
Thông tin chung:
Công trình: Địa điểm khảo cổ học Delphi (Archaeological Site of Delphi)
Địa điểm: Quận Phokis, vùng Trung Hy Lạp / Region of Central Greece (N38 28 53.364 E22 29 46.212)
Thiết kế kiến trúc:
Quy mô: Diện tích Di sản 51,04 ha; diện tích vùng đệm 14.313,67 ha
Năm xây dựng:
Giá trị: Di sản thế giới (1987; hạng mục i; ii; iii; iv; vi)
Hy Lạp (Greece) là một quốc gia nằm ở Đông Nam Châu Âu, cực nam của Balkans; ngã tư của Châu Âu, Châu Á và Châu Phi. Hy Lạp có chung biên giới đất liền với Albania về phía tây bắc, North Macedonia và Bulgaria về phía bắc, Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông bắc; giáp biển Aegean ở phía đông, biển Ionian ở phía tây, biển Cretan và Địa Trung Hải ở phía nam.
Hy Lạp có diện tích 131957km2, dân số khoảng 10,72 triệu người (năm 2019).
Hy Lạp ngày nay được phân thành 7 bang, 13 khu vực với 325 thành phố. Athens là thành phố thủ đô và lớn nhất, thuộc khu vực Attica.
Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic.
Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên (TCN), Hy Lạp gồm nhiều thị quốc (thành bang) độc lập, được gọi là poleis (số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy), kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen. Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian (Delian League, thành lập năm 478 TCN).
Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II (trị vì năm 359–336 TCN) của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế (Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN) nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp.
Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã (Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN) thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã (Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476) và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine (Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453). Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp.
Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp (Greek Orthodox Church) xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp.
Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ (Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922). Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830.
Hy Lạp là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 18 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận (đến năm 2019), trong đó có Địa điểm khảo cổ học Delphi, tại quận Phokis, vùng Trung Hy Lạp (Region of Central Greece).
Vùng Region of Central Greece là một trong 13 vùng (tỉnh) hành chính của Hy Lạp, thủ phủ là thành phố Lamia. Vùng này được chia thành 5 đơn vị cấp quận, trong đó có Phocis. Năm 2011, quận Phocis được phân thành 2 thành phố trực thuộc trung ương là Delphi và Dorida.

Bản đồ Hy Lạp và vị trí thành phố Lamia, thủ phủ vùng Region of Central Greece
Delphi trong truyền thuyết được gọi là Pytho. Người Hy Lạp cổ đại coi trung tâm thế giới là Delphi, được đánh dấu bằng bia đá, gọi là rốn vũ trụ (Omphalos), là điểm gặp gỡ của hai con đại bàng do thần Zeus (thần sấm sét, thần của các vị thần) phóng sinh, một con ở phương Đông và một con ở phương Tây.
Delphi lấy tên từ Delphyne, nơi con rồng Python sống ở đó và bị giết bởi thần Apollo (vị thần của ánh sáng, tri thức và sự hài hòa).
Trong thời cổ đại, đây là một khu vực linh thiêng và thần bí. Đền thờ Apollo ở Delphi là nơi sống của Pythia, tên của nữ tư tế (thầy tế lễ) cấp cao và là một nhà tiên tri, người được hỏi ý kiến về các quyết định quan trọng trong thế giới thời cổ đại.
Vùng đất này chiếm một khu vực được khoanh định trên sườn phía tây nam của dãy núi đá cao chót vót Parnassus, thuộc quận Phocis, vùng Trung Hy Lạp (Region of Central Greece). Đây hiện là một địa điểm khảo cổ rộng lớn và kể từ năm 1938 trở thành một phần của Vườn Quốc gia Parnassos.
Delphi có người sinh sống vào thiên niên kỷ thứ 2 TCN, căn cứ vào những di tích của người Mycenaean (1500-1100 TCN). Tiếp đó, vùng đất này có một ảnh hưởng to lớn trong thế giới cổ đại, bằng chứng là nhiều người từ các thị quốc Hy Lạp cùng đến đây để xây dựng các đền thờ, thể hiện sự thống nhất cơ bản của người Hy Lạp.
Sự phát triển của Delphi như một khu vực linh thiêng (gắn với thần Apollo) và thần bí (gắn với nhà tiên tri Pythia) bắt đầu vào thế kỷ thứ 8 TCN. Ảnh hưởng về tôn giáo và chính trị của Delphi trên toàn bộ Hy Lạp đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ thứ 6 TCN.
Ngày nay Delphi là một đô thị của Hy Lạp, gồm khu vực Thị trấn cổ (Ancient City) và khu vực Thị trấn hiện đại cùng tên.

Viên đá Omphalos ở Delphi, nơi được cho là trung tâm của thế giới (một viên khác nằm trong Bảo tàng Khảo cổ học Delphi)

Thần Apollo giết rồng Python. Bản khắc năm 1581 của Virgil Solis (thợ in người Đức, năm 1514- 1562)

Phối cảnh tổng thể Thị trấn hiện đại Delphi (bên trái ảnh) và tàn tích của Thị trấn cổ Delphi (bên phải ảnh)
Thị trấn cổ Delphi, từ khi hình thành đã liên tục tồn tại, bất chấp các biến động của lịch sử. Tại đây đã từng diễn ra 4 cuộc chiến thiêng liêng (Sacred Wars) giành quyền kiểm soát Delphi: Chiến tranh thiêng liêng 1 (595 TCN - 585 TCN), giữa Liên đoàn Amphictyonic của Delphi và thành phố Kirrha; Chiến tranh thiêng liêng 2 (449 TCN - 448 TCN), một cuộc đối đầu gián tiếp giữa Athens và Sparta; Chiến tranh thiêng liêng 3 (356 TCN - 346 TCN), giữa lực lượng của Thebes và Phocis; Chiến tranh thiêng liêng 4 (340- 339 TCN), giữa Philip II của Macedon và thành phố Amphissa ở Lokris.
Delphi đã từng bị hỏa hoạn, động đất phá hủy, song được xây dựng lại ngay và còn tốt hơn trước. Sau khi xã hội Hy Lạp chuyển từ ngoại giáo sang Cơ đốc giáo, Delphi vẫn nổi tiếng như trước. Cả hai tôn giáo đều song song tồn tại trên địa điểm này.
Tuy nhiên, dưới thời Cơ đốc giáo, dân số giảm dần, Delphi chỉ còn lại như một thị trấn nhỏ, các hoạt động tiên tri (xem thời vận) giảm hẳn. Duy chỉ có hoạt động khảo cổ học và du lịch vẫn mang lại cho thị trấn cổ đại những sinh khí mạnh mẽ.
Thị trấn cổ Delphi được khai quật lần đầu tiên vào năm 1880.
Năm 1893, một trận lở đất đã phát lộ di tích các tòa nhà và cấu trúc chính của Khu bảo tồn Apollo, Đền thờ Athena Pronoia (Temple of Athena Pronaia) cùng với hàng nghìn đồ vật, chữ khắc và tác phẩm điêu khắc. Các tòa nhà tại Delphi đều được dựng theo các dạng chung kiến trúc đền thờ thời bấy giờ với các thức cột Hy Lạp cổ điển.

