Thông tin chung:
Công trình: Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus (Sanctuary of Asklepios at Epidaurus)
Địa điểm: Tỉnh Argolis, Vùng Peloponnesos, Hy Lạp (N37 40 0 E23 7 0)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 1.393,8 ha; diện tích vùng đệm 3.386,4 ha
Năm xây dựng: thế kỷ thứ 4 TCN
Giá trị: Di sản thế giới (1988; hạng mục i; ii; iii; iv; vi)
Hy Lạp (Greece) là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu, cực nam của Balkans; ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Hy Lạp có chung biên giới đất liền với Albania về phía tây bắc, North Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông bắc; giáp biển Aegean ở phía đông, biển Ionian ở phía tây, biển Cretan và Địa Trung Hải ở phía nam.
Hy Lạp có diện tích 131957km2, dân số khoảng 10,72 triệu người (năm 2019).
Hy Lạp ngày nay được phân thành 7 bang, 13 khu vực với 325 thành phố. Athens là thành phố thủ đô và lớn nhất, thuộc khu vực Attica.
Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic.
Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), Hy Lạp gồm nhiều thị quốc (thành bang) độc lập, được gọi là poleis (số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy), kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen.
Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian (Delian League, thành lập năm 478 TCN).
Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II (trị vì năm 359–336 TCN) của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế (Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN) nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp.
Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476) và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp.
Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox Church) xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp.
Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922). Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830.
Hy Lạp là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 18 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (đến năm 2019), trong đó có Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus (Sanctuary of Asklepios at Epidaurus), tỉnh Argolis, vùng Peloponnesos, nằm tại phía đông bán đảo Peloponnese.
Epidaurus là một đô thị (polis), trên bán đảo nhỏ Argolid, tại vịnh Saronic. Trung tâm của Epidaurus là thị trấn Lygourio. Đô thị Epidaurus có diện tích 340,4km2, nội thị khoảng 160.6km2. Dân số toàn đô thị khoảng 8,1 ngàn người (2011); dân số nội thị khoảng 3,9 ngàn người.
Bản đồ Hy Lạp và vị trí tỉnh Argolis, vùng Peloponnesos
Khu bảo tồn Asklepios/ Asclepieion tại Epidaurus nằm trong một thung lũng nhỏ. Các di tích chính của nó, đặc biệt là đền Asklepios, Tholos và Nhà hát, được coi là một trong những kiệt tác thuần túy nhất của kiến trúc Hy Lạp, có niên đại từ thế kỷ thứ 4 TCN. Địa điểm rộng lớn, với các đền thờ và viện điều dưỡng dành cho các vị thần chữa bệnh, cung cấp cái nhìn có giá trị sâu sắc về các giáo phái chữa bệnh thời Hy Lạp và La Mã.
Trong thần thoại Hy Lạp, Epidaurus là tên gọi cho thành phố nhỏ (Polis) lấy theo tên của Asclepius là Thần y, hậu duệ của Thần Apollo và Thần Coronis. Asclepius đại diện cho khía cạnh chữa bệnh của nghệ thuật y học. Các con gái của ông cũng là biểu tượng của ngành y: Hygieneia (Nữ thần sạch sẽ), Iaso (Nữ thần phục hồi sau bệnh tật), Aceso (Nữ thần quá trình chữa bệnh), Aegle (Nữ thần sức khỏe) và Panacea (Nữ thần phương thuốc vạn năng).
Asklepios có một cây gậy với con rắn quấn xung quanh, hiện vẫn là biểu tượng của y học. Những thày thuốc và người hậu cần phục vụ Thần Asklepios được gọi là Therapeutae (Therapeutae of Asclepius).
Vị thần chữa bệnh quan trọng nhất thời cổ đại Asclepius đã mang lại sự thịnh vượng cho Thánh địa Asklepios, vào thế kỷ 4 và 3 TCN. Danh tiếng và sự thịnh vượng của địa điểm này tiếp tục trong suốt thời kỳ Hy Lạp hóa. Trong giai đoạn tiếp sau, Thánh địa bị cướp biển và người La Mã phá hủy nhiều lần. Vào thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus đã trải qua một cuộc phát triển mới dưới thời người La Mã.
Ngay cả sau khi Cơ đốc giáo du nhập và sự im lặng của các vị thần Hy Lạp, Thánh địa tại Epidaurus vẫn được biết đến vào cuối thế kỷ thứ 5 như một trung tâm chữa bệnh của Cơ đốc giáo.
