Tuần 7 - Ngày 20/09/2024
SỰ KIỆN TRONG TUẦN
Hỏi:

Em cảm thấy vô hướng quá  

Em chào thầy ạ, em là 1 sinh viên đang theo học tại trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cũng đang học trong lớp Kiến trúc Công nghiệp của thầy ạ. Em có 1 số vấn đề nội tâm rất mong muốn được thầy giúp đỡ và mách bảo ạ. 
Vấn đề chính em đang gặp phải là em cảm thấy rất vô hướng như trong tiêu đề ạ. Em thấy bản thân mình không có tý năng lực nào để mai sau có thể hành nghề kiến trúc sư. Hiện tại em bị nản chí và cũng lo sợ nữa. Em vào trường cũng vì ước mơ có thể xây ngôi nhà do chính mình thiết kế và hành nghề. Nhưng em cảm thấy mình không đủ năng lực để có thể hành nghề, kiến thức trên trường là vô cùng lớn mà dù e đã học rồi nhưng lại bị quên lãng chỉ sau 1 học kỳ. Em cũng không giỏi vẽ và vẽ rất xấu nếu vẽ tay thì nhìn rất trẻ con và thiếu chuyên nghiệp, nhìn các bạn khác em cảm thấy rất tự ti, Em cũng không biết mình còn có thể đủ trình độ để đi thực tập không nữa. Chuyên môn của em em tự đánh giá là khá tệ, em rất suy sụp và cố gắng học những gì có thể mà chuyên ngành cần. Thầy có thể cho em xin ý kiến và liệu có giải pháp khắc phục không ạ, em rất sợ rằng nếu hành nghề thì bản thân không giỏi giang thì kinh tế làm ra sẽ bị thấp, không đủ sống. Vậy em phải làm sao ạ. 


Trả lời:

Thày đã nhận được thư.

Năng lực tự thân thời điểm này là kết quả của năng lực tự rèn luyện giai đoạn trước. Như em nêu trong thư, năng lực tự thân yếu, trước hết thể hiện:
i) Kiến thức chuyên môn còn nhiều khoảng trống và ngày càng rộng ra, do việc học không chăm chỉ;
ii) Trình bày bản vẽ kiến trúc xấu, do không cẩn thận khi thiết kế;
iii) Mất niềm tin vào chính mình, nản chí và dẫn đến lo sợ cho tương lai. 
Phải thấy đó là điều không tốt đẹp do chính em gây ra, để có trách nhiệm mà sửa mình. 
Được gia đình hỗ trợ, có sức khỏe và năng lực để học đến năm thứ 3, là may mắn lắm, khi so sánh với rất nhiều thanh niên người Việt khác. 

Một số việc phải làm ngay: 
i) Thay đổi ngay nhận thức cũ: Ta phải trở thành người tài với cả kỹ năng cứng và mềm phù hợp để cạnh tranh và hợp tác, không chỉ trong kiến trúc mà cả lĩnh vực liên quan khác mà xã hội đang cần và tạo ra giá trị gia tăng;
ii) Sử dụng thời gian hợp lý: Một ngày ngủ đủ 6- 7 tiếng để tái tạo sức lao động. Thời gian còn lại dành cho: Học ngoại ngữ và chuyển đổi số; Đi học đầy đủ và lắng nghe bài giảng; Đọc sách và tài liệu bổ sung kiến thức; Chủ động trao đổi chuyên môn với giảng viên và bạn bè;
iii) Chăm chỉ tự học tập: Lời chê ghê gớm nhất là Kẻ lười nhác. Từ Kẻ lười nhác đến Kẻ hèn hạ và vô dụng rất gần nhau. Không phải lúc nào cũng có người bên cạnh mà học hỏi, mà phải có kế hoạch tự học, từ trong sách vở đến mạng xã hội và thực tế;
iv) Mở ra với thế giới bên ngoài: Tìm người có đức, có tài mà chơi để học kiến thức và sự đồng thuận; Ra với môi trường tự nhiên mà hòa vào trong đó. Sẵn sàng trải nghiệm làm những điều tốt đẹp; 
v) Còn 2 năm nữa mới ra trường. Phải học để tốt nghiệp đại học, điểm khởi đầu sự nghiệp của một người tri thức. Đây là thời gian đủ để em tìm lại sự cân bằng cảm xúc và tận tâm thay đổi chính mình.

Nếu có vấn đề gì về việc học tập có thể trao đổi với thày. Thày sẵn sàng đồng hành.

Ngày 4/11/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 
Hỏi:

Em kính chào thầy ạ.
Em đang đọc lần 2 quyển sách Nghĩ giàu làm giàu, xuất bản lần đầu năm 1937. Quyển sách được viết từ 90 năm trước nhưng nó vẫn đang phản ánh nhiều thực tế.
Em đã đọc được rằng "các cơ sở giáo dục cần có trách nhiệm hơn nữa trong việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên".
Em nghĩ đó là việc các thầy đang làm không ngừng. 
Em viết mail này để cảm ơn công việc của thầy ạ.

Em cảm ơn thầy đã đọc ạ.
Sinh viên 60KD3


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Rất cám ơn về những dòng chia sẻ, động viên. 
Định hướng nghề nghiệp cho sinh viên không chỉ liên quan đến việc đào tạo kỹ năng cứng mà còn phải là kỹ năng mềm, liên quan trước hết đến năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. 
Cuốn sách "Nghĩ giàu, làm giàu" chỉ là một trong những nội dung mà thế hệ trẻ quan tâm.
Điều lớn lao hơn là họ phải có năng lực tự thân và năng lực tự rèn luyện để hình thành sự nghiệp và trở thành người tốt cho gia đình, cộng đồng và xã hội, phù hợp với chuẩn mực chung của loài người trong thế kỷ 21. 
Sinh viên là tương lai của thày.
Thày cùng các thày cô giáo khác đang nỗ lực hết sức để biến tương lai tốt đẹp đó thành hiện thực. 
Thày đang viết một cuốn sách với tiêu đề: 'Nâng cao năng lực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên (và cựu sinh viên) trong lĩnh vực xây dựng'. Dự kiến tháng 5/2023 xuất bản. 
Chúc mọi điều tốt lành. 
Ngày 8/3/2023; Thày Phạm Đình Tuyển 

 
 
Hỏi:

 

Thưa thầy, em xin gửi kết quả bigfive mới của bản thân, qua đây em cũng xin cảm ơn thầy vì thông qua bài khảo sát bigfive và những lời thầy nói, em đã cố gắng khắc phục những yếu điểm của bản thân và cũng như trau dồi thêm kiến thức để khai phá bản thân, và thực tế đã có những chuyển biến tích cực trong cuộc sống và công việc của em, tuy vậy bản thân em cũng vẫn còn những thiếu sót, những điều em chưa thay đổi đc, em mong thầy thông cảm và trân thành cảm ơn thầy đã lắng nghe em.

 

Sinh viên Khóa 53KD, Khoa Kiến trúc Quy hoạch, ĐHXD Hà Nội

 


Trả lời:

 

Đã nhận được kết quả Big Five. Nên ghép thêm kết quả của những sinh viên khác, người khác để có thể so sánh và rút ra được nhận xét ta là ai và từ đó tự sửa mình. 

Kết quả cho thấy: Tính cách (hay kỹ năng mềm) thuộc loại trung bình. Yếu về tính hướng ngoại. 

Từng bước, từng bước mà cố gắng hơn. 

 

Ngày 3/2/2023, thày Phạm Đình Tuyển 

 


Hỏi:  Em gửi thầy kết quả Big Five ạ.




Trả lời: Thày đã nhận được kết quả đánh giá Big Five của em. 
Sau một năm tự nhìn nhận mình là ai và đã có những thay đổi . 
Tính cách Tận tâm và Hướng ngoại được cải thiện so với trước. 
Tính cách Cân bằng cảm xúc vẫn yếu như cũ. Theo các nghiên cứu mà thày được biết, tính cách Cân bằng cảm xúc là cốt lõi. Mọi năng lực hoạt động chuyên môn, xã hội của một con người đều dựa vào đây mà ra cả. 
Ta có mặt trên đời này đều có nguyên cớ tốt đẹp nào đó.  Phải tự tin hơn nữa vào chính mình, trước hết là từ công việc chuyên môn, nay chính là đồ án tốt nghiệp. 
Thày sẽ hỗ trợ chuyên môn để em có kết quả tốt nhất trong việc thực hiện học phần Đồ án tốt nghiệp. 
Ngày 10/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển.  
 

Hỏi: E chào thầy ạ! E là Thắng ,sinh vien nhận đồ án tốt nghiệp nhóm thầy, nhóm mình có nhóm zalo riêng hay thế nào để trao đổi về đồ án k ạ ? Em tìm sđt thầy để add Zalo nhưng không được ạ! Em cảm ơn thầy.
Trả lời: Trao đổi trực tiếp với thày qua mail. 
 
Một số nội dung chính thực hiện trong 4 tuần đầu tiên: :
 
1) Đọc kỹ các yêu cầu về nội dung Học phần đồ án tốt nghiệp của Khoa và Bộ môn KTCN; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành ngay trong tuần thứ 1)  
2) Báo cáo về tên đề tài tốt nghiệp, vị trí cụ thể khu đất dự kiến theo tỷ lệ 1/500 (hoàn thành trong tuần thứ 1)
3) Chuản bị các quy định, tiêu chuẩn thiết kế có liên quan đến đề tài; in thành một bộ hồ sơ, khi đi thông qua mang theo (hoàn thành trong tuần thứ 2)
4) Tìm 5 ví dụ trên thế giới về các công trình tương tự với loại hình dự kiến trong đề tài tốt nghiệp; nhận xét và đánh giá, kết luận rút ra để có thể ứng dụng cho đề tài (4 tuần phải hoàn thành); 
5) Đọc lại các nguyên lý thiết kế kiến trúc đã được học (phải làm ngay và liên tục cho đến khi bảo vệ đề tài);
6) Nên tự đánh giá Ta là ai. Đánh giá theo phần mềm  Big Five- tính cách sinh viên, để thày biết rõ hơn về sinh viên. 
Phần mềm đánh giá: http://talaai.com.vn/   (talaai.com.vn)
Sau đó gửi ngay kết quả đánh giá tính cách cho thày, để có thể hỗ trợ. 
 
Gặp nhau 2 tuần/lần. Mỗi lần gặp cần chuẩn bị sẵn câu hỏi để có thể trao đổi tối đa những vấn đề liên quan đến đề tài tốt nghiệp mà không tự trả lời được. 
Địa điểm gặp: Chiều thứ tư hàng tuần, từ 16h - 17h30 tại Văn phòng Bộ môn KTCN. 
 
Đồ án tốt nghiệp là một sự kiện quan trọng của đời người lao động trí óc. 
Phải nỗ lực hết sức và dành tất cả thời gian, nguồn lực cho đồ án. Từ đây mới có kết quả tốt nhất, để trải nghiệm, hình thành năng lực cần thiết chuẩn bị cho việc ra trường và làm việc với vô số những người tài khác trong xã hội. 
 
2/6/2022. Thày Phạm Đình Tuyển. 
 

Hỏi:  Em chào bộ môn ạ, em là Hoàng Đức Dương lớp 66XD8 msv-0013966 đang làm bài tiểu luận về công trình dân dụng ạ em thấy bộ môn có đăng bài về công trình galaxy soho ở Trung Quốc vậy em muốn xin bộ môn cho em bài đăng đó được không ạ, em xin cảm ơn bộ môn,em chào bộ môn ạ.


Trả lời: Trang WEB bmktcn.com được thành lập với mục tiêu chính là phục vụ sinh viên. Đương nhiên là em được đăng lại các bài viết trên trang WEB này. 
Chủ  biên: TS. Phạm ĐÌnh Tuyển 

Hỏi:

Em gửi thày bài Trắc nghiệm tính cách – Big Five (talaai.com.vn)


Trả lời:

Thày đã nhận được biểu tượng Big Five của em. Đây là Big Five rất điển hình của sinh viên. Em còn là người mạnh về Hướng ngoại, một tính cách rất được coi trọng trong Thời đại liên kết và hội nhập. 
Do còn trong giai đoạn là sinh viên gắn với Học hỏi, Học tập là chính và chưa có Học hành, nên tính cách Tận tâm của em còn thiếu mạnh mẽ so với tính cách khác.  
Khi làm việc trong doanh nghiệp hay tổ chức nào đó, người sử dụng lao động đánh giá trước hết tính cách Tận tâm và là kỹ năng mềm cơ bản của mỗi nhân viên. 
Không đợi đến lúc ra trường, ngay từ bây giờ em dành quan tâm hơn cho tính cách này. Nếu làm được như vậy, sẽ thuận lợi hơn khi thử việc và nhiều cơ hội hơn trong sự nghiệp. 
Khi trắc nghiệm Big Five, Tận tâm cũng là tính cách nổi trội của thày. Trong công việc, thày luôn có thiện cảm với những người Tận tâm. 
Chúc em sớm trở thành con người thật sự Tận tâm. 

Ngày 24/4/2021, Thày Phạm Đình Tuyển. 


Hỏi:

Em thưa thầy, thầy có thể cho em hỏi làm sao mình có thể kết nối làm quen với những người giỏi hơn mình ạ, em cảm ơn thầy.


Trả lời:

Thày đã nhận được thư của em.
Đối với một đất nước: Hiền tài như nguyên khí quốc gia. Mạnh hay yếu từ đó mà ra cả.
Đối với một cá nhân: Suốt cả đời gắn với việc học: Học cái gì và học thày nào. Và sự học luôn đi cùng với sự sang trọng và thịnh vượng.
Những người giỏi hay người hiền tài có thể thức tỉnh cho ta học cái gì một cách hiệu quả và qua đó họ cũng trở thành thày của ta.
Người tài giỏi là người làm những việc mang lại giá trị gia tăng cao mà người thường không làm được. Người hiền tài là người mang tài của mình ra giúp xã hội.
Vị thế xã hội cấp độ nào thì có người tài, người hiền tài cấp độ đó, ví như người tài giỏi trong lớp, trong trường, trong ngành, trong vùng, trong quốc gia và thế giới.
Mỗi người thường tìm và chơi với người giỏi phù hợp với vị thế của họ. Khi tiến bộ, sang một vị thế mới cao hơn, lại tìm thày giỏi tương xứng ở vị thế đó mà học.
Khi đã tài giỏi trong một vị thế, chính ta lại trở thành người thày để dẫn dắt những người khác chưa có điều kiện giỏi bằng ta. Từ đây ta cũng có được phẩm cách của người chủ và người lãnh đạo.  
Khi đã hiểu được sự cần thiết của việc tìm người giỏi hay người hiền tài để học và hành, thì tất yếu ta sẽ tự thay đổi để tìm được cách kết nối với họ.
Những hiền tài luôn mong muốn làm những điều tốt đẹp. Vậy hãy thể hiện cho họ thấy tính cách của ta cũng luôn mạnh mẽ hướng về điều đó.
Là sinh viên, trước hết hãy tìm thày hay người giỏi trong lớp, khoa, trường; trong gia đình và dòng họ để học.
Thày chúc em sớm thành công.

Ngày 19/4/2021. Thày Phạm Đình Tuyển


Hỏi:

Em thưa thầy (cô). Trong quá trình làm đồ án thì trong lớp có nhóm không hoà đồng được và bạn trong nhóm xin sang nhóm khác. Vậy bạn đó đề xuất chuyển nhóm với thầy trong buổi thông tới luôn được không ạ? Em cảm ơn ạ!


Trả lời:

Bộ môn đã nhận được thư của em. 
Học kỹ năng mềm phối hợp với các thành viên có liên quan trong hoạt động tư vấn là một trong những mục tiêu của việc Làm đồ án theo nhóm. 
Ai cũng phải nỗ lực tự học điều này để đình hình được nhận thức: Sức mạnh và vị thế của một tổ chức chủ yếu được xây dựng trên nền tảng của việc "Cùng nghĩ,Cùng làm".Từ đó mới mong công việc đạt được hiệu quả cao nhất.
23/4/2019. Thày Phạm Đình Tuyển 


Hỏi:

Em chào thầy, các câu trả lời của thầy khiến em thấy rất hữu ích. Em muốn hỏi thầy khi thầy gặp những bế tắc hay thất bại trong cuộc sống thầy đã tự khắc phục như thế nào, có khi nào thầy cảm thấy mệt mỏi với công việc của mình không. Hiện tại có những lúc em cảm thấy kém cỏi so với  người khác, xin thầy cho em lời khuyên được không ạ?