Các loại đền thờ Hy Lạp cổ điển; một số loại có mặt tại Delphi: Anta; Double Anta; Tholos; Prostyle; Peripteral

3 thức cột Hy Lạp tại Delphi; Doric, Ionic, Corinthia; Ngoài ra tại đây còn có cột dạng Caryatid, hình tượng một người phụ nữ
Một trong những điều thu hút người hành hương đến vùng đất linh thiêng Delphi là những điều tiên tri của Pythia, nữ tư tế của thần Apollo.
Nhà tiên tri hay nhà tư tế, pháp sư là một phụ nữ tuổi trung niên, sống độc lập. Nhà tiên tri dành cả cuộc đời phục vụ và chịu sự sai khiến của thần Apollo, trong đó có việc dự báo tương lai cho những người đến cầu kiến.
Vào thế kỷ thứ 7 - 6 TCN, các nhà lập pháp, nhà khởi nghiệp và cả những người sáng lập giáo phái từ khắp nơi trong thế giới Hy Lạp đã đến đây tìm kiếm lời khuyên của Apollo thông qua lời truyền của Pythia (tương tự như lên đồng tại Việt Nam), thường là các dự báo về các cuộc chiến tranh hoặc chính trị.
Để có một cuộc gặp với Pythia, người ta đến Delphi vào ngày thứ bảy, ngày của Apollo, sau khi trăng tròn vào mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Khi đến, du khách mang một món quà cho Nhà tiên tri, cũng như một chiếc bánh nghi lễ và một con vật hiến tế. Sau khi nhận được lễ, (bà đồng) Pythia sẽ thanh tẩy cơ thể trong một dòng suối thiêng và sau đó vào Đền thờ Apollo. Tại đây, bà cùng với những người trợ giúp (thày tu) đi xuống một đường hầm phía dưới Điện thờ (Adyton) tới nơi hành lễ. Bà ngồi trên một cái ghế (3 chân), uống một cốc nước suối, nhai một vài chiếc lá nguyệt quế (loài cây thiêng liêng của thần Apollo) và dần đạt được trạng thái giống như xuất thần (người ta cho rằng, các vết nứt gãy địa chất phía dưới nền đất tại Hậu cung của Đền thờ Apollo thoát ra các khí làm Pythia đạt được trạng thái như lên đồng). Vị thày tu chính chuyển các câu hỏi từ du khách. Pythia trả lời bằng một giọng đã thay đổi, đôi khi tụng kinh, đôi khi hát hoặc nói một câu chữ mơ hồ. Sau đó, các vị thày tu giải mã những lời của bà, diễn giải thành một đoạn thơ mang tính tiên tri cho người đến xem bói.
Lời tiên tri ở Delphi không phải là lời tiên tri duy nhất, nhưng là lời tiên tri quan trọng nhất và xuất hiện trong một số câu chuyện thần thoại Hy Lạp, được quan tâm cho đến năm 390 sau Công nguyên khi Hoàng đế La Mã cuối cùng Theodosius I (trị vì năm 379–395) đóng cửa Đền.

Bức tranh diễn tả cảnh Nhà tiên tri Pythia lên đồng tại Đền thờ Apollo, Delphi, Hy Lạp
Quần thể di tích tráng lệ Delphi là một môi trường nhân tạo hài hòa hoàn hảo với môi trường tự nhiên hiếm có xung quanh. Mối quan hệ hài hòa này vẫn không bị xáo trộn từ thời cổ đại cho đến tận ngày nay, khiến Delphi trở thành một di tích đặc sắc và là di sản vô giá của thế giới Hy Lạp cổ đại để lại cho các thế hệ sau.
Địa điểm khảo cổ học Delphi, tại quận Phokis, vùng Trung Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới (năm 1987) với tiêu chí:
Tiêu chí (i) : Bố cục của Delphi là một thành tựu nghệ thuật độc đáo, là một tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Các di tích trên núi Parnassus được xây dựng với các mô đun: sân thượng, đền thờ, kho lễ vật.., kết hợp với nhau để tạo thành một biểu tượng mạnh mẽ về giá trị vật chất và tinh thần của một địa điểm có thể được mô tả là huyền diệu.
Tiêu chí (ii) : Delphi đã có một tác động to lớn trên khắp thế giới cổ đại, có thể được xác định chắc chắn bởi các lễ vật khác nhau của các vị vua, giáo chủ, lãnh đạo thị quốc và các nhân vật lịch sử, những người cho rằng việc cúng lễ một món quà có giá trị tại thánh địa sẽ nhận được được sự ưu ái của thần thánh. Thánh địa ở Delphi, đối tượng của sự hào phóng và là ngã tư của nhiều loại ảnh hưởng, đã lần lượt được bắt chước trên khắp thế giới cổ đại. Ảnh hưởng của Delphi mở rộng đến tận Bactria (một vùng cổ đại tại Trung Á), sau cuộc chinh phục châu Á của Alexander Đại đế (Vương quốc Hy Lạp cổ đại Macedon, trị vì năm 336–323 TCN). Ngay cả việc cướp phá Thánh địa bởi Hoàng đế Nero (Đế chế La Mã/Roman Emperor, trị vì năm 54 – 68) và Constantine Đại đế (Đế chế La Mã/Roman Emperor, trị vì năm 306 – 337), những người đã vận chuyển chiến lợi phẩm từ đó đến Rome và Constantinople, đã làm tăng thêm ảnh hưởng nghệ thuật của Delphi.
Tiêu chí (iii) : Delphi là một minh chứng độc đáo cho tôn giáo và nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Địa điểm huyền thoại này là nơi Apollo đã giết chết con rắn Python; nơi các giáo phái trên trời (celestial cults) đã thay thế các giáo phái dưới đất (chthonian cults) và là nơi trình diễn những di sản thần thoại lâu đời có nguồn gốc từ thời nguyên thủy.
Delphic còn là địa điểm diễn ra bốn Cuộc chiến thiêng liêng (Sacred Wars, giành quyền kiểm soát Delphi), là một trong những tâm điểm của lịch sử chính trị Hy Lạp, trong khi Nhà hát và Sân vận động, nơi diễn ra Thế vận hội Pythian bốn năm một lần, nơi tổ chức các lễ kỷ niệm của cộng đồng, phản ánh sự định hình của chủ nghĩa Hy Lạp (Hellenism).
Tiêu chí (iv) : Delphi, nằm trong khung cảnh thiên nhiên tráng lệ vẫn còn nguyên vẹn, là một quần thể kiến trúc (xây dựng và cảnh quan) nổi bật và là một ví dụ về khu bảo tồn Panhellenic (thánh địa) vĩ đại.
Tiêu chí (vi) : Theo truyền thuyết, Đền thờ Apollo là nơi tọa lạc của Omphalos, rốn của vũ trụ, trung tâm của trái đất. Do vậy, Delphi liên kết trực tiếp và hữu hình với một đức tin có ý nghĩa phổ quát.