Epidaurus được nhiều người coi là nơi khai sinh ra nền y học hiện đại. Bắt đầu, đây chỉ như một đền thờ dành riêng cho Thần y học Asclepius.
Những người bị bệnh đến đây để được thần linh phù hộ. Qua nhiều năm, những người đàn ông thánh thiện tại địa điểm này đã bắt đầu sử dụng các loại thảo mộc và các kỹ thuật khác để chuyển đổi phương pháp điều trị từ thần thánh sang khoa học. Nhiều kiến thức được phát triển ở đây đã trở thành cơ sở cho những đổi mới y học trong tương lai.
Tàn tích của Thánh địa Asklepios được phát hiện tại các cuộc khai quật, gồm: Thành phần kiến trúc, bia miêu tả việc xây dựng và ghi chép các sự tích thánh, các tác phẩm điêu khắc bọc vàng, đồ gốm… được lưu trong Bảo tàng Khảo cổ học Epidaurus (Archaeological Museum of Epidaurus).
Sự phân bố các phương ngữ Hy Lạp trong thời kỳ cổ điển (thế kỷ 5- 4 TCN). Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus nằm tại khu vực theo phương ngữ Doric
Tượng Thần Asclepius với cây trượng rắn quấn, được trưng bày trong Bảo tàng Khảo cổ học Epidaurus, Hy Lạp
Bệnh nhân trong giấc ngủ được Thần y chữa bệnh tại Thánh địa Asklepios ở Epidaurus (Tranh sơn dầu của Ernest Board)
Tàn tích tại Thánh địa Asklepios được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Epidaurus
Thánh địa Asklepios ở Epidaurus là một minh chứng đáng chú ý cho các giáo phái chữa bệnh của Thế giới Cổ đại và là nhân chứng cho sự xuất hiện của khoa học y học.
Địa điểm này bao gồm một loạt các di tích cổ trải dài trên hai bậc nền và được bao quanh bởi cảnh quan thiên nhiên được bảo tồn. Trong số các di tích của Thánh địa (Sanctuary) có Nhà hát Epidaurus nổi bật, nổi tiếng với tỷ lệ kiến trúc hoàn hảo và âm thanh mẫu mực. Nhà hát, cùng với Đền Artemis, Asklepios, Tholos, Abaton (Enkoimeterion) và Cổng Propylaia, bao gồm một tổ hợp chặt chẽ các di tích minh họa ý nghĩa và sức mạnh của các vị thần chữa bệnh của thế giới Hy Lạp và La Mã.
Thánh địa Asklepios là một viện điều dưỡng có tổ chức sớm nhất và có ý nghĩa quan trọng đối với sự liên kết của nó với lịch sử y học, cung cấp bằng chứng về sự chuyển đổi từ niềm tin vào việc chữa bệnh bằng thần thánh sang khoa học y học.
Ban đầu, vào thiên niên kỷ thứ 2 TCN, đây là một địa điểm của các thực hành chữa bệnh theo nghi lễ với các hiệp hội chữa bệnh, sau đó đã được phong phú hóa thông qua các tôn giáo bắt nguồn từ việc thờ Thần Apollo Maleatas vào thế kỷ thứ 8 TCN và sau đó là thờ Thần Asklepios vào thế kỷ thứ 6 TCN. Thánh địa của hai vị thần được phát triển thành một trung tâm trị liệu quan trọng nhất của thế giới cổ đại.
Những thực hành này sau đó đã được lan truyền đến phần còn lại của thế giới Hy Lạp -La Mã. Thánh địa Asklepios do đó đã trở thành cái nôi của y học.
Trong số các cơ sở của thời kỳ cổ điển có các tòa nhà đại diện cho tất cả các chức năng của Thánh địa, bao gồm các giáo phái và nghi lễ chữa bệnh, thư viện, phòng tắm, thể thao, chỗ ở, viện điều dưỡng và nhà hát.
Địa điểm này là một trong những khu bảo tồn Hy Lạp cổ đại hoàn chỉnh nhất về thời cổ đại và có ý nghĩa quan trọng về sự sáng chói và ảnh hưởng của kiến trúc. Thánh địa của Epidaurus (với Nhà hát, Đền thờ Artemis và Asklepios, các Tholos, Enkoimeterion, Propylaia, Asklepios, Hestiatorion, Nhà tắm cũng như các cơ sở thể thao và viện điều dưỡng) là một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc Hy Lạp thế kỷ thứ 4 TCN.