Em cảm ơn thầy rất nhiều. 
Trả lời:


Thày đã nhận được thư của em 
Chắc chắn trong cuộc đời không có ai chỉ toàn thành công cả. 
Trong hoạt động chính trị, thất bại là gắn với tính mạng. 
Trong hoạt động kinh tế, thất bại là gắn với thiệt hại về kinh tế và thời gian.
Trong hoạt động xã hội, thất bại là mất niềm tin và vị thế… 

Trong thời đại hội nhập ngày nay, con người phải cạnh tranh với những đối thủ rất mạnh mà trong nhiều trường hợp ta còn chưa biết nhiều về họ; giống như đi thi Olimpic mà không biết sẽ phải thi môn gì; đến đó mới rõ. 
Chính vì vậy, xã hội bây giờ cần những người: i) Tư tưởng tiến bộ; ii) Yêu tự do; iii) Hoạt động đa năng và biết liên kết với nhiều người để làm nhiều việc; trong đó đặc biệt với em là nhân tố thứ ba. 

Nếu một người chỉ chăm chăm làm một việc; việc đó thất bại có nghĩa là mất tất cả. 
Nếu một người làm ba việc; một việc thành công, hai việc thất bại, điều đó cũng chấp nhận được.
Nếu một người làm năm việc; ba việc thành công, hai việc thất bại, điều đó được coi như đã thành công.  

Đã đi học được đến bậc đại học, chắc chắn em có cơ hội hơn rất nhiều người không có điều kiện đi học ngoài xã hội kia (thậm chí nhiều người còn khuyết tật). 
Hãy học và rèn luyện trở thành người đa năng, nghĩa là tập làm nhiều việc một lúc (ưu tiên là việc theo chuyên môn giỏi nhất của mình, tiếp đến là việc mà xã hội đang cần và cuối cùng là việc mà mình yêu thích). Cũng chính từ đây em sẽ tìm được những mặt mạnh của mình.
Đối với những người tri thức, trong tâm thức của họ không có chỗ cho từ “bế tắc” và “mệt mỏi”, chỉ có từ “khó khăn” và “sáng tạo” để vượt qua mà thôi. (Tất nhiên, trong cuộc sống ai cũng phải chịu những nỗi đau buồn, ví như sự mất mát của người thân, bạn bè, đồng loại). 
Một điều nữa em cũng cần biết: Sức mạnh để làm những điều khác biệt và sẽ thành công, không phải chỉ xuất phát từ bản thân em, từ thế giới thực tại này, mà còn được khởi nguồn từ sức mạnh tinh thần của tiền nhân, tổ tiên và dòng họ gia đình em. Vì vậy, phải tìm hiểu, học để phát huy cho được sức mạnh tinh thần này, thậm chí biến thành niềm tin cốt lõi của mình.  

Chúc em trở thành con người đa năng và thành công.  

Ngày 4/12/2018. Thày Phạm Đình Tuyển  

 


Thông tin định kỳ
+ Câu hỏi ôn thi môn học Kiến trúc CN - DD
+ Câu hỏi ôn thi môn học KTCN
+ Bảng giờ lên lớp
+ Giải thưởng Loa Thành
+ Quyết định số 1982/QĐ-TTg phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam
+ Quy định mới về Quy chế đào tạo ĐH hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ của Trường ĐHXD
+ Chương trình khung môn học học phần tiến sỹ chuyên ngành Kiến trúc Công nghiệp
+ Dạy học theo tiếp cận “CDIO” trong đào tạo đại học
+ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam
+ NQ số 44/NQ-CP ban hành Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện GD & ĐT
+ Bộ Xây dựng cung cấp 37 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4
+ NĐ 109/2022/NĐ-CP quy định về hoạt động KHCN trong cơ sở giáo dục ĐH
+ Công bố Báo cáo Việt Nam 2035
+ Hệ thống tài liệu phục vụ thực hiện học phần Đồ án KTCN và Công trình đầu mối HTKT
+ Danh mục các video trên WEB bmktcn.com
+ Truyền thuyết Kiến trúc kho báu Chùa Một Cột
+ Danh mục các dự án quy hoạch KCN tại VN
+ Danh mục dự án QH các KKT ven biển Việt Nam
+ Danh mục dự án QH các KKT cửa khẩu tại VN
+ Danh mục hệ thống Văn bản quy phạm pháp luật trên WEB bmktcn.com
Lịch sử Kiến trúc
Venice và đầm phá xung quanh, Veneto, Ý
31/05/2022

Thông tin chung:
Công trình: Venice và đầm phá xung quanh (Venice and its Lagoon)
Địa điểm: Tỉnh Venezia, vùng Veneto, Ý (N45 26 3,5 E12 20 20,2)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 70.176,4 ha
Năm hình thành:
Giá trị: Di sản thế giới (năm 1987; hạng mục i, ii, iii, iv, v, vi) 

Ý (Italia) là một quốc gia bao gồm một bán đảo được giới hạn bởi dãy Alps và một số hòn đảo xung quanh. 
Ý nằm ở trung tâm Nam Âu và được coi là một phần của Tây Âu, có chung biên giới trên bộ với Pháp, Thụy Sĩ, Áo, Slovenia và các khu vực bao quanh của Thành phố Vatican và San Marino. Ý còn có vùng lãnh thổ ở Campione, Thụy Sĩ và Lampedusa (vùng biển Tunisia). 
Quốc gia này có diện tích 301.340 km2, dân số 60,317 triệu người (năm 2020), thủ đô là Rome. 

Do vị trí địa lý trung tâm ở Nam Âu và Địa Trung Hải, Ý là nơi sinh sống của vô số dân tộc và nền văn hóa. 
Vào thời Cổ đại (năm 750 - 200 trước Công nguyên/TCN), đây là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc nói ngôn ngữ Ấn-Âu (Indo-European language, có nguồn gốc từ từ Tây và Nam Á - Âu), những người đã đặt tên cho bán đảo này.
Bắt đầu từ thời Cổ điển (thế kỷ 8 TCN - thế kỷ 6 sau Công nguyên, chủ yếu gồm nền văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại), người Phoenicia (tồn tại năm 2500 TCN – 539 TCN) và người Carthage (Đế chế Carthage, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN) đã thành lập các thuộc địa chủ yếu ở khu vực nội địa Ý.
Người Hy Lạp (Ancient Greece) đã thành lập các khu định cư Magna Graecia tại miền nam nước Ý, trong khi người Etruscans (tồn tại năm 900 TCN –27 TCN) và người Celt lần lượt sinh sống ở miền trung và miền bắc nước Ý. 
Một bộ tộc người Ý, được gọi là người Latins (Italic tribe), đã thành lập Vương quốc La Mã (Roman Kingdom, tồn tại năm 753 TCN – 509 TCN) vào thế kỷ thứ 8 TCN, sau này trở thành nước Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 TCN – 27 TCN).
Cộng hoà La Mã ban đầu chinh phục và đồng hóa các nước láng giềng trên bán đảo Ý, cuối cùng mở rộng và chinh phục các vùng đất của Châu Âu, Bắc Phi và Châu Á. 
Vào thế kỷ 1 TCN, Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN - 476 sau Công nguyên) nổi lên như một quyền lực thống trị khu vực Địa Trung Hải và trở thành một trung tâm văn hóa, chính trị và tôn giáo hàng đầu, hình thành nền văn minh La Mã Cổ đại (Pax Romana), một giai đoạn hơn 200 năm phát triển của luật pháp, công nghệ, kinh tế  nghệ thuật và văn học Ý.
Trong suốt thời kỳ Trung cổ, Ý vẫn là quê hương của con người và Đế chế La Mã, mà di sản của nó về văn hóa, thể chế, Kitô giáo và tiếng Latinh lan truyền khắp toàn cầu.
Vào đầu thời kỳ Trung cổ, Ý phải chịu đựng sự sụp đổ của Đế chế Tây La Mã (Western Roman Empire, tồn tại vào năm 395–476/480, với việc lãnh thổ bị phân chia thành các tiểu quốc) và các cuộc di dân của các bộ tộc Germanic, Huns, Slavs (Early Slavs) và Pannonian Avars.

Tại miền bắc và một phần miền trung nước Ý, vào thế kỷ 11, nhiều thị quốc (Italian City-states) và nước cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) đã vươn lên thịnh vượng thông qua thương mại và ngân hàng, đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại. Các thị quốc độc lập này đóng vai trò là trung tâm giao lưu thương mại chính của châu Âu với châu Á và Cận Đông, thường được hưởng một mức độ dân chủ cao hơn so với các quốc gia phong kiến trong các chế độ quân chủ đang thịnh hành khắp châu Âu thời bấy giờ.
Một phần miền trung nước Ý nằm dưới sự kiểm soát của các quốc gia Giáo hoàng (Papal States; thần quyền n
hà nước của Giáo hội). Phần lớn miền nam nước Ý vẫn là chế độ phong kiến ​​cho đến thế kỷ 19. Đây là kết quả của sự kế thừa nền văn minh của người Byzantine, Arab, Norman, Angevin, Aragonese và từ các cuộc chinh phục của các quốc gia bên ngoài.  

Thời kỳ Phục hưng (Renaissance, một giai đoạn lịch sử châu Âu, chuyển đổi từ thời Trung cổ sang Hiện đại, vào thế kỷ 15, 16) bắt đầu ở Ý và lan sang phần còn lại của châu Âu, mang lại mối quan tâm mới về chủ nghĩa nhân văn, khoa học, văn học và nghệ thuật. 
Nền văn hóa Ý phát triển mạnh mẽ, sản sinh ra nhiều nhà khoa học, nghệ sĩ và tư tưởng nổi tiếng. 
Trong thời Trung cổ, các nhà thám hiểm người Ý đã khám phá ra những tuyến đường mới đến Viễn Đông và Tân thế giới, mở ra Kỷ nguyên Khai sáng (Age of Discovery) của Châu Âu. 

Sau nhiều thế kỷ can thiệp và chinh phục từ bên ngoài cùng với sự cạnh tranh giữa các thị quốc nội bộ, nước Ý bị chia rẽ về mặt chính trị, tiếp tục bị chinh phục và phân chia bởi nhiều cường quốc châu Âu.
Vào giữa thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc của Ý đã trỗi dậy.
Sau nhiều thế kỷ bị ngoại bang thống trị và chia rẽ, Ý gần như hoàn toàn thống nhất vào năm 1861, cùng với việc thành lập Vương quốc Ý (Kingdom of Italy, tồn tại năm 1861–1946).
Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, miền bắc nước Ý nhanh chóng công nghiệp hóa, giúp quốc gia này trở thành một Đế quốc thuộc địa. Trong khi đó, tại miền nam nước Ý, phần lớn vẫn là cảnh nghèo đói. Sau Chiến tranh thế giới 2, Ý bãi bỏ chế độ quân chủ, thành lập chính thể cộng hòa dân chủ và trở thành một quốc gia phát triển.  

Ý ngày nay được phân thành 20 khu vực (vùng) và 107 tỉnh, thành phố.  


Vị trí của Venice trong đầm phá Venice, Ý 

Venice là thủ phủ của Vùng Veneto, nằm ở đông bắc Ý. Thành phố được thành lập vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, trải rộng trên 118 hòn đảo nhỏ, ngăn cách bởi các kênh đào và được liên kết bởi hơn 400 cây cầu. Thành phố có diện tích 414,57km2, dân số 25,8 vạn người (năm 2020).  

Tên Venice (Venezia) có nguồn gốc từ những người Veneti cổ đại sinh sống trong khu vực vào thế kỷ 10 TCN. 

Thành phố Venice, về mặt lịch sử, là thủ đô của Cộng hòa Venice (Republic of Venice), còn được gọi là  Cộng hòa hàng hải (Maritime Republics) hay Thị quốc (City-states) Venice, tồn tại trong 1100 năm, từ năm 697 đến năm 1797.
Cộng hòa Venice tập trung tại khu vực đầm phá xung quanh thành phố Venice, kết hợp với một số vùng đất ngày nay thuộc Croatia, Slovenia, MontenegroHy LạpAlbania và Síp. 

Cộng hòa Venice được đánh giá là nhà nước với thể chế chính trị và xã hội độc đáo, là một trong những chính quyền đầu tiên tại Ý tách rời tôn giáo và chính trị.

Cộng hòa Venice được cai trị bởi Thống đốc (Công tước/Tổng trấn/ Doge of Venice, cai trị suốt đời) được bầu bởi các thành viên của Đại hội đồng Venice (Great Council of Venice) và Nghị viện của Thị quốc. Giai cấp thống trị (Oligarchy) là thương nhân và quý tộc. Công dân Venice nói chung ủng hộ chính thể. Chính quyền thực thi pháp luật nghiêm ngặt. Cộng hòa Venice và các nước cộng hòa hàng hải khác của Ý đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chủ nghĩa tư bản. Tại Cộng hòa Venice, công dân nói tiếng Venice, còn văn bản lưu hành bằng tiếng Ý, bắt đầu từ thời kỳ Phục hưng.  

Mặc dù Cộng hòa Venice tham gia vào hoạt động thương mại nhiều hơn là tham gia các hoạt động chiến tranh, song đây là nơi tổ chức những cuộc Thập tự chinh (Crusades, các cuộc chiến tranh tôn giáo do Giáo hội La Mã khởi xướng trong thời kỳ Trung cổ; đặc biệt là những cuộc Thập tự chinh tới Đất Thánh, từ năm 1095 – 1291, nhằm khôi phục Jerusalem và khu vực xung quanh khỏi sự cai trị của Hồi giáo) và Trận chiến Lepanto (Battle of Lepanto, diễn ra ngày 7/10/1571 giữa Liên minh bao gồm Cộng hòa Venice, Vương quốc Tây Ban Nha và một số đồng minh khác đánh bại hạm đội của Đế chế Ottoman/Ottoman Empire). 

Venice đã trở thành một cường quốc hàng hải lớn vào thế kỷ thứ 10. 
Từ thế kỷ 13 đến cuối thế kỷ 17, đây trở thành một trung tâm thương mại quan trọng, đặc biệt là hàng hóa: lụa, ngũ cốc, gia vị.
Venice còn được coi là trung tâm tài chính quốc tế, nổi lên vào thế kỷ thứ 9 và đạt đến mức nổi bật nhất vào thế kỷ 14. Điều này khiến Venice trở thành một thị quốc giàu có trong suốt phần lớn lịch sử của nó.  

Sau Chiến tranh Napoléon (năm 1803- 1815) và Đại hội Vienna, Cộng hòa Venice bị Đế quốc Áo sáp nhập cho đến khi trở thành một phần của Vương quốc Ý vào năm 1866. 


Vị trí và tầm ảnh hưởng của Cộng hòa Venice trong thế kỷ 15 – 16.
 

Thành phố Venice ngày nay chia thành 2 khu vực và 6 quận (municipalità):
Khu Đất liền (Mainland) với 4 quận: Favaro Veneto; Mestre–Carpenedo; Chirignago–Zelarino; Marghera;  
Khu Đầm phá (Lagoon area) với 2 quận: Venezia (Thành phố lịch sử) – Murano – Burano; Lido - Pellestrina. 