Sơ đồ phạm vi Di sản Địa điểm khảo cổ học Delphi, Phokis, Hy Lạp và vùng đệm

Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Di sản Địa điểm khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Khu vực Di sản bị một khe suối Papadiá Gorge chia cắt thành hai phần: Phần phía đông và phần phía tây. Các di tích được phân thành hai khu vực chính: Khu Bảo tồn linh thiêng và Khu vực còn lại.
Khu Bảo tồn linh thiêng
Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct) nằm tại trung tâm Khu vực Di sản, thuộc phần phía tây của khe suối Papadiá Gorge, trên sườn phía nam của chân núi Parnassos, nơi có những vách đá vôi tạo thành một bệ nền tự nhiên phía trên thung lũng Amphissa và vịnh Itea. Địa điểm này chỉ được tiếp cận bằng một con đường dốc và quanh co từ bờ biển.
Các công trình chính tại đây được xây dựng trải dài qua 4 thời kỳ: Hy Lạp Cổ đại (Archaic period, năm 800 TCN – 480 TCN); Thời đại Cổ điển (Classical period, thế kỷ 8 TCN – thế kỷ 6 sau Công nguyên); Thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellenistic period, năm 323 TCN – 31 TCN); Thời kỳ La Mã (Roman period/ Western Roman Empire năm 27 TCN – 476/480 sau Công nguyên).

Hình vẽ mô phỏng tổng thể Khu bảo tồn linh thiêng, Địa điểm khảo cổ học Delphi, Hy Lạp

Sơ đồ vị trí các di tích chính tại Khu bảo tồn linh thiêng, Địa điểm khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Các di tích chính trong Khu Bảo tồn linh thiêng gồm:
Tường kè và Lối vào
Tường kè bao quanh Khu Bảo tồn linh thiêng tại 3 mặt: đông, nam và tây. Mặt bắc là vách núi cao. Chỉ có lối ra vào tại tường kè phía đông và tây; phía nam là hẻm núi.
Tường kè vừa có vai trò bảo vệ, vừa là kè tạo bậc nền, xây dựng chủ yếu bằng đá, gồm 2 kiểu: xây dựng bằng vữa và xây dựng không cần vữa.
Tàn tích Lối vào phân bố đều tại bức tường phía đông và tây. Lối vào chính (Main Gate, hình vẽ ký hiệu 1) tại bức tường kè phía đông. Từ đây có tuyến đường được gọi là Đường Thiêng Liêng (Sacred Way) chạy dích dắc dọc theo địa hình dẫn tới Đền thờ Apollo. Dọc theo Sacred Way có rất nhiều di tích.

Tàn tích lối vào Đường thiêng liêng, Địa điểm khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Biểu tượng lễ vật
Dọc theo tuyến Sacred Way có nhiều Biểu tượng lễ vật (Votive/ Ex-votos, có thể là một cột trụ hoặc tượng) để tỏ lòng biết ơn và lòng thành kính với thần Apollo. Những biểu tượng lễ vật này do những người từ các địa phương đến đây tổ chức xây dựng, vì vậy được đặt theo tên những địa danh cúng tiến. Các di tích này cũng phản ánh sự đa dạng của mô hình chính trị thời Hy Lạp cổ đại: Liên minh, Quốc gia, Thị quốc. Một số biểu tượng lễ vật chính tại đây gồm:
Biểu tượng lễ vật của người Korkyra (Votive monument of Korkyra, hình vẽ ký hiệu 2): Là một con bò đực bằng đồng (Bull of the Corcyreans) mà người dân đảo Korkyra/Corfu cúng tiến vào năm 480 TCN để cảm ơn vì một vụ đánh bắt cá ngừ đặc biệt xuất sắc. Số tiền dựng tượng tương đương với 1/10 doanh thu bán cá.

Mô phỏng Biểu tượng lễ vật Con bò đực của người Korkyra, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Biểu tượng lễ vật của người Sparta (Votive monument of Spartans, ký hiệu 4): Là một công trình dạng hành lang với hàng cột và 37 bức tượng, được xây dựng vào năm 403 TCN, để kỷ niệm việc hải quân thị quốc Spartan đánh bại hải quân Athens Hy Lạp trong trận Aegospotami.

Tàn tích Biểu tượng lễ vật của người Sparta, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Biểu tượng lễ vật của người Argo (Votive monument of Argos, ký hiệu 5): Là một bố cục dạng đường tròn, nơi đặt tượng của các vị vua Argos, con ngựa thành Troy, được xây dựng vào năm 369 TCN.

Tàn tích Biểu tượng lễ vật của người Argo, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Ngoài ra, tại đây còn có: Biểu tượng lễ vật của người Athen (Votive monument of Athenians, ký hiệu 3); Biểu tượng lễ vật của người Tara (Votive monument of Taras, ký hiệu 6); Biểu tượng lễ vật của người Rhodian (Votive monument of Rhodians, ký hiệu 23); Biểu tượng lễ vật của người Syracusan (Votive monument of Syracusans, ký hiệu 25); Biểu tượng lễ vật của người Thessalian (Votive monument of Thessalians, ký hiệu 28)…
Kho lễ vật
Kho lễ vật (Treasury, như một ngôi đền nhỏ) là nơi chứa các lễ vật (Votive), bố trí dọc trên Đường Thiêng Liêng (Sacred Way). Cũng như các Biểu tượng lễ vật, Kho lễ vật do những người từ các địa phương đến đây tổ chức xây dựng, vì vậy Kho lễ vật đặt theo tên những địa danh cúng tiến. Một số Kho lễ vật chính gồm:
Kho lễ vật của người Sikyon (Treasury of Sikyon/Sicyonians, ký hiệu 7): Được xây dựng thay thế hai tòa nhà cũ là Tholos và Monopteros.
Tòa nhà Tholos là công trình xây dựng lâu đời nhất, có niên đại khoảng năm 580 TCN. Đây là một cấu trúc hình tròn (theo mô hình dạng Tholos), bao quanh bởi một hàng cột Doric đỡ mái. Điện thờ là nơi chứa các đồ tế lễ, có mặt bằng hình tròn, làm bằng gạch xây với một cửa vào duy nhất.
Tòa nhà Monopteros là một cấu trúc hình tròn tương tự như Tòa Tholos, song không có tường bên trong.
Tòa nhà Treasury sau cùng được xây dựng theo một kiểu dáng điển hình, loại Anta: Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos), chính giữa là hai cột Doric; gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Điện thờ là nơi chứa các lễ vật như chiến lợi phẩm và các bức tượng thờ được người Sikyon dâng lên thần Apollo. Tòa nhà dài 8,27m, rộng 6,24m, nằm trên bệ nền bằng đá. Hiện tại, Tòa nhà Treasury chỉ còn tàn tích móng.

