và điểm thu hút của trung tâm lịch sử Saint Petersburg được đặc trưng bởi sự hài hòa hoàn hảo giữa kiến ​​trúc và cảnh quan.
Sông Neva tràn đầy sức sống đã để lại cho thành phố một quy mô không gian đặc biệt và cảnh tượng phong phú. Sông trở thành không gian mở chính của thành phố.
Không gian nước của sông Neva như là phần mở rộng tự nhiên của hệ thống các quảng trường thành phố. Mạng lưới đường phố có khoảng cách đều đặn nằm trên nền thiên nhiên này đã tạo cho Saint Petersburg một sự tương phản đầy tính nghệ thuật và sự phong phú về tri giác. Với quan điểm về sự nghiêm khắc và duyên dáng, tại Saint Petersburg, các công trình được xây dựng theo yêu cầu thống nhất trong một tổng thể chung, phù hợp với truyền thống văn hóa (Teutonic unity), những giá trị xuất hiện đồng thời với sự ra đời của nó.
Diện mạo của thành phố được tạo nên bởi một tập hợp những bề mặt phong phú. Những tập hợp này, liên kết với nhau, tạo ra một hệ thống nhiều lớp phức tạp, nơi không có một chi tiết nào tồn tại đơn lẻ hoặc bị cô lập khỏi môi trường của nó. Giá trị bao trùm của tất cả các thành phần trong hệ thống này bắt nguồn từ việc kết hợp chúng thành một tổng thể hài hòa.
Saint Petersburg là dự án lớn duy nhất trong lịch sử quy hoạch đô thị bảo tồn được tính toàn vẹn logic của nó, bất chấp những thay đổi nhanh chóng về phong cách kiến ​​trúc.
Trong thời hiện đại, thành phố là nơi chứng kiến ​​và tham gia vào những sự kiện oai hùng và bi tráng của cuộc Cách mạng tháng 2, tháng 10 năm 1917 và cuộc phong tỏa quân sự năm 1941-1944 trong Chiến tranh Thế giới II với hàng triệu con người đã thiệt mạng. 
Sau những thử thách chưa từng có tại thế kỷ 20, Thành phố tiếp tục là biểu tượng và cơ sở của nền văn hóa Nga cho thời kỳ mới và là một trong những trung tâm khoa học, văn hóa và giáo dục gắn liền vĩnh viễn với những nhân cách và công trình sáng tạo có Giá trị phổ quát nổi bật. 

Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1990; sửa đổi ranh giới nhỏ năm 2013) với tiêu chí: 

Tiêu chí (i) : Trong lĩnh vực thiết kế đô thị, Saint Petersburg thể hiện một thành tựu nghệ thuật độc đáo về tham vọng của chương trình, tính đồng nhất của kế hoạch và tốc độ thực hiện. Từ năm 1703 đến năm 1725, Peter Đại đế đã nâng tầm từ một khung cảnh đầm lầy trở thành một khung cảnh đô thị với kiến trúc bằng đá cẩm thạch cho thủ đô Saint Petersburg, nơi mà ông mong muốn trở thành thành phố đẹp nhất châu Âu. 

Tiêu chí (ii) : Các quần thể được thiết kế ở Saint Petersburg và khu vực xung quanh bởi Rastrelli, Vallin de la Mothe, Cameron, Rinaldi, Zakharov, Voronikhine, Rossi, Montferrand và những người khác, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kiến ​​trúc và nghệ thuật tượng đài ở Nga và Phần Lan vào thế kỷ 18 và 19. Giá trị của thủ đô đã được tăng lên ngay từ đầu khi thành lập Viện Hàn lâm Khoa học, sau đó là Học viện Mỹ thuật. Mô hình đô thị của Saint Petersburg, được hoàn thành dưới thời Catherine II, Alexander I và Nicholas I, được sử dụng trong quá trình tái thiết Moscow sau trận hỏa hoạn năm 1812, và cho các thành phố mới, chẳng hạn như Odessa hoặc Sebastopol, ở phần phía nam của Đế chế. 

Tiêu chí (iv) : Quần thể kiến ​​trúc của Saint Petersburg là một trong những ví dụ nổi bật về kiểu kiến trúc xây dựng các dinh thự theo phong cách Baroque, thể hiện vai trò là một thủ đô xuất sắc của phong cách Baroque và Tân cổ điển. Các cung điện của Peterhof (Petrodvorets) và Tsarskoye Selo (Pushkin), đã được khôi phục sau khi bị phá hủy trong Chiến tranh thế giới II, là một trong số công trình quan trọng nhất. 

Tiêu chí (vi) : Saint Petersburg đã hai lần liên kết trực tiếp và hữu hình với các sự kiện có ý nghĩa toàn cầu. Từ năm 1703 đến năm 1725, việc xây dựng Saint Petersburg (được nhắc lại bởi bức tượng Peter Đại đế cưỡi ngựa của Falconet, đặt tại Quảng trường Senatskaya) tượng trưng cho sự mở cửa của Nga với thế giới phương Tây và sự xuất hiện của Đế chế Sa hoàng trên trường quốc tế. Cách mạng Bolshevik thắng lợi ở Petrograd năm 1917. Tàu tuần dương Aurora và ngôi nhà thị trấn Mathilde Kchesinskaia, sau này là bảo tàng của Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa tháng 10 vĩ đại, ở trung tâm Leningrad, là biểu tượng cho sự hình thành của Liên Xô. 


Sơ đồ vị trí 36 nhóm công trình trong Quần thể Di sản Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga

Quần thể Di sản gồm 36 nhóm công trình với 126 địa điểm sau: 

1. Trung tâm lịch sử của Saint Petersburg
Trung tâm lịch sử của Saint Petersburg (Historic Centre of Saint-Petersburg, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 001), diện tích 3934,1ha, nằm hai bên bờ sông Neva, đổ ra vịnh Phần Lan.


Sơ đồ vị trí các công trình tại Trung tâm lịch sử của Saint Petersburg, Nga

Di sản gồm các hạng mục công trình chính sau:
 

Pháo đài Peter và Paul 
Pháo đài Peter và Paul (Peter and Paul Fortress; hình vẽ ký hiệu 1) nằm trên một hòn đảo tại bờ bắc sông Neva. Đây là ngôi thành cổ của Saint Petersburg, do Peter Đại đế thành lập năm 1703 và được xây dựng theo thiết kế của Domenico Trezzini (kiến trúc sư người Thụy Sĩ, năm 1670 – 1734) từ năm 1706 – 1740, theo kiểu một pháo đài hình ngôi sao (Bastion fort). Phía đông và phía tây có thêm lớp tường thành phụ. Bên trong pháo đài có nhiều công trình, trong đó có cả nhà thờ.
Giữa nửa đầu những năm 1700 và đầu những năm 1920, Công trình được dùng làm nhà tù cho tội phạm chính trị và trở thành bảo tàng từ năm 1924. 
Ngày nay, Pháo đài Peter và Paul đã được chuyển thể thành phần quan trọng nhất của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Saint Petersburg (State Museum of the History of Saint Petersburg). 


Phối cảnh Pháo đài Peter và Paul, Saint Petersburg, Nga; phía trên ảnh là Tòa nhà Kronwerk (hình chữ U)
 

Tòa nhà Kronwerk
Tòa nhà Kronwerk (hình vẽ ký hiệu 2) nằm tại phía bắc của Pháo đài Peter và Paul, ngăn cách bởi Kênh đào Kronverksky. Công trình được xây dựng vào năm 1705–1708, được tái thiết vào năm 1752 và 1800.
Công trình như nằm trên một hòn đảo. Mặt nam là kênh đào, 3 mặt còn lại là tuyến mương nhỏ chạy dích dắc. Công trình có mặt bằng như một hình chữ U, mở ra phía kênh đào, cao 2 tầng.
Ngày nay, Tòa nhà Kronwerk trở thành Bảo tàng Lịch sử Quân sự về Pháo binh, Công binh và Tín hiệu (Military Historical Museum of Artillery, Engineers and Signal Corps).   

Strelka của đảo Vasilievsky
Strelka của đảo Vasilievsky (“Strelka” of Vasilievsky Island; hình vẽ ký hiệu 3) nằm tại mũi đất phía đông của đảo Vassilyevsky.
Đảo Vasilyevsky giáp với sông Bolshaya Neva và Malaya Neva ở phía nam và đông bắc, bởi sông Neva và vịnh Phần Lan ở phía tây. Đảo kết nối với đất liền bằng các cây cầu.
Mũi cực đông của hòn đảo, Strelka (Spit) là một khu vực tập trung nhiều công trình có niên đại từ thế kỷ 18, được thành lập vào thời của Peter Đại đế như một trung tâm kinh doanh, giáo dục và chính quyền của thành phố. Khu phức hợp kiến ​​​​trúc của Spit là một trong những nơi đẹp nhất ở St. Petersburg.
Tại Strelka có 3 cụm công trình:
Tòa nhà Sàn giao dịch chứng khoán St. Petersburg cổ (Old Saint Petersburg Stock Exchange): Nằm ở trung tâm của quần thể, được phát triển bởi kiến ​​trúc sư người Pháp Jean-François Thomas de Thomon (năm 1760 – 1813). Công trình được xây dựng trong thời gian 1805-1810 và trông giống như những ngôi đền ở Hy Lạp cổ đại. Tòa nhà trở thành Bảo tàng Hải quân Trung ương (Central Naval Museum) từ năm 1939 – 2010.
Nhà kho phía nam và phía bắc tòa nhà Sở giao dịch chứng khoán: Được xây dựng vào năm 1826-1832. Ngày nay, Nhà kho phía nam thành Bảo tàng Động vật học (Nowadays Zoological museum); Nhà kho phía bắc trở thành Viện Văn học Nga – nhà Pushkin (Institute of Russian Literature – Pushkin’s house).
Hai bên cụm công trình là cột Rostral (Rostral Columns) cao 32m, được coi là một trong những biểu tượng của thành phố. Các cột Rostra được thành lập vào năm 1810 và được thiết kế bởi Thomas de Thomon (kiến ​​trúc sư người Pháp, năm 1760- 1813). Cột được trang trí bằng các rostra (phần trước của tàu). 


Phối cảnh tổng thể mũi Strelka của đảo Vas
ilievsky, Saint Petersburg, Nga 

Tòa nhà trụ sở Bộ Hải quân
Tòa nhà trụ sở Bộ Hải quân (Chief Admiralty; hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại Trung tâm lịch sử Saint Petersburg.
Tòa nhà được xây dựng lại vào thế kỷ 19 để hỗ trợ tham vọng hàng hải của Sa hoàng. Thiết kế ban đầu là một xưởng đóng tàu kiên cố, sau này được bao quanh bởi 5 pháo đài và được bảo vệ thêm bởi một con hào. 
Tòa nhà theo phong cách Đế chế (Empire Style), là một phong trào thiết kế kiến ​​trúcnội thấtnghệ thuật trang trí khác và nghệ thuật thị giác đầu thế kỷ 19. Phong cách này bắt nguồn và lấy tên từ sự cai trị của Hoàng đế Napoléon I (trị vì năm 1864- 1814; 3/1815- 6/1815).
Tòa nhà nằm dọc theo Bến cảng Admiralty, được xây dựng theo thiết kế của Andreyan Zakharov (kiến trúc sư Nga, năm 1761- 1811)  trong khoảng thời gian từ năm 1806 đến năm 1823. 
Quần thể công trình gồm:
Khối chu vi: Có mặt bằng hình chữ U, hướng ra sông. Chữ U được hình thành bởi các dãy nhà cao 2 tầng và 1 tầng bệ, bao quanh một sân trong hẹp chạy dọc theo hình dạng chữ U của khối nhà. Trung tâm của khối chu vi là Tháp Đô đốc (Admiralty Tower). Đây là một ngọn tháp mạ vàng, trên đỉnh là một cánh quạt gió có hình dạng một con tàu chiến buồm nhỏ. Tháp là một trong những địa danh dễ thấy nhất của thành phố.
Bên trong khối chu vi: Là các tòa dinh thự cao 3 tầng. Mỗi tòa nhà đều có sân trong. 

Phía tây của Tòa nhà trụ sở Bộ Hải quân là Quảng trường Thượng viện (Senate Square), còn được gọi là Quảng trường Decembrists và Quảng trường Peter. Trên Quảng trường có đặt tượng đài Kỵ sĩ bằng đồng, tôn vinh Peter Đại đế. Tượng được dựng từ năm 1770 – 1782, bởi Étienne Maurice Falconet (nhà điêu khắc người Pháp, năm 1716 – 1791). Bệ tượng là tảng đá granit Rapakivi nguyên khối, có trọng lượng khoảng 1250 tấn. 


Phối cảnh tổng thể Trụ sở Bộ Hải quân,
Saint Petersburg, Nga


Tượng Peter Đại đế tại Quảng trường Thượng viện,
Saint Petersburg, Nga 

Quảng trường Cung điện
Quảng trường Cung điện (Dvortsovaya Square / Palace Square; hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía đông của Tòa nhà trụ sở Bộ Hải quân và đầu cầu Dvortsovy Bridge. Phía tây của Quảng trường Cung điện mở về phía Quảng trường Đô đốc (Admiralty Square) làm cho Quảng trường trở thành một phần quan trọng của dãy quảng trường lớn ở Sait Peterburg. 
Trung tâm của Quảng trường là Cột Alexander (Alexander Column), dựng vào năm 1830–1834), kỷ niệm chiến thắng của Nga trong cuộc chiến với Pháp của Napoleon và được đặt theo trên của Hoàng đế Nga Alexander I (trị vì năm 1801 – 1825). Cột được thiết kế bởi Auguste de Montferrand (kiến trúc sư người Pháp, năm 1786- 1858).
Cột bằng đá granit đỏ nguyên khối, cao 47,5m này (cao nhất thế giới thuộc loại đá này) và nặng khoảng 500 tấn. Cột có một phần bệ, được trang trí bằng những biểu tượng liên quan đến chiến tích quân sự và các vị thần. Cột có đường kính 3,5m, cao 25,45m. Trên đỉnh cột là bức tượng thiên thần cầm thánh giá.


Phối cảnh tổng thể Quảng trường Cung điện, Saint Petersburg, Nga; phía dưới ảnh là Cung điện Mùa Đông; phía trên ảnh là Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu; bên trái ảnh là Trụ sở Quân đoàn Vệ binh


Phối cảnh Cột Alexander, Quảng trường Cung điện,
Saint Petersburg, Nga; Phía sau ảnh là Cung điện Mùa Đông 

Phía bắc của Quảng trường là Cung điện Mùa Đông (Winter Palace), nằm dọc sông Neva. Đây là tòa nhà nổi tiếng nhất trên quảng trường, được xây dựng lại từ năm 1754 – 1762; từng là nơi ở chính thức của Hoàng đế Nga từ năm 1732 - 1917 với quy mô hoành tráng, phản ánh sức mạnh và quyền lực của Đế quốc Nga
Cung điện Mua Đông hiện tại là cung điện xây dựng lần thứ ba (lần đầu vào năm 1711- 1712; lần hai vào năm 1721). Cung điện Mùa đông được thiết kế bởi nhiều kiến trúc sư, đáng chú ý nhất là Bartolomeo Rastrelli (kiến trúc sư người Ý, năm 1700–1771).
Cung điện Mùa đông, với trang trí bằng tượng và tác phẩm trát vữa sang trọng trên các bệ phía trên mặt tiền và cửa sổ, mang phong cách Baroque. Bên ngoài vẫn tiếp tục được hoàn thiện dưới thời Hoàng hậu Nga Elizabeth (trị vì năm 1741- 1762).
Các mặt tiền chính của Cung điện đối diện với Quảng trường Cung điện và sông Neva. Cung điện này được hình thành theo kiểu cung điện dinh thự trong thành phố, chứ không phải dạng cung điện biệt thự trong công viên.
Trong một thời gian dài, Cung điện Mùa đông là tòa nhà cao nhất trong thành phố. Năm 1844, Hoàng đế Nga Nicholas I (trị vì năm 1825 – 1855) ra lệnh rằng các ngôi nhà riêng phải thấp hơn Cung điện Mùa đông ít nhất 1 sazhen (2,13 m). Quy định này có hiệu lực cho đến năm 1905. 
Cung điện màu xanh ngọc lam và trắng này như là một quần thể các cung điện nhỏ trong một cung điện lớn; Các phòng lớn nhất và hoành tráng nhất là phòng công cộng, trong khi cư dân sống trong các dãy phòng nhỏ hơn với kích thước khác nhau, được phân bổ theo cấp bậc. 
Quần thể có chu vi là một hình chữ nhật dài dài 215m, cao 3 tầng. Cung điện Mùa đông có tới 1.886 cửa ra vào, 1.945 cửa sổ, 1.500 phòng và 117 cầu thang. 
Mặt tiền khối chính dài 150m và cao 30m. Tầng trệt chủ yếu chứa các văn phòng hành chính và phục vụ; Tầng 1 là các phòng chính và khu vực dành cho Hoàng gia; Tầng 2 là các phòng dành cho cận thần và quan chức cấp cao. Bên cạnh Phòng ngai vàng chính của Hoàng đế, một trong những không gian quan trọng nhất tại đây là Nhà thờ Lớn của Cung điện (Grand Church of the Winter Palace).
Cung điện Mùa đông là nơi ở chính thức của Hoàng đế Nga từ năm 1732 đến năm 1917; Sau đó trở thành một phần của Bảo tàng Hermitage (Hermitage Museum, là một trong những bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới).


Hội trường St George, Phòng ngai vàng chính của Sa hoàng Nga, Cung điện Mùa Đông; Tranh của Konstantin Ukhtomsky (1862)
 


Phía nam của Quảng trường là Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu, được xây dựng vào năm 1819–1829. Công trình được thiết kết theo phong cách Đế chế (Empire Style) hình cánh cung, được thiết kế bởi Carlo di Giovanni Rossi (kiến trúc sư người Ý, năm 1775- 1849). Đây là một cụm công trình cao 3 tầng với những sân trong nhỏ. Mặt tiền quay ra phía Quảng trường sơn màu vàng và trắng. Trung tâm của hình cánh cung là một Khải hoàn môn với trang trí trên mái là dãy tượng các vị thần La Mã với cỗ xe ngựa kéo. Hiện nay, một cánh phía đông của Tòa nhà trở thành một phần của Bảo tàng
Hermitage. 