Hình thức của các tòa nhà đã có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của kiến trúc Hy Lạp và La Mã.
Tòa nhà Tholos ảnh hưởng đến sự phát triển của kiến trúc Hy Lạp và La Mã, đặc biệt là thức cột Corinthian. Trong khi đó, tòa nhà Abaton (Enkoimeterion) và Propylaia đưa ra các hình thức phát triển hơn trong kiến trúc Hy Lạp. Thêm vào đó, hệ thống thủy lực phức tạp của Thánh địa là một ví dụ tuyệt vời về hệ thống cấp thoát nước quy mô lớn, minh họa cho kiến thức kỹ thuật quan trọng của xã hội cổ đại. Nhà hát được bảo tồn tinh xảo tiếp tục được sử dụng cho các buổi biểu diễn kịch cổ và giúp khán giả làm quen với tư tưởng Hy Lạp cổ đại.
Phối cảnh tổng thể Khu bảo tồn Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Hệ thống kênh dẫn nước tại Khu bảo tồn Khu bảo tồn Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, quận Argolis, vùng Peloponnesos, Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1988) với tiêu chí:
Tiêu chí ( i ): Nhà hát Epidaurus là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo kiến trúc của con người, được thiết kế bởi kiến trúc sư Polykleitos the Younger (nhà điêu khắc Hy Lạp cổ đại) và đại diện cho một thành tựu nghệ thuật độc đáo thông qua sự tích hợp đáng ngưỡng mộ vào địa điểm cũng như sự hoàn hảo về tỷ lệ và âm học của nó. Nhà hát đã được hồi sinh nhờ một lễ hội hàng năm được tổ chức tại đó từ năm 1955.
Tiêu chí ( ii ): Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus có ảnh hưởng đến tất cả các Thánh địa Asklepieia trong thế giới Hy Lạp, và sau đó, đến tất cả các khu bảo tồn Esculape (Asklepios) của La Mã.
Tiêu chí ( iii ): Nhóm các tòa nhà, bao gồm Thánh địa tại Epidaurus, là một bằng chứng đặc biệt cho tín ngưỡng chữa bệnh của thế giới Hy Lạp và La Mã. Các đền thờ và cơ sở điều dưỡng dành riêng cho những vị thần chữa bệnh tạo thành một quần thể thống nhất và hoàn chỉnh. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã đóng góp rất nhiều kiến thức chung về Quần thể này.
Tiêu chí ( iv ): Nhà hát, Đền thờ Artemis và Asclepius, Tholos, Enkoimeterion và Propylaia làm cho Thánh địa Epidaurus trở thành một ví dụ nổi bật về một quần thể kiến trúc Hy Lạp vào thế kỷ thứ 4 TCN.
Tiêu chí ( vi ): Sự xuất hiện của y học hiện đại trong một khu bảo tồn nổi tiếng về việc chữa cho những bệnh nhân nan y dựa trên tâm linh, minh họa trực tiếp và hữu hình sự tiến hóa chức năng của Thánh địa Epidaurus và được mô tả bởi những dòng chữ khắc trên tấm bia, hiện được lưu giữ trong Bảo tàng Khảo cổ học Epidaurus.
Sơ đồ phạm vi Di sản Khu bảo tồn Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Sơ đồ các hạng mục di tích chính tại Khu bảo tồn Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Phối cảnh các hạng mục di tích chính tại Khu bảo tồn Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, vùng Peloponnesos, Hy Lạp bao gồm các hạng mục di tích chính sau:
Thánh địa Asklepios
Thánh địa Asklepios là khu vực trung tâm của Quần thể Di sản.
Thánh địa Asklepios (Asclepieion) là một cụm công trình đền thờ chữa bệnh. Đây là tên gọi chung cho những ngôi đền chữa bệnh ở Hy Lạp – La Mã cổ đại, dành riêng Asclepius, bác sĩ- á thần đầu tiên trong thần thoại Hy Lạp. Asclepius được cho là một bác sĩ giỏi đến mức có thể làm cho người ta sống lại từ cõi chết. Vì vậy, những người hành hương đã đổ xô đến những ngôi đền thờ ông, để tìm kiếm sự chữa lành về tinh thần và thể chất.