Thành phố lịch sử Venice (Venezia) có diện tích 646,80 ha, dân số khoảng 60 ngàn người và chia thành 6 khu phố  (Quarters/ Sestieri): Cannaregio; Castello; San Marco; Dorsoduro; San PoloSanta Croce.
Thành phố Venice và đầm phá (Lagoon) xung quanh có diện tích 70.176,4 ha.
Trong vùng đất này, thiên nhiên và lịch sử đã gắn bó chặt chẽ với nhau kể từ thế kỷ thứ 5, khi người dân Venice, để thoát khỏi các cuộc tấn công man rợ từ bên ngoài, đã tìm thấy nơi ẩn náu trên các đảo. Những khu định cư tạm thời này dần trở nên lâu dài cho những người nông dân và ngư dân.
Qua nhiều thế kỷ, trong suốt thời kỳ cạnh tranh về không gian sinh tồn và về thương mại với người Ả Rập (Arabs), người Genova (Genoese) và người Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman (Ottoman Turks), người Venice không ngừng củng cố vị trí của mình trong vùng đầm phá. Hầu hết mọi hòn đảo lớn nhỏ trên vùng đầm phá đều có khu định cư riêng, thị trấn, làng chài và làng nghệ nhân. 
Tại trung tâm của khu vực đầm phá, từ các cụm đảo nhỏ, đô thị Venice đã được hình thành và trở thành một trong những thủ đô vĩ đại nhất thời Trung cổ.
Hệ thống mặt nước xung quanh các hòn đảo tại đây được xây dựng để trở thành các tuyến kênh, như Kênh Giudecca (Giudecca Canal), Kênh St Mark (St Mark's Canal) và Kênh Lớn (Great Canal) và một mạng lưới các rạch nhỏ. Venice trở thành một thành phố trên mặt nước.
Venice và cảnh quan đầm phá của nó là kết quả của một quá trình phát triển liên tục, minh họa sự tương tác giữa con người và hệ sinh thái của môi trường tự nhiên theo thời gian. Sự tác động của con người tại đây cho thấy kỹ năng kỹ thuật và sáng tạo cao trong việc hiện thực hóa các công trình thủy lợi và kiến ​​trúc trong khu vực đầm phá. 
Venice và cảnh quan đầm phá của nó tạo thành một tổng thể không thể tách rời, trong đó thành phố Venice là trái tim lịch sử sôi động. Đây là nơi nơi nảy sinh và thu hút những người tài về công nghệ, kiến trúc và nghệ thuật.
Thành phố là một kiệt tác kiến ​​trúc và là một thành tựu nghệ thuật độc đáo. Ngay cả tòa nhà nhỏ nhất cũng chứa các tác phẩm của một số nghệ sĩ vĩ đại tầm thế giới như Giovanni Bellini (năm 1430 - 1516); Giorgione (năm 1477-78/1473-74 – 1510), Tiziano Vecelli (Titian, năm 1473/1490 – 1576), Tintoretto (năm 1518 – 1594), Paolo Veronese (năm 1528- 1588), Giovanni Battista Tiepolo (năm 1696 – 1770) và những người khác.    

Thành phố Venice và đầm phá xung quanh, vùng Veneto, Ý, được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với các tiêu chí (tất cả 6 tiêu chí văn hóa cho Di sản thế giới): 

Tiêu chí (i): Venice là một thành tựu nghệ thuật độc đáo, một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. 
Thành phố được xây dựng trên 118 hòn đảo nhỏ và dường như nổi trên mặt nước của đầm phá, tạo nên một cảnh quan khó quên mà vẻ đẹp không thể cưỡng lại, đã truyền cảm hứng cho Giovanni Antonio Canaletto (họa sỹ người Venice, năm 1697 – 1768), Francesco Lazzaro Guardi (họa sỹ người Ý, năm 1712 - 1793), Turner (họa sỹ người Anh, năm 1775- 1851) và nhiều họa sĩ nổi tiếng khác. 
Đầm phá Venice cũng là một trong những nơi tập trung nhiều kiệt tác nhất trên thế giới: từ Nhà thờ Torcello (Torcello’s Cathedral) đến nhà thờ Santa Maria della Salute (Church of Santa Maria della Salute). Những năm hoàng kim đặc biệt của Cộng hòa Venice được thể hiện bằng những công trình với vẻ đẹp có một không hai: San Marco, Palazzo Ducale, San Zanipolo, Scuola di San Marco, Frari và Scuola di San Rocco, San Giorgio Maggiore… 

Tiêu chí (ii): Ảnh hưởng của Venice đối với phát triển của kiến ​​trúc và nghệ thuật tượng đài là đáng kể. Đầu tiên là qua các đường biển hoặc các trạm buôn bán của Cộng hòa Venice (Serenissima), dọc theo bờ biển Dalmatian (Dalmatian coast), ở Tiểu Á (Asia Minor) và ở Ai Cập (Egypt), tới các đảo của Biển Ionian (Ionian Sea), Peloponnesus, Crete và Cyprus. Tại đây, nhiều công trình (dinh thự, nhà thờ) được xây dựng theo mô hình của Venice. Nhưng khi mất quyền lực trên biển, Venice lại phát huy ảnh hưởng của mình theo một cách rất khác, là nhờ những họa sĩ vĩ đại của nó: Giovanni Bellini (năm 1430 - 1516), Giorgione (năm 1477-78/1473-74 – 1510), Tiziano Vecelli (Titian, năm 1473/1490 – 1576), Tintoretto (năm 1518 – 1594), Paolo Veronese (năm 1528- 1588) và Giovanni Battista Tiepolo (năm 1696 – 1770). Thành tựu của những họa sỹ này đã góp phần thay đổi hoàn toàn nhận thức về không gian, ánh sáng và màu sắc, để lại dấu ấn quyết định đối với sự phát triển của hội họa và nghệ thuật trang trí trên toàn châu Âu. 

Tiêu chí (iii): Venice là bằng chứng độc đáo về sự tồn tại khác thường của một địa điểm khảo cổ vẫn còn tồn tại sự sống. Sức sống mãnh liệt của vùng biển này thể hiện qua mối liên kết giữa phương Đông và phương Tây, giữa Hồi giáo và Cơ đốc giáo, tồn tại qua hàng nghìn di tích với dấu ấn của một thời đã qua. 

Tiêu chí (iv): Venice sở hữu một loạt quần thể kiến ​​trúc có một không hai, minh họa cho sự huy hoàng của nền Cộng hòa. Từ những di tích vĩ đại như Piazza San Marco và Piazzetta (nhà thờ, Palazzo Ducale, Marciana, Museo Correr Procuratie Vecchie), đến những dinh thự khiêm tốn ở các ô phố trong 6 khu phố (Quarters/ Sestieri), bao gồm các bệnh viện Scuole (Scuole hospitals) thế kỷ 13 và các tổ chức từ thiện (Charitable) hoặc hợp tác xã (Cooperative Institutions). Venice thể hiện một kiểu kiến ​​trúc xây dựng thời Trung cổ hoàn chỉnh, có giá trị mẫu mực đi cùng với đặc điểm nổi bật của một khung cảnh đô thị vốn phải thích ứng với những yêu cầu đặc biệt của địa điểm. 

Tiêu chí (v): Trong khu vực Địa Trung Hải (Mediterranean Area), Đầm phá Venice là một ví dụ tiêu biểu về sự định cư trong môi trường nửa cạn (semi-lacustral habitat) đã trở nên dễ bị tổn thương dưới tác động của những biến đổi tự nhiên và khí hậu không thể phục hồi. Trong hệ sinh thái chặt chẽ này, nơi các bãi bùn (muddy shelves, xen kẽ trên và dưới mực nước) cũng quan trọng như các hòn đảo, nhà trên cọc, làng chài và đất canh tác, cần được bảo vệ không kém gì các dinh thự và nhà thờ. 

Tiêu chí (vi): Venice gắn bó trực tiếp với những sự kiện, tín ngưỡng, truyền thuyết có ý nghĩa nổi bật toàn cầu.
Venice tượng trưng cho cuộc đấu tranh của con người chống lại các thế lực chưa thể dung hòa (con người với con người và con người với thiên nhiên); Thành phố cũng gắn liền với lịch sử mở rộng không gian sinh tồn. Venice - "Nữ hoàng của biển cả" (Queen of the Seas) từ chủ nhân của những hòn đảo nhỏ bé đã anh dũng mở rộng đường chân trời của mình ra ngoài đầm phá, tới Adriatic (vùng biển phân cách bán đảo Ý với bán đảo Balkan) và Địa Trung Hải.
Chính từ Venice, Marco Polo (thương gia và nhà thám hiểm gốc Venice, năm 1254-1324) đã lên đường khám phá Trung Quốc, An Nam (Miền Trung Việt Nam), Tonkin (Miền Bắc Việt Nam), Sumatra, India và Persia (Iran). Lăng mộ của ông tại San Lorenzo gợi lại vai trò của các thương nhân Venice trong việc khám phá thế giới, sau người Ả Rập, nhưng trước cả người Bồ Đào Nha. 


Bản đồ phạm vi Di sản Venice và đầm phá xung quanh (Venice and its Lagoon), vùng Veneto, Ý
 


Bản đồ Venice và vị trí một số di tích chính tại Di sản: 1) Khu vực Quảng trường San Marco với nhiều di tích nổi bật:
Nhà thờ San Marco; Dinh thự Ducale; Thư viện Marciana; Tòa nhà Zecca; Bảo tàng Correr; 2) Nhà thờ Santa Maria della Salute; 3) Nhà thờ San Zanipolo; 4) Nhà thờ Frari  

Di sản Thành phố Venice và đầm phá xung quanh có diện tích 70.176,4 ha với nhiều di tích, trong đó gồm một số di tích chính sau:  

Quảng trường
Thành phố Venice có 3 Quảng trường lớn (Piazza San Marco, Piazzale Roma và Piazza di Rialto) và nhiều Quảng trường nhỏ (Piazzetta và Campo).  

Quảng trường San Marco
Quảng trường San Marco (Piazza San Marco) là quảng trường lớn nhất tại Trung tâm lịch sử Venice, dài khoảng180m, rộng khoảng 80m. Đây là nơi công bố các nghi thức của Hội đồng thành phố và là nơi tổ chức các lễ hội.
Quảng trường San Marco được hình thành vào thế kỷ 9, xuất phát từ một diện tích trống trước Nhà thờ San Marco còn khiêm nhường thời bấy giờ.
Quảng trường San Marco ngày nay là kết quả của nhiều đợt xây dựng, chủ yếu vào năm 1200 và 1600.
Những thay đổi lớn trong khu vực xảy ra vào thời Thống đốc Sebastiano Ziani (trị vì năm 1172- 1178, được đánh giá là một trong những nhà quy hoạch vĩ đại nhất của Venice).  

Phía đông của Quảng trường San Marco là Nhà thờ San Marco (Basilica S. Marco). Mặt tiền phía tây của Nhà thờ (quay ra Quảng trường) được trang trí bằng đá cẩm thạch và những mái vòm, các chạm khắc theo phong cách Romanesque tại 5 vòm cửa lớn với các trụ tường, biểu tượng cho niềm tự hào và quyền lực của Venice. Hai bên của Nhà thờ San Marco là cửa ra vào quảng trường: Torre delli Orologio và Porta della Carta. Phía trước Nhà thờ có 3 cột cờ lớn giống như cột buồm bằng đồng.
Phía nam của Quảng trường San Marco là Bảo tàng Civico Correr (Museo Civico Correr).
Phía tây của Quảng trường San Marco là tòa nhà mang tên Ala Napoleonica.
Phía bắc của Quảng trường San Marco là tòa nhà Procuratie Vecchie.

Bề mặt của các công trình tại phía nam, tây và bắc ra phía Quảng trường đều có hàng hiên với dãy cột (Procuratie Nuove). 


Sơ đồ mặt bằng Quảng trường San Marco,
Venice, Ý


Phối cảnh tổng thể Quảng trường San Marco,
Venice, Ý; phía trước là đầm phá và Kênh St Mark

Gần trung tâm của Quảng trường San Marco là Tháp chuông St Mark (St Mark's Campanile), được xây dựng vào đầu thế kỷ 10 – 1514, bởi Jacopo Sansovino (kiến ​​trúc sư, nhà điêu khắc người Ý, năm 1486- 1570). Tháp được xây dựng lại vào năm 1902 – 1912.
Tháp cao 98,6m, là cấu trúc xây dựng cao nhất tại Venice và là một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất của Thành phố.
Ban đầu, công trình có vai trò như một tháp canh để hướng dẫn các con tàu vào bến cảng và bảo vệ lối vào thành phố từ biển. Theo thời gian, tháp được nâng dần chiều cao.
Tháp được bổ sung thêm phần tháp chuông vào thế kỷ 12. Năm 1514, Tháp được đạt đến độ cao tối đa như hiện nay.
Chuông trong Tháp có vai trò như là công cụ để điều chỉnh đời sống công dân và tôn giáo của Venice, đánh dấu sự bắt đầu, tạm dừng và kết thúc một ngày làm việc; sự triệu tập của hội đồng quốc hội, chính phủ; và các vụ hành quyết công khai.
Theo chiều cao, Tháp phân thành 3 phần: Phần dưới như một khối vuông mỗi chiều rộng 12m, cao 50m; bề mặt là các trụ gạch kéo dài suốt thân tháp, trang trí một vài lỗ cửa nhỏ; Phần giữa là tháp chuông có các hàng cột bao quanh; Phần trên cùng là mái hình chóp. Trên đỉnh chóp có một cánh quạt thể hiện hướng gió bằng vàng dưới hình dạng Thiên thần Gabriel.
Tháp chuông St Mark (St Mark's Campanile) đã truyền cảm hứng cho thiết kế của nhiều tòa tháp khác trên thế giới, đặc biệt là ở những khu vực thuộc Cộng hòa Venice trước đây. 


Tháp chuông St Mark
, Piazza San Marco, Venice, Ý; nhìn từ Piazzetta

Kề liền Tháp chuông St Mark là Loggette (Loggetta del Sansovino), một tòa nhà nhỏ với trang trí lộng lẫy, được thiết kế bởi kiến trúc sư Jacopo Sansovino.
Loggette được xây dựng bằng gạch, ốp đá từ năm 1538 - 1546, là nơi tụ tập các quan chức Cộng hòa Venice, quý tộc và những người chịu trách nhiệm quản lý những tòa nhà xung quanh Quảng trường.
Loggetta đã bị phá hủy phần lớn trong vụ sập Tháp chuông vào năm 1902, nhưng đã được xây dựng lại bằng những vật liệu ban đầu, chiếm khoảng một nửa của tòa nhà hiện nay. Công trình được xây bằng gạch, ốp đá cẩm thạch màu đỏ và trắng trang trí.
Mặt chính của công trình có phần dưới là 3 cửa vòm, được giới hạn bởi hàng cột đôi đặt trên bệ cao. Phần trên của mặt tiền được chia thành 3 ô lớn (phía trên cửa vòm) và 4 ô nhỏ; bên trong có bức phù điêu miêu tả những vị thần.
Nội thất công trình được trang trí bởi nhiều bức tượng với mục đích tôn vinh nữ thần trí tuệ Minerva, thần mặt trời Apollo, thần của tài hùng biện Mercury, nữ thần hòa bình Pax và các vị thần khác, thể hiện vị thế của nước Cộng hòa.
 


Tòa nhà Loggette, Piazza San Marco; phía sau là Tháp chuông St Mark, Venice, Ý
 

Bề mặt Quảng trường San Marco được lát vào cuối thế kỷ 12, bằng những viên gạch có hình xương cá, bắt nguồn từ các trang trí hoa văn của các tấm thảm phương Đông, một mặt hàng xa xỉ phổ biến ở trung tâm thương mại xung quanh Quảng trường. Vào năm 1723, những viên gạch đã được thay thế bằng một thiết kế hình học phức tạp hơn do Andrea Tirali (kiến trúc sư người Ý, năm 1660 – 1737) thực hiện.
Khi nước biển dâng cao, Quảng trường San Marco hoàn toàn bị ngập.  

Quảng trường San Marco được nối về phía nam qua một quảng trường nhỏ được gọi là Piazzetta với kích thước dài 110m, rộng 47m, hướng ra Kênh St Mark và đầm phá San Marco (San Marco basin).
Phía đông Piazzetta là Dinh thự Ducale (Palazzo Ducale/ Patriarcale). Tòa nhà theo phong cách Venice Gothic này là dinh thự của Thống đốc Venice, cơ quan quyền lực tối cao của Cộng hòa Venice.
Phía tây Piazzetta là Thư viện Marciana (Marciana Library). Hai tòa nhà phía tây và đông Piazzetta đều có hàng hiên với dãy cột (Procuratie Nuove), tương tự như các dãy nhà bao quanh Quảng trường lớn.
Phía nam Piazzetta, sát với đầm phá, có hai cột đá biểu tượng mang tên hai vị thánh bảo trợ của Venice: Cột Thánh Theodore (St Theodore, một vị thánh chiến binh Hy Lạp), tay cầm một ngọn giáo và một con cá sấu tượng trưng cho con rồng mà người ta cho rằng ông đã giết chết); Cột thánh Marco (Colonna S. Marco), thể hiện một sinh vật tượng trưng sư tử có cánh, vốn là biểu tượng của Thánh Maraco (St Mark). Phía đông nam của Quảng trường có cầu Paglia (Ponte della Paglia). 