Phối cảnh Tòa nhà Bộ Tổng tham mưu,
Quảng trường Cung điện, Saint Petersburg, Nga 

Phía đông của Quảng trường là Trụ sở Quân đoàn Vệ binh, được xây dựng vào năm 1837–1843, theo thiết kế của Alexander Brullov (nghệ sĩ người Nga, năm 1798 – 1877, gắn liền với trường phái Tân cổ điển Nga). 

Quảng trường Sao Hỏa
Quảng trường Sao Hỏa (Field of Mars; hình vẽ ký hiệu 6) có diện tích gần 9 ha; phía bắc là Cung điện Cẩm thạch (Marble Palace), Quảng trường Suvorov (Suvorov Square) và Dinh thự Saltykov (Saltykov Mansions); phía tây là Doanh trại cũ của Trung đoàn Pavlovsky (Pavlovsky Regiment); phía nam là sông Moyka; phía đông là kênh Swan (Swan Canal).
Đây là một quảng trường lớn tại trung tâm Saint Petersburg. Trong lịch sử, nơi đây đã từng là một đồng cỏ Hoàng gia, công viên, khu vườn vui chơi, khu diễu hành quân sự, đền thờ (nơi chôn cất những người chết trong Cách mạng), sân lễ hội và nơi gặp gỡ công cộng. Tên Quảng trường Sao Hỏa được đặt vào năm 1805. 


Phối cảnh Quảng trường Sao Hỏa,
Saint Petersburg, Nga 

Vườn Mùa hè
Vườn Mùa hè (Summer Garden; hình vẽ ký hiệu 7) nằm tại phía đông Quảng trường Sao Hỏa.
Sự khởi đầu của Vườn bắt nguồn từ đầu thế kỷ 18 khi Nga chiếm những vùng đất này từ Thụy Điển trong Đại chiến phương Bắc (Great Northern War, năm 1700–1721, giữa một liên minh do Hoàng đế Nga lãnh đạo và Đế quốc Thụy Điển ở BắcTrung và Đông Âu).
Công viên do đích thân Sa hoàng Peter I thiết kế vào năm 1704, với sự hỗ trợ của người làm vườn và bác sĩ người Hà Lan Nicolaas Bidloo (năm 1673/1674 – 1735, bác sĩ riêng của Sa hoàng Peter I, được coi là một trong những người sáng lập nền y học Nga).
Khu vườn Mùa hè được hoàn thành phần lớn vào năm 1719. Các lối đi được trang trí bởi hàng trăm tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch miêu tả các nhân vật thần thoại cổ điển.
Khu vườn hiện là một chi nhánh của Bảo tàng Nghệ thuật quốc gia Nga (Russian Museum). 


Phối cảnh Vườn Mùa hè,
Saint Petersburg, Nga 

Cung điện Tavrichesky
Cung điện Tavrichesky (Tavrichesky Palace/ Tauride Palace; hình vẽ ký hiệu 8) nằm tại phía đông Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg; là một trong những cung điện lớn nhất và quan trọng nhất về mặt lịch sử ở Saint Petersburg.
Hoàng tử Grigory Potemkin của Tauride (tại vị năm 1774- 1791) đã ủy quyền cho Ivan Starov (kiến trúc sư người Nga, năm 1745 – 1808) thiết kế dinh thự theo theo phong cách Palladian nghiêm ngặt (Palladian architecture), một phong cách kiến ​​trúc châu Âu bắt nguồn từ tác phẩm của kiến ​​trúc sư người Venice Andrea Palladio (năm 1508–1580). Cung điện nằm trong một công viện rộng lớn, sau này là Vườn Tauride. Phía trước Cung điện là được nối với sông Neva bằng một con kênh. 
Công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1783 – 1789.
Cung điện là một quần thể gồm khối chính, hai bên có hai khối phụ. Hình thức bên ngoài của Cung điện khá đơn giản và tương phản rõ rệt với sự xa hoa lộng lẫy bên trong nó. Hội trường mái vòm, một trong những hội trường lớn nhất ở Nga.
Trong khu vườn, có nhà làm vườn, vườn cam, nhà kính, nhà cầu và hàng rào bằng thép. Tại đây có tác phẩm điêu khắc mang tên Venus Tauride (cao 1,67m, hiện nằm trong Bảo tàng Hermitage ) được lưu giữ trong Cung điện từ cuối thế kỷ 18 - giữa thế kỷ 19, và địa điểm này lấy tên theo đó.
Sau này, Cung điện được cải tạo theo yêu cầu của chủ mới.
Cung điện Tavrichesky từng được coi là hình mẫu cho vô số trang viên nằm rải rác trên Đế quốc Nga. 


Phối cảnh
Cung điện Tavrichesky, Saint Petersburg, Nga 

Tu viện Smolny
Tu viện Smolny (Smolny Monastery/ Smolny Convent; hình vẽ ký hiệu 9) nằm tại phía đông Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và phía đông Cung điện Tavrichesky, hướng ra sông Neva.
Tu viện Chính thống giáo Nga này được xây dựng để làm nơi ở cho Elizabeth, con gái của Peter Đại đế . Sau khi không được phép kế vị ngai vàng, cô đã chọn trở thành một nữ tu. 
Tuy nhiên, người tiền nhiệm Hoàng gia, Ivan VI (trị vì năm 1740 – 1741, khi mới 2 tháng tuổi), đã bị lật đổ trong một cuộc đảo chính. Elizabeth quyết định chấp nhận lời đề nghị lên ngôi Nữ hoàng Nga (trị vì năm 1741- 1762).
Tu viện Smolny bao gồm một nhà thờ và một tổ hợp của các tòa nhà bao quanh.
Nhà thờ chính của Tu viện, một tòa nhà màu xanh trắng, được coi là một trong những kiệt tác của kiến ​​trúc sư người Ý Francesco Bartolomeo Rastrelli (năm 1700 – 1771, người đã thiết kế nhiều công trình quan trọng khác tại St. Petersburg).
Nhà thờ của Tu viện được xây dựng từ năm 1748 - 1764. Tháp chuông dự kiến ​​​​sẽ trở thành tòa nhà cao nhất ở St. Petersburg và toàn nước Nga vào thời điểm đó. Cái chết của Nữ hoàng Elizabeth vào năm 1762 đã ngăn cản kiến trúc sư Rastrelli hoàn thành thiết kế vĩ đại này.
Khi Catherine II lên ngôi (trị vì năm 1762- 1769), Nữ hoàng phản đối phong cách Baroque, và kinh phí hỗ trợ cho việc xây dựng tu viện nhanh chóng cạn kiệt. Rastrelli không thể xây dựng tháp chuông khổng lồ mà ông đã lên kế hoạch và không thể hoàn thiện nội thất của nhà thờ. Tòa nhà chỉ được hoàn thành vào năm 1835 bởi Vasily Stasov (kiến trúc sư Nga, năm 1769 – 1848) với việc bổ sung nội thất Tân cổ điển (Neoclassical architecture) để phù hợp với thị hiếu kiến ​​trúc đã thay đổi vào thời điểm đó. Nhà thờ được thánh hiến năm 1835.
Công trình bị chính quyền đóng cửa vào năm 1923, bị bỏ hoang đến năm 1982, trước khi trở thành một phòng hòa nhạc. Các Khoa Xã hội học, Khoa học Chính trị và Quan hệ Quốc tế của Đại học bang Saint Petersburg nằm trong một số tòa nhà xung quanh Nhà thờ lớn.
Vào năm 2015, Nhà thờ Smolny đã được trả lại cho Nhà thờ Chính thống Nga. 


Phối cảnh tổng thể
Tu viện Smolny, Saint Petersburg, Nga

Tu viện Alexander Nevsky
Tu viện Alexander Nevsky (Alexander Nevsky Monastery/ Alexander Nevsky Lavra; hình vẽ ký hiệu 10) nằm tại đông nam của Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg.
Tu viện Alexander Nevsky được Hoàng đế Nga Peter I thành lập vào năm 1710, kỷ niệm Trận chiến Neva (Battle of the Neva) năm 1240, khi người Nga đánh bại người Thụy Điển.
Khuôn viên tu viện có ba nhà thờ:
Hai nhà thờ kiểu Baroque: Nhà thờ Truyền tin (Annunciation Church of the Alexander Nevsky Lavra) và Nhà thờ Feodorovskaya (Feodorovskaya Church), được thiết kế bởi Domenico Trezzini (kiến trúc sư người Thụy Sĩ , năm 1670 – 1734) và được xây dựng lần lượt từ năm 1717–1722 và 1742–1750.
Một nhà thờ kiểu Tân cổ điển: Được thiết kế bởi Ivan Starov (kiến trúc sư người Nga, năm 1745- 1808), xây dựng vào năm 1778–1790.
Ngoài ra tại đây còn có nhiều tòa nhà, nghĩa trang với ngôi mộ được trang trí công phu của các nhà quý tộc và những người Nga nổi tiếng. 


Phối cảnh Tổng thể
Tu viện Alexander Nevsky, Saint Petersburg, Nga 

Lâu đài St. Michaels
Lâu đài St. Michaels (St. Michaels Castle; hình vẽ ký hiệu 11) nằm tại giữa Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg, tại phía nam của Vườn Mùa hè (Summer Garden).
Lâu đài là nơi ở của Hoàng đế Paul I (trị vì năm 1796 – 1801) và được đặt theo tên của vị thánh bảo trợ Hoàng gia. Công trình được xây dựng vào năm 1797–1801 bởi Vincenzo Brenna (kiến trúc sư và họa sĩ người Ý, năm 1747 – 1820) và Vasily Bazhenov (kiến trúc sư người Nga, năm 1737- 1799).
Sau khi Hoàng đế Paul I bị ám sát vào năm 1801, Lâu đài Saint Michael bị bỏ hoang và năm 1823 được trao cho Trường Công binh chủ lực (sau này trở thành Đại học Kỹ thuật Công binh/ Military Engineering-Technical University). Kể từ đó, tòa nhà được gọi là Lâu đài Kỹ sư (Engineers' Castle). Vào đầu những năm 1990, Lâu đài Saint Michael trở thành một chi nhánh của Bảo tàng Nga (Russian Museum).
Lâu đài St. Michaels nằm tại góc của hai nhánh sông giao nhau, sông Moika và sông Fontanka, có mặt bằng định hướng từ một hình vuông với các góc tròn. Lối vào chính của Lâu đài từ phía nam.
Lâu đài có mặt tiền khác nhau ở mỗi bên, bởi các kiến ​​trúc sư đã sử dụng các họa tiết của nhiều phong cách kiến ​​trúc khác nhau như Chủ nghĩa cổ điển PhápPhục hưng Ý và Gothic.
Sân trong của Lâu đài có mặt bằng hình bát giác được cho là có thể bắt nguồn từ các lễ rửa tội đầu tiên theo truyền thống Cơ đốc giáo.
Sự pha trộn giữa các họa tiết Cổ điển và Baroque trong kiến ​​trúc của Lâu đài Saint Michael đặt nó vào một thời kỳ chuyển tiếp trong lịch sử các phong cách kiến ​​trúc ở Nga. Các yếu tố Cổ điển, cùng với các yếu tố Lãng mạn, tạo nên một "Kiến trúc trang phục" (Costumed architecture) đặc biệt trong Lâu đài Saint Michael, mở đầu cho phong cách Đế chế (Empire style) đầu thế kỷ XIX.  


Phối cảnh tổng thể Lâu đài St. Michaels, Saint Petersburg, Nga

Đảo New Holland
Đảo New Holland (New Holland Island; hình vẽ ký hiệu 14) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg. Đảo nhân tạo này có mặt bằng như hình tam giác được bao quanh bởi sông Moika và 2 tuyến kênh, Kênh Kryukov (Kryukov Canal) và Kênh Đô đốc (Admiralty Canal).
Đảo được hình thành vào đầu thế kỷ 18, để chứa gỗ. Sau đó Peter Đại đế đã tận dụng để làm một cảng hải quân vào năm 1721 và là quân cảng đầu tiên của Đế chế Nga.
Ban đầu cảng có một xưởng đóng tàu nhỏ. Xung quanh xưởng là các nhà kho bằng gỗ chứa gỗ đóng tàu. Đến năm 1788, Jean-Baptiste Vallin de la Mothe (kiến trúc sư người Pháp, năm 1729 – 1800) đã xây dựng một vòm Tân cổ điển phía trên cửa kênh nối sông Moika với lưu vực nước bên trong. Cổng được bao bọc bởi những cột đá granit đỏ Tuscan đồ sộ này được gọi là Cổng vòm Hà Lan mới (New Holland Arch).
Đảo New Holland có diện mạo như hiện tại vào năm 1828, khi tại đây xây dựng một nhà tù hải quân và vào năm 1893 và được sử dụng để thử nghiệm các mẫu tàu mới. Bộ Tổng tham mưu Hải quân đã xây dựng trên đảo một đài phát thanh mạnh nhất ở Đế quốc Nga vào năm 1915.
Từ năm 1918 - 2004, đảo được sử dụng cho mục đích quân sự. Từ năm 2004, các tòa nhà trên đảo dần chuyển mục đích cho dân sự, cùng với việc phục hồi lại các tòa nhà cũ.


Phối cảnh tổng thể Đảo New Holland, Saint Petersburg, Nga
 

Nhà thờ St. Nicolais
Nhà thờ St. Nicolais (St. Nicolais Cathedral; hình vẽ ký hiệu 16) nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg.
Nhà thờ St. Nicolais là một nhà thờ lớn Chính thống giáo kiểu Baroque, luôn gắn liền với Hải quân Nga, dành riêng cho Thánh Nicholas, vị thánh bảo trợ của các thủy thủ và cho Lễ Hiển linh (Epiphany /holiday).
Nhà thờ được xây dựng trên bờ Kênh Kryukov vào năm 1753–1762, theo thiết kế của Savva Chevakinsky (kiến ​​trúc sư người Nga, năm 1709 – 1774), thay cho một nhà thờ bằng gỗ trước đó.  
Nhà thờ St. Nicholas là một ví dụ điển hình của cái gọi là phong cách Baroque thời Elizabeth (Elizabethan Baroque/ Rastrellieqsque; là một thuật ngữ chỉ phong cách kiến ​​trúc Baroque của Nga, được phát triển dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth của Nga từ năm 1741 đến năm 1762).  
Công trình đặt trên một khuôn viên sân hình tròn, có mặt bằng hình của một cây thánh giá. Các mặt tiền được được trang trí bởi các hàng cột Corinthian; tường xây dựng bằng vữa. Công trình có 5 tháp vuông nhô cao với mái vòm mạ vạng. Nhà thờ có sức chứa lên đến 5.000 người.
Nhà thờ Thánh Nicholas bao gồm hai nhà thờ riêng biệt. Nhà thờ Saint Nicholas nằm ở tầng trệt, trong khi Nhà thờ Hiển linh nằm ở tầng trên. Bàn thờ của Nhà thờ phía trên đã được thánh hiến với sự hiện diện của Catherine Đại đế (Catherine the Great, trị vì năm 1762- 1796). Bàn thờ của nhà thờ phía dưới có một biểu tượng Hy Lạp của Thánh Nicholas được làm vào thế kỷ 17 gắn với một phần di vật của ông. 


Phối cảnh tổng thể
Nhà thờ St. Nicolais, Saint Petersburg, Nga 

Nhà thờ Kazansky
Nhà thờ Kazansky (Kazansky Cathedral/ Kazanskiy Kafedralniy Sobor; hình vẽ ký hiệu 17) nằm tại giữa Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg.
Nhà thờ Chính thống giáo Nga này được dành riêng cho Đức Mẹ Kazan, một trong những biểu tượng được tôn kính nhất ở Nga.
Nhà thờ được xây dựng từ năm 1801- 1811, dưới sự giám sát của Alexander Sergeyevich Stroganov (Nam tước người Nga, năm 1733–1811) và được Andrey Voronikhin (kiến trúc sư người Nga, năm 1759- 1814) thiết kế, mô phỏng theo Vương cung thánh đường Thánh Peter ở Rome, Ý. 
Khi đội quân Napoléon (Hoàng đế Pháp, trị vì năm 1804- 1914 và 3/1815- 6/1815) xâm chiếm nước Nga (năm 1812), Thống chế Nga Mikhail Kutuzov (năm 1745- 1813) đã cầu xin Đức Mẹ Kazan giúp đỡ. Chiến tranh Vệ quốc kết thúc, người Nga coi nhà thờ như một đài tưởng niệm chiến thắng của họ trước Napoléon. Thống chế Kutuzov được an táng trong Nhà thờ lớn năm 1813.
Năm 1917, Nhà thờ bị đóng cửa. Năm 1932, công trình được mở cửa trở lại với tư cách là bảo tàng. Năm 1996, công trình được trả lại cho Nhà thờ Chính thống Nga. 
Nhà thờ Nhà thờ Kazansky được xây dựng theo phong cách Đế chế (Empire Style). Công trình dài 90m (gồm cả cầu thang ngoài), rộng 86m (gồm cả cầu thang ngoài), chiều cao tối đa 71,6m.
Công trình có bố cục theo hướng đông tây. Lối vào chính từ phía tây. Tại phía bắc có một hàng hiên có mặt bằng theo hình móng ngựa, tạo thành một quảng trường.
Nội thất của nhà thờ, với nhiều cột, giống với hàng cột bên ngoài và gợi nhớ đến một hội trường nguy nga, có chiều dài 69m và chiều cao 62m. Nội thất có nhiều tác phẩm điêu khắc và biểu tượng, được tạo ra bởi các nghệ sĩ Nga giỏi nhất thời bấy giờ. 
Nhà thờ Kazan trở thành hình mẫu cho một số nhà thờ được xây dựng sau này. 