Bắt đầu từ khoảng năm 350 TCN, việc sùng bái Thần y Asclepius ngày càng trở nên phổ biến. Ông được ngưỡng mộ vì đã phục vụ mọi người bất chấp giai cấp và địa vị xã hội của họ.
Hơn 300 Đền thờ Asklepios đã được phát hiện trên khắp Hy Lạp cổ đại. Những ngôi đền nổi tiếng nhất nằm tại Trikka, đảo Kos, Athens, Corinth, Pergamon và Epidaurus. Những ngôi đền này tạo thành thánh địa và thường nằm ở những vị trí hẻo lánh, được bao quanh bởi các nhà tắm, viện điều dưỡng.
Việc điều trị tại Thánh địa Asklepios dựa trên cách tiếp cận toàn diện để chăm sóc bệnh nhân. Trong đó nhấn mạnh liệu pháp thông qua môi trường tự nhiên, cũng như chăm sóc trạng thái tâm lý và cảm xúc của bệnh nhân; tập trung vào việc thúc đẩy lối sống lành mạnh, đặc biệt chú trọng đến nhu cầu tâm linh của mỗi người. Qua đó, cơ chế bản năng tự chữa bệnh của mỗi bệnh nhân được kích hoạt và thúc đẩy quá trình hồi phục. Do vậy các địa điểm xây dựng Thánh địa Asklepios đều được lựa chọn cẩn thận.
Để được nhận vào điều trị trong Thánh địa Asklepios, đầu tiên bệnh nhân thực hiện cầu nguyện, tế lễ hoặc tặng quà. Tiếp đó, bệnh nhân trải qua điều trị sơ bộ là tẩy tế bào chết, hay còn gọi là thanh lọc, bao gồm một loạt các đợt tắm và tẩy rửa, kèm theo một chế độ ăn uống cũng như hoạt động nghệ thuật. Quá trình này kéo dài vài ngày.
Sau khi được tiếp nhận điều trị, bệnh nhân được bố trí ngủ trong ký túc xá (Abaton) của Thánh địa với kỳ vọng rằng sẽ được chính Thần Asclepius hoặc một trong những đứa con thần y của ông đến thăm trong giấc mơ của họ.
Khi tỉnh dậy, bệnh nhân giải thích giấc mơ cho các vị linh mục (đồng thời cũng là người quản lý của Thánh địa). Trong Thánh địa có nhiều vị linh mục, nhưng chỉ có vị linh mục cấp cao mới được giải thích giấc mơ, giúp bệnh nhân thoải mái tâm trí, tạo cho họ một cái nhìn tích cực và kê đơn phương pháp chữa trị, thường là đến nhà tắm hoặc phòng tập thể dục.
Phương pháp chữa bệnh này được thể hiện rõ qua rất nhiều lời kể bằng văn bản của các bệnh nhân chứng thực và cung cấp các bản tường thuật chi tiết về cách chữa bệnh của họ.
Trong Thánh địa Asclepieion tại Epidaurus có 3 tấm bảng lớn bằng đá cẩm thạch, niên đại năm 350 TCN, lưu giữ tên tuổi, lịch sử chữa trị của khoảng 70 bệnh nhân.
Tại đây cũng chữa bệnh bằng phẫu thuật, như mở áp xe bụng hoặc loại bỏ vật lạ do chấn thương. Bệnh nhân được gây mơ bằng trạng thái ngủ (enkoimesis) với sự trợ giúp của các chất dinh dưỡng gây mê (tương tự như thuốc phiện).
Trong các Thánh địa Asclepieion thường xuất hiện những con chó và rắn không độc (loại rắn nước Aesculapian, được thuần hóa), được cho là đi cùng Thánh y, và cũng có một vai trò nào đó trong các hoạt động chữa bệnh (liếm vào vùng bị thương hoặc đau trên cơ thể, ví dụ như liếm mắt người mù và thị lực được phục hồi).
Tranh vẽ miêu tả bệnh nhân phục hồi vết thương ở chân nhờ rắn thiêng tại Tòa nhà Abaton, Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Sơ đồ mặt bằng một số công trình chính tại Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Mô hình Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Cổng vào Thánh địa Asklepios
Khu vực Thánh địa có hai cổng vào chính: Một cổng từ phía bắc và một cổng từ phía nam.