Tàn tích Kho lễ vật của người Sikyon, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Mô hình tái tạo 3D, Kho lễ vật của người Sikyon, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Tàn tích bức phù điêu tại Kho lễ vật của người Sikyon, lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Siphnos (Treasury of Siphnos/ Siphnian Treasury, ký hiệu 8): Được xây dựng vào khoảng năm 525 TCN. Người dân Siphnos đã có được khối tài sản khổng lồ từ các mỏ vàng và bạc trong thời kỳ cổ xưa và sử dụng một phần mười thu nhập để xây dựng Kho lễ vật. Đây là công trình kiến trúc tôn giáo đầu tiên được làm hoàn toàn bằng đá cẩm thạch.
Mặt bằng Kho lễ vật của người Siphnos được xây dựng theo một kiểu dáng điển hình, loại Anta: Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos), chính giữa là hai cột Caryatids (hình tượng một người phụ nữ đỡ dầm mái) thay vì cột thông thường; gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Điện thờ là nơi chứa các lễ vật như chiến lợi phẩm và các bức tượng thờ được người Siphnos dâng lên thần Apollo. Tòa nhà dài 8,27m, rộng 6,09m.
Công trình hiện chỉ còn lại tàn tích. Hiện tại, tác phẩm điêu khắc và mô hình tái thiết Kho lễ vật của người Siphnos được lưu giữ và trình bày trong Bảo tàng Khảo cổ học Delphi. Các tác phẩm điêu khắc chạy xung quanh tòa nhà mô tả cảnh khác nhau trong thần thoại Hy Lạp, được sơn phủ với các sắc màu sống động như xanh lá cây, xanh lam, đỏ và vàng.

Tàn tích Kho lễ vật của người Siphnos, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Mô hình tái tạo 3D, Kho lễ vật của người Siphnos, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Trang trí trên diềm mái tại Kho lễ vật của người Siphnos, lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Megara (Treasury of Megara, ký hiệu 9): Được xây dựng vào cuối thế kỷ 6 – đầu thế kỷ 5 TCN, bằng đá xốp, theo kiểu dáng đền điển hình Anta. Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos); chính giữa là hai cột Doric. Gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Điện thờ là nơi chứa các lễ vật như chiến lợi phẩm và các bức tượng thờ được người Megara dâng lên thần Apollo. Tòa nhà có quy mô nhỏ. Hiên rộng 2m, Điện thờ rộng 5m. Vào giai đoạn sau, vào thế kỷ 5- 4 TCN, tòa nhà được bổ sung thêm một khối công trình mới, dạng hình thang, bằng đá vôi sẫm màu.

Tàn tích Kho lễ vật của người Megara, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Thebes (Treasury of Thebes, ký hiệu 10): Hiện chỉ còn lại tàn tích bằng đá vôi, có niên đại vào khoảng năm 371 TCN. Đây có thể là một trong những Kho lễ vật lớn nhất với thức cột Doric tại Khu vực Di sản. Công trình có mặt bằng dài 12,29m, rộng 7,21m, đặt trên hai bậc nền. Dọc xung quanh diềm mái là các bức phù điêu với các dải trang trí Triglyph. Người ta còn tiếp tục tranh luận về mô hình của tòa nhà (có thể là một tòa nhà không có cột…).

Tàn tích Kho lễ vật của người Thebes, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Boeotia (Treasury of Boeotia, ký hiệu 11): Hiện chỉ còn lại tàn tích bằng đá vôi, có niên đại vào khoảng năm 525 TCN. Tòa nhà theo kiểu dáng đền Anta với hàng hiên có hai cột Doric.

Tàn tích Kho lễ vật của người Boeotia, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Athen (Treasury of Athenians, ký hiệu 13): Được bảo tồn tốt nhất tại Khu vực Di sản. Công trình được xây dựng vào năm 507 – 470 TCN, bằng đá cẩm thạch Parian, theo kiểu dáng đền Anta. Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos); chính giữa là hai cột Doric. Gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Điện thờ là nơi chứa các lễ vật như chiến lợi phẩm và các bức tượng thờ được người Athen dâng lên thần Apollo nhân dịp sau một trận thắng lớn trong chiến tranh. Đây cũng là nơi tổ chức lễ cầu nguyện trước khi vào Đền thờ Apollo để gặp nhà tiên tri (nữ tư tế).
Tòa nhà có mặt bằng dài 9,65m, rộng 6,57m.

Tàn tích Kho lễ vật của người Athen, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Tàn tích bức phù điêu tại Kho lễ vật của người Athen, lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Cyrene (Treasury of Cyrene, ký hiệu 20): Là kho lễ vật cuối cùng được xây dựng tại Khu vực Di sản, vào năm 334- 322 TCN. Công trình được người Cyrene coi như là một biểu tượng của lòng biết ơn bởi lượng lúa mì mà cư dân thu hoạch được trong thời kỳ khó khăn. Công trình có kiểu dáng đền Anta. Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos); chính giữa là hai cột Doric. Gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Tòa nhà được xây dựng bằng đá vôi, đặt trên một bệ nền cao 3 bậc. Mái nhà bằng đá cẩm thạch. Diềm mái được trang trí bằng các đầu thú.