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Kazansky, Saint Petersburg, Nga


Bên trong Nhà thờ Kazansky, Saint Petersburg, Nga
 

Cửa hàng bách hóa lớn Gostiny Dvor
Cửa hàng bách hóa lớn (Great Gostiny Dvor; hình vẽ ký hiệu 18) nằm tại giữa Trung tâm lịch sử Saint Petersburg, trên Đại lộ Nevsky ở St Petersburg.
Công trình không chỉ là trung tâm mua sắm lâu đời nhất của thành phố mà còn là một trong những khu mua sắm đầu tiên trên thế giới. 
Cửa hàng bách hóa lớn Gostiny Dvor trải dài hơn một km tại ngã tư đường Nevsky Prospekt và Sadovaya và bao trùm diện tích 53.000 m2, gồm 100 cửa hàng và mất 28 năm để xây dựng. Các công trình xây dựng bắt đầu vào năm 1757, theo thiết kế Tân cổ điển của Jean-Baptiste Vallin de la Mothe (kiến trúc sư người Pháp, năm 1729–1800).
Trong suốt thế kỷ tiếp theo, Gostiny Dvor liên tục được mở rộng, tạo ra 10 con phố trong nhà và có tới 178 cửa hàng vào thế kỷ 20. Công trình tiếp tục được nâng vào đầu thế kỷ 21. 


Phối cảnh một mặt
Cửa hàng bách hóa Gostiny Dvor, Saint Petersburg, Nga 

Các công trình khác:
Ngoài các công trình chính kể trên, Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg còn có một số công trình lịch sử khác: 

Quảng trường Nghệ thuật (Square of Arts; hình vẽ ký hiệu 12): Nằm tại Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg; xung quanh là các tòa nhà lịch sử. Quảng trường nằm dọc theo 2 tuyến phố, có mặt bằng hình chữ nhật, hướng chính mở về phía nam. Từ năm 1834 đến năm 1918, quảng trường được gọi là Quảng trường Mikhailovskaya và là Quảng trường Lassalle từ năm 1923 đến năm 1952. Năm 1902, khi Cung điện Mikhailovsky (Mikhailovsky Palace) được chuyển thành Bảo tàng Nga (Russian Museum), một nhánh của Cung điện trở thành Bảo tàng Dân tộc học Nga (Russian Museum of Ethnography), Quảng trường đổi tên thành Quảng trường Nghệ thuật.  


Tượng Alexander Pushkin trước Bảo tàng Nga (Cung điện Mikhailovsky), Quảng trường Nghệ thuật,
Saint Petersburg, Nga 

Quảng trường St. Isaacs (St. Isaacs Square; hình vẽ ký hiệu 13): Nằm tại Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg, được giới hạn bởi các tòa nhà lịch sử Cung điện Saint -Isaac; Nhà thờ lớn Marisky và các trục giao thông, có mặt bằng hình đa giác. Quảng trường St. Isaacs còn được gọi là Quảng trường Vorovsky từ năm 1923 đến 1944. Đây là một quảng trường lớn của Thành phố, được tô điểm bởi Đài tưởng niệm Nicholas I cưỡi ngựa. 


Phối cảnh
Quảng trường St. Isaacs, Saint Petersburg, Nga 

Quảng trường Teatralnaya (Teatralnaya Square; hình vẽ ký hiệu 15): Nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg; phía nam của Đảo New Holland. Đây là một quảng trường nhỏ, giao của 2 trục đường. Quảng trường thành lập vào đầu những năm 1760. Quảng trường có tên hiện tại từ năm 1821.

Quảng trường Vladimirskaya (Vladimirskaya Square; hình vẽ ký hiệu 20): Nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg. Đây là quảng trường giao của nhiều trục đường và được giới hạn bởi mặt tiền của các tòa nhà lịch sử. Quảng trường có tên hiện tại từ năm 1844. 

Quảng trường Konyushennaya (Konyushennaya Square; hình vẽ ký hiệu 23): Nằm tại phía bắc Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg. Quảng trường là giao của 3 trục đường và được giới hạn bởi nhiều mặt tiền của các tòa nhà lịch sử. Phía đông của Quảng trường là kênh đào Griboyedov Canal. 

Đường phố Zodchego Rossi (Zodchego Rossi Street; hình vẽ ký hiệu 19):  Nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg, cạnh sông Fontanka. Di tích bao gồm một quảng trường quay mặt ra sông, tuyến phố chạy dọc theo các tòa nhà lịch sử. 

Nghĩa trang Smoleskoe (Smoleskoe Cemetery; hình vẽ ký hiệu 22): Nằm tại phía tây Trung tâm lịch sử Saint-Petersburg, giữa của đảo Vasilievsky. Đây là nghĩa trang lâu đời nhất còn hoạt động liên tục ở Saint Petersburg. Nghĩa trang có mặt bằng hình chữ nhật, được chia thành các phần an táng của người Chính thống giáo (tồn tại từ năm 1738), Lutheran và Armenia. Trong nghĩa trang có hai nhà thờ. 

2. Khu vực lịch sử của thị trấn Kronstadt
Khu vực lịch sử của thị trấn Kronstadt (Historical Part of the Town of Kronstadt, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 002), diện tích 83,7ha. Đây là một đô thị cảng, nằm trên đảo Kotlin, về phía tây trung tâm Saint Petersburg, cách khoảng 30km.
Đảo được liên kết với thủ đô cũ của Nga bằng Đập St. Petersburg (xây dựng năm 1980 – 2011), một phần của công trình phòng chống lũ lụt của thành phố, đồng thời đóng vai trò là đường dẫn đến đảo Kotlin từ đất liền.
Thị trấn Kronstadt được thành lập vào đầu thế kỷ 18 bởi Peter Đại đế, trở thành một trung tâm thương mại quốc tế quan trọng và sau đó là tiền đồn phòng thủ hàng hải chính của thủ đô Nga cũ. Một tỷ lớn cư dân là thủy thủ.
Kronstadt đã là nơi hành hương của những người theo đạo Cơ đốc Chính thống trong nhiều năm để tưởng nhớ đến Thánh John của Kronstadt.
Kronstadt đã được củng cố vào thế kỷ 19 với việc bổ sung các pháo đài mới. Thành phố được bao quanh bởi bức tường thành với các tháp cổng và pháo đài. Trong những năm sau này, thành phố pháo đài này trở thành căn cứ của Hạm đội Baltic của Liên Xô. Tất các pháo đài và ụ pháo đã được xây dựng lại.
Khu vực lịch sử của thị trấn Kronstadt nằm tại trung tâm thị trấn, có mặt bằng hình chữ nhật được giới hạn bởi tuyến kênh tại phía đông, bắc và tây; phía nam là cảng. 


Sơ đồ mặt bằng tổng thể
Khu vực lịch sử của thị trấn Kronstadt, St. Petersburg, Nga 

Tại đây có một số di tích lịch sử đáng chú ý: 

Tòa nhà của Bộ Hải quân
Tòa nhà của Bộ Hải quân (Admiralty; hình vẽ ký hiệu 1): Bao gồm hai dãy nhà một tầng nằm tại phía đông và phía bắc khu vực trung tâm. Các tòa nhà được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. 


Một dãy tòa nhà lịch sử của Bộ Hải quân,
Kronstadt, Saint Petersburg, Nga 

Dinh thự Ý hay Dinh thự Menshikovs
Dinh thự Ý hay Dinh thự Menshikov (Italian Palace/ Menshikov's House; hình vẽ ký hiệu 3): Là một trong những tòa nhà lâu đời nhất ở Kronstadt, được dựng lên vào những năm 1720-1724 theo dự án của Johann Friedrich Braunstein (kiến ​​trúc sư người Đức) theo phong cách Baroque thời Peter Đại đế. Dinh thự được xây dựng lại nhiều lần và mất dần đi hình thức kiến trúc ban đầu. Năm 2011, sau nhiều lần chuyển đổi chức năng, công trình trở thành Bảo tàng Hải quân Pháo đài Kronstadt (Kronstadt Fortress Naval Museum). 


Dinh thự Ý hay Dinh thự 
Menshikov,
 
KronstadtSaint Petersburg, Nga

Nhà thờ Hải quân
Nhà thờ Hải quân (Kronstadt Naval Cathedral; hình vẽ ký hiệu 4): Là địa danh nổi bật nhất của Kronstadt, dành riêng cho Thánh Nicholas (Chính thống giáo Nga) và được xây dựng từ năm 1908 đến 1913 tại Quảng trường Yakornaya, nơi cũng có nhiều đài tưởng niệm quân sự. Nhà thờ được coi là đỉnh cao của kiến ​​trúc Tân -Byzantine của Nga (Neo-Byzantine architecture in the Russian Empire). Công trình do Vasily Antonovich Kosyakov (kiến trúc sư người Nga, năm 1862- 1921 thiết kế). Công trình dài 77,3m (nội thất)/ 83,2m (ngoại thất, kể cả cầu thang); rộng 54,4m (nội thất)/63,8m (ngoại thất); diện tích 3000m2 (nội thất)/3400m2 (ngoại thất); chiều cao tối đa tại đỉnh 70,6m; đường kính mái vòm bên trong 29,8m.  
Tòa nhà được ốp bằng đá granit đen (chân và cột) và gạch vàng (tường) với các chi tiết bằng đất nung. Bên trong trang trí các biểu tượng được làm bằng đá cẩm thạch. Bốn cổng ra vào được trang trí bằng các bức khảm hình ảnh các vị thánh. Chi phí xây dựng Nhà thờ là một con số rất lớn thời bấy giờ.
Nhà thờ bị đóng cửa, tàn phá vào năm 1929 và để sử dụng cho mục đích khác (rạp chiếu phim, nhà của các sĩ quan, bảo tàng). Công trình được mở cửa trở lại vào năm 2002 cùng với việc đặt cây thánh giá trên mái vòm chính. Năm 2013, Nhà thờ được trùng tu lại hoàn toàn. 


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Hải quân,
Kronstadt, Saint Petersburg, Nga 

Pháo đài Kronstadt
Pháo đài Kronstadt (Fortress Kronstadt; hình vẽ ký hiệu 5): Được xây dựng vào thế kỷ 18 – 19. Vào năm 1723, Peter Đại đế đích thân đặt viên đá nền của pháo đài, được đặt tên là Kronstadt. Pháo đài bao gồm các bức tường, doanh trại, tháp canh và ụ pháo. Lực lượng đồn trú tại đây khoảng 2700 người. Bên trong Pháo đài là nhà ở của lao động trong xưởng đóng tàu. Vào năm 1785, Pháo đài được xây dựng lại như một thị trấn với các tòa nhà văn phòng và nhà ở, nhà kho và bệnh viện. Vật liệu xây dựng bằng đá đã được sử dụng. Bến cảnh được nạo vét. Trận lụt năm 1824 đã phá hủy hoàn toàn Thị trấn. Việc khôi phục lại được hoàn thành vào năm 1826.
Việc xây dựng Đập Saint Petersburg dẫn đến một số tháp canh bị phá hủy. Trong số các tháp canh còn sót lại quan trọng nhất là: Tháp canh Konstantin (Fort Konstantin), lớn nhất ở Vịnh Phần Lan; Tháp canh Rif (Fort Rif) nằm trên bờ biển phía tây của hòn đảo; Tháp canh Alexander I (Fort  Alexander I), được bảo tồn đặc biệt tốt; Tháp canh Totleben (Fort Totleben), là tháp canh lớn nhất và mới nhất, được xây dựng lại vào đầu thế kỷ 20.
Tại đây còn lưu giữ được nhiều tàn tích ụ pháo.   


Tàn tích Bức tường phòng thủ của Pháo đài Kronstadt,
St Petersburg, Nga 

3. Hệ thống phòng thủ của Pháo đài Kronstadt
Hệ thống phòng thủ của Pháo đài Kronstadt (Defensive installations of the Fortress of Kronstadt, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 003), nằm về phía tây trung tâm Saint Petersburg, gồm 4 nhóm di sản:   

Pháo đài đảo Kotlin
Pháo đài trên đảo Kotlin (Forts of the Island Kotlin, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 003a) trong phạm vi Di sản có diện tích 55,4ha. Kotlin là một hòn đảo nằm gần đầu Vịnh Phần Lan, trên Biển Baltic. Hòn đảo đóng vai trò là cửa ngõ vào St Petersburg và do đó đã từng là địa điểm của một số cuộc giao tranh quân sự. Về tổng thể, đảo tạo thành một hình tam giác; dài 10,2 km rộng khoảng 3,7 km, độ cao lớn nhất 17m (so với mực nước biển).
Trên đảo Kotlin có 3 pháo đài:
Pháo đài “Shanetz” (Coastal fort “Shanetz” /“Alexander and Nikolai Shanetz”) có diện tích 20,8ha;
Pháo đài «Rạn san hô» (Coastal Fort «Reef») có diện tích 14,6ha;
Pháo đài «Constantin» (Fort «Constantin») có diện tích 19,7ha. 

Pháo đài trên Vịnh Phần Lan:
Pháo đài trên Vịnh Phần Lan (Forts of the Gulf of Finland, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 003b) có diện tích 195,5ha, gồm 17 công trình:
Pháo đài «Obrutchev» (Fort «Obrutchev» /«Krasnoarmeysky»), diện tích 27,5ha.
Pháo đài «Totleben»/«Pervomaysky») (Fort «Totleben» /«Pervomaysky»), diện tích 22,6ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 1 (Northern battery No. 1), diện tích 11,9ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 2 (Northern battery No. 2), diện tích 9,3ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 3 (Northern battery No. 3), diện tích 9,9ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 4 /«Zverev» (Northern battery No. 4/ «Zverev»), diện tích 13ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 5 (Northern battery No. 5), diện tích 12,1ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 6 (Northern battery No. 6), diện tích 13,9ha.
Khu vực Tháp canh Miền Bắc 7 (Northern battery No. 7), diện tích 13,3ha.
Pháo đài «Paul I»/ «Riesbank» (Fort «Paul I» /«Riesbank»), diện tích 5,1ha.
Pháo đài «Kronshlot» (Fort «Kronshlot») có diện tích 13,1ha, là pháo đài xuất hiện đầu tiên, vào năm 1704.
Pháo đài «Alexander I» (Fort «Alexander I») có diện tích 3,4ha. Pháo đài được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo hình hạt đậu. Đây từng là địa điểm của một phòng thí nghiệm nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu bệnh dịch hạch.
Pháo đài «Peter I» (Fort «Peter I»), diện tích 15,7ha.
Khu vực Tháp canh Miền Nam 1 (Southern battery No. 1), diện tích 8,2ha.
Khu vực Tháp canh Miền Nam 2 /«Dzichkanets» (Southern battery No 2 /«Dzichkanets»), diện tích 5,9ha.
Khu vực Tháp canh Miền Nam 3 số 3/«Milyutin») (Southern battery No 3/«Milyutin»), diện tích 10,6ha.
Ngọn hải đăng Tolbukhin trên đảo Tolbukhin (Tolbukhin Lighthouse on Tolbukhin Island) có diện tích 0,3ha. Đây là một trong những ngọn hải đăng lâu đời nhất ở Nga, được xây dựng vào năm 1719, vẫn đang hoạt động. Ánh sáng của nó có thể được nhìn thấy từ cách xa 19 hải lý. Tất cả các ngọn hải đăng đang hoạt động ở Nga đều được chỉ định là đối tượng quân sự, đóng cửa cho công chúng. 

Hầu hết các pháo đài ở trong tình trạng mục nát. Một số công trình đang được phục hồi và mở cửa cho du khách thăm quan. 


Phối cảnh Pháo đài «Alexander I»,
St Petersburg, Nga


Ngọn hải đăng Tolbukhin trên đảo Tolbukhin,
St Petersburg, Nga 

Pháo đài Bờ biển Vịnh Phần Lan
Pháo đài Bờ biển Vịnh Phần Lan (Forts of the Coast of the Gulf of Finland, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 003c) diện tích 456,6ha, gồm 3 công trình:
Pháo đài «Ino» (Fort «Ino») có diện tích 153,8ha, nằm tại phía bắc bờ biển Vịnh Phần Lan.
Pháo đài «Seraya Loshad» (Fort «Seraya Loshad») có diện tích 82,8ha, nằm tại phía nam bờ biển Vịnh Phần Lan.
Pháo đài «Krasnaya Gorka» (Fort «Krasnaya Gorka») có diện tích 229ha, nằm tại phía nam bờ biển Vịnh Phần Lan. 

Công trình dân dụng
Công trình dân dụng (Civil Engineering, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 003d) gồm 3 nhóm công trình:
Tường chắn dạng cũi (Barrier of Cribwork);
Tường chắn dạng cọc (Barrier of Pile);
Tường chắn bằng đá (Barrier of Stone). 

4. Schlisselburg; Kênh đào Ladoga cũ và mới
Schlisselburg; Kênh đào Ladoga cũ và mới (Schlisselburg; Old Ladoga and New Ladoga canals, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 004) có diện tích 85,7ha.
Schlisselburg là một thị trấn trực thuộc Quận Kirovsky, nằm về phía đông trung tâm Saint Petersburg, cách khoảng 35km. Dân số: 13.170 (năm 2010).
Thị trấn nằm tại đầu sông Neva, trên hồ Ladoga (Lake Ladoga).
Hồ Ladoga là một hồ nước ngọt lớn thứ hai sau Baikal ở Nga và là hồ nước ngọt lớn thứ 14 trên thế giới. Hồ có diện tích bề mặt 17700km2, chứa 837km3 nước, độ sâu trung bình 51m, tối đa 230m.
Thị trấn được thành lập vào năm 1323 gắn liền với việc hình thành và bảo vệ pháo đài Oreshek (Oreshek fortress).
Vào cuối thế kỷ 15 - đầu thế kỷ 16, dân cư trong thị trấn đã chuyển sang sinh sống cả hai bờ sông Neva. 
Theo kế hoạch của Sa hoàng Peter I, kênh Ladoga cũ (Old Ladoga Canal và còn được gọi là Kênh đào Peter Đệ nhất) được xây dựng từ năm 1719 – 1731, để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền lưu thông dọc theo bờ biển phía nam của hồ Ladoga, nối sông Neva và sông Svir (nhằm vượt qua vùng nước hay có bão của hồ Ladoga).
Kênh đào Ladoga dài 117km, là một trong những kênh đào lớn đầu tiên được xây dựng ở Nga. 
Vào năm 1826, do kênh Ladoga cũ quá nông (sâu chỉ khoảng 1m do bồi lắng) nên nhiều đoạn kênh được mở rộng và đảm bảo độ sâu để duy trì duy trì lưu lượng giao thông đáng kể. 
Năm 1866- 1883, kênh Ladoga mới (New Ladoga Canal) được xây dựng, chạy giữa Kênh đào cũ và hồ Ladoga. 
Kênh Ladoga Cũ bị bỏ hoang vào năm 1940.
Năm 1944, tên của thị trấn được đổi thành Petrokrepost và lấy lại tên cũ (Shlisselburg) vào năm 1992. 
Thị trấn không còn nhiều tòa nhà lịch sử, ngoại trừ một số nhà thờ thế kỷ 18. Có lẽ địa danh đáng chú ý nhất là Kênh đào Ladoga cũ. 