Cổng phía bắc (Sacred Way) là điểm kết thúc của Con đường Thiêng liêng, nối từ thị trấn Palaia Epidauros, trên bờ vịnh Saronic (Saronic Gulf) tới Thánh địa Asclepieion, dài khoảng 11km.
Tàn tích Cổng phía bắc vào Thánh địa Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Cổng phía nam (Propylon/ Propylaia) là một tòa nhà có mặt bằng chữ nhật, bố cục theo hướng bắc – nam. Mặt bắc và nam cổng là hàng hiên với 6 cột phong cách Ionic. Mặt đông và tây là tường. Trung tâm Tòa cổng là một không gian hình chữ nhật, được bao quanh bởi các hàng cột Corinthian với tổng cộng 14 cột.
Lối vào cổng tại mặt nam và bắc có hai đường bậc dốc từ sân. Cạnh tàn tích cổng hiện còn lưu giữ tàn tích của các giếng nước. Hiện tại, một số cột của Cổng đã được phục dựng lại.
Sơ đồ mặt bằng Cổng phía nam (Propylon) Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Phối cảnh Cổng phía nam (Propylon), Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp; Phần phía trên ảnh là Tòa nhà Hestiatorion
Phối cảnh một góc được phục dựng lại của Cổng phía nam (Propylon), Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Giếng Thiêng
Giếng Thiêng (Sacred Well, hình vẽ ký hiệu 1) sau này được hợp nhất vào Tòa nhà Abaton (Ký túc xá cho người đến chữa bệnh).
Giếng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chữa bệnh, bao gồm việc làm sạch và thông thoáng, hay thôi miên cho bệnh nhân.
Giếng hiện chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích khu vực Giếng Thiêng tại đầu hồi của Tòa nhà Abaton, Thánh địa Asklepios, Epidaurus, Hy Lạp
Tòa nhà Abaton
Tòa nhà Abaton còn được gọi là Enkoimeterion, nằm tại phía bắc Đền Asclepius. Công trình được sử dụng làm ký túc xá cho những người đang chờ lời khuyên của Thần y Asklepios. Người ta truyền rằng, người bệnh được chữa khỏi nhờ tiếp xúc trực tiếp với Thần y Asklepios và ông thường đến thăm khi họ đang ngủ.
Công trình thuộc loại nhà được gọi là Stoa: Phía trước là cột, phía sau là tường, giữa là hàng cột.
Công trình có hai khối nhà:
Khối nhà tại phía đông xây dựng vào khoảng năm 400 TCN – 350 TCN, dài khoảng 38,07m, rộng 9,42m. Hàng 17 cột ngoài dạng Ionic, đường kích 0,6m, cách nhau khoảng 2,35m. Hàng 7 cột bên trong dạng Ionic, đường kính 0,6m, cách nhau 4,7m.
Khối nhà mở rộng tại phía tây, được xây dựng vào thời kỳ La Mã sau này, có phần tầng trệt do địa hình trũng xuống. Tầng một (cùng mặt nền với phần nhà cũ) có hàng 13 cột ngoài ngoài dạng Doric, đường kính 0,6m, cách nhau 2,35m. Hàng 6 cột bên trong, dạng cột bát giác, đường kính 0,62m, cách nhau 4,7m.
Giữa các cột ngoài có một lan can đá cao 1,6m.
Toàn bộ ngôi nhà sau khi mở rộng dài 70,92m.
Hiện tại, một phần Tòa nhà được phục dựng cho khách thăm quan.
Mặt bằng tòa nhà Abaton, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Tàn tích Tòa nhà Abaton, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Đền Asclepius
Đền Asclepius (Temple of Asclepius, hình vẽ ký hiệu 2) thờ Thần Asklepius. Công trình được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 4 TCN, được sử dụng tới thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, bị đóng cửa khi các Hoàng đế Cơ đốc giáo ban hành sắc lệnh cấm những người không theo đạo Cơ đốc.
Ngôi đền theo phong cách Doric. Một bia đá được khai quật tại gần ngôi đền có dòng chữ ghi tên kiến trúc sư thiết kế đền là Theodotus. Công trình mất 2 năm để hoàn thành.
Ngôi đền có mặt bằng theo kiểu Peripteral của các ngôi đền Hy Lạp cổ đại, hướng về phía đông. Bao xung quanh là các hàng cột. Đầu hồi có 6 cột, theo chiều dài có 11 cột.