Quảng trường Piazzetta, Venice, Ý; bên trái ảnh là Dinh thự Ducale, bên phải ảnh là Thư viện Marciana

Nhà thờ

Nhà thờ San Marco

Nhà thờ San Marco (Basilica di San Marco), còn được gọi là Vương cung thánh đường St Mark, là nhà thờ chính tòa của Tòa Thượng phụ Công giáo La Mã Venice. Công trình được dành riêng cho việc lưu giữ các di tích của Thánh Marco (Mark the Evangelist), vị thần hộ mệnh của thành phố.

Nhà thờ San Marco nằm tại phía đông của Quảng trường San Marco, kề liền với Dinh thự Ducale (Palazzo Ducale). Hình thức kiến trúc của Nhà thờ có thể coi như một sự đồng bộ hóa các ảnh hưởng của kiến trúc Byzantine (Byzantine architecture/Kiến trúc Đông La Mã), Romanesque (Romanesque architecture), Hồi giáo (Islamic architecture) và Gothic (Venetian Gothic architecture), để truyền đạt sự giàu có và quyền lực của nước Cộng hòa. Các mặt tiền và tường bên trong bằng gạch ban đầu đã được tô điểm theo thời gian bằng đá cẩm thạch quý hiếm, chủ yếu vào thế kỷ 13. Nhiều cột, phù điêu và tác phẩm điêu khắc là chiến lợi phẩm thu được từ thành phố Constantinople (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ) trong các cuộc Thánh chiến mà người Venice tham gia.  
Nhà thờ hiện tại là cấu trúc xây dựng thứ ba trên địa điểm này.

Nhà thờ đầu tiên là Nhà thờ Participazio (Participazio church) được xây dựng vào năm 829 – 976. Tàn tích còn lại chỉ là nền móng và bệ tường của một số bức tường.

Nhà thờ thứ hai là Nhà thờ Orseolo (Orseolo church) được xây dựng vào năm 976 – 1063, khi Nhà thờ Participazio bị phá hủy bởi những người nổi dậy chống lại Thống đốc Pietro IV Candiano (lãnh đạo Cộng hòa Venice, nhiệm kỳ 959–976). Một phần còn lại của công trình được ghép vào trong quá trình xây dựng Nhà thờ lần thứ ba.

Nhà thờ thứ ba là Nhà thờ San Marco hiện tại, được xây dựng vào khoảng năm 1063- 1094, đồng bộ hóa phong cách Byzantine, Romanesque, Gothic.
Công trình dài 76,5m, rộng 62,6m, chiều cao bên ngoài (mái vòm trung tâm) 43m, chiều cao bên trong (mái vòm trung tâm) 28,15m; bố cục theo hướng đông – tây. Mặt chính quay về hướng tây.


Sơ đồ mặt bằng
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý


Sơ đồ mặt cắt
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý

Công trình có 3 mặt tiền, tại phía tây, phía bắc và phía nam. Mặt tiền phía đông bị Dinh thự Ducale (Palazzo Ducale) che kín. Cả 3 mặt tiền này thể hiện kết quả của một quá trình thay đổi lâu dài và phức tạp.   

Mặt tiền phía tây là mặt tiền chính của Nhà thờ. Theo chiều cao, mặt tiền phân thành hai tầng:
Tầng dưới chia theo 5 nhịp nhà của mặt bằng bên trong, tạo thành 5 vòm cổng lõm sâu vào phía trong: Cửa chính (Main Portal, ký hiệu 1); 4 Cửa phụ (Portal recesses, ký hiệu 2 – 5); phân chia bước gian là các trụ với các bó cột tròn đỡ vòm cổng. Trên đỉnh vòm cửa chính tại tầng 1 trang trí 4 con ngựa đồng mạ vàng của Thánh Mark (Horses of Saint Mark). Đây là một trong những chiến lợi phẩm được mang về từ Constantinople sau cuộc Thập tự chinh thứ tư (Fourth Crusade) vào năm 1204. Các con ngựa này bị Napoléon cướp phá vào năm 1797, nhưng đã được trả lại vào năm 1815.
Tầng trên cũng có 5 vòm mái theo bước gian. Đỡ các vòm mái là hàng cột kép. Trên mái của tầng trên có hàng trụ rỗng, đỉnh hình chóp. Bên trong trụ rỗng đặt tượng.
Bức tường phía trên vòm cổng đều được trang trí bằng các bức bích họa miêu tả sự tích trong Kinh thánh. Diềm của vòm chính tầng 1 và 5 vòm tầng trên được chạm khắc phong phú bởi hình tượng tán lá xen lẫn với những hình vẽ có nguồn gốc từ truyền thống Byzantine và Islamic Hồi giáo.




Phối cảnh Mặt tiền phía tây
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý 

Mặt tiền phía bắc chỉ nhìn thấy một phần, gồm mặt trước của Gian ngang với cổng vòm và 4 bước gian. Theo chiều cao, mặt tiền này cũng chia thành hai phần: Phần dưới là trụ tường tạo cho vòm cổng lõm sâu vào bên trong. Phần trên cũng có 4 vòm cổng. Trên mái của tầng trên cũng có hàng trụ rỗng, đỉnh hình chóp. Bên trong trụ rỗng đặt tượng (là các biểu tượng ẩn dụ về sự Thận trọng; Tính cách; Niềm tin và Lòng nhân ái). Tại đây có một cổng nhỏ mang tên Fiori (Porta dei Fiori, ký hiệu 11).  

Mặt tiền phía nam chỉ nhìn thấy một phần với 2 bước gian. Mặt tiền này tương tự như mặt tiền phía bắc. Trên mái của tầng trên cũng có hàng trụ rỗng, đỉnh hình chóp. Bên trong trụ rỗng đặt tượng (là các biểu tượng ẩn dụ về Công lý và Lòng dũng cảm). Mặt tiền phía nam là mặt tiền được chạm khắc phong phú với các chiến lợi phẩm thu được từ chiến tranh. Tại đây có Cột dán thông báo (Pietra del Bando, ký hiệu 6); Hai cột trụ Acritani (Pilastri Acritani, ký hiệu 7), có thể đến từ một nhà thờ ở Constantinople; Chân dung các vị vua (Sculpture of the Tetrarchs, ký hiệu 8), là tượng của một nhóm 4 vị hoàng đế La Mã, có niên đại khoảng năm 300 sau Công nguyên, bằng đá porphyr màu tím đỏ. 


Tượng một nhóm 4 vị hoàng đế La Mã tại góc tường phía tây nam Nhà thờ 
San Marco, Venice, Ý 

Mặt bằng của Nhà thờ có dạng một cây thánh giá Hy Lạp (Croce Greca, 4 nhánh dài bằng nhau), gồm các không gian chính:  

Công trình có Sảnh hiên (Narthex) rộng nối với nhịp phụ (Porch) phía bắc và nam. Chính giữa Sảnh hiên, tại lối vào là một không gian lõm vào nửa đường tròn (Arch of Paradise/Vòm Thiên đường, ký hiệu A). Hai bên có hai lối vào mang tên San Pietro (Porta di san Pietro, ký hiệu 10). Tại bức tường dày phân chia Sảnh hiên và Gian giữa có cầu thang đi lên Bảo tàng Marciano (Stairs up to the Museo Marciano, ký hiệu 9). 

Gian giữa (Hội trường/Nave) có 3 nhịp (không kể hiên phụ hai bên) và 3 bước gian. Nhịp chính giữa rộng, hai nhịp hai bên hẹp, là lối đi. Hai nhịp ngoài cùng là hiên. Vòm của các bước gian tại nhịp chính đều được đặt tên: Vòm Khải huyền (Arch of the Apocalypse, ký hiệu B); Vòm Lễ ngũ tuần (Scenes of Pentecost, ký hiệu C) với 4 trụ cột lớn; Vòm Khổ nạn của Chúa Giêsu (Scenes of Passion, ký hiệu D). Tại đây có ban thờ mang tên Capitello del Crocifisso/ Capital of the Cross, ký hiệu 12).  

Kề liền phía nam của Gian giữa là không gian của Kho bạc nơi làm việc của thợ kim hoàn (Tesoro/Treasury with goldsmiths work, ký hiệu 27); Phòng rửa tội (Battistero/Baptistery, ký hiệu 28); Phòng chờ (Front dating, ký hiệu 29); Phòng mộ của Hồng y Giovanni Battista Zen (Cappella Zen, ký hiệu 30, xuất hiện khi Hồng y mất 1501) 


Bên trong 
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý 


Phòng mộ của Hồng y Giovanni Battista Zen, Nhà thờ San Marco, Venice, Ý 

Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) có 3 nhịp và 1 bước gian. Gian ngang (Transept) được hình thành bởi gian Hợp xướng kéo dài, tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây thánh giá Hy Lạp (Croce Greca, 4 nhánh dài bằng nhau). Giao của chữ thập là một khối tròn nhô cao, phủ mái vòm có tên Thăng thiên (Ascension, ký hiệu E) với 4 trụ cột lớn. Kề liền là không gian mang tên Thánh Peter (St Peter/ Resurrection, ký hiệu M), hai bên là một bức tường Iconostasis (với các biểu tượng và tranh tôn giáo, ngăn cách gian Hợp xướng và Hậu đường, ký hiệu 21).  
Kề liền phía nam của Gian Hợp xướng là Cổng dẫn tới Dinh thự Ducale (Passage to the Doges’ Palace/Palazzo Ducale, ký hiệu 25); Cửa vào Kho bạc (Entrance to the Treasury, ký hiệu 26).

Gian ngang phía bắc có các mái vòm có tên: Thánh Michael với thanh kiếm (St Michael with sword, ký hiệu F); Thánh St John (ký hiệu G) và Cây gia phả gia tộc Mary (Mary’s family tree, ký hiệu H); Không gian đặt tượng Thiên thần (Romanesque stoup with angels, ký hiệu 13); Nhà nguyện Madonna dei Mascoli (Cappella della Madonna dei Mascoli, ký hiệu 14); Nhà nguyện Sant’ Isidoro (Cappella di Sant’ Isidoro, ký hiệu 15). Nhà nguyện Madonna Nicopeia (Cappella della Madonna Nicopeia, ký hiệu 16).

Gian ngang phía nam có các mái vòm có tên: Washing of the Feet, Temptation in the Wilderness (ký hiệu I) với ban thờ mang tên San Giacomo (Altare di San Giacomo, ký hiệu 24); Thánh Leonad (St Leonard, ký hiệu K); Bốn phép lạ của Chúa Giêsu (Four miracles of Jesus, ký hiệu L).

Hậu đường (Apse) có mặt bằng và cấu trúc xây dựng tương tự như Gian Hợp xướng (Choir Mosaics, ký hiệu N). Phía bắc của Hậu đường là không gian dành cho nhà nguyện mang tên Cappella di San Pietro (ký hiệu 18).

Phía sau Hậu đường là Ban thờ (High Altar, ký hiệu 19) và Bức bình phong vàng (Pala d’ Oro/ Golden Cloth, ký hiệu 20), là một trong những tác phẩm hoàn thiện và tinh tế nhất của nghệ thuật tráng men Byzantine (Byzantine enamel) với trang trí cả mặt trước và sau. Bức bình phong rộng 3m, cao 2m, được làm bằng vàng và bạc, được ốp bởi 187 mảng men và 1927 viên ngọc quý. Phía sau Bức bình phong là không gian mang tên Lam of God (ký hiệu O). Kết thúc của gian giữa Hậu đường là không gian mang tên Christ in Majesty with Saints (ký hiệu P), có mặt bằng nửa hình tròn, kích thước bằng bề rộng Gian giữa, phủ mái dốc.   

Phủ lên trên không gian chính C, E, N và không gian tại gian ngang G, K là 5 mái vòm có hai lớp (mái vòm kép). Lớp dưới là mái vòm (dạng đồng tâm) có các ô cửa lấy ánh sáng cho không gian bên dưới. Phủ lên trên mái vòm đồng tâm là một mái vòm cao mang tính trang trí tạo sự bề thế cho tòa nhà và bảo vệ cho mái vòm chính bên dưới khỏi các tác động của thời tiết. Trên đỉnh của mái vòm cao được nhấn mạnh thêm bởi một mái vòm nhỏ (hình đèn lồng) và cây thánh giá. Đỡ mái vòm cao là một hệ thống khung gỗ phủ chì.
Người ta cho rằng các mái vòm hai lớp tại đây được khởi nguồn từ các nhà thờ Hồi giáo tại Jerusalem và Nhà thờ Các thánh tông đồ (Church of the Holy Apostles), nhà thờ Chính thống giáo phương Đông Hy Lạp (Eastern Orthodoxy, một trong ba nhánh chính của Cơ đốc giáo/Christianity, bên cạnh Công giáo/Catholic và Tin lành/ Protestantism), ở Constantinople, thủ đô của Đế chế Đông La Mã). 


Gian giữa của Nhà thờ San Marco, nhìn về hướng Đông, với Mái vòm Thăng thiên, Venice, Ý 


Ban thờ với bức bình phong vàng (Pala d’ Oro/ Golden Cloth),
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý 

Nội thất của mái vòm, phòng nguyện và các bức tường phía trên được bao phủ bởi những bức tranh khảm mạ vàng mô tả đức  thánh, nhà tiên tri và cảnh trong Kinh thánh. 
Một số bức bích họa có nguồn gốc từ nghệ thuật Byzantine truyền thống, thời Trung cổ. Nhiều tác phẩm được thực hiện bởi các họa sĩ thời Phục hưng nổi tiếng, đến từ Venice và Florence, bao gồm: Paolo Veronese (năm 1528- 1588); Tintoretto (năm 1518 – 1594), Titian (năm 1473/1490 – 1576), Paolo Uccello (người Florence, năm 1397- 1475 và Andrea del Castagno (người Florence, năm 1419- 1475).
Những bức tranh khảm cổ nhất tại Nhà thờ San Marco nằm trong các hốc của cổng vào ở Hàng hiên (Narthex) với niên đại sớm nhất vào năm 1070. Trong thời gian sau này, Chính phủ Venice đã mời một số nghệ sĩ đến từ Florence để sửa chữa các bức tranh hư hỏng.

Sàn của Nhà thờ được ghép bởi những miếng đá cẩm thạch (opus sectile) và ở mức độ thấp hơn là bằng các miếng đá nhỏ (opus tessellatum), có niên đại vào cuối thế kỷ 11 hoặc nửa đầu thế kỷ 12. Mảnh ghép thể hiện các hình hình học và động vật như sư tử, đại bàng, chó ngao, hươu, nai, chó, công và những loài khác, phần lớn bắt nguồn từ triết lý thời Trung cổ với ý nghĩa tượng trưng.  


Một bức tranh ghép trên sàn
Nhà thờ San Marco, Venice, Ý 

Nhà thờ Santa Maria della Salute

Nhà thờ Santa Maria della Salute
(Church of Santa Maria della Salute) là một nhà thờ Công giáo La Mã, nằm tại khu đất hình tam giác của Venice, nơi kênh Lớn (CanalCanal) và và kênh Giudecca (Giudecca Canal) gặp nhau.
Công trình được thiết kế theo phong cách Baroque và hình thành từ năm 1631- 1687.

Hầu hết các đồ vật nghệ thuật đặt trong nhà thờ đều có liên quan đến Cái chết Đen (Black Death, là một đại dịch bệnh gây tử vong nhiều nhất trong lịch sử nhân loại với 75–200 triệu người chết ở Âu-Á và Bắc Phi, cao nhất ở châu Âu từ năm 1347 đến năm 1351).
Bắt đầu từ mùa hè năm 1630, một bệnh dịch lại tấn công Venice. Đến năm 1631 đã giết chết gần một phần ba dân số. Thành phố có 46.000 người chết và khu vực đầm phá có 94.000 người chết. Một trong những nguyên nhân xây dựng nhà thờ là để phục vụ lễ tạ ơn vì đã giải cứu người dân khỏi dịch bệnh và cũng là để tôn vinh Đức trinh nữ Maria, người được cho là bảo vệ nền Cộng hòa.

Công trình được thiết kế bởi Baldassare Longhena (kiến trúc người Ý, năm 1598 – 1628), là một trong những người khai sáng kiến trúc Baroque thời kỳ đó. Baroque là một phong cách kiến ​​trúcâm nhạckhiêu vũ, hội họađiêu khắc, thơ ca và các nghệ thuật khác phát triển mạnh mẽ ở châu Âu từ đầu thế kỷ 17 – 18. Phong cách này tiếp sau nghệ thuật Phục hưng (Renaissance art) và Hậu Phục hưng (Mannerism), trước Rococo và phong cách Tân cổ điển. Phong cách Baroque sử dụng độ tương phản, chuyển động, chi tiết hoa lệ, màu sắc mạnh, hùng vĩ và bất ngờ để đạt được cảm giác kinh ngạc. Phong cách Baroque bắt đầu vào đầu thế kỷ 17 ở Rome, sau đó lan sang Pháp, miền bắc Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, sau đó đến Áo, miền nam nước Đức và Nga.  