Tàn tích Kênh đào
Ladoga cũ, Schlisselburg, St Petersburg, Nga 

5. Quần thể pháo đài Oreshek (pháo đài Shlisselburgskaya)
Quần thể pháo đài Oreshek/pháo đài Shlisselburgskaya (Ensemble of the Oreshek fortress / Shlisselburgskaya fortress, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 005) có diện tích 7,3ha.
Pháo đài Shlisselburg là một trong các công sự được xây dựng ở Shlisselburg trên Đảo Orekhovy ở Hồ Ladoga, nằm tại phía đông trung tâm Saint Petersburg, cách khoảng 40km. 
Ban đầu đây là một pháo đài bằng gỗ có tên là Oreshek được xây dựng  vào năm 1323, bởi Đại công tước Yury Danilovich (Hoàng tử Moscow, tại vị năm 1303–1325) thay mặt cho Cộng hòa Novgorod (Novgorod Republic, tồn tại năm 1136–1478, bao gồm thành phố Novgorod và vùng Hồ Ladoga của nước Nga hiện đại). Pháo đài bảo vệ các lối tiếp cận phía bắc tới Novgorod và lối vào Biển Baltic.
Đây là nơi diễn ra nhiều cuộc xung đột giữa Nga và Thụy Điển, kéo dài trong nhiều thế kỷ.
Pháo đài được xây dựng lại bằng đá vào năm 1352, bởi Tổng giám mục Vasily Kalika của Novgorod (năm 1330–1352). Những năm sau này, pháo đài luôn được củng cố bởi những người chiếm giữ. Vào năm 1478, pháo đài được người Nga xây dựng lại với 10 tòa tháp và bức tường thành dài khoảng 740m, cao 12m, chiều rộng ở tầng hầm là 4,5m; các tòa tháp cao 14–16m và có đường kính 16m ở tầng hầm. Điều này khiến đây trở thành pháo đài mạnh nhất của Nga thời kỳ đó. Người dân sống tại đây được di dời ra khỏi đảo.
Năm 1611, Pháo đài bị người Thụy Điển chiếm và địa danh này được đổi thành Nöteborg.
Năm 1702, người Nga dưới quyền Peter Đại đế đã chiếm lại pháo đài.
Trong thời kỳ Đế quốc Nga, pháo đài mất đi vai trò quân sự và được sử dụng như một nhà tù chính trị. Việc giam giữ tù chính trị kéo dài cho đến năm 1906.
Thế chiến II đã tàn phá hoàn toàn pháo đài. 
Ngày nay, trong số 10 tòa tháp ban đầu, pháo đài chỉ giữ lại 6 tòa tháp. Phần còn lại của một nhà thờ bên trong pháo đài đã được chuyển thành đài tưởng niệm những người bảo vệ pháo đài. Pháo đài còn có bảo tàng về các tù nhân chính trị của Đế quốc Nga và một bộ sưu tập nhỏ về pháo binh trong Thế chiến II.  Một tượng đài bằng đá để tưởng nhớ Hiệp ước hòa bình Nga-Thụy Điển đầu tiên (Treaty of Nöteborg, năm 1323) được đặt bên trong pháo đài. 


Phối cảnh tổng thể Pháo đài
Oreshek, Schlisselburg, St Petersburg, Nga 

6. Quần thể Cung điện và Công viên tại thị trấn Pushkin (Tzarskoe Selo)
Quần thể Cung điện và Công viên tại thị trấn Pushkin /Tzarskoe Selo (Palace and Park Ensembles of the Town of Pushkin /Tzarskoe Selo, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 006), có tổng diện tích 1232,5ha.
Tsarskoye Selo là nơi ở cũ của hoàng gia Nga và quý tộc thăm viếng, nằm về phía nam trung tâm St Peterburg, cách 24km. Thị trấn mang tên Tsarskoe Selo cho đến năm 1918, sau đó đổi thành Pushkin từ năm 1937.
Khu vực Tsarskoye Selo lần đầu tiên trở thành nơi ở của hoàng gia Nga vào đầu thế kỷ 18 với tư cách là tài sản của Hoàng hậu Catherine I (trị vì năm 1725–1727). Tại đây, một loạt các Sa hoàng và Hoàng hậu Nga đã tạo ra một thế giới thu nhỏ, biệt lập, nhân tạo và tuyệt vời. Bên trong công viên, các đài tưởng niệm, khải hoàn môn và các hồ nước nhân tạo. Khu vực Tsarskoye Selo trở thành một biểu tượng tráng lệ, cao quý của chế độ Hoàng gia Nga. 
Di sản gồm các hạng mục công trình chính: 

Trung tâm lịch sử của thị trấn Pushkin
Trung tâm lịch sử của thị trấn Pushkin, bao gồm Cung điện Catherine (Historical Centre of the Town of Pushkin, including the Catherine Palace, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 006a) có diện tích 472,9ha.
Cung điện Catherine là công trình nổi bật trong Trung tâm lịch sử của thị trấn Pushkin.
Năm 1723, Cung điện bằng đá của Catherine I, được thiết kế bởi Johann Friedrich Braunstein (kiến trúc sư người Nga, gốc Đức) đã thay thế ngôi nhà gỗ ban đầu. Đây là một tòa nhà 2 tầng, 16 phòng.
Dưới thời trị vì của con gái Peter Đại đế, Hoàng hậu Elizabeth (trị vì năm 1741- 1762), Mikhail Zemtsov (kiến trúc sư Nga, năm 1688- 1743) đã thiết kế một cung điện mới và công việc xây dựng bắt đầu vào năm 1744.
Năm 1751 - 1756, Bartolomeo Rastrelli (kiến trúc sư người Pháp, năm 1700 – 1771) đã tái thiết lại Cung điện với quy mô 40 căn hộ, 100 phòng riêng và phòng dịch vụ. Một khu vườn mới được bổ sung, trong khi các khu vườn cũ được cải thiện với việc đào sâu Hồ Lớn, kết nối với các con suối lân cận; bổ sung đường trượt băng và các nhà nghỉ.
Kiến trúc Baroque của Cung điện nhường chỗ cho kiến ​​trúc Tân cổ điển vào những năm 1770, khi thị trấn Tsarskoye Selo trở thành nơi ở mùa hè của triều đình Catherine Đại đế (Catherine II, năm 1762 – 1796). Trong thời gian tiếp theo, Cung điện được xây dựng bổ sung thêm Nhà hát lớn (năm 1778- 1779), Nhà tắm, Đài tưởng niệm; Đền thờ bắt nguồn từ Trung Quốc.
Sau cái chết của Catherine Đại đế vào năm 1796, việc xây dựng Công viên đã ngừng lại. 
Năm 1850, Cung điện bị hỏa hoạn và sau đó đã được khôi phục lại.
Trong Chiến tranh Thế giới II, Cung điện bị phá hủy. Việc tái thiết bắt đầu từ năm 1957.
Nội thất của Cung điện nổi bật tại các phòng: Đại lễ đường dành cho vũ hội, hóa trang, tiệc chiêu đãi với diện tích 1000m2; Phòng khiêu vũ; Phòng ăn dành cho cận thần; Hội trường với các bức chân dung lớn sang trọng về các vị Hoàng hậu; Phòng hổ phách (Amber Room); Phòng vẽ mang tên Alexander I với tủ đồ gỗ trưng bày đồ sứ Nhật, Trung Quốc, Đức… 


Phối cảnh tổng thể Cung điện Catherine, Pushkin,
St Petersburg, Nga 


Nội thất phòng Đại lễ đường (Phòng khiêu vũ), Cung điện Catherine, Pushkin,
St Petersburg, Nga 

Cung điện Alexander và công viên
Cung điện Alexander và công viên, bao gồm Công viên Trang trại (Alexander Palace and park, including the Park of Farm, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 006b), diện tích 275,9 ha.
Cung điện Alexander được Hoàng hậu Catherine II (Catherine Đại đế/ Catherine the Great, trị vì năm 1762- 1796) ủy quyền xây dựng vào năm 1792 - 1796. Cung điện là nơi ở ưa thích của Hoàng đế Nga cuối cùng, Nicholas II (Alexandrovich Romanov, trị vì năm 1894- 1917) và gia đình ông.
Cung điện Alexander được Giacomo Quarenghi (kiến trúc sư người Ý, năm 1744- 1817) xây dựng theo phong cách Tân cổ điển. Cung điện là một tòa nhà trang nhã, cao 2 tầng và 1 tầng hầm, bố cục hình chữ U hướng ra khu vườn. Mặt tiền cũng như nội thất thể hiện sự trang nghiêm, tỷ lệ hài hòa và trang trí vừa phải song không ảnh hướng đến sự tráng lệ và sang trọng.
Cung điện Alexander được mở cửa trở lại vào năm 2021 với vai trò là bảo tàng nhà nước lưu giữ các di tích của triều đại cũ.


Phối cảnh tổng thể Cung điện Alexander, Pushkin /Tzarskoe Selo,
St Petersburg, Nga

Công viên Babolovsky
Công viên Babolovsky (Babolovsky Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 006c) có diện tích 296,7ha. 

Công viên Otdelny
Công viên Otdelny (Otdelny Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 006d) có diện tích 189ha.

7. Quần thể Cung điện và Công viên tại thị trấn Pavlovsk và Trung tâm lịch sử của nó
Quần thể Cung điện và Công viên tại Thị trấn Pavlovsk và Trung tâm lịch sử của nó (Palace and Park Ensembles of the Town of Pavlovsk and its historical centre, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 007) có diện tích 886,5ha.
Pavlovsk là một thị trấn trực thuộc quận Pushkinsky, nằm về phía nam trung tâm St. Peterburg, cách khoảng 30km; Dân số khoảng 16 ngàn người (năm 2010). 
Thị trấn Pavlovsk nằm trên vùng đất thấp Neva, bên trái sông Neva, trong thung lũng sông Slavyanka. Cảnh quan khá đa dạng và bao gồm các ngọn đồi, rặng núi và ruộng bậc thang xen kẽ với các thung lũng, đồng bằng, rừng và đất nông nghiệp.
Thị trấn phát triển xung quanh Cung điện Pavlovsk, nơi ở chính của hoàng gia Nga. 
Catherine Đại đế (Catherine the Great, nữ hoàng Nga, trị vì năm 1762- 1796) thích thiên nhiên ở khu vực Pavlovsk và thường xuyên đến đây để đi săn. Vào năm 1777, bà giao cho con trai mình, Paul I (hoàng đế Nga, trị vì năm 1796 – 1801), 395ha đất dọc theo sông Slavyanka, cùng với rừng, đất canh tác và hai ngôi làng nhỏ. Catherine Đại đế ủy quyền cho Charles Cameron (kiến trúc sư người Scotland, năm 1745 – 1812) để thiết kế một cung điện và một công viên ở Pavlovskoye. 
Năm 1782 - 1786, Cameron đã xây dựng phần lõi cung điện ban đầu (còn tồn tại cho đến nay), Đền Tình bạn (Temple of Friendship), Khu vườn riêng (Private Gardens), Chuồng chim (Aviary), Hàng cột Apollo (Apollo Colonnade) và Đại lộ Lime (Lime Avenue). Ông cũng đã lên kế hoạch cho cảnh quan ban đầu bao gồm công viên rộng lớn kiểu Anh với nhiều ngôi đền, hàng cột, cầu và tượng. Ngôi đền Tình bạn là tòa nhà xây dựng đầu tiên ở Pavlovsk, tiếp theo là Cung điện chính. 
Tuy nhiên, Pavlovsk của Cameron khác xa với tầm nhìn của Sa hoàng Paul I về nơi ở của hoàng gia. Nó thiếu hào, pháo đài và tất cả các loại quân sự khác mà Paul rất yêu thích.
Từ năm 1786 đến năm 1789, nhiệm vụ của Cameron ở Pavlovsk được giao cho Vincenzo Brenna (kiến trúc sư người Ý, năm 1747- 1820). Năm 1798, Brenna đã xây dựng một pháo đài Bip (Bip fortress). Tiếp đó, khu đất Pavlovsk được mở rộng với doanh trại quân đội, khu sĩ quan và bệnh viện. 
Sau cái chết của Sa hoàng Paul I vào năm 1801, Cung điện là nơi ở của vợ ông là Maria Feodorovna (Sophie Dorothea of Württemberg, năm 1759- 1828).
Khi Maria Feodorovna qua đời vào năm 1828, khu đất được trao cho Đại công tước Michael Pavlovich (năm 1798 – 1849). Là một quân nhân, ông cho xây dựng doanh trại, chuồn ngựa, lò rèn và xưởng trên khu đất, nâng cấp hệ thống đường, quyên góp số tiền đáng kể cho nhà thờ và thành lập một trại trẻ mồ côi và một trường học dành cho trẻ em thuộc tầng lớp trung lưu.
Năm 1849, khu đất trở thành tài sản của Đại công tước Konstantin Nikolayevich (năm 1827 – 1862). Ông đã cho thành lập tại đây vào năm 1872 một phòng trưng bày nghệ thuật và một bảo tàng trong cung điện và mở cửa cho công chúng tham quan. Vào năm 1876, ông cũng thúc đẩy việc xây dựng một phòng thí nghiệm dành riêng cho khí tượng học và nghiên cứu từ trường ở ngoại ô công viên. 
Vào thế kỷ 19, Pavlovsk trở thành nơi nghỉ dưỡng mùa hè yêu thích của những cư dân khá giả ở St Petersburg.
Đến năm 1874, tại đây có 323 ngôi nhà nhỏ mùa hè. 
Trước năm 1917, không có sự tách biệt giữa dinh thự hoàng gia và thị trấn, và cả hai đều thuộc về một chủ sở hữu. Sau Cách mạng Tháng Mười năm 1917, Cung điện và Công viên Pavlovsk đã được quốc hữu hóa và chuyển đổi thành bảo tàng và công viên công cộng dành cho công chúng. 
Pavlovsk chịu nhiều thiệt hại trong Thế chiến II. Công việc phục hồi kéo dài đến năm 1973. 

Di sản gồm các hạng mục công trình chính: 

Trung tâm lịch sử của thị trấn Pavlovsk
Trung tâm lịch sử của thị trấn Pavlovsk, bao gồm Cung điện và Công viên Pavlovsky (Historical Centre of the Town of Pavlovsk, including the Pavlovsky Palace and Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 007a) có diện tích 695ha.
Cung điện Pavlovsk, nơi ở chính của hoàng gia Nga, được xây dựng bắt đầu vào năm 1782, được bổ sung tiếp tục cho đến năm 1876.
Gần Cung điện có một số nhà thờ. Lâu đời nhất là Nhà thờ Maria Magdalena (Maria Magdalena Church), là tòa nhà bằng đá cổ điển đầu tiên ở Pavlovsk, được xây dựng vào năm 1781–1784 bởi Giacomo Quarenghi (kiến trúc sư người Ý, năm 1744- 1817); và Nhà thờ Peter và Paul (Church of Peter and Paul), được xây dựng vào năm 1799 bởi Vincenzo Brenna (kiến trúc sư người Ý, năm 1747- 1820). Tuy nhiên, nổi bật hơn cả là Nhà thờ Thánh Nicholas (Cathedral of St. Nicholas) để vinh danh Sa hoàng Paul I, được Alexander von Hohen (kiến trúc sư người Nga, năm 1856- 1914) xây dựng vào năm 1900–1904 theo phong cách Phục hưng Nga (Russian Revival style).
Cung điện Pavlovsky là một quần thể công trình, cao 2 – 3 tầng, có bố cục mặt bằng hình gần tròn bao quanh một sân trong. Khối chính cao 3 tầng. Hai khối cánh hai bên cao 2 tầng.
Nội thất bên trong là căn phòng được trang trí theo phong cách La Mã. Các bức tường được ốp bằng đá cẩm thạch. Một trong những phòng đẹp nhất của Cung điện là: Hội trường Hy Lạp với các cột kiểu Corinthian bằng đá cẩm thạch màu xanh lá cây; Phòng ngủ tráng lệ với các bộ đồ sứ, tác phẩm điêu khắc, tranh vẽ; Phòng Ngai vàng (Throne Hall) với nội thất hoành tráng... 