Tàn tích Kho lễ vật của người Cyrene, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Hình ảnh tái tạo mặt trước Kho lễ vật của người Cyrene, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Ngoài ra, tại đây còn có các Kho lễ vật khác như: Kho lễ vật của người Potiadaia (Treasury of Potidaia, ký hiệu 12); Kho lễ vật của người Cnidean (Treasury of Cnideans, ký hiệu 14); Kho lễ vật của người Corinth (Treasury of Corinthians, ký hiệu 19); Kho lễ vật của người Akanthian (Treasury of Akanthians/Acanthos, ký hiệu 26): Công trình được xây dựng vào năm 422 TCN, là biểu tượng của người Akanthian trên đảo Chalcidice để kỷ niệm chiến thắng chung của họ với người Lacedaemonian chống lại người Athen.
Đền thờ Apollo
Đền thờ Apollo (Temple of Apollo) nằm tại trung tâm của Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct).
Apollo là một trong những vị thần trên đỉnh núi Olympus trong tôn giáo Hy Lạp và La Mã cổ điển cũng như thần thoại Hy Lạp và La Mã. Apollo đã được công nhận là một vị thần bắn cung, âm nhạc và khiêu vũ, sự thật và lời tiên tri, chữa lành bệnh tật, mặt trời và ánh sáng, thơ ca…; được coi là vị thần Hy Lạp nhất trong tất cả các vị thần. Apollo là vị thần bảo trợ của Delphi và cho những người đang gặp hiểm nguy.
Đền thờ Apollo chiếm vị trí quan trọng và nổi bật nhất trong Thánh địa Delphic Panhellenic. Đây được coi là trung tâm của vũ trụ đối với người Hy Lạp. Ngôi đền không nằm tại vị trí người đời khó tiếp cận mà tại một nơi gần gũi với các vị thần.
Tòa nhà với hàng cột được phục hồi một phần ngày nay có niên đại từ thế kỷ 20 TCN. Theo các tài liệu cổ, 5 ngôi đền khác nhau đã được xây dựng trong suốt quá trình lịch sử.
Ngôi đền đầu tiên và cổ kính nhất tương tự như một túp lều và được làm từ cành cây.
Ngôi đền thứ hai được xây dựng bằng cây dương xỉ, lông và sáp ong.
Ngôi đền thứ ba được cho là làm bằng đồng, bị phá hủy do hỏa hoạn. Một truyền thuyết khác cho rằng đền bị sụt lún vào một khe nứt sâu.
Ngôi đền thứ tư bằng đá và bị hỏa hoạn vào năm 548 TCN. Đây là nơi tôn nghiêm đầu tiên thờ thần Apollo ở Delphi, được nhắc đến trong thần thoại: Apollo rời Olympus và đến thăm nhiều vùng đất trước khi quyết định chọn một ngôi nhà tại Delphi. Theo Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, tượng Nhân sư Naxos, ngự trên một cột cao để bảo vệ Đền, được xây dựng vào khoảng năm 560 TCN.
Ngôi đền thứ năm và cũng là ngôi đền cuối cùng được xây dựng vào năm 510 TCN. Một trận động đất đã phá hủy ngôi đền vào năm 373 TCN. Đền được xây dựng lại vào năm 330 TCN, bằng đá vôi với các cột bằng đá cẩm thạch Parian trắng.
Công trình theo dạng đền Peripteral: Có bố cục theo hướng đông bắc – tây nam, quay mặt về phía đông bắc; Mặt bằng hình chữ nhật; bao quanh là một hàng cột Doric (chiều rộng có 6 cột, chiều dài 15 cột); Hai đầu có hàng hiên với 2 cột Doric nằm chính giữa; Trung tâm đền là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất tại phía đông bắc; Điện thờ chia thành 3 gian, gồm một không gian trung tâm (gian giữa), hai bên là hành lang (gian bên). Phân chia gian giữa và hai gian tại Điện thờ là hàng cột Ionic.
Tại phía đông mặt ngoài của Đền có các trang trí điêu khắc mô tả thần Apollo đến Delphi trong chiến thắng trên cỗ xe bốn ngựa và điêu khắc mô tả cuộc chiến giữa các vị thần với người khổng lồ (Gigant Gasty).
Tại phía tây mặt ngoài của Đền có các bức tượng mô tả thần Dionysos (còn gọi là Bacchus, thần rượu vang, thảm thực vật, khả năng sinh sản, lễ hội, âm nhạc…) và một số các nữ thần có liên quan như Thyiades.
Bên trong Điện thờ trưng bày những chiếc khiên của người Ba Tư, được người Athen lấy làm chiến lợi phẩm từ Trận chiến Marathon năm 490 TCN; những chiếc khiên Gallic, chiến lợi phẩm của việc đẩy lùi người Gauls trong cuộc chiến năm 279 TCN; các bức chạm khắc những câu châm ngôn của các nhà hiền triết cũng như những biểu tượng thần bí.
Đền thờ Apollo tồn tại cho đến năm 390 sau Công nguyên, khi Hoàng đế La Mã Theodosius I (Theodosius the Great, trị vì năm 379 – 395) nhân danh Cơ đốc giáo đã phá hủy đền và hầu hết các bức tượng, tác phẩm nghệ thuật.
Năm 1892, cuộc khai quật đầu tiên tại Delphi, được gọi là Cuộc khai quật vĩ đại, đã diễn ra, bao gồm cả Đền thờ Apollo. Cuộc khai quật đã phát hiện ra nhiều đồ trang trí nghệ thuật dành riêng cho thần Apollo. Đáng chú ý nhất trong số các phát hiện là bức tượng đồng được gọi là "Người đánh xe của Delphi" (Charioteer of Delphi), tác phẩm điêu khắc mô tả ba người phụ nữ được gọi là " Vũ công của Delphi " (Dancers of Delphi) và Đầu tượng Nhân sư Naxos. Những di tích đặc biệt này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Khảo cổ học Delphi.
Năm 1938, các nhà khai quật đã phát hiện ra hai hốc nhỏ trong lòng đất bên dưới ngôi đền. Bên trong có các bức tượng mô tả hình người bằng vàng và ngà voi, cũng như các mảnh vàng có khắc họa động vật và nhân vật thần thoại.
Trong Đền có một chức danh nổi tiếng là Pythia (Pythoness, nữ tiên tri hay nữ tư tế). Chức danh này được thành lập muộn nhất vào thế kỷ thứ 8 TCN, một số ước tính có vào thế kỷ 14 TCN. Nữ tiên tri Pythia nổi lên vào cuối thế kỷ 7 TCN và tiếp tục cho đến cuối thế kỷ 4 sau Công nguyên. Trong thời kỳ này, các nữ tiên tri tại Delphic là nhà tiên tri uy tín và có thẩm quyền nhất trong thế giới người Hy Lạp và là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất của thế giới cổ điển.
Đền thờ Apollo tại Delphi hiện trở thành một khu bảo tồn và là một không gian thiêng liêng đại diện cho một nước Hy Lạp thống nhất về mặt chính trị, văn hóa và tôn giáo.

Phối cảnh tổng thể tàn tích Đền thờ Apollo, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Sơ đồ mặt bằng Đền thờ Apollo, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Mô phỏng mặt đứng Đền thờ Apollo, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Mô hình Đền thờ Apollo, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Nhà hát ngoài trời
Nhà hát ngoài trời (Theattre) nằm tại phía tây bắc Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct). Công trình được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 TCN, nhưng đã được tu sửa nhiều lần, đặc biệt là vào năm 160/159 TCN và vào năm 67 sau Công nguyên. Khán đài của Nhà hát ngoài trời dựa vào độ dốc tự nhiên của núi.
Vòng tròn sân khấu có đường kính 7m.
Vòng tròn khán đài chia thành hai khu vực. Khu vực phía dưới có 27 hàng ghế. Khu vực phía trên có 8 hàng ghế. 6 đường dốc bậc chia khán đài thành 7 phần. Nhà hát có sức chứa 4500 khán giả.