Nhà thờ có mặt bằng bố cục theo hướng bắc nam, hướng về phía bắc, dài 70m, rộng 47m, đặt trên một nền móng bằng 1.000.000 cọc gỗ, được xây dựng bằng đá vôi không thấm nước (Istrian) và thạch cao (Marmorino, có thể nhuộm màu). Sân xung quanh Nhà trang trí các vệt hình học bằng đá vôi màu sáng.  

Công trình có một Sảnh hiên (Narthex) hẹp tại phía trước, gắn với một dãy bậc cao hướng ra bờ kênh.
Mặt tiền Sảnh hiên chính có dạng kiến trúc đầu hồi. Phần dưới chia thành 3 phần được giới hạn bởi thức cột kết hợp giữa Corinth và Ionic (Composite Order). Phần chính giữa là cửa vào Nhà thờ. Hai bên là các bức phù điêu. Phần trên là lan can diềm mái và phần mái tam giác với các bức tượng các vị truyền giáo. 

Gian Hội trường (Nave) có mặt bằng hình bát giác. Bên trong Hội trường có một hàng với 8 cột vươn cao đỡ tháp mái phía trên.
Tháp mái có mặt bằng hình tròn với hệ thống kết cấu phức tạp: Phần dưới là tường (mặt bằng hình bát giác) có  hàng cửa kép lấy ánh sáng cho Gian Hội trường. Phần trên là mái vòm 2 lớp. Lớp dưới là mái vòm dạng đồng tâm. Lớp trên là một mái vòm cao mang tính trang trí, tạo sự bề thế cho tòa nhà và bảo vệ cho mái vòm chính bên dưới khỏi tác động của thời tiết. Đỉnh của mái vòm cao được nhấn mạnh bởi một mái vòm nhỏ (hình đèn lồng) và bức tượng của Đức mẹ đồng trinh Mary.
Đỡ mái vòm cao là một hệ thống khung gỗ phủ chì, có cấu trúc tương tự như mái vòm của
Nhà thờ San Marco, tại Venice.
Xung quanh cột của Gian Hội trường là một hành lang với mái dốc thấp. Trên mái của hàng lang có các trụ tường trang trí hình như sóng cuộn; phía trên đặt các tượng Thánh.
Dọc theo hành lang là 6 Phòng nguyện, tại 6 mặt của hình bát giác (hai mặt kia là sảnh vào và không gian hướng tới Hậu đường). Các Phòng nguyện nhô ra khỏi mặt tường và được trang trí giống như một đầu hồi của một dinh thự, đặc biệt là hai khối Phòng nguyện sát với Sảnh hiên (phần dưới có các cột trụ tường với đầu cột dạng Corinth, phần trên là một cửa vòm và trang trí diềm đầu hồi mái tam giác).  

Công trình không có Gian ngang (Transept).  

Gian Hậu đường là một khối nhà có hình đặc biệt: Chính giữa là một hình vuông, đầu phía đông và tây là phần mở rộng có dạng nửa đường tròn. Trên đỉnh của hình vuông là một tháp mái với cấu trúc tương tự như tại Gian Hội trường, song có chiều cao thấp hơn. Hai bên tháp mái là hai tháp chuông. Tháp chuông có mặt bằng hình vuông, cao như tháp mái Gian Hậu đường và được trang trí phong phú.  
Mái vòm của Nhà thờ Salute là một bổ sung quan trọng cho đường chân trời Venice và nhanh chóng trở thành biểu tượng của thành phố. 


Tổng mặt bằng
Nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice, Ý


Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice, Ý




Phối cảnh mặt đứng hướng bắc, Nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice, Ý


Nội thất nhìn về hướng ban thờ, Nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice, Ý

Nhà thờ San Zanipolo

Nhà thờ San Zanipolo (Basilica dei Santi Giovanni e Paolo) nằm tại phía bắc Quảng trường San Marco, cách khoảng 600m. Đây là một trong những nhà thờ tôn giáo thời Trung cổ ấn tượng nhất ở Venice, có vị thế như một Tiểu vương cung thánh đường. Công trình được coi là đền thờ của Venice vì có một số lượng lớn các tượng đài, nơi chôn cất nhiều nhân vật quan trọng của Venice từ thế kỷ 13.
Tòa nhà bằng gạch khổng lồ được thiết kế theo phong cách Gothic của Ý và hoàn thành vào những năm 1430. 
Đây là nhà thờ dòng Dominica (Dòng Đa Minh) của Venice, dành riêng Thánh John và Thánh Paul.

Nhà thờ đầu tiên trên mảnh đất này bị đóng cửa vào năm 1343. Nhà thờ hiện tại được xây dựng vào năm 1430. Năm 1867, Nhà thờ bị hỏa hoạn phá hủy một phần và được phục hồi lại vào năm 1959.  

Công trình nằm tại phía đông Quảng trường (Campo) Santi Giovanni e Paolo. Mặt tây của Quảng trường là một con kênh và một cầu nhỏ bắc qua. Mặt bắc là tòa dinh thự mang tên Escuela Grande de San Marcos (ban đầu là tòa nhà của Hiệp hội Cộng đồng Giáo dân địa phương, hiện trở thành bệnh viện); Mặt nam của Quảng trường có Tượng đài Bartolomeo Colleoni cưỡi ngựa của Andrea del Verrocchio (nhà điêu khắc, họa sĩ, thợ kim hoàn người Ý, năm 1435- 1488). 

Nhà thờ San Zanipolo có mặt bằng theo hướng đông – tây, hướng về phía tây, ra phía Quảng trường Santi Giovanni e Paolo, gồm các không gian chính:

Công trình không có Sảnh hiên (Narthex). Hai bên lối vào chính có Lăng mộ của gia đình Mocenigo (Sepulturas de la Familia Mocenigo, hình vẽ ký hiệu 1).

Gian Hội trường (Nave) có 3 nhịp và 5 bước gian. Nhịp chính giữa rộng và cao, hai nhịp hai bên hẹp và thấp. Phía nam của Gian Hội trường là: Bàn thờ Phục hưng (Altar Renacentista, ký hiệu 2); Lăng mộ Marco Antonio Brigadin (luật sư người Ý, năm 1523 – 1571, ký hiệu 3). Ban thờ mang tên Poliptico de San Vicente Ferrer (ký hiệu 4). Nhà nguyện của Chúa Giêsu (Cappela dei Nome di Gesu, ký hiệu 5); Lăng Valier (Mausoleo Valier, ký hiệu 6); Nhà nguyện Đức mẹ Hòa bình (Cappela della Madona della Pace, ký hiệu 7); Nhà nguyện San Domenico (Cappela di San Domenico, ký hiệu 8). Phía bắc của Gian Hội trường có: Ban thờ mang tên Poliptico de San Agustin (ký hiệu 17; Ban thờ và Phòng thờ Phục hưng (Altar Renacentista, ký hiệu 18).  

Gian Hợp xướng (Choir) có 3 nhịp và 1 bước gian.
Gian ngang (Transept) được hình thành bởi gian Hợp xướng kéo dài, tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây thánh giá La Mã (có một nhánh dài). Giao của chữ thập là một khối tròn nhô cao, phủ mái vòm, dạng mái vòm kép; chiều cao bên trong 41m, chiều cao bên ngoài 55,4m, được xây dựng bổ sung vào cuối thế kỷ 15.  
Phía nam của Gian ngang có cửa ra vào kiểu Gothic với kính màu (Ventana gotica que conserva las vidrieas, ký hiệu 9).
Phía bắc của Giang ngang có cửa ra vào mang tên Evangelio (Transepto del Evangelio, ký hiệu 15). Từ đây thông sang Nhà nguyện Rosario (Capella del Rosario, ký hiệu 16).
Tại góc mái phía tây nam của Gian ngang có hai bức tường đặt vuông góc, là nơi treo chuông.

Hậu đường (Apse) có mặt bằng như Gian Hợp xướng. Nhịp chính kéo dài và kết thúc bằng nửa đường tròn (Antonio Corner, ký hiệu 12); Hai bên Hậu đường, mỗi bên có 2 nhà nguyện với mặt bằng dạng bán tròn: Nhà nguyện Crocifisso (Cappell del Crocifisso, ký hiệu 10); Nhà nguyện Maddalena (Cappell della Maddalena, ký hiệu 11); Nhà nguyện Trinita (Cappell della Trinita, ký hiệu 13); Nhà nguyện San Pio V (Cappell Cavalli o de San Pio V, ký hiệu 14). 

Mặt tiền chính phía tây thể hiện rõ 3 nhịp chính bên trong. Phần nhịp chính giữa rộng nhô cao với cửa vào ở phần dưới, được nhấn mạnh bởi 6 cột đá cẩm thạch trắng Proconnesian (một loại đá được sử dụng nhiều nhất tại Đế chế La Mã); trên cửa ra vào là một cửa sổ tròn lớn trang trí, được gọi là Cửa Hoa hồng (Rosone, thường được áp dụng cho mặt tiền của các nhà thờ theo phong cách Romanesque và Gothic); phía trên đỉnh tường tam giác của mặt tiền được trang trí bởi 3 hộp hình chóp với tượng các vị thánh đặt bên trong và xung quanh. Phần nhịp phụ hai bên có các hốc kiểu Gothic; phía trên có lỗ cửa số tròn nhỏ.
Mặt tiền phía nam của Nhà thờ, ngoài khối chính tạo thành hai lớp mái, còn được bổ sung thêm nhiều khối nhà nguyện.
Mặt tiền phía tây của Nhà thờ nổi bật bởi khối Hậu đường (Apse) với các cửa số kiểu Gothic hẹp.
Mặt tiền phía bắc của Nhà thờ đơn giản với các trụ tường và cửa số kiểu Gothic hẹp, gắn với sân trong của một khu dinh thự kề liền. 

Nội thất Nhà thờ rộng lớn chứa nhiều tượng đài và tranh.  
Mặt bằng
Nhà thờ San Zanipolo, Venice, Ý


Phối cảnh mặt tiền chính phía tây
Nhà thờ San Zanipolo, Venice, Ý


Bên trong Gian Hội trường,
Nhà thờ San Zanipolo, Venice, Ý

Nhà thờ Frari

Nhà thờ Frari (Basilica di Santa Maria Gloriosa dei Frari), nằm tại quảng trường Campo dei Frari, ở trung tâm quận San Polo, tại phía tây bắc Quảng trường chính San Marco, cách khoảng 950m. Đây là một trong những nhà thờ lớn nhất thành phố, một dạng Tiểu vương cung thánh đường, thờ Đức Mẹ Maria.
Công trình đầu tiên được xây dựng vào năm 1250 và không được hoàn thành. Sau đó, một nhà thờ mới, lớn hơn đã được dựng lên vào năm 1396 và là nhà thờ hiện tại. Đây là công trình cao thứ hai trong thành phố, sau Nhà thờ San Marco.
Tòa nhà hùng vĩ được xây bằng gạch và hầu như vẫn giữ được vẻ ngoài theo phong cách Gothic.
Tương tự như các nhà thờ dòng Phanxicô, công trình có hình thức bên ngoài khá đơn sơ, ngay cả ở mặt tiền chính.  

Công trình có bố cục theo hướng đông bắc – tây nam, quay về hướng đông bắc, ra Quảng trường Frari (Campo dei Frari) và một con kênh; phía tây là Nhà thờ San Rocco; phía tây nam là Dinh thự Scuola di San Rocco. 


Tổng mặt bằng Nhà thờ
Frari (ký hiệu 1), kề liền là Nhà thờ San Rocco (ký hiệu 2) và Dinh thự Scuola di San Rocco (ký hiệu 3), Venice, Ý 


Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Frari, Venice, Ý 


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Frari, Venice, Ý 

Công trình không có Sảnh hiên (Narthex), chỉ có một lối vào chính giữa mặt tiền (Main portal, hình vẽ ký hiệu 1).
Ngay lối vào chính có mộ Alvise Pasqualigo (Tom of Alvise Pasqualigo, chôn cất năm 1528, hình vẽ ký hiệu 2), mộ Pertro Bernardo (Tom of Pertro Bernardo, chôn cất năm 1538, hình vẽ ký hiệu 3) và mộ Girolamo Garzoni (Tom of Girolamo Garzoni, chôn cất năm 1688, hình vẽ ký hiệu 4). 

Gian Hội trường (Nave) có 3 nhịp và 5 bước gian. Nhịp chính giữa rộng và cao, hai nhịp hai bên hẹp và thấp.
Phía tây bắc của Gian Hội trường có:  Bức tượng Thánh bê chậu nước (Holy water basin with statuettes, ký hiệu 6) được thực hiện năm 1593 bởi Girolamo Campagna ( nhà điêu khắc Ý, năm 1549–1625); Tượng đài của họa sĩ Titian (Monument to Titian, chôn cất năm 1576, ký hiệu 8), được làm bằng đá cẩm thạch, miêu tả họa sĩ Titan đi kèm các câu chuyện ngụ ngôn về tính phổ quát của tự nhiên, tinh thần tri thức cùng hội họa, điêu khắc, đồ họa và kiến trúc. Tại chân đế của bức biểu tượng là tượng hai vị thống đốc mà ông cùng làm việc. Phía sau của bức biểu tượng là các bức phù điêu gợi lại những tác phẩm quan trọng nhất của họa sĩ; Ban thờ Purification (Altar of Purification, ký hiệu 10); Ban thờ St Joseph (Altar of St Joseph of Copertino, ký hiệu 13); Ban thờ St Catherine (Altar of St Catherine, ký hiệu 14). 
Phía đông nam của Gian Hội trường có: Bàn thờ với cây thánh giá (Cruifixion altar, ký hiệu 5); Mộ của A.Canova (Monument of A.Canova, chôn cất năm 1822, ký hiệu 7); Mộ của Doge Giovanni Pesaro (Tomb of Doge Giovanni Pesaro, chôn cất năm 1659, ký hiệu 9); Bức tranh “Madona di Ca Pesaro” của Titian (năm 1526, ký hiệu 11); Mộ của Bishop lacopo Pesaro (Tomb of Bishop lacopo Pesaro, chôn cất năm 1547, ký hiệu 12). Kề liền là Nhà nguyện Emiliani (ký hiệu B). 

Gian Hợp xướng (Choir) có 3 nhịp và 2 bước gian. Chính giữa là Dàn hợp xướng (Monastic Choir, ký hiệu 15).

Gian ngang (Transept) được hình thành bởi gian Hợp xướng kéo dài, tạo cho mặt bằng Nhà thờ có hình một cây thánh giá La Mã (có một nhánh dài). Đầu hướng đông nam của Gian ngang là khu vực lăng mộ của gia đình quý tộc Orsini, dòng họ với 5 vị giáo hoàng, 32 vị hồng y và nhiều nhân vật quan trọng khác (Monument to Genero Orsini, ký hiệu 16); Cạnh đó là Tháp chuông (Bell Tower, ký hiệu B) và Nhà nguyện Corner, bên trong có tượng John the Baptist bằng đá cẩm thạch, dựng năm 1554) và bàn thờ được dựng vào năm 1474 của Bartolomeo Vivarini (họa sĩ người Ý, năm 1432- 1499, hình vẽ ký hiệu C). Đầu hướng tây bắc của Gian ngang là Mộ của Đô đốc Marcello (Tomb of General I Marcello, chôn cất năm 1473, ký hiệu 17); Mộ của Beato Pacifico Buon (Tomb of Beato Pacifico Buon, chôn cất năm 1473, ký hiệu 18). 