Phối cảnh Cung điện Pavlovsky,
St Petersburg, Nga


Nhà thờ Thánh Nicholas, Pavlovsk, St Petersburg, Nga

Công viên Pavlovsk nằm tại phía bắc Cung điện Pavlovsk, chiếm 2/3 diện tích thị trấn, với diện tích khoảng 600 ha, là một trong những công viên lớn nhất ở Nga và châu Âu. 
Công viên Pavlovsk được kiến ​​trúc sư Charles Cameron thiết kế như một khu vườn phong cảnh kiểu Anh cổ điển, một cảnh quan lý tưởng chứa đầy những mảng kiến ​​trúc cổ điển đẹp được thiết kế để gây ngạc nhiên và hài lòng cho người xem. 
Từ năm 1792, kiến trúc sư trưởng của Công viên là kiến ​​trúc sư và họa sĩ cảnh quan người Ý, Pietro Gonzaga (năm 1751- 1831).
Hoảng hậu Marie Feodorovna rất quan tâm đến thực vật học. Năm 1801, Cameron xây dựng một vườn hoa trang nhã phía sau Cung điện, ngay bên ngoài cửa sổ căn hộ riêng của Marie Feodorovna. Bên cạnh khu vườn là một ngôi đền Hy Lạp có tượng đang nhìn xuống dòng sông. Hoa được nhập từ Hà Lan mang về trồng trong vườn. Tại đây cũng có vườn cam và một số nhà kính trồng cây ăn quả đến từ phương Đông như mơ, đào, dứa…
Sông Slavyanovka là trục không gian đẹp như tranh vẽ với những con đường quanh co dọc theo sông mang đến tầm nhìn thay đổi cho du khách. Một con đập đã biến dòng sông thành một cái hồ trong thung lũng bên dưới Cung điện. Năm 1780, Cameron xây dựng một ngôi đền La Mã mang tên Đền thờ Tình bạn (Temple of Friendship) tại khúc quanh sông ở cuối thung lũng. 
Đến đầu thế kỷ 19, Công viên Pavlovsk có những khu vườn đại diện cho nhiều phong cách khác nhau, như các khu vườn trang trọng và hình học kiểu Pháp; Khu vườn kiểu Ý với những bức tường ngăn và các bức tượng cổ điển; Khu vườn kiểu Hà Lan nhỏ và thân mật gắn với các căn hộ bên trong Cung điện.
Trong Cách mạng Nga, Cung điện bị tịch thu, biến thành bảo tàng. Trong Chiến tranh Thế giới II, một phần Cung điện bị sụp đổ; 70% cây trong Công viên bị chặt; Tất cả các cây cầu đều bị phá hủy.
Di sản được phục hồi sau đó, bao gồm cả việc tìm kiếm các kho báu bị đánh cắp khỏi Cung điện. Đến năm 1977, nhân kỷ niệm 200 năm ngày thành lập Cung điện, 50 phòng đã được phục hồi và Cung điện trông giống như thời Maria Feodorovna.  


Ngôi đền Tình bạn ở Công viên Pavlovsk,
St Petersburg, Nga 

Công viên "Alexandrova Datchs"
Công viên "Alexandrova Datchs" (Park «Alexandrova Datchs», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 007b) có diện tích 44,5ha. 

Biệt thự của Yu.P.Samoilova
Biệt thự của Yu.P.Samoilova (Yu.P.Samoilova's Villa, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 007c) có diện tích 23ha. 

Công viên «Menagerie»  
Công viên «Menagerie» (Công viên Động vật hoang dã»/Park «Menagerie», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 007d) có diện tích 80,1ha. 

Công viên «Mariental»
Công viên «Mariental» (Park «Mariental», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 007e) có diện tích 43,9ha. 

8. Đài quan sát Thiên văn Pulkovskaya
Đài quan sát Thiên văn Pulkovskaya/ Pulkovo (Pulkovskaya Observatory, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 008) có diện tích 155,4ha.
Đài có tên chính thức là Đài quan sát Thiên văn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga tại Pulkovo (Central Astronomical Observatory of the Russian Academy of Sciences at Pulkovo).
Công trình nằm về phía nam trung tâm St. Peterburg, cách khoảng 19 km, tại độ cao 75m trên mực nước biển.
Đài thiên văn được khai trương vào năm 1839. Ban đầu, công trình là sản phẩm trí tuệ của nhà thiên văn học người Đức Friedrich Georg Wilhelm von Struve (năm 1793 – 1864, và cũng là người khởi xướng Vòng cung trắc địa Struve (Struve Geodetic Arc).
Đài quan sát được trang bị các thiết bị hiện đại, một trong số đó là thiết bị khúc xạ khẩu độ 380 mm, là một trong những thiết bị khúc xạ lớn nhất thế giới vào thời điểm bấy giờ.
Năm 1885, đài thiên văn được trang bị kính khúc xạ 760 mm, là kính khúc xạ lớn nhất có thể sử dụng được trên thế giới, cho đến khi kính thiên văn 910 mm tại Đài quan sát Lick ở California, Hoa Kỳ xuất hiện vài năm sau đó. Cả hai đều được chế tạo bởi Alvan Clark & ​​Sons ở Massachusetts.
Công việc chính của đài thiên văn bao gồm xác định tọa độ của các ngôi sao và các hằng số thiên văn, đồng thời khám phá và đo đạc các ngôi sao đôi... Các hoạt động của đài quan sát cũng được kết nối với nghiên cứu địa lý của lãnh thổ Nga và phát triển hàng hải
Trong Chiến tranh Thế giới thứ II, các tòa nhà, thư viện đã bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn bảo vệ được một phần các thấu kính. Năm 1954, Đài quan sát được phục hồi trở lại. 


Phối cảnh tổng thể Đài quan sát thiên văn Pulkovskaya
, St Petersburg, Nga 

9. Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Ropsha
Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Ropsha (Palace and Park Ensemble of the Village of Ropsha, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 009) có diện tích 102,3ha.
Ropsha là một khu định cư ở quận Lomonosovsky, thành phố St Petersburg, nằm về phía nam thị trấn Peterhof, cách khoảng 20 km; có độ cao 80m – 130m so với mực nước biển.
Do tại đây có suối nước khoáng chữa bệnh, Sa hoàng Peter Đại đế đã lên kế hoạch biến nó thành nơi nghỉ dưỡng mùa hè. Một cung điện bằng gỗ và nhà thờ nhỏ được xây dựng. 
Sau đó Peter Đại đế đã tặng lại khu đất cho Hoàng tử Fyodor Romodanovsky (năm 1640 – 1717). Năm 1722, Cung điện Ropsha được đại tu và mở rộng. Những năm sau này, khu đất được chuyển nhượng qua nhiều chủ.
Vào thời kỳ Sa hoàng Paul I (trị vì năm 1796 – 1801) làm chủ, Cung điện được xây dựng lại theo phong cách Tân cổ điển theo thiết kế của Georg von Veldten (kiến trúc sư người Nga, năm 1730 – 1801). Một nhà máy giấy lớn được xây dựng gần đó và một công viên kiểu Anh với những ao đầy cá đã được hình thành.
Vào những năm 1850, Cung điện thuộc về Hoàng hậu Alexandra Feodorovna (năm 1798 – 1860).  Trong những thập kỷ tiếp theo, hiếm khi có người sinh sống trong Cung điện. Từ những năm 1890, cung điện bắt đầu xuống cấp. Trong Chiến tranh Thế giới II, Cung điện bị chiếm đóng, cướp phá và bị phá hủy.
Ngày nay, Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Ropsha đang dần được phục hồi. 


Tàn tích Cung điện Ropsha vào những năm 1980,
St Petersburg, Nga 

10. Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Gostilitsy
Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Gostilitsy (Palace and Park Ensemble of the Village of Gostilitsy, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 010) có diện tích 141,5ha.
Gostilitsy là một ngôi làng và trung tâm hành chính của Khu định cư nông thôn Gostilitskoye ở quận Lomonosovsky, nằm về phía tây nam thị trấn Peterhof, cách khoảng 23 km và nổi tiếng là một điền trang của giới quý tộc.
Vào đầu thế kỷ 18, điền trang được trao cho Robert Areskin, bác sĩ riêng của Sa hoàng Peter Đại đế và sau đó đã đổi chủ nhiều lần. Một trong những chủ sở hữu vào những năm 1720 là Alexander Menshikov (Hoàng tử, Công tước Nga, năm 1673- 1729).
Vào giữa thế kỷ 18, khu đất thuộc về Alexey Razumovsky (Bá tước, năm 1709- 1771), người đã xây dựng ở Gostilitsy một cung điện để phục vụ hoàng gia khi họ đi du lịch từ Saint Petersburg.
Vào năm 1845, Cung điện và công viên xung quanh được cải tạo lại theo thiết kế của Andrei Stackenschneider (kiến trúc sư người Nga, năm 1802- 1865), được ghi nhận là người đã biến kiến trúc Nga từ Tân Cổ điển (Neoclassicism) sang Lãng mạn (Romanticism). Trong Chiến tranh Thế giới II, Cung điện bị hư hại nghiêm trọng và bị bỏ hoang và không được phục hồi.
Ngoài Cung điện, tại đây còn có: Nhà thờ Chúa Ba ngôi (Trinity Church) được xây dựng từ năm 1755 đến 1764 theo phong cách Barocco. Nhà thờ bị đóng cửa vào năm 1939. Năm 1993, công trình được chuyển thành Nhà thờ Chính thống Nga, là tòa nhà lâu đời nhất và được bảo tồn tốt nhất của khu đất; Tòa nhà tiếp khách, nhà của linh mục, nhà dịch vụ, nhà kính trồng cam.
Công viên xung quanh Cung điện cũng được thiết kế bởi kiến trúc sư Stackenschneider. Trong Công viên có kênh đào, thác nước, một số cây cầu dạng vòm và nhà nghỉ chân. 


Nhà thờ Chúa Ba ngôi, Khu vực Quần thể Cung điện và Công viên tại làng Gostilitsy
, St Petersburg, Nga 

11. Quần thể Cung điện và Công viên tại Taytsy
Quần thể Cung điện và Công viên tại Taytsy (Palace and Park Ensemble of the Village of Taytsy, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 011)diện tích 154,9ha.
Taytsy là một khu dân cư đô thị ở quận Gatchinsky, nằm tại phía nam trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 35km, dân số khoảng 2,8 ngàn người (năm 2010).
Taytsy được biết đến từ những năm 1720, khi Peter Đại đế trao các vùng đất này cho em gái của mình, Công chúa Natalia Alekseevna. Vùng đất này được truyền tay nhau đến khi thuộc sở hữu của Đô đốc Ivan Golovin. Vào những năm 1790, mảnh đất này được bán cho Alexander Demidov (thuộc gia đình quý tộc Nga), chủ sở hữu của các nhà máy kim loại ở Urals . Vào năm 1774- 1778, kiến ​​​​trúc sư Ivan Starov (người Nga, năm 1745- 1808) đã tạo ra một quần thể điền trang quý tộc Demidov, bao gồm cung điện, công trình dịch vụ và một công viên bao quanh với cổng và một thác nước.
Vào năm 1914, Nhà thờ Chính thống giáo St. Alexis Metropolitan đã được xây dựng trong khu vực.
Sau Cách mạng, Quần thể trở thành viện điều dưỡng, bị bỏ hoang và sụp đổ, chỉ còn Nhà thờ hoạt động. 


Tàn tích Cung điện tại Taytsy,
St Petersburg, Nga 

12. Quần thể Cung điện và Công viên tại thị trấn Gatchina và Trung tâm lịch sử của nó
Quần thể Cung điện và Công viên tại thị trấn Gatchina và Trung tâm lịch sử của nó (Palace and Park Ensembles of the Town of Gatchina and its historical centre, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 012) có diện tích 884ha.
Thị trấn Gatchina là trung tâm hành chính của quận Gatchinsky, nằm tại phía nam trung tâm St Petersburg, cách khoảng 40km; dân số khoảng 93 ngàn người (năm 2010). Đây là một trong những nơi ở của Hoàng gia trong thế kỷ 18 và 19.
Vào năm 1708, vùng Gatchina được Peter Đại đế trao cho em gái của ông, Natalya Alexeyevna (năm 1673- 1716). Sau khi bà qua đời, Peter Đại đế đã thành lập tại đó Bệnh viện Hoàng gia và Nhà bào chế thuốc. Sau đó, khu đất thuộc quyền sở hữu của một vài thành viên Hoàng gia.
Năm 1765, Catherine Đại đế (Catherine II, Hoàng hậu của Đế quốc Nga, trị vì năm 1762- 1796) mua lại trang viên và tặng cho Bá tước Grigory Grigoryevich Orlov (năm 1734- 1783).
Bá tước Orlov đã xây dựng Cung điện Great Gatchina đồ sộ thay cho trang viên ban đầu, với 600 phòng và một công viên cảnh quan rộng lớn kiểu Anh rộng hơn 700 ha với một vườn thú liền kề và một trang trại ngựa. 
Một khải hoàn môn được kiến ​​trúc sư của Cung điện Gatchina, Antonio Rinaldi (người Ý, năm 1709- 1794) thiết kế, tạo thành một lối vào hoành tráng. 
Những năm sau đó, Quần thể Cung điện và Công viên Gatchina được mở rộng và thay đổi nhiều lần bởi các chủ nhân hoàng gia tiếp theo, cùng với việc bổ sung nội thất theo phong cách Rococo.
Năm 1854, một tuyến đường sắt nối Gatchina và Saint Petersburg được khai trương và lãnh thổ của Gatchina được mở rộng. Năm 1855, Cung điện Gatchina thuộc quyền sở hữu của Sa hoàng Alexander II (trị vì năm 1855 – 1881), người đã sử dụng nó làm nơi ở thứ hai của mình. Alexander II đã xây dựng một ngôi làng săn bắn ở phía nam Gatchina thành nơi nghỉ dưỡng, nơi ông và những vị khách của mình có thể tận hưởng vùng hoang dã hoang sơ của vùng tây bắc nước Nga. Sau vụ ám sát Alexander II vào năm 1881, Cung điện Gatchina được chuyển cho người con trai của ông, Sa hoàng Alexander III (trị vì năm 1881- 1894). Alexander III đã dành phần lớn cuộc đời của mình tại Cung điện Gatchina.
Alexander III đã giới thiệu một số công nghệ mới cho Nga tại Cung điện Gatchina, như máy sưởi trong nhà, đèn điện, mạng điện thoại, đường ống nước không đóng băng và hệ thống thoát nước thải hiện đại. Con trai ông, Sa hoàng tương lai Nicholas II (Alexandrovich Romanov, trị vì năm 1894 – 1917) và Sa hoàng cuối cùng của Nga, đã trải qua tuổi trẻ của mình trong Cung điện Gatchina.
Quần thể Cung điện và Công viên tại Gatchina bị hủy hoại trong Chiến tranh, thay đổi chức năng sử dụng và hiện đang được phục hồi từng phần.
Di sản Quần thể Cung điện và Công viên tại Gatchina gồm 3 hạng mục công trình chính: 

Trung tâm lịch sử của thị trấn Gatchina
Trung tâm lịch sử của thị trấn Gatchina, bao gồm Cung điện Gatchinsky (Historical Centre of the Town of Gatchina, including Gatchinsky Palace, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 012a), diện tích 313,5ha, tọa lạc trên một ngọn đồi ở thị trấn Gatchina, bên cạnh hồ Serebryany.
Cung điện Gatchinsky (Đại cung điện Gatchina) được xây dựng từ năm 1766 - 1781 bởi Antonio Rinaldi (kiến trúc sư người Ý, năm 1709- 1794) cho Bá tước Grigori Grigoryevich Orlov.
Thiết kế của kiến trúc sư Rinaldi có các đặc điểm kiến ​​trúc Nga kết hợp với các đặc điểm của một lâu đài thời Trung cổ và một lâu đài săn bắn kiểu Anh
Tòa nhà cung điện nằm trên một địa điểm cao, thống trị cảnh quan xung quanh. Mặt tiền phía bắc của tòa nhà hướng ra công viên.
Tòa nhà có 3 khối nhà. Phần trung tâm nằm tại phía bắc, là một khối hình chữ nhật thuôn dài, cao 3 tầng; hai góc là hai tháp ngũ giác. Hai đầu của khối trung tâm là một hành lang hình một phần tư đường tròn, nối với hai khối nhà tại phía đông và tây, cao 3 tầng, mặt bằng gần như vuông, giữa là một sân trong.
Trang trí nội thất ban đầu của Cung điện được tạo ra vào những năm 1770 và 1780, theo thiết kế của kiến ​​trúc sư Antonio Rinaldi. Việc trang trí các phòng của Cung điện được đặc trưng bởi những đường gờ tinh xảo và sàn lát bằng gỗ quý. Các bức tường được trang trí bằng hoa, trái cây và chồi cây cách điệu. Trang trí vữa được thực hiện bởi các thợ thủ công lành nghề của Ý. 
Những năm sau này, nội thất của Cung điện trải qua nhiều lần thay đổi với sự chỉ đạo của nhiều thế hệ kiến trúc sư. Trong Thế chiến II, năm 1944, một trận hỏa hoạn đã phá hủy đồ trang trí của tất cả các sảnh trong Cung điện. Việc khôi phục nội thất bắt đầu vào năm 1976 và tiếp tục cho đến ngày nay. 


Phối cảnh tổng thể Cung điện Gatchinsky,
St Petersburg, Nga 

Công viên « Menagerie»
Công viên «Menagerie» (Park «The Menagerie», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 012b) có diện tích 403,7ha, nằm tại phía bắc Trung tâm lịch sử của thị trấn Gatchina. 

Công viên Prioratsky
Công viên Prioratsky (Prioratsky Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 012c) có diện tích 166,8ha, nằm tại phía nam Trung tâm lịch sử của thị trấn Gatchina. 

13. Tu viện ven biển Saint Sergius
Tu viện ven biển Saint Sergius (Monastery Troitse-Sergieva Pustin/ Coastal Monastery of Saint Sergius/ Trinity-Sergius Convent, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 013) có diện tích 26,8ha, nằm tại phía tây trung tâm St Petersburg, cách khoảng 15km, nhìn ra bờ Vịnh Phần Lan. 
Đây là một tu viện Chính thống giáo Nga (Russian Orthodoxy), một phần của Nhà thờ Chính thống Đông phương (Eastern Orthodox Church).
Tu viện thành lập vào năm 1734, được thiết kế bởi Pietro Antonio Trezzini (kiến trúc sư người Thụy Sĩ, năm 1692- 1760) theo phong cách Baroque. 
Thời kỳ hoàng kim của Tu viện gắn liền với Thánh Ignatius Bryanchaninov (năm 1807 – 1867), người phụ trách Tu viện từ năm 1834 đến năm 1857. Tu viện được cải tạo lại bởi Aleksey Gornostayev (kiến trúc sư Nga, năm 1808 – 1862), trở thành nơi trưng bày phong cách Phục hưng của Nga. Sau Cách mạng Nga và Chiến tranh Thế giới II, Tu viện bị chiếm giữ, nhà thờ trong Tu viện bị phá hủy và sử dụng cho mục đích thế tục. Năm 1993, Các tòa nhà còn lại của Tu viện đã được trả lại cho Nhà thờ Chính thống Nga vào năm 1993.
Khuôn viên nghĩa trang của Tu viện là nơi chôn cất của một số gia đình quý tộc và giàu có nhất của Đế quốc Nga. 