Tàn tích Nhà hát ngoài trời, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Nhà cộng đồng Lesche of Cnidians
Nhà cộng đồng Lesche of Cnidians nằm tại phía bắc của Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct), nơi mọi người gặp gỡ, trao đổi và hội họp.
Công trình được xây dựng vào năm 475- 450 TCN, có mặt bằng hình chữ nhật kích thước 19m x 10m, theo hướng bắc - nam, nằm trên một sườn dốc với tường chắn đất bằng đá vôi tại mặt phía nam. Trên bề mặt tường trang trí các đồ cúng tế bằng vàng mã theo mô hình Kho bạc của người Athen (Treasury of the Athenians).
Tại đây lưu giữ 2 bức tranh nổi tiếng của danh họa Polygnotus the Thasian (họa sỹ Hy Lạp, vào thế kỷ 5 TCN), đó là Capture of Troy (chiếm thành Troy) và Nekyia (chiêu hồn; liên quan đến cuộc hành trình của Odysseus tới Hades).
Ngày nay, những phần còn sót lại của tòa nhà khá lớn này chỉ là một số phần của bức tường, một số tảng đá ở phía tây, đông và gần như toàn bộ bức tường phía bắc. Có vẻ như bên trong Lesche có hai hàng bốn cột gỗ, được đặt đối xứng để nâng đỡ một kho lễ vật. Tòa nhà có nhiều cửa, có hai phòng, mái dốc, lợp ngói đất nung.
Lesche được khai quật lần đầu tiên vào năm 1894.

Phục dựng hình dáng Nhà cộng đồng Lesche of Cnidians, Delphi, Hy Lạp

Phục dựng nội thất Nhà cộng đồng Lesche of Cnidians, Delphi, Hy Lạp


Hai bức tranh tái tạo (không màu sắc) của danh họa Polygnotus the Thasian, Nhà cộng đồng Lesche of Cnidians, Delphi, Hy Lạp
Hàng hiên của người Athen
Hàng hiên của người Athen (Stoa of the Athenians) nằm tại phía nam của Đền thờ Apollo, được xây dựng sau chiến thắng của người Athen chống lại người Ba Tư, vào năm 478 – 470 TCN.
Hàng hiên của người Athen được xây dựng dựa trên Bức tường các viên đá hình đa giác (Polygonal Retaining Wall) tạo sân thượng phía đông nam của Đền thờ Apollo. Bức tường Đá đa giác, có niên đại khoảng năm 560 TCN.
Hàng hiên này nằm trên một tảng đá dài 26,5m, rộng 3,10m, gồm một hàng cột mở ra phía đông nam với 7 cột theo thức cột Ionic, cao 3,31m. Các cột này làm bằng đá cẩm thạch Pentelic và đế cột bằng đá cẩm thạch Paros. Mái nhà bằng gỗ. Khoảng cách giữa các cột là khá lớn, do đó tạo ra các khe hở cho phép tăng ánh sáng vào tòa nhà.
Trên Bức tường Đá đa giác, đặc biệt là ở phần phía tây, có chạm khắc hàm trăm chữ khắc Manumission, cung cấp một cái nhìn sâu sắc về lịch sử xã hội và nhân khẩu học Hy Lạp. Hơn 60% các chữ khắc Manumission liên quan đến các hợp đồng bán nô lệ nữ cho thần thánh.

Hàng hiên của người Athen, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Chữ khắc Manumission trên Bức tường Đá đa giác phía sau Hàng hiên của người Athen, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Hàng hiên của người Attalos
Hàng hiên hay hàng cột có mái che (Stoa) của người Attalos (Stoa of Attalos) nằm tại phía đông của Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct). Công trình có kích thước dài 32,54m, rộng 9,17m. Tòa nhà có hàng 11 cột Doric bên ngoài mở về phía nam.

Sơ đồ mặt bằng Hàng hiên của người Attalos, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Cột đỡ tượng Nhân sư Naxians
Cột đỡ tượng Nhân sư Naxians (Column of Naxians, hình vẽ ký hiệu 18), là cột Ionic bằng đá cẩm thạch, đứng tự do cao 12m, bên dưới Bức tường đa giác. Cột đỡ một sinh vật Nhân sư thần thoại có tên Naxian (được người dân đảo Naxos/Naxian cúng tiến tại Đền thờ Apollo). Sinh vật thần thoại có đầu của một người phụ nữ, thân của một con sư tử và đôi cánh của một con đại bàng. Thời cổ đại, tượng nhân sư (Sphinx) được coi là người bảo vệ lăng mộ và nơi tôn nghiêm. Cột đỡ tượng Nhân sư Naxians là một cảnh tượng hùng vĩ vào thời điểm đó.

Cột đỡ tượng Nhân sư Naxians; Bảo tàng Khảo cổ học Delphi .
Một số công trình khác:
Ngoài các di tích chính trên, tại Khu Bảo tồn linh thiêng (Sacred Precinct) còn có một số di tích khác:
Nhà hội đồng hay Nhà nguyên lão (Bouleuterion, hình vẽ ký hiệu 15), nằm gần Kho lễ vật của người Athen;
Đền chữa bệnh (Asklepieion, hình vẽ ký hiệu 16), nằm tại phía tây của Nhà hội đồng;
Tảng đá Sibyl (Rock of Sibyl, hình vẽ ký hiệu 17), nhô lên gần Bức tường đa giác;
Tòa nhà Prytaneion (hình vẽ ký hiệu 21), là một loại Kho lễ vật (Treasury), có mặt bằng đặc biệt 3 phòng so với cấu trúc cùng loại khác (loại Anta);
Giá ba chân Plataiai (Tripod of Plataiai, hình vẽ ký hiệu 22), là cột bằng đồng tạo bởi hình tượng 3 con rắn xoắn vào nhau, đỡ một cái vạc. Lễ vật này của người Athen thu được trong một trận chiến.
Ban thờ của người Chios (Altar of Chios, hình vẽ ký hiệu 24), là một ban thờ ngoài trời, được xây dựng vào thế kỷ thứ 3 TCN, bằng đá cẩm thạch trắng và trang trí bằng các hình xoắn ốc tại phía trên;
Bức tường với điêu khắc cảnh săn sư tử của Hoàng đế Alexander (Alexander's Lion – Hunt, hình vẽ ký hiệu 29) nằm trong một tòa nhà tại phía nam của Nhà hát;
Đền thờ thần Dionysion (hình vẽ ký hiệu 30), là vị thần lễ hội, nhà hát…nằm kề liền Nhà hát Delphi.