Phía trước và phía sau Đền đều có các tác phẩm điêu khắc và tượng nhỏ. Đây được cho là các tác phẩm điêu khắc hàng đầu trong thời kỳ này, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Quốc gia ở Athens, Hy Lạp.
Tại phòng thờ có một bức tượng thờ Thần Asklepios bằng vàng và ngà voi với kích thước bằng bằng một nửa thần Zeus tại Đền Olympios ở Athens, Hy Lạp. Trong Đền Asclepius, tượng miêu tả Thần y Asklepios ngồi trên ghế, nắm quyền trượng; tay kia đang cầm trên đầu con rắn; có hình tượng một con chó nằm bên cạnh.
Ngôi đền có tầm quan trọng tôn giáo lớn trong việc sùng bái thần Asclepius.
Đây là một địa điểm hành hương linh thiêng từ toàn bộ thế giới cổ đại đến nơi gốc thờ Thần Asclepius. Xung quanh đền có các phiến đá. Trên đó có ghi bằng phương ngữ Doric (Doric Greek) tên của cả đàn ông và phụ nữ đã được Thần Asclepius chữa khỏi, căn bệnh từng mắc phải và phương pháp chữa trị.
Đền thờ Asklepius hiện chỉ còn tàn tích móng. Một số mảnh vỡ bên trên của Đền được phục dựng lại.
Mặt bằng Đền Asclepius (góc trên bên phải ảnh), Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Bức tranh phục dựng mặt trước Đền Asclepius, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Hình ảnh phục dựng bên trong Đền Asclepius, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Tàn tích Đền Asclepius, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Đền thờ thần Apollo
Đền thờ thần Apollo (Altar of Apollo, hình vẽ ký hiệu 3) nằm kề liền phía nam của Đền Asclepius.
Công trình chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích Đền Apollo, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Đền thờ Artemis
Đền thờ Artemis (Temple of Artemis, hình vẽ ký hiệu 5) nằm tại phía đông Kho bạc.
Công trình chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích Đền thờ Artemis, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Hình ảnh phục dựng Đền thờ Artemis, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Kho bạc
Kho bạc (Treasuries, hình vẽ ký hiệu 4) nằm tại phía tây nam của Đền thờ thần Apollo. Đây là nơi lưu giữ các đồ tế lễ.
Công trình chỉ còn lại tàn tích.
Đền Tholos
Đền Tholos nằm tại phía tây của Đền Asclepius, có cấu trúc hình tròn, là một trong những loại đền thờ Hy Lạp thời cổ đại.
Đền Tholos tại Epidaurus là một trong những ngôi đền đẹp nhất mà người Hy Lạp từng xây dựng. Công trình được xây dựng vào thế kỷ 4 TCN.
Cấu trúc đền gồm 3 lớp: Lớp ngoài cùng là một hành lang vòng tròn với hàng 26 cột Doric; Lớp thứ hai tiếp theo là tường bao với một cửa duy nhất quay về hướng đông; Lớp thứ ba là một hàng 14 cột Corinth bằng đá cẩm thạch. Tường và sàn được lát bằng các viên gạch gốm nhiều màu.
Trung tâm công trình là một không gian hình tròn, có hoặc không có mái che (như một sân trong). Phía dưới sân trong là một tầng hầm. Người ta cho rằng đó là một mê cung, nơi tổ chức các nghi lễ chữa bệnh huyền bí hoặc làm nơi trú của các loài rắn chữa bệnh trong Thánh địa.
Bên trong Đền, tại phía trên của hàng cột Corinth là bức tường với các phù điêu trang trí và bức tranh nổi tiếng của Pausias (nghệ sỹ người Hy Lạp cổ đại, được cho là người phát minh ra phương pháp vẽ bằng sáp nóng).
Công trình chỉ còn lại tàn tích, hiện đang được phục dựng lại một phần.
Sơ đồ mặt bằng Đền Tholos, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Sơ đồ cấu trúc xây dựng Đền Tholos, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Tàn tích Đền Tholos (đang trong quá trình phục dựng lại một phần), Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Các di tích khác
Trong Khu vực Di sản, ngoài Thánh địa Asklepios còn có nhiều di tích khác. Có di tích đã hiện diện, có di tích đang trong quá trình khai quật khám phá.