Một bức ảnh Tu viện ven biển Saint Sergius vào những năm 1870,
St Petersburg, Nga 

14. Cung điện và Công viên tại Strelna và Trung tâm Lịch sử của nó
Cung điện và Công viên tại Strelna và Trung tâm Lịch sử của nó (Palace and Park Ensembles of the Village of Strelna and its Historical Centre, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 014), diện tích 241,9ha.
Strelna là một khu định cư đô thị ở quận Petrodvortsovy, nằm tại phía tây trung tâm St Petersburg, cách khoảng 16km, nhìn ra bờ Vịnh Phần Lan; kề liền với Tu viện ven biển Saint Sergius. Strelna có dân số khoảng 12 ngàn người (năm 2010).
Di sản gồm 3 hạng mục công trình chính: 

Trung tâm lịch sử tại Strelna, bao gồm Cung điện Strelninsky
Trung tâm lịch sử tại Strelna, bao gồm Cung điện Strelninsky (Historical Centre of the Village of Strelna, including Strelninsky Palace, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 014a) có diện tích 221,6ha.
Cung điện Strelninsky còn gọi là Cung Đại hội ("Palace of Congresses”) cùng với Quần thể Công viên nằm trên bờ biển của Vịnh Phần Lan.
Năm 1709, Sa hoàng Peter I quyết định xây dựng dinh thự hoàng gia lớn ở đây với mong muốn so sánh với Cung điện Versailles (Palace of Versailles, Pháp) nổi tiếng về quy mô và vẻ đẹp. Nhiều kiến trúc sư nổi tiếng của châu Âu đã được mời đến đây để thực hiện. Tuy nhiên, mong muốn của Sa hoàng Peter I đã không thực hiện được đầy đủ. Vào cuối thế kỷ 18, Cung điện trở thành nơi ở của các Đại công tước của Nhà Romanov. Sau Cách mạng năm 1917, Cung điện trở thành trường học, viện điều dưỡng…Chiến tranh Thế giới II đã phá hủy hầu như hoàn toàn Cung điện.
Năm 2000, Cung điện và Công viên dần được phục hồi. Mặt tiền và nội thất của Cung điện, hệ thống kênh đào trong Công viên được khôi phục theo bản vẽ cũ.  


Phối cảnh tổng thể Cung điện và Công viên tại Strelna, St Petersburg, Nga


Tiểu cảnh Cung điện Strelninsky tại Strelna,
 St Petersburg, Nga 

Trang viên của AF. Orlov (A.F.Orlov's Dacha, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 014b) có diện tích 10,4ha. 

Trang viên của PK. Alexandrov /Cung điện Lvovsky (P.K.Alexandrov's Dacha /Lvovsky Palace, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 014c)diện tích 9,9ha. 

15. Cung điện và Công viên «Mikhailovka»
Cung điện và Công viên Mikhailovskaya/«Mikhailovka» (Palace and Park of the Mikhailovskaya Datcha /«Mikhailovka», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 015) có diện tích 116,5, nằm tại phía tây trung tâm St Petersburg, cách khoảng 17km, nhìn ra bờ Vịnh Phần Lan, kề liền với Cung điện và Công viên tại Strelna.
Cung điện và Công viên Mikhailovka thuộc về Đại công tước Michael Nikolaevich (năm 1832- 1909), con trai của Nicholas I (Hoàng đế Nga, trị vì năm 1825- 1855). Cung điện được Andrei Ivanovich Stakenschneider (kiến trúc sư người Nga, năm 1802- 1865) thiết kế vào năm 1850.
Cung điện được xây dựng vào năm 1858 – 1862. Đây là một quần thể công trình gồm Cung điện Lớn và Cung điện Nhỏ, nhà khách, nhà kính, nhà của người làm vườn, nhà bảo vệ…
Trong công viên có các tượng, đài phun nước, giàn che…
Cung điện bị phá hủy trong Chiến tranh và sau đó được sử dụng cho mục đích khác. Hiện tại, Cung điện và Công viên Mikhailovka hiện đang dần được phục hồi, một phần trở thành cơ sở đào tạo. 


Tàn tích Cung điện Mikhailovskaya,
St Petersburg, Nga 

16. Cung điện và Công viên “ Znamenka”
Cung điện và Công viên “Znamenka” (Palace and Park of the Znamenskaya Datcha /«Znamenka», bản vẽ ký hiệu 540 - 016) có diện tích 108,4ha, nằm tại phía tây trung tâm St Petersburg, cách khoảng 19km, nhìn ra bờ Vịnh Phần Lan; kề liền Cung điện và Công viên Mikhailovskaya.
Dưới thời Bá tước Alexei Razumovsky (năm 1709- 1771), vào những năm 1760-1770, một trang viên 2 tầng và nhà thờ của các Thánh Tông đồ Peter và Paul đã được xây dựng. Tiếp đó trang viên được nâng lên thành 3 tầng.
Năm 1835, Nicholas I (Hoàng đế Nga, trị vì năm 1825- 1855) đã mua lại cho vợ ông.
Cung điện Znamenka được xây dựng lại theo thiết kế của Andrei Ivanovich Stakenschneider (kiến trúc sư người Nga, năm 1802- 1865).
Vào năm 1857-1859, Cung điện một lần nữa được xây dựng lại với mặt tiền và nội thất được làm theo phong cách Baroque của Nga, bổ sung thêm một số công trình như nhà thờ, nhà bếp, nhà kính, nhà của thợ làm vườn và chuồng nuôi ngựa.
Công viên Znamenka là một tượng đài nghệ thuật cảnh quan của thế kỷ 18-19, được chia thành Khu vườn Thượng và Khu vườn hạ. Trong vườn có nhiều ao lớn, nhỏ.
Hiện tại, Cung điện và Công viên Znamenka đang dần được khôi phục. 


Mặt tiền Cung điện Znamenka,
St Petersburg, Nga 

17. Quần thể Cung điện, Công viên của Thị trấn Peterhof và xung quanh
Quần thể Cung điện, Công viên của Thị trấn Peterhof và xung quanh (Palace and Park Ensembles of the Town of Peterhof and its, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 017), diện tích 1696,8ha.
Petergof là một thị trấn thuộc Quận Petrodvortsovy, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km, nằm trên bờ phía nam của Vịnh Phần Lan; kề liền Cung điện và Công viên “Znamenka”. Tại đây có một loạt các cung điện và khu vườn được xây dựng theo lệnh của Peter Đại đế. Thị trấn Peterhof đôi khi còn được gọi là "Cung điện Versailles của Nga".
Quần thể Cung điện, Công viên của Thị trấn Peterhof và xung quanh gồm 8 công trình: 

Trung tâm lịch sử của thị trấn Peterhof, bao gồm Cung điện và Công viên
Trung tâm lịch sử của thị trấn Peterhof, là một khu phức hợp bao gồm Cung điện và Công viên (Historical Centre of the Town of Peterhof, including the Palace and Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017a) có diện tích 640,1ha. Khu phức hợp Peterhof có một loạt các cung điện và khu vườn, được Peter Đại đế dự định xây dựng từ năm 1709, để làm nơi cư trú ở nông thôn và  như một phần trong mục tiêu hiện đại hóa và phương Tây hóa nước Nga.
Năm 1747 – 1756, khu vực được mở rộng theo yêu cầu của Nữ hoàng Nga Elizabeth (trị vì năm 1741- 1762). 
Đặc điểm tự nhiên nổi bật của Khu phức hợp Peterhof là nằm giữa một gò núi cao 16m và nằm cách bờ biển chưa đến 100m.
Vào thời điểm này, phong cách Petrine Baroque (một phong cách kiến ​​trúc và trang trí Baroque thế kỷ 17 và 18 được Peter Đại đế ưa chuộng) khởi nguồn từ Domenico Trezzini (kiến trúc sư người Thụy Sĩ, năm 1670 – 1734) đã sử dụng rộng rãi để thiết kế các tòa nhà ở thủ đô mới thành lập của Nga, Saint Petersburg (năm 1703).


Sơ đồ mặt bằng Khu phức hợp Peterhof, St Petersburg, Nga

Các hạng mục công trình tiêu biểu trong Khu phức hợp Peterhof gồm:   

Cung điện Monplaisir (Monplaisir Palace): Nằm tại phía đông bắc của Khu phức hợp Peterhof, sát biển. Công trình được xây dựng vào năm 1714–1723, là thiết kế ban đầu của Khu phức hợp, dựa chính bản phác thảo của Peter Đại đế, theo phong cách Hà Lan; được xây dựng bởi Jean-Baptiste Alexandre Le Blond (kiến trúc người Pháp, năm 1679 – 1719, kiến trúc sư trưởng của Saint Petersburg). Cung điện vượt qua mùa đông lạnh lẽo của nước Nga và sự ẩm ướt của biển mà không cần sưởi ấm. Trên các bức tường của Cung điện bên bờ biển này treo hàng trăm bức tranh mà Peter mang về từ châu Âu.
Sau đó, Peter Đại đế đã mở rộng kế hoạch, bao gồm các cung điện và khu vườn sâu hơn trong đất liền, theo mô hình của Cung điện Versailles, mà sau này trở thành Cung điện Peterhof.  

Thác nước chính (Grand Cascade) và Đài phun nước Samson (Samson Fountain): Thác nước chính được mô phỏng theo công trình được xây dựng cho Louis XIV (vua Pháp, vua Mặt Trời, trị vì năm 1643- 1715) tại Cung điện Château de Marly (ngoại ô phía tây của Paris, Pháp). Ở trung tâm của Thác là một hang động nhân tạo có hai tầng, mặt trong và mặt ngoài bằng đá đẽo nâu. Bên dưới và hai bên hang có 64 đài phun nước. Nước của các đài phun nước vào một hồ hình bán nguyệt, điểm cuối của tuyến kênh mang tên Sea Channel. Vào những năm 1730, Đài phun nước Samson lớn được đặt trong hồ này. 
Có lẽ thành tựu công nghệ lớn nhất của Khu phức hợp Peterhof là tất cả các đài phun nước đều hoạt động mà không cần sử dụng máy bơm. Nước được cung cấp từ các suối tự nhiên và tích tụ trong các hồ chứa ở Khu vườn Thượng (Upper Gardens). Sự khác biệt về độ cao tạo ra áp suất cho hầu hết các đài phun nước của Khu vườn Hạ (Lower Gardens), bao gồm cả Tháp nước chính (Grand Cascade) và Đài phun nước Samson. 

Khu vườn Hạ (Lower Gardens/Park): Rộng 102ha, được giới hạn giữa gò núi và bờ biển, trải dài về phía đông và tây khoảng 200 m. Phần lớn các đài phun nước của Peterhof đều có ở đây (trong đó Roman Foutains), cũng như một số cung điện nhỏ và nhà phụ. Không gian của Vườn Hạ được thiết kế theo phong cách hình học của những khu vườn trang trọng của Pháp thế kỷ 17 (French formal garden, là một phong cách vườn dựa trên nguyên tắc đối xứng và áp đặt trật tự cho tự nhiên. Hình ảnh thu nhỏ của nó thường được coi là Vườn Versailles được thiết kế vào thế kỷ 17).  

Khu vườn Thượng (Upper Gardens), tương tự như Khu vườn Hạ, tại đây có nhiều đài phun nước, phân bố giữa bảy hồ rộng. Không giống như Khu vườn Hạ với cảnh quan có tính chất đối xứng nghiêm ngặt, Khu vườn Thượng có cảnh quan linh hoạt hơn với một số đài phun nước có tác phẩm điêu khắc kỳ lạ. 

Thác nước lớn (Grand Cascade): Nằm phía bắc trước Cung điện lớn (Grand Palace). Từ đây có một tuyến kênh được gọi là Kênh biển ( Morskoi Kanal) dẫn ra biển. 

Cung điện lớn (Grand Palace) có quy mô không quá lớn, nằm gần giữa Khu vườn Hạ. Mặt phía nam của Cung điện là Khu vườn Thượng (Upper Gardens/ Verhnyy Sad). Cung điện lớn và Thác nước lớn là trung tâm của toàn bộ Khu phức hợp. Vào thế kỷ 17- 19, Cung điện Lớn là nơi ở nghi lễ của các Sa hoàng Nga, nơi diễn ra các sự kiện quan trọng, lễ kỷ niệm và tiệc chiêu đãi, vũ hội và lễ hội hóa trang. Cung điện có khoảng 30 phòng. Bên trong Hội trường mang tên Chesma được trang trí bằng 12 bức tranh lớn về Trận chiến Chesma miêu tả một chiến thắng hải quân trong Chiến tranh Nga- Thổ Nhĩ Kỳ (năm 1768-1774).

Hiện tại, Cung điện lớn là một bảo tàng lịch sử và nghệ thuật độc đáo, trong bộ sưu tập có khoảng hơn 3500 hiện vật được thu thập, bao gồm các bức tranh và đồ sứ, vải và đồ nội thất độc đáo, cũng như đồ dùng cá nhân của các nhà cai trị Nga.
Phía tây và đông của Cung điện lớn có nhiều đài phun nước và các tòa nhà nhỏ. 


Phối cảnh tổng thể Cung điện Monplaisir, Khu phức hợp Peterhof, St Petersburg, Nga


Phối cảnh tổng thể Cung điện lớn, Khu phức hợp Peterhof,
St Petersburg, Nga


Cung điện lớn và Thác nước lớn,
Khu phức hợp Peterhof, St Petersburg, Nga

Công viên trang trại Hoàng tử Oldenburg
Công viên trang trại của Hoàng tử Oldenburg (Park of the Farm of Prince of Oldenburg, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017g) có diện tích 27ha là nơi ở mùa hè cho gia đình Tsesarevich Alexander Alexandrovich (Alexander II, hoàng đế Nga, trị vì năm 1855 – 1881).
Bên trong Công viên có một Cung điện nhỏ được xây dựng vào năm 1828–1831 và nhiều lần xây dựng lại. Ngôi nhà được đặt tên là "The Farm Palace" (Cung điện Trang trại) vào năm 1859.
Sau cái chết của Alexander II, gia đình Sa hoàng chuyển đến sống tại các cung điện khác.
Cung điện 2 tầng kiểu Tân Gothic có 55 phòng bao gồm: Phòng làm việc và phòng tiếp khách của Sa hoàng; Phòng tiếp khách, phòng thay đồ của Hoàng hậu Maria Alexandrovna; Phòng ngủ và phòng tắm của hoàng gia; Phòng nghiên cứu màu xanh lam; Phòng ngủ của trẻ em; Phòng ăn…
Khuôn viên cung điện có một khu vườn trang trọng với một số bức tượng, một cái giếng, đài phun nước, bồn tắm ngoài trời bằng đá cẩm thạch trắng, một cây cầu bằng gỗ và đá bắc qua một con lạch.
Cung điện mở cho du khách từ năm 2010. 


Mặt trước Cung điện Trang trại,
Khu phức hợp Peterhof, St Petersburg, Nga 

Công viên Thuộc địa (Colonizer's Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017b ) có diện tích 29,1ha.

Công viên Lugovoy /Ozerkovy (Lugovoy /Ozerkovy Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017c) có diện tích 400,1ha.

Công viên tiếng Anh (English Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017d) có diện tích 197,9ha.

Công viên «Alexandria» (Park «Alexandria», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017e) có diện tích 120,7ha.

Công viên Alexandrisky (Alexandriysky Park, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017f) có diện tích 138,8ha.

Hệ thống dẫn nước của Peterhof
Hệ thống dẫn nước của Peterhof (Water-bringing system of Peterhof, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 017h) có diện tích 142,8 ha. Tổng cộng, có 3 thác nước và 173 đài phun nước khác nhau trong Cung điện và Công viên. Các đài phun nước được thành lập vào năm 1721, hoạt động mà không cần sự trợ giúp của máy bơm. Kỹ sư thủy lực người Nga Vasily Tuvolkov (năm 1697- 1727) đã phát minh ra cách đảm bảo nguồn cung cấp nước không bị gián đoạn. Ông đã xây dựng đập chứa nước, một con kênh dài 24km, hệ thống cống và hồ để dẫn nước đến Đài phun nước chính và các đài phun nước khác vào năm 1726 và 1734. 

18. Quần thể Cung điện và Công viên «Sobstvennaya Dacha»
Quần thể Cung điện và Công viên «Sobstvennaya Dacha» (Palace and Park Ensemble «Sobstvennaya Dacha», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 018) có diện tích 66ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 21km, nằm trên bờ phía nam của Vịnh Phần Lan; kề liền Quần thể Cung điện, Công viên của Thị trấn Peterhof.
Đây là một cung điện nhỏ thuộc sở hữu của Nữ hoàng Elizabeth Petrovna (trị vì năm 1741- 1762), được xây dựng vào năm 1727.
Quần thể Cung điện và Công viên «Sobstvennaya Dacha» nằm cách Khu vườn Hạ (Lower Park) tại Peterhof 3 km về phía tây.
Cung điện cao 2 tầng bằng đá, tương tự như Cung điện Marly ở Peterhof, được xây dựng theo lệnh của Nữ hoàng Elizabeth để tưởng nhớ người cha vĩ đại của bà. Ngoài ra, tại đây còn có một nhà phụ bằng gỗ lớn dành cho nhân viên, nhà bếp bằng gỗ và một trang trại. Gần đó có một nhà thờ nhỏ.
Cung điện được sửa chữa nhiều lần và bổ sung các trang trí mới. Trong Cung điện có thư viện, phòng làm việc, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm…Trang trí tường, đồ nội thất, tranh vẽ, bộ đồ sứ và tượng nhỏ đều được thực hiện theo phong cách Rococo. 
Công viên phía trước Cung điện với các đài phun nước, vườn cây với các tượng trang trí.
Cung điện, Nhà thờ và Công viên đã bị phá hủy trong Chiến tranh Thế giới 2. Công trình được phục hồi vào năm 2014. 