Tảng đá Sibyl nhô lên gần Bức tường đa giác, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp

Tàn tích Giá ba chân Plataiai bằng đồng tạo hình tượng 3 con rắn xoắn vào nhau, Khu Bảo tồn linh thiêng Delphi, Hy Lạp
Công trình bên ngoài Khu Bảo tồn linh thiêng
Sân vận động Delphi
Sân vận động Delphi (Stadium of Delphi) nằm tại phía tây bắc Khu Bảo tồn linh thiêng, gần với Hệ thống công sự cổ xưa Philomelos (Ancient fortifications of Philomelos). Công trình nằm trên vị trí cao nhất của Khu vực Di sản, được xây dựng trong nửa sau của thế kỷ thứ 4 TCN. Sân dài 178m và hiện là sân vận động cổ đại được bảo tồn tốt nhất tại Hy Lạp.
Công trình là một minh chứng lịch sử về sân vận động sử dụng cho Trò chơi Pythian (pythikon stadion), là một trong bốn Trò chơi Panhellenic
của Hy Lạp cổ đại:
Trò chơi Olypic (Olympic Games): Vị thần tồn vinh: Zeus; Địa điểm: Olympia , Elis; Phần thưởng: Vòng hoa ô liu (Olive wreath/Kotinos); Thời gian: 4 năm một lần;
Trò chơi Pythian (Pythian Games): Vị thần tồn vinh: Apollo; Địa điểm: Delphi; Phần thưởng: Vòng nguyệt quế (Laurel wreath); Thời gian: 4 năm một lần (hai năm Thế vận hội Olympic, giữa mỗi Thế vận hội Nemean và Isthmian); kéo dài cho đến thế kỷ 4 sau Công nguyên.
Trò chơi Nemean (Nemean Games): Vị thần tồn vinh: Zeus , Heracles; Địa điểm: Nemea , Corinthia; Phần thưởng: Vòng cây cần tây (Wild celery); Thời gian: 2 năm một lần;
Trò chơi Isthmian (Nemean Games): Vị thần tồn vinh: Poseidon; Địa điểm: Isthmia, Sicyon; Phần thưởng: Vòng cây thông (Pine); Thời gian: 2 năm một lần.
Khán đài sân vận động dựa vào sườn núi tại phía bắc. Khán đài phía nam mới được thêm vào năm 100 TCN. Sân có sức chứa khoảng 6.500 khán giả. Trong khuôn viên sân vận động đã diễn ra các cuộc thi các môn thể thao điền kinh, thi âm nhạc. Trên đường đua có tối đa 20 vận động viên có thể thi đấu đồng thời. Ranh giới điểm xuất phát được làm bằng đá. Tại phía đông có tàn tích của các cột trụ đỡ một mái 3 vòm hoành tráng.


Tàn tích Sân vận động Delphi, Hy Lạp
Nhà Gymnasium tại Delphi
Nhà Gymnasium tại Delphi (Gymnasium at Delphi) là cơ sở tập thể dục và thi đấu để rèn luyện thể chất của thành niên thời Hy Lạp Cổ đại. Công trình nằm tại phía đông Khu vực Di sản, qua thung lũng sông.
Khu phức hợp được xây dựng từ thế kỷ thứ 4 TCN, bao gồm: Nhà thi đấu và sân vận động có mái che (Xystus), Phòng tập thể dục (Palaestra) cùng với các tòa nhà phụ trợ như phòng thay đồ và phòng tắm.
Tòa nhà Xystus rộng 9m, dài 185m, là nơi tập chạy. Hiên nhà (Portico) được tạo bởi 83 cột Doric. Bên trong nhà trải đầy cát phục vụ cho việc luyện tập.
Các tòa nhà tập thể dục và phụ trợ có quy mô nhỏ nằm tại bậc nền phía dưới.
Tại đây có một bể chứa nước tắm hình tròn đường kính 10m, sâu 1,8m. Nước cấp cho nhà tắm từ con suối kề liền.

Tổng thể tàn tích Nhà Gymnasium tại Delphi, Hy Lạp

Tàn tích Nhà Gymnasium với bể tắm hình tròn tại Delphi

Mô hình Nhà Gymnasium tại Delphi, Hy Lạp
Đền Athena Pronaia
Đền Athena Pronaia (Temple of Athena Pronaia) nằm tại phía nam Tòa nhà Gymnasium, là một quần thể công trình bằng đá dành riêng cho Athena (nữ thần Hy Lạp, biểu tượng của trí tuệ, nghề thủ công và chiến tranh. Sau này đồng hóa với nữ thần La Mã Minerva). Quần thể đền dừng hoạt động vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, khi tất cả các đền thờ ngoại giáo bị người La Mã đóng cửa.

Tàn tích Đền Athena Pronaia tại Delphi, Hy Lạp

Sơ đồ tổng mặt bằng Quần thể Đền Athena Pronaia tại Delphi, Hy Lạp
Các công trình chính trong Quần thể gồm:
Đền Athena Pronaia cổ (Old temple of Athena Pronaia, hình vẽ ký hiệu 3) được xây dựng bằng đá xốp vào năm 510 TCN, sau khi một ngôi đền cũ tại đây bị phía hủy do động đất. Đền theo dạng điển hình mang tên Peripteral, song không có hàng hiên phía sau (Opisthodomos), có kích thước 13m x 27m. Bao quanh Đền là 12 cột tại cạnh dài và 6 cột tại cạnh ngắn. Tại không gian điện thờ (Naos/Cella) có một hiên nhỏ với 2 cột phía trước. Đường diềm mái (Metopes), các đầu hồi (Pedotes) và góc nhà (Acroteria) đều được trang trí.
Đền Athena Pronaia muộn (Latest temple of Athena Prianaia, hình vẽ ký hiệu 7) được xây dựng bằng đá vôi vào khoảng năm 373 TCN, nằm ở phía tây của Quần thể. Công trình hiện chỉ còn lại nền móng, bậc nền và bệ cột đỡ 6 cột trên hàng hiên mặt tiền. Điện thờ có tường bao kín xung quanh, cách biệt với hàng hiên bởi một cách cổng theo phong cách Ionian. Dọc theo bức tường phía sau là các bức tượng xếp thành dãy.
Đền Tholos tại Delphi (Tholos of Delphi, hình vẽ ký hiệu 6) nằm kề liền Đền Athena Pronaia muộn, được xây dựng vào khoảng năm 390 - 380 TCN. Đền có dạng điển hình mang tên Tholos với mặt bằng hình tròn. Bao quanh Đền là hàng hiên có 20 cột Doric đỡ diềm mái với các chi tiết trang trí có tên Triglyph (viên đá ốp với các gờ dọc) và Metope (tác phẩm điêu khắc) xen kẽ nhau. Điện thờ có mặt bằng hình tròn với một cửa ra vào duy nhất. Tường bao tròn của Điện thờ được trang trí bởi các bức phù điêu. Bên trong Điện thờ có các hàng cột kiểu Corinthian gắn vào bề mặt tường. Tòa nhà là sự kết hợp đa dạng phong cách: Doric và Corinthian; đa dạng việc sử dụng vật liệu: Đá vôi tại phần móng và đá cẩm thạch tại phần bên trên. Đường diềm mái của tòa nhà được trang trí bởi những bức tượng phụ nữ với nét chạm khắc sống động.