Hậu đường (Apse) có nhịp chính kéo dài và kết thúc bằng nửa đường tròn (Sanctuary), là nơi đặt ban thờ (High altar) với bức tranh mang tên Assumption of the Madona” của Titian, thực hiện năm 1516 – 1518, ký hiệu 22). Hai bên Hậu đường, mỗi bên có 3 nhà nguyện (Chapels) với mặt bằng dạng bán tròn:
Tại phía đông nam có: Nhà nguyện Milanesi, bên trong đặt mộ của Claudio Monteverdi (Tomb of Claudio Monteverdi, chôn cất năm 1634, ký hiệu D); Nhà nguyện Trevisan, nơi đặt mộ Melchiore Trevisan (chôn cất năm 1500, ký hiệu E). Nhà nguyện San Francesco (ký hiệu F).
Tại phía tây bắc có: Nhà nguyện Fiorentin (ký hiệu G), bên trong có tượng John the Baptist bằng gỗ, được tạc năm 1451 bởi Donatello (nghệ sĩ, điêu khắc Ý, năm 1386 – 1466); Nhà nguyện Sacramento, bên trong có mộ đặt trong tường (wall – tomb) của Frorentine Ambassador Duccio degli Alberti (chôn cất năm 1336, ký hiệu H); Nhà nguyện Bernado, bên trong có ban thờ với bức vẽ được thực hiện vào năm 1482 của Bartolomeo Vivarini (họa sĩ người Ý, năm 1432- 1499). 

Tại phía tây bắc của Nhà thờ Frari có một tu viện với một sân trong hình vuông. Bên trong sân có 4 trụ tượng và một vòi phun nước mang tên Trinity Fountain, được dựng vào năm 1713- 1714 (ký hiệu 24). Ba mặt của sân (không kể mặt tiếp giáp Nhà thờ) là một hàng hiên với dãy cột. Dọc theo hàng hiên phía đông bắc là dãy nhà kho (Refectory, ký hiệu 25) cao 3 tầng với với hàng cột đỡ sàn ở giữa nhà.
Dọc theo hàng hiên phía tây nam là Kho để đồ lễ thánh (Sacristy), cao 3 tầng; kề liền là không gian 1 tầng có mặt bằng với một đầu dạng bán tròn (ký hiệu 22), bên trong có bức tranh  Madonna Enthroned with Saints” , được thực hiện vào năm 1488 của Giovanni Bellini (họa sĩ Ý, năm 1430 – 1516). Cạnh Kho đồ lễ thánh là Nhà chương (Chapter House, ký hiệu 23), cao 3 tầng, dành cho việc hội họp của các tu sĩ. 

Nội thất Nhà thờ Frari đáng chú ý với nhiều tác phẩm điêu khắc trang trí lăng mộ của những người Venice nổi tiếng được chôn cất trong nhà thờ, trong đó có họa sĩ Titian. Nhiều trong số tác phẩm điêu khắc tại đây thuộc tác phẩm quan trọng hàng đầu trong lịch sử điêu khắc của Venice, trong đó có những tượng, bức tranh lớn của họa sĩ Titian.
Nhà thờ Frari còn lưu giữ được bức vách ngăn trang trí (Rood Screen) duy nhất tại Venice.  


Nội thất 
Nhà thờ Frari, Venice


Bức tranh "Madona di Ca Pesaro" của họa sĩ Titian, Nhà thờ Frari, Venice


Tượng đài và lăng mộ họa sĩ Titian, Nhà thờ Frari, Venice

Nhà thờ Torcello

Nhà thờ Torcello (Torcello’s Cathedral/ Church of Santa Maria Assunta) là nhà thờ lớn (Vương cung thánh đường) trên đảo TorcelloVenice, phía đông bắc Khu vực di sản. Đây là một hòn đảo nhỏ chỉ có khoảng 20 người sinh sống.
Nhà thờ là một ví dụ đáng chú ý về kiến ​​trúc Hậu Paleochristian (Late Paleochristian, thời kỳ sau của Kiến trúc Cơ đốc giáo sơ khai, vào khoảng năm 260- 525), một trong những công trình tôn giáo cổ kính nhất và chứa những bức tranh khảm sớm nhất ở Venice.

Công trình được tu bổ lớn vào năm 864 và năm 1008 với hình dạng hiện tại.

Nhà thờ Torcello có bố cục mặt bằng theo hướng tây bắc – đông nam, quay về phía tây bắc; có mặt bằng hình chữ nhật, gồm các không gian chính:

Sảnh hiên (Narthex) dài suốt chiều ngang nhà, nối sang cả nhà nguyện dành riêng cho Thánh Santa Fosca tại phía tây nam. Chính giữa Sảnh hiên là một Ban thờ (Apse) nhỏ, có mặt bằng hình tròn hoặc bát giác, hiện chỉ còn lại tàn tích. Sảnh hiên được xây dựng vào thế kỷ 11, được cải tạo lại vào thế kỷ 13 và 14. Chính giữa Sảnh hiên là một cổng bằng đá cẩm thạch.

Gian Hội trường (Nave) có 3 nhịp (không kể không gian phụ hai bên) và 7 bước gian. Nhịp chính giữa rộng và cao, hai nhịp hai bên hẹp và thấp, là lối đi.

Gian Hợp xướng (Choir/Tribune/Dome) tương tự như gian Hội trường, có 3 nhịp và 3 bước gian. Nhà thờ không có gian ngang.

Hậu đường (Apse) có mặt bằng dạng nửa đường tròn tại gian chính và hai gian phụ. Phía sau Hậu đường, tách biệt khỏi công trình là Tháp chuông, được dựng vào thế kỷ 11. 

Nền của công trình được lát bằng đá cẩm thạch. Tại đây có những bức tranh khảm từ thế kỷ 11, miêu tả Đức Mẹ và các vị Thánh.

Sơ đồ mặt bằng Nhà thờ Torcello, Venice, Ý


Phối cảnh tổng thể Nhà thờ Torcello,
Venice, Ý; Bên phải ảnh là nhà nguyện Santa Fosca


Mặt đứng phía tây bắc Nhà thờ Torcello,
Venice, Ý 


Nội thất Nhà thờ Torcello, Venice, Ý


Bức tranh khảm Đức Mẹ và các vị Thánh, Nhà thờ Torcello,
Venice, Ý

Cung điện và dinh thự
Thành phố Venice có nhiều cung điện và dinh thự nổi tiếng, gồm: 

Dinh thự Ducale

Dinh thự Ducale (Palazzo Ducale) là dinh thự của Thống đốc, cơ quan quyền lực tối cao của Cộng hòa Venice. Công trình nằm tại phía nam của Nhà thờ San Marco (Basilica di San Marco) tại Quảng trường nhỏ Piazzetta, hướng ra đầm phá San Marco (San Marco basin).
Công trình được xây dựng vào năm 1340 theo phong cách Gothic Venice (hình thức kiến trúc Gothic Ý đặc trưng của Venice, bắt nguồn từ yêu cầu xây dựng của địa phương với một số ảnh hưởng từ kiến ​​trúc Byzantine và Hồi giáo). Công trình đã được cải tạo lại nhiều lần sau những trận hỏa hoạn năm 1483, 1547, 1577.
Dinh thự trở thành bảo tàng vào năm 1923. 

Dinh thự Ducale cao 3 - 4 tầng, gồm các dãy nhà hình chữ U, bao quanh một sân trong rộng khoảng 32m, dài 48m với hàng cột hiên mang tên Cortile del Palazzo.   
Chính giữa Sân trong là hai giếng chứa nước hình bát giác, có niên đại từ giữa thế kỷ 16.  


Mặt bằng Dinh thự Ducale ở bên dưới ảnh, bên trên là Nhà thờ San Marco



Sân trong Dinh thự Ducale, nhìn về Nhà thờ San Marco tại phía bắc, Venice, Ý

Phía bắc của Sân trong là Nhà thờ San Marco; Kho thánh tích của Nhà thờ (Sagrestia) và Trung tâm giáo dục San Teodoro, được thành lập vào năm 1258. Công trình hiện được sử dụng làm địa điểm tổ chức văn hóa.
Tại đây có Cầu thang ngoài trời mang tên Scala dei Giganti (Cầu thang của Người khổng lồ), được xây dựng vào năm 1485. Vào năm 1576, Sansovino (nhà điêu khắc, kiến trúc sư Ý, năm 1468 – 1570) đã đặt hai bên Cầu thang biểu tượng Sao Hỏa (Mars) và Sao Hải Vương (Neptune), tượng trưng cho sức mạnh của Venice trên bộ và trên biển,
Kề liền Cầu thang Scala dei Giganti là một sân trong nhỏ mang tên Cortile dei Senatori (Sân của các thượng nghị sĩ), là nơi các thành viên của Thượng viện tập trung trước các cuộc họp của Quốc hội.


Cầu thang mang tên Scala dei Giganti,
Dinh thự Ducale, Venice, Ý 

Phía tây của Sân trong là khối nhà với hành lang cả hai phía. Tại tầng trệt là mái vòm kiểu Gothic. Vòm cột tại hành lang tại tầng 1 nhỏ bằng một nửa so với chiều rộng vòm cột tại tầng trệt. Tầng 2 không có hành lang, tạo thành một không gian rộng mang tên Sala dello Scrutinio. Đây là không gian được trang trí bởi những họa sĩ hàng đầu trong khoảng cuối thế kỷ 16- 17.
Hiện tại, đây là không gian dành cho Bảo tàng Opera (Museo dell' Opera).  

Phía nam của Sân trong là khối nhà tương tự như khối nhà phía tây Sân trong. Đây là phần lâu đời nhất của Dinh thự, hiện cũng là Bảo tàng Oper. Chính giữa khối nhà là Cổng Frumento (Porta del Frumento) mở ra phía đầm phá. Các góc của khối nhà được trang trí bằng các tác phẩm điêu khắc thế kỷ 14.

Hành lang của tầng trệt và tầng 1 được trang trí với các đầu cột thế kỷ 14 và 15. Một số cột đã được thay thế bằng các bản sao trong thế kỷ 19.
Tầng 2 không có hành lang, tạo thành một không gian rộng mang tên Sala del Maggior Consiglio (Chamber of the Great Council). Phía sau ghế của Thống đốc Venice là bức tranh sơn dầu dài nhất trên thế giới (22 x 7m) mang tên “Il Paradiso” của Tintoretto (họa sĩ người Ý, năm 1518 – 1594).  


Phòng Đại hội đồng, phía sau là ghế của Thống đốc Venice và bức tranh sơn dầu dài mang tên “Il Paradiso” của Tintoretto, Dinh thự Ducale, Venice, Ý 


Bức tranh tường “ Il Paradisocủa họa sỹ Tintoretto, Dinh thự Ducale, Venice, Ý

Góc đông nam của khối nhà là cầu Paglia (Ponte d. Paglia) bắc qua một con lạch nhỏ (Rio della Paglia, dài 280m và rộng 12m). Cầu được xây dựng vào năm 1360, là cây cầu lâu đời nhất tại Venice. Cấu trúc hiện tại được xây dựng vào năm 1847. 


Hình ảnh cầu Ponte della Paglia, Dinh thự Ducale, Venice, Ý 

Phía đông của Sân trong là một khối nhà cao 4 tầng, gồm Căn hộ của Thống đốc Venice (Doge's Apartments) và khối phòng Hội họp (Institutional chambers), trong đó có cả nhà tù (Antiche Prigioni, tại tầng trệt). Khối nhà hiện trở thành một phần của Bảo tàng Opera (Museo dell' Opera).
Khối nhà phía đông có quy mô lớn hơn so với khối nhà phía tây và nam, song chỉ có hàng hiên với cột tại Sân trong tầng trệt và tầng 1. Tầng 2 và 3 là các phòng thông với nhau theo kiểu xuyên phòng. 

Tại khu vực Căn hộ của Thống đốc Venice (sử dụng trong thời hạn đương chức) có nhiều phòng nổi tiếng như: 
Scarlet Chamber (Phòng Đỏ): Lấy theo tên áo choàng lễ phục của các quan chức cộng hòa. Bên trong được trang trí với các bức bích họa, trong đó bức của Giuseppe Salviati (họa sĩ người Ý, năm 1520 – 1575) và họa sĩ Titian
“Scudo” Room (Sala dello Scudo): Lấy theo tên quốc huy của vị thống đốc trị vì tại đây vào thế kỷ 18. Đây là một trong những căn phòng lớn nhất của Khu vực Căn hộ; được sử dụng như một phòng tiếp khách. Trong phòng  trang trí các bản đồ địa lý lớn thể hiện nền tảng của quyền lực Venice. Hai quả cầu ở trung tâm phòng có cùng thời kỳ: một quả là hình cầu của Bầu trời, quả cầu còn lại là bề mặt của Trái đất.


Bên trong Phòng Scudo với hai quả cầu lớn; Dinh thự Ducale, Venice, Ý 

Philosophers’ Room (Phòng Triết gia): Lấy theo tên từ 12 bức tranh của các nhà triết học cổ đại được dựng tại đây vào thế kỷ 18, sau đó được thay thế bằng các tác phẩm ngụ ngôn và chân dung của các thống đốc.
Erizzo Room (Stanza Erizzo): Lấy theo tên vị thống đốc thứ 98 của Venice là Francesco Erizzo (trị vì năm 1566- 1646).
Priùli Room (Stucchi Room): Lấy theo tên gọi tác phẩm bằng vữa thời kỳ của vị thống đốc thứ 94 của Venice là Antonio Priuli (trị vì năm 1618– 1623).
Corner Room: Lấy theo tên của bức tranh mô tả vị thống đốc thứ 96 của Venice là Giovanni I Corner hay Cornaro (trị vì năm 1511- 1629)… 
Những phòng này đều được trang trí theo cùng phong cách với các phòng khác tại Khu vực Căn hộ của Thống đốc với các bức bức họa của những họa sĩ nổi tiếng đương thời.  

Tại khu vực Hội họp của Chính phủ có nhiều phòng khác nhau. Một số phòng tiêu biểu gồm:  
Square Atrium: Là phòng chờ. Trong phòng được trang trí bởi những bức tranh về sự tích kinh thánh, chuyện ngụ ngôn của các họa sĩ bậc thầy người Ý như Tintoretto, Girolamo Bassano (năm 1566- 1621) và Veronese (Paolo Caliari, năm 1528- 1588).
Sala delle 4 Porte (Phòng 4 cửa): Là phòng quan trọng trong Dinh thự. Cửa phòng được trang trí lộng lẫy bởi những đồ trang sức phương Đông. Nội thất được trang trí bởi Antonio da Ponte (kiến trúc sư, kỹ sư người Venice, năm 1512 – 1597); Andrea Palladio (kiến trúc người Ý, năm 1508- 1580) và Giovan Antonio Rusconi (kiến trúc sư, kỹ sư người Venice, năm 1500/1505- 1578). Tại đây còn có một số bức tranh của họa sỹ Tintoretto (năm 1578 trở đi) với chủ đề thần thoại. 
Antechamber to the Hall: Là phòng chờ của Cơ quan điều hành (Full College), giám sát việc quản trị hàng ngày và chuẩn bị chương trình nghị sự cho Thượng viện Venice; là nơi các đại sứ và phái đoàn nước ngoài chờ để được tiếp đón. Căn phòng này đã được phục hồi sau trận hỏa hoạn năm 1574. Phần trên cùng của các bức tường được trang trí bằng những bức phù điêu tinh xảo và các đồ đạc xa hoa khác, bao gồm cả lò sưởi giữa các cửa sổ và cửa ra vào đẹp đẽ dẫn vào Hội trường, nơi có các cột Corinthian mang hình tượng nổi bật bởi một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch thể hiện hình người phụ nữ. Bên cạnh các ô cửa là 4 bức tranh sơn dầu mà Tintoretto đã vẽ cho Square Atrium, nhưng chúng đã được mang đến đây vào năm 1716 để thay thế cho tấm tường da nguyên bản. Mỗi khung cảnh thần thoại được miêu tả cũng là một câu chuyện ngụ ngôn về Chính phủ Cộng hòa Venice.
Council Chamber: Là phòng Hội đồng, nơi chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức và điều phối công việc của Thượng viện Venice, tiếp nhận công văn từ các đại sứ và Thống đốc, tiếp đón các phái đoàn nước ngoài và thúc đẩy các hoạt động chính trị và lập pháp khác. Các đồ trang trí trong phòng được thiết kế bởi Andrea Palladio (kiến trúc sư người Ý, năm 1508- 1580) để thay thế những thứ đã bị phá hủy trong trận hỏa hoạn năm 1574. Bên trong có các bức tranh của Tintoretto thể hiện các sự tích kinh thánh.   
Senate Chamber: Là phòng Thượng viện (còn được gọi là Sala dei Pregadi). Thượng viện được thành lập vào thế kỷ 13 - 16, nó là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc giám sát các vấn đề chính trị và tài chính trong các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại và chính sách đối ngoại. Trong phòng cũng có các tác phẩm của họa sỹ Tintoretto về kinh thánh và các bức tranh khác của của Jacopo Palma il Giovane (họa sỹ người Venice, năm 1548/1550- 1628), miêu tả các sự kiện của lịch sử Venice. 
Chamber of the Council of Ten: Là phòng Hội đồng mang số 10 được thành lập vào những năm 1310. Trang trí trần nhà là một tác phẩm của Giovanni Battista Ponchino (họa sỹ người Ý, năm 1510 - 1577), được chia thành 25 ngăn với các hình ảnh của các vị thần và câu chuyện ngụ ngôn.  
Compass Room: Là phòng La bàn được dành riêng cho bộ phận quản lý tư pháp. Căn phòng này là tiền sảnh, nơi những người chờ để gặp các thẩm phán, có từ thế kỷ 16. Các bức tranh trên trần là của Paolo Veronese (Paolo Caliari, họa sỹ Ý, năm 1528 – 1588). 
Chamber of Quarantia Civil Vecchia: Là phòng Hội đồng Dân sự. Đây là một Hội đồng gồm 40 người nắm giữ quyền lực chính trị và lập pháp đáng kể trong suốt thế kỷ 15. Căn phòng này đã được trùng tu vào thế kỷ 17; mảnh bích họa ở bên phải lối vào là phần còn lại duy nhất của những đồ trang trí ban đầu. 
Guariento Room's: Tên của phòng là do tại đây có bức bích họa của Paduan Guariento (họa sỹ người Ý, năm 1310 – 1370) vẽ vào khoảng năm 1365. Phòng gần như bị phá hủy hoàn toàn trong trận hỏa hoạn năm 1577.
Chamber of the Great Council: Phòng Đại Hội đồng, nơi diễn ra các cuộc họp của Đại Hội đồng, cơ quan chính trị quan trọng nhất của Cộng hòa Venice. Phòng dài 53m, rộng 25m. Đây không chỉ là căn phòng lớn nhất trong Dinh Thống đốc mà còn là một trong những căn phòng lớn nhất ở châu Âu. Phòng được tái cấu trúc vào thế kỷ 14, trang trí bằng một bức bích họa của Guariento và sau đó là các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong thời kỳ đó, bao gồm Gentile da FabrianoPisanello
Alvise VivariniVittore CarpaccioGiovanni Bellini
Pordenone và Titian, cùng với bức tranh trần nhà năm 1582 của VeroneseCác bức tranh tường mô tả các giai đoạn lịch sử của Venice, đặc biệt liên quan đến mối quan hệ của thành phố với Giáo hoàng và Đế chế La Mã Thần thánh, các câu truyện ngụ ngôn tôn vinh nước Cộng hòa. Các bức tranh trần nhà thể hiện các triết lý về đức hạnh và chủ nghĩa anh hùng của Venice. Sau trận hỏa hoạn năm 1577, phòng đã được phục hồi lại ngay sau đó.  
Scrutinio Room: Nằm trong cánh được xây dựng từ những năm 1520 - 1540, đối diện với quảng trường Piazzetta. Ban đầu có vai trò là thư viện, sau đó được sử dụng cho các cuộc bầu cử. Các đồ trang trí hiện nay có niên đại từ năm 1578 đến năm 1615, sau trận hỏa hoạn năm 1577.  