Mặt trước Cung điện «Sobstvennaya Dacha»,
St Petersburg, Nga 

19. Quần thể Cung điện và Công viên «Sergievka»
Quần thể Cung điện và Công viên «Sergievka» (Palace and Park Ensemble «Sergievka», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 019) diện tích 105,7ha; nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 22km, nằm trên bờ phía nam của Vịnh Phần Lan; kề liền Quần thể Cung điện, Công viên của Thị trấn Peterhof và Quần thể Cung điện và Công viên «Sobstvennaya Dacha».
Khu đất được đặt theo tên của chủ sở hữu đầu tiên Sergei Petrovich Rumyantsev, con trai của Thống chế Pyotr Aleksandrovich Rumyantsev-Zadunaysky.
Năm 1838, Hoàng đế Nicholas I đã mua lại khu đất trang trại này để làm quà cưới cho con gái Maria Nikolaevna, kết hôn với Công tước Leuchtenberg.
Việc tạo ra một công viên tráng lệ được thực hiện bởi bậc thầy làm vườn P.I. Erler.
Cung điện cao 2 tầng theo phong cách của Chủ nghĩa Tân cổ điển (Neoclassicism), được Andrei Ivanovich Stakenschneider (kiến trúc sư người Nga,năm 1802- 1865) xây dựng vào những năm 1839-1842. Cung điện giống như một biệt thự cổ được bao quanh bởi các sân hiên phòng trưng bày. Để tăng cường hiệu ứng, những mảnh vỡ cổ đích thực đã được gắn vào các bức tường của cung điện. 
Cung điện nhìn ra Vịnh Phần Lan, được bao quanh bởi những luống hoa, sân thượng được trang trí bằng cây leo. Một dãy ao với đập và cầu được bố trí trong công viên, phù hợp với dòng suối chảy dọc theo khe núi. Tại Cung điện và trong Công viên, nhiều tác phẩm điêu khắc và tượng đã được dựng lên. Một trong những tác phẩm điêu khắc đáng chú ý là một tảng đá khổng lồ với với khuôn mặt của một anh hùng vô danh được khắc trên đó. 
Công viên và Cung điện bị hư hại nặng nề trong Chiến tranh Thế giới thứ 2, sau đó đã được phục hồi. 


Phối cảnh Cung điện «Sergievka»,
St Petersburg, Nga


Đầu tượng trong Công viên «Sergievka»,
St Petersburg, Nga 

20. Quần thể Cung điện và Công viên tại Lomonosov
Quần thể Cung điện và Công viên tại Lomonosov (Palace and Park Ensembles of the Town of Lomonosov, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 020) có diện tích 862,9ha. Thị trấn Lomonosov (trước năm 1948 có tên là Oranienbaum) là một thị trấn thuộc quận Petrodvortsovy, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 25km, nằm trên bờ phía nam của Vịnh Phần Lan; kề liền Quần thể Cung điện và Công viên «Sobstvennaya Dacha». Thị trấn có số dân khoảng 38 ngàn người (năm 2002).
Di sản có 7 công trình: 

Trung tâm lịch sử của Lomonosov (Oranienbaum), bao gồm Cung điện và Quần thể Công viên của Công viên Thượng và Vườn Hạ
Trung tâm lịch sử của Thị trấn Lomonosov (Oranienbaum), bao gồm Cung điện và Quần thể Công viên của Công viên Thượng và Vườn Hạ (Historical Centre of the Town of Lomonosov /Oranienbaum, including the Palace and Park Ensemble of the Upper Park and Lower Garden, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020a) có diện tích 757ha.
Năm 1707, bốn năm sau khi thành lập Saint Petersburg, Peter Đại đế đã ban khu đất gần bờ biển cho trợ lý chính của mình là Aleksandr Danilovich Menshikov (hoàng tử Nga, năm 1673- 1729).
Menshikov đã ủy quyền cho kiến ​​trúc sư Giovanni Maria Fontana (kiến trúc sư người Thụy Sĩ gốc Ý, năm 1670 – 1712) và Gottfried Schädel (kiến trúc sư người Đức, năm 1680 – 1752) xây dựng Cung điện Grand Menshikov (Grand Menshikov Palace).
Cung điện nằm gần Vườn Hạ (Lower Garden), có trục hợp thành là một con kênh dẫn ra biển. 
Phần trung tâm của Cung điện được kết nối bởi hai phòng trưng bày với hai Nhà thờ Nhật Bản và Nhà thờ có mái vòm. Vườn Hạ, được trang trí bằng đài phun nước và tác phẩm điêu khắc, và Công viên Thượng  (Upper Park) được xây dựng cùng một lúc. 
Hoàng tử Menshikov bị phế truất ngay sau cái chết của Peter Đại đế và chết trong cuộc sống lưu vong. Gia đình ông rời bỏ Cung điện. Năm 1743, Khu vực Oranienbaum trở thành nơi ở mùa hè của Đại công tước Peter Fedorovitch, người thừa kế của Hoàng hậu Elizabeth (trị vì năm 1741 – 1762). Trong mười năm cuối cùng của triều đại Elizabeth, Bartolomeo Francesco Rastrelli (kiến trúc sư người Pháp, năm 1700 – 1771) đã xây dựng lại Cung điện Hoàng gia, tô điểm thêm vẻ đẹp trang trí.
Từ năm 1756 đến năm 1762, kiến ​​trúc sư Antonio Rinaldi đã xây dựng quần thể Pháo đài Peterstadt bên bờ sông Karost cho Đại công tước Peter Fedorovitch. 
Năm 1762, Hoàng hậu Catherine II ra lệnh xây dựng một dinh thự ở vùng ngoại ô mang tên  "My Own Countryside House" (Ngôi nhà quê của tôi). Vì mục đích đó, Rinaldi đã xây dựng: Lâu đài Trung Hoa (Chinese Palace, vào năm 1762–1768), một sự kết hợp giữa kiến ​​trúc 
Baroque, Chủ nghĩa Cổ điển (Classicism) và các mô típ Trung Quốc; Tòa nhà mang tên Katalnaya Gorka, một gian hàng mái vòm ( xây dựng năm 1762–1774); Cổng Danh dự (Gates of Honor) với một ngọn tháp. 
Công viên Thượng được xây dựng từ năm 1750 đến 1770.
Vào thế kỷ 19, Trung tâm lịch sử của Thị trấn Lomonosov (Oranienbaum) trở thành một trang viên quý tộc. Sau Chiến tranh Thế giới II, Trang viên trở nên hoang tàn, chỉ được phục hồi vào cuối những năm 1990. 


Nhìn từ trên cao Cung điện Grand Menshikov, Oranienbaum,
Lomonosov, St Petersburg, Nga


Lâu đài Trung Hoa, Oranienbaum,
Lomonosov, St Petersburg, Nga 

Điền trang Mordvinov
Điền trang Mordvinov (Mordvinov's Estate, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020b) có diện tích 51,2ha, là một trong những điền trang nổi tiếng nhất tại Thị trấn Lomonosov. Các công trình trong điền trang được xây dựng vào thế kỷ 18 –19. Điền trang trải qua nhiều chủ sở hữu. Năm 1822, phần phía tây của Điền trang đã được mua bởi Nikolai Semyonovich Mordvinov, một đô đốc chỉ huy hải quân Nga. Sau thời gian này, Điền trang được mở rộng và xây dựng bổ sung thêm một số công trình. Con cháu của Mordvinov sở hữu bất động sản cho đến năm 1917. Sau đó, Điền trang được sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau. Các công trình xuống cấp. Hiện chỉ còn sót lại một số công trình như nhà kính, tháp nước. 

Điền trang Zubov «Otrada»
Điền trang Zubov «Otrada» (Zubov's Estate «Otrada», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020d) có diện tích 12,1ha nằm tại phía nam Vịnh Phần Lan. Đây là mảnh đất được Peter Đại đế ban cho Gavriil Ivanovich Golovkin (năm 1660-1734, chính khách Nga, chủ trì các vấn đề đối ngoại của Đế quốc Nga). Điền trang gồm một biệt thự, bãi chăn gia súc, đất canh tác và một xóm nhỏ của một số hộ gia đình nông dân. Điền trang trải qua nhiều chủ sở hữu và được cải tạo và xây dựng bổ sung nhiều công trình. Điền trang được bao quanh bởi một công viên cảnh quan.
Vào mùa hè năm 1887, Điền trang thuộc quyền sở hữu của Bá tước Plato Alexandrovich Zubov (năm 1835-1890). Bá tước Zubov có một khối tài sản lớn - chỉ riêng đất đai mà ông có hơn 56,8 nghìn ha và một số biệt thự ở St. Petersburg. Điền trang của dòng họ Zubov được gọi là "Otrada". Năm 1919, Điền trang đã được quốc hữu hóa. 

Ngôi nhà nông thôn của Maximov (Maximov's Datcha, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020c) có diện tích 10,5ha.

Điền trang Ratkov-Rozhnov'a «Dubki»( Ratkov-Rozhnov'a Estate «Dubki», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020e) có diện tích 13,1ha.

Điền trang của SKGrieg «Sans Ennui»( S.K.Grieg's Estate «Sans Ennui», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020f) có diện tích 13ha.

Khu nhà nông thôn của Bệnh viện (Datcha of the Hospital, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 020g) có diện tích 6ha. 

21. Thị trấn khoa học- Viện sinh lý học IPPavlov
Thị trấn khoa học - Viện sinh lý học IPPavlov (Scientific Town-Institution of Physiologist I.P.Pavlov, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 021) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Russian Academy of Sciences) có diện tích 29,2ha, nằm tại phía đông trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km. 
Phần lớn các phân khu của Viện Sinh lý học được đặt tại thị trấn khoa học Koltushi của Quận Vsevolozhsky.
Đây là một viện nghiên cứu và là trung tâm điều phối nghiên cứu sinh lý học động vật và con người. Viện được thành lập vào năm 1925 theo sáng kiến của I. P. Pavlov (năm 1849- 1936, nhà sinh lý học, tâm lý học, thày thuốc người Nga, giải Nobel sinh lý và Y khoa năm 1904 cho nghiên cứu liên quan đến hệ thống tiêu hóa; giám đốc đầu tiên của Viện). 


Phối cảnh tòa nhà
Viện sinh lý học IPPavlov, St Petersburg, Nga 

22. Quần thể Datcha Zinoviev (Điền trang «Bogoslovka»)
Quần thể Datcha Zinoviev hay Điền trang «Bogoslovka» (Ensemble of the Zinoviev's Datcha/ Estate «Bogoslovka», bản vẽ ký hiệu 540 - 022) có diện tích 83,1ha, tại quận Vsevolozhsky, nằm tại phía đông nam trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km, tại hữu ngạn sông Neva.
Tại đây có Nhà thờ Đức Mẹ (Church of the Intercession of the blessed virgin Mary) là một di tích độc đáo về kiến trúc nhà thờ dạng kiến trúc cổ bằng gỗ của thế kỷ XVIII. 


Điền trang «Bogoslovka» với Nhà thờ Đức Mẹ bằng gỗ,
St Petersburg, Nga 

23. Điền trang Shuvalov tại Pargolovo
Điền trang của Shuvalov (EAVorontsova-Dashkova) tại Pargolovo (Shuvalov's /E.A.Vorontsova-Dashkova - Estate «Pargolovo», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 023) có diện tích 149,9ha.
Điền trang của Shuvalov nằm tại thị trấn Pargolovo, quận Vyborgsky, nằm tại phía bắc trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 15km.
Nhà Shuvalov là tên của một gia đình quý tộc Nga, xuất hiện từ thế kỷ 16. Gia đình Shuvalov đã trở nên nổi tiếng dưới thời trị vì của Nữ hoàng Elizabeth (trị vì năm 1741- 1762) và được nâng lên hàng bá tước vào năm 1746.
Nơi ở của gia đình Shuvalov bao gồm ba tòa nhà ở Saint Petersburg (Dinh thự Shuvalov/ Shuvalov Mansion; Cung điện Moika/Moika Palace; Cung điện Naryshkin-Shuvalov/Naryshkin-Shuvalov Palace) và Điền trang Shuvalov.
Dòng họ Shuvalov đã được Hoàng hậu Elizabeth ban cho khu đất vào năm 1746. Tại đây, một cung điện kiểu Baroque đã được xây dựng lại theo kiểu Tân cổ điển. Chủ sở hữu cuối cùng của Điền trang là Bá tước 
Illarion Ivanovich Vorontsov-Dashkov (năm 1837 – 1916), ông đã cho xây dựng một cung điện nhỏ hơn, Cung điện Vorontsov-Dashkov (Vorontsov-Dashkov Palace). Công trình do Harald Julius von Bosse (kiến trúc sư người Nga, năm 1812- 1894) thiết kế. Ngoài ra, vào thế kỷ 19, tại đây cũng xây dựng bổ sung một nhà thờ.
Điền trang của Shuvalov có một mạng lưới các hồ và nhà nghỉ bằng gỗ. 


Cung điện Vorontsov-Dashkov,
Pargolovo, St Petersburg, Nga 

24. Điền trang Levashov – Viazemsky tại Osinovaya Roshcha
Điền trang Levashov – Viazemsky tại làng Osinovaya Roshcha (Levashov's, Viazemsky's «Osinovaya Roshcha», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 024)diện tích 241,3ha.
Điền trang nằm tại ngã ba đường cao tốc Vyborgskoye và Priozerskoye, nằm tại phía bắc trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km.
Trang viên được xây dựng theo lệnh của Công chúa E. N. Lopukhina (năm 1763- 1839) bởi V. I. Beretti (kiến trúc sư Ý, năm 1781 – 1842) vào năm 1828-1830. Trang viên bằng gỗ và các công trình phụ được hình thành trong thời đại của Chủ nghĩa Cổ điển Nga.
Năm 1847, Hoàng tử P. P. Lopukhin (năm 1790 – 1873) bán khu đất cho Bá tước V. V. Levashov (năm 1783 - 1848). Chủ sở hữu tư nhân cuối cùng của khu đất là Hoàng tử B. L. Vyazemsky (1883 – 1917). Vào thời Xô Viết, điền trang được sử dụng cho quân đội và sau đó chuyển thể thành nhà nghỉ. Công trình bị hỏa hoạn thiêu rụi và hiện chưa được phục hồi. 


Ảnh Điền trang Levashov – Viazemsky,
St Petersburg, Nga, vào năm 1823- 1830 

25. Bờ biển phía Bắc
Bờ biển phía Bắc (Northern Coast, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 025) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 1115,6ha, gồm 6 công trình: 

Dinh thự Steinbok-Fermor
Dinh thự Steinbok-Fermor (Steinbok-Fermor's Estate, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 025a) diện tích 19,2ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 5km, trên bờ bắc của vịnh Phần Lan.
Tòa nhà ban đầu được xây dựng vào những năm 1730. Tòa nhà có hai mặt tiền, một mặt nhìn ra lối đi dạo ven vịnh Phần Lan (Promenade des Anglais) và mặt kia nhìn ra Phố Galernaya, thuộc gia đình Hoàng gia.
Vào thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, dinh thự đã nhiều lần đổi chủ. Vào cuối năm 1837, nó đã được gia đình Stenbock-Fermor thuộc tầng lớp quý tộc Eastsee mua lại. Dinh thự đã được xây dựng lại theo phong cách Cổ điển. Năm 1905, công trình được xây dựng lại một phần. Ngày nay, Dinh thự trở thành một phần của Viện Hội họa, Điêu khắc và Kiến trúc mang tên IE Repin (Institute of Painting, Sculpture and Architecture named after I.E. Repin) của Học viện Nghệ thuật Nga (Russian Academy of Arts). 

Làng Olgino
Làng Olgino (Village of Olgino, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 025b) có diện tích 349,6ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 5km, trên bờ bắc của vịnh Phần Lan; kề liền Dinh thự Steinbok-Fermor. Đây là khu vực lịch sử ở thành phố Lakhta-Olgino Okrug. Khu đất này này thuộc sở hữu của Bá tước Stenbock-Fermor, người gốc Thụy Điển vào giữa thế kỷ 19. Ông đã đặt cho cho địa danh này theo tên của vợ ông là Olga. Vào đầu thế kỷ 20, Olgino trở thành một khu dân cư với khoảng 150 ngôi nhà mùa đông (dacha) thịnh vượng ở phía bắc cố đô nước Nga.  

Công viên «Nearest Dubki» (Park «Nearest Dubki», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 025c) có diện tích 11,4ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 15km, trên bờ bắc của vịnh Phần Lan. 

Công viên «Dubki»
Công viên «Dubki» (Park «Dubki», trên sơ đồ ký hiệu 540 – 025d) có diện tích 67,9ha, nằm tại phía tây bắc trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 30km, trên bờ bắc của vịnh Phần Lan, ở Sestroretsk. Công viên là khu rừng sồi, được thành lập bởi Peter Đại đế vào năn 1717, nhằm khai thác gỗ để đóng tàu. Đây là một di tích kiến trúc cảnh quan của thế kỷ 18. Trong Công viên còn có biệt thự ngoại ô, đập bảo vệ, đào ao nhân tạo. Năm 1727, sau một trận lụt và bão, công viên và biệt thự bị hư hại. Các tòa nhà trở thành nhà kho. Vào năm 1741- 1743, một số bức tường phòng thủ được dựng lên trong công viên để bảo vệ khỏi sự tấn công của quân đội Thụy Điển. Năm 1948-1950, công viên được trùng tu. 