Đền thờ của người Ai Cập
Đền thờ của người Ai Cập (Building of Egyptian Gods) nằm tại phía đông của Đền thờ Artemis. Công trình được xây dựng vào thế kỷ 2 sau Công nguyên, trong thời kỳ cai trị của của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476). Trong thời kỳ này, việc thờ cúng các vị thần của xuất xứ phương Đông đã trở nên phổ biến.
Trong số các vị thần này có các nữ thần vĩ đại Phrygian, Attis, Isis, Osiris, Mithras, và những vị thần khác.
Đền thờ của người Ai Cập thờ nữ thần Isis và Osiris, trong đó nữ thần Isis được coi là nữ thần toàn năng, người tạo ra vũ trụ và các yếu tố của tự nhiên, nữ thần sinh hoa trái…
Đền thờ của người Ai Cập là một tòa nhà hình vuông lớn. Trong tòa trung tâm của nó có một bệ đá cao đặt ba bức tượng (Chúa Ba ngôi của người Ai Cập), một lò sưởi, một không gian hình tròn với bồn tắm, nhằm mục đích tắm, rửa thanh lọc cơ thể.
Đền thờ của người Ai Cập, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Nhà ăn và tổ chức sự kiện Hestiatorion
Tòa nhà Hestiatorion nằm tại phía nam của Cổng Propylaia. Đây là một cụm công trình nhà ăn và nơi tổ chức sự kiện văn hóa. Cụm công trình có mặt bằng hình chữ nhật, kích thước 75m x 69m với một sân trong. Bao quanh là các dãy nhà.
Chính giữa sân trong là một nhà hát nhỏ có mái che (Odeon) được dựng sau này vào thời kỳ La Mã.
Công trình chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích Tòa nhà Hestiatorion, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Nhà khách Katagogion
Nhà khách Katagogion nằm tại phía đông nam Thánh địa Asclepieion. Cụm công trình có mặt bằng hình vuông kích thước 76m x 66m, gồm các dãy phòng khách bố cục bao quanh 4 sân trong, được giới hạn bởi các hàng cột. Công trình cao 2 tầng. Đây là tòa nhà lớn nhất trong Khu vực Di sản. Các phòng bên trong công trình được cho là các căn hộ.
Công trình chỉ còn lại tàn tích.
Tàn tích Nhà khách Katagogion, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Nhà hát Epidaurus
Nhà hát cổ đại Epidaurus (Ancient Theatre of Epidaurus) nằm tại phía đông nam Thánh địa Asclepieion, là một công trình công cộng lớn của thành phố Epidaurus, thể hiện sự thịnh vượng của thành phố thời bấy giờ. Đây là một công trình nhà hát khổng lồ, được coi là nhà hát Hy Lạp cổ đại hoàn hảo nhất về mặt âm học và thẩm mỹ.
Ngày nay, công trình được sử dụng trở lại cho các buổi biểu diễn kịch, lễ hội và thi đấu thể thao (palaestra).
Nhà hát cổ đại Epidaurus được thiết kế bởi kiến trúc sư người Hy Lạp Polykleitos the Younger và được xây dựng vào thế kỷ 4 TCN.
Nhà hát có sức chứa tối đa từ 13.000 đến 14.000 khán giả. Đây là nơi tổ chức âm nhạc, ca hát, diễn kịch và thờ cúng Thần Asclepius. Công trình cũng được sử dụng như một phương tiện để chữa bệnh cho bệnh nhân, vì người ta tin rằng việc quan sát các buổi biểu diễn kịch có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất.
Nhà hát có cấu trúc đặc trưng của một nhà hát thời Hy Lạp cổ đại với 3 thành phần: Khán đài (theatron); Sàn diễn hay sân khấu (orchestra); và Phần phục vụ sân khấu (skene).
Khán đài được chia thành hai phần không bằng nhau (theatre phía dưới và epitheatre phía trên). Hai phần khán đài được ngăn cách bằng hành lang ngang thuận tiện cho việc di chuyển của khán giả (rộng 1,82 m).
Phần khán đài dưới được chia thành 12 phần chỗ ngồi; Phần khán đài trên chia thành 22 phần chỗ ngồi.
Các hàng ghế dưới của Phần khán đài trên và dưới đều có những nơi dành riêng cho những người quan trọng.
Sàn diễn hình tròn, đường kính 20 m, tạo thành trung tâm của nhà hát. Chính giữa là một tấm đá hình tròn, bệ thờ hoặc đài thờ. Dàn nhạc được bao quanh bởi một đường ống thoát nước ngầm đặc biệt có chiều rộng 1,99 m, được gọi là euripos. Các euripos được bao phủ bởi một lối đi bằng đá hình tròn.