Bên trong Phòng Scrutinio; Dinh thự Ducale, Venice, Ý 


Ngoài ra tại đây còn có một số phòng nổi bật khác:
Quarantia Criminale Chamber and the Cuoi Room (Phòng Kiểm dịch và Phòng mang tên Cuoi); Magistrato alle Leggi Chamber (Phòng liên quan đến kiểm duyệt); State Advocacies' Chamber (Phòng Kiểm soát thực thi công lý); "Scrigno" Room (Phòng liên quan đến tầng lớp quý tộc Venice); Chamber of the Navy Captains (Phòng mang tên Thuyền trưởng Hải quân, nơi tụ họp của các thành viên Thượng viện và Đại hồi đồng xuất xứ từ Hải quân).
Bên trong các phòng đều có các trang trí bằng các bức tranh của các họa sỹ nổi tiếng thời bấy giờ. 

Tại phía đông của khối nhà có bậc thang mang tên Scala dei Censori và một sảnh rộng với bậc thang mở ra cầu Sospiri (Ponte d. Sospiri/Cầu Than thở), dài 11m, bắc qua con lạnh nhỏ (Rio della Paglia). Cầu xây dựng bằng đá vôi Istrian, theo phong cách Baroque vào đầu thế kỷ 17. 


Hình ảnh cầu Ponte d. Sospiri, bên trái ảnh là Dinh thự Ducale, Venice, Ý

Dinh thự Scuola di San Marco

Dinh thự Scuola di San Marco (Scuola Grande di San Marco) là một tòa nhà nằm tại phía bắc của quảng trường (Campo) Santi Giovanni e Paolo. Kề liền là Nhà thờ San Zanipolo.
Công trình được xây dựng bởi Hiệp hội San Marco (Confraternity of San Marco) vào năm 1260 để làm trụ sở của Hiệp hội Cộng đồng Giáo dân địa phương và là trường học bên cạnh Nhà thờ, một mô hình phổ biến thời bấy giờ.
Công trình bị phá hủy do một trận hỏa hoạn lớn vào năm 1485 và được xây dựng lại ngay sau đó theo một thiết kế mới của Pietro Lombardo (nhà điêu khắc, kiến trúc sư người Ý, năm 1435 – 1515).
Năm 1819, dinh thự trở thành một bệnh viện quân sự của Áo, hiện tại là một bệnh viện dân sự.  

Mặt tiền công trình quay về phía nam với các hốc và rãnh được trang trí tinh xảo với các bức tượng bằng đá cẩm thạch trắng hoặc đa sắc bởi Mauro Codussi (kiến trúc sư người Ý, năm 1440 – 1504). Một trong những điểm nhấn của công trình là việc sử dụng ảo ảnh quang học (trompe-l'œil) trong việc thiết kế vòm và cổng tại tầng trệt.

Công trình cao 2 tầng, bên trong gồm các phòng rộng được sử dụng cho các cuộc họp. Đây là nơi có các bức tranh sơn dầu khổ lớn (rộng 4,50m, cao 5,39m) trên tường và trần nhà của họa sĩ Jacopo Tintoretto (năm 1518 – 1594).


Phối cảnh tổng thể Dinh thự Scuola di San Marco, Venice, Ý; Bên phải ảnh là Nhà thờ San Zanipolo


Mặt trước
Dinh thự Scuola di San Marco, Venice, Ý, Bên phải ảnh là Nhà thờ San Zanipolo


Sơ đồ
Dinh thự Scuola di San Marco, Venice, Ý


Nội thất tầng 2 Dinh thự Scuola di San Marco, Venice, Ý

Dinh thự Scuola di San Rocco

Dinh thự Scuola di San Rocco (Scuola Grande di San Rocco) nằm cạnh Nhà thờ San Rocco và phía tây nam của Nhà thờ Frari. Đây là nơi lưu giữ hài cốt của thánh San Rocco.
Tòa nhà là trụ sở của một hiệp hội được thành lập vào năm 1478. Công trình được xây dựng vào năm 1515- 1560.
Công trình cao 2 tầng. Tầng trệt và tầng 1 đều có phòng hội trường.

Sảnh chính của Dinh thự vào từ phía đông bắc ra phía quảng trường Nhà thờ San Rocco. Từ Sảnh có cầu thang dẫn lên tầng trên. Hội trường tầng trên mang tên Sala Superiore được sử dụng cho các cuộc họp quan trọng. Tại đây có một ban thờ bằng gỗ. Từ đây dẫn đến Phòng Sala dell'Albergo, nơi đặt Ban giám sát của Hiệp hội.

Năm 1564, họa sĩ Tintoretto đã được mời vẽ các bức tranh cho Dinh thự. Các tác phẩm của ông hiện lưu lại tại phòng Sala dell'Albergo và Sala Superiore. Các bức tranh có nội dung thể hiện những câu chuyện trong Kinh thánh.  


Mặt tiền chính phía đông bắc Dinh thự Scuola di San Rocco,
Venice, Ý


Hội trường Salone Maggiore, Dinh thự Scuola di San Rocco,
Venice, Ý


Một bức tranh về Chúa Giêsu của Họa sĩ Tintoretto
, Dinh thự Scuola di San Rocco, Venice, Ý 

Các tòa nhà khác 

Thư viện Marciana

Thư viện Marciana (Biblioteca Marciana) nằm tại phía nam của Quảng trường nhỏ Piazzeta.
Đây là một trong những thư viện công cộng và kho lưu trữ bản thảo sớm nhất còn sót lại ở Ý và là nơi lưu giữ một trong những bộ sưu tập văn bản cổ điển quan trọng nhất thế giới. Thư viện được đặt theo tên của St Markvị thánh bảo trợ của thành phố.
Công trình là một bằng chứng hữu hình của một quá khứ giàu văn hóa của Cộng hòa Venice.  
Thư viện được thành lập vào năm 1468 khi học giả nhân văn Hồng y Bessarion (năm 1403- 1472) đã tặng bộ sưu tập các bản thảo viết tay bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Latinh của mình cho Cộng hòa Venice với yêu cầu thành lập một thư viện công ích.  
Thư viện Marciana là nơi lưu giữ bộ văn bản cổ điển và lịch sử Venice với quy mô: 13.117 bản thảo; 2.887 cuốn sách hoặc tờ rơi khổ rộng được in trong giai đoạn in ấn sớm nhất ở Châu Âu vào thế kỷ 16 (incunabula); 24.060 bức tranh (cinquecentine) và 1.000.000 cuốn sách sau thế kỷ 16.

Thư viện được xây dựng từ năm 1537 đến năm 1588, được coi là kiệt tác của Jacopo Sansovino (kiến ​​trúc sư, nhà điêu khắc người Ý, năm 1486- 1570, nổi tiếng với các tác phẩm xung quanh Quảng trường Piazza San Marco tại Venice) và là công trình chủ chốt trong kiến ​​trúc thời Phục hưng của Venice. Công trình được đánh giá là một trong những tòa nhà trang trí công phu và sang trọng nhất từ thời Cổ đại đến thời điểm bấy giờ; một trong những công trình tráng lệ nhất trong lịch sử kiến trúc Ý.
Ngày nay, Thư viện hoạt động như một bảo tàng. Kể từ năm 1904, văn phòng thư viện, phòng đọc và phần lớn bộ sưu tập đã được chuyển tới công trình Zecca liền kề, là xưởng đúc tiền trước đây của Cộng hòa Venice.  


Sơ đồ mặt bằng Thư viện Marciana, Venice, Ý 


Phối cảnh mặt trước 
Thư viện Marciana, Venice, Ý ;
nhìn từ Quảng trường nhỏ Piazzeta.

Công trình cao 2 tầng với 21 bước gian (tạo thành 21 vòm tại mỗi tầng).

Tầng 1 của tòa nhà có bố cục theo kiểu hành lang bên tạo thành một hàng hiên với dãy cột (Procuratie Nuove), đóng góp cho không gian mở của Quảng trường.
Ban đầu đây còn là nơi đặt các cửa hàng bán thịt, nhà trọ và dãy cửa hàng bánh mỳ ở cung cấp nguồn thu cho thành phố và dần được chuyển đến nơi khác.  
Mặt tiền tầng 1 được mô phỏng theo Nhà hát Marcellus (Theatre of Marcellus, nhà hát ngoài trời tại Rome, được hoàn thành vào năm 13 TCN) và Đấu trường La Mã (Colosseum, ở Rome, hoàn thành vào năm 80 sau Công nguyên).
Hành lang bên được hỗ trợ bởi hàng cột Doric với trụ đỡ vòm tường. Phía trên của các vòm tường hành lang là bức diềm hay dải phù điêu trang trí kế thừa từ kiến trúc Hy Lạp, La Mã Cổ điển, tạo cho mặt tiền có không gian 3 chiều.  

Tầng 2 được đặc trưng bởi một loạt các cửa số kiểu Serlian (Serlian window), là một loại 3 cửa, 1 cửa lớn ở chính giữa và 2 cửa nhỏ ở hai bên, phân chia bởi hệ thống cột. Đây được cho là một trong yếu tố chính của Kiến trúc Palladian (Palladian architecture, phong cách kiến trúc châu Âu bắt nguồn và lấy cảm hứng từ các thiết kế của kiến ​​trúc sư người Venice Andrea Palladio, năm 1508–1580). 
Phân chia các ô cửa là hàng cột Ionic, được đặt trên một hàng lan can. Cửa vòm chính được giới hạn bởi cột Ionic nhỏ hơn tại hai bên. Phía trên vòm cửa là một dải phù điêu trang trí công phu, tạo cho mặt tiền có không gian 3 chiều như tầng 1.
Diềm mái của tầng hai là một hàng lan can. Phía trên của trụ lan can được trang trí bởi các tượng của các vị thần và anh hùng thời Cổ đại, được thực hiện từ năm 1588- 1591. Một số bức tượng đã bị thay thế khác với ban đầu.
Hiện tầng 2 là văn phòng Thư viện và phòng đọc. 

Toàn bộ mặt tiền của Thư viện được khảm bằng các đồ tạo tác cổ. Tượng và chạm khắc rất nhiều và không có diện tích lớn của bức tường trơn.
Ngoài sự phong phú của các yếu tố trang trí Cổ điển, các thức cột Doric và Ionic đều có phù điêu, phào chỉ và chân đế theo nguyên mẫu La Mã Cổ đại, mang lại cảm giác chân thực và tác động thị giác mạnh mẽ, thể hiện các diễn giải nghệ thuật của người Venice về nghệ thuật và kiến trúc.  
Thiết kế công trình tôn trọng truyền thống địa phương và hài hòa với Dinh thự Ducale theo kiểu Gothic nằm đối diện, qua việc cùng sử dụng vật liệu đá vôi Istria (một nhóm đá xây dựng đặc trưng trong kiến trúc Venice, loại đá vôi không thấm nước, khai thác tại Istria, thuộc Croatia ngày nay), cũng như dạng nhà mái vòm hai tầng, lan can và hệ thống diềm mái trang trí phức tạp.
 
Nội thất của Công trình cũng được thiết kế theo nguyên tắc tạo các ý nghĩa như thiết kế mặt tiền. Tại đây, cầu thang, tiền sảnh và phòng đọc được kết nối với nhau thông qua các vật trang trí trên tường và trần nhà với một ngôn ngữ kiến trúc độc đáo và giàu sức biểu cảm.  
Bên trong nội thất mạ vàng của Thư viện được trang trí bằng các bức tranh sơn dầu của những bậc thầy trong thời kỳ Mannerism (Hậu Phục hưng của Venice), bao gồm Tiziano Vecelli (Titian, năm 1473/1490 – 1576), Tintoretto (năm 1518 – 1594), Paolo Veronese (năm 1528- 1588). Một số bức tranh thể hiện những cảnh thần thoại có nguồn gốc từ tác phẩm của các tác giả Cổ điển, thể hiện sự quan tâm của tầng lớp quý tộc Venice đối với triết học, văn hóa và nghiên cứu.
Tại cầu thang chính có 4 mái vòm (Dome of Ethics, Dome of Rhetoric, Dome of Dialectic, Dome of Poetics) và hai vòm thùng. Mỗi mái vòm đều được trang trí bằng các bức bích họa (Fresco, vẽ trên nền vữa vôi mới trát) của Alessandro Vittoria (nhà điêu khắc người Ý, năm 1525- 1608) và các bức bích họa hình bát giác của Battista Franco (họa sĩ, thợ in người Ý, năm 1510 – 1561) và Battista del Moro (họa sĩ người Ý, năm 1512 – 1568).  


Không gian cầu thang với 
mái vòm mang tên "Dome of Poetics" của nhà điêu khắc Alessandro Vittoria, Thư viện Marciana, Piazza San Marco, Venice, Ý 

Tiền sảnh của công trình như một giảng đường hay nơi hội họp. Tại đây, từ năm 1591 là nơi trưng bày bộ sưu tập điêu khắc thời Cổ đại mà Giám mục Giovanni Grimani (người Ý, năm 1506- 1593) đã tặng cho Cộng hòa Venice vào năm 1587. Trong số trang trí ban đầu, vẫn còn lại các trang trí trên trần nhà của Cristoforo Rosa (họa sỹ người Ý, mất năm 1576) và Titian với chủ đề về trí tuệ, lịch sử, thơ, triết học, hùng biện và tình yêu… 
Phòng đọc liền kề ban đầu có 38 bàn ở trung tâm, được sắp xếp thành hai dãy. Giữa các cửa sổ là những bức chân dung tưởng tượng của những vĩ nhân thời Cổ đại, những nhà triết học. Trần của phòng đọc được trang trí bằng 21 bức tranh sơn dầu hình tròn, lồng trong khung mạ vàng, thực hiện vào năm 1556 và được thay thế một phần do bị hư hỏng vào năm 1635.  