Hồ Sestroretsky Razliv
Hồ Sestroretsky Razliv (Sestroretsky Razliv, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 025e ) trong phạm vi Khu vực Di sản có diện tích 456,7ha, nằm tại phía tây bắc trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 30km, trên bờ bắc của vịnh Phần Lan, kề liền Công viên «Dubki». Hồ được hình thành vào năm 1817, sau khi người ta xây dựng một đập ngăn nước trên sông Sestra (dài 74km, xuất phát từ khu vực đầm lầy ven làng Lesnoye, chảy qua mũi đất Karelia; cho tới đầu thế kỷ 19 nó đã từng đổ vào Vịnh Phần Lan) để phục vụ cho nhu cầu của nhà máy sản xuất vũ khí tại Sestroretsk. Hồ sâu khoảng 2m. Kể từ đó, sông Sestra đổ nước vào hồ chứa nước này. Hồ Razliv được ngăn cách với vịnh Phần Lan bằng một đụn cát nhân tạo. Lượng nước dư thừa được cho chảy vào vịnh Phần Lan thông qua một kênh đào dài 4,8 km. 

Thị trấn Terioki
Thị trấn Terioki (Zelenogorsk, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 025f) có diện tích 210,8ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 50km, thuộc quận Kurortny của thành phố St. Petersburg, nằm ở một phần của eo đất Karelian trên bờ bắc vịnh Phần Lan. Dân số: 14.958 người (năm 2010). Từ 1323 đến 1721, khu vực Zelenogorsk là một phần của Thụy Điển; được nhượng lại cho Nga vào năm 1721. Cho đến năm 1917, Terijoki là một phần của Đại công quốc Phần Lan, sáp nhập vào Liên Xô năm 1944. 


Bờ biển Vịnh Phần Lan tại Zelenogorsk, St Petersburg, Nga

26. Khu tưởng niệm họa sĩ I.Repin – Biệt thự Penate
Khu tưởng niệm họa sĩ I.Repin – Biệt thự Penate của (I.Repin Estate «The Penates», trên sơ đồ ký hiệu 540 - 026) có diện tích 3,8ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 45km, trên bờ bắc của Vịnh Phần Lan. Ilya Yefimovich Repin (năm 1844- 1930) là một họa sĩ người Nga nổi tiếng nhất ở Nga trong thế kỷ 19. Họa sĩ Ilya Repin định cư ở đây năm 1899, tự thiết kế ngôi nhà của mình và gọi nó là “Penaty” (Penaty- vị thần hộ mệnh của người La Mã). Ông đã sống trong Biệt thự này trong 30 năm cuối đời. Hơn ba trăm tác phẩm nghệ thuật của Ilya Repin, bạn bè và học trò của ông được trưng bày tại đây. Khu tưởng niệm bao gồm: Biệt thự, khu vườn xung quanh và ngôi mộ của Ilya Repin.  


Phối cảnh Biệt thự Penate, Khu tưởng niệm họa sĩ I.Repin,
St Petersburg, Nga 

27. Nghĩa trang của làng Komarovo
Nghĩa trang của làng Komarovo (Cemetery of the Village of Komarovo, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 027) có diện tích 1,1ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 45km. Đây một trong những nghĩa trang lớn nhất và lâu đời nhất không thuộc địa phận của các nhà thờ Chính thống giáo (Eastern Orthodox Church) tại Saint Petersburg. Người ta ước tính rằng hơn 100.000 người đã được chôn cất tại nghĩa trang này kể từ năm 1773.
Từ cuối năm 1771 đến năm 1772, Catherine Đại đế (Catherine the Great, Hoàng hậu, trị vì năm 1762- 1796),  đã ban hành một sắc lệnh quy định rằng, kể từ thời điểm đó, người chết (bất kể địa vị xã hội hay nguồn gốc giai cấp) không còn quyền được chôn cất trong hầm mộ nhà thờ hoặc nghĩa địa liền kề. Các nghĩa trang mới phải được xây dựng trên toàn bộ Đế quốc Nga và phải nằm bên ngoài giới hạn thành phố. Đây là biện pháp tránh tình trạng quá tải trong các hầm mộ và nghĩa địa của nhà thờ cũng như để ngăn bùng phát thêm các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dịch hạch đen đã dẫn đến Bạo loạn bệnh dịch hạch  Moscow năm 1771. 

28. Khu rừng bảo tồn Lindulovskaya Roshcha
Khu rừng bảo tồn Lindulovskaya Roshcha (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 028) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 355,4ha, nằm tại phía tây trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 60km. Đây là khu bảo tồn đồn điền nhân tạo lâu đời nhất trồng cây thông tùng Siberia (lat. Larix sibirica Ledeb ) ở Nga và Châu ÂuKhu đồn điền nay được hình thành vào năm 1734 theo sắc lệnh của Peter Đại đế, cung cấp gỗ đóng tàu cho Nhà máy đóng tàu Kronstadt. Các gốc cổ thụ được bảo tồn trên diện tích 23,5 ha và bao gồm hơn 4.000 cây gỗ, cao 38–42 m, đường kính thân 49–52 cm 

29. Sông Neva với các bờ kè
Sông Neva với các bờ kè (Neva River with Banks, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 029) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 5473,7ha, dài 74km. Neva là con sông duy nhất chảy từ hồ Ladoga, qua thành phố Saint Petersburg, ba thị trấn nhỏ hơn là ShlisselburgKirovsk và Otradnoye, cùng hàng chục khu định cư đến Vịnh Neva của Vịnh Phần Lan. Con sông đóng một vai trò quan trọng trong giao thương giữa Byzantium (Constantinople vào cuối thời Hy Lạp cổ đại và Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và Scandinavia (thường dùng để chỉ Đan Mạch, Na Uy và Thụy Điển). Dọc theo sông Neva tại Saint Petersburg có nhiều bờ kè, trong đó có các bờ kè nổi tiếng như:
Kè Đô đốc (Admiralty Embankment) hiện là một con phố dọc theo sông Neva ở Trung tâm Saint Petersburg, được đặt theo tên của Ủy ban Đô đốc. 
Kè English (English Embankment) là một con phố dọc theo sông Neva ở Trung tâm Saint Petersburg. Trong lịch sử, đây là một trong những con phố thời trang nhất ở Saint Petersburg.

Kè Kutuzov (Kutuzov Embankment).
Kè Cung điện (Palace Embankment) là một con phố dọc theo sông Neva ở Trung tâm Saint Petersburg, nơi có quần thể các tòa nhà Bảo tàng Hermitage (Hermitage Museum) bao gồm cả Cung điện Mùa đông (Winter Palace), Nhà hát Hermitage (Hermitage Theatre), Cung điện Cẩm thạch (Marble Palace), Cung điện Vladimir (Vladimir Palace), Cung điện Michael mới (New Michael Palace) và Khu Vườn mùa hè (Summer Garden).
Kè Đại học (Universitetskaya Embankment), một bờ kè dài 1,2 km ở hữu ngạn sông Bolshaya Neva, trên đảo Vasilievsky. Bắt đầu từ Mũi đất của Đảo Vasilievsky (Spit of Vasilievsky Island), kéo dài giữa Cầu Cung điện (Palace Bridge) và Cầu Blagoveshchensky… 


Sông Neva và hệ thống kè, cầu ở Saint Petersburg, Nga
 

30. Dãy núi Izhorsky (Glint)
Dãy núi Izhorsky - Glint (Izhorsky Bench – Glint, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 030) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 2473,7ha, nằm tại Cao nguyên Izhorsky; một địa hình cao 176m so với mực nước biển trên nền đá vôi Ordovic ở phía tây nam của Saint-Petersburg. Núi được đặt theo tên của Izhora, một bộ tộc Finno-Ugric sống lâu đời trên những ngọn núi tại đây. 

31. Cao nguyên Dudergofskie
Cao nguyên Dudergofskie (Dudergofskie Heights/ Duderhof Heights / Duderhof Hills, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 031) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 853,8ha, là một khu vực cao nguyên nhỏ ở phía tây nam của Saint Petersburg. Cao nguyên Duderhof có 3 gò núi:
Gò núi Dudergofskaya (Dudergofskaya Elevation, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 031a), diện tích 280,1ha;
Gò núi Krasnoe Selo (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 031b, diện tích 522,5ha;
Gò núi Dudergof (Mohzaisky, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 031c), diện tích 123,7ha. 


Toàn cảnh cao nguyên Dudergofskie,
St Petersburg, Nga 

32. Vùng núi Koltushskaya
Vùng núi Koltushskaya (Koltushskaya Elevation, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 032) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 113,9ha, thuộc làng Koltushi, quận Vsevolozhsk, nằm tại phía đông trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km. Vùng núi có chiều dài từ bắc xuống nam là 25km, từ tây sang đông 6km. Vùng núi nổi lên so với vùng đất thấp xung quanh với chiều cao tối đa của gò đồi đạt tới 78m so với mực nước biển. Tại đây có nhiều hồ kín, lớn nhất là hồ Koltushskoe, diện tích 3ha, sâu tối đa 4m. Đây là nơi sinh sống của người bản địa Ingrians (Phần Lan) từ những năm 1500. 

33. Vùng núi Yukkovskaya
Vùng núi Yukkovskaya (Yukkovskaya Elevation, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 033) thuộc phạm vi Di sản có diện tích 507,8ha, nằm tại phía bắc trung tâm St. Petersburg, cách khoảng 20km.
Đây là vùng núi được hình thành bởi các núi băng lưu lại trong lòng một con sông cổ cách đây 10 ngàn năm. Đây là nơi sinh sống của vài trăm người bản địa Ingrians (Phần Lan). Vùng đất có độ cao khoảng 40 – 80m so với mực nước biển. Đây cũng là nơi có nhiều cảnh quan tự nhiên gắn với một số lượng lớn các hồ xen kẽ với các khu rừng. 

34. Những tuyến đường chính
Thuộc phạm vi Di sản có 14 tuyến đường chính (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034):

Quốc lộ Moskovskaya (Moskovskaya Road, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034a), diện tích 135,2ha.
Đường cao tốc Kievskoe (Kievskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034b).
Ga đường sắt Saint Petersburg – Pavlovsk (
Railway Saint Petersburg – Pavlovsk, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034c): Được khai trương vào năm 1838, cùng với việc xây dựng tuyến đường sắt Tsarskoye Selo đầu tiên của Đế chế Nga từ Saint-Petersburg đến Pavlovsk. Tòa nhà bị phá hủy trong Thế chiến II và được xây dựng mới lại vào năm 1955, cách Nhà ga cũ khoảng 60m.
Đường cao tốc Pushkin – Gatchina (
Highway Pushkin – Gatchina, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034d).
Đường cao tốc Volkhonskoye (
Volkhonskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034e).
Đường cao tốc Tallinskoe (
Tallinskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034f) diện tích 9,8ha.
Quốc lộ Peterhofskaya (
Peterhofskaya Road/ Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034g) diện tích 427,7ha.
Đường cao tốc Ropshinskoe (
Ropshinskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034h).
Đường cao tốc Gostilitskoe (
Gostilitskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034i).
Đường cao tốc Primorskoe (
Primorskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034j).
Quốc lộ Vyborgskaya (
Vyborgskaya Road, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034k) diện tích 250,9 ha, dài 10,3km.
Đường cao tốc Koltushskoe (
Koltushskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034l).
Ga tàu điện ngầm
Ligovsky (Ligovsky prospect/ former Ligovsky canal, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034m): Là một nhà ga trên Tuyến 4 (Tuyến Lakhtinsko-Pravoberezhnaya) tàu điện ngầm St Petersburg (Saint Petersburg Metro), khai trương vào năm 1991. Ga nằm tại độ sâu 66m.
Đường cao tốc Kronstadtskoe (Kronstadtskoe Highway, trên sơ đồ ký hiệu 540 – 034n) diện tích 76,5ha; dài khoảng 8km. 


Bên trong Ga tàu điện ngầm
Ligovsky, St Petersburg, Nga

35. Các luồng hàng hải
Thuộc phạm vi Di sản có 4 luồng hàng hải (Fairways, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 035):
Maritime Channel trên sơ đồ ký hiệu 540 – 035a): Chạy từ Saint Petersburg ra vịnh Phần Lan.
Petrovsky (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 035b): Chạy từ trung tâm Saint Petersburg ra Thị trấn Peterhof.
Kronstadtsky (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 035c): Chạy từ trung tâm Saint Petersburg ra đảo Kotlin (thị trấn Kronstadt).
Zelenogorsky (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 035d), diện tích 35,1ha: Chạy từ Thị trấn Peterhof tại phía nam bờ vịnh Phần Lan tới Thị trấn Terioki tại phía bắc bờ vịnh Phần Lan. 

36. Vành đai xanh vinh quang Leningrad
Vành đai xanh vinh quang Leningrad (Green Belt of Glory of Leningrad, trên sơ đồ ký hiệu 540 - 036) là một đài tưởng niệm chiến tranh bao quanh Saint Petersburg, kỷ niệm Cuộc vây hãm Leningrad trong Thế chiến II, năm 1941-1944. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1965, hoàn thành vào năm 1968. Vành đai bao gồm 80 đài tưởng niệm đặt dọc theo vòng vây dài 200km. Đài tưởng niệm bao gồm ngôi mộ tập thể, hầm ngầm, thiết bị chiến tranh…Một số đài tượng niệm chính gồm:
Blokade Ring (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 036a): Vành đai có hai đoạn: Đoạn phía bắc chạy từ phía bắc trung tâm St. Petersburg tới vịnh Phần Lan; Đoạn chạy vòng quanh phía nam và đông trung tâm St. Petersburg, từ vịnh Phần Lan ra hồ Ladoga.
Road of Life (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 036b): Vành đai chạy từ phía đông trung tâm St. Petersburg ra hồ Ladoga.
Oranienbaumsky Springboard (trên sơ đồ ký hiệu 540 – 036c): Vành đai chạy từ làng Gostilitsy tới Thị trấn Peterhof, phía nam vịnh Phần Lan. 


Tượng đài Blokade Ring,
Vành đai xanh vinh quang Leningrad, St Petersburg, Nga 

Di sản Trung tâm lịch sử Saint Petersburg và các nhóm di tích liên quan, Nga, ngay sau khi thành lập đã trở thành một quần thể hùng vĩ, một hiện tượng văn hóa xã hội với cảnh quan đô thị lịch sử có một không hai, biến nơi đây trở thành đô thị "Venice của phương Bắc" nổi tiếng thế giới. 
Sự vĩ đại, điểm thu hút của cố đô Saint Petersburg được đặc trưng bởi sự hài hòa hoàn hảo giữa kiến ​​trúc và môi trường cảnh quan. Saint Petersburg là biểu tượng và nền tảng của nền văn hóa Nga, gắn liền vĩnh viễn với những nhân cách và công trình sáng tạo có Giá trị phổ quát nổi bật. 

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/540/
https://en.wikipedia.org/wiki/Russia
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Petersburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Historic_Centre_of_Saint_Petersburg_and_Related_Groups_of_Monuments
https://en.wikipedia.org/wiki/Peter_and_Paul_Fortress
https://en.wikipedia.org/wiki/Kronverk
https://en.wikipedia.org/wiki/Vasilyevsky_Island
https://en.wikipedia.org/wiki/Admiralty,_Saint_Petersburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Palace_Square
https://en.wikipedia.org/wiki/Winter_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Field_of_Mars_(Saint_Petersburg)
https://en.wikipedia.org/wiki/Summer_Garden
https://en.wikipedia.org/wiki/Tauride_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Smolny_Convent
https://en.wikipedia.org/wiki/Alexander_Nevsky_Lavra
https://en.wikipedia.org/wiki/Saint_Michael%27s_Castle
https://en.wikipedia.org/wiki/New_Holland_Island
https://en.wikipedia.org/wiki/St._Nicholas_Naval_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Kazan_Cathedral,_Saint_Petersburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Great_Gostiny_Dvor
https://en.wikipedia.org/wiki/Kronstadt_Naval_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Kronstadt_Fortress
https://en.wikipedia.org/wiki/Shlisselburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Ladoga_Canal
https://en.wikipedia.org/wiki/Shlisselburg_Fortress
https://en.wikipedia.org/wiki/Catherine_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Alexander_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Tsarskoye_Selo
https://en.wikipedia.org/wiki/Pavlovsk_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Pavlovsk,_Saint_Petersburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Pulkovo_Observatory
https://en.wikipedia.org/wiki/Ropsha
https://rutraveller.ru/place/57772
https://en.wikipedia.org/wiki/Gostilitsy
https://en.wikipedia.org/wiki/Gatchina
https://en.wikipedia.org/wiki/Gatchina_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Coastal_Monastery_of_Saint_Sergius
https://en.wikipedia.org/wiki/Strelna
https://petersburg24.ru/eng/place/dvorczovo-parkovyj-ansambl-sergievka
https://en.wikipedia.org/wiki/Farm_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Petergof
https://en.wikipedia.org/wiki/Peterhof_Palace
https://en.wikipedia.org/wiki/Lomonosov,_Russia
https://en.wikipedia.org/wiki/Pargolovo
https://en.wikipedia.org/wiki/Oranienbaum,_Russia
https://petersburg24.ru/eng/place/dom-stenbok-fermorov-kapnistov
https://en.wikipedia.org/wiki/Olgino
https://en.wikipedia.org/wiki/Zelenogorsk,_Saint_Petersburg
https://en.wikipedia.org/wiki/Ilya_Repin
https://en.wikipedia.org/wiki/Volkovo_Cemetery
https://en.wikipedia.org/wiki/Neva_embankments
https://en.wikipedia.org/wiki/Duderhof_Heights
https://en.wikipedia.org/wiki/Pavlovsk_railway_station
https://en.wikipedia.org/wiki/Green_Belt_of_Glory

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ           

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi

  
Cập nhật ( 03/01/2023 )
 
Tin mới đưa:

“ Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả cũng là hỏng việc.

Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.

Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn luôn đi đôi với nhau”.

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com