Phía sau Sàn diễn là Phần phục vụ sân khấu hay Hậu đài, được xây dựng theo hai giai đoạn: Giai đoạn đầu được đặt vào cuối thế kỷ thứ 4 TCN và giai đoạn thứ hai vào giữa thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên. Định dạng của Hậu đài (một phần được bảo tồn đến ngày nay) là một tòa nhà cao 2 tầng. Phía trước là một hàng cột và hai bên có hai cánh gà hơi nhô ra.
Phía đông và phía tây của hai bên cánh gà có hai phòng nhỏ hình chữ nhật phục vụ nhu cầu của các nghệ sĩ biểu diễn.
Nhà hát có hai cổng vào, nằm hai bên Hậu đài, hiện đã được trùng tu.
Sơ đồ mặt bằng Nhà hát, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Sơ đồ phối cảnh Nhà hát thời hoàng kim Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Phối cảnh Nhà hát hiện tại , Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Tàn tích khán đài Nhà hát, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Sân vận động
Sân vận động (Stadium) nằm tại phía tây nam Thánh địa Asklepios, được xây dựng vào thế kỷ thứ 5 TCN để tổ chức các trò chơi thể thao. Những người tham gia và khán giả chiếm đa số là những người hành hương tại thánh địa. Các cuộc đua tranh thể thao lớn diễn ra bốn năm một lần để tôn vinh Thần y Asklepius.
Ban đầu, sân vận động không có chỗ ngồi, dài 181m, rộng 23m và khán giả đứng. Nhưng vào cuối thế kỷ thứ 4 TCN, những chiếc ghế từ đá vôi đã được xây dựng bổ sung.
Công trình đang phục dựng lại một phần khán đài phục vụ khách tham quan.
Tàn tích Sân vận động, Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Nhà tắm
Khu vực Di sản còn lưu lại tàn tích của nhiều nhà tắm:
Nhà tắm tại phía nam (Bath House): nằm kề liền phía nam tòa nhà Hestiatorion.
Nhà tắm tại phía đông (Roman Bath): nằm kề liền phía đông Tòa nhà Stoa of Kotys, được cho là một nhà khách tương tự như Nhà khách Katagogion.
Nhà tắm tại phía bắc (Bath Complexes): là một cụm công trình, nằm tại phía bắc của Tòa nhà Abaton.
Các công trình này hiện vẫn còn lưu lại tàn tích của bồn tắm, đường ống dẫn nước nóng, phòng nghỉ…
Tàn tích Nhà tắm tại phía nam (Bath House), Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Tàn tích Nhà tắm tại phía đông (Roman Bath), Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Hy Lạp
Di sản Khu bảo tồn Asklepios tại Epidaurus, Argolis, Hy Lạp có nhiều di tích nổi bật, đặc biệt là Đền thờ Asklepios, Đền tròn Tholos và Nhà hát. Đây được coi là một trong những kiệt tác thuần túy nhất của kiến trúc Hy Lạp, có niên đại từ thế kỷ thứ 4 TCN. Địa điểm rộng lớn với các đền thờ và tòa nhà dành cho việc chữa bệnh đã cung cấp cái nhìn sâu sắc và có giá trị về những giáo phái chữa bệnh thời Hy Lạp và La Mã cổ đại, một trung tâm trị liệu quan trọng và sớm nhất của thế giới cổ đại. Những thực hành này sau đó đã được lan truyền sang phần còn lại của thế giới Hy Lạp, La Mã. Địa điểm này được coi là cái nôi của y học.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/491/
https://en.wikipedia.org/wiki/Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Argolis
https://en.wikipedia.org/wiki/Epidaurus
https://en.wikipedia.org/wiki/Asclepeion
https://en.wikipedia.org/wiki/Asclepius
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Asclepius,_Epidaurus
http://www.perseus.tufts.edu/hopper/artifact?name=Epidauros%2C+Propylon&object=Building
https://visitworldheritage.com/en/eu/sanctuary-of-asclepius-at-epidaurus-greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Ancient_Theatre_of_Epidaurus
http://odysseus.culture.gr/h/3/eh3530.jsp?obj_id=2374
https://europetravel.blog/2020/02/24/sanctuary-of-asclepius-at-epidaurus/
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|