Tàn tích Đền Tholos với 3 cột Doric được tái tạo, Quần thể Đền Athena Pronaia tại Delphi, Hy Lạp

Sơ đồ cấu trúc xây dựng Đền Tholos, Quần thể Đền Athena Pronaia tại Delphi, Hy Lạp
Kho lễ vật của người Massilia (Treasury of Massilia/Marselles, hình vẽ ký hiệu 5) nằm kề liền Đền Tholos. Công trình được xây dựng vào năm 510 TCN, bằng đá cẩm thạch, theo một kiểu đền Anta. Gian ngoài như là một hiên với hai bức tường hai bên (Pronaos); chính giữa là hai cột được cho là tiền thân của cột Corinthian. Gian trong là Điện thờ (Naos/Cella) với một lối vào duy nhất. Công trình có kích thước 6,1m x 8,6m, cao 7,8m. Công trình được trang trí bởi các tác phẩm điêu khắc như: Cỗ xe được kéo bằng 4 con ngựa; bức phù điêu với hơn 140 hình tượng các cảnh chiến đấu...

Tàn tích Kho lễ vật của người Massilia, Quần thể Đền Athena Pronaia tại Delphi, Hy Lạp
Ngoài tàn tích của các công trình trên, Quần thể còn có các di tích: Kho lễ vật cổ (Archaic temples or treasuries, hình vẽ ký hiệu 1) nằm ngay tại cổng ra vào; Bệ thờ (Altars, hình vẽ ký hiệu 2) được xây dựng vào thế kỷ 6 TCN); Kho lễ vật của người Doric (Doric Treasury, hình vẽ ký hiệu 4); Tòa nhà Priests (Priests House, hình vẽ ký hiệu 8).
Bảo tàng Khảo cổ học Delphi
Bảo tàng Khảo cổ học Delphi (Delphi Archaeological Museum) nằm tại phía tây nam Khu Bảo tồn linh thiêng. Đây là một trong những bảo tàng chính của Hy Lạp và là một trong những nơi được ghé thăm nhiều nhất.
Bảo tàng được thành lập vào năm 1903, lưu giữ những khám phá khảo cổ tại khu Thánh địa Delphi, có niên đại từ cuối thời kỳ Helladic (Mycenean, năm 3200 TCN – 1050 TCN) đến đầu kỷ nguyên Byzantine (Đế chế Đông La Mã, năm 395–1453).
Những năm 1935 - 1939, 1958, Bảo tàng được bổ sung thêm không gian triển lãm mới.
Từ năm 1999 đến năm 2003, Bảo tàng được cải tạo lại, bao gồm cả việc xây dựng một mặt tiền mới theo phong cách đương đại.
Các bộ sưu tập của Bảo tàng Khảo cổ học Delphi được sắp xếp theo thứ tự thời gian trong 14 phòng ở hai tầng.
Một số hiện vật nổi tiếng gồm: Người đánh xe ngựa của Delphi (Charioteer of Delphi, bức tượng bằng đồng, kích thước như người thật, cao 1,8m, được tìm thấy vào năm 1896 tại Thánh địa Apollo); Các trang trí kiến trúc như phù điêu của Kho bạc Siphnian (Sicyonian Treasury) và các Biểu tượng lễ vật (votos) như tượng Nhân sư của người Naxos (Sphinx of Naxos)…

Mặt trước Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp

Sơ đồ mặt bằng tầng hai, Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp

Bức tượng Người đánh xe Delphi, Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp

Bức tượng Vũ công của Delphi, Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp

Các bức tượng tại Khu vực Di sản được lưu giữ trong Bảo tàng Khảo cổ học Delphi, Hy Lạp
Di sản Địa điểm khảo cổ học Delphi, tại quận Phokis, vùng Trung Hy Lạp đã trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho văn học và hội họa tại Hy Lạp cũng như Châu Âu. Tầm quan trọng của Delphi đối với người Hy Lạp là rất đáng kể. Delphi trở thành địa điểm nổi bật trong cuộc sống, ngôn ngữ của người Hy Lạp và luôn là một địa danh thần bí cổ tích đặc sắc.
Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD
Nguồn :
https://whc.unesco.org/en/list/393/
https://en.wikipedia.org/wiki/Greece
https://en.wikipedia.org/wiki/Central_Greece_(region)
https://en.wikipedia.org/wiki/Phocis
https://en.wikipedia.org/wiki/Phocis_(ancient_region)
https://en.wikipedia.org/wiki/Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Python_(mythology)
https://en.wikipedia.org/wiki/Pythia
https://www.newtestamentredux.com/inscription/the-final-day-in-the-life-of-a-slave/
https://en.wikipedia.org/wiki/Delphi_Archaeological_Museum
https://en.wikipedia.org/wiki/Sphinx_of_Naxos
https://en.wikipedia.org/wiki/Tholos_of_Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Tholos_(architecture)
https://en.wikipedia.org/wiki/Athenian_Treasury
https://en.wikipedia.org/wiki/Sicyonian_Treasury
https://en.wikipedia.org/wiki/Megarian_Treasury_(Delphi)
https://en.wikipedia.org/wiki/Boeotian_Treasury
https://en.wikipedia.org/wiki/Treasury_of_Cyrene
https://en.wikipedia.org/wiki/Treasury_of_the_Acanthians
https://en.wikipedia.org/wiki/Votive_offering
https://en.wikipedia.org/wiki/Stoa_of_the_Athenians
https://en.wikipedia.org/wiki/Manumission_inscriptions_at_Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Apollo_(Delphi)
https://en.wikipedia.org/wiki/Lesche_of_the_Knidians
https://en.wikipedia.org/wiki/Stadium_of_Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Gymnasium_at_Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Temple_of_Athena_Pronaia
https://en.wikipedia.org/wiki/Tholos_of_Delphi
https://en.wikipedia.org/wiki/Treasury_of_the_Massaliots_(Delphi)
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Á và châu Đại Dương
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Âu
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Mỹ
Danh sách và bài viết về Di sản thế giới tại châu Phi
|