Nội thất Phòng đọc tầng 2, Thư viện Marciana, Piazza San Marco,Venice, Ý 


Bức tranh sơn dầu hình tròn của họa sĩ Paolo Veronese theo chủ đề về âm nhạc, một trong số 21 bức tranh tròn tại Phòng đọc tầng 2, Thư viện Marciana, Piazza San Marco,Venice, Ý
 

Tòa nhà Zecca

Tòa nhà Zecca (Mint) nằm tại phía nam của Quảng trường nhỏ Piazzeta, kề liền Thư viện Marciana (Biblioteca Marciana), là xưởng đúc tiền trước đây của Cộng hòa Venice.
Công trình được xây dựng từ năm 1536 - 1548, cấu trúc bằng đá thô mộc.
Ban đầu công trình chỉ có 2 tầng, được thiết kế bởi kiến trúc sư Jacopo Sansovino.
Việc sản xuất tiền xu tiếp tục sau khi Cộng hòa Venice sụp đổ vào năm 1797, chấm dứt vào năm 1852 trong thời kỳ thống trị thứ hai của Áo (năm 1814–1866). Tòa nhà sau đó đã được cải tạo lại thành trụ sở của Phòng Thương mại từ năm 1872 - 1900. Kể từ năm 1904, tòa nhà thuộc Thư viện Marciana. 

Để bảo vệ cấu trúc khỏi triều cường , mức sàn đã được nâng lên khoảng 1m.
Vào năm 1539, người ta quyết định di dời các cửa hàng bán pho mát và xúc xích dọc theo bờ kè xung quanh tòa nhà để mang lại vẻ trang nghiêm hơn cho mặt tiền và cung cấp thêm không gian cho xưởng đúc tiền. Vào năm 1588, tòa nhà được xây dựng thêm tầng 3.

Hoạt động đúc tiền diễn ra quanh năm, tùy theo sự sẵn có của vàng, bạc thỏi và nhu cầu thương mại của thương nhân, nhưng diễn ra mạnh mẽ nhất vào mùa xuân và đầu mùa hè, khi tuyết tan. Vào thời điểm này, các thương gia mang vàng, bạc đến thành phố để đúc tiền, thỏi vàng bạc và bắt đầu cho các chuyến tàu buôn tới phương Đông.
Xưởng đúc vàng bạc bố trí tại tầng dưới và xưởng đúc tiền bố trí tại tầng trên. Số lượng nhân viên tại Xưởng đúc rất đa dạng, ước tính lên tới 225 người.
 
Mặt bằng tầng 1 của Tòa nhà Zecca với sân trong (hiện phủ kính); Venice, Ý


Mặt đứng chính của Tòa nhà Zecca; bên phải ảnh là Thư viện Marciana; Venice, Ý

Công trình có mặt bằng hình chữ nhật với các không gian phòng tại 3 tầng nhà bao quanh một sân trong. Vào năm 1900, khi chính phủ Ý  chuyển tòa nhà cho Thư viện Marciana, sân trong được phủ kính tạo thành không gian thông tầng, cao suốt 3 tầng.
Mặt đứng tầng 1 của công trình được xây dựng như một phần nền cho các tầng trên với các vòm ốp gạch tạo cảm giác bề thế.
Mặt đứng tầng 2 có trụ cột Doric trang trí. Giữa trụ cột là cửa.

Mặt đứng tầng 3 tương tự như tầng 2, song các trụ cột theo kiểu Ionic mảnh mai hơn.  


Sân trong được phủ kính tạo thành không gian thông tầng cho phòng đọc, Tòa nhà Zecca, Thư viện Marciana; Venice, Ý  

Bảo tàng Correr

Bảo tàng Correr (Museo Correr Procuratie Vecchie/ Museo Civico Correr) nằm tại phía nam của Quảng trường San Marco (Piazza San Marco). Bề mặt của Bảo tàng ra phía Quảng trường là một hàng hiên với dãy cột (Procuratie Nuove).
Vuông góc với Bảo tàng Correr tại phía đông là Bảo tàng Archeologico (Museo Archeologico), nằm phía sau Thư viện Marciana (Biblioteca Marciana). Vuông góc với Bảo tàng Correr tại phía bắc là Dinh thự mang tên Napoléon (Ala Napoleonica). 

Bảo tàng Correr có các bộ sưu tập phong phú và đa dạng, bao gồm cả nghệ thuật và lịch sử của Venice.
Bảo tàng bắt nguồn từ bộ sưu tập được Teodoro Correr (Tu viện trưởng và nhà sưu tập nghệ thuật, người Venice, năm 1750 – 1830) để lại cho thành phố Venice vào năm 1830. Những năm sau này, Bảo tàng còn tiếp nhận các bộ sưu tập được tặng bởi một số gia đình Venice quyền quý.
Khi thành phố nằm dưới quyền cai trị của Napoléon, hoàng đế Pháp (vào năm 1805- 1814) tòa nhà được cọi như một cung điện hoàng gia và được thay đổi nội thất theo kiểu Tân cổ điển, tương tự như Dinh thự mang tên Napoléon.
Khi Venice nằm dưới quyền thống trị của Áo vào năm 1814, tòa nhà tiếp tục được sử dụng như một cung điện cho đến khi Venice trở thành một phần của nước Ý thống nhất vào năm 1866.
Từ năm 1920, công trình trở thành bảo tàng, minh họa cuộc sống và văn hóa của Cộng hòa Venice qua nhiều thế kỷ độc lập và hùng mạnh về chính trị.

Công trình cao 3 tầng, có mặt bằng gồm các dãy nhà bao quanh 7 sân trong nhỏ, chia thành:
Các không gian công cộng (Phòng khiêu vũ, Phòng ngai vàng, Sảnh tiệc, Cầu thang…được trang trí bằng các tác phẩm nghệ thuật); và các phòng trưng bày theo chủ đề, ví dụ như:
Phòng trưng bày về quyền lực của Venice theo thời gian;
Phòng thư viện chứa các bản thảo quý hiếm, các tác phẩm in được sản xuất trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 16 – 18 và bộ sưu tập những Tuyên bố nhậm chức (commissioni ducali) của các vị Tổng trấn Venice;

Phòng trưng bày chân dung các quý tộc Venice và quan chức phục vụ nền Cộng hòa;
Phòng trưng bày bản đồ hàng hải có niên đại từ thế kỷ 15 – 16, thể hiện mối quan hệ tự nhiên và quyền bá chủ của Venice với biển Adriatic, đông Địa Trung Hải và bộ sưu tập các dụng cụ đo đạc, định vị địa hình có niên đại từ thế kỷ 17 -  18, được sử dụng trên tàu, cũng như các bức tranh kỷ niệm những trận hải chiến vĩ đại mà người Venice đã tham gia;
Phòng trưng bày bộ tiền đúc, huy chương do Cộng hòa Venice thực hiện từ thế kỷ 9 – 18, cùng với thiết bị đúc;
Phòng trưng bày mô hình tàu thuyền bằng gỗ, trang thiết bị sử dụng trong việc thiết kế và đóng tàu từ thế kỷ 18;
Phòng trưng bày bản đồ, bản vẽ về tự nhiên (cảnh quan, động thực vật), thể hiện sự ra đời và mở rộng của thành phố;
Phòng trưng bày tác phẩm liên quan đến sức mạnh quân sự với bộ sưu tập về áo giáp, vũ khí từ thế kỷ 14 – 17…  

Ngoài bộ sưu tập ban đầu được Teodoro Correr để lại, tại đây còn lưu giữ tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 15 – 17 của các nhà điêu khắc, hội họa nổi bật đến từ Venice và một số nghệ sĩ Ý và châu Âu quan trọng khác. 


Bảo tàng Correr, nhìn tứ phía Quảng trường San Marco,
Venice, Ý 


Sơ đồ mặt bằng Bảo tàng Correr, Quảng trường San Marco, Venice, Ý


Phòng Khiêu vũ, Bảo tàng Correr, Quảng trường San Marco, Venice, Ý


Phòng trưng bày các hiện vật thể hiện mối quan hệ tự nhiên của Venice với biển; 
Bảo tàng Correr, Venice, Ý

Hệ thống kênh đào và cầu

Hệ thống giao thông của Venice nổi tiếng với khoảng 150 kênh đào và 400 cầu.
Một số kênh đào nổi tiếng tại đây gồm: Kênh Lớn (Great Canal); Kênh đào Giudecca (Giudecca Canal); Kênh St Mark (St Mark's Canal).
Trong trung tâm lịch sử, những kênh đào đóng vai trò như những con đường; Mọi dạng giao thông tại đây là đi bộ hoặc trên mặt nước.
Thành phố đảo Venice nối với đất liền bởi cây cầu Ponte della Libertà (Cầu Tự do). Cầu dài 2,85km, được thiết kế vào năm 1932. Kề liền với cầu đường bộ là cầu đường sắt, được xây dựng vào năm 1846 với hai đường ray mỗi chiều và vẫn đang sử dụng.
Ngày nay, những chiếc thuyền Venice cổ có tên gọi là gondola vẫn tiếp tục được sử dụng bên cạnh thuyền gắn máy và phà.   


Điểm giao nhau giữa Kênh đào Giudecca và Kênh Lớn, phía sau là Nhà thờ Santa Maria della Salute, Venice, Ý

Đầm phá Venice 

Đầm phá (Lagoon) Venice là một vịnh khép kín của Biển Adriatic, ở miền bắc nước Ý, trong đó có thành phố Venice
Đầm phá Venece trải dài từ sông Sile ở phía bắc đến Brenta ở phía nam, với diện tích bề mặt khoảng 550 km2. Độ sâu trung bình: 10,5m (tối đa 21,5m); Độ cao nền đất xung quanh: 3m. 
Phần đất tại Đầm phá Venice chiếm khoảng 8% đất, bao gồm cả thành phố Venice và nhiều hòn đảo nhỏ hơn. 
Phần nước chiếm khoảng 12%, là phần bảo phủ mặt nước vĩnh viễn như kênh, rạch
Phần bãi bùn, bãi cạn thủy triều và bãi muối chiếm khoảng 80%. 

Đầm phá Venice là vùng đất ngập nước lớn nhất ở lưu vực Địa Trung Hải, được hình thành cách đây khoảng sáu đến bảy nghìn năm, kết nối với biển Adriatic bằng ba cửa vàoLido , Malamocco và Chioggia. Vào mùa xuân, mực nước dâng cao, làm ngập lụt phần lớn Venice. 
Vào thế kỷ 6, Đầm phá là nơi cư trú an toàn cho những người La Mã chạy trốn khỏi sự truy đuổi của kẻ thù. Tiếp sau đó, đây là nơi cung cấp các điều kiện tự nhiên cho việc hình thành một đế chế hàng hải với hệ thống cảng biển, nhà máy đóng tàu, hải quân cũng như việc đánh bắt và nuôi cá.  

Diện mạo hiện tại của Đầm phá hiện tại là do sự can thiệp của con người. 
Vào thế kỷ 15 và 16, các dự án thủy lực ở Venice, một mặt đã làm gia tăng sự sụt lún do khai thác nước ngầm, mặt khác việc đào kênh, đắp nền tạo cho các cồn cát tiền tiêu có thể trở thành nơi sinh sống được, thậm chí xuất hiện cả những hòn đảo nhân tạo.
Ngày nay, các thành phố chính bên trong đầm phá là: Thành phố Venice (trung tâm của Đầm phá), thị trấn Chioggia (cửa vào phía nam Đầm phá), đảo Lido di Venezia và đảo Pellestrina (là một phần của Venice). Tuy nhiên, phần lớn cư dân của Venice (với dân số 25,8 vạn người), cũng như trung tâm kinh tế của Venice, sân bay, bến cảng, khu công nghiệp…đều nằm tại biên giới phía tây Đầm phá, xung quanh các thị trấn trước đây (nay trở thành quận và thành phố) như Mestre và Marghera. Tại biên giới phía bắc của Đầm phá là thị trấn nghỉ mát biển Jesolo và thị trấn Cavallino-Treporti. Tại biên giới phía nam của đầm phá là vùng đất thuộc tỉnh Padua, vùng Veneto.  


Đầm phá Venice, Ý
; Thành phố lịch sử Venice và cầu Ponte della Libertà (phía trên của ảnh) 

Di sản Thành phố Venice và đầm phá của nó, Veneto, Ý là một điểm đến du lịch rất nổi tiếng, trung tâm văn hóa lớn và là một trong những thành phố đặc sắc nhất do con người xây dựng. Thành phố là biểu tượng của vẻ đẹp, lãng mạn, lịch sử và thần bí.   

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD

Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/394/
https://en.wikipedia.org/wiki/Italy
https://en.wikipedia.org/wiki/Venice
https://en.wikipedia.org/wiki/Republic_of_Venice
http://travel2city.com/venezia/Maps/Maps.html
https://en.wikipedia.org/wiki/Piazza_San_Marco
https://en.wikipedia.org/wiki/St_Mark%27s_Campanile
https://en.wikipedia.org/wiki/Loggetta_del_Sansovino
https://en.wikipedia.org/wiki/Pala_d%27Oro
https://en.wikipedia.org/wiki/Biblioteca_Marciana
https://en.wikipedia.org/wiki/Jacopo_Sansovino
https://en.wikipedia.org/wiki/Venetian_window
https://en.wikipedia.org/wiki/Zecca_of_Venice
https://en.wikipedia.org/wiki/St_Mark%27s_Basilica
https://en.wikipedia.org/wiki/Torcello_Cathedral
https://en.wikipedia.org/wiki/Santa_Maria_della_Salute
https://en.wikipedia.org/wiki/Santi_Giovanni_e_Paolo,_Venice
https://it.wikipedia.org/wiki/Basilica_dei_Santi_Giovanni_e_Paolo_(Venezia)
https://en.wikipedia.org/wiki/Santa_Maria_Gloriosa_dei_Frari
https://en.wikipedia.org/wiki/Doge%27s_Palace
https://it.wikipedia.org/wiki/Ponte_della_Paglia
https://it.wikipedia.org/wiki/Ponte_dei_Sospiri
https://en.wikipedia.org/wiki/Scuola_Grande_di_San_Rocco
https://en.wikipedia.org/wiki/Venetian_Lagoon
 

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương     

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu

Danh sách và bài viết  về Di sản thế giới tại châu Mỹ

Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi



Cập nhật ( 31/05/2022 )
 
Tin mới đưa:
Tin đã đưa:

“ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng.”

 
Trí thức trẻ là người tốt nghiệp đại học, tuổi từ 39 trở xuống. Do thu nhập sau ra trường hạn hẹp, thị trường nhà ở giá rẻ khan hiếm, nên điều kiện về an cư để lạc nghiệp còn khó khăn. Các bạn trí thức trẻ ước muốn gì về nơi ở của riêng mình (không phải do thừa kế, đi thuê):
 
 
 
Trong thời đại CMCN 4.0, Chuyển đổi số không còn là điều tốt đẹp nên có, mà là điều bắt buộc đối với tất cả tổ chức và doanh nghiệp, gắn với Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số. Trong bối cảnh đô thị hóa, ngành XD có vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số đế nâng cao năng lực cạnh tranh. Người ta còn cho rằng "QH đô thị là bệ phóng cho Chuyển đổi số". Lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp XD phải chấp nhận và thích ứng dần với quá trình Chuyển đổi số. Các bạn SV, cựu SV trong lĩnh vực XD - Công dân kỹ thuật số trong tương lai, nghĩ gì về nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực Chuyển đổi số trong cơ sở đào tạo ĐH:
 
 
Thông báo

   Liên kết website
 
  • Sơ đồ trang 
  • Bản quyền thuộc Bộ môn Kiến trúc Công nghệ - Khoa Kiến trúc Quy hoạch - Trường Đại học Xây dựng
    Địa chỉ liên hệ: Phòng 404 nhà A1 - Số 55 đường Giải Phóng - TP Hà Nội
    Điện thoại: (04) 3869 7045     Email: bmktcn@gmail.com
    Chủ biên: TS. Phạm Đình Tuyển - Phụ trách: TS. Nguyễn Cao Lãnh & cộng sự
    Powered by vnDIC.com